Mùng 3 Tết, Cù Yến Đình đến khu biệt thự Tử Sơn dự tiệc. Tiết trời không lạnh lắm, anh khoác một chiếc áo dạ có độ dài vừa phải với ve áo hẹp, bên trong mặc áo len mỏng cao cổ màu xám ngọc trai.
Tay trái nắm vô lăng, nhẫn bạc trên ngón áp út lóe sáng, Cù Yến Đình bấm còi, chờ giúp việc mở cửa bèn lái thẳng vào gara.
Trong biệt thự thoang thoảng mùi thơm nức mũi của món Phật nhảy tường ninh nhừ nóng hổi, Vương Minh Vũ đang đứng trước tủ bếp lấy bát đũa, nghe thấy tiếng bước chân bèn gọi: “Yến Đình đến rồi đấy à? Em cao lấy giúp cô với.”
Cù Yến Đình bước tới, bê một bộ đĩa thủy tinh viền vàng xuống và nói: “Đây là quà sinh nhật năm ngoái em tặng cô phải không nhỉ?”
“Ừ, mãi mà không có cơ hội dùng.” Vương Minh Vũ hỏi: “Về từ hôm qua à?”
Cù Yến Đình đáp: “Xế chiều em mới vào đến nội thành, showroom đóng cửa rồi nên tự lau chùi xe, làm xong em mệt đến mức không ăn tối mà đi ngủ luôn.”
Tâm trạng Vương Minh Vũ khá tốt, bà ân cần như một người mẹ bình thường: “Đi xem thực đơn đi, muốn thêm món vẫn còn kịp đấy.”
Cù Yến Đình không vẽ thêm việc cho thím giúp việc, trên bàn uống nước đặt một hộp bánh ngọt, anh ra đó ngồi ăn, tiện tay mở chai rượu và bó hoa mình mang theo. Chai vang trắng Bordeaux do phía hợp tác với Phòng làm việc tặng và hoa diên vĩ hái trên ban công nhà anh.
Vương Minh Vũ cầm lọ cắm hoa tới, tán gẫu: “Sưu tầm thế nào rồi?”
“Ổn cô ạ, phong cảnh nơi đó cũng đẹp lắm.” Cù Yến Đình nói: “Bao giờ bổ sung vào chỗ trống trong kịch bản xong em sẽ đưa cô xem.”
Một chiếc ô tô dừng lại trước cổng, khách khứa đã đến. Cù Yến Đình và Vương Minh Vũ đứng trước cửa nhà nghênh đón, anh hít sâu, trên mặt nở nụ cười đúng chuẩn.
Sáu người lần lượt đến nhà, tuổi tác trên 50 cả, toàn là lớp người đi trước danh tiếng lẫy lừng trong nghề. Thân phận của họ không chỉ là biên kịch mà còn là Phó chủ tịch Hội Văn học và Điện ảnh, Chủ tịch Hội liên hiệp Văn học và Nghệ thuật, Giám đốc Văn phòng nghệ thuật.
Người thong thả đến cuối cùng là Đỗ Trường Hàn, hồi đầu làm việc trong Ban biên tập của Hãng phim quốc doanh, sau được điều đến Đoàn ca múa Bộ công tác chính trị Quân ủy Trung ương, hiện nay là Chủ tịch Ủy ban Công tác biên kịch truyền hình Hiệp hội Phát thanh và truyền hình, kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội nghệ sĩ truyền hình Trung Quốc.
Vương Minh Vũ chào đón niềm nở: “Ông Đỗ, mọi người đến đủ rồi, chỉ chờ mỗi ngài thôi đấy.”
Đỗ Trường Hàn ăn mặc không giống một nhà trí thức già, mà giống quý tộc Anh hơn – đeo kính mắt, chòm râu dê cắt tỉa gọn gàng, cất lên giọng nói già nua khàn khàn: “Già rồi chậm chân chậm tay.”
Đôi mắt vẩn đục chuyển sang Cù Yến Đình, Đỗ Trường Hàn trêu ghẹo: “Con cái nhà ai mà tuấn tú thế này, ra đón lão già họm hẹm đây hử.”
Vương Minh Vũ nói: “Học trò của tôi, ngài quên rồi à?”
Cù Yến Đình đúng lúc duỗi hai tay, anh không chắc Đỗ Trường Hàn có nhớ hay không, nhưng anh thì không quên, năm đó lúc đoạt giải thưởng Biên kịch xuất sắc nhất, anh có duyên được gặp Đỗ Trường Hàn một lần.
“Ông Đỗ, năm mới vạn sự như ý.”
Đỗ Trường Hàn bắt tay với anh: “Năm đó cậu đoạt giải…”
Cù Yến Đình cười nói: “Ngài là Trưởng ban giám khảo ạ.”
Vào nhà, Vương Minh Vũ mời khách đến bàn trà trong sảnh phụ. Hương trà vấn vít, nhưng Đỗ Trường Hàn không ham, từ lâu ông đã nghe nói Vương Minh Vũ có một bộ sách cổ ngừng xuất bản nên giờ muốn xem.
Vương Minh Vũ hào phóng nói: “Yến Đình, em dẫn ông Đỗ lên phòng sách tầng hai đi.”
Cù Yến Đình dẫn Đỗ Trường Hàn lên tầng, trên bàn trong phòng sách đặt một hộp gỗ chống bụi, bên trong đựng bộ sách cổ, xem ra Vương Minh Vũ đã chuẩn bị sẵn rồi. Anh đưa kính lúp và nói: “Ông Đỗ, ngài ngồi xuống xem đi.”
Đỗ Trường Hàn ngồi xuống, làm như vô tình nói: “Chàng trai, thực ra chúng ta đã gặp nhau 2 lần.”
Cù Yến Đình thật thà hỏi: “Tôi không có ấn tượng gì cả, lúc nào thế ạ?”
Đỗ Trường Hàn nói: “Mùa hè năm ngoái, lễ kỷ niệm cải cách ngành Điện ảnh và truyền hình.”
Cù Yến Đình bừng hiểu, lúc ấy anh và Vương Minh Vũ tham dự hội nghị, nhưng suốt buổi lễ anh chỉ mải căng thẳng, không quan tâm đến những người khác.
Đỗ Trường Hàn nói: “Cậu rất nổi bật, như minh tinh điện ảnh vậy.”
Cù Yến Đình bật cười: “Cảm ơn ông Đỗ khen ngợi.”
Đỗ Trường Hàn đặt kính lúp xuống, hai bàn tay già cỗi đan vào nhau, hai ngón cái xoay vòng quanh nhau, ông chợt thốt ra một câu mà với địa vị của mình rất hiếm khi nói: “Phải là tôi cảm ơn cậu mới đúng.”
“Sao thế được ạ.” Cù Yến Đình nói: “Ông Đỗ cứ đùa.”
Đỗ Trường Hàn nói: “Văn hóa Tân Dực là công ty của con bé nhà tôi.”
Cù Yến Đình ngẩn người, bộ phim thần tượng mượn tên anh là sản phẩm của Văn hóa Tân Dực. Im lặng vài giây, anh tạm thời buông hết mọi suy đoán, khách sáo nói: “Trùng hợp quá, lệnh ái tuổi trẻ tài cao.”
Đỗ Trường Hàn lắc đầu đầy bắt đắc dĩ: “Cậu nói thế làm cái mặt mo của tôi cũng phải đỏ.”
Cù Yến Đình không giỏi ton hót nịnh nọt, cũng không muốn để lại cho người ta ấn tượng sặc mùi tiền, anh nói có vẻ khéo léo nhưng thực chất đang nói huỵch toẹt: “Hi vọng sau này công ty của lệnh ái có được tác phẩm xuất sắc hơn.”
Đỗ Trường Hàn nhìn Cù Yến Đình chăm chú qua lớp kính, sau quãng im lặng dài đằng đẵng, ông sờ lên túi áo trong và sực nhớ mình không mang danh thiếp, thế là ông xé một tờ giấy nhớ trên bàn.
“Chàng trai, đây là số của tôi.”
Trên giấy không phải số điện thoại bàn của Phòng làm việc mà là số điện thoại cá nhân, Cù Yến Đình không khỏi kinh ngạc: “Ngài… Vì sao ạ?”
“Tất nhiên không phải bảo cậu cho kịch bản mượn tên.” Đỗ Trường Hàn nói: “Tôi nợ cậu tình nghĩa, có khó khăn gì cứ đến tìm tôi.”
Giữa trưa bữa tiệc chính thức bắt đầu, bàn ăn kê cạnh cửa sổ sát đất, đón ánh mặt trời, Đỗ Trường Hàn được người ta mời vào ghế chủ. Cù Yến Đình rót trà hoặc rượu vang trắng cho mọi người, lúc đi ngang qua Vương Minh Vũ, bà vỗ nhẹ lưng anh.
Người viết văn khéo ăn khéo nói, tiện đà khơi gợi cảm hứng, một bữa cơm ăn đến hơn ba giờ. Sau khi kết thúc, cô trò tiễn khách ra cửa, buổi chiều ấm áp nên Vương Minh Vũ muốn đi dạo trong vườn.
Cù Yến Đình bầu bạn bên cạnh, anh biết bà không thích xã giao bèn hỏi: “Cô giáo, cô mệt không ạ?”
“Không sao.” Vương Minh Vũ hỏi: “Nói chuyện gì với ông Đỗ thế?”
Cù Yến Đình đứng lại: “Nói về việc cho kịch bản mượn tên.”
“Em biết rồi à?” Vương Minh Vũ nói: “Con gái ông Đỗ được chiều sinh hư, muốn mượn hơi bố để đi đường tắt, tìm biên kịch nổi danh nâng giá cho kịch bản của mình, làm ầm ĩ hết cả lên.”
“Hình như ông Đỗ không ủng hộ thì phải?”
“Ừ, ông Đỗ xuất thân nghèo khổ, làm việc rất có nguyên tắc, về già mới nuông chiều con cái quá mức. Nên ông ấy sẽ ghi nhớ tình nghĩa của em.”
Cù Yến Đình hỏi: “Ngay từ đầu cô vì em nên mới nhận lời ông ấy?”
“Đúng thế, chẳng có ai là mãi mãi sống cuộc đời tươi đẹp trong Tháp Ngà Tri Thức [1] hết. Nhất là giới giải trí, lợi ích và quan hệ có thể thay đổi nhiều thứ, đôi khi phải trao đổi đồng giá.”
[1] Tháp Ngà Tri Thức hay Ivory Tower, ẩn dụ cho thứ cao siêu, xa vời với thực tiễn.
Nếu đây là một cuộc giao dịch thì Cù Yến Đình được nhiều hơn mất, anh nói: “Vì sao cô không nói cho em biết nguyên nhân?”
Vương Minh Vũ nở nụ cười: “Vì em quả thật cần va chạm và mài giũa, chuyện bất đắc dĩ em phải trải qua nhiều lắm, khí khái hay gì gửi gắm vào nhân vật dưới ngòi bút là đã thành công lắm rồi.”
Cù Yến Đình nghẹn giọng: “Cảm ơn cô.”
Vương Minh Vũ vỗ vỗ cánh tay anh: “Yến Đình, em có được ngày hôm nay chẳng phải chuyện dễ dàng, phải tiếp tục trèo lên thì mới không bị kéo lại.”
Cù Yến Đình đứng trên bãi cỏ một lúc rồi quay về biệt thự, Vương Minh Vũ đã lên nhà nghỉ ngơi. Anh chuẩn bị ra về, vừa mặc áo khoác vừa vào gara trong nhà.
Mới vòng qua đầu xe thì cánh cửa gara chậm rãi nhấc lên.
Tằng Chấn đi ra ngoài giờ đã về, một tay vắt lên cửa sổ xe cầm điếu thuốc, bắt gặp Cù Yến Đình trong gara bèn mở cửa xuống xe.
Cù Yến Đình đứng im tại chỗ: “Chúc thầy năm mới vạn sự như ý.”
Tằng Chấn bước tới: “Lâu rồi không gặp, vào nhà ngồi thêm lúc nữa đi.”
Cù Yến Đình nói: “Để hôm khác đi ạ, hôm nay cô mệt rồi em không quấy rầy nữa.”
“Có uống rượu không, thầy đưa em về.”
“Không sao, em uống trà.”
Tằng Chấn quan sát Cù Yến Đình không thèm giấu giếm, như ngồi đằng sau ống kính ngắm nghía diễn viên thử vai, lướt qua mắt mũi mồm miệng, ông ta rít một hơi nicotin và nói: “Gầy quá.”
Cù Yến Đình nói: “Thầy cũng gầy quá.”
“Lòng phiền muộn ăn không vào.” Tằng Chấn nở nụ cười.
Đương nhiên Cù Yến Đình sẽ không hỏi nguyên nhân, anh nói: “Hôm nay thím hầm canh đấy ạ, thầy vào uống một bát.”
Nhưng Tằng Chấn chẳng có ý định đi vào hay nhường đường, vứt điếu thuốc hút dở xuống đất, nghiến đế giày dập tắt, nói thẳng: “Tiểu Đình, nghe nói em đi Lam Thủy à.”
“Vâng.” Cù Yến Đình chưa từng nói với ai, chắc chắn Tằng Chấn nghe Cận Nham Dư nói rồi: “Đi sưu tầm phong tục tập quán.”
Tằng Chấn hỏi: “Tiện thể giải quyết rắc rối giúp nam chính của em?”
Cù Yến Đình nhẹ nhàng siết bàn tay buông thõng bên chân, đốt ngón tay đè rịt mép quần: “Em sợ ảnh hưởng đến phim chiếu mạng thôi.”
“Thật ư?”
“Dù sao cũng là kịch bản của em, do em đầu tư, nhỡ bị ảnh hưởng đến mức nháo nhào thì mất mặt thầy quá.”
“Diễn viện đó tên gì nhỉ, họ Lục à?”
“Một diễn viên vô danh tiểu tốt mà thôi, dại dột mới gây ra chuyện rắc rối ấy.”
Cù Yến Đình nói: “Còn Cận Nham Dư có ảnh hưởng đến phim của thầy không?”
Tằng Chấn nói: “Đâu phải phạm tội hút chích, gái gú hay buôn bán mại dâm, trước khi chiếu phim chắc khán giả đã quên gần hết rồi.”
“Thế là tốt rồi.” Cù Yến Đình nói: “Tại em nông nổi quá.”
Tằng Chấn hếch cằm, dáng người cao ráo gây áp lực cho người khác, ông ta nói: “Sao thầy trách em được, nhưng em chớ nên làm thầy thất vọng thì hơn.”
Cù Yến Đình lái xe ra về, lúc đi ngang qua căn biệt thự màu trắng nọ, anh đưa mắt liếc nhìn, đương thu hồi tầm mắt về chợt lướt qua chiếc nhẫn bạc trên ngón tay, anh siết chặt vô lăng, đạp mạnh chân ga.
Về đến nhà, Cù Yến Đình chẳng cởi áo khoác đã đi thẳng ra ban công thả người ngã xuống sô pha nhỏ, cơ thể dần dần thả lỏng. Chậu hoa diên vĩ vừa cắt đặt trên bàn thấp, cành lá không hoa trông thật đáng thương.
Anh im lặng ngồi lúc lâu, lâu đến mức Tư lệnh Hoàng không nhịn được phải mò đến xem anh còn sống không. Bế mèo vào lòng, anh xoa xoa mặt nó và thở dài: “Kiếp sau tao làm mèo thì mày nuôi tao nhé.”
Tư lệnh Hoàng vô tình vô nghĩa nhảy xuống đất vội vàng rút lui.
Cù Yến Đình thẫn thờ ngồi im tại chỗ. Mùng 3, thời gian suy nghĩ của anh sắp hết, nhưng anh vẫn chưa chắc chắn, hay nói cách khác, lo lắng ẩn giấu bên trong chưa bao giờ biến mất.
Lục Văn càng tốt với anh thì anh càng hãm sâu vào lo lắng.
Và càng sợ hãi.
Cù Yến Đình móc điện thoại, may mà có một người để anh yên lòng trút bầu tâm sự, mở QQ, lần đầu tiên anh gửi những lời yêu cầu: Có thời gian trò chuyện chút không.
Vài phút sau, Ca sĩ nhỏ xui xẻo trả lời: Tôi vẫn chưa tan làm, không trò chuyện lâu được.
[Nhà văn nhỏ sợ xã hội]: Được, vì tôi không biết phải tìm ai hết.
[Ca sĩ nhỏ xui xẻo]: Anh sao thế?
Cù Yến Đình ngẫm nghĩ và gõ: Trước đây cậu từng nói với tôi, một người bạn đồng hành thân thiết có tác dụng hơn 100 tình nguyện viên, hình như tôi đã tìm thấy rồi.
[Ca sĩ nhỏ xui xẻo]: Thật à?
[Nhà văn nhỏ sợ xã hội]: Ừm, đó là người sẵn lòng bên tôi và là người khiến tôi vui vẻ.
[Ca sĩ nhỏ xui xẻo]: Thế tốt rồi, hai người yêu nhau chưa?
[Nhà văn nhỏ sợ xã hội]: Chưa.
[Ca sĩ nhỏ xui xẻo]: Vì sao?
[Nhà văn nhỏ sợ xã hội]: Tôi hơi đắn đo, không tài nào quyết định được.
Đối phương không lấy làm lạ, chỉ nghĩ rằng trong chuyện tình yêu và hôn nhân, ai cũng có những nỗi khổ riêng, ví dụ như điều kiện kinh tế, bối cảnh gia đình, Ca sĩ nhỏ xui xẻo hỏi: Trong lòng anh nghiêng về hướng nào?
[Nhà văn nhỏ sợ xã hội]: Tôi không biết…
[Ca sĩ nhỏ xui xẻo]: Anh nghĩ đến người đó thì thấy đắn đo lo lắng nhiều hơn hay rung động yêu thích nhiều hơn?
Cù Yến Đình siết chặt bàn tay gõ chữ, tưởng như muốn bắt lấy những hình ảnh lướt vội trong đầu, thì ra anh và Lục Văn đã gom góp được nhiều hồi ức đến vậy.
Anh gõ: Tôi thích người đó.
[Ca sĩ nhỏ xui xẻo]: Nếu tôi đoán không nhầm thì anh quyết định đi sưu tầm cũng vì người đó?
[Nhà văn nhỏ sợ xã hội]: Ừm.
Đối phương bỗng nhiên im bặt, Cù Yến Đình nhìn chằm chằm điện thoại, từ kiên nhẫn trở nên sốt ruột, anh hiểu ý kiến của đối phương chưa chắc đã là khuôn vàng thước ngọc, nhưng người đương lúc hết cách luôn hèn yếu và mang tâm lý gặp may níu kéo hy vọng nhỏ nhoi.
[Nhà văn nhỏ sợ xã hội]: Tôi nên làm gì?
Cù Yến Đình hỏi toạc ra luôn, gửi xong thoát khỏi QQ và trốn tránh hiện thực bằng cách úp điện thoại lên tay vịn ghế. Khoảng 10 phút sau, điện thoại vang lên, anh nhận được câu trả lời của Ca sĩ nhỏ xui xẻo.
Nhưng Cù Yến Đình không có dũng khí mở ra xem, sợ đối phương bảo anh nên đồng ý, càng sợ đối phương bảo anh nên từ bỏ.
Mãi cho đến khi mặt trời ngả về tây, ánh sáng đỏ đậm rực rỡ như pháo hoa đêm giao thừa nọ, Cù Yến Đình cầm điện thoại lên, không đọc tin nhắn mà mở danh bạ lướt đến tên Lục Văn.
Có lẽ nắng chiều chói mắt quá, đầu ngón tay ấn xuống khẽ run rẩy.
Điện thoại vang lên hai tiếng, Lục Văn nhận máy và gọi: “Thầy Cù?”
“Ừm.” Cù Yến Đình đáp lời: “Đang làm gì thế?”
Lục Văn nói: “Vừa về đến nhà bác thợ Tào, tối phải quay trong nhà 2 tiếng, giờ tranh thủ thu dọn hành lý.”
Cù Yến Đình hỏi: “Sau khi về em đến công ty hay nhà?”
“Về thẳng nhà.”
Giọng điệu Lục Văn hơi ỉu xìu, dễ dàng nhận ra tâm trạng không vui, Cù Yến Đình tức thì hỏi han: “Sao thế?”
“Không sao.”
“Không thể nói à? Nói cho tôi biết được không?”
Lục Văn nói: “Thầy Cù, em nhớ anh lắm.”
Cù Yến Đình duỗi tay tới chiếc bàn thấp, ngắt lá của hoa diên vĩ, bụng ngón cái vân vê phiến lá, nỗi nhớ nhung đập tan hết băn khoăn và xoắn xuýt. Anh nói: “Ngày mai được về rồi.”
“Nhưng mai em có việc.” Lục Văn tạm dừng một lúc rồi nói: “Mùng 4 là sinh nhật mẹ em, năm nào em cũng đi tảo mộ mẹ.”
Bảo sao, Cù Yến Đình tự gật đầu một mình.
Lục Văn hỏi: “Thầy Cù, gọi cho em có việc gì à?”
Cù Yến Đình im lặng không nói, phiến lá mỏng manh rơi xuống nền nhà, để lại vệt xanh trên đầu ngón tay.
Trên đời này người yêu nhau không được ở bên nhau chiếm đa số, có khi yêu đương vài tháng, nửa năm, một năm, cuối cùng dẫn đến kết cục chia tay. Nếu phải xa nhau thì liệu có dễ dàng vứt bỏ những kỉ niệm vui vầy ngắn ngủi?
“Lục Văn.” Cù Yến Đình nhẹ giọng hỏi: “Em sẽ thích tôi bao lâu vậy?”
Trong điện thoại lặng thịnh, một lúc sau Lục Văn nói: “Hôm qua quay chương trình, em phát hiện trấn trên có một quán chụp ảnh nho nhỏ, em mới cầm bức ảnh mà bác thợ Tào chụp giúp chúng ta đi rửa. Rửa hai bức, một bức to và một bức nhỏ.”
Cù Yến Đình nghe hắn hỏi một đằng trả lời một nẻo.
Lục Văn nói: “Bức nhỏ em nhét vào ví tiền của em rồi.”
Cù Yến Đình nói: “Giờ vẫn còn mốt nhét ảnh vào ví à?”
“Không còn.” Rốt cuộc Lục Văn cũng bật cười: “Nhưng em và bạn nối khố đã từng ước hẹn, nhét tấm ảnh chụp chung hồi bé của bọn em vào ví, đến khi nào thoát kiếp FA mới được đổi.”
Cù Yến Đình giơ bàn tay dính màu lá xanh che khuất đôi mắt: “Nhưng tôi vẫn chưa nhận lời em.”
“Em dùng trước không được à?”
“Em không được chơi xấu.”
“Không chơi thì không chơi, em nghiêm túc nói cho anh biết này.”
“…Gì cơ?”
Lục Văn nói: “Nếu như anh nhận lời, hàng năm chúng ta sẽ chụp một bức ảnh mới để thay. Nếu như em không có được anh, bức ảnh này em sẽ kẹp trong ví cả đời.”
Vành mắt Cù Yến Đình nóng lên, không biết nên trách ánh chiều ta hay trách người nào đó.
“Anh biết không.” Lục Văn nói tiếp: “Bố em cả đời chỉ yêu mẹ em.”
“Lục Văn…”
“Cù Yến Đình.” Lục Văn gọi thẳng tên anh: “Cả đời em cũng chỉ yêu mình anh.”