Cha Dượng

Chương 16


Tối hôm đó anh không chở tôi về nhà mà tự động ghé qua nhà ngoại.

Lâu rồi không gặp bà, "lão công chúa" vẫn khỏe mạnh, gương mặt phúc hậu của bà rất niềm nở khi thấy cháu trai cưng và thằng rể quý đi vào từ cửa chính. Lúc đó cả nhà đang ăn cơm tối, ngoài bà ngoại thì còn có thầy Khải, cậu mợ ba và con em gái. Thầy Khải là con trai út nên sống cùng nhà để chăm sóc cho bà ngoại tuổi đã cao, còn cậu mợ ba với con bé Thảo "thỏ" thì ở tận Đồng Nai chỉ vào Sài Gòn mỗi cuối tuần để thăm bà. Mẹ tôi với cậu ba thì do trước đây có một chút hiềm khích từ trước nên hai chị em hiếm khi xuất hiện trong cùng một bầu không khí.

Cậu ba tuổi đã gần bốn mươi, ông là công nhân viên chức nhà nước nên từ người ông lúc nào cũng toát ra loại hơi thở nghiêm khắc và gia trưởng, tướng tá của ông thì hệt như bác sĩ Vinh, có điều cao hơn ba tôi một chút , cả hai đều mập mập, đô đô, nhưng bác sĩ Vinh thì có tố chất của một diễn viên hài quần chúng dễ làm cho người ta có thiện cảm ngay lần đầu gặp, còn cậu ba thì ngược lại, chỉ cần ông thở thôi cũng khiến trong phòng không cần bật máy quạt hay điều hòa. Giọng của ông cũng khản đặc vì ông hút nhiều thuốc lá, lúc nhìn thấy tôi và Bách Tiệp đi vào, ông có cười nói một tiếng hoan nghênh, nhưng tôi vừa nghe thấy cái giọng đặc trưng rất khàn đó thì không khỏi run người.

Có thể nói, trong nhà chỉ có Bách Tiệp mới vinh dự được cậu ba bày ra vẻ mặt niềm nở mà chào đón. Ông nói:

- Lâu quá mới gặp anh hai, nào, hai chú cháu đã ăn gì chưa? Vào bàn ăn luôn cùng gia đình cho vui?

Anh nói:

- Tôi với thằng Đình vừa đi công chuyện nên muốn ghé qua thăm mẹ một lát. Cậu mợ ba ghé lâu chưa?

- Nhà tôi qua ở từ trưa tới giờ, mẹ cứ nhắc anh chị với thằng Đình mãi, kêu tôi gọi đi cho nó qua chơi mà có thấy nó bắt máy đâu!

Tôi vọt miệng nói:

- Điện thoại con mất rồi cậu!

- Thế à ?

Con gái của cậu ba là nhỏ Thảo "thỏ" lúc này đang ăn uống gì đó nhòm nhoàm, nhìn lên tôi nói:

- Mất thì mua cái mới đi, ông nghèo khổ gì mà không chịu mua cái mới?

Tôi trừng mắt nhìn nó nhưng không thèm nói gì.

Mẹ nó, là mợ ba, bà xuất thân từ một gia đình trọng lễ nghĩa và rất gia giáo ở tận vùng Bắc Ninh xa xôi. Lấy chồng rồi mới theo cậu ba vào Nam sinh sống nhưng năm tháng ở đất Nam hào sảng không làm bà mất đi một ánh mắt thâm thúy cùng chất giọng đặc trưng dễ nghe của người phương Bắc, vì không vui khi nghe con gái mình nói chuyện không đúng lễ nên bà nghiêm khắc trừng nó, nhắc:

- Nói chuyện đàng hoàng với anh Đình! "Ông" cái gì mà "ông"?

Thầy Khải thì ngồi ở cạnh bà ngoại, đang nhắn tin điện thoại cho ai đó, thấy màn "chó mèo" quen thuộc giữa tôi với nó thì không khỏi lắc đầu cười cười.



Con bé Thảo "thỏ" dẫu môi ra khi bị mẹ nó mắng, nhưng không trả lời trả vốn gì mà hì hục cắm mặt vào chén cơm. Nó năm nay sắp lên lớp mười, tôi với nó từ nhỏ khá thân nhưng dạo gần đây mới khắc khẩu, lúc gặp mặt thì nó lúc nào cũng tranh thủ liếc hái trêu chọc tôi một lần mới chịu, vậy mà mỗi khi có Bách Tiệp đứng cạnh, nó cứ như con mèo nhỏ ngoan ngoãn, nhìn chằm anh bằng ánh mắt thiếu nữ độ tuổi xuân xanh tràn đầy mộng mơ. Thật kì lạ là dù cậu ba rất gia trưởng, rất nghiêm và mợ ba cũng là người trọng lễ nghĩa, nhưng con gái cưng của họ chưa bao giờ là một đứa con ngoan ngoãn như người ta nhìn vào mà nhận định, nói một cách chợ búa thì nó khá...mất dạy, nó không thường lễ phép với ai trong nhà cả, có khi về gặp bà ngoại mà nó cũng chẳng thèm thưa thố gì, trình độ nói trống không của nó còn hơn tôi mấy bậc. Người trong nhà nửa đùa nửa thật nói rằng con gái độ tuổi này hay bắt chước tính cách người mà nó quý mến nhất, mà lạ đời, ba nó vốn là một tượng đài đáng để người ta ngưỡng mộ, nó không bắt chước ông thì thôi đi mà cứ khịt mũi theo mùi của tôi mà càng ngày càng trở nên xấu tính. Nhưng ngoại lệ là có lúc nó lại tỏ ra rất ngoan ngoãn và thục nữ, đều đặn nói với Bách Tiệp một câu mỗi lần gặp mặt:

- Thưa dượng hai!

Anh cười tươi, gật đầu làm nó khoái trá lắm.

Cậu ba bình thường tuy nghiêm khắc, ông cũng từng có hiềm khích vài chuyện với mẹ nhưng không vì thế mà ghét bỏ gì đứa cháu như tôi, mà lại nói một điều rằng ông rất tôn trọng Bách Tiệp. Chắc tại vì mấy năm trước đây anh có giúp cho một người cháu của mợ ba lấy được một vị trí trong bệnh viện Vinmec CP nên nhà cậu ba mới chịu ơn anh tới giờ và một phần vì anh là người có uy tín, làm việc gì cũng tới nơi tới chốn nên cậu ba nhìn vào đó mới thấy nể phục anh nhiều hơn là bác sĩ Vinh. Nhớ ngày xưa, cậu ba chỉ gọi bác sĩ Vinh là "anh Vinh", "chồng chị hai", nhưng bây giờ ông có thể dễ dàng gọi một người nhỏ tuổi hơn mình là "anh hai", dù đã nghe qua nhiều lần cách mà ông trân trọng gọi Bách Tiệp như vậy nhưng tôi vẫn không tránh được thấy chói tai và một ít ngượng ngùng.

"Lão công chúa" nắm cánh tay tôi cùng với anh kéo tới bàn ăn rồi đẩy ngồi xuống, ôn tồn hỏi:

- Sao hai chú cháu về mà không gọi báo một tiếng trước?

Anh nói:

- Con với thằng Đình đi công chuyện một chút, sẵn ghé sang thăm mẹ.

- Con Quỳnh không về hả con? – Bà ngoại hỏi về mẹ.

- Hôm nay cổ có chuyện đột xuất ở bệnh viện nên vẫn chưa về ạ.

- Trời! Bận gì mà bận dữ, chủ nhật cũng không nghỉ được một ngày.

...

Trong buổi ăn tối, bà ngoại và cả cậu ba không ngừng hỏi thăm đủ thứ về tôi, nhiều nhất là chuyện chọn ngành và thi đại học, nhìn vô cái ánh mắt lăm lăm của cậu ba khiến tôi không ngừng đổ mồ hôi hột, tôi không thể nào trả lời rằng: "Thưa cậu, trong đầu con chưa hình dung ra được đại học là cái giống gì và con cũng chẳng muốn làm nghề gì!", tôi hoàn toàn tưởng tượng ra cái viễn cảnh mình nói xong câu đó và cậu ba nhào qua bóp nghẹt cổ tôi như bóp cổ gà, thế nên chỉ đành bịa ra vài chuyện, rồi nói tôi muốn trở thành bác sĩ như mẹ và anh. Anh biết tôi nói láo, nhưng dường như cũng hài lòng lắm mà gật gù.

Tôi và con Thảo "thỏ" được phân công vào bếp lấy trái cây trong tủ gọt ra cho cả nhà ăn tráng miệng. Tôi đứng gọt táo, con nhóc thì lẽo đẽo đằng sau lén chôm vài miếng bỏ vào miệng nhai nhòm nhoàm, tôi chỉa con dao vào mặt nó, nghiến răng nói:

- Mày lượn!

- Đếch! – Nó mặt dày mày dạn nghênh mặt trừng nhướng đáp lại tôi.



Nhớ hồi nhỏ nó nhút nhát lắm. Nhà nó ở một thị xã nhỏ ở Đồng Nai, mỗi lần được dẫn vào Sài Gòn chơi là thích lắm. Tôi dẫn nó đi đầu này đầu kia tham quan, ăn uống, nhớ có lần đi vào siêu thị mà khứa thì không biết đi thang cuốn, cứ dính lên người tôi làm cho cả hai hôm đó đem về một tấn muối đắp mặt. Bây giờ thì khứa dạn dĩ lắm, sau dậy thì còn có cái tật lì và bất trị.

Khứa nhai táo, nhòm nhoàm nói với tôi:

- Năm sau tui vào Sài Gòn học!

Tôi lườm nó:

- Ai cho mày vô đây? Bộ ở quê mày không có trường cấp ba hay gì?

- Ở quê tui toàn trai xấu quắc. Vào Sài Gòn tìm "soái ca"!

- Cái mặt mày mà đòi "soái ca" hả? Định đi xách dép cho người ta hay gì? Mà...mày nghĩ sao mà nói ở đây có "soái ca"?

- Nhìn mặt tui đi, ông nói kiểu gì mà "xách dép" hả? Tui tìm bạn trai, phải như dượng hai trẻ mới chịu!

- Mày bớt mơ đi! Để cậu ba nghe mày nói câu này, mày sớm muộn cũng bị đánh cho nhừ tử!

- Hứ! Tui đang xin ba cho tui lên đây ở với bà nội. Mà ông đang học trường nào? Để tui biết đặng viết nguyện vọng?

Tôi gõ cốc vào đầu nó, nói:

- Anh mày năm nay ra trường rồi ngu ạ, không có cùng trường với mày đâu. Vả lại ra đường đừng nói là bà con với tao, để người ta biết tao có đứa em hám trai như mày, mất mặt lắm!

Nó giơ chân sút vào mông tôi một cái, có đứa con gái nào lại có cặp chân voi cơ bắp vạm vỡ như nó không? Vừa sút một cái mà khiến tôi lảo đảo muốn đổ nhào xuống đất, nó gầm gừ như sư tử nói:

- Người chán ngắt như ông thì biết cái gì!

Khứa nói dứt lời thì cầm đĩa táo đã được gọt xong, ngúng nguẩy khoan thai bỏ ra phòng khách. Tôi nghe thấy tiếng khứa oang oang bên ngoài, khoe:

- Con gọt táo đó, thấy con nhờ được chưa? Ai như anh Đình, làm biếng như heo!

Tôi ở trong bếp xoa xoa cái mông ẩm ê của mình, cười khổ mắng: "Tổ cha nó! Ai mới làm biếng như heo?"