Từ Vãn Tinh đùng đùng bò lên lầu hai, đẩy cửa lớn rồi chạy tới trước cửa sổ.
A Hoa vẫn ngồi trên bàn sách, bánh quy đã bị nó ăn sạch, chỉ còn lại một đống mảnh vụn.
Con mèo này biết học cái hay nên rất cần kiệm, không hề lãng phí lương thực mà đang nghiêm túc liếm đống vụn ấy.
Từ Vãn Tinh không thèm đếm xỉa tới nó, tay phải cô ghé vào miệng, một tiếng huýt sáo nhẹ vang lên.
Một lát sau bức mành phía đối diện bị kéo ra một khe hở, Tân Ý mang theo đôi mắt đỏ hồng đứng phía sau rèm cửa liều mạng lau nước mắt.
Từ Vãn Tinh đè thấp giọng hỏi: “Cậu không có việc gì chứ?”
Tân Ý lắc đầu, nỗ lực cong khóe miệng cười với cô sau đó dùng khẩu hình nói: “Cảm ơn.”
Nói xong cô nhóc hít hít cái mũi, trong mắt vẫn còn nước mắt lấp lánh.
Giây tiếp theo cô nhẹ buông tay thế là bức mành khép lại.
Từ Vãn Tinh đứng trước bàn ngây ra, A Hoa đã liếm sạch cả vụn bánh quy nên bắt đầu ngo ngoe rục rịch hướng về cái hộp cơm ăn dở của cô mà nhòm ngó.
Cô nhanh chóng nhận ra và cướp hộp cơm về sau đó quở trách nó: “Sao mày lại tham thế hả?”
A Hoa trừng đôi mắt tròn xoe nhìn cô kêu meo meo sau đó tới gần, thậm chí duỗi cái cổ ra mà cọ lên người cô, bộ dạng mơ ước cái hộp cơm kia.
Dù sao cô cũng ăn không nổi nữa……
Từ Vãn Tinh chậm rãi, chậm rãi thở dài chắp tay nhường cơm cho nó.
Kẻ mang lòng tham trên đời này sao chỉ có mèo? Nếu cô có được thành tích tốt như Tân Ý, lại ngoan ngoãn hiểu chuyện, cầm kỳ thư họa đều biết thì sợ là lão Từ đến nằm mơ cũng cười toe toét.
Nhưng vì sao cha mẹ Tân Ý vẫn không hài lòng nhỉ?
Ở một đầu khác của hẻm Thanh Hoa, lúc này Kiều Dã đang xách theo chai nước tương đi về nhà.
Mẹ Kiều đứng trong bếp bận rộn nghe thấy tiếng thì hỏi: “Sao con đi lâu thế?”
Kiều Dã đưa nước tương cho bà và nói: “Con mải nhìn náo nhiệt.”
Còn không phải thế sao.
Nơi nào có Từ Vãn Tinh thì hình như lúc nào cũng náo nhiệt.
Cô giống hệt cái tên của mình, lúc xuất hiện vĩnh viễn hấp dẫn sự chú ý của mọi người.
Tuy rằng cái lý do cô được người ta chú ý cũng không vinh hạnh gì cho cam.
Ban đêm Kiều Dã đọc sách được một nửa thì tới phòng khách uống nước.
Trong lúc vô tình cậu nghe cha mẹ nhắc tới Từ Vãn Tinh thì chân cũng ngừng lại.
Hai vợ chồng ăn xong cơm chiều đi ra ngoài dạo nên đã nghe được chuyện khôi hài ở ngõ nhỏ.
Mẹ Kiều nói: “Ngõ này hỗn tạp, em thấy cũng không tốt như lão Lý nói lúc trước.”
Lão Lý là người lớn lên ở hẻm này, là người gốc Thành Đô và đã làm việc cho trung tâm giám sát địa chất ở đây vài thập niên.
Mười mấy năm trước ông ta tới Bắc Kinh tham dự họp và quen Kiều Mộ Thành.
Hai người làm cùng một công việc, hướng nghiên cứu tương đồng, tính cách tương đồng lại thường xuyên qua lại nên thành bạn.
Làm công tác địa chất rất ít khi được dừng chân một nơi.
Nhân viên nghiên cứu như lão Lý và Kiều Mộ Thành đều thường xuyên phải bôn ba khắp nơi.
Sau này Thành Đô có hạng mục cấp quốc gia nên Kiều Mộ Thành chủ động nhận việc này và được điều về đây.
Lão Lý tự nhiên hỗ trợ nhà họ chuẩn bị mọi thứ.
Tôn Ánh Lam cũng là người Thành Đô, lúc trước bà không muốn chuyển tới hẻm Thanh Hoa, nơi này hoàn cảnh không tốt, nhưng lại không cản được chồng.
“Anh thấy nơi này mọi người thuần phác, cũng không phải người ham danh lợi, khá tốt.”
Tôn Ánh Lam liếc ông ta một cái: “Em nghĩ anh chỉ muốn ở gần lão Lý.”
Hai người này đúng là hợp cạ, rõ ràng tới khi trung niên mới gặp, lúc làm nghiên cứu còn thường xuyên cãi cọ như gà chọi nhưng lại thân đến độ như anh em mặc chung quần.
Tôn Ánh Lam trước sau vẫn không thích hẻm Thanh Hoa vì thế chỉ quy kết trò khôi hài hôm nay thành nơi đây hỗn tạp.
Kiều Mộ Thành nói: “Cái gì mà hỗn tạp, người nơi này chỉ gọi là cãi vã, va chạm nho nhỏ thôi.”
Tôn Ánh Lam vẫn rất kiên trì: “Người đã được giáo dục sẽ ít khi làm những việc thế này.”
Hai vợ chồng cũng đã nghe lão Lý nói về chuyện nhà họ Tân.
Hai bậc phụ huynh nhà kia quả là xoi mói, động một chút là đánh chửi con.
“Em nói lời này khác nào ngại bần yêu phú.” Kiều Mộ Thành lé mắt nhìn vợ mình, “Kẻ trượng nghĩa thường là kẻ thô lỗ, đám gian tà thường là quân trí thức.
Lời này em chưa nghe bao giờ à? Người bề ngoài ngăn nắp sạch sẽ cũng làm không ít việc thối tha đó.”
“Em không tranh cãi với anh, nhưng em muốn tỏ thái độ.
Lần trước lão Từ đưa con gái tới đây muốn cùng tiểu Dã kết bạn.
Ông ta thổi phồng con gái nhà mình cuối cùng lại bị tiểu Dã bóc trần sự thật con nhóc đó ở trường tụ tập đánh bài.
Chuyện hôm nay lại do con nhóc đó, em thấy đứa nhỏ này giống kẻ gây họa, vẫn nên bảo tiểu Dã đừng tới gần nó thì hơn.”
Kiều Mộ Thành há miệng thở dốc, lại nhớ tới lời lão Lý kể về chuyện nhà họ Từ.
Hơn nữa mấy chữ “kẻ gây họa” cũng quá đáng thế nên ông thở dài nói: “Đứa nhỏ cũng không dễ dàng, một mình mà dám đứng ra tới tận nơi cãi tay đôi với một người lớn tuổi hơn mình.
Anh thấy lão Từ nói cũng không sai, con gái ông ấy quả là mang tấm lòng hiệp nghĩa.”
“Được rồi, được rồi, đều là anh quyết định.
Dù sao con anh nên em cũng mặc kệ.”
“Này, sao tự dưng lại cáu?”
……
Kiều Dã đứng trước máy lọc nước lặng lẽ uống một cốc nước sau đó xoay người trở lại phòng ngủ.
Cậu cầm cuốn truyện bằng tiếng Anh đang đọc được một nửa lên nhưng 10 phút trôi qua vẫn không lật trang nào.
Cuối cùng cậu lại ném xuống, dừng một chút mới mở ngăn kéo bên tay trái.
Trong một cái hộp sắt chứa đầy giấy viết thư có một khung ảnh.
Cậu cầm lấy khung ảnh lật qua và ngơ ngẩn nhìn thật lâu.
Trong bức ảnh là một người phụ nữ ôm một đứa nhỏ tầm 2-3 tuổi đang nhìn máy ảnh cười thật tươi.
Mặt mày bà và đứa nhỏ có vài phần giống nhau, đều có một đôi mắt biết cười, đuôi mắt hơi cong lên.
Không thể đi chợ đêm giúp cha bán quán nên Từ Vãn Tinh nhàn đến độ ngứa da, cô chỉ đành ghé vào trên cửa sổ nhìn sao trời.
Sau đó cô nghĩ tới hôm sau phải tới trường đối mặt với đống sách rách nát của Kiều Dã nên cô quyết định nghỉ ngơi dưỡng sức và ngủ thật ngon.
Cô có dự cảm ngày mai sẽ có một trận chiến lớn.
Từ Vãn Tinh ngủ sớm nên tỉnh cũng sớm hơn.
Vốn cô định ngủ nướng một chút nhưng lăn qua lộn lại mãi vẫn không ngủ được nên cô đơn giản bò dậy nấu hai quả trứng gà, lại rót một cốc sữa bò rồi ăn bữa ăn sáng sung túc hiếm có và lắc lư đến trường.
Lúc tới phòng học bên trong chỉ có vài người.
Nháy mắt Thấy Từ Vãn Tinh mọi người đều kinh ngạc.
Vị này chưa bao giờ đến sớm, là điển hình của học sinh tới muộn trốn học, sao hôm nay cô lại tới sớm như thế này? Mặt trời mọc hướng tây chắc?
Từ Vãn Tinh tiện tay rút cuốn sách trên bàn sau đó làm một động tác giả với Xuân Minh: “Nhìn cái gì mà nhìn, chưa thấy người đi học sớm bao giờ ư?”
Xuân Minh mang biểu tình nghiêm túc đứng dậy vỗ tay vang dội.
Từ Vãn Tinh: “Chờ một chút, cậu có ý gì?”
“Lúc còn sống có thể thấy cậu hối cải làm người một lần nữa quả là niềm vui không gì diễn tả được.”
Lần này sách giáo khoa của Từ Vãn Tinh thật sự đánh vào đầu cậu ta một cái.
Dậy sớm là có thể đến sớm, mà đến sớm thì sẽ không bị phạt ngồi xổm.
Học sinh trong lớp tục tục đến, trước khi bắt đầu giờ truy bài La Học Minh đã tới.
Ông cầm sách giáo khoa đi về phía phòng học, cũng không vội đi vào mà đứng trên hành lang nhìn quang cảnh nơi xa nhấp từng ngụm trà cẩu kỷ từ bình giữ ấm.
Khi tiếng chuông cuối cùng vang lên ông mới không nhanh không chậm đi vào phòng học.
Giây tiếp theo có người từ cửa sau tiến vào hô một tiếng báo cáo.
La Học Minh căn bản không giương mắt mà tập mãi thành quen chỉ ra ngoài cửa nói một câu mọi người đã nghe đến thuộc lòng: “Từ Vãn Tinh, ra hành lang ngồi xổm 100 cái.”
Đây là quy củ của lớp số 3, người đến trễ sẽ ra hành lang ngồi xổm 100 cái mới được vào lớp.
Nhưng sau khi quỷ củ được đưa ra thì cả tháng chỉ có mình Từ Vãn Tinh là ngày nào cũng phải làm.
Phòng học im lặng một lát.
Sau đó thiếu nữ trong góc giơ tay lên lười biếng nói: “Em ở đây thầy ơi.”
La Học Minh sửng sốt ngẩng đầu nhìn lại thì thấy Từ Vãn Tinh quả thực đang êm đẹp ngồi ở chỗ mình, Mà người đến muộn hôm nay lại là……?
Tân Ý đứng ở cửa bất động thấp giọng nói: “Thưa thầy, người nên ngồi xổm là em.”
Mắt cô còn hơi sưng, không biết là ngủ không ngon hay cả đêm không ngủ.
La Học Minh nghèo từ rồi, ông khó hiểu mà nhìn Từ Vãn Tinh sau đó nhìn Tân Ý.
Đứa nên đến trễ thì đến sớm, đứa nên đến sớm thì lại tới muộn, chuyện này kỳ dị quá.
Ấy, cái gì mà nên đến trễ thì không đến trễ? Sao Từ Vãn Tinh lại nên tới muộn?
La Học Minh cảm thấy mình sắp bị con nhóc kia làm điên rồi.
Chờ Tân Ý ngồi xổm xong trở lại chỗ ngồi thì La Học Minh đã bắt đầu giảng bài.
Từ Vãn Tinh trộm thò lại gần nhíu mày hỏi Tân Ý: “Sao cậu tới muộn vậy?”
Tân Ý đưa bàn tay cho cô xem rồi nhỏ giọng nói: “Mình thức đêm luyện đàn.”
Đôi tay trắng nõn mảnh khảnh kia vốn nên non mịn xinh đẹp nhưng lại vì luyện đàn hàng năm nên lòng bàn tay đều là vết chai mỏng.
Giờ phút này nhìn qua những ngón tay còn đỏ lên tụ máu, cũng không biết cô bạn này đã thức bao lâu, luyện bao lâu.
Từ Vãn Tinh nghẹn họng nhìn trân trối: “Phải cố sức thế cơ à?”
“Mẹ mình nói tháng sau lại đi thi, nếu còn không qua thì sẽ hủy mọi kỳ nghỉ của mình, bao gồm cả cuối tuần.
Mình sẽ không được đi đâu, chỉ có thể ở nhà luyện đàn.”
Từ Vãn Tinh quả thực không thể tin được trên thế giới còn có cha mẹ như thế.
Nếu so sánh với bọn họ thì lão Từ quả thực chính là thiên sứ, là Gandhi vĩ đại, là người cha hiền lương thục đức nhất trên đời.
Cô muốn nói gì đó nhưng La Học Minh viết xong trên bảng xoay người lại đã dùng ánh mắt cảnh cáo nhìn chằm chằm cô.
Cô im luôn, cứ thế vùi đầu đọc sách, nhưng vừa nhìn trong lòng đã giận sôi máu.
Sách Kiều Dã vừa bẩn vừa đen, đặc biệt là cuốn sách toán này.
Tuy người khởi xướng là cô nhưng lúc phải dùng thứ rách nát này thì lòng cô vẫn có vạn sói rít gào.
Từ Vãn Tinh cắn răng quay đầu lại cho bàn sau một cái nhìn chết chóc.
Ai biết Kiều Dã nhận thấy ánh mắt cô lại không hề tránh né mà vẫn ngẩng đầu cho cô một nụ cười tràn ngập thiện ý.
Nụ cười của cậu đúng là như trời quang trăng sáng, phúc hậu và vô hại.
Từ Vãn Tinh nghiến răng ken két.
Ngày đầu tiên trao đổi sách giáo khoa đối với Từ Vãn Tinh đúng là tai họa.
Mỗi cuốn sách móc từ ngăn kéo ra đều không khác gì đồ đồng nát, chắc chỉ hơn chứ không kém.
Nhưng đối với Kiều Dã mà nói thì cũng có chút bất ngờ vui sướng.
Cậu chưa bao giờ thích dùng sách của người khác, cái này không liên quan gì tới sạch sẽ mà vì sách giáo khoa là thứ quá riêng tư, bút ký và bút tích là không thể xóa được, cũng không thay thế được.
Cậu là học bá cấp thần thánh rồi, sẽ không coi trọng ghi chú của người khác.
Nhưng sách của Từ Vãn Tinh nói thế nào nhỉ, nó mang tới tới cảm giác mới mẻ kinh ngạc cho người khác.
Đầu tiên là sách toán, ngoài những bước tính nháp như quỷ cào của cô thì còn mang theo lời bình cá nhân ——
Bài tập về nhà số 1: Cái thứ đề thiểu năng trí tuệ.
Bài tập về nhà số 2: Đề gì ngu chết được.
Bài tập về nhà số 3: Có chút thú vị.
Bài tập về nhà số 4: Thứ rác rưởi.
Bài tập về nhà số 5: Không khác gì bài số 2, đổi cách bốc thuốc mà không đổi thuốc, kẻ ra đề đúng là không ra gì.
Bài tập về nhà số 6: Giống như trên.
Bài tập về nhà số 7: Giống như trên.
Bài tập về nhà số 8: Kiến nghị người ra đề tự vẫn để tạ tội.
Kiều Dã xem một đường, phải cố gắng lắm cậu mới có thể giữ được trấn định mà không cười.
Sau đó là tiết ngữ văn.
Lần này cô không viết gì vào sách cả, dù sao đây cũng là môn mà cô quanh năm suốt tháng không đạt yêu cầu nên hẳn cô cũng không dám dõng dạc đưa ra lời bình gì.
Nhưng dù lời bình không có thì sách này vẫn có chỗ đặc biệt.
Cô đã sáng tạo mà phát huy thiên phú mỹ thuật thuộc hàng kinh người của mình.
Trong mấy trang đầu của sách ngữ văn sẽ có vài tờ giới thiệu kèm chân dung của đám danh nhân ví dụ như tác giả văn xuôi nổi tiếng Chu Tự Thanh, truyền kỳ văn học thời dân quốc Lỗ Tấn, hay danh nhân văn hóa, nhà văn lỗi lạc của Nga là Gorky.
Kiều Dã vốn không chút để ý mà giở tới bài số 9, nhưng trong lúc vội vàng đảo qua mấy tờ này cậu bỗng nhiên ngây ra.
Sau đó cậu lại lật đật giở lại.
Chỉ thấy quỷ tài phác họa Từ Vãn Tinh chỉ dùng vài nét bút ít ỏi đã sinh động vẽ ra chân dung các danh nhân kia, lần lượt là ——
Chu Tự Thanh đang vỗ cánh.
Lỗ Tấn cả người bốc lửa, môi đỏ chót.
Gorky thì mặc bikini.
Bút pháp của cô quả là động lòng người thế nên Lỗ Tấn mới có thêm một nốt ruồi “bà mối”, trên đó còn có mấy sợi lông đen rõ như ban ngày.
Kiều Dã: “……”
Khóe miệng cậu giật giật mấy cái, rốt cuộc cố lắm mới nghẹn lại được.
Vào tiết văn thứ hai cô giáo sáng tạo cho mọi người thời gian nửa tiết học để viết thơ.
Chẳng là một tháng này bọn họ đều học về thơ ca, để bồi dưỡng hứng thú của các bạn học với thơ ca nên cô giáo nghĩ cách tốt nhất chính là tự mình viết ra một bài thơ.
Kiều Dã học ngữ văn không tồi nhưng cũng chỉ thế thôi, cũng không phải nhiệt tình yêu thương gì cho cam.
Con trai lại càng không có hứng thú vì với thơ văn, cậu lấy giấy nháp ra ngồi cân nhắc đề tài thì bỗng nhiên thấy người ngồi bàn trước giơ tay lên.
Từ Vãn Tinh: “Thưa cô, em muốn đi WC.”
Cô Trần giống Trương Xuân Nguyệt, đều không thích cái kẻ học ngôn ngữ dở tệ là Từ Vãn Tinh nên lập tức nhíu nhíu mày: “Viết thơ đã rồi đi.”
“Em viết xong rồi.”
“……”
Cô Trần mang vẻ mặt không thể tin được, 5 phút trước mọi người mới vừa bắt đầu, kẻ ngữ văn ngàn đời không đạt tiêu chuẩn như Từ Vãn Tinh làm sao đã viết xong được?
Nhưng lời đã nói ra thì không thể đổi ý……
“…… Vậy em đi đi, đi nhanh về nhanh.”
Từ Vãn Tinh cười hì hì đi ra từ cửa sau.
Cô Trần thì vẫn không quá tin tưởng năng lực làm thơ ngẫu hứng của Từ Vãn Tinh.
Ánh mắt cô lập tức chuyển động và gọi, “Kiều Dã, em đọc thơ của Từ Vãn Tinh lên xem.”
Cô cực kỳ hoài nghi Từ Vãn Tinh đang có lệ với mình.
Nhưng thế sự luôn khó liệu, lần này Từ Vãn Tinh thật sự không lừa cô giáo.
Kiều Dã được gọi tên thì duỗi tay lấy bài thơ của Từ Vãn Tinh, nhưng mới duỗi được một nửa ánh mắt cậu đã hơi ngẩn ra.
Từ Vãn Tinh không viết lên giấy nháp mà trực tiếp viết lên sách luôn.
Sách ngữ văn của cô ở đây vì thế bài thơ của cô —— hiển nhiên được viết lên sách của cậu.
Kiều Dã lấy cuốn sách ngữ văn của mình sau đó kiềm chế cảm xúc đọc bài thơ kia lên:
“Cô giáo đòi viết bài thơ,
Mình lại lơ ngơ chẳng biết cái gì.
Tự hỏi là vì cái chi ——”
Năm phút trôi qua cả lớp chưa ai viết được một bài hoàn chỉnh, thậm chí rất nhiều người còn đang khổ sở cân nhắc đề tài như Kiều Dã.
Bọn họ còn đang tốn tâm huyết nghĩ cái tên thật đặc biệt cho bài thơ của mình.
Cả lớp lặng ngắt như tờ, tai dỏng lên nghe đại tác phẩm của Từ Vãn Tinh.
Nhưng đúng lúc này Kiều Dã lại ngừng lại.
Cô Trần nghe thấy mấy câu đầu thì mày đã nhíu chặt, ai biết Kiều Dã lại ngừng thế là cô hỏi: “Phần sau đâu?”
Kiều Dã: “……”
Bạn học Kiều Dã vẫn chưa ngẩng đầu mà nhìn chằm chằm sách của mình, không nói một lời.
Cô Trần thúc giục: “Tự hỏi là vì cái chi —— thế nên rốt cuộc là vì cái gì?”
“……”
“Đọc đi!”
Kiều Dã hít sâu, mặt không biểu tình nhìn một hàng chữ rồng bay phượng múa cuối cùng, bàn tay nắm sách dùng sức đến độ trắng bệch.
Tự hỏi là vì cái chi ——
“Hóa ra mình muốn đi ị từ lâu.” Cậu đờ người, cảm thấy vô cùng mất mặt mà đọc nốt câu thơ cuối cùng của Từ Vãn Tinh.
Sau một giây chết lặng cả lớp phá ra cười.
Cô Trần: “……………………”
Không được, lời phê bình đã lên tới miệng nhưng vừa há mồm cô đã không nhịn được mà cũng phá ra cười.
Từ Vãn Tinh này đúng là!
Ha ha ha ha ha ha ha ha.
Trong tiếng cười ngặt nghẽo kia chỉ có Kiều Dã không cười.
Cậu nhìn chằm chằm sách của mình, thấy đống chữ viết bằng bút máy rõ ràng bên trên thì cực kỳ muốn mắng người.
Có ai không? Có thể cho cậu mượn lửa rít điếu thuốc không?
Kiều Dã cậu đời này lần đầu tiên thấy cái từ “muốn ị” trên sách ngữ văn của bản thân, còn phải đọc ra trước mặt mọi người nữa chứ, con mẹ nó.
Thôi thôi, thuốc lá thì cậu bỏ, hiện tại cậu chỉ muốn cầm dao phay chờ cái kẻ đang đi ị kia về là lập tức giơ tay chém xuống để cô đầu mình hai nơi.