Cố Tiểu Tây

Chương 116


“Đồ ăn vặt, bánh kẹp, cơm hộp…”

Cố Tiểu Tây bị tiếng la của nhân viên phục vụ đánh thức, theo sau đó là hương thơm đậm đà của cơm nhưng mùi thơm này hòa lẫn cùng với mùi vị trong xe, quả thật làm người ta cảm thấy không có chút thèm ăn.

Cô đưa mắt nhìn sang, chỉ thấy nhân viên phục vụ đẩy xe thức ăn, đi qua lối đi nhỏ.

Người phụ nữ bên cạnh Cố Tiểu Tây thăm dò nhìn thoáng qua, cao giọng hỏi một câu: “Cơm hộp gì vậy?”

“Cơm cần tây xào thịt băm, một phần tam giác, lại thêm hai lượng phiếu lương thực!” Nhân viên phục vụ nói, bưng hộp thức ăn nhôm trên xe tới, người phụ nữ lại liên tục xua tay: “Không lấy không lấy! Tôi cũng không ăn!”

Nói xong thì quay đầu sang một bên.

Nhân viên phục vụ tức giận trừng mắt nhìn bà ta, tiếp tục đẩy xe thức ăn đi về phía trước.

Cố Tiểu Tây lấy ra một quả táo bắt đầu ăn, vị táo thanh ngọt nồng đậm, so với cơm còn ngon hơn vài phần.

Đôi mắt người phụ nữ sáng lên, lúc này cũng bất chấp chuyện nhà Tiểu Tây là thành phần địa chủ, không biết xấu hổ mà nói: “Ơ, cô bé, táo này của cô ở đâu ra vậy? Ngửi thấy thơm quá, có thể cho thím ăn một miếng không?”

“Không thể.” Giọng nói của Cố Tiểu Tây rất nhẹ, không hề có chút dáng vẻ ngượng ngùng sau khi từ chối người khác.

Mặt người phụ nữ tối sầm, nghiến răng nghiến lợi xì một tiếng, quay đầu lại nói thầm với người ngồi bên kia.

Cố Tiểu Tây không thèm để ý.

Thời gian dần dần trôi qua, hơn năm giờ sáng, đã đến thành phố Chu Lan.

Khi xe lửa dừng lại, mọi người xuống xe với những túi lớn túi nhỏ.

Cố Tiểu Tây sờ sờ túi tiền, bảo đảm tiền và nhẫn đều ở đây, mới xách giỏ xuống xe lửa.

Thành phố Chu Lan.

Kiếp trước cô đã tới đây, nhưng kiếp này thì vẫn là lần đầu tiên.

Cố Tiểu Tây lên một chiếc xe lớn, cũng chính là xe buýt, một đường đi đến phố Thanh Liễu. Nơi này là nơi sầm uất náo nhiệt nhất ở thành phố Chu Lan, cửa hàng ký gửi cũng ở đây.

Lúc cô đến phố Thanh Liễu, trời mới tờ mờ sáng.

Cố Tiểu Tây hết quẹo trái lại quẹo phải, rốt cuộc cũng đến “Cửa hàng ký gửi quốc doanh Thanh Liễu”.

Cửa hàng ký gửi là một ngành thu bán đồ cũ, lúc này hàng hóa thiếu thốn, rất nhiều thứ đều cung cấp bằng chứng từ. Người dân vì muốn sống qua ngày, bèn ủy thác đồ cũ không dùng đến cửa hàng ký gửi để tiến hành gửi bán.

Các cửa hàng ký gửi đã giảm bớt đáng kể sự thiếu hụt các mặt hàng cung cấp, cũng đáp ứng cuộc sống của nhiều người có thu nhập thấp, không có phiếu.

Cố Tiểu Tây ngẩng đầu nhìn cửa hàng ký gửi quen thuộc này vài lần rồi cụp mắt, ngồi xuống bậc thang ven đường, cửa hàng ký gửi này còn chưa mở cửa, còn cần chờ một lát.

Cô ngồi xổm không bao lâu, trước cửa tiệm đã có người đến xếp hàng.

Trên lưng mỗi người đều đeo gùi, phần lớn trong gùi chứa một số đồ còn sót lại như nồi niêu xoong chảo.

Cố Tiểu Tây cũng đứng dậy xếp hàng.

Khoảng một giờ sau, người bán hàng cuối cùng cũng tới.

Ông ta mở cửa, lại thuận tay quét dọn vệ sinh một chút, mới gọi người đi vào.

Cố Tiểu Tây vào theo hàng, chủ cửa hàng đã bắt đầu đánh giá giá trị hàng hóa.

Cửa hàng ký gửi quốc doanh Thanh Liễu không tính là lớn, chỉ là một cửa hàng vô cùng đơn giản, bên trong có một quầy gỗ, ông chủ lớn tuổi ngồi ở phía sau quầy. Người gửi hàng đặt đồ ở trên quầy, ông chủ đánh giá xong thì báo giá.

Đồ gửi bán có đủ loại, nhưng giá cả cũng không cao.

Rất nhanh đã đến phiên người phía trước Cố Tiểu Tây, là một người đàn ông trẻ tuổi, anh ấy lấy ra một chiếc đồng hồ với ánh mắt hiu quạnh.

Đồng hồ Hải Thị, đây chính là nhãn hiệu nổi tiếng nhất hiện nay.

Ông chủ thu hồi ánh mắt tùy ý, cầm lấy đồng hồ sờ trái sờ phải, bảo đảm không có hư hao rồi mới nhân tiện nói: “Giữ gìn rất tốt, giá cả hai mươi, cậu thấy sao?”

Nghe vậy, người trẻ tuổi cười khổ một tiếng, lúc anh ấy mua cái đồng hồ này đã tốn một trăm đồng, không ngờ đến khi nghèo túng, lại chỉ có thể bán được hai mươi, nhưng trong nhà còn có em trai em gái đang gào khóc đòi ăn, không bán thì biết làm sao đây?

Anh ấy gật đầu: “Được, hai mươi thì hai mươi.”

Ông chủ cười ha hả, thuận tay cất kỹ đồng hồ về, lại lấy ra hai mươi đồng đưa sang, lúc người trẻ tuổi nhận tiền thì nói: “Trong vòng một tháng có thể chuộc lại, quá hạn không đợi.”