Cha Dượng

Chương 2


Anh về phòng, tôi cũng chẳng ở lại làm gì với cái phòng khách nhạt nhẽo với gã diễn viên hài và cái tuồng hài nhạt như nước ốc. Về phòng, lôi đống bài tập toán ra nhưng không có tâm trạng cầm bút, thay vào đó là cầm điện thoại. Facebook, nơi bọn học sinh chúng tôi tung hoành, nơi các thánh văn thơ trổ tài yêu đương bi lụy bằng bàn phím, nơi chia sẻ, khoe khoang, bức xúc, xàm xí đú và linh tinh, vớ vẩn. Nhưng công dụng của facebook đối với tôi còn nhiều hơn thế nữa, đó là nơi tôi trốn học, là nơi tôi trốn cảm giác cô đơn và là nơi duy nhất tôi có thể... xem hình của anh. Anh chơi Facebook nhưng một tỉ năm cũng không thấy anh đăng cái gì, mẹ tôi cũng thế, hai vợ chồng y hệt nhau thôi, nghiêm túc, kiệm lời, không khoa trương. Chỉ mỗi khi có đồng nghiệp chụp ảnh tag vào tôi mới thấy trên tường nhà họ có bài.

Mẹ tôi là bác sĩ khoa nội làm việc cho bệnh viện quốc tế Vinmec CP, hình chụp của bà với đồng nghiệp thường chỉ ở trong bệnh viện. Bà mặc blouse trắng, khung người cao gầy, da hơi trắng tái vì suốt ngày chỉ ở trong phòng máy lạnh, gương mặt trẻ hóa so với cái mác bốn mươi lăm tuổi. Mà điều nổi bật hơn cả ở bà vẫn là một đôi mắt thờ ơ và trái tim sắt thép không ai bằng. Bác sĩ Vinh từng kể, lúc trẻ, khi bà đang học lấy bằng tiến sĩ thì phát hiện mình mang thai, ông vui khi sắp được lên chức, nhưng cũng sừng sỗ, làm dữ lên khi nghe bà nói muốn phá cái thai đi vì không muốn ảnh hưởng chuyện học của mình. Tới một buổi sáng ba tôi từ phòng ngủ đi ra thấy bà đang hì hục trên máy chạy bộ ở nhà, giận tới mức mắt nổ đom đóm. Lúc đó có phát hiện thì mọi chuyện đã xong lâu rồi, tôi từng có anh hai hay chị hai cũng mãi mãi chẳng biết được. Đến sau này mang thai tôi nhưng bà vẫn chưa muốn có nợ nần, tiếp tục đòi phá, lần này bác sĩ Vinh làm căng lên lắm, suốt bốn tháng đầu đi đâu cũng kè kè theo bà, mẹ tôi không còn cách nào nên mới miễn cưỡng giữ lại. Chắc cũng bởi vì ép buộc nên chưa ngày nào trong mười tám năm qua bà nghĩ tới chuyện mình đã là mẹ và nên làm mẹ thử một ngày. Bà vốn là người phụ nữ tham công tiếc việc.

Một bức ảnh chụp chung có mẹ, có bác sĩ Vinh và có anh. Mẹ tôi đứng bên trái, mỉm cười rất máy móc, ba ruột tôi đứng tận phía trước vì ông mập và lùn, ông sảng khoái nhoẻn miệng cười, một nụ cười rất đậm chất của bác sĩ Đỗ Nhất Vinh, mắt cong cong đào hoa, núm đồng tiền sâu hút bên má trực diện càng khiến ông trở nên duyên lạ mà dễ gần. Tôi thường chỉ gọi ba là bác sĩ Vinh, đó là cách xưng hô khiến tôi nghĩ mình và ông trở nên gần gũi nhất. Vì đối với tôi, ông không chỉ là một người cha, một người bác sĩ mà còn là một người bạn nữa. Nói chung là, cuộc hôn nhân lạnh nhạt với mẹ không dập tắt được tình thương vô bờ của một người cha tốt, mặc dù không còn sống chung, mặc dù ông đã có tổ ấm riêng, nhưng lúc nào ông cũng sẵn sàng là một chỗ dựa vững chắc để tôi trút tâm sự như một người thân, người bạn.

Còn anh...người cha thứ hai của tôi, anh và bác sĩ Vinh đều là cái gì đó thật lớn lao trong lòng tôi nhưng có ranh giới và phân định rõ ràng. Anh đứng cách mẹ hai người y tá khác, blouse phấp phới, dáng người cao ráo, bờ vai rộng kiêu hãnh, thần thái đạm nhiên nhưng gợi chút xa cách, và ánh mắt không bao giờ đặt nơi ống kính. Cái cách mà anh nhìn mông lung đi mỗi khi tất cả đồng nghiệp của mình đều hướng về ống kính khiến tôi luôn muốn hỏi: " "Con bọ Hercules nhã nhặn", anh có biết mình rất cuốn hút người nhìn không?"

Tôi có thói quen hay xem hình ở bệnh viện, ban đầu xuất phát từ việc tò mò thôi, nhưng dần già không biết kể từ lúc nào mà tôi chỉ tìm anh, nhìn anh mà không nhìn thêm ai khác nữa.

Thời gian tích tắc trôi qua, đồng hồ bấy giờ đã chỉ tới con số hơn chín giờ tối. Ngoài cửa có tiếng gõ khẽ sau đó anh đi vào, nhìn tôi bằng ánh mắt không vui, nói:

- Lướt mạng xã hội lâu quá rồi! Đừng để chú tịch thu điện thoại của con như lần trước, không học bài thì ngủ sớm!

Mỗi lúc la rầy, tôi mới nghe anh nói được nhiều một chút. Có lẽ anh để ý thấy tôi đang xem hình của mình nhưng không nói, tôi cũng không định giấu diếm làm gì, tà tà hỏi:

- Sao chú chụp hình lúc nào cũng bí xị mặt vậy?

Tôi không nghĩ là anh giận thật mà bước vào giật lấy điện thoại trong tay tôi, nghiêm túc nói:

- Đừng có giỡn mặt, chú kêu con học bài!

Tôi chán nản nằm trườn lên bàn học, anh quả nhiên tịch thu điện thoại của tôi rồi mang về phòng mình luôn. Không rõ những phụ huynh của bạn học khác có tinh tế về chuyện không nên điều tra đời tư trong điện thoại của con cái mình, đặc biệt là con trai hay không, nhưng tôi biết anh sẽ không chọn cách trở thành một phụ huynh tinh tế. Cũng chẳng có gì quá xấu hổ, chỉ là mấy dòng lịch sử google chưa xóa thôi, body nam, người mẫu nam bể bơi, đôi tình nhân nam đồng tính tổ chức hôn lễ ở Rayavadee Krabi, Thái Lan...



Tôi tin mấy cái đó chẳng có gì khiến anh bất ngờ.

Hình như tin nhắn mùi mẫn của tôi với bạn gái cũ cũng xóa rồi, lúc nghe cổ mắng tôi là cục đất, giận quá nên xóa ngay tắp lự, thư từ, hình ảnh, đồ đạc kỷ vật gì đó chôn vào thùng rác hết. Chỉ còn có mấy dòng tin nhắn của tôi với bác sĩ Vinh, bàn về chuyện có nên ra nước ngoài du học hay không và còn chuyện tôi chuẩn bị dọn sang căn nhà bỏ trống của ông ở Tân Bình để tiện gần cho việc sau khi nghỉ hè thì liền vào trung tâm Nguyễn Thượng Hiền bên đó luyện thi, nghe nói ở đó chất lượng giảng dạy tốt.

Không có điện thoại, tôi nằm trên giường thất tình tới nửa đêm mới ngủ được. Vừa chợp mắt không bao lâu thì nghe thấy tiếng cãi vã từ vách tường vọng ra, mẹ và anh hiếm khi gây nhau. Bảy năm trôi qua thuận lợi vì dường như sự tương đồng về tính cách khiến họ không gặp phải mâu thuẫn gì nghiêm trọng. Một cặp vợ chồng là phải hòa hợp với nhau như chuyện nắp vung A phải đặt đúng nồi canh A, nhưng tôi lại miêu tả mẹ và anh cứ như hai cây đũa đặt song song nhau trên một chén cơm đang cúng, âm thịnh dương suy... ý là trời đất bất thường, họa may mới chạm tới nhau mà gây được mâu thuẫn. Điều đáng nói là tôi nghe thấy tiếng quát của anh, tôi chưa từng nghe anh lớn tiếng như vậy với ai cả. Anh là người trước nay trầm tĩnh mà nói theo kiểu ngôn tình một chút là "lạnh lùng". Có lúc tôi lại nghĩ anh như cái máy biến áp, mặc dù trong lòng có khó chịu, có giận dữ thế nào thì lúc thể hiện ra ngoài vẫn là "con bọ Hercules nhã nhặn", bọ Hercules dù có cứng cáp, mạnh mẽ như thế nào nhưng vẫn là con vật luôn biểu hiện chậm rãi, như con người anh biết cách tiết chế và có sức nhẫn nại đáng khâm phục. Nhưng bây giờ "con bọ Hercules nhã nhặn" của tôi đã giương sừng, tôi kề lỗ tai lên vách tường nghe anh quát với mẹ:

"Cô là mẹ, đã không lo cho tương lai của con mình thì thôi, còn kiểu nói vô trách nhiệm đó hả?"

Mẹ quát lại:

"Tôi vô trách nhiệm khi nào? Tôi chỉ muốn cho nó tự lựa chọn con đường đi của mình thôi, anh muốn nó làm bác sĩ thì nó chịu làm bác sĩ à? Thằng Đình nó tuy lười, nhưng nó là đứa thông minh, nó muốn chọn con đường nào thì tôi là mẹ nó cũng an tâm hết. Khi nào đến lượt anh lo?"

Nghe đoạn đầu tôi còn gật gù tự nói: "Đúng, đúng, mẹ nói đúng mà..." Nhưng nghe tới đoạn cuối, tim tôi se thắt lại.

Bên kia im lặng, lâu sau mới nghe thấy anh nói chuyện lại, giọng nói bấy giờ đã được tiết chế lại nhiều, âm thanh trầm nhỏ đến nỗi tôi dính lỗ tai vào tường mới lóng ngóng nghe được anh nghiến răng nói:

"Không ai lo thì một mình thằng này dư sức lo, đéo cần thằng nào khác thương hại hay bù đắp gì. Nói lại với chồng cũ của cô, kêu anh ta bớt làm chuyện bao đồng đi. Bên nhà còn vợ với mấy đứa con nheo nhóc của anh ta mới là người đáng phải lo đấy! Du học là chuyện ăn gỏi hả? Một mình anh ta biết được cái quái gì mà đòi đưa nó đi? Rồi môi trường bên đó ra sao? Một mình nó ra sao? Đéo hiểu nổi mấy người làm cha mẹ kiểu gì!"

Lần đầu tiên tôi nghe anh thô lỗ chửi thề, tai mình lùng bùng như vừa nghe thấy thứ kinh thiên động địa không thể chấp nhận được. Và dường như mẹ cũng không thể chấp nhận được, tôi nghe thấy tiếng toang mở cửa phòng rồi sau đó là tiếng giày cao gót giẫm lọc cọc rời khỏi phòng khách mang theo cái chùm chìa khóa loảng xoảng va vào nhau. Tiếp đó là tiếng bước chân thật nhẹ nhàng đi tới trước cửa phòng mình, tôi hú hồn bay vèo về giường ngủ, nhập ngay vào vai cái xác chết bất động.

Anh đi vào trong, đứng ở đầu giường nhìn tôi một hồi thật lâu mới thở dài. Tiếng thở dài của anh chưa bao giờ trông não nề như vậy. Tôi nhớ hồi mình mười hai tuổi nửa đêm sốt cao bốn mươi độ, lúc đó mẹ trực ở bệnh viện còn ngoài trời thì mưa dông, sấm chớp đùng đùng. Suốt đêm anh đều chỉ ngồi khom người bên giường ngủ lau mặt, đút thuốc, trông tôi ngủ, anh im lặng, cũng thở dài nhưng cái thở dài không trông buồn bã như bây giờ.

Anh rời khỏi phòng tôi mang theo những bước chân trĩu nặng mà tôi cũng không hiểu vì sao lại như thế.