Họa Quốc - Thức Yến

Chương 59: ۵ Hồi 14: Há được như ý (4) ۵


Trans: Nhật Nguyệt Phong Hoa

***

Hồ Trí Nhân nói với Tạ Trường Yến: "Trường Yến, năm mười sáu tuổi ta rời Nghi quốc đến Đại Yên làm ăn, thúc phụ dạy ta ba câu châm ngôn. Câu thứ nhất, con phải yêu tiền thì tiền mới yêu con. Câu thứ hai, con phải để người ta kiếm được tiền thì họ mới để con kiếm tiền. Hai câu đầu là vậy, câu thứ ba, nay ta dành tặng lại nó cho muội."

Tạ Trường Yến ngẩng đầu nhìn hắn.

"Câu thứ ba, đừng quá để ý đến tiền của ngày hôm qua, tiền của hôm nay mới quan trọng." Hồ Trí Nhân giơ tay ra áp lên mu bàn tay nàng, "Tương tự vậy, đừng quá để ý chuyện đã qua, sau này sống ra sao mới quan trọng nhất."

Từ bỏ truy cứu tận gốc, giết chết tên áo đen báo thù cho mẹ, chuyện này đến đây là kết thúc. Ngày mai thức dậy, có lẽ còn tiếc nuối nhưng vẫn có thể nở nụ cười đón nắng mới.

Nếu cứ nhất quyết muốn đi vào ngõ cụt tìm hiểu đầu đuôi, đi khiêu chiến đám quái vật mà đến cả Hồ Cửu Tiên cũng không dám động đó, cuộc sống mai sau chắc chắn nguy hiểm vô ngần, cửu tử nhất sinh.

Bất kể nghĩ sao, dường như lựa chọn thứ nhất vẫn đúng đắn nhất.

Tạ Trường Yến nhìn bàn tay áp trên tay mình, cảm nhận được sự ấm áp và quan tâm của Hồ Trí Nhân dành cho mình. Một lát sau nàng từ từ rút tay ra.

Nàng nói: "Kẻ giết người chết là hết, nhưng nếu kẻ đó chịu sự sai khiến của người khác thì sao?"

Trái tim Hồ Trí Nhân bỗng thắt lại.

"Nếu ta không biết sự tồn tại của Như Ý Môn thì cũng thôi đi, nhưng đã biết người kia là đệ tử Như Ý Môn, có thù oán với cha ta, rất có thể còn dính dáng đến người thứ ba. Mười lăm năm trước, phải chăng có người sai hắn đến giết cha ta? Kẻ đứng đằng sau đó là ai? Kẻ thật sự gây ra chuỗi nhân quả tuần hoàn này là ai?"

Trong mắt Hồ Trí Nhân hiện vẻ tuyệt vọng.

"Ta đấy à, là một cô bé khi chịu ấm ức sẽ lập tức chạy đi khóc lóc với mẹ, sẽ ôm tượng gỗ của cha đi ngủ, tháng bảy mỗi năm sẽ mang hoa lan đến Mê Tân Hải viếng tỷ tỷ, nhìn thấy người ta giết chó sẽ khóc, sống một cách nhạy cảm đa tình như thế..." Tạ Trường Yến dừng lại rồi loạng choạng đứng lên. Nàng chịu đả kích lớn, đứng cũng chẳng mấy vững nhưng trong đôi mắt nàng có sự kiên định như hòn đá tảng hiên ngang giữa bão táp. "Sống có vui gì? Chết có sợ chi? Đối với Tạ Trường Yến ta mà nói, nếu vô tình thì thà rằng chết đi cho xong."

Nàng đẩy cửa đi ra.

Hồ Trí Nhân ngồi lặng tại chỗ, mãi lâu không nói tiếng nào.



Mạnh Bất Ly đứng bên cửa cũng cụp mắt, tay rút vào trong tay áo, bên trong có giấu một miếng kén dùng để viết thư cho Yên vương.

Tạ Trường Yến trở lại khoang thuyền nhốt người áo đen.

Nàng đứng trước cửa hít vào một hơi thật sâu rồi mở cửa ra.

Kẻ kia nằm rạp giữa đống đá, vẫn chưa tỉnh lại.

Tạ Trường Yến đi qua đá gã mấy cái, hắn vẫn bất động. Tạ Trường Yến ngẫm nghĩ rồi tháo túi nước trên tường xuống xối lên người gã, thế nhưng gã cũng chẳng có động tĩnh gì.

Tạ Trường Yến nhận thấy có gì đó không ổn, nàng liền cúi người thăm dò hơi thở của gã, sau đó thét lên một tiếng.

Mạnh Bất Ly nhanh chóng xông vào.

"Hắn chết rồi!" Tạ Trường Yến cầu cứu nhìn hắn.

Mạnh Bất Ly kéo gã dậy, bắt mạch trên tay trái rồi lại nghe nhịp tim gã.

Hồ Trí Nhân nghe tiếng chạy đến, "Không phải ta! Ta chỉ đánh ngất hắn..."

Mạnh Bất Ly kẹp cằm người áo đen, ép gã mở miệng ra, quan sát một lúc rồi rút một cây kim dài từ trong đó ra.

Cây kim đâm vào từ cổ họng gã, đâm thẳng đến dạ dày. Trên kim bôi kịch độc, bởi vậy trong lúc hôn mê gã cứ thế bị độc giết chết không chút phản kháng.

Hồ Trí Nhân nhìn cây kim đó, biến sắc mặt: "Trên thuyền có đồng bọn của hắn!"

Chỉ có người của Như Ý Môn mới nghĩ đến chuyện giết người diệt khẩu.

Chỉ có người của Như Ý Môn mới dùng kịch độc giết người.



Tạ Trường Yến quay người định chạy đi, Hồ Trí Nhân liền kéo nàng lại: "Đi đâu vậy?"

"Thi thể còn chưa lạnh, mới chết chưa đầy một khắc thôi, kẻ giết người chắc chắn còn ở trên thuyền, ta đi bắt hắn ra đây!"

"Bắt gì mà bắt, nơi này không an toàn, rời khỏi đây trước rồi tính!"

"Tại sao ta phải trốn? Đối phương chỉ dám giết người diệt khẩu trong thầm lặng, rõ ràng là muốn dẹp êm chuyện này. Bây giờ người phải trốn là hắn!" Tạ Trường Yến giằng tay ra, xông thẳng ra ngoài.

"Trường Yến! Trường Yến!" Hồ Trí Nhân gọi không được, chỉ đành nhìn sang Mạnh Bất Ly. Mạnh Bất Ly hiểu ý hắn, gật đầu với hắn một cái rồi đuổi theo bảo vệ Tạ Trường Yến.

Tạ Trường Yến chạy lên boong thuyền, tập hợp tất cả thuyền phu lại.

Nàng thuê tất cả là mười hai thuyền phu nhưng chỉ đến có mười một người. Một người cầm lái tên A Vượng không thấy đâu. Mọi người tìm khắp một vòng, cuối cùng vớt được thi thể của A Vượng dưới biển. Y phục hắn không còn, trông thi thân thì ít nhất đã chết nửa ngày rồi.

Tạ Trường Yến nhìn thi thể của A Vượng, nói: "Hôm nay không ai gặp hắn sao?"

Các thuyền phu đưa mắt nhìn nhau, một người nói: "Ta từng trông thấy bóng lưng hắn..."

"Khi nào?"

"Là, là lúc cơm tối... Ta phụ trách phát cơm, phát xong mới nhớ ra thiếu mất A Vượng, sau đó thì thấy hắn bưng cơm thừa đi, chỉ thấy bóng lưng thôi. Bây giờ nghĩ lại, chắc là người, người khác mặc quần áo của A Vượng..."

Cõi lòng Tạ Trường Yến trĩu nặng. Chắc hẳn kẻ diệt khẩu kia luôn đi theo họ, sau khi người áo đen bị bắt lên thuyền, người đó cũng mò đến, giết A Vượng rồi thay quần áo của hắn trốn trong bóng tối. Sau đó, đợi Mạnh Bất Ly không có mặt thì đi vào giết người áo đen.

Mạnh Bất Ly chỉ rời khoang thuyền đó trong một khoảng thời gian, chính là lúc theo nàng đi nghe Hồ Trí Nhân thuật lại lai lịch của Như Ý Môn.

Nói vậy, có một đôi mắt quan sát mọi thứ kể từ khi người áo đen giết người trước bia mộ, thấy gã thất thủ bèn theo đuôi đến, diệt khẩu gã.

Nhớ lại câu của người áo đen "Ta vừa lên đến bờ thì gặp hai mẹ con ngươi, quả là cơ hội báo thù ông trời cho ta đây mà!", cảm thấy không rét mà run.

Chuyện trên đời không có trùng hợp. Nếu có thì tất là do người tạo ra. Đây là câu cửu ca Tạ Tri Vi thường lải nhải. Không giống với người hay lo lắng không đâu như ngũ bá bá, Tạ Tri Vi là người theo trường phái nhân quả, cho rằng không có chuyện "người ngồi trong nhà hoạ từ trên trời rơi xuống", nếu có hoạ thật thì chỉ có thể cho thấy rằng nóc nhà họ dựng chưa đủ kiên cố.