Nương Nương Nàng Không Muốn Cung Đấu

Chương 116: C117: Hành cung tránh nóng


"Tam công tử nhà Vi đại nhân xuất sắc đến vậy sao?" Khương Mạn nghĩ nếu không phải tam công tử kia xuất chúng hơn người thì có lẽ Nhị Công chúa cũng sẽ không nháo đến mức không phải hắn thì không lấy như vậy.

Vĩnh An đế nói: "Mọi người đều nói tam công tử nhà Vi Thiệu đẹp tựa Phan An (1), tình như Tống Ngọc (2), tài như Tử Kiến (3)."

(1) Phan Nhạc (247 - 300), tên tự là An Nhân, đời sau quen gọi là Phan An, người Trung Mưu, Huỳnh Dương. Ông nổi tiếng là một nhà văn thời Tây Tấn và là một trong tứ đại mỹ nam.

(2) Tống Ngọc (298 - 222 TCN), được biết đến với tài năng văn chương, là người lãng mạn, đa tình và là một trong tứ đại mỹ nam.

(3) Tào Thực (192 - 232), tự là Tử Kiến, còn được gọi là Đông A vương, là một hoàng thân của thời Tào Ngụy, được biết đến nhiều vì là thần đồng thi phú, nổi tiếng với những giai thoại mâu thuẫn với Tào Phi.

Vĩnh An đế từng gặp hắn hai lần, cái khác không nói, nhưng quả thật hắn ta rất tuấn tú.

Khương Mạn khẽ gật đầu, phải thế chứ, hơn nữa cha còn là quan to trong triều, tam công tử của nhà Vi thượng thư quả thực chính là vị hôn phu hoàn mỹ trong lòng biết bao cô gái, Nhị Công chúa say mê hắn ta cũng là lẽ thường tình.

Nhưng Khương Mạn cũng từng gặp Nhị Công chúa không ít lần, tuy rằng diện mạo của Nhị Công chúa không tính là xấu, nhưng cùng lắm cũng chỉ có thể xem là thanh tú. Trong cung mỹ nhân nhiều vô số kể, ngoại hình của Nhị Công chúa trong mắt Khương Mạn thật sự không thể lên hàng xuất sắc. Không biết có phải do ngoại hình của mình bình thường mà Nhị Công chúa mới mê mệt tam công tử điển trai tuấn tú kia không.

Nhưng theo Khương Mạn thấy, hai người này thật sự không hợp nhau. Chưa nói đến diện mạo, chỉ nói tài thôi, nếu lời đồn bên ngoài là sự thật thì chắc chắn tam công tử kia là người rất xuất chúng, người như vậy chín phần là sẽ thích những nữ tử có tài hoa hơn người. Nhưng Nhị Công chúa không chỉ diện mạo bình bình, tài năng cũng chẳng có gì là xuất chúng. Nếu nói Nhị Công chúa có gì hơn tam công tử nhà Vi thượng thư kia thì chắc chỉ có thân phận công chúa kia thôi.


Hơn nữa theo luật Cảnh quốc thì phò mà không được vào triều làm quan, thân phận của tam công tử nhà Vi thượng thư cũng không tính là thấp, gia thế tốt, diện mạo tốt, lại còn có tài, người như vậy bình thường đều rất kiêu ngạo, sao có thể vì thân phận phò mã mà bỏ qua cơ hội vào triều làm quan, thể hiện tài năng chứ.

Không nhắc đến chuyện của Vi Đức phi, những gì Vĩnh An đế nghĩ đều giống Khương Mạn, tam công tử nhà Vi thượng thư thật sự không phù hợp với Nhị Công chúa. Hơn nữa hắn cũng cho người điều tra tên này, hắn ta ở nhà thì có hồng tụ thiêm hương (4), bên ngoài còn có mấy hồng nhan tri kỷ có thể đàm luận thi văn, uống rượu đánh đàn.

(4) Hồng tụ thiêm hương: chỉ thư sinh đọc sách có mỹ nhân bên cạnh

Vĩnh An đế thật sự cảm thấy người này không xứng với Nhị Công chúa.

Khương Mạn chỉ ngồi yên nghe Vĩnh An đế nói, ngẫu nhiên hỏi thêm một hai câu, nhưng nàng sẽ không phát biểu ý kiến lung tung, cũng không đề nghĩ hắn phải làm cái này cái nọ.

Tuy Khương Mạn không đưa ra ý kiến hữu dụng gì, nhưng sau khi trút hết tâm sự, tâm tình của Vĩnh An đế cũng không còn tệ như trước nữa.

Sau đó Khương Mạn lại chơi cờ cùng Vĩnh An đế một lát, đi đến ao nhỏ xem mấy con cá nàng nuôi, cuối cùng còn ôm Nhị Hoàng tử đến chơi một lúc.

Đến khi Vĩnh An đế rời khỏi Vân Hoa Cung, trên mặt đã không còn sự giận dữ lúc mới tới nữa.


Triệu Toàn Phúc và đám cung nhân hầu hạ bên người Vĩnh An đế quả thực chỉ muốn quỳ xuống dập đầu mấy cái với Khương Mạn.

Vĩnh An đế và Khương Mạn nói về chuyện này chưa được mấy ngày, Khương Mạn lại nghe tin Vi thượng thư tiến cung thay con trai nhà mình cầu hôn công chúa.

Khương Mạn nghe vậy thì có chút kinh ngạc, nàng nghĩ cho dù là Vĩnh An đế không thể lay chuyển tâm tư của Nhị Công chúa thì cũng sẽ ra thánh chỉ ban hôn cho tam công tử Vi gia, nhưng bây giờ Vi thượng thư lại tiến cung muốn cầu hôn Nhị Công chúa cho con trai nhà mình?

Chẳng lẽ trước đó nàng đã đoán sai, kỳ thật tam công tử Vi gia và Nhị Công chúa là chàng có tình thiếp có ý?

Khương Mạn hỏi Tiểu Đậu Tử: "Trước đó hai người bọn họ đã từng gặp nhau rồi sao?"

Tiểu Đậu Tử trả lời: "Trước đó lúc tổ chức cung yến Nhị Công chúa đã gặp tam công tử Vi gia, nhưng hai người họ cũng không giao thiệp gì."

Không giao thiệp gì, vậy chẳng lẽ là nhất kiến chung tình? Nếu nói Nhị Công chúa nhất kiến chung tình với tam công tử Vi gia thì còn có khả năng, nhưng nói tên công tử kia nhất kiến chung tình với Nhị Công chúa thì có cho vàng nàng cũng không tin.

Lời tiếp theo của Tiểu Đậu Tử đã chứng thực suy nghĩ của Khương Mạn.


Tiểu Đậu Tử nói: "Nghe nói mấy hôm trước hình như tiểu thái giám của Phùng Chiêu nghi có đi một chuyến đến Vi phủ."

Phùng Chiêu nghi phái người đến Vi phủ? Đi làm cái gì, trực tiếp nói với Vi thượng thư là: Nhị Công chúa coi trọng tam công tử nhà ngươi, ngươi mau dẫn người đến cầu hôn Nhị Công chúa đi?

Cho dù Phùng Chiêu nghi nói như vậy, chẳng lẽ Vi thượng thư thật sự nghe lời nàng ta mà tiến cung cầu hôn Nhị Công chúa sao? Hay là Vi thượng thư hiểu lầm đó là ý của Hoàng thượng?

Khương Mạn lắc lắc đầu, cảm thấy không thể nào, Vi thượng thư có thể ngồi lên vị trí Binh bộ thượng thư chắc chắn không thể mắc phải lỗi sơ đẳng như vậy được.

Nếu không phải hiểu lầm thì Vi thượng thư mà muốn từ chối hoàn toàn không thành vấn đề, nhưng hắn ta lại vẫn làm, vậy chứng tỏ đây cũng là ý muốn của Vi thượng thư.

Nếu nói Vi thượng thư làm như vậy không có mục đích gì thì Khương Mạn một chút cũng không tin, hy sinh cuộc hôn nhân của đứa con xuất chúng như vậy, ý đồ của hắn ta nhất định không nhỏ.

Nếu Vĩnh An đế còn muốn tính sổ Vi gia thì chắc chắn sẽ không đồng ý việc này.

Lúc đó quả thật Vĩnh An đế không đồng ý, nhưng lại không chịu nổi Nhị Công chúa cứ một khóc hai nháo ba thắt cổ nên cuối cùng vẫn đồng ý, hạ chỉ ban hôn cho Nhị Công chúa và tam công tử Vi gia.

Tuy Nhị Công chúa được thỏa tâm nguyện gả cho người mình muốn, nhưng lại khiến Vĩnh An đế hoàn toàn thất vọng về mình.


Hôn sự của Nhị Công chúa đã định vào tháng tám, ngày này là do Phùng Chiêu nghi và Nhị Công chúa tự mình chọn ngày cùng Khâm Thiên Giám, ngày bọn họ chọn chính là ngày đẹp nhất theo lời Khâm Thiên Giám.

Mặc dù có hơi gấp gáp, nhưng với sự trợ giúp của Tông Nhân Phủ và Lễ bộ, thời gian ngắn như vậy cũng đủ để tổ chức một hôn lễ hoành tráng cho Nhị Công chúa.

Sau khi giao việc cho Tông Nhân Phủ và Lễ bộ, Vĩnh An đế chưa từng hỏi đến chuyện xuất giá của Nhị Công chúa thêm lần nào nữa.

Tháng sáu, thời tiết dần trở nên oi bức hơn, Vĩnh An đế liền đưa Hoàng thái hậu, mấy vị phi tần và Đại Hoàng tử, Nhị Hoàng tử, còn có mấy đại thần đưa theo gia quyến đến hành cung ở núi U Tuyền tránh nóng.

Bởi vì có thái hậu đi nên Đại Công chúa cũng nằm trong danh sách đi cùng.

Núi U Tuyền nằm ở phía tây nam của kinh thành, cách hoàng cung khoảng nửa ngày đi đường. Núi U Tuyền có phong cảnh núi non tuyệt đẹp, suối nhỏ róc rách, đứng ở chân núi có thể cảm nhận được những cơn gió mát mẻ.

Đám người Khương Mạn đứng ở chân núi cảm nhận cơn gió thổi bay đi sự oi bức.

Hành cung được xây ở sườn núi U Tuyền, lấy tên là "U Tuyền Viên", bên trong có những con kênh len lỏi vào từng ngóc ngách nhỏ, mặc dù không bằng hoàng cung hoa lệ nhưng phong cảnh lại hoàn toàn khác. Khương Mạn và Nhị Hoàng tử được phân đến U Hoàng Uyển, một bên là U Tuyền Điện của Hoàng thượng, bên còn lại là U Hà Uyển của thái hậu nương nương.

Đại Công chúa vốn được phân đến U Vân Hiên có chút xa U Tuyền Điện, nhưng Đại Công chúa không hề có ý muốn đến U Vân Hiên mà ở U Hà Uyển cùng thái hậu nương nương.

Nhị Hoàng tử vốn có chút uể oải vì thời tiết nóng nực, kết quả vừa tới núi U Tuyền liền trở nên hưng phấn chạy nhảy khắp nơi, Khương Mạn dẫn theo Nhị Hoàng tử đi vấn an thái hậu.