Họa Quốc - Thức Yến

Chương 14: ۵ Hồi 3: Phàm âm khởi (4) ۵


Trans: Nhật Nguyệt Phong Hoa

***

Tạ Trường Yến thầm mắng mình chuyện nên hỏi thì không hỏi đi hỏi chuyện không đâu. Chỉ vì bản thân cảm thấy Phong Tiểu Nhã không như lời đồn mà quên mất "chiến tích lẫy lừng" của y. Sở dĩ nàng cảm thấy y chính trực uy nghi là vì thân phận đặc biệt. Còn đối với những cô nương khác, y vẫn là chàng công tử gieo hoạ "Cô nương chớ hoài mong ngóng" đấy thôi.

"Ta..."

"Ta..."

Tạ Trường Yến và Thương Thanh Tước đồng thời cất tiếng, sau đó cũng đồng thời dừng lại.

Thương Thanh Tước cười nói: "Đôi lúc phu quân hành sự không hợp lẽ, mong cô nương đừng trách cứ chàng. Tuy hôm nay chàng không đến nhưng đã sắp xếp mọi thứ ổn thoả cho cô nương, tuyệt đối không có chuyện làm lỡ dở việc học của cô nương."

"Đâu có. Phu nhân không trách ta mạo muội quá lời là tốt lắm rồi. Còn về sư huynh..." Tạ Trường Yến áy náy xong thì lòng hiếu kỳ trỗi dậy, "Tân nương tử là ai thế?"

"Ta cũng chưa được gặp bao giờ. Nghe nói là con gái của một nhà bán rượu, họ Thu."

Tạ Trường Yến nghĩ thầm: Ồ, con gái nhà bán rượu à... sư huynh không kén chọn lắm nhỉ...

Cuộc nói chuyện vừa đến đó thì xe ngựa dừng lại, Như Ý ở ngoài xe nói: "Đến rồi, xuống xe đi."

Tạ Trường Yến vén rèm xe ra, nhìn thấy ba chữ Cầu Lỗ Quán.

Không giống những bức hoành treo trên cửa thông thường, ba chữ này được khảm hẳn lên cánh cửa, tạo hình của chữ cũng vô cùng độc đáo.

Một nét trên chữ Cầu là hình chiếc rìu.

Nửa trên chữ Lỗ là một con cá nhảy nửa thân ra khỏi chậu.

Phần bên trái chữ Quán vẽ thành một căn nhà đẹp mắt, hai bộ Khẩu(*) bên phải là hai cánh cửa nhỏ.

(*) Chữ Quán: 馆

Cầu Lỗ Quán: 求鲁馆

Tạ Trường Yến đang không hiểu hai cánh cửa nhỏ đó dùng để làm gì thì thấy Như Ý nhảy xuống xe, bước đến gõ lên cánh cửa nhỏ, cao giọng gọi: "Phụng mệnh bệ hạ đến thị sát Lỗ Quán. Mở cửa."

Lời vừa dứt, chiếc rìu trên chữ Cầu bắt đầu chuyển động đến đầu con cá đang nhảy khỏi chậu, thân cá tách làm hai, mỗi bên rơi vào mỗi cánh cửa nhỏ.

Ngay sau đó, lẹt kẹt một tiếng, cánh cửa cao lớn tự động mở ra.

Chỉ chứng kiến cơ quan trên cánh cửa này thôi đã đủ làm người ta trợn mắt há mồm.

Tạ Trường Yến kinh ngạc không thôi, Thương Thanh Tước nắm tay nàng nói: "Xe ngựa không tiện đi lại trong Cầu Lỗ Quán, chúng ta xuống xe đi."

Tạ Trường Yến bèn dìu nàng ấy đi xuống.

Chân Thương Thanh Tước đi khập khà khập khiễng nhưng thần thái tự nhiên trang nhã, không bởi thân mang thương tật mà xấu hổ. Thấy thế Tạ Trường Yến cũng yên tâm, nàng tập trung quan sát mọi thứ trong Lỗ Quán. Cuối cùng nàng đã hiểu vì sao xe ngựa không thể đi lại trong quán, bởi vì quá lộn xộn.

Đông Tây Nam Bắc đều là phòng ở, chính giữa là đình viện rộng lớn, bùn cát chất thành đống cao đống thấp, phía trên còn đặt guồng nước cỡ lớn với kết cấu phức tạp mà mới mẻ, rất khác những guồng nước thông thường.

Một tốp người mặc áo xanh, đầu quấn khăn trắng đang bò lên bò xuống gõ gõ đóng đóng, người người bận bịu chuyện của mình không ai để mắt tới sự xuất hiện của ba người.

Tạ Trường Yến đang xem rất thích mắt thì nghe một tiếng ầm lớn vang lên từ căn phòng ở hướng chính Bắc. Mặt đất chấn động theo, đất cát chất thành đống cũng rào rào đổ ập, mọi người hốt hoảng đi cứu vớt.



Như Ý la lên một tiếng rồi ôm đầu ngồi xổm xuống, gọi Tạ Trường Yến và Thương Thanh Tước: "Mau ngồi xuống ngồi xuống!"

Tạ Trường Yến kéo Thương Thanh Tước ngồi xuống.

Động đất chỉ kéo dài chừng nửa tuần trà(*) thì ngưng.

(*) Khoảng 7 8 phút.

Một nam thanh niên mặt mày dính toàn bụi cát bước ra từ căn phòng hướng Bắc đó. Mọi người quay đầu sang hỏi: "Thế nào rồi?"

Người nọ lắc đầu, mặt ủ rũ: "Không thành."

"Haizz." Mọi người lắc đầu thở dài rồi tiếp tục bận việc của mình.

Như Ý ra hiệu cho Tạ Trường Yến đứng dậy rồi đi đến chỗ người nọ: "Oa lão đâu? Phụng mệnh bệ hạ đưa... ừm đưa Tạ cô nương đến bái phỏng Oa lão."

"Đang ở trong phòng. Nhưng mà thời điểm này đừng vào thì hơn, thầy lại thất bại nữa rồi, đang sốt ruột dậm chân trong phòng kia kìa." Người nọ phủi sạch bụi trên người rồi hành lễ với Tạ Trường Yến, "Vãn sinh Mộc Gian Ly là đại đệ tử của Cầu Lỗ Quán. Nếu người không chê thì hãy để ta đưa người đi tham quan nơi này."

Tạ Trường Yến tò mò: "Oa lão đang làm gì vậy?"

"Thầy đang nghiên cứu lửa xanh của Bích quốc, muốn dùng nó để khai thông đường núi."

Lửa xanh là loại lửa chỉ có ở Bích quốc, nổi danh nhờ ngọn lửa có thể bắn xa và màu sắc rực rỡ, nhưng chẳng ngờ còn có công dụng khác.

"Khai thông thế nào?"

"Bệ hạ hạ chỉ khai thông kênh đào Ngọc Tân nhưng suốt chặng có nhiều núi, nếu dựa theo cách trước nay là mở một đường ống dẫn trong núi rồi bỏ củi vào đốt, sau đó rưới nước lạnh để nham thạch nứt ra. Nhưng cách này quá chậm, ba năm cũng chưa chắc đã hoàn thành. Bởi vậy thầy và chúng ta đang nghĩ cách. Xin mời đi bên này." Mộc Gian Ly vừa nói vừa dẫn đường.

Trên khắp các vách tường vẽ một bức tranh dài vô tận, nhìn kỹ lại hoá ra là hình kênh đào Ngọc Tân. Trên tranh có thể thấy rõ từng nhánh từng nhánh sông của Vị Hà(*) và Hoàng Hà liên kết lại với nhau.

(*) Vị Hà hay còn gọi là Vị Thuỷ, đây là con sông ở Tây Trung Bộ Trung Quốc và là phụ lưu lớn nhất của Hoàng Hà.

Tạ Trường Yến nhìn sang những chiếc guồng nước lớn trong viện, hỏi: "Vậy những guồng nước này cũng để phục vụ cho kênh đào?"

"Chúng lợi dụng sức gió đẩy guồng chuyển động, dùng để thoát nước ở các hồ thuộc nhánh Vị Hà. Nhưng mà tình hình trước mắt là vẫn chưa làm tốt như mong đợi. Ngoài ra, chúng ta còn tạo guồng xe chuyên dụng cho nước phù sa..."

Tạ Trường Yến vừa nghe vừa cảm thấy chấn động lòng người không lời nào tả hết. Không thể phủ nhận rằng sau khi đến Ngọc Kinh, những gì được nghe được thấy vượt xa những điều được học suốt mười ba năm qua. Ở Tạ gia, nàng học thơ văn lễ pháp, theo đuổi thuyết tự nhiên Vô Vi đạo. Giả sử như đối với việc xây kênh đào Ngọc Tân lần này, Tạ Hoài Dung đánh giá như sau: "Dẫu rằng đoạt thế của trời đất nhưng tạo được phúc cho vạn dân, tất là việc thiện." Còn về lý do xây, xây thế nào thì ông ấy không đề cập nửa chữ. Nhưng đến đây, đến bên Phong Tiểu Nhã, y để nàng được thấy dây mơ rễ má, những điều kỳ diệu khó tưởng và hoài bão lớn lao bên trong.

"Kênh đào một khi đã thông, người dân trên bình nguyên Vị Hà có thể lấy nước phục vụ đời sống, giảm hạn hán mất mùa, thêm cả tiết kiệm thời gian công sức trong việc vận chuyển vận tư. Công trình cống hiến tạo phúc cho ngàn đời, thật là may mắn của chúng ta!" Mộc Gian Ly nói hào hứng đến đỏ cả mặt.

Như Ý hất cho một gáo nước lạnh: "Các ngươi thì may mắn rồi, chỉ có bệ hạ đau đầu thôi. Mấy đại nhân ở Công Bộ ngày nào cũng chạy tới đòi tiền ngài ấy, Oa lão cũng suốt ngày viết sớ than khổ than nghèo."

Mộc Gian Ly cười ha ha: "Nông vụ là cốt lõi của một quốc gia, thuỷ lợi mà làm tốt thì bao nhiêu tiền chẳng kiếm lại được."

Như Ý lườm hắn một cái, không nói thêm gì nữa.

Tạ Trường Yến tưởng tượng cảnh Yên vương bị các đại thần đuổi theo đòi tiền mà vui thầm trong lòng.

Lúc này, Mộc Gian Ly đứng lại trước một gian phòng nói: "Phải rồi, thầy nghe nói cô nương đến nên có chuẩn bị cho người một phần quà." Nói xong hắn mở cửa vào phòng rồi ôm ra một chiếc gương to.

Tạ Trường Yến thấy hắn ôm vất vả quá nên qua phụ một tay. Mộc Gian Ly nhìn nàng với ánh mắt kinh ngạc, không ngờ một tiểu cô nương mà còn mạnh sức hơn cả hắn.

"Đây là cái gì?"

"Nhiều món lung tung phức tạp, cô nương về rồi hãy mở ra thì hay hơn."

Tạ Trường Yến thấy những người xung quanh ai nấy đều bận tối mặt tối mũi, tuy Mộc Gian Ly dẫ. nàng đi tham quan nhưng trên mặt cũng hiện rõ chữ gấp rút. Vì thế nàng bèn cáo từ: "Cũng được. Hôm nay trời không còn sớm nữa ta về trước đây. Hôm khác Oa lão có rảnh thì ta lại đến thỉnh giáo."



"Vâng vâng vâng." Mộc Gian Ly như thở phào nhẹ nhõm.

Thế là Tạ Trường Yến ôm chiếc gương to kia trở ra xe ngựa. Như Ý theo sau nàng nói: "Nữ tráng sĩ cơ đấy."

"Vậy ngươi ôm đi?"

"Không được không được, ta sao mà ôm nổi." Như Ý thương tiếc sờ bàn tay mình.

Tạ Trường Yến cười cười, đặt chiếc rương lên xe xong xuôi rồi dìu Thương Thanh Tước bước lên.

Thương Thanh Tước nói: "Lúc nãy ta thấy cô nương rất có hứng thú, còn tưởng sẽ nán lại lâu hơn."

"Ta muốn ở chứ, tiếc là người ta chê ta, chỉ mong ta mau mau ra về thôi." Tạ Trường Yến nháy mắt với nàng ấy, "Vả lại, không phải phu nhân còn phải dẫn ta đi chơi với các thiên kim tiểu thư sao?"

"Cô nương có biết hôm nay là ngày gì không?"

"Ngày gì? Tháng năm... ừm..." Tạ Trường Yến nhẩm tính, "Hôm nay là tết Đoan Ngọ?"

Nếu còn ở Ẩn Châu, nửa tháng trước đã nghe tiếng trống từ thuyền rồng rồi. Cuộc thi đua thuyền rồng hằng năm vào tết Đoan Ngọ là dịp thỉnh hội của Ẩn Châu. Vào ngày đó, tiếng chiêng trống vang vọng trên sông Ẩn Tiêu, hơn mười đội chèo thuyền đọ sức, nam nam nữ nữ đến cổ vũ cho đội mình yêu thích, khung cảnh náo nhiệt phi phàm.

Thương Thanh Tước gật đầu nói: "Đúng vậy. Ngọc Kinh không có sông nên không thể tổ chức đua thuyền rồng. Nhưng sau khi tắm gội xong thì thắt tơ ngũ sắc đi chơi tết Nữ Nhi."

"Tết Nữ Nhi? Tết này thì làm những gì?"

"Một tốp người tụ tập lại với nhau chơi Khúc thuỷ lưu thương, Xạ phú, Tá mã(*)..."

(*) Khúc thuỷ lưu thương là trò chơi lưu truyền từ thời Hán của Trung Quốc. Người chơi sẽ ngồi hai bên bờ suối, đặt một chén rượu ở thượng lưu cho nó trôi theo dòng nước, chén rượu dừng trước mặt ai thì người đó ngẫu hứng làm thơ.

Xạ phú là trò chơi dân gian đoán vật được đậy trong lọ, bình...

Tá mã là chơi cờ phân thắng bại ở thời cổ đại, con cờ gọi là "mã", dựa theo quy tắc nhất định, hai bên bố trận, tấn công, phòng thủ, tập kích... để định thắng thua.

Tạ Trường Yến nghe mà đầu muốn phình to: "Làm thơ đánh cờ?"

"Còn Đầu hồ(*)."

(*) Trò chơi ném phi tiêu vào miệng bình.

"Cái này thì còn được."

"Còn có Đấu thảo(*) và nghe nhạc..."

(*) Trò chơi dân gian, tìm hoa cỏ độc lạ để thách đấu, hoa cỏ của ai mới lạ hoặc chủng loại đa dạng nhất thì thắng.

Tạ Trường Yến thở dài nói: "Sớm biết vậy đã ở lại Cầu Lỗ Quán rồi."

Thương Thanh Tước mím môi cười: "Phu quân nói cô nương đã đến Ngọc Kinh thì những thứ vui chơi này cũng phải học. Đâu thể nào ở mãi trong Tri Chỉ Cư, cô nương cũng cần có bạn bè."

"Được thôi. Khi nào thì bắt đầu?"

"Khi ánh đèn rực sáng(*)."

(*) Một câu xuất phát từ Sở Từ - Chiêu Hồn.

- Hết hồi 3 -