"Vậy còn mẹ anh thì sao? Từ lúc làm ở đây tôi chưa từng thấy bà ấy đến thăm anh bao giờ."
Nhắc đến mẹ như nhắc đến vết thương lòng, Dĩ Lâm bâng quơ đáp: "Bà ấy không đến mới tốt."
Vì mỗi khi mẹ xuất hiện đều mang cho anh một bất ngờ to lớn, Dĩ Lâm chỉ mong rằng nửa đời sau của mình và mẹ không nên gặp nhau, mỗi người một thế giới sẽ tốt biết bao. Lần này, Tầm Phương không thể hiểu suy nghĩ của anh, cô cho rằng anh đang giận mẹ mình chuyện gì đó mới thốt ra lời nói phũ phàng. Trên đời này, làm gì có người mẹ nào không thương con mình chứ?
Cả ngày dài ròng rã, Dĩ Lâm đều im lặng, tựa hồ những âm thanh sôi động ngoài kia không thể lọt vào thế giới của anh. Tối hôm đó, Tầm Phương tan làm trong lo lắng. Khi về đến nhà, vừa hay cậu bé Hoàng Nhân đang ngồi trên sofa xem hoạt hình, trên màn hình ti vi xuất hiện hình ảnh chú heo hồng lắc lư cái đuôi hình bông hoa, nhảy nhót xung quanh hồ nước. Tầm Phương không nhịn nổi tò mò hỏi em trai:
"Bộ phim này tên gì vậy Nhân?"
Cậu bé Hoàng Nhân hơi sửng người, song vẫn trả lời chị gái: "Heo Con Và Đám Mây Xanh. Chị hỏi làm gì?"
Tầm Phương đặt tay lên trán, thở dài chán nản: "Không có gì."
"Chị có tâm sự hả?"
Cậu bé bò qua chỗ chị gái nằm, áp sát gương mặt tròn như bánh bao của mình đến gần. Cùng lúc đó, ti vi phát đến đoạn hội thoại giữa chú heo hồng và mèo rừng.
"Là mình đây! Mình là heo Pi Pa, Pi Pa sẽ chinh phục đỉnh núi, nhìn ngắm bầu trời rộng lớn!"
"Yeah! Mình cũng vậy. Mình là mèo Bim, sẽ cùng Pi Pa chinh phục đỉnh núi!"
"Chúng mình là số một!"
Hình ảnh đôi bạn thú nắm tay nhau đập vào mắt Tầm Phương đau xót, cô nhớ đến những lời nói của Dĩ Lâm ban sáng:
"Hồi nhỏ mẹ tôi đi suốt, chả mấy khi ở nhà, ông ngoại cũng vậy."
"Mấy đứa nhỏ đó chê tôi không có cha, nên không đứa nào chịu chơi với tôi hết."
Trước kia, Tầm Phương từng đọc một bài viết trên mạng, rằng: "Tác phẩm là tấm gương phản chiếu người tạo ra chúng, bản sao hoàn hảo khắc họa tâm hồn thi sĩ. Một người khát khao được yêu sẽ tạo nên câu chuyện tình cảm. Người thống hận nhân gian sẽ vẽ ra thế giới vô sắc". Nếu những gì trên mạng viết là thật, thì một người cô độc sẽ vẽ thế giới tràn đầy tiếng cười bên bạn bè, người thân. Đây là anh sao? Thế giới nội tâm không thể phơi bày bằng lời nói, nương nhờ từng nét vẽ đáng yêu bộc bạch nỗi cô đơn. Tầm Phương xót xa, dường như khoảng cách giữa mình và anh đang tiến gần nhau hơn. Cô có thể thông qua màn hình ti vi cảm nhận được tâm tư của anh. Điều đó thật nằm ngoài tầm kiểm soát của Tầm Phương.
Hoàng Nhân thấy mắt chị đỏ lên, cậu bé cuống quýt hỏi: "Chị bị sao vậy? Ở chỗ làm ai ăn hiếp chị phải không? Chị nói đi, để em đi xử đứa đó."
Tầm Phương mỉm cười, bẹo má cậu nhóc: "Con nít thì đánh lại ai hả?"
"Em có nói đánh đâu, tới đó nhìn rõ mặt tên kia, đợi mười năm sau em lớn quay lại tìm hắn tính sổ. Chứ ngu gì mà vác mặt tới đó cho người ta đập." Cậu bé phụng phịu chu cái môi nhỏ, nằm sấp trên người chị gái thưởng thức bộ phim hoạt hình yêu thích. Nằm xem được một lúc, Tầm Phương buộc miệng hỏi.
"Nhân nè, nếu bạn của em buồn thì em làm cái gì để bạn hết buồn hả?"
Hoàng Nhân ngẩng đầu, chớp chớp đôi mắt to có phần buồn ngủ. Cậu bé ngồi thẳng lưng, xếp bằng, khoanh tay trước ngực, sờ cằm như ông cụ non ngẫm nghĩ.
"Hừm... vụ này không khó. Thường thì bạn em giận, em sẽ cho bạn đồ ăn ngon."
"Như thế là xong rồi sao?"
Hoàng Nhân gật đầu: "Còn gì nữa. Trên đời này không có ai địch nổi sức hút mãnh liệt của đồ ăn đâu. Mỗi lần bạn giận là em cho bạn đồ ăn, xong qua ngày mai bạn chơi lại với em à. Đó là kinh nghiệm sống sáu năm trên đời của em, quý lắm mới nói cho chị nghe đó."
Thật đúng là một ông cụ non! Sáu năm mà cứ ngỡ là sáu mươi năm. Tầm Phương cười nắc nẻ, bó tay với thằng em nhà mình.
Sáng hôm sau, Tầm Phương vào tiệm bánh ngọt gần nhà chọn mua vài chiếc bánh Macaron. Cô nghĩ, anh không nhìn thấy, ăn các loại bánh khác sẽ gặp khó khăn, riêng Macaron thì không. Vì thế, cô mới chọn loại bánh tròn tròn nhiều màu sắc đó, chỉ mong chúng làm tâm trạng anh khá hơn hôm qua một chút.
Khi Tầm Phương đến trời vẫn chưa sáng hẳn, điểm giao nhau giữa mặt đất và bầu trời từ từ ửng hồng lan rộng ra một khoảng. Cô xách theo túi bánh bước vào cửa lớn, người dậy sớm nhất vẫn là dì Thông, thấy Tầm Phương dì hơi bất ngờ, cây chổi trong tay dừng lại vài phút.
"Sao hôm nay con tới sớm quá vậy? Còn nửa tiếng nữa mới đến sáu giờ rưỡi mà."
Mọi khi Tầm Phương đều giữ thành tích đến chỗ làm ấn tượng. Cô vào ca lúc sáu giờ rưỡi, đúng sáu giờ hai tám phút sẽ nhìn thấy bóng dáng cô thấp thoáng ngoài cổng lớn. Chẳng biết hôm nay vì cớ gì, một người tuân thủ giờ giấc như Tầm Phương lại đi làm sớm tận ba mươi phút?
Tầm Phương cười rạng rỡ, lướt qua người dì Thông, nói lớn: "Hôm nay con vui nên đi làm sớm đó dì."
Dì Thông đứng như trời trồng dõi theo bóng lưng cô gái trẻ khuất sau ngã rẽ hành lang, khó lòng che giấu niềm vui sướng đang trào dâng trong lòng. Dì nắc nởm:
"Tuổi trẻ thích thật đó. Hồi đó mình bằng tuổi bọn nó mà chẳng làm được tích sự gì." Nếu có cơ hội quay về những năm thanh xuân phơi phới, dì Thông sẽ dùng sức trẻ của mình làm những việc ý nghĩa.
Tầm Phương sải bước dài, xách theo túi bánh ngân nga câu hát cũ, tự nhiên mở cửa vào phòng ngủ Dĩ Lâm. Cô muốn trước khi anh tỉnh dậy tạo một bất ngờ nhỏ. Theo thường lệ, Dĩ Lâm sẽ dậy lúc sáu giờ bốn mươi phút sáng, vì thế hơn nửa tiếng này Tầm Phương có dư giả thời gian chuẩn bị.
Vậy nhưng, người tính không bằng trời tính, hôm nay Dĩ Lâm dậy sớm hơn mọi ngày, khi Tầm Phương đẩy cửa bước vào đúng lúc trông thấy anh khỏa thân đứng giữa phòng. Cô dừng bước, túi bánh ngọt rơi xuống sàn nhà phát ra âm thanh không quá to, đủ để người trong phòng nghe thấy. Theo phản xạ có điều kiện, cả hai đồng thanh hét toáng lên, một người bịt mắt, một người bảo vệ cậu "em trai ruột" khỏi phường háo sắc.
Tầm Phương thét lớn, mặt đỏ như tôm luộc: "Đồ d.â.m dê, bệnh hoạn, biến thái... Sáng sớm đã làm cái trò đồi bại gì vậy hả?"
Dĩ Lâm cũng thét, so với cô còn ngại hơn gấp bội: "Đồ mất nết, háo sắc, sáng sớm chạy vào phòng người ta làm cái gì? Không được nhìn, cô mà nhìn là tôi cắn lưỡi chết liền. Hơn hai mươi bảy năm trinh tiết của tôi coi như mất trắng."
"Con khỉ khô. Tôi có thèm đàn ông quá thì ra bỏ vài trăm một đêm là có ngay. Mắc mớ gì phải chạy tới đây nhìn trộm anh? Hơn nữa... một mình anh có con cò à? Hay con cò anh dát vàng trên thân? Có gì quý đâu mà che đậy?"
Tuy cứng miệng là thế, nhưng gương mặt nóng bừng bừng không cách nào hạ hỏa của Tầm Phương đang bố cáo thiên hạ, chủ nhân của nó sắp ngượng chết rồi. Đã lớn đến từng này, riêng cái đó của đàn ông là lần đầu cô được thấy, lại còn Full HD không che, nên khó tránh khỏi một phen hoảng hốt. Tầm Phương nhặt túi bánh, quay lưng đóng sầm cửa bỏ ra ngoài. Mặc kệ người bên trong đang gầm rú thứ âm thanh điên dại.
Mẫu truyện nhỏ số 2.
Ngày... tháng... năm...
Tôi là người làm lâu nhất, đồng thời là người chăm sóc cậu bé Lâm khi ông chủ và cô chủ vắng nhà. Tôi thương cậu bé như con cháu mình, lắm lúc bắt gặp cảnh nhóc Lâm nhìn các bạn chơi đùa bên ngoài bằng ánh mắt ngưỡng mộ. Tôi đau lòng lắm!
Ngày... tháng... năm...
Cậu nhóc năm nào giờ đã lớn khôn rồi, tôi cũng già hơn xưa rất nhiều, chân tay không còn nhanh nhẹn nữa. Người làm trong nhà đã được thay thành người trẻ tuổi, chỉ giữ lại mỗi mình bà già này. Lý do vì cậu nhóc Lâm ăn cơm tôi nấu quen rồi, người khác nấu cậu nhóc chê.
Ngày... tháng... năm...
Hôm nay, xem phim hoạt hình gì đó mà tụi con nít khoái, thiệt không hiểu gì hết trơn hết trọi. Con heo sao biết đi hai chân? Biết nói tiếng người mới tài. Giới trẻ giờ khó hiểu quả.
Mà được cái, nhóc Lâm vẫn là con nít, còn thích hoạt hình lắm nè.
Ngày... tháng... năm...
Đêm đó tôi nhận được tin dữ, tức tốc chạy đến bệnh viện, chỉ thấy cả người cậu nhóc tôi chăm lớn toàn là máu, có lau thế nào cũng không sạch. Ông ngoại của cậu nhóc chưa đến, tôi đã ngất xỉu được y tá đưa vào phòng nghỉ. Nghĩ lại nếu đêm đó cậu nhóc không qua khỏi, chắc tôi cũng chẳng sống nổi.
Ngày... tháng... năm...
Lúc bé trầm tính bao nhiêu thì lớn nóng tính bấy nhiêu.
Đây đã là người thứ năm bị đuổi rồi. Ông chủ nói muốn tìm thêm người phụ tôi chăm sóc cậu nhóc, ấy vậy mà chẳng có ai làm quá ba tuần.
Cho đến ngày kia, tôi đứng ngoài sân tận mắt trông nhìn thấy cô bé đi cùng Thanh Vân. Chưa thấy ai đến xin việc lại hiên ngang, dạn dĩ như cô bé đó. Khoảnh khắc ấy tôi nhận ra, ông chủ không cần tuyển người mới nữa rồi.
Ngày... tháng... năm...
Nhóc Lâm nhà tôi đã vui vẻ hơn nhiều, hôm nay còn ăn tận ba chén cơm.
Chỉ có điều nó và cô nhóc Phương hợp lại thì y như cái chợ, tôi trốn dưới tầng trệt vẫn nghe tiếng hai đứa nó rủa nhau.
Theo ngôn ngữ Gen Z, thì đây gọi là chung hệ điều hành, cùng tần số. Thiếu nhau là buồn!
Vài ngày sau.
Không biết hai đứa này bị gì? Mới sáng ra đã hú hét ầm, trời bàn luận về thế giới động vật nữa chứ.
Con Cò con Công gì đó, tôi còn nghe cái gì trinh tiết. Quái lạ, con Cò cũng có trinh tiết nữa hả? Tra google không ra.