Luật Sư Biết Phép Thuật, Ai Cũng Không Cản Được!

Chương 38: Khởi kiện


Khi cảnh sát nghe cô bé nói ba không nghe thấy, họ cảm thấy lòng chùng xuống. Nếu ba cô bé cũng là người câm điếc thì họ chỉ có thể nhờ luật sư Hiểu Sơn Thanh giao tiếp thôi.

Trên cánh cổng sắt lớn có số điện thoại liên lạc của xưởng thu mua phế liệu. Cảnh sát gọi vào số điện thoại đó, khoảng mười phút sau, một người đàn ông vội vã đi xe đạp điện đến, trên người vẫn còn mặc bộ đồ ngủ bông, nhìn cảnh sát với ánh mắt lơ mơ, hỏi có phải đã xảy ra chuyện gì ở xưởng của ông ấy không?

Cảnh sát xác nhận họ tên của ông ấy, hỏi có phải là Vương Hữu Phúc không.

Ông ấy lắc đầu nói: “Tôi là Đổng Kiến, xưởng phế liệu này là tôi mở, Vương Hữu Phúc là người giữ cổng cho xưởng tôi.”

Hóa ra không phải là ba của Miêu Miêu.

Đổng Kiến nói Vương Hữu Phúc đang sống trong xưởng của ông ấy, thay ông ấy trông xưởng cả ngày lẫn đêm. Ông ấy lấy chìa khóa mở cổng cho cảnh sát vào, rồi nói: “Vương Hữu Phúc lớn tuổi rồi nên tai nghễnh ngãng, có thể mọi người gọi ông ta không nghe thấy đâu. Ông ta phạm tội gì sao?”

Đổng Kiến vừa hỏi vừa đi đến trước một căn phòng, mở cửa đi thẳng vào và lớn tiếng gọi: “Vương Hữu Phúc, dậy đi! Cảnh sát tìm ông kìa!”

Lúc này mới có tiếng một người đàn ông khác từ bên trong vọng ra.

Vương Mẫn Mẫn và đồng nghiệp cùng vào phòng. Bên trong bốc mùi hôi thối, chất đầy đồ đạc lộn xộn, trên giường có một ông lão vừa bị đánh thức.

Đúng là một ông lão, râu tóc bạc phơ, thoạt nhìn khoảng 60 – 70 tuổi.

Vương Mẫn Mẫn gần như nghi ngờ ông lão này là ông nội của Miêu Miêu, nhưng cô bé đang co ro trong lòng Diệp Đồng Trần vừa thấy ông lão này liền sợ hãi khóc thút thít.

“Đây là ba em à?” Hiểu Sơn Thanh lặng lẽ dùng ngôn ngữ ký hiệu hỏi Miêu Miêu.

Miêu Miêu trong lớp áo phao vừa khóc vừa gật đầu.

Hiểu Sơn Thanh cảm thấy lòng nặng trĩu như đá, cậu khó có thể tưởng tượng nổi nếu thực sự phải giao Miêu Miêu cho người ba ruột này, cuộc sống của cô bé sẽ là địa ngục như thế nào.

Cảnh sát hỏi về tình hình của Vương Hữu Phúc, rồi nhờ Hiểu Sơn Thanh dùng ngôn ngữ ký hiệu để hỏi, mới phát hiện Vương Hữu Phúc không hiểu ngôn ngữ ký hiệu.

“Ông ta không phải là người câm điếc, chỉ là tuổi già tai nghễnh ngãng thôi, vậy nên mọi người ra dấu với ông ta cũng vô ích.” Ông chủ xưởng phế liệu Đổng Kiến rất hiểu Vương Hữu Phúc, lớn tiếng giúp cảnh sát hỏi: “Cảnh sát hỏi ông có phải là Vương Hữu Phúc không! Ông năm nay bao nhiêu tuổi, nhà ở đâu, trả lời đồng chí cảnh sát đi!”

Quả nhiên Vương Hữu Phúc nghe thấy, gật đầu trả lời: “Phải, tôi là Vương Hữu Phúc, năm nay 63 tuổi, sống ngay tại đây.”

Cảnh sát nghe tuổi tác này đều nhíu mày, năm nay Miêu Miêu mới hơn 4 tuổi, vậy có nghĩa là Vương Hữu Phúc sinh con khi đã 58 – 59 tuổi? Tuổi này…

Nữ cảnh sát Vương Mẫn Mẫn rất ngạc nhiên, quay sang nhờ Hiểu Sơn Thanh hỏi Miêu Miêu, ba cô bé không biết ngôn ngữ ký hiệu, vậy thì cô bé học ngôn ngữ ký hiệu từ ai?

Miêu Miêu trốn dưới áo lớp áo phao, nhìn tay của Hiểu Sơn Thanh rồi trả lời: “Anh trai ạ, anh trai học rồi dạy em.”

Vương Mẫn Mẫn im lặng, nhớ đến Mạch Tử trong trại giam. Cậu ấy nói mình chưa từng đi học, chỉ biết có vài chữ nhờ tự học, để thi bằng lái xe làm tài xế lái xe chở hàng cho người khác mà cậu ấy còn học một chút tiếng Anh. Không ngờ cậu ấy còn học cả ngôn ngữ ký hiệu.

Cảnh sát hỏi tên vợ ông ta, có phải ông ta còn một đứa con gái hay không.

Nhưng Vương Hữu Phúc lại đáp: “Đều chết cả rồi.”

Từ lúc Miêu Miêu nghe thấy giọng ông ta thì hoàn toàn không dám lộ mặt ra, như sợ bị ông ta phát hiện và bắt đi.

Cảnh sát hỏi ông ta, tại sao đều chết cả rồi? Chết khi nào?

Vương Hữu Phúc chỉ trả lời: “Đều chết vì bệnh.” Rồi không nói thêm gì khác.

Ông chủ xưởng phế liệu Đổng Kiến thay ông ta nói: “Vợ ông ta chết vì bệnh, sinh con được hai năm thì qua đời, xác cũng là do người trong làng chôn cất giúp, nếu không thì thối rữa trong nhà mất. Còn con gái ông ta thì khoảng 3 – 4 tuổi, hình như cũng bị bệnh, sau đó không thấy đâu nữa, ông ta nói đưa đến bệnh viện để người khác nuôi rồi.”

“Đưa đến bệnh viện cho người khác nuôi là sao?” Vương Mẫn Mẫn nhíu mày hỏi Đổng Kiến: “Trong làng không ai báo cảnh sát khi mất một đứa trẻ à?”

Đổng Kiến cũng không vui: “Cô đừng gắt lên với tôi, tôi chỉ đến đây để mở xưởng chứ không phải người trong làng này. Tôi thấy ông ta đáng thương, lại ăn vạ ở chỗ của tôi không chịu đi nên tôi mới cho ông ta một chỗ ở, cho ông ta công việc trông xưởng để có cơm ăn! Hơn nữa ông ta làm ba, đã nói là đưa con cho người khác nuôi thì ai trong làng lại lo chuyện bao đồng đi báo cảnh sát chứ?”

Ông ấy còn nói: “Tôi nói thật, chính phủ mấy người không nên cho ông ta lấy vợ. Một lão già độc thân hơn 50 tuổi, không tiền, không việc làm như ông ta, dẫn theo một cô gái thiểu năng trí tuệ đến Cục dân chính, vậy mà chính phủ vẫn làm thủ tục kết hôn! Đây không phải là làm hại người ta sao?”

Mẹ của Miêu Miêu là người thiểu năng trí tuệ?

Một lão già độc thân hơn 50 tuổi và một cô gái thiểu năng trí tuệ kết hôn, việc này mà hợp pháp à?

Nhưng một cảnh sát có thâm niên nói với Vương Mẫn Mẫn rằng chỉ cần người thiểu năng trí tuệ có người giám hộ đi cùng và đồng ý, thì có thể đăng ký kết hôn.

Vương Mẫn Mẫn tỏ vẻ khó chịu. Về mặt pháp luật, kết hôn cần sự đồng ý của cả hai bên, không có sự ép buộc mới được tiến hành. Nhưng một cô gái đần độn làm sao biết kết hôn là gì? Chỉ dựa vào quyết định của người giám hộ là đủ sao?

Hiểu Sơn Thanh đã từng thấy quá nhiều trường hợp như thế này, ở một số vùng lạc hậu thậm chí cả hai bên đều có vấn đề về trí tuệ, nhưng vẫn đăng ký kết hôn và sinh con.

Đôi khi cậu cảm thấy phẫn nộ vì điều này.

Người cảnh sát có thâm niên lại tiếp tục hỏi Vương Hữu Phúc.

Hiểu Sơn Thanh đi hỏi ông chủ xưởng phế liệu Đổng Kiến để tìm hiểu thêm tình hình, cậu khách sáo chào hỏi ông ấy: “Ông chủ Đổng, xin lỗi đã làm phiền.”

Đổng Kiến cũng không phải người khó nói chuyện, bất đắc dĩ kể cho họ nghe, Vương Hữu Phúc cũng từng có nhà cũ trong làng này, nhưng không có việc làm đàng hoàng, sống dựa vào việc nhặt ve chai, hơn 50 tuổi rồi vẫn là kẻ độc thân. Sau đó không biết ai giới thiệu mà làm mai một cô gái thiểu năng trí tuệ trong làng cho ông ta.

Cô gái thiểu năng trí tuệ đó mất mẹ, ba cô ấy nói muốn tìm người chăm sóc cho cô ấy nên mới gả cô ấy cho lão già độc thân này.

Sau đó cô gái thiểu năng trí tuệ mang thai, sinh được một bé gái. Mà bé gái này cũng rất đáng thương, bị điếc bẩm sinh, lại còn không biết nói, đến năm 1 – 2 tuổi rồi vẫn còn cởi truồng, không có bộ quần áo lành lặn tử tế nào để mặc.

Người trong làng thấy đứa bé tội nghiệp quá, cho thể cho được đồ ăn quần áo gì thì sẽ cho. Nhưng lão già độc thân này có tay có chân mà cả đời không làm việc, chỉ sống dựa vào tiền trợ cấp hộ nghèo nên cũng khiến người trong làng ghét bỏ, không muốn dính dáng gì với ông ta.

Trước khi ba của cô gái thiểu năng trí tuệ qua đời thì không ai quan tâm đến cô ấy. Khi cô ấy qua đời vì bệnh tật thì đứa bé mới 2 – 3 tuổi. Không lâu sau khi cô ấy mất, đứa bé cũng không thấy nữa.

Lão già độc thân nói đứa bé bệnh, sau khi đưa vào bệnh viện thì giao cho người khác nuôi.

Người trong làng đều nghĩ ông ta đưa đứa bé cho người khác nhận nuôi cũng hơn là đi theo ông ta, theo ông ta chắc chắn không sống nổi.

Đổng Kiến đứng ở cửa hút thuốc, thở dài: “Khi tôi đến đây mở xưởng đã không thấy đứa bé đó rồi. Lão già này cứ ăn vạ ở đây không chịu đi, tôi cũng không đành lòng đuổi ông ta, đành để ông ta ở trong căn phòng này trông coi cổng, có cái ăn. Người này vừa đáng giận mà cũng đáng thương, có thể làm gì ông ta đây? Nếu cảnh sát có thể đưa ông ta đi thì mau đưa đi đi, đừng để ông ta chết trong xưởng của tôi, thêm rắc rối.”

Hiểu Sơn Thanh lại cảm ơn ông ấy.

Bên phía cảnh sát đi qua nói nhỏ với Diệp Đồng Trần, bảo đưa cô bé qua cho Vương Hữu Phúc nhận diện.

Lúc này Đổng Kiến mới phản ứng lại, đứa bé trong lòng vị nữ luật sư xinh đẹp kia lại chính là con gái của Vương Hữu Phúc sao??

Ông ấy đi cùng Diệp Đồng Trần vào nhà, thấy cô đặt một cô bé xuống đất. Cô bé nhìn Vương Hữu Phúc với vẻ sợ hãi, run rẩy khóc không ngừng. Quần áo cô bé mặc rất sạch sẽ và mới, tóc đen nhánh, da không bị tổn thương vì lạnh cũng không bị nứt nẻ, chân còn đi một đôi giày có đèn.

Ông ấy khó có thể tưởng tượng đây là đứa con của Vương Hữu Phúc. Tuy chưa từng gặp, nhưng ông ấy nghe người trong làng nói cô bé rất đáng thương, mùa đông giá rét chỉ mặc áo lót mỏng hở mông, tay và mặt đầy những vết tróc da vì lạnh, chân cũng bị đông cứng nứt nẻ.

“Đừng sợ, Miêu Miêu đừng sợ, đây có phải là ba của em không?” Vương Mẫn Mẫn nắm lấy tay Miêu Miêu, an ủi và hỏi cô bé.

Một cảnh sát khác cũng hỏi Vương Hữu Phúc: “Ông có nhận ra đây là ai không?”

Vương Hữu Phúc ngồi trên giường nhìn Miêu Miêu, giọng nói không có bao nhiêu xúc động: “Có lẽ là có, nhưng không nhận ra, tưởng con bé đã chết rồi chứ.”

Cảnh sát nén cơn giận: “Lúc trước ông đã giao cô bé cho ai? Không phải ông nói là mang đến bệnh viện để người khác nhận nuôi sao?”

Vương Hữu Phúc nói: “Không biết ai nhặt về nuôi, dù sao cũng để ở thùng rác của bệnh viện.”

“Ông làm vậy là tội bỏ con đấy!” Vương Mẫn Mẫn tức không kìm chế nổi: “Sao ông làm ba mà có thể bỏ con mình thế hả?”

Vương Hữu Phúc lại nói: “Theo tôi thì chỉ có khổ, để ai giàu có nhặt nó về thì nó sẽ có cuộc sống tốt hơn, tôi không bỏ nó, nếu mấy người muốn tôi nuôi thì tôi nuôi thôi.”

Người cảnh sát có thâm niên cũng tức giận.

Dường như nghe thấy lời của Vương Hữu Phúc, Miêu Miêu bỗng dưng quỳ xuống, khóc lóc run rẩy, chắp tay cầu xin cảnh sát: “Chú ơi, chị ơi… đừng… Đừng giao con cho ba… Đừng giao con cho ba… Con ngoan lắm, các người cứ bắt con đi, bắt con vào tù với anh trai…”

Cô bé nói chuyện rất khó khăn và không rõ ràng, nhưng lại khiến trái tim Vương Mẫn Mẫn và các cảnh sát khác như vỡ vụn.

Diệp Đồng Trần không đi bế cô bé, cô cần để cảnh sát biết đối với Miêu Miêu, việc trả về cho ba là một điều tàn nhẫn đến mức nào, cô bé thà ngồi tù cùng anh trai còn hơn.

Mắt Hiểu Sơn Thanh cũng đỏ lên, muốn đi bế Miêu Miêu.

Diệp Đồng Trần ngồi xổm xuống hỏi Miêu Miêu: “Đừng khóc nữa, em hãy nói cho các chú và chị biết, tại sao em lại sợ ba như vậy? Ông ấy đã từng đánh em à?”

Cô cũng truyền âm lặp lại câu hỏi một lần với Miêu Miêu.

Miêu Miêu khóc lóc nhìn cô, run rẩy gật đầu, cô bé rất thông minh, như là hiểu được ý của Diệp Đồng Trần nên lắp bắp nói: “Ba uống rượu đánh mẹ, đánh em…”

Cô bé ngoan.

Diệp Đồng Trần đưa tay ôm lấy Miêu Miêu, cô bé lập tức ôm chặt cổ cô như một con chim nhỏ hoảng sợ, khóc nức nở.

Hai mắt Hiểu Sơn Thanh đỏ hoe, nói: “Hãy để chúng tôi đưa cô bé về văn phòng luật trước. Cô bé có chướng ngại trong việc giao tiếp, nếu đưa cô bé về đồn cảnh sát thì chắc chắn cô bé sẽ rất sợ hãi.”

Vương Mẫn Mẫn cũng bật khóc, quay đầu bàn bạc với đội trưởng, chắc chắn không thể để cô bé ở lại đây được, thay vì đưa về đồn cảnh sát thì không bằng nhờ văn phòng luật chăm sóc cô bé trước, ít nhất thì Hiểu Sơn Thanh có thể giao tiếp với cô bé.

Người cảnh sát có thâm niên khẳng định không thể để cô bé ở lại đây được, thế nên gật đầu một cái rồi quay lại nhìn Vương Hữu Phúc, giận dữ nói: “Ham ăn biếng làm, đã vậy ông còn đánh người nữa!”

Vương Hữu Phúc lại giả vờ như không nghe thấy.

Diệp Đồng Trần bế Miêu Miêu rời khỏi căn phòng bốc mùi đó trước, gió bên ngoài rất lạnh, ánh trăng lẻ loi treo trên cao.

Chủ xưởng phế liệu Đổng Kiến dập tắt điếu thuốc, đi tới nhìn thoáng qua cô bé trong lòng Diệp Đồng Trần, hỏi: “Cô nhận nuôi cô bé sao?” Giọng ông ấy không lớn, như đang thở dài: “Có thể thấy cô bé này đi theo cô là được hưởng phước. Cô gái à, nếu cô có lòng tốt thì đừng đưa cô bé về nữa, trả cho ba ruột là đẩy cô bé vào hỏa ngục đấy.”

Không phải cô chăm sóc tốt, mà là Mạch Tử chăm sóc tốt.

Vạt áo Diệp Đồng Trần đã ướt đẫm nước mắt của Miêu Miêu, gió thổi vào má cô lạnh buốt. Cô quay đầu nhìn thấy Ngụy Phán Phán bên cạnh, nữ quỷ đẫm máu lúc này lại đang rơi nước mắt.

Cô ấy nói: “Có đôi khi tôi cảm thấy rất nực cười, bằng lái xe còn khó thi thế nhưng làm ba mẹ lại chẳng cần thi cử gì cả… Liệu có thể bỏ tù hết những bậc cha mẹ không xứng đáng không? Vì là cha mẹ nên có thể không bị trừng phạt sao?” Cô ấy nói đầy căm hận: “Tôi muốn khởi tố Lý Lập, tôi muốn khởi tố Ngụy Quân và Lý Quế Lan, tôi muốn họ biết rằng không phải cứ làm ba mẹ là không phải chịu trừng phạt!”

Cô ấy nói xong thì bật khóc, dưới ánh trăng nước mắt của cô ấy hòa với máu, nhìn Diệp Đồng Trần đau đớn nói: “Luật sư Diệp, xin chị hãy giúp Mạch Tử và Miêu Miêu đi, coi như cứu lấy tôi của ngày xưa…”

Coi như cứu lấy cô ấy của ngày xưa.

Diệp Đồng Trần nhìn Ngụy Phán Phán, xét theo khía cạnh nào đó thì việc Miêu Miêu gặp được Mạch Tử là một điều may mắn. Nếu Miêu Miêu ở với Vương Hữu Phúc, có lẽ sẽ trở thành một Phán Phán còn tệ hơn.

“Được.” Cô khẽ đáp lại, như đang trả lời Ngụy Phán Phán, cũng như đang trả lời Đổng Kiến.

Cô quay đầu nhìn Đổng Kiến, bỗng nói: “Ông chủ Đổng, nếu tôi kiện Vương Hữu Phúc, ông có thể làm nhân chứng không?”

Đổng Kiến sững sờ, kiện Vương Hữu Phúc ư?

Diệp Đồng Trần chợt cảm thấy có người ở ngoài xưởng, nhìn ra, chỉ thấy bóng người lướt qua.

“Quá lạnh rồi, mọi người lên xe đợi đi.” Vương Mẫn Mẫn chạy ra, lo Diệp Đồng Trần và Miêu Miêu bị lạnh nên nói với họ.

Diệp Đồng Trần thu hồi ánh mắt, như nhớ ra điều gì đó, hỏi Vương Mẫn Mẫn: “Tôi có thể hỏi, chuyện Mạch Tử dẫn theo một bé gái là có người báo cảnh sát phải không?”

Cô biết cảnh sát chắc chắn sẽ điều tra ra Miêu Miêu, nhưng nhanh hơn cô tưởng tượng rất nhiều.

Vương Mẫn Mẫn nói: “Là hàng xóm của Mạch Tử đến báo, nói em gái mà Mạch Tử thường dẫn theo không về, có lẽ là lo lắng cho Miêu Miêu, sợ cô bé đi lạc.”

“Ồ.” Diệp Đồng Trần gật đầu, rồi lại nhìn ra ngoài xưởng. Có thật là như vậy không? Nếu đúng là như thế, tại sao cô lại cảm thấy có người đã theo họ đến đây?

****

Miêu Miêu vẫn theo về văn phòng luật.

Diệp Đồng Trần bị cảm nặng, đã uống thuốc rồi. Trước khi đi ngủ cô có lấy ra ba đồng xu, tung sáu lần trên bàn, thấy một quẻ tượng – có người vì cô nên chú ý tới vụ việc của Mạch Tử và Miêu Miêu.

Việc báo cảnh sát, gợi ý rằng Mạch Tử có thể bắt cóc trẻ em, quả thực là do hàng xóm của Mạch Tử, nhưng đằng sau hàng xóm có người chỉ đạo thúc đẩy.

Và đêm nay quả thực có người theo dõi họ, người chỉ đạo đằng sau kẻ này cũng chính là một người.

Không khó để đoán ra người này là ai.

Kỷ Diệu Quang.

Nhìn quẻ tượng, Diệp Đồng Trần cảm thấy đây là một cơ hội tốt, chi bằng nhân cơ hội này làm cho vụ việc ồn ào hơn một chút.

Cô cất đồng xu đi và ôm lấy Miêu Miêu đã ngủ thiếp đi. Miêu Miêu ấm áp như một con mèo nhỏ cuộn tròn trong lòng cô, trong giấc ngủ vẫn còn nấc nghẹn.

Cô nhẹ nhàng vỗ về lưng Miêu Miêu, an ủi cô bé.

Khi cô còn rất nhỏ, sư phụ cũng đã an ủi cô như vậy mỗi khi cô khóc thức giấc giữa đêm.

****

Khi cô thức dậy vào buổi trưa hôm sau, Hiểu Sơn Thanh đã giúp cô viết xong đơn kiện.

Ba đơn kiện, một đơn kiện Vương Hưng Quốc, Ngụy Quân, Lý Quế Lan về tội mua bán di thể.

Một đơn kiện Lý Lập tội bỏ rơi, Ngụy Quân và Lý Quế Lan tội mua bán trẻ em.

Còn một đơn kiện Vương Hữu Phúc tội bỏ rơi và cưỡng ép quan hệ tình dục với phụ nữ thiểu năng trí tuệ.

Họ cùng nhau đến tòa án nộp đơn kiện.

Mặc dù Hiểu Sơn Thanh cảm thấy kiện Vương Hữu Phúc tội cưỡng ép quan hệ tình dục với phụ nữ thiểu năng trí tuệ chưa chắc thành công, nhưng cậu cũng cho rằng dù không thành công cũng phải kiện, ít nhất có thể truy cứu trách nhiệm của Cục dân chính địa phương về việc đã cấp giấy kết hôn cho một phụ nữ thiểu năng trí tuệ nặng.

Cậu không dám mơ tưởng thông qua vụ án này để thúc đẩy luật pháp hoàn thiện và nghiêm ngặt hơn, nhưng ít nhất để một số người hiểu rằng, cưỡng ép phụ nữ thiểu năng trí tuệ quan hệ tình dục, sinh con có thể bị kiện và truy cứu trách nhiệm.

Giống như để mọi người biết sinh con rồi không nuôi là phạm pháp.

Nhưng có một điểm cậu rất lo lắng, sau khi kiện Lý Lập thì làm sao còn có thể thương lượng hòa giải giữa ông ta và Mạch Tử? Nếu không có thư thông cảm thì Mạch Tử sẽ làm sao?

Hiểu Sơn Thanh tâm sự nặng trĩu, nhưng vẫn quyết định thử xem sao.

****

Sau khi về văn phòng luật, Diệp Đồng Trần bệnh nặng hơn, uống thuốc rồi lại buồn ngủ, cô nằm dựa vào sofa, đắp chăn và ngủ thiếp đi.

Hiểu Sơn Thanh không gọi cô dậy, tự mình đi tìm Lý Lập để thảo luận về thư thông cảm nhưng không biết Đới Dã đi đâu, thế là cậu đành gọi taxi đi một mình.

Diệp Đồng Trần ngủ một lúc, cảm thấy có bàn tay nhỏ nhắn thỉnh thoảng sờ trán cô, qua một lát lại lấy khăn ấm lau lòng bàn tay cô.

Cô mở mắt ra, thấy Miêu Miêu tết tóc đuôi ngựa đôi đang chăm chú lau tay cho mình.

Dì Hà còn đang giúp rót nước ấm, cô bé lau xong tay này lại lau tay kia. Ngẩng đầu thấy Diệp Đồng Trần tỉnh dậy, cô bé lập tức lo lắng ghé lại gần ra dấu hỏi: Đầu còn đau không ạ?

Diệp Đồng Trần cũng hiểu được một chút ngôn ngữ ký hiệu, giơ ngón cái lên và gật đầu với cô bé.

Miêu Miêu liền mỉm cười, đầy hứng khởi tiếp tục lau trán cho cô, cố gắng nói: “Em bị bệnh, anh trai cũng lau như thế này.”

Diệp Đồng Trần nhìn cô bé, hỏi: “Nhớ anh trai rồi phải không?”

Miêu Miêu gật đầu, dùng ngôn ngữ ký hiệu hỏi: Nếu anh trai phải ngồi tù, có thể bắt em đi cùng không ạ?

Diệp Đồng Trần vuốt ve khuôn mặt nhỏ của cô bé và nói: “Người tốt sẽ không phải ngồi tù đâu. Người tốt làm sai một lần sẽ có cơ hội được tha thứ.”

Miêu Miêu chớp chớp mắt nhìn cô, hỏi: “Thật ạ?”

Diệp Đồng Trần gật đầu, cô vẫn hy vọng cô bé nhỏ có thể tin rằng ở hiền gặp lành.

Lúc này, đột nhiên lục lạc của mèo chiêu tài bên ngoài văn phòng luật vang lên.

Cô nhìn ra ngoài, thấy Ngụy Phán Phán đang đứng bên ngoài rung chuông, liên tục ra dấu với cô: Nhìn bên kia, nhìn bên kia kìa.

Bên ngoài văn phòng luật có hai người lén lút, trốn trong xe như đang chụp lén bên trong văn phòng.

Chẳng lẽ báo chí đã đưa tin rồi sao? Hành động nhanh nhỉ.

Diệp Đồng Trần lấy điện thoại ra, mở hotsearch, quả nhiên thấy tin hotsearch đứng đầu là #DiệpTrầnKiệnMộtÔngLãoNhặtRácÉpQuỳXuống Khóc#.

Đặt tiêu đề tay đấy, truyền thông và các tài khoản marketing thật sự hiểu rõ cách thu hút lượt xem, ai đọc tiêu đề này mà không muốn vào chỉ trích đạo đức của cô chứ?

Cô nhấp vào tin nóng này, đọc kỹ bài báo. Nội dung nói về Vương Hữu Phúc, rằng luật sư nổi tiếng Diệp Trần kiện ông lão nhặt ve chai tội bỏ rơi, ông lão sống bằng nghề nhặt ve chai, không đủ sức nuôi con gái nên đặt con ở cửa bệnh viện nhờ người tốt bụng nhận nuôi. Diệp Trần kiện ông ta tội bỏ rơi con gái, ông lão sẽ đối mặt với án tù có thời hạn dưới 5 năm, không đủ tiền thuê luật sư, quỳ xuống nói: “Đặt con gái ở cửa bệnh viện vì con bé sốt cao bệnh nặng, không có tiền chữa bệnh, muốn con sống sót, có cái ăn.””

Bài báo rất ngắn, bên dưới là hình ảnh ông lão mặc quần áo rách rưới, rơi nước mắt.

Phải nói rằng, thoạt nhìn bài báo và hình ảnh, ngay cả Diệp Trần cũng dễ có ấn tượng ban đầu là thông cảm với ông lão nhặt ve chai này.

Quả nhiên bên dưới bình luận đã bắt đầu tranh cãi.

[Diệp Trần là Diệp Trần gần đây hay lên hotsearch phải không? Cô ấy thắng vài vụ kiện rồi bắt đầu kiêu ngạo? Bắt đầu bắt nạt người yếu thế để gây chú ý à?]

[Không có vụ án thì có thể không nhận mà, Diệp Trần đang làm gì vậy…]

[Bài báo này dắt mũi dư luận quá, rõ ràng là ông lão thật sự bỏ rơi con gái của mình mà, Diệp Trần khởi tố ông ta cũng có sai đâu. Bỏ con là phạm pháp, đừng nói mọi người không biết đấy nhé?]

[Tất nhiên biết bỏ con là phạm pháp rồi, nhưng trong bài báo và hình ảnh cũng nói ông lão là người nhặt ve chai, ông ta còn không nuôi nổi bản thân thì việc bỏ rơi con gái cũng là để con sống sót thôi… Chỉ có thể nói người nghèo thật sự cùng đường, bình luận bên trên rõ ràng là không hiểu nỗi khổ của người nghèo. Bà nội tôi cũng là người bị gia đình cho người khác nuôi vì thời điểm đó đang lúc mất mùa, cả nhà không có cái ăn, cuộc sống khi đó rất kham khổ, phải tìm mọi cách để sống sót, thế nên bà tôi cũng không trách ba mẹ bà ấy.]

[Ông ta để con trước cửa bệnh viện tức là đã rơi vào đường cùng rồi, cầu nguyện có vị bác sĩ nào đó tốt bụng cứu con gái ông ta đi [Cầu nguyện]]

[Diệp Đồng Trần không có lòng thương cảm à? Ông lão nhặt ve chai có thể sống được bao lâu nữa chứ?]

[Đọc bình luận xong tôi thấy khó hiểu ghê, xin hãy hiểu rằng bỏ con là phạm pháp, ông lão đáng thương nhưng cô bé không đáng thương sao? Có ai quan tâm đến việc cô bé còn sống hay không? Ông ấy để con ở cửa bệnh viện không phải là ép buộc bác sĩ à? Nếu không có bác sĩ nào nhận cô bé thì chẳng phải cô bé sẽ chết sao? Mấy người suy nghĩ có chọn lọc à?]

Tay cầm dao mổ giết rồng: [Còn mong có bác sĩ rủ lòng thương, xem phim não tàn nhiều quá rồi đúng không. Còn lấy ví dụ bà nội của bạn, vậy bạn đã hỏi bà của bạn có anh em trai nào khác không? Nếu không sống nổi thì tại sao chỉ đưa mỗi bà bạn đi mà vẫn nuôi nổi đám anh em trai còn lại? Bài báo này không nói rõ cô bé bao nhiêu tuổi, nếu lúc đó cô bé còn chưa biết nói, nếu là trẻ sơ sinh, sốt cao mà còn để ngoài trời thì rõ ràng ông ta đang là muốn con chết thì có. Nếu không có khả năng nuôi con thì có thể không sinh mà, sinh ra mà không nuôi là phạm pháp, phạm pháp có hiểu không? Mạch não của mấy người đồng cảm với ông ta bị cái gì thế!]

[Kiến thức nóng: Đàn ông nghèo có thể không kết hôn, không sinh con, sẽ không chết đâu.]

[Ủng hộ Diệp Trần khởi tố, hãy phổ cập pháp luật cho đám thánh mẫu mù luật này đi.]

[Fan của Diệp Trần nhiều vậy à? Mới đó đã tràn vào chiến trường rồi? Cô ta đúng là luật sư hot trên mạng, fan cô ta đáng sợ quá…]

Càng tranh cãi càng dữ dội.

Diệp Đồng Trần lướt xem các bình luận, đúng lúc này cửa văn phòng bị mở ra.

Dù chân Hiểu Sơn Thanh bị thương nhưng cậu vẫn đi rất nhanh, vừa vào phòng đã nói: “Chiếc xe bên ngoài đang chụp lén cô đúng không?” Rồi nói thêm: “Không biết là ai tiết lộ chuyện của Vương Hữu Phúc nên bây giờ cô đang bị chửi trên hotsearch đấy, có phải có tài khoản marketing nào khác chụp lén cô không?”

“Có lẽ là vậy.” Diệp Đồng Trần không để tâm lắm, chỉ bảo Miêu Miêu đừng đứng gần cửa sổ và cửa ra vào, rồi giải thích với Hiểu Sơn Thanh: “Bài báo về Vương Hữu Phúc là do tôi nhờ Đới Dã liên lạc truyền thông để đưa tin.”

“Là cô?” Hiểu Sơn Thanh ngạc nhiên: “Tại sao?”

“Vì sớm muộn gì cũng có người đưa tin, thay vì chờ người ta lấy chuyện Mạch Tử bắt cóc trẻ em làm đề tài, chi bằng tôi tự làm.” Diệp Đồng Trần nói với Hiểu Sơn Thanh: “Tập trung sự chú ý vào việc Vương Hữu Phúc bỏ rơi và cưỡng hiếp người thiểu năng trí tuệ.”

Hiểu Sơn Thanh suy nghĩ một lúc, đúng vậy, một khi ra tòa chắc chắn sẽ có báo chí đưa tin, lúc đó rất dễ dẫn dắt dư luận lên án Mạch Tử bắt cóc trẻ em, và nhìn vào các bình luận trên mạng hiện tại, sẽ có đủ loại ý kiến.

Vương Hữu Phúc nhìn quả thực là “nhóm yếu thế”, rất dễ được đồng cảm.

“Cậu không lấy được thư thông cảm của Lý Lập phải không?” Diệp Đồng Trần hỏi Hiểu Sơn Thanh.

Cậu gật đầu: “Lý Lập muốn chúng ta rút đơn kiện, nói rút đơn thì sẽ viết thư thông cảm.”

Tuy nhiên, Diệp Đồng Trần bảo Hiểu Sơn Thanh đừng đi nữa: “Có khi ông ta sẽ chủ động tìm chúng ta đấy.”

Áp lực dư luận cũng nên để kẻ phạm tội cảm nhận một chút.