Phòng thờ được bố trí ở khu nhà phụ, để tới được phải đi qua một hành lang dài. Ở Châu Gia mọi căn phòng đều được thiết kế riêng với ba quy tắc trọng điểm tối giản - cổ điển và sang trọng, phòng thờ đương cũng không ngoại lệ. Cả căn phòng rộng khoảng ba mươi lăm mét vuông, tông chủ đạo là màu nâu của gỗ, trên trần gắn một tấm đèn đồng vàng ấm cúng, giữa trung tâm là bàn thờ với chiều sâu năm trăm sáu mươi milimet, chiều rộng chín trăm lăm mươi milimet mang ý nghĩa tượng trưng cho sự thịnh vượng. Trên bàn thờ bố trí ảnh các vị tiền bối Châu Gia quá cố, từ đời ông cố cho đến gần đây nhất là ông nội Minh Nguyệt - Châu Bắc Phiến.
Vương quản gia châm một nén hương rồi cẩn thận đưa sang Minh Nguyệt, cô dùng hai tay đỡ lấy dập đầu vài cái rồi cắm nén hương vào bát trước mặt.
- Ông nội, Minh Nguyệt về với ông rồi đây.
Minh Nguyệt cất lời, thanh âm nhẹ nhàng, trong trẻo có phần nghẹn ngào khác xa với một Châu Minh Nguyệt kiêu ngạo, thanh cao ngày thường.
- Cố Gia Chủ quả là ra đi quá đột ngột.
Vương quản gia tên đầy đủ là Vương Trọng Hiên, ông đưa tay chỉnh lại gọng kính lệch nhạt giọng.
- Trước đó một tuần ông nội vẫn còn khoẻ mạnh, tại sao hôm ấy lại đột quỵ?
Minh Nguyệt nén lại nước mắt, đồng tử quyết không rời di ảnh đặt ngay ngắn trên bàn thờ.
- Cố Gia Chủ vốn có tiền sử cao huyết áp nhưng năm đó hoàn toàn không hề tái lại, chỉ duy nhất đêm ấy.
Vương Trọng Hiên đột nhiên ấp úng rõ ràng là không muốn trực tiếp khơi ra sự việc đau lòng. Ngừng một lúc, mới đành tiếp tục lời dang dở.
- Nếu lúc đó có người kịp thời phát hiện, nếu lúc đó Cố Gia Chủ không ở trong phòng một mình và nếu camera không bị hỏng thì có lẽ mọi việc đã có thể cứu vãn.
Châu Minh Nguyệt tai nghe miệng cười, trên đời lại có việc trùng hợp như thế. Năm ấy, cô mới chỉ vừa tròn mười lăm tuổi, ngày ông nội mất còn đang mải mê cùng đám con cháu hội tài phiệt vui chơi bên nước Pháp xinh đẹp. Lúc hay tin Châu Bắc Phiến qua đời, trời Pháp vừa hay nổi bão lớn liên tiếp nhiều ngày khiến không một chuyến bay nào có thể rời cảnh, báo hại Minh Nguyệt đến lần cuối nhìn mặt ông nội cũng chẳng được.
Người thuộc Châu Gia mấy ai không biết, Cố Gia Chủ yêu thương Tam Tiểu Thư nhường nào. Còn nhớ cái ngày Châu Phu Nhân hạ sinh cặp song thai đầu tiên của giới thượng lưu, vừa hay là khoảnh khắc nhà họ Châu vượt mặt đối thủ hàng đầu, việc làm ăn sau đó cũng vô cùng bùng nổ phải gọi là một năm chuyển mình của cả gia tộc. Vì lẽ đó, cặp long phụng này được coi là đại cát được cả tộc tôn sùng, sủng ái. Châu Minh Nguyệt thân là con gái, tất nhiên sẽ được yêu chiều hơn, lại thêm bản tính khôn khéo vốn đã có hảo cảm lại càng được lòng ông nội, cái danh “quý nữ” cũng được ra đời và công nhận vì lẽ đó.
Châu Minh Nguyệt đối với Châu Bắc Phiến có ngưỡng mộ, có kính trọng, lại càng thêm thương yêu vô cùng. Tuổi thơ của cô hầu như đều bám dính lấy ông nội, được ông chỉ bảo, che chở mà lớn lên. Có thể nói đối với Minh Nguyệt ông nội là người thân nhất, hơn rất nhiều cha mẹ của mình. Năm đó, sau khi Châu Bắc Phiến qua đời, Tân Gia Chủ cũng tức cha Minh Nguyệt không để hết tang mà ngay lập tức đưa cô sang Anh du học. Sau ba năm, mười tám tuổi Minh Nguyệt trở về nhưng lại gặp sự cố phải quay về Anh chữa trị bốn năm, gần như không có cơ hội để cặn kẽ tìm hiểu về cái chết của ông nội. Cô nhiều năm qua luôn tự nuôi trong mình hạt giống nghi ngờ, bởi cái chết của Châu Bắc Phiến quá sức khả nghi, lễ tang của ông diễn ra cũng vô cùng chóng vánh không hề có quá nhiều thời gian điều tra nguyên nhân, đến cả bước khám nghiệm cũng đều được miễn bỏ. Vương Trọng Hiên tất nhiên cũng có chung suy nghĩ với Minh Nguyệt, là người bên cạnh Cố Gia Chủ nhiều năm hơn ai hết ông hiểu rõ tình trạng sức khoẻ của chủ mình. Đây cũng là lý do chính khiến ông chấp nhận ở lại Châu Gia với thân phận quản gia. Đáng tiếc, thời gian mới đó đã qua bảy năm, hoài nghi về cái chết của Cố Gia Chủ trong lòng người rồi cũng theo dòng chảy tàn nhẫn ấy trôi khỏi, vốn đã chẳng còn ai để tâm chỉ sót lại duy nhất Minh Nguyệt cùng vị quản gia nọ lạc lối trong một mê cung không có dấu tích.