Tầm Phương bực dọc đá văng viên sỏi cạnh lề đường bay xa mấy mét, thốt ra mấy chửi thề ít ỏi nhưng vô cùng cay nghiệt. Cùng lúc này từ phía sau có người gọi tên cô: "Phương ơi!"
Tầm Phương quay phắt lại, trông thấy Thanh Vân đang chạy đến chỗ mình. Cô kín kẽ giấu nhẹm tâm tư rối rắm sau lớp mặt nạ bình thản, nhẹ giọng hỏi: "Gọi mình có gì không?"
Thanh Vân đứng cách Tầm Phương chừng hai bước chân, hai tay chống hông thở hòng hộc. Gương mặt đỏ bừng do cháy nắng, câu từ đứt quãng.
"Cậu vào trong đi, ông chủ đang tìm đấy. Chắc, chắc là nói về chuyện lương thưởng rồi."
Nhắc đến tiền lương, hai mắt Tầm Phương lóe lên tia sáng hy vọng. Dù nhỏ nhoi, song cô vẫn muốn thử một lần. Được ăn cả ngã về không.
Cô siết chặt tay Thanh Vân, khẩn thiết nói: "Vân! Bạn chí cốt của mình ơi, cho mình mượn tiền đi."
"Bao nhiêu?"
"Bảy mươi."
"Tưởng bao nhiêu."
Thanh Vân chậm rãi móc ra bảy mươi ngàn dí vào tay Tầm Phương. Cô nhíu mày không nhận, đẩy trả về.
"Bảy mươi triệu chứ không phải bảy mươi ngàn."
Cô đã tính rồi, sau khi nhận lương trả nợ sợi dây chuyền, thu chi sinh hoạt, Tầm Phương còn ba mươi triệu, cô cần bảy mươi triệu bù vào số tiền thiếu hụt đúng với yêu cầu ông Tín. Cô vốn không muốn đưa cho ông ta một đồng nào, nhưng vì an toàn của em trai, lại sợ ông ta sẽ làm ra chuyện điên rồ nào nữa, Tầm Phương chỉ có thế thuận theo ý người đó, đưa tiền và rước cậu bé về nhà. Cô không nói lý do cho Thanh Vân biết, tránh để cô bạn lo lắng.
Thanh Vân nhảy dựng lên: "Bà nội ơi! Mình lấy đâu ra bảy mươi triệu cho cậu mượn? Bán thận chưa chắc gì được từng ấy tiền." Chân tay cô luống cuống: "Với lại, tiền lương mình vừa chuyển cho bạn trai rồi. Anh ấy nói đang cần tiền để hùn vốn làm ăn nên..."
Tầm Phương thở dài, lắc đầu nói: "Không sao, mình tiếp cách khác."
Cô đi lướt qua Thanh Vân. Vừa vào phòng khách đã nhìn thấy ông cụ ngồi trên ghế sofa gật đầu, vẫy tay gọi mình:
"Phương đến đây, ông có chuyện muốn nói với con!"
"Dạ!" Tầm Phương ngoan ngoãn ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh, hai lòng bàn tay đặt lên đầu gối âm thầm toát mồ hôi.
Ông cụ lên tiếng: "Một tháng qua con làm rất tốt, không biết có khó khăn gì trong quá trình con làm việc hay không?"
Theo phản xạ Tầm Phương lắc đầu: "Không ạ!"
Ông cụ mỉm cười tỏ vẻ hài lòng: "Dì Thông nói con là người chu đáo, có tính trách nhiệm cao, lại thân thiết với thằng Lâm. Ông nghe cũng thấy vui lây!"
Tầm Phương không dám nhìn vào mắt ông cụ, cô thầm nghĩ trong lòng: "Mình thân thiết với anh ta lúc nào kia chứ? Dì Thông thật là biết cách ăn nói." Song, cô không mang những suy nghĩ đó nói ra ngoài. Tầm Phương lẳng lặng lắng nghe lời nói của ông cụ, cứ vài câu sẽ gật đầu phụ họa.
Tầm Phương chờ thời cơ thích hợp xin thôi việc, đầu óc bận rộn sắp xếp câu từ chặt chẽ, có tính thuyết phục nhất. Thế nhưng, ông cụ cứ nói mãi không ngừng, đến cùng lại hỏi cô một câu:
"Con thể dọn tới đây sống vài tuần không?"
Cả người Tầm Phương mụ mẫm không nhớ ông đã nói những gì. Từ nãy đến giờ trong đầu cô chỉ có cuộn len rối bời và hai câu hỏi: Chính là làm sao để gom đủ tiền? Và xin thôi việc như thế nào? Những thứ khác hoàn toàn không lọt vào tai. Có lẽ, nhìn thấy sự do dự trong đôi mắt Tầm Phương, ông cụ khẽ thở ra, nhắc lại.
"Chuyện này đúng là hơi khó đối với con. Nhưng ông thật sự không yên tâm khi trong nhà chỉ có mình dì Thông. Bà ấy cũng già cả rồi, chẳng may nửa đêm xảy ra chuyện gì thì sao? Con còn trẻ, chân tay nhanh nhảu sẽ giúp ích được rất nhiều. Con yên tâm! Ông sẽ tính thêm tiền lúc con ở lại. Trong kế hoạch ông chỉ đi công tác hai tuần thôi, vì thế trong hai tuần này nhờ cả vào con."
Bàn tay nhăn nheo, già nua của ông cụ vỗ lên mu bàn tay Tầm Phương. Trong khi đó, cô vẫn đang nhớ lại ông đã nói những gì?
Ông nói mình sắp đi công tác, nói buổi tối trong nhà chỉ có dì Thông và cháu ngoại, nói không yên tâm để một kẻ không nhìn thấy gì và một người phụ nữ trung niên trong nhà. Vì thế, muốn Tầm Phương ở lại đây buổi tối giúp đỡ hai người. Sau khi xâu chuỗi lại toàn bộ câu chuyện, Tầm Phương quả quyết từ chối.
"Không được đâu ạ, thật ra hôm nay con muốn xin..."
"Tiền lương hai tuần bằng lương một tháng. Con thấy được không?" Ông cụ chen ngang, chặn nửa câu nói chưa kịp ra khỏi miệng Tầm Phương trôi tuột vào trong: "Ông không phải là kẻ không biết điều, kêu con ở lại làm thêm buổi tối thì phải trả tiền tăng ca chứ."
Tầm Phương nuốt nước bọt, hàng trăm con số lượn lờ trước mắt. Bóng đèn mọc trên đỉnh đầu phát ra ánh sáng vàng chói chiếu rọi cả gương mặt hớn hở, tươi cười của chủ nhân nó. Tầm Phương nói: "Được chứ ạ! Con sẽ ở lại giúp dì Thông chăm sóc anh Lâm!"
Nhận được lời đồng ý của cô, ông cụ vỗ đùi, cười phớ lớ. Thấy thế Tầm Phương nói tiếp:
"Có điều, gần đây kinh tế con không ổn định. Ông có thể cho con ứng trước một tháng lương được không ạ?"
"Được chứ." Ông cụ hào sảng chuyển cho Tầm Phương tháng lương kế tiếp.
Nhìn thông báo nhảy trên màn hình điện thoại, suýt chút nữa cô đã ôm chầm lấy ông cụ cảm ơn rối rít, tôn ông làm đấng cứu thế. May thay, Tầm Phương kìm được lòng mình, không để bản thân làm ra trò xấu hổ đó.
Đồng hồ vừa điểm đến năm giờ, Tầm Phương mang theo hai tháng lương biến mất sau cánh cửa gỗ. Cô chạy ù ra sân, leo lên con mô tô mạnh mẽ phóng đi dưới con mắt ngỡ ngàng của dì Thông và Thanh Vân.
Dì hỏi: "Con Phương bị cái gì vậy?"
Thanh Vân trả lời: "Con không biết. Chắc đi hẹn hò với anh chàng nào đó."
"Tào lao. Phương chưa có bạn trai đâu."
"Sao dì biết?" Thanh Vân cả kinh.
Dì Thông nở nụ cười đắc ý: "Dì có kinh nghiệm đầy mình với ba vụ yêu đương này. Hồi dì bằng tuổi mấy đứa, trai trong vùng theo dì nườm nượp mà dì đâu có chịu ai đâu. Nên liếc một cái là dì biết con bé Phương không phải đi hẹn hò như con nói."
"Dạ!" Thanh Vân nửa tin nửa ngờ dọn dẹp đồ đạc ra về. Trước khi rời khỏi, cô hỏi dì Thông: "Đố dì con sắp đi đâu nè?"
"Về nhà chứ đâu."
Thanh Vân cười ranh mãnh: "Sai rồi. Con đi hẹn hò."
Nói xong, cô chạy ra ngoài bỏ lại dì Thông ngượng ngùng trong bếp.
Thoáng chốc căn nhà vốn náo nhiệt trở nên yên tĩnh. Dì nhìn lên cầu thang thầm oán trách, lại một ngày trôi qua, vòng tuần hoàn ủ dột không biết đến khi nào mới kết thúc?