Kết thúc lễ khai mạc, Tô Nam lập tức trả lại chiếc ghim cài hồng ngọc về đúng vị trí, gọi nhân viên đến mở tủ trưng bày.
Du Khâm hỏi anh đang làm gì vậy?
Tô Nam cười nhẹ: “Tất nhiên là đặt lại vào tủ trưng bày, chẳng lẽ tôi đeo nó đứng ở đây suốt bảy ngày sao?”
Du Khâm cau mày, nhìn Tô Nam với vẻ mặt như muốn nói gì đó nhưng lại thôi.
Tô Nam không để mình suy nghĩ nhiều, cẩn thận đặt chiếc ghim trở lại vị trí của nó.
Cho đến khi cánh cửa tủ trưng bày đóng lại, khóa chặt, Du Khâm vẫn không nói thêm điều gì.
Triển lãm kéo dài bảy ngày, trùng với kỳ nghỉ Quốc khánh. Làm trong ngành trang sức tất nhiên là không có ngày nghỉ, Tô Nam ngay ngày hôm sau đã tới studio làm việc.
Pur Jewellery thành lập được bốn năm, ban đầu chỉ có một văn phòng rộng hai mươi mét vuông. Du Khâm và Tô Nam đảm nhận nhiều vai trò, vừa tham gia các cuộc thi trang sức trong nước để nâng cao danh tiếng, vừa nhận các đơn đặt hàng thiết kế và gia công từ các công ty trang sức để kiếm tiền duy trì hoạt động.
Hiện Pur Jewellery đã chiếm trọn hai tầng trong tòa nhà văn phòng Kim Mậu tại khu vực giáp ranh giữa Từ Hối và Hoàng Phố. Họ có cổ đông đầu tư từ Thâm Quyến đang kinh doanh vàng, cùng với năm nhà thiết kế trang sức tốt nghiệp từ các trường danh tiếng và có kinh nghiệm phong phú, cùng mười mấy trợ lý thực tập sinh, trở thành một thương hiệu trang sức đặt riêng có tiếng tăm tại Thượng Hải.
Văn phòng của Tô Nam ban đầu nằm ở tầng hai, cùng với Du Khâm, có một phòng làm việc riêng biệt. Sau khi nhận được vốn đầu tư từ tổng giám đốc Hoàng và mở rộng quy mô, họ đã mua thêm tầng dưới. Tô Nam đã nhường văn phòng trên tầng cho tổng giám đốc Hoàng, tự mình chuyển xuống tầng dưới làm việc cùng các nhà thiết kế khác.
Du Khâm biết Tô Nam không thích bị làm phiền khi làm việc, nên vẫn sắp xếp cho anh một phòng làm việc riêng ở tầng dưới. Tô Nam mỉm cười đồng ý và nói với Du Khâm rằng anh cảm thấy như vậy cũng tốt, có thể giao lưu và trao đổi nhiều hơn với các nhà thiết kế khác, có lợi cho sự phát triển của studio.
Du Khâm lúc đó nhắc anh, đừng quá “thích làm thầy thiên hạ”, việc giữ bí mật mới là căn bản để họ tồn tại và cạnh tranh lâu dài trong ngành này.
Tô Nam bật cười, nói rằng mình cũng không phải kẻ ngốc, sẽ không ngây thơ như trước mà không đề phòng người khác. Khởi nghiệp đầy khó khăn, bọn họ cũng không phải ngoại lệ.
Thực ra, Tô Nam không quá bận tâm việc đồng nghiệp học hỏi từ mình, bởi vì dù là chạm khắc hay kỹ thuật gia công, đều không phải là điều có thể học trong một sớm một chiều, nó còn phụ thuộc vào tài năng.
Hiện nay nhiều nhà thiết kế trang sức chỉ học lý thuyết, dồn hết tâm sức vào thiết kế và thẩm mỹ, những người thợ có tay nghề cao ngày càng ít, trong nước lại càng hiếm. Tô Nam dĩ nhiên vui mừng khi thấy nhiều nhà thiết kế cũng phát triển về mặt kỹ thuật, gặp được người có tài năng, trong nước sẽ có thêm một nghệ nhân trang sức.
Tuy nhiên, việc ăn cắp ý tưởng thiết kế của người khác, anh cũng không thể chấp nhận.
Thời thế thay đổi, giờ đây chính Tô Nam lại là người phải sử dụng bản thiết kế của người khác.
Khi Triệu Tiểu Húc đứng trước mặt Tô Nam, cậu ta không tỏ vẻ oán giận, thậm chí còn hơi bất an.
“Đêm qua không nghỉ ngơi được à?” Tô Nam rót cho cậu ta một cốc nước, “Ngồi xuống nói chuyện đi.”
Triệu Tiểu Húc vào studio cũng đã hơn hai năm, từng có thời gian làm trợ lý thiết kế cho Tô Nam. Tô Nam coi như là nửa người thầy của cậu ta, nên phong cách thiết kế của Triệu Tiểu Húc có phần giống với Tô Nam, cả hai đều ưa chuộng sử dụng các chất liệu trang sức phổ biến, thích màu sáng, mang đậm phong cách công chúa cổ tích.
Nhưng Tô Nam đã làm trong ngành trang sức gần mười năm, phong cách của anh không chỉ giới hạn ở cổ tích, anh còn chạm đến các cảnh vật tự nhiên, công nghệ hiện đại, cũng như phong cách đậm chất Trung Hoa, tùy thuộc vào nhu cầu của khách hàng mà thay đổi.
Bộ trang sức cao cấp lần này là bà Đỗ đặt làm cho lễ trưởng thành của con gái bà, nên phong cách thiết kế thiên về sự tươi trẻ, sáng sủa và rực rỡ.
Tô Nam đã vẽ bản thiết kế suốt nửa tháng nhưng vẫn cảm thấy thiếu điều gì đó, anh thậm chí còn nghĩ có lẽ mình đã lớn tuổi rồi, dù sao cũng một năm nữa thôi là bước sang tuổi 30.
“Tôi đã xem bản thiết kế,“ Tô Nam mỉm cười dịu dàng, “rất tốt, tiến bộ nhiều.”
Triệu Tiểu Húc ban đầu còn căng thẳng, nghe lời khen này thì thở phào nhẹ nhõm, nhỏ giọng giải thích: “Thực ra bản thiết kế này em định mang đi tham gia cuộc thi, em muốn nhờ thầy Tô chỉ dẫn nên mới mang đến, em không ngờ lại thành ra thế này.”
Nói đến cuối, giọng Triệu Tiểu Húc gần như không thể nghe thấy, Tô Nam ngẩn người, sau đó bật cười: “Cậu nghĩ gì vậy? Bà Đỗ hài lòng với thiết kế, tôi phải cảm ơn cậu mới đúng.”
Triệu Tiểu Húc ngước lên nhìn Tô Nam một cái, rồi lại cúi đầu không nói gì.
Tô Nam không phải đến để tranh cãi với cậu ta về chuyện này, giải thích đôi câu rồi quay lại vấn đề chính, anh nói về một số ý kiến chỉnh sửa của bà Đỗ. Việc thay đổi chất liệu sẽ dẫn đến thay đổi kỹ thuật, thay ngọc trai bằng kim cương, phương pháp gắn sẽ phải đổi từ gắn khảm lỗ sang gắn móc.
Bà Đỗ đặt làm một bộ trang sức, bao gồm dây chuyền và khuyên tai. Bản thiết kế của Triệu Tiểu Húc chỉ có một chiếc dây chuyền, vẽ hình một nàng tiên bướm đang nhảy múa trên viên ngọc trai. Thời gian để thiết kế lại khuyên tai có lẽ sẽ không kịp, Tô Nam suy nghĩ và đề xuất thay đổi thành kiểu đeo đa năng, tập trung vào vào phần mặt dây chuyền, có thể kết hợp với khuyên tai hoặc đeo riêng như một chiếc ghim cài. Về cách thức kết hợp và lựa chọn chất liệu, Tô Nam đã suy nghĩ kỹ.
Triệu Tiểu Húc nghe mà sững sờ, khi Tô Nam hỏi: “Cậu thấy thế nào?” thì ngơ ngẩn vài giây mới đáp: “Dạ được ạ.”
Việc Tô Nam hỏi ý kiến của cậu ta khiến Triệu Tiểu Húc có phần ngỡ ngàng, tuy bản thiết kế này dù là của cậu ta nhưng giờ đã thuộc về Tô Nam rồi.
Dù về danh tiếng hay năng lực, Triệu Tiểu Húc đều không thể sánh bằng Tô Nam. Trong studio, cậu chủ yếu phụ trách thiết kế trang sức dòng bình dân. Có cơ hội bất ngờ được bà Đỗ - một khách hàng cao cấp lựa chọn để làm trang sức, có một khoản tiền thưởng lớn và còn được ghi tên là trợ lý thiết kế, đã là cơ hội hiếm có đối với cậu ta.
Cậu thực sự không nên tham vọng quá nhiều.
Nhưng điều khiến cậu ta bất ngờ nhất là Tô Nam đã phê duyệt vật liệu cho cậu, để cậu tham gia vào quá trình chế tác chính, còn Tô Nam chỉ làm phụ tá.
Triệu Tiểu Húc vừa hoang mang vừa nghi ngờ, không hiểu Tô Nam đang nghĩ gì.
Tô Nam không giải thích nhiều, chỉ bảo cậu ta đừng suy nghĩ nhiều, cứ thử làm xem sao.
Nhìn Triệu Tiểu Húc vừa phấn khích vừa bối rối rời đi, ánh mắt Tô Nam thoáng qua một chút lấp lánh, những ký ức xưa cũ hiện về, cuối cùng biến thành một nụ cười nhàn nhạt.
Có những việc không thể thay đổi, nhưng ít nhất anh vẫn có thể làm được điều gì đó.
Ngoài đơn hàng của bà Đỗ, Tô Nam còn một đơn hàng khác đang trong giai đoạn hoàn thiện. Anh nhốt mình trong phòng làm việc suốt buổi sáng, đến trưa, trợ lý Tiểu Đường đến nói là Du Khâm tìm anh.
Tô Nam đứng dậy vươn vai, đi lên tầng trên.
Sếp Hoàng cũng ở đó, Tô Nam chào một tiếng “sếp Hoàng”, ông ta tặc lưỡi, bảo anh cứ gọi là “chú Hoàng” như Du Khâm khi ở riêng, Tô Nam cười đáp: “Không hợp đâu, cứ như diễn phim cổ trang vậy*, tôi đâu phải thái tử đâu.”
(*) Chú Hoàng 黄叔 theo âm Hán Việt là Hoàng thúc, đồng âm với 皇叔 là bối xưng gọi chú của các Hoàng đế, em trai của Tiên Đế.
Tổng giám đốc Hoàng cười lớn, Du Khâm cũng cười: “Cậu đang ám chỉ tôi đấy à.”
Tô Nam nhún vai, Du Khâm lại đùa: “Người đến từ thủ đô kia mới thật sự là thái tử.”
Tổng giám đốc Hoàng tất nhiên biết về Hoắc Văn Thanh, ông hỏi mấy hôm trước ở World Expo hai người có gặp không, Tô Nam và Du Khâm đều lắc đầu nói không gặp.
“Nếu có cơ hội gặp mặt, làm quen cũng không tệ.” Sếp Hoàng cảm thán, rồi bảo Du Khâm: “Tìm hiểu xem liệu Hoắc Văn Thanh có tham dự buổi đấu giá sau khi triển lãm kết thúc không, biết đâu lại có thể gặp được.”
Du Khâm gật đầu, rồi nói với Tô Nam: “Tìm cậu là vì chuyện này.”
Tô Nam ngạc nhiên, tưởng Du Khâm muốn nhắc đến Hoắc Văn Thanh, nhưng không phải, y hỏi Tô Nam về việc có muốn đem đôi khuy măng sét tráng men họa tiết chuồn chuồn trong các tác phẩm triển lãm của anh đi đấu giá hay không.
Đôi khuy măng sét này là tác phẩm của Tô Nam khi còn thực tập tại hãng trang sức Arpels ở Pháp, đi kèm với nó là một chiếc ghim cài áo vest to hơn một chút.
So với các tác phẩm khác của Tô Nam, đôi khuy măng sét này không có tiếng tăm, chất liệu cũng không phải kim loại quý, chỉ có hai viên kim cương nhỏ. Điểm đặc biệt duy nhất là trên cánh chuồn chuồn, Tô Nam đã thực hiện kỹ thuật tráng men plique-à-jour*.
(*) Kỹ thuật tráng men plique-à-jour: theo tiếng Pháp “plique-à-jour” nghĩa là để cho ánh sáng đi vào. Đây là một kỹ thuật tráng men thuỷ tinh – men được phủ lên các diện tích nhỏ gần giống như kỹ thuật men ô (cloisonné) nhưng không có lớp nền phía sau vì thế ánh sáng có thể đi qua lớp màu men trong. Hiệu ứng của kỹ thuật này giống như chúng ta nhìn lên những bức tiểu hoạ vẽ trên kính màu (trong nhà thờ).
Thực hiện kỹ thuật tráng men plique-à-jour trên cánh chuồn chuồn dài không quá hai centimet là một thử thách, với năng lực của Tô Nam thời đó, tay nghề không được xem là tinh xảo, nhưng đây là lần đầu tiên anh làm thành công kỹ thuật tráng men plique-à-jour. Tác phẩm này đã giúp anh được nhận vào làm chính thức, chiếc ghim cài áo cùng bộ cũng được bán với giá không thấp, giảm bớt áp lực tài chính cho Tô Nam.
Quan trọng hơn, tác phẩm này đã giúp anh nhận ra tình cảm của mình, anh thích một người đàn ông cùng giới.
Tô Nam giữ lại đôi khuy măng sét này mà không bán nữa.
Ban đầu, đôi khuy măng sét vốn không nằm trong danh mục triển lãm lần này tại World Expo, Du Khâm đã đặc biệt yêu cầu trưng bày để hoàn thiện dòng thời gian phát triển tác phẩm của Tô Nam.
Tô Nam cũng chỉ biết được điều này vào đêm bão khi bước vào khu triển lãm, có lẽ đó là cách Du Khâm bù đắp cho anh, giống như việc để anh tạm thời đeo chiếc ghim cài áo ruby vậy.
Tô Nam ngước nhìn Du Khâm, im lặng một lúc rồi nói: “Thôi đi, cũng chẳng bán được bao nhiêu tiền, đừng mang ra ngoài làm mất mặt.”
Du Khâm hơi nhíu mày khi nghe lời tự giễu của anh, nhưng y chưa kịp nói gì thì Tô Nam đã chào tạm biệt rồi ra ngoài. Tổng giám đốc Hoàng nhìn bóng lưng của Tô Nam rồi hỏi Du Khâm: “Tiểu Tô vẫn còn giận chuyện của bà Đỗ sao? Vẫn chưa làm lành được à?”
“Không đâu,“ Du Khâm nói, “Tô Nam không phải người không hiểu chuyện, tôi hiểu cậu ấy, vì công ty cậu ấy có thể thông cảm được.”
Nghe vậy, Tổng giám đốc Hoàng cười: “Tôi biết mà, chỉ cần là cậu nói, cậu ấy sẽ đồng ý thôi, Tiểu Tô đối với cậu, chẳng phải là cầu gì được nấy sao.”
Câu nói sau đó của sếp Hoàng đầy ngụ ý, Du Khâm hơi nhíu mày, ông ta tiếp tục nói: “Nhưng cậu phải biết, tình cảm nếu dùng đúng chỗ thì có lợi, nhưng dùng sai thì cũng dễ gây hại, cậu đừng để cảm xúc chi phối.”
Du Khâm không hài lòng, đáp: “Tôi tự có có chừng mực.”
Tô Nam chưa đi xa, anh vừa ra khỏi cửa thì nhận được một cuộc điện thoại, cuộc gọi đến từ đàn chị Rebecca hồi anh còn du học ở Pháp, nói rằng có một dự án cần Tô Nam giúp cô ấy làm phần khảm. Tô Nam kiểm tra thời gian của mình rồi đồng ý.
Khi trở lại văn phòng, sau một lúc ngồi yên lặng, Tô Nam thay đổi ý định và thông báo với Du Khâm rằng anh đồng ý gửi đôi khuy măng sét chuồn chuồn tráng men đi đấu giá.
Sau đó, Tô Nam về nhà và ngủ một giấc thật sâu.
Khi tỉnh dậy thì đã là chiều tối, Tô Nam đi tắm, vừa bước ra thì nghe thấy tiếng mở cửa.
Là Du Khâm, y nói rằng nghe Tiểu Đường bảo Tô Nam không khỏe nên đến xem.
Tô Nam mỉm cười: “Không sao, chỉ là hơi mệt thôi.”
Tháng Chín vừa rồi, studio đã tung ra một loạt trang sức dòng xa xỉ, Tô Nam là nhà thiết kế chính, vừa phải vẽ bản thảo, vừa phải đến xưởng để kiểm tra chi tiết, thực sự bận rộn không ngừng nghỉ, đến kỳ nghỉ Quốc khánh mới có thời gian để thở.
“Không bị cảm hay sốt chứ?” Du Khâm bước vào, Tô Nam thấy y mang theo thuốc cảm.
Tô Nam có một tật xấu, đó là khi nghỉ ngơi sau thời gian dài bận rộn, anh rất dễ bị cảm sốt nhẹ.
“Không sao đâu.” Tô Nam nói, rồi hỏi y còn việc gì nữa không.
Du Khâm nói: “Buổi đấu giá được tổ chức vào ngày mai, cậu đi cùng tôi nhé, không phải cậu nói thích vài món đồ sao?”
“Thích nhưng không nhất thiết phải mua về, tôi lười đi chen chúc, không muốn đi đâu.” Tô Nam nói.
Du Khâm nhìn anh vài giây rồi gật đầu: “Ăn cơm chưa? Đi ăn cùng tôi.”
Tô Nam không muốn ra ngoài, nên nói dối: “Tôi ăn rồi.”
Du Khâm không nói gì, căn phòng đột nhiên im lặng, chỉ còn tiếng ồn ào của máy lạnh.
Tô Nam lục lọi trên ghế sofa tìm ra cái điều khiển từ xa và bật TV lên. Anh tựa người vào ghế và tập trung chọn phim, như thể không nhận ra bầu không khí kỳ lạ và gượng gạo hiện tại.
Du Khâm ngồi bên cạnh, ánh mắt không hề che giấu mà nhìn chằm chằm vào anh.
Tô Nam vừa tắm xong, mặc bộ đồ ngủ màu trắng mềm mại, cổ áo rộng để lộ ra chiếc cổ dài và một phần xương quai xanh. Làn da trắng hồng của anh còn phủ một lớp nước. Mái tóc ẩm ướt rũ xuống đôi mắt phượng hơi xếch của Tô Nam, không nhìn rõ ánh mắt anh lắm, nhưng chính dáng vẻ anh hơi ngẩng mặt, đôi mắt khẽ nhắm hờ như vậy lại tạo nên một vẻ đẹp quyến rũ nhất.
“Anh Nam.” Du Khâm đột nhiên gọi anh, giọng hơi khàn khàn.
Tô Nam như không nhận ra, chỉ khẽ liếc mắt trả lời một tiếng.
Ánh mắt Du Khâm tối sầm lại trong khoảnh khắc.
Ngũ quan của Tô Nam thực ra không phải là nghiêng nước nghiêng thành, không phải kiểu đẹp đẽ để lại ấn tượng sâu sắc ngay từ cái nhìn đầu tiên. Vẻ đẹp của anh đến từ khí chất độc đáo của mình. Khi du học nước ngoài, nhiều người khen ngợi anh có nét đẹp phương Đông, đặc biệt là đôi mắt phượng hơi xếch, luôn tỏa ra sức hút trong những cử chỉ và biểu cảm hết sức bình thường. Nhưng anh lại hoàn toàn không tự nhận ra điều đó.
Động tác của Du Khâm nhanh hơn lời nói. Khi Tô Nam nhận ra Du Khâm đang nói gì thì y đã nghiêng người áp sát, dùng lòng bàn tay ôm lấy một bên mặt anh, khoảng cách giữa họ cực kỳ gần, đến mức có thể ngửi thấy mùi sữa tắm hương cây bách xù trên người Du Khâm.
“Anh vẫn còn giận tôi sao?”
Sự thân mật như thế này không phải chưa từng xảy ra, Tô Nam không cảm thấy khó chịu, nhưng lần này lại có hơi phản cảm. Anh cười đẩy tay Du Khâm ra.
“Không có, tôi không phải người dễ giận như vậy. Tôi đã nói là hiểu thì thật sự là hiểu, chuyện của bà Đỗ cũng không thể trách cậu.”
Du Khâm nhìn anh vài giây: “Vậy thì tốt.”
Y không lùi lại, ngược lại càng tiến gần hơn, bàn tay vừa bị đẩy ra vòng qua eo Tô Nam, môi cũng áp lên má anh, mùi hương thanh mát của cây bách xù, ham muốn thể hiện rất rõ ràng.
Nhưng y không thể tiến xa hơn nữa.
Tô Nam cản lại sự tiếp cận của y bằng một động tác từ chối.
Du Khâm cau mày, dường như không hiểu sự từ chối của anh. “Không làm sao?”
“Ừ,“ Tô Nam dừng lại một chút, rồi nói, “sau này cũng không làm nữa.”
Du Khâm cau mày chặt hơn: “Ý cậu là gì?”
Tô Nam nhìn Du Khâm, vẻ quyến rũ của anh vẫn còn đó, nhưng không còn làm tăng thêm sự hài hòa cho bầu không khí.
“Theo nghĩa đen,“ Tô Nam bình tĩnh nói, “dù sao mối quan hệ của chúng ta cũng thực sự không phù hợp để làm những việc này.”
Cơn ham muốn của Du Khâm nguội lạnh dần, y lùi lại khỏi Tô Nam với vẻ mặt sa sầm.
“Không phải cậu đã nói là hiểu rồi sao, bây giờ không giận lại đang giở trò gì đây?” Y hỏi lại với giọng lạnh lùng.
Tô Nam cảm thấy hơi lạ lẫm, còn có chút chua xót, nhưng anh không biểu lộ ra ngoài, đáp lại một cách tự nhiên: “Đó là hai chuyện khác nhau, tôi chỉ nghĩ rằng dù là bạn bè hay đối tác, đều không thích hợp làm bạn giường, đúng không?”
Du Khâm thở nặng nhọc, cơn giận bùng lên nhưng lại không biết vì sao, y nhìn Tô Nam rất lâu, sau một cuộc chiến tâm lý gay go, giọng y đột nhiên dịu lại.
“Ok, theo ý cậu.”
Nói xong y đứng dậy, giận dỗi rời đi.
Cửa phòng mở rồi đóng lại, trên màn hình TV, các diễn viên đang diễn lại những bi kịch cuộc đời với đủ cung bậc cảm xúc.
Tô Nam ngẩn ngơ, ngồi im cho đến khi bộ phim kết thúc, mọi âm thanh đều lắng xuống, sự tĩnh lặng bao trùm anh, như thể đang cố xoa dịu nỗi buồn và cô đơn trong lòng, nhưng hoàn toàn vô ích.
Đêm đó, Tô Nam trải qua một cách yên bình hơn anh tưởng, chỉ trừ việc do ngủ quá nhiều vào buổi chiều, nên mãi đến gần sáng anh mới chợp mắt được.
Khi tỉnh dậy, trời đã sáng rực rỡ.
Tô Nam nằm trên giường, đang ngắm ánh mặt trời mùa thu ngoài cửa sổ thì nhận được cuộc gọi từ phòng đấu giá, người ta báo rằng đôi khuy măng sét tráng men hình chuồn chuồn đã được bán với giá cao ngất ngưởng mà anh chưa từng nghĩ đến, và người mua lại càng ngoài dự đoán của anh.