Cuộc Sống Làm Nông Của Tống Đàm

Chương 164: Xe ba bánh và bằng lái.


Một nhóm người cùng nhau ăn uống no say.

Mùa xuân quý ở thời vụ, mọi người trong thôn không có thói quen nghỉ trưa. Ngô Lan ăn xong vội vàng đặt bát xuống, rồi lại hối hả lên núi hái trà.

Vốn dĩ bà đã tràn đầy nhiệt huyết, từ sau khi biết khách hàng của Tống Đàm đặt thêm mười cân trà nữa, bà càng cảm thấy loại trà này có thị trường, ngày nào đi hái trà cũng như nhặt được vàng, chẳng thấy mệt chút nào!

Chưa kể, trên núi còn có một đám các bà, các cô trong thôn vừa làm vừa chuyện trò rôm rả, tiếng nói cười vang vọng cả mấy quả đồi, cả thôn ai ai cũng nghe rõ, chuyện gì cũng bị lôi ra bàn tán, chẳng còn gì là bí mật.

Còn Tống Tam Thành, ăn xong cũng không chịu ngồi yên, lại ra đồng đi một vòng. Ông phát hiện mấy luống rau phát triển vô cùng mạnh mẽ, những hạt giống mới gieo cũng đã mọc lên vô số mầm xanh non, càng làm ông yên tâm hơn.

Ở mấy mảnh ruộng này, vất vả nhất không phải con bò già đã cày bừa xong, mà là Đại Bảo và Nhị Bảo cứ chạy tới chạy lui liên tục.

Không phải vì lý do nào khác, mà bởi mấy con chim ác là và chim sẻ đến phá hoại thực sự quá nhiều. Cũng may có hai đứa nhỏ canh giữ.

Ông lão Lý nhìn qua cánh đồng lúa nước rồi hỏi:

“Mai cấy lúa không? Nếu cấy thì sáng sớm tôi qua.”

Cũng gần đến lúc rồi, mạ xanh tốt mượt mà, nhìn qua đã thấy rất khỏe mạnh!

“Cấy chứ!”

Tống Tam Thành đáp ngay không chút do dự:

“Không cần chú làm đâu, nhà con đủ người rồi.”

Chỉ có hai mảnh ruộng, cộng lại mới hơn hai mẫu đất. Hồi Tống Đàm còn nhỏ, nhà họ cũng trồng trọt, một người khỏe mạnh chịu khó một chút là có thể cấy xong hết trong một ngày.

Giờ thì khác, mọi người ít làm nông hơn, lâu năm không quen việc, nên cả nhà mới phải cùng làm.

Ông lão Lý cười đáp:

“Có bao nhiêu đâu, tôi sợ gì mệt. Mọi người cùng làm thì nhanh thôi.”

“Vậy thì được ạ.”

Diện tích nhỏ, đối với những người quen việc đồng áng như họ, thực sự không phải là vấn đề lớn. Ông lão Lý lại nhiệt tình, cũng là tay làm ruộng lão luyện, nên Tống Tam Thành vui vẻ đồng ý.

Trước khi rời đi, ông còn không quên dặn:

“Trưa mai chú qua nhà con ăn cơm nhé. Tay nghề của ông chú họ nhà con, chú cũng lâu rồi chưa được thử lại đúng không?”

Ông lão Lý cười sảng khoái:

“Phải đến chứ! Hôm trước tôi còn mơ thấy ông ấy làm món t.hịt ba chỉ xào tỏi xanh trong một bữa tiệc lớn, thơm lừng! Tôi ăn liền hai bát cơm trong mơ!”

“Giờ thì không được thế nữa, già rồi, ăn ít lại, mỗi bữa chỉ ăn được nửa bát, ăn nhiều là không chịu nổi.”

Nhắc đến đây, ông lão Lý cười hài lòng:







“Nhưng mà phải công nhận, nhà cậu có con bé Đàm Đàm tốt bụng, cũng tin tưởng tôi, giao ruộng lúa này cho tôi. Không giấu gì, từ khi chăm sóc hai mảnh ruộng này cho Đàm Đàm, mỗi bữa tôi cũng ăn hết một bát cơm, tinh thần phấn chấn hẳn.”

Nếu bảo Tống Đàm nói, chắc chắn cô sẽ khẳng định ngay!

Khi đó, cô dẫn linh khí từ cây cỏ để cải tạo đất, người hấp thụ không được bao nhiêu, nhưng không phải là không có lợi ích.

Chưa kể, con bò già nhà ông lão Lý ăn không ít cỏ đậu tím mà cô trồng, ngay cả ông ấy cũng ăn được kha khá.

Tất cả đều là ảnh hưởng từ từ.

Nhưng đối với Tống Tam Thành, ông có một lý luận đơn giản mà mọi người làm nông đều tin tưởng:

“Chắc chắn là trước đây chú nhàn rỗi quá rồi. Người làm nông mà nhàn rỗi thì cơ thể dễ ốm yếu. Cứ làm việc là khỏe lại ngay.”

“Đúng vậy.”

Lời này khiến ông lão Lý đồng tình sâu sắc, hai người đứng ngay trên bờ ruộng, một người nói, một người đáp, trò chuyện sôi nổi.

Khi Tống Tam Thành về đến nhà, trời đã về chiều.

Ánh mặt trời ấm áp chiếu xuống, khiến cả người thấy mềm mại, thư thái.

Trong sân, một dãy năm chiếc ghế tựa được bày ra. Ông chú Bảy, bà thím Bảy, cùng với Kiều Kiều, Tống Đàm, và Trương Yến Bình, từng người ngồi một chỗ.

Ba đứa nhỏ, mỗi đứa ôm một chú cún con trong lòng. Chẳng biết là c.h.ó con ngủ ngon hay người phơi nắng thoải mái, cả bọn đều yên ắng.

Tống Đàm nghe thấy tiếng động, bèn nhấc chiếc mũ rơm đang úp trên mặt ra, nói:

“Cha, không có việc gì làm nữa đâu, cha cũng nghỉ ngơi đi.”

Còn về phần Ngô Lan đang chăm chỉ làm việc ngoài vườn trà... thì hết cách rồi. Tính khí bướng bỉnh của mẹ cô, cả nhà chẳng ai dám đối đầu.

Tống Tam Thành vốn không phải kiểu người có thể ngồi không. Ông tranh thủ dọn dẹp phòng chứa đồ một chút, rồi bất ngờ nhìn thấy cái hộp nhỏ dùng để nuôi ong vò vẽ trước đây. Ông giật mình hỏi:

“Đàm Đàm, mấy con ong vò vẽ này chắc sớm nở rồi phải không?”

Kiều Kiều lập tức giơ tay lên đáp:

“Nở rồi ạ, có 20 con. Giờ chúng nó biết bay, biết hút phấn hoa hết rồi.”

Nhưng mà, ong chúa thì thật vô dụng, kéo theo cả bầy ong nhà nó cũng chẳng khá khẩm gì. Mỗi ngày chỉ thu thập đủ cho bản thân ăn, rõ ràng là nuôi một bầy “ăn hại.”

Ong chúa “Đại Hùng” thậm chí còn không bay nổi, phải nhờ bọn nhỏ đeo giỏ phấn hoa lên chân rồi mang về nuôi.

Tống Đàm cũng than thở: Làm ong chúa thì nhiệm vụ chính là sinh sản, mà nó lại thế này, đến con cái nở ra cũng không chịu nuôi.

Khổ lắm mới nuôi được lớn, thì bây giờ nó lại ngừng đẻ, kéo theo khoảng mươi hai mươi con ong mỗi ngày chỉ biết ăn với uống.

Làm việc có chăm chỉ không?

Cũng khá chăm chỉ, bận rộn từ sáng đến tối.





Thu được mật hoa chưa?

Thu thì có, nhưng chẳng đáng bao nhiêu, chỉ đủ để no bụng chúng nó, còn dư lại chẳng có tí nào.

Thật sự là nuôi một bầy vô dụng.

Nhưng dù vô dụng đến đâu, đây cũng là “bảo bối nhỏ” của Kiều Kiều.

Sáng nay cậu bé còn đặc biệt đưa Đại Hùng đến một cây mộc lan trong làng, nơi hoa đang nở rộ, hương thơm nồng nàn khiến người ta chóng mặt.

Cánh hoa lớn, phấn hoa cũng to, rất thích hợp cho Đại Hùng. Đến tối cậu mới tính mang nó về, dù sao cũng phải để nó ăn no một chút.

Thật sự là lo đến kiệt sức.

Tống Tam Thành, người đàn ông nông dân thô ráp, chẳng mấy quan tâm đến sự vô dụng của Đại Hùng và cách lũ trẻ cưng chiều nó. Ông lại suy nghĩ về chuyện khác:

“Đàm Đàm, nhà mình có nên mua cái xe ba bánh nhỏ không?”

“Chú Trương trên núi, ngày nào cũng kéo phân, kéo cây, vất vả lắm. Có cái xe ba bánh điện, đi trên đường nhỏ tiện lợi hơn nhiều.”

Còn có thể lên núi nữa.

Điểm này thậm chí còn tốt hơn chiếc xe bán tải của Tống Đàm.

Nhưng nhắc đến xe ba bánh điện, Tống Đàm lại nhớ đến chuyện khác:

“Cha, lần trước cha bảo với mẹ là định học lái xe. Giờ đang rảnh, có phải nên đi thi lý thuyết rồi học tiếp không?”

Tống Tam Thành: ...

Nói sao đây?

Ông đã thi thử mấy lần, nhưng chưa lần nào qua được 85 điểm. Với một người trung niên, điều này thật sự tàn nhẫn!

Đến mức Tống Tam Thành còn ngại nhắc đến chuyện này.

Ông lúng túng nói:

“Đây không phải là vì nhà mình bận việc sao? Không có thời gian rảnh tay.”

Tống Đàm tuyệt nhiên không tin:

“Cha, giờ này rau cỏ chưa mọc, cây đào cũng chưa nở hoa, chính là lúc rảnh nhất đấy!”

Xe ba bánh điện cô có thể mua, tùy cha và chú Trương muốn dùng thế nào thì dùng. Nhưng bằng lái thì cha có thi nữa không?

Tống Tam Thành:...

Ông chọn cách lên núi dạo một vòng nữa.