Cuộc Sống Làm Nông Của Tống Đàm

Chương 172: Lúa hai vụ.


Ngô Lan đang hái trà, chợt nhớ ra một chuyện khác:

“Tống Đàm, năm nay chúng ta trồng lúa sớm thế này, có phải định trồng hai vụ lúa không?”

Bà có chút lo lắng: “Ở vùng mình, trồng lúa hai vụ đâu có nhiều!”

Tống Đàm thực ra cũng chưa nghĩ kỹ.

Giờ mới đầu tháng tư, mạ đã cấy xong, đến cuối tháng sáu chắc chắn sẽ phải gặt lúa.

Nếu lúc đó tranh thủ trồng thêm một vụ lúa nữa, thời gian vẫn kịp.

Nhưng nếu gặt xong lúa rồi dọn ruộng, trồng thêm nhiều loại rau, thì số tiền kiếm được chắc chắn sẽ nhiều hơn.

Dẫu sao lúa gạo nhà cô cũng không định mang bán.

Cô chọn giống lúa này vì ăn ngon, dù năng suất có kém một chút. Hai thửa ruộng gần ba mẫu, ước tính được khoảng ba nghìn cân thóc, xay ra chắc được khoảng hai nghìn cân gạo.

Nghe hai nghìn cân thì có vẻ nhiều, nhưng với khẩu phần ăn của cha cô, khi trước gạo không có linh khí mà một năm đã hết hơn hai trăm cân. Giờ cả nhà mỗi người một bữa ăn ba bát, tính ra một người một năm cũng hết khoảng sáu trăm cân gạo.

Chỉ riêng nhà bốn người, một năm cũng đủ để ăn hết sạch số gạo này.

Chưa kể thỉnh thoảng phải mời người đến làm giúp hay nấu ăn, rồi còn cả Trương Yến Bình và ông chú Bảy nữa…

Tống Đàm tính toán xong, trong lòng đã quyết định.

“Đúng vậy, định trồng lúa hai vụ.”

“Tính ra, hai thửa ruộng này cho ra số gạo vẫn chưa đủ cho nhà mình ăn một năm, chi bằng trồng luôn hai vụ lúa.”

Ngô Lan nghe vậy thì trách cô: “Trồng lúa hai vụ, phải bón thêm phân, sao ruộng nhà mình chẳng bao giờ thấy bón phân vậy?”

Phân hóa học, phân urê nhà vẫn còn hay không, trong lòng Ngô Lan là người chủ gia đình cũng rõ.

Nhưng Tống Đàm nói năng rất dứt khoát, toàn lời trấn an:

“Có chứ, là phân hữu cơ nhập khẩu, đắt quá nên chưa dám để mọi người dùng... Cũng đừng dùng loại khác nữa, bây giờ ăn uống quan trọng nhất là an toàn và yên tâm mà.”

“Với lại, năm nào cũng dùng phân hóa học, đất ngày càng chai cứng, không còn như trước kia nữa.”

Chẳng phải nói thừa sao?

Ngô Lan suýt nữa trợn mắt.

Ai mà chẳng biết đất càng dùng phân càng cằn, càng cằn thì lại càng phải dùng phân, đây là một vòng luẩn quẩn.

Nhưng muốn trồng lúa mà sống qua ngày thì lại không thể thiếu phân được.

Ruộng nhà năm nay đúng là tốt quá mức.

Nhưng nghĩ đến đám rau tươi ngon nhà ăn cả năm nay, Ngô Lan vẫn thắc mắc: “Rau dại, tre trúc con cũng dùng rồi à?”

“Lúc nào? Ở đâu? Sao mẹ chẳng thấy gì?”

Haizz, một lời nói dối, nghìn điều phải bù.







Nhưng không bù cũng không được.

Cả làng nhà nào cũng có ruộng, chỉ có ruộng nhà mình cây cối phát triển tốt. Đối với người ngoài thì giữ kín, nhưng với người trong nhà thì chẳng có lý do gì, sớm muộn cũng gây chuyện.

Tống Đàm liền mạnh dạn đáp: “Đúng, dùng rồi.”

“Phân bón cô đặc này dùng rất ít, một mililit là đủ cho một thửa ruộng. Nhưng quá quý hiếm, nước ngoài còn chẳng bán cho mình. Con sợ mọi người nghe được thì dễ sinh chuyện.”

Đây nào phải phân bón? Rõ ràng là tiên đan!

Ngô Lan giật thót trong lòng, vội vàng nhắc nhở:

"Vậy thì con phải tìm hiểu rõ ràng, cái này có dùng được ở đây không? Trên mạng dạo này toàn nói, nhiều loại cây hoa ngoại nhập vào chỗ mình là không được đâu đấy!"

Ôi trời, giờ ngay cả bà Ngô Lan cũng biết đến khái niệm "sinh vật ngoại lai" rồi, Tống Đàm thực sự thấy an ủi!

Lúc này, cô đập n.g.ự.c cam đoan:

"Yên tâm đi mẹ, không sao đâu, mấy cái trung tâm nghiên cứu trong nước mình cũng có mà, chỉ là không cho bán ra ngoài thôi, vì chi phí quá đắt đỏ. Con phải mất bao nhiêu công sức mới có được đấy, không thì làm gì phải hối hả kiếm tiền thế này..."

Được hay không thì cứ nói qua loa cho xong đã, kiểu gì cũng phải bịa ra lý do mà.

Nhưng lời nhắc nhở của Ngô Lan làm cô nhớ ra, lát nữa về phải lên mạng đặt ngay mấy cái chai đẹp mắt.

Còn cái loại phân bón cô đặc này... thì chờ thêm chút nữa, đợi khi cô đạt đến giai đoạn "trúc cơ", linh khí có thể hóa thành nước, lúc đó làm hẳn một thùng dinh dưỡng cho Ngô Lan xem!

Hiện giờ thì... Linh khí đắt đỏ quá, nói ra chỉ toàn nước mắt.

Ngô Lan nghe xong thì nửa tin nửa ngờ, hiểu hiểu mà cũng chẳng hiểu.

Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, hình như ngoài cách giải thích này, cũng chẳng có cách nào hợp lý hơn.

Vừa mới xem livestream xong, Ngô Lan phát hiện mình thật sự không hiểu nổi mấy trò của đám trẻ bây giờ. Có lẽ... phân bón cô đặc chính là thế này?

Chuyện nhà nông là chuyện lớn.

Dính đến việc gia đình, bà vội vàng dặn dò:

"Được rồi được rồi, đừng nói nữa, cứ coi như là Thổ Địa gia ban lộc, năm nay vụ mùa trúng lớn."

Miệng thì không cam lòng, vẫn lẩm bẩm:

"Mẹ đã nói rồi, sao con làm nông lại giỏi hơn mẹ được chứ..."

Đây là sự cố chấp cuối cùng của một người nông dân kỳ cựu.

Nói xong chuyện chính, Ngô Lan lại bắt đầu càu nhàu:

"Kiều Kiều chẳng thấy đâu trong máy quay, con cứ nhìn cái gì thế? Đã đến đây rồi, nhanh lên, hái thêm lá trà đi, cái này mới kiếm ra tiền."

Hái trà gì mà hái, Tống Đàm sống qua hai đời rồi còn nhớ rõ cái khổ của việc hái trà, thế là nhanh chóng xách cái giỏ rỗng lên:

"Con qua chỗ Kiều Kiều đây, để nó xuất hiện trên máy quay chút."

Nói xong liền chạy biến đi.

Ngô Lan thực sự tức không chịu nổi.





Chuyện kiếm tiền nhất đây, mà sao ai cũng không chịu làm? Cái này có thể mệt hơn đào núi được không chứ?

---

Tống Đàm quay lại rừng hạt dẻ.

Kiều Kiều từ chỗ trồng tuyết nhĩ đi một vòng, giờ lại quay về trước máy quay.

Cậu chẳng học qua kiến thức gì về tuyết nhĩ, nên cũng không nói lung tung, chỉ im lặng cầm con d.a.o nhỏ gọt từng bông một.

Miệng thì đếm số, nhưng cứ đếm đi đếm lại mãi chẳng đúng, thành ra cả buổi rồi vẫn chưa đủ trăm bông.

Còn Trương Yến Bình vì không muốn lên hình, nên trốn ở bên kia máy quay, thấy Tống Đàm đến thì hỏi:

"Em nói xem, nếu anh làm một kênh livestream ở quê, liệu có hot như vậy không?"

Cách thành công của Kiều Kiều thật quá đơn giản đi!

Tống Đàm cười khẩy:

"Lần trước video em quay đẹp thế mà lượt xem còn chẳng ăn thua. Bất kể ngành nghề nào, muốn kiếm tiền cũng không dễ đâu."

"Anh Yến Bình, nếu anh muốn làm video thì em ủng hộ. Nhưng anh nghĩ ra nội dung chưa?"

Kiều Kiều thành công là nhờ đầu óc đặc biệt, đúng kiểu tình cờ gặp dịp.

Nhưng Yến Bình, một thanh niên to cao khỏe mạnh, muốn làm livestream thì cũng phải có nội dung chứ.

Tống Đàm cũng góp ý:

"Không thì anh làm đề án, quay về các loại rau dại ở quê, đồng ruộng, kiểu giới thiệu cây trồng nông nghiệp kết hợp văn hóa."

"Thôi bỏ đi."

Yến Bình lại rút lui, tiện tay ném một bông tuyết nhĩ vừa gọt xong vào giỏ.

"Hằng ngày làm việc với mọi người thế này, suýt thì bị lừa rồi. Anh về quê là để trốn tránh tiến bộ mà!"

Là một thanh niên hiện đại mang tư tưởng lười biếng, anh ta thực sự không hiểu nổi tinh thần phấn đấu của các bậc phụ huynh.

"Anh quen biết không ít người, cũng biết nhiều vườn trái cây ngon. Nếu thực sự muốn kinh doanh trái cây, chỉ cần thuê người làm, lập một app nhỏ, anh phụ trách vận hành, nhẹ nhàng hơn nhiều!"

"Nhưng bố mẹ anh thì không, cứ nhất định bắt anh đích thân làm, nói thế mới kiếm được tiền."

"Ôi trời, bao nhiêu tiền mới đủ đây?"

Câu này Tống Đàm không thể trả lời được.

Dù sao cô vẫn muốn kiếm thật nhiều tiền, không chỉ để lo cho việc học sau này của Kiều Kiều, mà còn vì căn nhà của gia đình đã cũ.

Nhà này xây từ lúc cô học lớp một, trong làng bao năm nay, nhà nào có điều kiện đều đã sửa sang, dù ở hay không, có một căn biệt thự quê cũng trông bề thế hơn hẳn.

Cha mẹ cô cả đời bám rễ ở đây, con gái thì từ thành phố về quê, con trai lại như vậy... phải nghĩ cách gỡ gạc chút sĩ diện ở chỗ khác chứ.

Đây chính là cuộc sống của người bình thường, tuy hư vinh nhưng cũng rất thực tế.