Không Gian Dược Thiện Trồng Trọt Nuôi Con

Chương 33: Trừ hàn


Mùa xuân là mùa cho vạn vật hồi sinh sức sống, đồng thời cũng là mùa thường xuyên bùng phát các loại dịch bệnh, hơn nữa diễn biến thời tiết vào mùa này cũng khiến con người ta khó có thể lường trước được, hôm thì nắng nóng gay gắt, hôm thì lạnh tới run rẩy, chỉ cần không chú ý một cái là hai hàng nước mũi chảy dài rồi thì cảm lạnh phát sốt như chơi.

Người nhà quê không để ý nhiều tới phong cách ăn mặc thì còn đỡ một chút, một số người trẻ tuổi sinh sống bên trong thành phố lớn với thị trấn đặc biệt yêu thích cái đẹp, thời trang đánh tan thời tiết nên mặc cực kì ít quần áo hoặc quần áo không đủ độ dày dẫn tới động chút là bị cảm lạnh, về tới nhà thì người này truyền nhiễm cho người kia nữa nên phần lớn người trong nhà đều sẽ phải thay phiên nhau lần lượt nhiễm lạnh hết một vòng rồi mới chịu thôi.

Chớ có nghĩ cảm lạnh chỉ là một căn bệnh nhỏ thông thường mà coi khinh, người trẻ tuổi chỉ cần nhẫn nhịn qua vài ngày là xong, nhưng đối với người già và trẻ nhỏ có sức đề kháng yếu, kém thì không phải chỉ có đơn giản như vậy, bất cẩn một chút thôi là thân thể sẽ bị lưu lại bệnh căn, sau đó là dẫn phát thành một chứng bệnh khác, đến lúc đó mới càng thêm rắc rối.

Thân thể Bạch Dung hiện giờ còn mang thêm một sinh mệnh khác nữa nên càng cần được chăm sóc cho thật tốt, bởi vì các loại dược liệu mà đặc biệt là thuốc tây y sẽ có tác dụng phụ gây ra kích ứng rất lớn đối với thai nhi, nếu không cẩn thận mà để bản thân mình bị nhiễm bệnh thì cậu chỉ có thể tự thân cắn răng chịu đựng cho qua mà thôi, chỉ có một mình mình phải chịu khổ sở khó chịu thì đã chẳng sao, điều quan trọng nhất chính là một khi cơ thể mẹ phải chịu đựng ốm đau mệt mỏi thì thai nhi trong bụng cũng sẽ bị ảnh hưởng theo, như vậy chỉ càng khiến Bạch Dung thêm vất vả cực nhọc.

Từ sau khi bà cụ Dương Tố Phân biết chuyện Bạch Dung đang có bầu liền liệt kê ra một danh sách dài các điều cấm kị và những điều cần chú ý trong khoảng thời gian mang thai cho cậu, ông bố đúng tiêu chuẩn Sở Uyên thực nghiêm túc ghi nhớ kĩ tất cả những điều đó, đồng thời trở thành người giám sát cực kì có trách nhiệm, còn Bạch Dung thì chỉ có thể mỉm cười ngồi nghe, mỗi khi nghe xong một ghi chú hoặc việc không nên làm thì hai đầu lông mày cậu không khỏi cau lại thêm một chút, để lộ ra tâm trạng chán nản buồn bực của mình.

"Thời tiết hiện tại gió trời thổi tương đối mạnh, dù có thấy trời nắng to thì cũng không được cởi bớt quần áo hay tham mát mà cởi cúc phanh vạt áo ra, nên biết rằng lộ bụng cũng rất dễ gây ra cảm lạnh đấy, bị lạnh bụng sẽ khiến cho đứa nhỏ cảm thấy khó chịu theo." Bà cụ Dương Tố Phân là người lớn tuổi trong nhà nên có kinh nghiệm khá dày dặn, người con trai của hai ông bà cùng hai đứa cháu trong nhà gần như đều do một tay bà cụ nuôi nấng cả, vừa nhắc tới kinh nghiệm nuôi dạy con cái là bà cụ nói tới không cách nào dừng lại được, thời gian rảnh mỗi tối bà cụ đều kéo hai người Bạch Dung tới phòng khách ngồi lải nhải không ngừng nghỉ, cố tình Sở Uyên lại thuộc kiểu rất biết tôn trọng và nghe lời người lớn tuổi trong nhà, đến mức anh ta sắp coi lời nói của ông bà cụ trở thành thánh chỉ để thực hiện theo luôn rồi, bởi vậy mà đối với những việc không được phép làm qua lời dặn dò của bà cụ đều được anh chấp hành một cách nghiêm khắc và triệt để.

Đây cũng chính là nỗi đau đối với Bạch Dung, từ sau khi bà cụ Dương Tố Phân nhắc nhở hai người về các hạng mục cần chú ý thì số đồ ăn vặt mà Sở Uyên mua về cho cậu đều bị tịch thu hết. Ngoài ra còn có, lúc ăn cơm không được phép kén chọn, không được phép ăn nhiều đồ cay nóng, điều quá đáng nhất chính là món cần tây mà Bạch Dung ghét cay ghét đắng kia đều phải ăn cho bằng hết! Nên biết rằng Bạch Dung chỉ cần ngửi thấy cái mùi cần tây thôi là bụng dạ cậu đều muốn sôi lên rồi, Sở Uyên càng thêm quá quắt, vì để cậu có thể ăn được nhiều cần tây hơn mà anh ta dám hái một đống lớn cần tây từ bên trong không gian ra, không chỉ có vậy, anh ta còn lấy thật nhiều hạt giống ra và gieo trồng lấy một mảnh cần tây ngay dưới khu vực chân núi nữa. Bạch Dung vừa nghĩ tới đây thì hai hàng lông mày của cậu đã có thể nhăn tít lại vào với nhau được rồi, đối với chuyện này cậu còn không có quyền bác bỏ hay từ chối, bởi vì ngay cả đứa nhỏ như Lưu Khải Đệ đều dám đứng ra đảm bảo bản thân sẽ ăn hết rau cần tây và không kén chọn thức ăn nữa, nếu cậu mà không ăn thì chẳng khác nào bản thân còn không bằng một đứa trẻ chứ, sao cậu có thể làm ra chuyện không có tố chất như vậy được.

Ngoài ra, hàng ngày Bạch Dung đều phải mặc lên người những bộ quần áo dày cộp, dù cho có nắng tới mức nào thì cậu cũng không được phép cởi chúng ra, bởi vì gió xuân còn khá lớn và khá lạnh, không cẩn thận là thân thể rất dễ bị nhiễm lạnh.

Bạch Dung tích tụ đủ các loại oán niệm, bất bình ở trong lòng, cậu còn không được phép phàn nàn oán giận ra khỏi miệng nữa chứ, bởi vậy cậu chỉ đành tìm cơ hội âm thầm kiếm chuyện chỉnh Sở Uyên một trận để trút giận mà thôi.

Cái con người Sở Uyên này ấy mà, cũng chỉ có cái vẻ ngoài là đặc biệt nghiêm túc, đám trẻ trong thôn vừa thấy được vẻ mặt nghiêm nghị của anh ta thì đều cảm thấy sợ hãi cả, thế nhưng thực tế anh lại là người rất tốt tính, mỗi lần Lưu Khải Đệ dẫn đám bạn nhỏ tới nhà chơi mà gặp được Sở Uyên thì anh ấy đều rửa trái cây rồi chia cho đám nhóc ăn, trong nhà mà có đồ ăn vặt thì cũng sẽ đem ra tiếp đãi chúng (đống đồ ăn vặt tịch thu từ chỗ của Bạch Dung), có điều đám nhỏ nhìn thấy dáng vẻ nghiêm túc của anh thì nào dám tự mình chạy qua lấy, Sở Uyên liền đem đồ ăn vặt giao lại cho Lưu Khải Đệ để cậu nhóc đem đi chia cho đám bạn của mình. Một người đàn ông lớn xác khi đối xử với các bạn nhỏ đều có thể dịu dàng đến vậy, chẳng phải khi đối đãi với bà xã nhà mình sẽ càng tốt hơn sao, cho nên bất kể là Bạch Dung có vênh mặt hất hàm sai khiến anh làm cái gì thì anh đều sẽ vui vẻ làm theo, chưa bao giờ nói ra lời phàn nàn oán giận, thậm chí còn giống như tìm được niềm vui trong đó vậy, thấy bà xã vui khi có thể bắt nạt được mình thì anh chàng cũng vui vẻ cười toe toét theo.

Hôm nay khi thằng Thuận trở về còn đeo thêm một cái khẩu trang ở trên mặt, cậu ta kể rằng, bởi vì có rất nhiều người trong thị trấn bị cảm lạnh nên hiện giờ mọi người đều sẽ đeo loại khẩu trang này để đề phòng nhiễm bệnh, cậu ta sợ mình bị nhiễm bệnh lúc về nhà không cẩn thận truyền lại cho Bạch Dung nên mới cố ý mua khẩu trang rồi đeo lên.

Bà cụ Dương Tố Phân nấu một bát canh gừng thêm hành lá cho cậu ta uống xua tan cái lạnh trong người.

Bạch Dung thấy vậy liền nói: "Chúng ta chuẩn bị một vài món cháo cùng với canh giúp giải trừ cảm lạnh đi, số táo đỏ, nhãn khô cùng với gừng tươi trước đó chúng ta mang tới thị trấn có thể chuẩn bị một ngày hai lần vào mỗi buổi sáng và buổi tối, để mỗi khách hàng khi tới quán ăn cơm có thể uống một bát trừ lạnh, làm ấm thân thể."

"Được đó, vậy chúng ta nên làm cái gì bây giờ?"

"Có thể làm mấy loại như canh gừng táo đỏ, Coca-Cola gừng, bò hầm củ cải, canh thịt dê, canh xương dê củ mài, đây đều là những món ăn có tác dụng làm nóng người trừ hàn khí, nếu muốn làm cháo thì có thể làm cháo hạnh nhân, cháo củ cải hoặc là cháo gạo rang gừng, chúng ta làm xong liền cho thêm vào thực đơn món của quán, khách hàng tới có thể tự gọi món mà mình yêu thích." Bạch Dung lấy cuốn dược thiện ra đánh dấu vào mấy cái tên trên sách, nguyên vật liệu cần thiết đều là thứ cậu có thể lấy ra một cách dễ dàng.

Những người khác nghe xong đều không có ý kiến nào khác. Ngày hôm sau Bạch Dung đào thật nhiều gừng tươi từ bên trong không gian mang ra ngoài, đồng thời cậu cũng chuẩn bị đầy đủ hết những nguyên vật liệu cần thiết khác để thằng Thuận đưa toàn bộ đến quán ăn trong thị trấn, còn về phần thịt dê và thịt bò nạm thì phải đi tới địa điểm lấy hàng cố định của nhà họ trên thị trấn để mua, đám dê nhà họ nuôi vẫn còn nhỏ, chưa giết thịt được.

Các món cháo và canh có tác dụng làm ấm thân, thể trừ hàn giải lạnh mà quán ăn nhà Bạch Dung đưa ra cũng đều được thực khách đón nhận một cách nhiệt liệt. Dạo gần đây bất kể là người dân đi làm hay tan sở, chỉ cần bước chân ra khỏi cửa nhà thì ai cũng đều phải đeo khẩu trang, sợ bản thân vô tình bị lây nhiễm cảm lạnh từ bên ngoài, uống thuốc mà xong được thì cũng thôi chứ nếu làm chậm trễ tới công việc thì đúng là không xong, một ngày nào đó bạn đang bận rộn hoàn thành tiến độ công việc lại phát hiện bản thân bị ốm ra đấy thì sao nhỉ? Thôi xong, gặp phải công ty nào nhân đạo một chút còn có thể thả cho bạn nghỉ ngơi một hai ngày để đi bệnh viện truyền nước lấy thuốc, chứ nếu gặp phải cái loại ông chủ kiệt sỉ chó tính thì lão ta cho bạn nghỉ nửa ngày tới bệnh viện lấy thuốc đã là tốt tính lắm rồi, có một số không chừng còn sẽ chê trách phàn nàn đủ điều như, chỉ có bạn là lắm điều nhiều chuyện, người khác đều không có vấn đề gì sao chỉ mình bạn là bị bệnh chứ các kiểu, nghe thôi cũng đủ khiến người ta chạnh lòng.

Sau khi những món cháo và canh có tác dụng làm ấm thân thể được ra mắt thì nhóm dân công sở dù có bận rộn tới đâu cũng sẽ cố gắng tranh thủ thời gian ghé qua quán ăn vào hai buổi sáng tối để mua một bát về ăn, ăn một bát canh nóng hay cháo nóng còn tốt hơn so với phải uống thuốc rất nhiều đúng không nào? Nếu như có phương pháp để ngăn ngừa bệnh tật thì nào có ai muốn uống thuốc làm cái gì cơ chứ, chưa từng nghe câu 'thuốc ba phần độc' hay sao.

"Chủ quán à, món cháo trong quán của các người ăn thực là ngon nha, dùng gạo nhà trồng ra để nấu đấy à?" Có khách hàng sau khi uống xong bát cháo của mình liền mỉm cười thật tươi, vừa lau miệng vừa đánh cái nấc rồi câu được câu chăng nói chuyện với bà chủ Trầm Hàm Mai, người thỉnh thoảng mới đưa đồ ăn từ phòng bếp ra ngoài.

"Tất nhiên rồi, gạo chỗ chúng tôi trồng ra là thơm ngon lắm đấy nhé, lúa mùa vụ năm ngoái nhà tôi còn chưa bán ra ngoài đâu, cháu Dung nhà tôi nói không cần bán cho người khác làm gì cả, cháu nó bỏ tiền ra mua hết giữ lại cho quán ăn sử dụng, để các vị cũng được nếm thử luôn đó." Trầm Hàm Mai mỉm cười lau tay vào chiếc tạp dề trên người. Từ khi mở quán ăn này đến nay, mặc dù mỗi ngày cô đều phải thức khuya dậy sớm, bận rộn không ngừng nghỉ, thế nhưng nụ cười thỏa mãn trên mặt cô cũng lại nhiều thêm không ít, với cô mà nói, chuyện làm ăn của quán càng tốt thì cô càng có thêm triển vọng, cuộc sống trong nhà rốt cuộc cũng có hy vọng rồi.

"Ồ, là thuộc bên chỗ phường Lưu có đúng không? Tôi nghe nói gạo ở đó đều rất ngon, chẳng trách mà, tôi còn nghe nói hình như người thu mua thóc lúa cũng có quan hệ rất tốt với trưởng thôn chỗ các người nữa, hàng năm đều có thể thu mua được mẻ thóc lúa đầu tiên ở đó, sau đó thì dùng giá cao bán lại vào bên trong thành phố, người trong thị trấn như chúng ta cũng chưa chắc đã ăn được ấy chứ." Người đó gật đầu tỏ vẻ tán đồng nói.

Trầm Hàm Mai cười ha ha qua loa ứng phó hai câu, còn chuyện là như thế nào thì cô ấy cũng không thể nói thêm được bất cứ điều gì. Trưởng thôn của bọn họ là ông Lưu Tín Xương, đó đúng là một kẻ biết kiếm ra tiền ấy chớ, hàng năm sau khi người trong thôn tuốt lúa xong thì bên trên đường lớn lập tức có người đến thu mua thóc lúa tại chỗ, xe chở thóc hầu như đều dùng tới xe của nhà Lưu Tín Xương, ông ta thực biết tính toán lắm, không chỉ kiếm được tiền phí vận chuyển từ chỗ người trong thôn, mà mấy người thu mua muốn mua được thóc từ chỗ họ còn phải cách dăm ba ngày là mang quà mang lễ tới nhà hỏi thăm ông ta mới được ấy chứ, ông ta chính là ngồi không kiếm tiền từ hai phía. Cũng chẳng phải người trong thôn họ không biết tới chuyện này, chỉ là không có ai muốn ra mặt đối đầu với Lưu Tín Xương mà thôi, hơn nữa bán thóc cho ai chả là bán, quan tâm nhiều làm gì chứ.

Tuy nhiên, thóc nhà Dương Tố Phân năm nay không cần bán ra bên ngoài nữa, trước khi Bạch Dung tính mở quán ăn này đã từng nói với họ rằng không cần bán thóc đi, số thóc trong nhà cậu thu mua hết, chính là mang tới quán ăn để sử dụng, giá cả cậu trả còn cao hơn so với nhóm người chuyên tới thu mua kia một chút. Chuyện này người nhà họ Lưu đều hiểu rõ đây là Bạch Dung muốn giúp đỡ nhà mình, bà cụ Dương Tố Phân làm chủ gia đình không nói lời từ chối, người nhà họ cũng không phải kẻ bạc tình, vong ơn phụ nghĩa nên đều ghi nhớ kĩ lòng tốt của Bạch Dung ở trong tim.

Cũng bởi vì mỗi một loại nguyên vật liệu sử dụng bên trong quán ăn đều là thứ tốt nhất nên giá cả món cháo cùng canh của nhà Bạch Dung đắt hơn so với bên ngoài một chút, dù cho giá tiền không cao hơn bao nhiêu thì đây cũng được coi là một chuyện không tầm thường tại cái thị trấn nho nhỏ này rồi, càng kì lạ hơn là, quán ăn của họ chưa bao giờ nhận được những lời bất mãn hay khiếu lại của khách hàng tới ăn, ngược lại mỗi lần có sản phẩm hay món mới ra mắt đều nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ thực khách, vậy nên cũng kiếm được không ít tiền, điều này khiến Bạch Dung vui vẻ cười tươi tới không ngậm nổi miệng, thứ mà cậu muốn có được chính là cảm giác thỏa mãn mỗi khi đếm tiền tới rút tay này đấy.

Hai mươi con dê nhỏ nhà họ mua về nuôi đã được gần một tháng, Tống Hải Trần chăm chúng thực cẩn thận, đám dê con nhìn qua đều tròn vo bụ bẫm cả, da lông óng ả, vừa khỏe khoắn vừa tràn đầy sức sống, ai nhìn cũng phải thích.



Bạch Dung thấy Tống Hải Trần nuôi dê tốt như vậy thì trong lòng cảm thấy yên tâm hơn không ít, cậu nói với người đang chuẩn bị thức ăn thô xanh cho gia súc:

"Chúng ta mua thêm một lứa dê mới về nuôi cùng có được không? Hiện giờ đồng cỏ đã được trồng xong, đợi tới mùa hè với mùa thu là có đủ cỏ làm thức ăn cho dê rồi, đến lúc đó cũng không cần lo lắng chuyện thiếu lương thực cho dê nữa."

"Được." Tống Hải Trần vẫn giữ nguyên dáng vẻ trầm mặc như cũ, nghe xong mấy lời Bạch Dung nói liền chỉ gật đầu coi như là đồng ý.

"Vậy anh nói xem hiện giờ nuôi thêm bao nhiêu thì được?"

"Thêm một tới hai trăm con là vừa." Tống Hải Trần nói.

"Vậy cũng được, để tôi gọi điện kêu Ngô Hữu Vi mang thêm hơn một trăm con nữa tới đây, gom cho đủ hai trăm con chẵn đi." Bạch Dung gật đầu đồng ý.

"Cần phải mở rộng chuồng dê." Tống Hải Trần nói ra vấn đề cần thiết.

"Vậy thì xây thêm thôi, hai ngày nay việc trồng ngô trên núi đã hoàn tất, để Sở Uyên và thằng Thuận qua đây hỗ trợ anh, tôi đi mời thêm vài người thợ thủ công tới cùng với mua nguyên vật liệu cần thiết."

"Ừ."

Bạch Dung thương lượng xong công việc với Tống Hải Trần liền đi tìm bà cụ Dương Tố Phân hỏi thăm về chuyện thợ chuyên về phương diện xây dựng trong thôn.

"Bằng không thì gọi cậu nó tới đi, cậu ấy làm về mảng này nên chắc hẳn sẽ không có vấn đề gì khi làm theo yêu cầu mà mấy đứa đưa ra đâu." Người cậu nó mà bà Dương Tố Phân nói tới là chỉ cậu của đứa con nhà bà, cũng chính là người em trai ruột nhà bà, lúc bà nói ra những lời này thì không nghĩ gì nhiều, chỉ là muốn tìm một người mà người nhà bà quen thuộc, ít nhất sẽ không tới lừa tiền của Bạch Dung hay lo lắng đối phương ăn bớt nguyên vật liệu gì đó.

"Vâng, vậy thì nhờ cả vào bà nội rồi ạ." Bạch Dung cười híp mắt gật đầu.

Bà cụ Dương Tố Phân gọi điện thoại cho em trai mình nói qua về việc xây dựng chuồng dê ngay đêm hôm đó, đối phương đồng ý sẽ tới xem vào ngày hôm sau.

Yêu cầu với chuồng dê tương đối cao, trừ chuyện cần khô ráo thông thoáng, thoát nước tốt và là nơi nhiều nắng ra thì nền chuồng dê cần phải cao hơn so với bề mặt đất khoảng hơn hai mươi centimet trở lên nữa, cần phải chắc chắn, ấm áp và thông thoáng, còn phải đảm bảo mỗi một con dê cần có khoảng không gian từ 1-2 mét vuông để tự do hoạt động nên mỗi một chuồng không nên nuôi nhốt quá nhiều dê, bằng không sẽ rất khó để quản lý và gia tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm.

Tính toán như vậy thì hai trăm con dê sẽ cần khoảng diện tích là gần 400 mét vuông, ngoài ra còn cần có hành lang đi lại bên trong chuồng với sân chơi phía trước chuồng nữa, tính hết ra thì diện tích cần sử dụng cũng không hề nhỏ.

May mắn là lúc quyết định trồng cây trên núi thì cậu đã để dành ra một khoảng đất trống gần với chuồng dê hiện tại. Em trai của bà cụ Dương Tố Phân là ông Dương Bác tới xem địa hình và lắng nghe một số yêu cầu cần thiết đối với chuồng dê từ chỗ Tống Hải Trần xong liền gật đầu nói không thành vấn đề, sau khi tính toán chi phí với Bạch Dung xong thì ngày thứ ba ông đã dẫn người tới bắt đầu khởi công.

Vào ngày Bạch Dung xác định xong hết thảy mọi việc thì cậu liền đi tìm Lưu Tín Xương hỗ trợ vấn đề vận chuyển gạch ngói và xi măng, vị trưởng thôn Lưu Tín Xương này khá hài lòng với tính tự giác của Bạch Dung, không bao lâu đã sắp xếp xong mọi thứ theo yêu cầu của cậu, đồng thời vận chuyển nguyên vật liệu tới dưới chân núi đúng giờ.

Xây dựng kiến trúc có diện tích lên tới 400 mét vuông không được tính là chuyện nhỏ tại khu vực nông thôn, ông cụ Dương Bác tính toán phải mất hơn nửa tháng mới có thể hoàn thành được, Bạch Dung cũng không vội nên chỉ yêu cầu họ xây chuồng dê cho thực tốt chứ không có thêm bất cứ yêu cầu nào khác.

Xử lý xong các vấn đề liên quan tới chuồng dê Bạch Dung mới gọi điện thoại cho Ngô Hữu Vi, anh ta nghe nói bên nhà Bạch Dung lại muốn mua thêm dê con thì trong lòng thầm nghĩ Trần Cao Sơn nói thực chính xác, đây chính là một khách hàng lâu dài của bọn họ, chỉ không biết thịt dê khi nuôi lớn của nhà họ tính tiêu thụ như thế nào nhỉ? Không biết nhà họ có đồng ý bán lại cho anh ta hay không.

"Số lượng mà cậu cần bên tôi có thể cung ứng được, giá cả vẫn giống với lần trước, ba trăm tám mươi tệ một con, chắc chắn sẽ không nhiều hơn mức giá bốn trăm tệ. Cậu lấy dê con giống với lần trước đúng không? Bao giờ thì cậu có thời gian rảnh để tôi chở dê qua cho nhà cậu?" Ngô Hữu Vi hỏi.

"Hiện tại nhà tôi đang tìm người tới xây thêm chuồng dê đây, quá vài ngày nữa rồi đưa tới thì thích hợp hơn, mà tôi có thể qua xem trước dê con nhà anh một chút được không?" Bạch Dung cười hỏi, ba đến bốn trăm tệ một con, tổng cộng lần này nhà cậu mua một trăm tám mươi con, tính ra cũng phải tiêu tốn tới vài trăm nghìn tệ ấy chứ, chẳng biết tự lúc nào thì Bạch Dung đã học được cái tính biết tính toán keo kiệt khi tiêu tiền rồi, biết chi tiêu cẩn thận và hợp lý với số tiền trong tay, hoàn toàn khác biệt với cậu thiếu gia không quá quan tâm nhiều tới vấn đề tiền bạc trước đây.

"Cậu muốn tới xem trước ấy hả, tất nhiên là có thể rồi, cậu muốn qua xem lúc nào cũng được hết." Ngô Hữu Vi cũng cười theo, điều mà Bạch Dung cảm thấy quan tâm đối với anh ta chẳng đáng là gì cả, anh ta còn từng gặp phải không ít những vị khách khiến người ta không biết nói sao cho phải nữa cơ, vừa mới gặp mặt liền bới lông tìm vết chê bai dê nhà anh từ đầu tới chân hết một lượt, đến cuối cùng lại chỉ mua có mười mấy hay thậm chí là được có vài con dê, đấy mới là chuyện khiến người ta suy sụp có được không.

"Được, vậy hai ngày nữa tôi sẽ qua, đến lúc đó tôi gọi điện thoại báo với anh sau."

Bạch Dung nói xong liền cúp cuộc gọi với anh ta, cậu nhẩm tính thời gian một chút, hiện giờ cậu mới mang thai tháng thứ ba nên bụng vẫn chưa lộ rõ, vẫn có thể nhân cơ hội đi thăm thú chỗ này chỗ kia, chứ qua thêm một thời gian nữa là cậu không đi đâu được nữa rồi.

Trong lúc cậu còn đang cau mày chán nản thì chiếc điện thoại trên tay lại reo lên từng hồi, Bạch Dung cúi thấp đầu nhìn cái tên được hiển thị trên màn hình điện thoại mới phát hiện là Mạc Thiên đang gọi tới cho cậu.

"Mạc Thiên hả?"



"Alo, là tôi đây." Giọng nói bình thản có phần yếu ớt của Mạc Thiên từ bên kia đầu dây truyền tới.

"Xảy ra chuyện gì à?" Bạch Dung nhạy bén cảm nhận được phía Mạc Thiên tựa hồ đã xảy ra chuyện gì đó, mặc dù tính cách Mạc Thiên vẫn luôn lạnh lùng nhạt nhẽo nhưng Bạch Dung và cậu ta quen biết nhau đã lâu, cậu còn là người có tính đa nghi trời sinh nên sao có thể không nhận ra được sự khác lạ trong thái độ của Mạc Thiên cơ chứ?

"Không có chuyện gì hết, tôi nghe thầy nói gần đây chỗ cậu phát triển khá tốt có phải không? Ông cụ còn kể thời gian này đã nhận không ít thứ tốt từ chỗ cậu nữa, giờ muốn bù dắp cho cậu mà gọi điện hỏi thăm về sở thích của cậu từ chỗ tôi đây này." Giọng nói thản nhiên mang theo ý cười của Mạc Thiên vang lên, vị thầy giáo nhà họ đúng là một ông lão tốt tính, thế nhưng không phải đối với ai thì ông cụ cũng sẽ quan tâm tới như vậy, có vẻ như Bạch Dung rất được lòng ông cụ đó nha.

"Ha ha." Bạch Dung cũng bật cười theo, cậu nói: "Giáo sư Diệp đã giúp đỡ tôi rất nhiều, những thứ nhà tôi tự mình làm ra được mang tới tặng cho ông cụ một ít cũng là điều nên làm, còn có, cậu nói với ông cụ không cần tặng thêm cho tôi cái gì đâu, nếu sau này tôi có việc gì cần nhờ ông hỗ trợ sẽ tự mình tới nói với ông cụ."

"Được rồi, để tôi nói lại với ông cụ." Mạc Thiên hiểu rõ tính cách của Bạch Dung nên cũng hiểu cậu không phải loại người thích để bản thân chịu thiệt thòi.

Mạc Thiên vừa nói xong thì hai người nhất thời không biết nên nói thêm cái gì khác nữa, im lặng một hồi Bạch Dung mới hỏi tiếp:

"Dạo gần đây tình hình bên đó thế nào rồi? Cậu có khỏe không?"

"Tình hình bên này không khác biệt so với trước đây là mấy, nghe nói mẹ kế cậu chuẩn bị qua nước ngoài làm thụ tinh nhân tạo qua ống nghiệm với cha cậu đấy, nói cái gì mà sợ thiết bị trong nước không đủ hoàn hảo khiến đứa bé sinh ra có vấn đề, còn tôi ở bên này cũng rất tốt.

"Ừm." Bạch Dung cụp mắt xuống, năm đó cũng bởi vì người kia đã không còn khả năng sinh sản nên mới đón cậu về, có điều từ sau khi mẹ cậu bị người đàn bà kia đuổi ra khỏi nhà thì Bạch Dung đã hận chết hai người đó, sao cậu chịu nghe theo sự sắp xếp của họ đi tranh giành gia sản với anh trai thế hệ thứ ba nhà họ Bạch là Bạch Quân Hạo được chứ, dù cho quan hệ giữa đám anh em họ các cậu cũng chẳng tốt đẹp gì cho cam.

Hai người lại trầm mặc thêm một lúc, nhưng lần này người lên tiếng trước chính là Mạc Thiên, cậu ta nói: "Dung này, tôi không muốn ở lại thành phố A nữa, có thể tới chỗ cậu được không?" Giọng nói cậu ta vang lên một cách bình tĩnh không chút gợn sóng, giống như đôi bạn thân đang thảo luận với nhau chuyện bữa tối nay ăn món gì vậy.

"Cậu... thật sự quyết định rồi chứ?" Bạch Dung có chút ngạc nhiên sửng sốt, thế nhưng trong lòng lại có thể hiểu rõ.

"Ừ." Mạc Thiên đáp một tiếng.

"Vậy thì tốt quá, cậu qua chỗ tôi đi, dạo này chỗ tôi đang thiếu người trầm trọng đây, đúng rồi, cậu đã từng thấy dê núi bao giờ chưa, còn có gà con nữa, hiện giờ trong nhà tôi nuôi dưỡng không ít đâu nhé, qua thêm một khoảng thời gian nữa tôi còn tính chuẩn bị nuôi thêm mấy con bò thử xem sao." Nói đến phát triển hiện tại của mình khiến giọng nói của Bạch Dung trở nên thoải mái thêm không ít, gần đây cậu mới phát hiện ra loại cảm giác này trong lòng mình, cậu phát hiện tựa hồ bản thân thực sự rất hưởng thụ quãng thời gian sinh sống tại quê hương thế này, hàng ngày ngồi sắp xếp lên kế hoạch cho những công việc cần làm gần đây, thời gian rảnh rỗi ban ngày thì có thể lang thang đi dạo xung quanh khu vực trên núi hay những cánh đồng, thỉnh thoảng ngồi nghe âm nhạc hay làm thai giáo 'đây là việc do Sở Uyên sắp xếp', có cơ hội thì có thể mang theo Sở Uyên vào trong không gian đào cây hái trái, đến tối thì ngồi đếm tiền mà thằng Thuận mang từ trong quan ăn trên thị trấn về, ngày tháng trôi qua một cách nhàn nhã mà viên mãn, nhìn lại mới thấy cuộc sống của cậu tại thành phố lớn trước đây chẳng khác nào chú ong thợ bị vắt kiệt sức lực, không có chút niềm vui thú nào hết.

Mạc Thiên nghe thấy Bạch Dung dùng giọng điệu thoải mái chứa đầy hưởng thụ và sự thích thú kể về cuộc sống gần đây của mình thì không khỏi kinh ngạc vô cùng, Bạch Dung mà cậu ta từng quen biết với cái người đang nói chuyện qua điện thoại này gần như là hai người hoàn toàn khác biệt.

"Chờ tôi thu xếp xong mọi chuyện ở đây thì sẽ qua bên đó với cậu." Mạc Thiên mỉm cười nói.

"Được, tôi chờ cậu." Bạch Dung cũng cười híp mắt nói.

Hai người lại nói thêm vài câu thì Bạch Dung mới ngắt cuộc gọi, thế nhưng Bạch Dung còn chưa kịp buông điện thoại trong tay xuống thì đã có người đứng từ phía sau lấy nó ra khỏi tai cậu.

Bạch Dung quay đầu qua nhìn liền thấy Sở Uyên đang đứng tại phía sau lưng mình, anh ta cầm điện thoại của cậu trong tay cau mày nhìn về phía cậu nói, "Em không nên dùng điện thoại nghe gọi quá lâu, có bức xạ."

Nếu không phải vì muốn giữ vững hình tượng của chính mình thì Bạch Dung thực muốn trợn trắng mắt lườm chết anh ta, chỉ là cậu cũng hiểu rõ những lời Sở Uyên nói đều có lý cả, cho nên Bạch Dung mới không có mở miệng phản bác.

Sở Uyên nhìn thời gian cuộc gọi kéo dài tới mười mấy phút liền ngẩng đầu nhìn về phía Bạch Dung, ngập ngừng hồi lâu mới dám hỏi: "Vừa rồi là ai gọi điện thoại tới thế?"

"Anh hỏi chuyện này làm gì?"

"Không có gì, thuận miệng hỏi vậy thôi." Sở Uyên chớp chớp mắt, hai bên vành tai đỏ lựng một cách mất tự nhiên.

Bạch Dung kì quái liếc nhìn anh ta một cái, nói: "Là một người bạn của tôi, khoảng hai ngày nữa thì cậu ấy sẽ tới đây một chuyến, cũng có khả năng sẽ định cư lâu dài luôn."

Sở Uyên nghe mấy lời này thì im lặng hồi lâu mới "Ừm" một tiếng, nghe không ra cảm xúc trong chữ ừm đó là như thế nào.

Người dịch: Hana_Nguyễn