Ba Trăm Năm Không Gặp Thượng Tiên

Chương 53: Đảm nhiệm


Lần gần nhất Ô Hành Tuyết nương mình dưới gốc thần mộc đã là chuyện rất rất lâu về trước.

Năm đó là năm tán thần mộc phồn thịnh rực rỡ nhất, cũng là thời điểm mà những dây dưa của nó với nhân gian đã nhúng sâu và trở nên phức tạp nhất…

Từ trước đã luôn có người mang ý đồ muốn mượn sức mạnh của thần mộc nhằm “khởi tử hồi sinh” hay “níu kéo quá khứ, sống lại từ đầu”, người ta không ngừng truyền miệng nhau những lời đồn tương tự như vậy, khiến nó trở thành giai thoại nửa thật nửa giả.

Giai thoại cũng giống như ngọn lửa mấp mé dưới tấm giấy, ban đầu còn nhàn nhạt thoáng khẽ. Rồi đến một ngày nào đó, nó đột nhiên li3m đến mép giấy, cháy phừng lên và thiêu rụi mảnh giấy chỉ trong chớp mắt.

Thế là vào năm đó, câu chuyện này đã lan xa khắp bốn bể chỉ sau một đêm.

Có rất nhiều người ghé đến vì tiếng tăm này, họ che dấu bằng những lý lẽ này nọ, hoặc đưa ra những lý do vô cùng chính đáng hòng thử đủ mọi phương pháp trên trời dưới bể để mượn sức của thần mộc thực hiện ước nguyện của mình, đạt đến mục đích riêng nào đó.

Tuy nhiên, những người khác nhau có mong muốn khác nhau, đôi khi còn hoàn toàn trái ngược.

Cùng một thủ đô, có người sẽ mong nó thịnh vượng trường tồn, nhưng có người sẽ muốn nó chóng ngày tan tác. Cùng một nhân vật, có người hận họ cùng cực, có người mong họ được sống lâu. Cùng một vấn đề, những người ở hai bờ nhân quả thường mang cảm xúc và ước nguyện trái ngược.

Để rồi khi những điều đó va vấp lẫn nhau sẽ dễ sinh nhiễu loạn, và khi nó càng chất chồng sẽ càng khiến mọi thứ sẽ trở nên kém vững vàng, có bỏ công sức cũng vô vọng, cuối cùng chẳng ai nhận được kết quả tốt đẹp…

Bởi lẽ ấy, có rất nhiều người trong họ bắt đầu cảm thấy hối hận và dùng tất cả các biện pháp để đảo ngược quá khứ, mưu đồ xoá bỏ một số hệ luỵ ưu phiền hoặc tráo đổi thiên mệnh.

Và từ đó, mọi thứ càng đảo điên —

Nhân quả sinh sôi từ trong nhân quả, nhân gian nảy nở bên ngoài nhân gian.

Có thể mường tượng giống như một cành cây thẳng thóm tinh tươm bỗng nhiên mọc ra những cành con, mà thà những cành con ấy sum suê tốt lành thì cũng không sao, đằng này chúng lại mọc chỉa đủ hướng, chằng chịt mà đan lẫn vào nhau…

Trước đây, trên khu vực cánh đồng Gia Minh có truyền miệng một câu chuyện về “Quỷ hài nhi”.

Chuyện kể rằng có một đôi huynh đệ thiếu niên côi cút đã mất cả cha lẫn mẹ, chỉ biết sống nương tựa vào nhau. Sau đó, chúng lưu lạc về khu đô thành của một quốc gia nhỏ ở miền nam, phải vật lộn bươn chải trong cuộc sống, đồng thời hay lượm những trang giấy vụn vặt về đọc để học chữ, về sau nhờ bén duyên mà được người nhận nuôi. Sau khi trưởng thành, hai người đồng thời gia nhập quốc phủ và an phận sau nửa đời bôn ba, từ đấy về sau họ sống cuộc sống yên vui đến cuối đời mà không phải gánh chịu dông tố nào.

Đây hẳn nên là một câu chuyện nhẹ nhàng phẳng lặng, không có gì đáng nhắc đến.

Hiềm nỗi biến cố lại tràn lan…

Bởi một vị tu sĩ đã lầm lối nhưng không cam lòng buông bỏ, trước khi chết thảm, hắn đánh cược một canh bạc bằng trận cục sử dụng sức mạnh của thần mộc để quay về thời gian khởi điểm mấy chục năm trước.

Chỉ một hành động quay về đã trở thành viên đá ném thẳng xuống mặt hồ phẳng lặng, đảo loạn toàn bộ dòng nước và vạch ra mấy ngả rẽ loạn lạc trong nhân gian.

Từ đó, người vô tội mắc tai ương kiếp hoạ, mệnh số đổi thay, trong đó có hai anh em nhà kia.

Chúng còn không sống được đến khi bước chân vào toà thành mà đã mất mạng ở nơi cách cổng thành chưa đến một dặm.

Hai đứa trẻ chết khi hãy còn nhỏ tuổi, dáng người vẫn còn gầy gò loắt choắt, thân thể tong teo vì đói, áo quần mỏng tang, thậm chí còn không chuẩn bị nổi một đôi giày. Chúng ra đi bên vách tường đổ nát, có lẽ vì không đi nổi nữa nên đã nép mình vào vách tường đổ để tránh gió đêm và ngủ qua một giấc. Đứa anh còn che chắn cho em trai mình bên trong.

Khổ thay… chìm vào giấc ngủ rồi không bao giờ tỉnh lại được nữa.

Bởi vậy mà không còn ai kể về câu chuyện hai vị khách ngoại lai trẻ tuổi bước chân vào quốc gia nhỏ kia và cùng gia nhập quốc phủ nữa.

Nhưng rồi ở cánh đồng hoang ngoài ấy lại có thêm hai linh phách ngây thơ.

Đứa anh cõng em mình trên lưng, cứ đi đi lại lại trên con đường đó mà không bao giờ có thể bước vào thủ đô.

Từng có người gặp phải hai con quỷ nhỏ, và hầu hết họ khiếp sợ bỏ chạy trối chết. Nhưng cũng có một số người thiện lương thương cho số phận chúng, muốn giúp phổ độ cho chúng nhưng không thành công.

Là vì số chúng không nên bị chết…

***

Có rất nhiều người giống tay tu sĩ nọ, và có rất nhiều người lâm vào trường hợp như câu chuyện “Quỷ hài nhi”. Chỉ cần một người không cam tâm muốn làm lại từ đầu, có rất nhiều ngả rẽ loạn lạc sẽ mọc lên. Huống hồ có đến hàng trăm hàng ngàn người…

Thần mộc còn tồn tại một ngày, nhân gian càng thêm rối ren hỗn độn, những ngả rẽ đảo loạn nhập nhằng càng xuất hiện nhiều hơn một ít.

Và bởi thế, vào thời điểm tán cây thịnh vượng rực rỡ nhất cũng là lúc nó bước đến tận cùng.

Thần mộc trong truyền thuyết trên đội trời, dưới nối đất, là đại diện của sinh tử luân hồi, nghe những lời tâm nguyện và vui buồn của phàm nhân lâu ngày mà dần dà sinh ra tính người.

Bởi thế vào năm đó, sinh tử luân hồi đã dỡ thần mộc và trả về Thiên đạo. Còn phần hoá thành người nhận lấy danh tự “Chiêu” trời ban, trở thành vị tiên đầu tiên. Phong ấn thần mộc chính là việc cuối cùng người nọ làm trước khi trở thành Linh Vương.

Những người nhà họ Phong nói không sai, khu cấm địa đó ban đầu quả thực do đích thân chàng dựng nên.

Hôm đó, vẫn như khi trước, chàng đứng trên Lạc Hoa Đài, khoác tay nghiêng người tựa vào cành cây khô và buông mắt nhìn người trần đến rồi đi trên đường mòn dưới núi. Chàng nghe tiếng những người tiểu nhị, phục vụ bàn cất cao giọng, hô một chữ mà lên xuống vài lần như đang ca khúc nhạc phố phường.

Khói lửa nóng bỏng của bếp lò nhân gian bốc lên nghi ngút, tan thành sương lam trăng trắng phủ khắp sơn khê.

Chàng đứng nhìn hồi lâu, gốc đại thụ rợp trời yên ả phía sau lưng như một bóng hình cao thẳm.

Mãi đến khi màn sương lam lượn lờ bọc qua triền núi và không nhìn rõ đường núi được nữa, chàng mới thì thầm, “Nhân gian rộn rã đẹp biết bao, đáng tiếc…”

Đáng tiếc về sau hiếm dịp có thể nhìn ngắm được nữa. 

Chàng xoay người lại, ngửa đầu nhìn tán thần mộc miên man như mây. Nơi chàng đứng là cả ngọn núi ngập đầy cánh hoa rơi, và chàng có thể cảm thấy thần mộc vẫn không ngừng đơm hoa và không ngừng héo úa rồi phiêu tán. Chàng cảm nhận được từng cành, từng đoá, từng hồi sinh tử, và từ đó trong lòng nhen lên đôi phần nuối tiếc.

Chàng duỗi tay ngắt một nhành dài đặng vẽ một vòng giam ngay tại chỗ, nhốt cả thần mộc lẫn ngôi đền vào trong, kế đó áp từng lớp trận lên trên.

Phong sương rồi lôi hoả, đao kiếm đến binh qua.

Mỗi khi nhận vào một lớp trận, thần mộc sẽ chấn động một hồi tưởng chừng có rất nhiều xiềng xích khổng lồ nhưng vô hình đang siết chặt trên cành cây. Chạc cây bắt đầu chuyển sang màu xám trắng — đó là dấu hiệu của sự khô héo.

Mỗi một lần thần mộc thụ thương, mỗi một tầng xiềng xích mới trói lên, Ô Hành Tuyết đều có thể cảm nhận rõ ràng. Cũng như có thể cảm nhận hoa trổ hoa tàn, chàng trải nghiệm cảm giác tương tự thế vào thời điểm thần mộc khô héo…

Trải nghiệm này nếu đặt vào thân thể con người, được gọi là suy nhược toàn bộ giác quan. Chàng nhìn không được, nghe không thấy, cảm giác không tới, tưởng như giam mình trong hư không tĩnh lặng vô biên.

Quá trình phong cấm diễn ra rất lâu, lâu hơn nhiều dự tính của chàng. Vì trong suốt quá trình phong cấm đó, hễ thần mộc có dấu hiệu khô héo là tinh chất bạch ngọc muôn nơi lập tức bao phủ toàn bộ thân cây.

Khi đó, Ô Hành Tuyết sẽ thoáng khôi phục chút giác quan, có thể lờ mờ nhìn thấy màu trắng tinh khiết của bạch ngọc. Và trong sắc ngọc sáng trong ấy, còn có thể thấp thoáng nghe được giọng nói của vị tướng quân thiếu niên nọ, đó là một câu rất mơ hồ —

Hỏi chàng rằng, “Cậu đau lắm không?”

Ô Hành Tuyết lắng nghe nhưng không hồi đáp.

Vì chàng hiểu rõ trong lòng những lời nọ hoàn toàn không có thật, mà chẳng qua chàng nhìn thấy tinh chất bạch ngọc nên giật mình nhớ ra câu hỏi mà vị tướng quân thiếu niên kia đã nói bên dưới tàng cây này rất nhiều năm về trước.

Câu nói xưa cũ đương không trở thành sự tồn tại rõ ràng duy nhất trong màn đêm vô tận.

Chàng nghe thấy câu nói ấy lặp đi lặp lại rất nhiều lần, rồi chợt vào một lần nào đó, giọng nói người kia lại vang lên, “Đau lắm ư?”

Chàng im lặng hồi lâu, cuối cùng cũng trả lời, “Không sao, còn thua xa thiên kiếp, chỉ như kiến cắn mà thôi.”

Suy cho cùng, năm giác quan đều đang suy nhược thì sao có thể cảm nhận được cơn đau, bất quá chỉ là không thoải mái trong tiềm thức, như một loại ảo giác mà thôi. 

Đến khi cấm chế cuối cùng áp xuống và thần mộc bị giấu kín hoàn toàn bên trong, đã sang đến ngày thứ ba.

Thời điểm thần mộc bị khô khốc kiệt quệ, tinh chất bạch ngọc đã phủ kín quanh các cành cây khô, thậm chí lan đến cành cây mà Ô Hành Tuyết ngắt ra từ trước.

Tiếc rằng, Ô Hành Tuyết không hề nhìn thấy được cảnh tượng ấy.

***

Phong cấm toàn bộ thành hình xong, liên kết huyết mạch giữa Ô Hành Tuyết và thần mộc cũng hoàn toàn cắt đứt, chàng không san sẻ cảm giác và tri giác với thần mộc nữa, dù vậy ảnh hưởng từ quá trình phong cấm vẫn để lại di chứng với chàng…

Trong suốt một quãng thời gian dài sau đó, Ô Hành Tuyết luôn sống trong tình trạng tê liệt toàn bộ năm giác quan.

Chàng là vị tiên xuất hiện sớm nhất.

Ra đời từ thần mộc, cảm nhận bao phen sinh tử luân hồi, là sinh linh thừa phụng Thiên đạo, chàng được phong hào Linh Vương.

Và cũng vì cư ngụ trên Lạc Hoa Đài ngắm nhìn nhân gian hàng trăm năm, nên chàng rất yêu chuộng những nơi rộn ràng tiếng người, bản tính mê thích sự náo nhiệt sôi động.

Linh Vương yêu chuộng náo nhiệt rộn ràng đã đắm mình trong an tĩnh tối tăm ba năm ròng, suốt ba lần bốn mùa đổi thay.

Chàng khôi phục năm giác quan vào ngày nhân gian vừa bước sang tháng ba, mùa hoa hạnh mai rộ nở, ánh nắng chan hoà men theo dải mây sưởi ấm Tiên Đô.

Khi Ô Hành Tuyết mở mắt liền thấy cánh hoa rơi lác đác phủ một mảnh nhỏ bên cạnh cửa sổ, nhờ vậy mà lòng cũng khoan khoái hẳn lên.

Chàng thơ thẩn nhìn ngạch cửa trống trơn mà chợt nảy lên cảm hứng muốn đặt tên cho nơi này. Song lúc ấy cảnh xuân phơi phới bên khung cửa, chàng tựa hai chân bên thành và thấy mình biếng lười không muốn rời giường.

Chàng lia mắt một lượt cả phòng để tìm thứ gì đấy thuận tay, rồi tình cờ lướt thấy một nhánh cây dài bên thành giường.

Chàng vẫn còn nhớ đây là nhánh cây mà mình ngắt trong lúc đang lấp kín thần mộc. Thế nhưng vẻ ngoài cành cây này đã thay đổi hoàn toàn, giờ đây nó được bao bọc trong một lớp lành lạnh màu bạch ngọc.

Ô Hành Tuyết thẫn thờ lúc lâu mới ngỡ ra cơ sự, cầm lòng không đặng mà bật cười thành tiếng rồi giơ cành cây lên.

Cành cây màu bạch ngọc ánh lên theo đường vòng cung rồi hoá thành một thanh trường kiếm trong luồng linh quang chuyển dịch.



Hôm đó, những tiên sứ ghé qua đều trông thấy cảnh tượng ấy.

Toà dao cung bằng ngọc mở rộng cửa sổ, mành rèm phất phơ như sương khói. Linh Vương đạp bước trên những cánh hoa rơi bên thềm cửa, tay vén mành bước ra ngoài rồi một bước phi thân lên mái cung.

Người nhẹ nhàng đáp trên góc mái, tay xoay trường kiếm, chàng nhoẻn cười rạng rỡ và khắc ba chữ trên tấm biển trước cửa dao cung —

Toạ Xuân Phong.

Khi chàng thu kiếm về, vừa khéo đón một luồng gió xuân thổi tốc cánh hoa rơi bên thềm cửa sổ và tung khắp người chàng.

Sau này mỗi khi nhắc lại khung cảnh ấy, các tiên sứ đều kể về nó như một thoáng nhìn kinh hồng khó quên.

***

Trong ba năm Linh Vương tĩnh toạ, Tiên Đô đã thịnh vượng hơn xưa. Thiên đạo lập nên Linh đài, các tu sĩ nhân gian cũng lần lượt phi thăng, thời điểm đó Linh đài Thập nhị tiên đã có năm tiên đang tại vị.

Chúng tiên trên Linh đài cai quản những việc khác nhau, mỗi người một mảng riêng. Những ước nguyện rối ren của nhân gian được tách biệt giúp mọi thứ trở nên suôn sẻ chỉn chu hơn.

Nhưng nó cũng chỉ gói gọn trong phạm vi của các vị tiên thuộc Linh đài mà thôi, còn với Ô Hành Tuyết thì nó vẫn chưa bao giờ suôn sẻ hay chỉn chu cả.

Về sau, những người trên Tiên Đô đều thắc mắc — Thiên Túc chưởng quản hình xá, các chúng tiên cũng có chức vụ riêng để ban phước cho nhân gian. Duy mỗi Linh Vương vẫn là một bí ẩn, không một ai biết vị đó đảm nhiệm việc gì.

Có lần, ai đó quá tò mò trong lòng, đồng thời mang bên mình đôi phần ngưỡng mộ nên lén âm thầm bám theo Linh Vương xuống nhân gian. Họ muốn xem thử rốt cuộc những lúc không ở trên Tiên Đô thì Linh Vương đi đâu.

Song họ không bao giờ tìm ra được manh mối vì lần nào bám theo tới nhân gian, họ đều thấy Linh Vương đột ngột biến mất mà chẳng để lại một mẩu tung tích hay báo hiệu nào trước đó.

Đây không phải là thuật ẩn thân thông thường. Đều là thần tiên, nếu Linh Vương dùng thuật ẩn thân thì họ sẽ phát hiện được dấu vết. Khổ nỗi, họ không nghĩ ra một đáp án nào khác ngoại trừ thuật ẩn thân.

Đó là một điều bí ẩn, và đã được định sẵn mãi là điều bí ẩn.

Vì Linh Vương luôn trực tiếp lĩnh thiên chiếu, xưa giờ thiên cơ bất khả lộ. Bởi thế người duy nhất biết được sự thật chỉ có một mình Linh Vương.

Duy mỗi Ô Hành Tuyết mới rõ ràng hơn ai hết bản thân phải làm những gì trong những lần nhận thiên chiếu xuống nhân gian…

Nhiệm vụ của chàng là cắt đứt những nhánh rẽ đó, những người đã lạm dụng sức mạnh để kéo mọi việc trở lại quá khứ hòng “sống lại từ đầu”, sửa đổi thiên mệnh, dẫn đến hoạ loạn tràn lan. Đó là tình cảnh một nhánh cây dài bỗng mọc ra nhiều nhánh nhỏ và chằng chịt đan chéo vào nhau. Hệ quả là người không nên chết lại chết, người không nên sống lại tiếp tục sống, sinh tử lật ngược, năm tháng đảo loạn.

Và Linh Vương là người phải chặt bỏ những nhánh phụ kia.

Chàng đưa sinh tử quay trở về vị trí cố hữu, trả năm tháng trở lại đúng thứ tự. Lưu lại những người không nên chết, giết bỏ những người không nên sống.

Trên trời đông đảo chúng tiên, phần nhiều trong họ đều có tính tình điềm đạm và mang lòng trắc ẩn, việc họ đảm nhiệm cũng bao quát trong ban phước và chở che. Thậm chí, lưỡi kiếm của Thiên Túc cũng chỉ trảm chỉ hàng tà ma.

Duy mỗi Linh Vương từng giết người.

❄︎

Lời tác giả:

Chờ lâu rồi, ngủ ngon ~

Tết đến rồi, thấy có cô gái nào đó nói chưa nhận được lì xì, Tết này ngày nào mình cũng phát lì xì nha, chúc mọi người vui vẻ ~

Cá:

Khóc mệt, lệ tràn bờ mi, điềm văn chỗ mô vậy?

Bất chợt nhớ đến một bài thơ cổ đời nhà Đường của thi sĩ Đỗ Mục, cũng bi kịch dữ lắm.

Phồn hoa đâu nữa, bụi lan tràn,

Nước chảy vô tình, cỏ gặp xuân.

Ngày lụi gió đông chim não tiếng;

Hoa rơi tựa cảnh lúc gieo thân.