Lại nói về chuyện chú Sáu, người đã nhận tiền và diễn một màn kịch 'ghê gớm' ấy.
Vốn ông ta muốn xin nghỉ làm để dắt con gái về bên nội sống vì sau khi má con nhỏ vắng số qua đời gia can đơn chiếc quá. Chú Sáu mần việc cho nhà hội đồng Cao tất bật từ sớm đến tối mịt không có thời gian chăm lo cho con nhỏ nên mới đành về nội để bà má phụ giữ cháu cho ổng yên tâm mần ăn.
Khi mon men tới xin phép Nguyễn Thị Quý cho nghỉ thì vừa hay Dạ Lý đã nghe được, bèn nghĩ ra phương cách liều lĩnh ấy. Một công đôi chuyện, ả đạt thành ý nguyện với Nam Sa, chú Sáu tuy mang tiếng ở xứ này nhưng vẫn là có được vốn liếng lớn để về bên nội phát trương.
Đây là cái cách lợi cả đôi đường, ta người đều hạp mà ả ban đầu còn tâm đắc lắm. Cho đến bây giờ Nam Sa chịu cùng với ả vết thương này thì Dạ Lý mới bắt đầu nghi ngờ về sự sáng suốt của mình, có chăng ả lại vừa gây thêm một chuyện nông nổi hoang đường làm tổn hại đến nàng.
Mà ả thì thương Nam Sa vô bờ bến, nàng bị đau thì ví như chính ả còn đau hơn gấp ngàn lần, sâu đậm như vậy cũng chẳng biết từ bao giờ hình thành, chỉ là nó đã âm thầm len lỏi vào từng mạch máu con tim, chậm rãi thấm nhuần xương thịt để đến nay đã chẳng thể tách rời.
Nguyễn Thị Quý thu xếp mọi sự vô cùng chu tất, chú Sáu cũng được thả đi rồi, chỉ là bây giờ ả bị thương mà Nam Sa cũng bị thương, một lúc cả hai đứa nhỏ đều cùng chung cảnh ngộ khiến cho Nguyễn Thị Quý vừa bực dọc lại vừa buồn cười.
Dạo gần đây Nam Sa đã xin phép Hồng Lệ để được ở lại Cao gia trang túc trực chăm sóc Dạ Lý, nàng tuy giấu nhẹm chuyện vết thương nhưng Hồng Lệ rõ ràng nhận ra, có điều bà chọn im lặng vờ như không hề hay biết cũng y như cái cách Nam Sa giả vờ chẳng nhận ra vở tuồng của Dạ Lý mặc dù nàng đã vô tình nghe được sự thật lúc còn ở trong bệnh xá.
...
Hôm nay, sau khi thay phiên nhau thay băng vết thương cho đối phương thì Dạ Lý bèn nắm tay Nam Sa chăm chú vuốt ve, ả thấp giọng cảm thán: "Giờ thì cả hai chúng ta đều thành ra thế này rồi, sau này Nam Sa rất có thể cũng bị mang một vết sẹo trên vai, phải làm sao đây?"
"Không sao đâu, chị đừng nghĩ nhiều quá." Nam Sa mỉm cười, kề môi hôn trán Dạ Lý đáp.
Ả dùng một ngón tay vẽ vẽ trong lòng bàn tay của nàng mấy kí tự mơ hồ, ngẫm nghĩ một hồi, lại nói: "Người ta đính ước bằng cặp nhẫn, đôi bông tai, đôi dây chuyền, còn chúng ta lại là hai vết sẹo trái phải này, đúng là cái gì cũng lạ lùng hơn thiên hạ."
Đoạn, ả bất đắc dĩ cười cười.
Nam Sa nắm lấy tay ả nâng lên khẽ hôn, đáp: "Chúng ta không lạ lùng, chúng ta đặc biệt."
Từ sau đêm hoà thuận trở lại ấy thì Nam Sa đã dần nhận ra rằng mình vốn rất thích hôn Dạ Lý, thật ra là luôn thích hôn Dạ Lý, luôn thích được ôm ả trong vòng tay nhưng trước đây đã tự mình chối bỏ không dám khẳng khái thừa nhận.
Giờ thì nàng thừa nhận rồi, cũng tự nhủ lòng thôi thì hãy cứ can đảm sống mà đừng chần chừ trước thị phi thế gian, hãy cứ khờ khạo để yêu và được yêu, chấm dứt những lần giày vò trái tim nhau.
Nếu cứ mãi chạy theo đàm tiếu thế nhân thì sẽ có ngày lạc mất chính mình.
"Nam Sa, bây giờ chúng ta là gì của nhau vậy em?..." Dạ Lý ngập ngừng hỏi nhỏ.
"Chúng ta là người thương của nhau."
"Thật sao?"
"Thật, thật như chính em vậy." Nam Sa lại mỉm cười, nàng cầm tay Dạ Lý áp lên gò má mình, đôi mắt xanh thẳm như chứa đựng cả trời mây non nước đang ẩn hiện bóng dáng Dạ Lý, gom góp thu vào bên trong hết thảy tình cảm của nàng.
"Được, chúng ta là người thương của nhau, xin Nam Sa chớ quên điều này."
"Em sẽ thương chị đến hết cả đời em, em hứa đấy, chị Dạ Lý."
Chậm rãi, hai gương mặt kề sát lại với nhau để đôi môi làm điều mà nó hằng mong mỏi. Sự mềm mại ướt át hoà quyện vào nhau do chiếc lưỡi đang dịu dàng mơn trớn đối phương, không gian buồng ngủ càng thinh lặng thì lại càng nghe rõ mồn một thanh âm môi lưỡi triền miên đưa đẩy hoà cùng nhịp thở đang ngày càng gắt gao gấp rút.
Bao nhiêu cảm tình dồn nén bấy lâu nay đã được trút cạn vào trong nụ hôn này, nụ hôn của hai thiếu nữ hoàn toàn tình nguyện trao trọn trái tim cho nhau.
...
Nguyễn Thị Quý đang vắt chân ngồi trên bộ ngựa gỗ đỏ thì thấy Hồng Lệ đi vào liền lập tức đứng bật dậy tiến tới gần: "Hễ cứ giờ này là bà lại đến đây."
Hồng Lệ đưa cho Nguyễn Thị Quý giỏ bánh ít lá gai, hỏi ngược lại: "Bà nói tôi có thể đến thăm Nam Sa mà? Vả lại, tôi cũng muốn thăm cô hai."
Nguyễn Thị Quý vươn tay nhận giỏ bánh rồi ôm trong lòng mình, tránh sang một bên tỏ ý mời Hồng Lệ vào trong, đáp: "Ý tôi là con Sa nó còn ngủ lại đây ít lâu nữa đó, không lẽ bà cứ tới tới lui lui, chi bằng..."
Chợt, Nguyễn Thị Quý nuốt lại những gì định nói xuống lồng ngực khi Hồng Lệ nhìn sang bà. Đứng ngoài gian trước ngó vô buồng trong, vừa định bước vào thì Nguyễn Thị Quý lại bảo: "Giờ này cũng trưa, thấy im ru nãy giờ chắc hai đứa đang ngủ, hay bà ngồi uống trà với tôi một chút đi rồi lát tụi nó dậy hẵng vào?"
Ngẫm nghĩ một chốc Hồng Lệ mới gật nhẹ đầu theo Nguyễn Thị Quý sang bàn trà ngồi xuống. Sau khi sai người hầu pha ấm trà mới và đem bánh bày ra dĩa bưng lên thì Nguyễn Thị Quý lại xua bọn họ đi hết cả, Hồng Lệ ở một bên lặng lẽ ngồi nhìn.
Phút chốc, cả gian nhà trước rộng thênh thang giờ chỉ còn lại hai người đàn bà ngồi đối diện nhau.
"Nãy bà nói gì? Tôi nghe chưa rõ." Hồng Lệ hỏi.
"À thì, thì bà uống trà đi đã." Nguyễn Thị Quý cười cười.
Hồng Lệ cúi xuống nhìn thấy hình bóng mình trong chung trà, đó là hình bóng của một người đàn bà trung niên lam lũ, sao mà khác quá so với ngày xưa, nhìn mà không khỏi cảm thấy chạnh lòng. Bà nâng chung trà lên thổi thổi rồi uống cạn, dường như là cố ý muốn nuốt xuống hình bóng vừa quen thuộc lại vừa xa lạ phảng chiếu bên trong.
Lại nhìn đến Nguyễn Thị Quý ở phía đối diện, người con gái năm ấy giờ cũng là một người đàn bà rồi, đã là vợ là mẹ, nhưng vì sao Hồng Lệ khi nhìn Nguyễn Thị Quý đều sẽ thấy cô gái trẻ của ngày xưa, cứ như chưa từng xa lạ.
"Giờ bà nói được chưa? Hay ý bà là mỗi ngày tôi đến thì sẽ phiền? Vậy cách ngày tôi đến một lần được không? Dù sao Nam Sa không ở gần tôi thì tôi cũng không yên tâm được, tâm trạng này bà hiểu mà."
Nghe Hồng Lệ đột nhiên nói một tràng như vậy, Nguyễn Thị Quý có hơi giật mình, hình như đối phương đã hiểu lầm ý mình rồi, bà vội vàng phân bua: "Không, không phải phiền hà chi đâu, không hề phiền. Ban nãy tôi định bảo là vì mỗi ngày đều mất công bà đi tới đi lui, đoạn đường cũng không tính là gần, cực nhọc như vậy chi bằng..."
Đoạn, Nguyễn Thị Quý giả vờ ho khan mấy tiếng, vốn là cố ý để lấy tay che ngang mặt cho đỡ ngượng ngùng, lại thấp giọng nói tiếp: "...Chi bằng bà sang đây ở mấy hôm cho đến khi Dạ Lý khoẻ hơn, lúc đó Nam Sa có thể về lại nhà rồi..."
Hồng Lệ sững sờ không giấu được trước lời nói của Nguyễn Thị Quý, sau nhiều năm tháng đã trôi qua thì hoá ra người này vẫn có thể làm bà giật mình trước những ý tưởng 'táo bạo' như thế.
"Bà nghĩ sao mà nói vậy chứ? Đây là nhà hội đồng Cao, bà nên biết là..."
"Cao Phỉ lên tỉnh bàn việc với cha tôi rồi, chưa về sớm vậy đâu!"
"Không phải...ý tôi là tôi không thể ở đây được."
Nguyễn Thị Quý bất giác cau mày khó hiểu, hỏi Hồng Lệ: "Vì sao không thể ở đây được? Ở đây có...tôi mà..."
Chính vì có em nên tôi mới không thể ở đây được.
Hồng Lệ lắc đầu, đáp: "Tôi không thể ở lại đây được, chúng ta đều biết lí do và hơn hết là bởi vì tôi không thích."
"Vậy à?" Nguyễn Thị Quý gượng cười.
Bỗng, cả hai lại chìm vào trầm mặc, lời muốn nói ra đành cay đắng nghẹn ngào nơi khoé miệng không cách gì thốt được.
Hai người cứ như vậy lặng lẽ ngồi đối diện với nhau, tuy gần gũi mà hoá ra đã xa xôi đến vạn dặm phong trần, dù đau đớn chịu đựng hay cố chấp níu kéo đều không có cách nào mang về được thâm tình thuở cũ.
"Bây giờ cuộc sống của bà yên ấm thế này tôi cũng mừng rồi, còn phần tôi cũng tìm được thanh thản trong đạm bạc, đều có kết thúc viên mãn rồi." Hồng Lệ trầm giọng nói với Nguyễn Thị Quý mà tựa hồ đang nói với chính bản thân mình.
"Bà gọi đây là viên mãn?" Nguyễn Thị Quý cười nhạt.
"Chứ bà nghĩ sao?"
"Tôi thật ngưỡng mộ chính mình vì quen biết bà lâu như vậy mà vẫn chưa ói máu chết, ít nhất còn hấp hối lê lết được đến giờ phút này."
Hồng Lệ nghe xong, thắc mắc hỏi: "Sao lại là ói máu chết?"
"Tức đến mức ói máu chết." Nguyễn Thị Quý liếc Hồng Lệ.
"À ra là vậy."
Em ấy vẫn không khác gì ngày xưa...
Trong lúc hai người còn đang 'trà dư tửu hậu' thì đột nhiên từ bên ngoài có một người hối hả chạy vào bất kể Nguyễn Thị Quý đã cảnh cáo trước không ai được tùy tiện tiến vô.
Tuy nhiên, trái với vẻ ngoài bực tức ra mặt của bà thì người kia cũng chỉ đành gượng cười trình ra một phong thư, thưa rằng: "Dạ bẩm bà hội đồng, có thư từ ngoài Huê gửi vô cho ông bà và cô ạ!"
"Thư? Thư từ gì? Của ai chứ?" Nguyễn Thị Quý cau có lẩm bẩm trong miệng.
Chưa kịp kêu người nọ hỏi chuyện thì hắn đã ba chân bốn cẳng chạy đi mất dạng. Nguyễn Thị Quý buộc lòng phải trở về chỗ ngồi xé thư ra xem, mắt thấy dòng chữ đề tên người gửi là nhà thơ Nguyễn Hữu Thịnh, đằng sau bức thư còn có kẹp theo một thứ khác.
Một tấm thiệp hồng.