Sau khi kết thúc cuộc gọi với Du Nguyên, Diệp Tâm Giao hơi ngẩn người đứng trước cửa sổ. Như một giấc mộng vừa triền miên khiến cô như cảm nhận được chút đắng chát của dư vị ấy mang lại.
Trong cuộc đời của Diệp Tâm Giao, nói thật cô chưa từng biết hận một người là gì?
Bởi vì cô luôn cho rằng hận không chỉ làm chúng ta đau khổ mà còn khiến chúng ta mệt mỏi. Nỗi căm hận ấy không những không khiến người khác cảm thấy tội lỗi mà nó chỉ khiến bản thân người hận thêm vướng bận đau lòng. Con người sinh ra là một cá thể độc lập nhưng cũng như bao loài vật khác, chúng ta có nguồn cội và giống loài. Khi một đứa trẻ sinh ra bản thân chúng đã có một nguồn cội riêng mình, và đó chính là bố và mẹ của chúng. Một đứa trẻ khi được trưởng thành trong môi trường bình thường, từ tình thân chúng sẽ có đến tình bạn và cuối cùng là tình yêu. Đây giống như quy luật của đại đa số những con người phải trải qua.
Nhưng cái thế giới này lại là hai mặt của cuộc sống, có được thứ này đôi khi phải đánh đổi bằng những thứ khác. Có thể không chỉ một mà là rất nhiều nữa…
Diệp Tâm Giao luôn tự cho rằng bản thân rất tầm thường, từ lúc sinh ra cho đến khi biết nhận thức, cuộc sống của cô với những đứa trẻ khác hầu như đều không có gì khác biệt. Cô có bố làm nhân viên văn phòng, có mẹ làm một bác sĩ, gia đình cô không giàu có và dư giả, cô cũng không phải cô tiểu thư đài cát vừa sinh ra đã ngậm thìa vàng. Cô chỉ là cô, một Diệp Tâm Giao bình thường đến không thể bình thường hơn lại đơn giản đến không thể đơn giản hơn. Có lẽ thứ duy nhất mà cô có được chính là một gia đình hạnh phúc, êm ấm và bình yên.
Trong ấn tượng của cô, bố rất yêu mẹ, mẹ cũng vậy, vô cùng yêu bố. Hai người họ chưa từng ba hoa những lời ngọt ngào, nhưng lại luôn khiến đối phương hiểu được mình yêu họ đến nhường nào.
Cô chưa từng thấy bố mẹ cãi nhau, những lúc mẹ giận dỗi bố cũng không quá năm phút bởi vì bố luôn biết cách dỗ dành mẹ, nhưng cô biết đều là do mẹ không nở trách bố.
Lúc nhỏ, cô thường nghe mấy bạn trong lớp bảo yêu đương gì đó. Cô chẳng hiểu. Khi nói chuyện này với bố, bố bật cười còn bảo bọn trẻ thời nay yêu sớm thế cơ à? Sau đó cô lại hỏi bố, yêu là gì? Có phải giống như bố mẹ không? Vì cô nghe chị gái nhà hàng xóm nói chỉ có người lớn mới được yêu, trẻ con yêu vào là hư.
Lúc ấy bố đã nói như thế nào nhỉ?
Bố nói: “Yêu không có định nghĩa, cũng không phân biệt đẳng cấp. Tình yêu của con người muôn màu muôn vẻ lại được chia làm rất nhiều loại. Ví dụ như con nói yêu bố mẹ, đây chính là yêu nhưng lại thuộc về phạm trù của tình thân. Còn như bố nói yêu mẹ con, đây cũng chính là yêu nhưng là phạm trù của tình yêu thuần túy. Hơn nữa, mỗi con người có mỗi quan niệm và mỗi cách yêu khác nhau vì thế không thể dùng chung một định nghĩa nhất định nào để miêu tả về nó. Nói về mặt tình cảm của con người là một chuyện rất phức tạp, sau này lớn lên con sẽ dần hiểu hơn về nó. Nhưng ở đây bố chỉ có thể lý giải cho con hiểu rằng, yêu là một loại cảm giác đơn thuần và hạnh phúc nhất. Tình yêu luôn mang đến cho con người sự lương thiện và niềm tin vào cuộc sống, cho nên mục đích của con người khi sinh ra là để biết yêu thương…”
“Con chẳng hiểu gì cả…”
Trước câu nói ngây ngô ấy, bố lại bật cười: “Cái này chắc có lẽ phải để con tự lĩnh hội vậy.”
“Bố ơi, vậy hận là gì vậy bố? Chị hàng xóm nói với con, con người khi yêu thường sẽ sinh ra hận, vậy hận có phải không còn yêu nữa không, là ghét bỏ lẫn nhau phải không?”
Khi ấy bố đã mỉm cười, xoa đầu cô thật dịu dàng: “Chị hàng xóm ấy nói đúng, cái gì trên đời này cũng có hai mặt. Khi yêu con người cũng sẽ sinh ra những oán hận. Nhưng hận không đơn thuần là ghét bỏ lẫn nhau, hận cũng như yêu, không hề có khái niệm cụ thể. Nhưng lại trái ngược với cảm giác khi yêu, hận chỉ mang đến cho chúng ta những đau khổ. Cho dù nỗi hận của con là đúng hay sai, cho dù nỗi hận ấy có xuất phát điểm là đáng hay không, thì thù hận chỉ bào mòn con người thêm thôi. Nếu yêu là một cảm xúc tích cực để hưởng tới những điều tốt đẹp, thì hận chính là một cảm xúc tiêu cực dần khiến chúng ta đánh mất chính con người mình.”
“Nhưng tại sao con người lại có hận?”
“Bởi vì lòng tham, lòng đố kỵ, những thất vọng, nỗi đau, sự chịu đựng, nhẫn nhục,… Tất cả những suy nghĩ tiêu cực đều có thể khiến con người sinh ra những oán hận. Họ yêu thế giới này nhưng đồng thời cũng hận thế giới này vì nghĩ rằng nó đã không yêu họ. Đây là sự thật vì yêu sinh hận mà mọi người vẫn thường hay nói.”
“Bố ơi, con không muốn hận đâu.”
“Tại sao?”
“Vì hận mệt lắm, không vui chút nào!”
“Con nói đúng lắm, hận rất mệt, còn mệt hơn cả yêu. Cho nên sau này nếu có một ngày con mệt mỏi vì một chuyện gì đó, thậm chí uất ức hay khó chịu vì một chuyện đã xảy ra thì con phải biết rằng bao dung mới là cách tốt nhất để chữa lành và cứu rỗi bản thân mình.”
Tiểu Diệp nghe xong bèn gật gù, cô tò mò hỏi: “Vậy bố có từng hận chưa ạ?”
Bố ngẫm nghĩ một chút lại nói: “Tất nhiên là có.”
“Bố nói đó là cảm xúc không tốt, vậy sao bố còn hận?” Cô không hiểu.
“Có những lúc chính bản thân chúng ta cũng sẽ không khống chế mà sinh ra oán hận. Nhưng khi con biết chuyển những oán hận đó làm mục tiêu cho sự phấn đấu của mình thì đó không gọi là tiêu cực.” Ánh mắt bố nhìn về xa xăm nhưng muốn thông qua những lời nói ấy mà cho cô biết điều gì.
Tiểu Diệp đương nhiên không hiểu nỗi những câu nói thâm sâu này, bố cô liền chỉ vào màn hình tivi, trên đó đang chiếu một bộ phim cảnh sát vô cùng nổi tiếng.
Bố hỏi cô: “Con có biết cảnh sát và tội phạm được sinh ra như thế nào không?”
Tiểu Diệp ngẫm nghĩ rồi lắc đầu.
Bố lại hỏi: “Vậy con có biết giữa cảnh sát và tội phạm ai là người tốt ai là người xấu không?”
Câu này thì cô trả lời được:
“Con biết! Cảnh sát cứu người là người tốt, còn tội phạm bắt người là người xấu.”
Bố cô mỉm cười, khẽ vuốt mái tóc cô như thay lời tán thưởng.
Bố nói: “Có thể nói cảnh sát vì yêu dân, yêu đất nước cho nên mới một lòng muốn bảo vệ con người. Còn tội phạm thường có những oán hận cho nên mới sinh lòng ghen ghét thậm chí là có ý nghĩ sẽ trả thù thế giới. Cho nên mới nói, con người khi muốn đứng về phe chính nghĩa hay phản diện hoàn toàn là do chính bản thân mình. Con phải biết một điều, không ai sinh ra đã xấu cũng không ai sinh ra đã thật sự tốt, đó chỉ là cách con người nhìn nhận về thế giới này chính là chọn lựa giữa cuộc sống tiêu cực hay muốn hướng tới những điều tích cực. Nhưng bố đã nói, một cảnh sát đôi khi tiếp xúc với rất nhiều loại tội phạm khác nhau, bởi vì có lý tưởng chính nghĩa và tư tưởng tích cực cho nên cảnh sát thường căm thù tội phạm. Đây cũng giống như việc con có một con búp bê con thấy nó rất xinh đẹp và muốn bảo vệ nó nhưng một người bạn nào đó của con lại thấy con búp bê đó rất xấu và muốn hủy hoại nó. Con nói xem con có đồng ý để người bạn đó làm như vậy không?”
Tiểu Diệp vừa nghe liền lắc đầu nguầy nguậy, cô đương nhiên không cho phép người khác hủy hoại đồ của mình.
“Không được, đó là búp bê của con sao bạn ấy có thể hủy hoại nó được chứ?” Tiểu Diệp chu môi không đồng ý.
“Con nói đúng lắm, cũng giống như đất nước mà chúng ta đang sống vậy. Cảnh sát cũng sẽ coi đó là một món đồ đẹp nhất mà họ phải trân trọng, khi mà có một người nào đó muốn phá vỡ sự bình yên xinh đẹp của đất nước này, cảnh sát sẽ có nghĩa vụ và trách nhiệm đứng lên ngăn cản những kẻ muốn xâm hại nơi này. Chính vì vậy cho nên, câu nói của bố có nghĩa là khi con yêu một thứ gì đó con sẽ bảo vệ thứ đó đến cùng nhưng ngoài sự bảo vệ đó con cũng sẽ có sự căm hận đối với những tác nhân muốn phá vỡ hoặc làm nguy hại đến thứ mà con yêu quý. Ý tóm lại chính là, sau này nếu con đã yêu thích một thứ gì đó thì oán hận của con chỉ có thể sinh ra để bảo vệ thứ con yêu thích. Con tuyệt đối không thể vì sự căm hận cho những thứ tiêu cực khác, bởi vì kết quả của nó chỉ khiến bản thân chúng ta trở thành một con người xấu xa và tiêu cực hơn thôi…”
Những lời ấy đã kích thích vào bộ não non nớt của Tiểu Diệp một lý tưởng mạnh mẽ. Cô ngước nhìn vào màn hình tivi, thấy những người cảnh sát chính nghĩa đứng hiên ngang trên bục cao, như một luồng sáng kích vào tâm hồn trẻ thơ. Tiểu Diệp đã mỉm cười, cô giống như đã tìm được một tình yêu cho đời mình.
“Vậy bố ơi, sau này con sẽ trở thành cảnh sát, con sẽ bảo vệ thế giới này!” Tiểu Diệp giơ một tay lên cao giống như một Superman thực thụ.
Bố cô chợt ôm cô vào lòng, sau cái ôm ấm áp ấy là lời tán dương hài hước nhất: “Con ngoan lắm, xem ra tổ quốc của chúng ta tương lai sẽ có một nữ cảnh sát kiệt xuất lắm đây!”
Cô cũng cười, ánh mắt tràn đầy hy vọng…
Diệp Tâm Giao khẽ mở mắt, khóe mi chợt ẩm ướt. Trái tim cô dường như lại bắt đầu âm ỉ đau. Người bố, người đàn ông đã dạy cho cô những điều ấy, một người như vậy làm sao có thể là tên tội phạm nguy hiểm được kia chứ?
Một người vẫn luôn dạy cô cách yêu thương, dạy cô phải buông bỏ thù hận, biết tha thứ và bao dung thì sao có thể là tên tội phạm tội ác tày trời khiến người đời chửi rủa kia chứ?
Cô không tin, cũng chưa bao giờ tin vào chuyện này cả.
Diệp Tâm Giao thường nghĩ nếu gia đình cô bình thường hơn một chút, cho dù hai người họ có là công nhân quét rác thì cô vẫn rất tự hào, vẫn sẽ hạnh phúc. Bởi vì họ vẫn yêu cô, cô cũng vậy, tình yêu với họ không bao giờ thay đổi. Nếu gia đình cô chỉ như những gia đình bình thường ở ngoài xã hội, thì tình thân và cả tình yêu đã không phải rời xa cô như thế này.
Nhưng sự bình yên của một gia đình tầm thường đã bị phá vỡ vào năm cô học trung học. Cô chưa từng gặp ông bà nội, ngay cả ông bà ngoại cô cũng chẳng biết mặt, và cứ thế vào năm cô lên trung học cô đã biết được ông bà ngoại của mình là ai. Khác với sự giản dị của gia đình cô, ông bà ngoại cô giống như vua và hoàng hậu vậy. Hai người họ ăn mặc rất cao quý, còn đi xe xịn ở nhà sang. Lần đầu tiên cô đến Phương gia, cô chỉ cảm thấy đây đúng thật là tòa lâu đài của quý tộc thật sự, rất xinh đẹp cũng tráng lệ biết bao. So với bộ sofa cũ kỹ của nhà cô, ghế sofa ở đây không chỉ to mà còn rất sang trọng, những thứ để trong phòng đẹp đến nỗi khiến cô nhìn đến hoa cả mắt. Ấn tượng đầu tiên trong cô lúc đó chính là, cô rất thích nơi này, nó thật sự rất đẹp, đẹp không gì sánh tả nỗi.
Lúc ấy cô đã nghĩ: Thì ra ông bà ngoại của cô là người rất giàu có. Cô nghe những người khác gọi ông ngoại là bộ trưởng Phương, gọi bà ngoại là bộ trưởng phu nhân. Cô biết nghề bộ trưởng, đó là một quan chức cấp cao làm việc trong chính phủ, luôn làm việc cho nhân dân và vì đất nước này. Vì vậy cho nên cô đã nghĩ ông bà ngoại của cô nhất định là người rất tốt.
Nhà của ông bà ngoại có rất nhiều người, người cậu lớn Phương Tuân, cậu ba Phương Trì, người dì Phương Nghi. Cậu Phương Tuân và dì Phương Nghi đều đã có vợ có chồng, chỉ riêng cậu thứ ba Phương Trì vẫn còn độc thân. Cô không thấy vợ con của cậu Phương Tuân nhưng cô thấy con gái của dì Phương Nghi, họ gọi cô gái đó là Diên Diên, cái tên nghe rất đẹp! Trong mắt của cô đó như một cô công chúa nhỏ vậy, trong bộ váy xinh đẹp, chiếc cài tóc dễ thương, cô ấy giống như một búp bê quý tộc vậy, xinh đẹp và lộng lẫy khiến người khác ngưỡng mộ. Mặc dù cô và cô gái ấy bằng tuổi nhưng mẹ nói với cô phải gọi cô gái ấy là chị. Phản ứng đầu tiên của cô chính là rất vui, thậm chí còn có chút hưng phấn vì cô nghĩ thì ra mình cũng có chị. Vậy sau này có phải cô sẽ có chị để chơi cùng rồi đúng không?
Nhưng điều khiến cô hụt hẫng nhất chính là người chị đó hình như không thích cô lắm thì phải… Không chỉ người chị đó mà hình như tất cả người trong nhà này từ ông bà ngoại đến cậu dì hay cả những người làm đều nhìn cô bằng ánh mắt không mấy thiện cảm. Cô chẳng biết mình đã làm gì khiến cho họ không vui hay là họ thật sự không thích cô? Nhưng điều khiến cô ngạc nhiên đó chính là cậu ba Phương Trì lại rất thân thiện với cô, còn cười với cô nữa.
Lúc đến Phương gia chỉ có cô và mẹ cùng đi, trái ngược với vẻ háo hức của cô, hình như mẹ lại có chút lo lắng.
Sau khi vào Phương gia, nét mặt của tất cả mọi người đều vô cùng nghiêm túc, cậu Phương Trì chủ động đưa cô và Diên Diên ra ngoài chơi. Sân vườn của Phương gia rất rộng, còn rộng hơn sân vườn ở trường cô. Nơi này còn trồng rất nhiều loại hoa đều vô cùng xinh đẹp, nhiều đến nỗi cô cũng chẳng biết gọi tên chúng như thế nào.
Cậu Phương Trì rất dễ gần liên tục bắt chuyện với cô, còn chỉ cho cô tên của từng loài hoa trong vườn. Người làm cứ thấy cậu Phương Trì và Diên Diên luôn chào rất lễ độ nhưng khi thấy cô bọn họ lại ngoảnh mặt làm ngơ. Diệp Tâm Giao hơi xấu hổ, một cô bé chỉ mới mười mấy tuổi đầu khi bước vào căn nhà này lại có cảm giác như bị người khác kỳ thị trong lòng ít nhiều cũng sẽ khó chịu. Nhưng cậu Phương Trì có lẽ hiểu rõ cảm xúc này của cô hay là nói cậu ấy muốn ra mặt thay cho cô. Cậu đã lớn tiếng bảo người làm phải xin lỗi vì sự vô lễ đối với cô còn buộc họ phải gọi cô là tiểu thư giống như gọi Cao Diên Diên vậy.
Nhìn những ánh mắt khinh bỉ khi gọi hai tiếng tiểu thư của họ, lòng cô cũng chẳng thể nào vui nổi.
Chơi được một lúc, cô hơi đói bụng, cậu Phương Trì liền nói sẽ vào bếp chuẩn bị thức ăn cho cô. Sau khi cậu rời đi trong sân vườn chỉ còn lại mình cô và Cao Diên Diên. Từ đầu đến cuối, Cao Diên Diên đều không thèm để ý đến cô, chị ấy chỉ chăm chú với quyển ngôn tình trên tay. Ngồi một lúc cô lại cảm thấy buồn chán bèn muốn đi vòng vườn hoa chơi một lúc. Nhìn một khóm hoa hồng trắng vô cùng xinh đẹp cô muốn đưa tay ra sờ thử nhưng ngay sau đó đã bị tiếng quát nạt làm cho giật mình.
“Đừng dùng bàn tay dơ bẩn của mày chạm vào đồ của tao!” Cô quay đầu chỉ thấy Cao Diên Diên nhìn cô bằng ánh mắt tức giận, sau đó chị ta liền chạy đến xô ngã cô, bàn tay cô quệt phải những ngọn gai nhỏ, ngón tay cứ thế lại chảy máu…
“Tiểu thư có sao không?” Người làm thấy cảnh này vội vàng bước đến nhưng họ không hướng mắt về cô mà dịu giọng hỏi Cao Diên Diên.
Khoảnh khắc ấy cô mới hiểu thế nào là sự khinh bỉ thật sự.
Diệp Tâm Giao cũng không so đo, cô chống tay ngồi dậy nhìn vào ánh mắt chán ghét của Cao Diên Diên nhìn mình, lại khẽ nói: “Tại sao lại không được chạm vào?”
“Bởi vì mày không có tư cách!” Cao Diên Diên cũng chẳng khách sáo mà nói với cô những lời ấy.
Chị ta còn nói: “Một đứa con hoang, nghiệt chủng như mày thì làm gì có tư cách đụng vào đồ của Phương gia?”
Con hoang? Nghiệt chủng?
“Không phải…” Cô lắc đầu, theo bản năng chợt phủ nhận.
“Con hoang chính là con hoang mày còn không dám nhận, nếu không phải ngày sinh tháng đẻ mày hợp với tao thì mày cũng chả có tư cách gì mà đứng ở đây cả.” Nói tới đây Cao Diên Diên lại bĩu môi: “Để tao nói cho mày biết cái đồ nghiệt chủng, tao đã nghe mẹ tao nói bởi vì bát tự của mày có thể giúp tao tránh được vận xui cho nên ông bà ngoại chỉ muốn đem mày về để cải mệnh cho tao thôi. Chứ trong nhà này chẳng ai muốn nhận đứa dơ bẩn như mày làm cháu đâu.”
Trong ánh mắt non nớt của cô là sự bàng hoàng và sợ hãi, giống như bị ai đó đâm một nhát vậy khiến cả người chợt run lên vì đau đớn.
Sự sợ hãi qua đi chính là cơn giận dữ bùng phát, Diệp Tâm Giao gằn từng chữ:
“Tôi không phải đứa dơ bẩn, không phải nghiệt chủng, không phải đồ con hoang… Chị không có tư cách mắng tôi, không có tư cách nói bậy.” Nói xong cô nắm chặt tay chạy vào nhà, bây giờ cô chỉ có một ý nghĩ là muốn kéo mẹ rời đi, cô không muốn ở lại căn nhà này thêm nữa. Cô có cả bố và mẹ đàng hoàng tại sao bọn họ lại nói cô là đồ con hoang? Cô không phải đồ con hoang cũng không muốn làm thế thân thay đổi vận mệnh gì đó…
Nhưng khi chân Diệp Tâm Giao còn chưa bước vào cửa, cô đã nghe thấy một tiếng tát tay vang dội giữa những thanh âm vắng lặng. Bước chân Diệp Tâm Giao hơi khựng lại, theo bản năng cô vội rụt sang một bên ngó nhìn vào. Chỉ thấy mẹ cô đang ngã dưới đất, bên má in hằn dấu tay chói mắt. Nhưng điều khiến cô sợ hãi hơn chính là người đánh mẹ cô lại chính là người đàn ông tự nhận là ông ngoại cô.
Cô nghe ông quát lớn: “Năm xưa cũng là Phương Nghi thay mày gả đến Cao gia, bây giờ chỉ bắt con mày cải mệnh cho con nó thì có gì là sai?”
Khoảnh khắc nghe được câu nói đó, cả người cô chợt lạnh ngắt, thì ra bọn họ thật sự muốn dùng cô như là vật hiến tế?
Cô muốn bước ra ngoài, nhưng đôi chân lại run lên cầm cập. Có phải họ định giết cô không? Giống như trong phim vậy, dùng mạng của cô để thế cho Cao Diên Diên?
Diệp Tâm Giao vẫn chỉ là một đứa trẻ, trong hoàn cảnh bạo lực như vậy chính cô cũng không có gì ngoài sự nhút nhát của bản thân. Cả người cô dựa vào cửa, cố bịt chặt miệng không để mình phát ra tiếng động, cô thấy mẹ đứng dậy, thấy bà quật cường nói với họ rằng: “Mọi người có thể dùng cách khác tại sao lại muốn dùng phương thức một mất một còn này để khiến con gái con chịu tổn thương?”
“Tổn thương? Để nó thế mạng cho Diên Diên là tổn thương với nó sao? Chuyện này không cần phải bàn cãi gì thêm nữa, ngày mai đưa nó đến Cao gia thực hiện nghi lễ tế thần, còn nếu không làm theo lời ta dặn thì cút khỏi đất nước Trung Quốc này cho tao.”
“Bố, người nói lý một chút có được không? Giao Giao chỉ là một đứa trẻ sao các người có thể làm như vậy với con bé?” Bà tức giận nói: “Cho dù con có chết cũng không cho phép các người tổn thương con bé dù chỉ là một chút.”
“Mày…” Ngay khi Phương Hạc Hồng vừa giơ tay định đánh con gái thì Diệp Tâm Giao đã ngay lập tức sô cửa chạy vào đẩy mạnh vào người ông ta khiến Phương Hạc Hồng đứng không vững mà ngã xuống đất.
“Không cho phép ông đánh mẹ tôi.” Chính khoảnh khắc này cô hiểu rõ bản thân không có người ông ngoại như vậy. Ông ngoại sẽ không đánh mẹ cô càng không dùng những lời lẽ xúc phạm tổn thương hai mẹ con cô.
Sự xuất hiện của một đứa trẻ, ngoài khiến mọi người trong phòng kinh ngạc cũng khiến Phương Hạc Hồng nổi trận lôi đình, ông ta tức giận ngay lập tức đứng dậy giáng thẳng một bạt tay vào mặt cô, gò má bỗng nhiên đỏ ửng, máu từ khóe miệng trào ra. Nhưng Diệp Tâm Giao lại không hề khóc, cô chỉ ngước mắt nhìn ông ta lạnh lùng. Phương Hạc Hồng có lẽ không ngờ được phản ứng này của cô, ông ta hơi giật mình. Khác với vẻ đắc ý của mọi người xung quanh, mẹ cô bất chợt kéo cả người cô lại, bà vội lau vết máu nơi khóe miệng của cô, liên tục nói xin lỗi còn hỏi cô có sao không?
Nhìn thấy ánh mắt của mẹ cô đột nhiên lại muốn khóc, bởi vì mẹ cũng đã phải hứng chịu một cái tát đau như thế này đúng không? Mẹ cũng đau mà đúng không?
Phương Nguyệt ôm con gái vào lòng, bà có thể nhẫn nhịn chịu đựng những lời lẽ mắng nhiếc bởi vì người trước mặt là cha là mẹ bà, là anh là chị bà nhưng nếu họ dám tổn thương con gái bà dù chỉ một chút thì họ cũng không có tư cách buộc bà phải tôn trọng. Bà bế lấy Diệp Tâm Giao trên tay, nói với những người có mặt trong ngôi nhà này: “Tôi sẽ không cho phép các người ích kỷ như vậy. Các người muốn tổn thương Giao Giao thì hãy bước qua xác của tôi.” Nói xong bà vớ lấy túi xách rồi quay đầu đi thẳng ra ngoài, lúc bước ra khỏi cửa cô thấy cậu Phương Trì vừa lúc bước vào, thấy vết bầm trên mặt cô, ánh mắt cậu bỗng trở nên áy náy. Lúc cô thấy sự áy náy đó và cả đời sau cũng không muốn nhận lại nó.
Sau ngày hôm đó mẹ cô dường như bảo bọc cô rất kỹ, mỗi lần cô phải đến trường đều là mẹ đích thân đưa đón, thậm chí mẹ còn sợ người Phương gia sẽ đến trường học tìm cô nên đã ngồi luôn trước cổng trường đợi cô ra về. Những ngày nghỉ nếu mẹ đi làm cô đều ở phải phòng làm việc của mẹ. Mẹ nói bố cô là nhân viên công chức nhưng cô lại chẳng thấy giống chút nào, vì bố cứ ra ngoài suốt, có khi nhiều hôm sau mới trở về. Có những lúc cô còn thấy trên người bố có vết thương nhưng bố mẹ cô vẫn luôn tránh mặt cô để xử lý những vết thương đó. Chuyện của Phương gia mẹ không hề nói gì với bố, chỉ bảo bố cứ yên tâm lo công việc của mình, còn mẹ lại tiếp tục bảo bọc cô như cũ.
Nhưng chuyện gì đến rồi cũng sẽ đến, với thế lực của Phương gia, cho dù mẹ có muốn bảo vệ cô cũng sẽ có sơ hở. Có một buổi sáng, mẹ có một ca phẫu thuật gấp nên chỉ có thể để cô lại trong nhà, còn dặn dò cô không được mở cửa cho bất cứ ai. Cô nghiêm túc vâng lời sau đó đi làm bài tập nhưng mẹ đi chưa được bao lâu thì ngoài cổng đã có tiếng động. Diệp Tâm Giao ngó ra ngoài xem thì thấy người đến quả nhiên là người của Phương gia, bởi vì cô từng thấy chiếc xe này, chính là chiếc xe chở hai người tự nhận là ông bà ngoại đó của cô.
Nhớ lại những lời mà họ nói lần trước cả những lời dặn của mẹ cô, Diệp Tâm Giao liền khóa chặt cửa, cô kéo cả ghế chặn luôn cánh cửa ra vào. Nhưng cô cũng hơi sợ, mẹ từng nói, nếu có chuyện gì phải gọi điện cầu cứu chú cảnh sát ngay lập tức. Lúc này Diệp Tâm Giao không kịp nghĩ ngợi, cô liền nhanh chóng ấn số gọi cho cảnh sát, ngay lúc cô vừa cúp điện thoại người nhà họ Phương đã phá cửa xông vào trong. Cô bị họ bắt lại, thân thể trẻ con chỉ có thể ra sức giãy giụa và vùng vẫy, ngay lúc cô sắp bị bắt vào xe thì cảnh sát đã kịp tới. Bọn họ đưa cô và cả người của Phương gia về đồn, ngay lúc ấy cô cứ tưởng mình được cứu rồi nhưng cuối cùng cảnh sát lại giao cô cho người nhà họ Phương.
Hoảng loạn và sợ hãi, lúc ấy cô đã ôm chặt lấy một chú cảnh sát mà khóc lóc bảo với chú ấy bọn họ là người xấu bọn họ muốn bắt cô. Chú ấy nghe xong thì có vẻ hơi ngạc nhiên nhưng cũng ngồi xổm xuống trước mặt cô, dịu giọng dỗ dành: “Cháu gái ngoan đừng khóc nữa, bộ trưởng Phương không phải ông ngoại của cháu sao? Sao có thể hại cháu được chứ? Ngoan nào, là mẹ cháu gọi điện nhờ ông ngoại dẫn cháu về nhà chăm sóc, đợi mẹ cháu làm xong công việc sẽ đến đón cháu về nhà chịu không?”
Thấy cô cứ ôm chặt mình lại còn khóc rất dữ, chú cảnh sát đành nói với người nhà họ Phương hay là để cô ở lại đồn cảnh sát vậy, còn nói đợi mẹ cô xong việc sẽ đến đón cô. Nhưng Phương gia sao có thể đồng ý? Phương Hạc Hồng kéo cả người cô ra khỏi chú cảnh sát, giả vờ dịu giọng như dỗ dành nhưng sau đó ông ta lại cúi đầu nói nhỏ vào tai cô rằng: Nếu cô không đi ông ta sẽ giết mẹ cô.
Một đứa trẻ khi bị uy hiếp thì có thể làm được gì, ngoài sự sợ hãi thì chỉ toàn là sợ hãi.
Cuối cùng cô cũng không quấy khóc nữa mà chỉ có thể im lặng nghe theo, bởi vì cho dù cô có nói với mọi người rằng ông ta uy hiếp cô. Thử hỏi một bộ trưởng đức cao vọng trọng với một đứa trẻ gỉ mũi còn chưa sạch trong mặt mọi người, họ sẽ chọn tin ai đây?
Cô không có phần thắng, vì vậy cô phải nghe theo.
Diệp Tâm Giao đưa mắt nhìn chú cảnh sát kia, cô rất muốn cầu cứu nhưng lại không thể thốt được nên lời chỉ có thể để mặc Phương gia đưa mình đi. Trước khi rời đi cô lại thầm nhớ tên chú cảnh sát này, cảnh sát Thiệu Công.
Cô bị bắt đến Cao gia, trên đường đi, người tự xưng là ông bà ngoại của cô đã dùng những lời lẽ uy hiếp và đe dọa buộc cô phải nghe theo. Cô lúc này như mất đi phương hướng, không thể phản kháng cũng chẳng thể chạy trốn. Chỉ có thể co ro một góc để giấu đi nỗi sợ và sự bất lực của chính mình.
Sau khi cô bé ấy vừa đi khỏi, không hiểu sao trong lòng Thiệu Công bỗng nổi lên sự áy náy và đau lòng. Anh không nghĩ ngợi liền tìm số gọi cho mẹ của cô bé. Khi nhận được điện thoại của Thiệu Công, Phương Nguyệt ngay lập tức gác hết những công việc tại bệnh viện mà chạy đến Phương gia nhưng thấy Phương gia vắng vẻ bà liền nghĩ ngay đến Cao gia mà lập tức chạy tới đó.
Ngay lúc Diệp Tâm Giao được đưa đến Cao gia, cô đã hiểu hai chữ tế thần và cải mệnh có nghĩa là gì.
Người của Cao gia coi trọng Phật giáo nhưng cũng đồng thời mê tín dị đoan. Vào lúc sinh Cao Diên Diên cũng là lúc Diệp Tâm Giao chào đời, mặc dù sinh cùng ngày cùng tháng cùng năm nhưng số phận của hai đứa trẻ lại hoàn toàn biệt lập. Nếu Diệp Tâm Giao khi lớn lên càng vui vẻ và khỏe mạnh thì Cao Diên Diên thì hoàn toàn ngược lại, vừa sinh ra đã có số khắc tinh, từ nhỏ đã bệnh tật triền miên, khi vào tiểu học còn gặp phải tai nạn mất máu, vì vậy trên dưới Cao gia đều rất mực yêu thương cô ta. Đến năm cô ta sắp lên trung học, Cao gia có mời một ông thầy tướng số với hy vọng cải mệnh cho cháu nội của họ. Sau khi bấm tay chẩn đoán, thầy tướng số ấy đã nói phải tìm một người có bát tự sinh cùng ngày cùng tháng cùng năm hơn nữa còn phải đồng giới, sau đó thầy sẽ có cách làm phép cải mệnh. Nhưng cải mệnh ở đây chính là có được thì sẽ có mất, tức là bắt Cao gia phải tìm một kẻ thế mạng cho cháu nội của họ. Sau khi làm phép, những vận hạn xui rủi của Cao Diên Diên sẽ bị đẩy sang cho kẻ thế mạng đó gánh thay. Nhưng phải xem vận mệnh của kẻ thế mạng như thế nào, qua mười lăm thì sinh không qua thì tử. Cũng tức là nói, sau khi làm phép kẻ thế mạng đó chỉ sống được đến năm mười lăm tuổi, nếu như số mạng tốt có thể vượt qua tai ương năm mười lăm tuổi ấy, đến lúc đó phúc khí của người đó sẽ được sinh ra một lần nữa.
Nhưng có một điều sau khi cải mệnh nhà họ Cao buộc phải làm đó chính là để cho người thế mạng đó phải học cùng trường với cháu gái của họ. Nếu người thế mạng may mắn sống qua năm mười lăm tuổi thì buộc phải học cùng ngành với cháu gái của họ như vậy mới có thể độ phúc khí cho cháu gái họ. Nếu làm trái lời thầy thì Cao Diên Diên chỉ có một kết cục là phải chết.
Bởi vì Phương Nghi thường xuyên giữ tai mắt theo dõi gia đình của Phương Nguyệt, biết được đứa em gái này của mình cũng sinh cùng ngày cùng tháng cùng năm với mình lại còn là một cô con gái trắng trẻo khỏe mạnh, bà ta liền bóng gió chuyện này cho Phương Hạc Hồng biết. Mặc dù không có chung tín ngưỡng tôn giáo nhưng Phương Hạc Hồng vẫn phải nể mặc người của Cao gia. Hơn nữa chuyện ông ta tranh cử đều có một tay Cao gia lo liệu cho nên ông ta càng phải coi trọng vị đồng lão này. Chuyện năm xưa Phương Nguyệt hủy bỏ hôn sự với Cao gia vẫn luôn là cái gai trong mắt Phương Hạc Hồng, ông ta cũng chưa từng chấp nhận Diệp Tâm Giao làm cháu ngoại của mình cho nên đối với chuyện đem Diệp Tâm Giao ra làm thế thân ông ta cũng chẳng có ý kiến. Phương Nghi thấy bố đồng ý liền lập tức đi làm, đương nhiên chuyện này phải tiến hành một cách bí mật, càng không thể để cho người của Cao gia biết được thân phận kẻ thế mạng là ai.