Bảo tàng lịch sử của thành phố bao la rộng lớn với nhiều phòng trưng bày. Bước một chân vào thôi cũng đủ ngửi thấy mùi hương dân tộc.
"Ê coi tấm ảnh đó kìa! Người ta đang làm gì vậy?"
"Lại đằng kia đi!"
"Á, cậu giẫm phải chân tớ"
Học sinh được di chuyển tự do nên không khí trong bảo tàng trở nên náo động. Cô Ly phải nhiều lần nhắc nhở học sinh của mình giữ trật tự.
Chùm tóc đuôi gà của Ái Nhi cột gọn ra sau. Chiếc ba lô to đùng trên vai làm người khác có cảm giác cô bé như học sinh cấp 2 bị lạc bố mẹ.
Ngọc Ánh với Hải Nam đi tham quan chung với nhau. Cô không muốn mình làm "bóng đèn" nên tự tách ra.
Xui thay, Ái Nhi nhỏ con nên không thể chen vào biển khách tham quan. Tầm mắt của người lùn chỉ nhìn thấp thoáng các bức ảnh trắng đen chứ khó mà đọc được chữ chú thích bên dưới.
Đang ngơ ngác thì vô tình thấy một cụ bà chống gậy đi ngang qua. Bà mặc một chiếc áo đã sờn cũ, đi chân đất. Dáng đi khấp khiểng trông mông lung vô cùng.
Ái Nhi nhướn người lên gọi:
- Bà ơi trong này đông lắm! Bà cẩn thận coi chừng ngã!
Bà lão chầm chậm quay lưng lại, nói bằng chất giọng run run của người cao tuổi:
- Đi theo bà... Bà kể cho nghe...
- D-Dạ?
.
.
.
Chen qua dòng người để theo chân bà lão, Ái Nhi được đưa đến một căn phòng lớn. Các bức tường được sơn đỏ dưới ánh đèn mập mờ. Nhưng kì lạ là, trong đây không có lấy một bóng người.
Cứ có cảm giác lạnh sống lưng.
Bà lão hiền từ chỉ lên các bức hình đen trắng nói:
- Kia là hai đứa con trai của bà... khụ khụ...
Cô bé đưa mắt nhìn lên. Trong ảnh là hai người lính khoác vai nhau cười vui vẻ. Ái Nhi thắc mắc:
- Các con của bà đi lính ạ?
- Ừ! Chúng nó hy sinh trên chiến trường rồi... Chúng nó bảo vệ tổ quốc này...
Bà chậm rãi bước đến gần bức tường rồi sờ vào nhiều tấm ảnh khác nhau. Tiếng cây gậy cứ kêu cộp cộp dưới chân.
- Chiến tranh qua đi chỉ còn nỗi đau ở lại...
Giọng nói của bà lão xen lẫn một chút nghẹn ngào, giống như đang cố kìm nén cảm xúc.
Cô gái nhỏ bỗng thấy xót xa. Tấm lưng gầy yếu đã nặng trĩu vì ba lô, giờ còn nặng hơn gấp trăm lần.
"Hic... Nếu mình mà mất thì bố mẹ cũng đau lòng lắm. Bố mẹ sẽ mất ăn mất ngủ, thậm chí khóc đến cạn nước mắt".
Huống chi bà lão mất cả hai người con mà mình yêu thương, chăm bẵm từ khi mới lọt lòng.
- Cháu rất tiếc ạ...
Miệng cô bé cười lên để cổ vũ bà lão. Nhưng khóe mắt đã rưng rưng từ bao giờ.
Bà thấy Ái Nhi còn nhỏ mà ngoan ngoãn liền xoa đầu cô bé khen ngợi:
- Lớp trẻ bây giờ hiếm khi đến đây để tìm hiểu. Hôm nay thấy các cháu náo nhiệt như vậy, bà rất vui.
Đúng thật là họ đã quá vô tâm với lịch sử nước nhà. Bảo tàng thành phố ngày thường vắng lắm sao?
- Bà ơi, vậy bây giờ bà sống với ai ạ?
- Bà chỉ có một mình. Chồng con thì đã hy sinh hết rồi. Đời này của bà chỉ cống hiến cho đất nước. Mong kiếp sau, bà sẽ có một cuộc sống hoàn chỉnh hơn.
"Hức"
Ái Nhi không ngăn được tiếng nấc nhẹ từ cổ họng.
Có những người vô danh, dũng cảm xả thân vì độc lập dân tộc. Họ không hề trông mong được đời sau đền đáp, chỉ một lòng một dạ hướng về tổ quốc thân yêu.
Bình yên của ta được đánh đổi bằng xương máu của đồng bào. Đường đi dưới chân ta được xây nên bằng hài cốt của những chiến binh. Có thể nhìn thấy bố mẹ, bạn bè hằng ngày đúng là một niềm hạnh phúc.
Vậy mà lúc đầu không biết trân trọng, còn nói là đi Bảo tàng chán ngắt...
Bỗng giọng nói già cắt ngang mạch suy nghĩ của cô bé.
- Nấp đi! Bom tới rồi!
Bà lão hoảng loạn ôm Ái Nhi vào lòng. Cô gái nhỏ giật mình, nước mắt trào ra vì xót thương.
- S-Sao ạ? Bom? Bà ơi! Hòa bình rồi mà!
- Bom đang rơi kìa!
- Không đâu! Chiến tranh đã kết thúc từ lâu rồi bà!
"Đùng!"
Một tiếng nổ lớn vang lên như muốn thiêu rụi tất cả mọi thứ.
Cô gái nhỏ thấy rõ cơ thể bà lão cháy rực ngay trước mắt...
.
.
.
- A!
Ái Nhi choàng tỉnh, miệng thở gấp.
Cô đang nằm trong phòng y tế của bảo tàng. Các bạn học sinh vây quanh. Gần nhất là Trần Long Vũ, gương mặt thanh tú bị điểm những nét lo âu. Cậu nắm tay Ái Nhi hỏi dồn:
- Cậu có sao không?
"Bạn ấy dậy rồi cô ơi!"
"Thấy chưa? Đã bảo là nhỏ đó chỉ ngủ thôi mà"
Cô gái nhỏ hoảng loạn khóc nấc lên, tiện tay choàng lấy cổ Long Vũ. Chàng trai trẻ bị ôm chặt nơi công cộng thì hoảng hốt, các tế bào cơ thể như đông cứng lại.
Cả lớp hét như điên vì cái ôm càng làm cậu rối trí hơn.
Tay Ái Nhi giữ chặt Long Vũ không buông. Cô vừa khóc lớn vừa nói:
- Tớ ghét chiến tranh lắm!
Cả gian phòng đột nhiên im lặng sau câu nói của cô bạn, nhớ lại các hình ảnh khốc liệt vừa được xem ở ngoài.
Không ngờ lần đầu tiên được Ái Nhi chủ động ôm lại trong hoàn cảnh này. Bàn tay thon dài của Long Vũ vuốt nhẹ tấm lưng của cô bé, dường như cậu hơi run.
Tông giọng dịu dàng, an ủi:
- Được rồi, bình tĩnh, tớ đây! Cậu vừa mơ thấy ác mộng à?
Ái Nhi gật đầu, tay xiết chặt hơn. Chút lực nhỏ này không đủ làm cậu khó thở. Nhưng sao lại có cảm giác như lá hai phổi vừa bị đâm thủng.
Hơi thở ấm nóng tràn qua vai và xương quai xanh khiến trái tim Long Vũ đập mạnh như muốn chết đi sống lại. Cậu hít thở sâu rồi nhẹ nhàng xoa đầu cô.
- Cậu thấy không ổn thì mình lên xe ngồi trước ha?
...----------------...
Ái Nhi ngồi trên xe cố gắng lau những giọt nước giàn dụa trên mắt.
Cô không biết bà lão đó là ai và căn phòng đó có thật hay không. Điều duy nhất cô cảm nhận được là sự tàn bạo của chiến tranh.
Tiếng nấc cứ vang lên mãi không dịu dứt.
Long Vũ bước lên xe đưa một chai nước mát.
- Nè, uống đi! Tớ mới mua đó!
- Hức... cảm ơn cậu...
Chàng trai trẻ nghĩ gì đó trong đầu rồi ngồi xuống kế bên Ái Nhi. Cậu đỏ mặt nói:
- Tớ ngồi đây luôn cho, để chút nữa Ngọc Ánh ngồi với Hải Nam đi.
Hiếm khi Vũ chủ động ngồi gần như vậy. Cặp má bánh bao của cô gái nhỏ đỏ chót.
- Ơ... ừm... cậu lo cho tớ hả?
- Đâu có! Tớ sợ cậu lại khóc nước mắt nước mũi tèm lem ra áo người khác giống lúc nãy. Tội Ngọc Ánh!
Ái Nhi bị chọc quê liền nín khóc. Tay đấm liên tục vào vai Long Vũ mắng:
- Tèm lem hồi nào hả? Đồ khùng chết trôi này!