Ôm Trăng Sáng

Chương 158: Con chuột


Khi đánh trận tại Xuyên Tùng, Lương Diệp đã giải quyết dứt khoát bằng cách thay đổi cấp dưới tin thân của mình. Mặc dù vẫn có dân chúng lưu lạc nhưng sau buổi đàm phán hòa bình, phần lớn họ đã được sắp xếp cứu trợ. Trên quãng đường vận chuyển lương thảo từ Thọ Vân tới Ninh Minh, Vương Điền cũng gặp dân chúng lưu lạc, song chưa tới mức gây họa. Năm ngoái, nạn tuyết chủ yếu diễn ra tại mấy quận huyện phía Bắc, do đó anh và Lương Diệp đã đặc biệt chú trọng ngay từ đầu.

Thế nhưng tại quận An Hán giàu có đông đúc cỡ này, nhân dân vậy mà lại đi đến bước đường phải đổi con cho nhau để ăn.

Người phụ nữ kia gào khóc khản cả giọng, tựa hồ đang gào hỏi thói đời Vô Gián này.

"... Năm ngoái, khi Vân Thủy ở quận Hà Tây bị vỡ đê... Chỗ bọn ta cũng gặp hạn hán nặng... Tới vụ mùa, nhìn chung chẳng thể thu hoạch được hoa màu gì..." Ông lão quỳ dưới đất có đôi mắt đã vẩn đục. Ông cụ muốn khóc nhưng đã khóc cạn nước mắt từ lâu, nhìn quý nhân áo gấm lụa là trước mặt với ánh mắt vô hồn chết lặng, không trông mong xa vời việc họ sẽ giúp được mình, mà dường như chỉ đang kể lại một câu chuyện cũ bình thường.

"... Thuế tăng từ năm này qua năm khác. Năm ngoái thậm chí gấp ba. Quan lão gia ở huyện nói rằng Thái hoàng Thái hậu nương nương muốn tổ chức một buổi tiệc sinh nhật. Chỗ lương thực vất vả lắm mới tích góp được để ăn Tết cũng bay biến sạch sẽ..."

"Chưa... dừng lại ở đó... Bọn họ ép mua giá thấp, bọn ta nào dám không bán. Ném đi ít bạc vụn, một thời gian sau còn tìm mọi cách lấy về..."

"Không dám báo cáo lên trên về nạn hạn hán... Vào mùa Xuân năm ngoái, Hoàng thượng đột ngột thay đổi tính nết, xử lý chừng ấy người trong nạn lũ ở Hà Tây... Ai dám báo lên trên đây?"

"Những tưởng trưởng quận mới lên tại chức thì cuối cùng cũng có miếng cơm ăn. Nào ngờ chiến tranh lại nổ ra. Đàn ông cáng đáng làm lụng bị bắt đi lính. Triều đình chỉ cần lương thảo, chứ mặc kệ sự sống chết của nhân dân, còn hận chưa lột được một lớp da mang đi..." Ông lão buồn thương than: "Bọn ta muốn xuôi Nam nhưng bị lính của trưởng quận đuổi về. Lũ đấy toàn súc vật! Gặp ai cũng giết! Thế nên bọn ta không dám đi tới phía Nam nữa..."

"Hoàng đế chó má trời đánh... chẳng chừa đường sống nào cho người ta..." Trong đám đông đang quỳ, cuối cùng đã có người khóc òa lên.

"Thưa quý nhân, bọn ta có mắt không tròng, đã xúc phạm đến ngài! Mong ngài hãy thương xót phận cùng đường bí lối, bỏ qua cho bọn ta với ạ!" Có người hoảng sợ dập mạnh đầu.

Chẳng qua, phần đông đã đói đến cạn cả sức vùng vẫy, chết lặng tựa xác thân gần đất xa trời.

Vương Điền từng bị ám sát, từng vượt qua đợt cung biến, từng đích thân trải nghiệm chiến tranh... cùng với vô số trường hợp đẫm máu khác. Thế nhưng đứng trước bốn, năm chục dân lưu lạc này, dẫu cảnh tượng không hề đồ sộ hay thảm thiết gì, anh vẫn bị gò ép cho không thở nổi.

Anh từng có giây lát cảm thán đường đời gian nan. Khi đi, anh đã quyết tâm, điều khiến anh cảm thán chỉ là cục diện rối ren trên vai Lương Diệp, phần nhiều là xót Lương Diệp gặp khó khăn.

Tuy nhiên, đến giờ, anh mới cảm nhận được rõ ràng ý nghĩa của câu "đời sống nhân dân khốn khó tới nhường nào". Khốn khó tới mức sự nỗ lực của một người trở nên có vẻ nhỏ nhoi chẳng đáng kể.

Đám người sóng sau xô sóng trước cướp lấy bánh và canh từ trong xe ngựa. Ban đầu ám vệ định giữ gìn trật tự, song, sự đe dọa từ đao kiếm đã thua xa nỗi sợ không giành nổi một miếng ăn nào của họ.

"Nương ơi... ăn... mau ăn đi!" Có người bưng canh kề miệng một bà lão đang nhắm mắt. Vậy nhưng bà lão ấy đã ngừng thở, tay vẫn nắm chặt nửa miếng bánh xé giành được.

Người đó gỡ miếng bánh khỏi tay bà, nước mắt chảy vào miệng, cố sức nuốt trôi miếng bánh khô khốc.

Đến những ám vệ giết người không chớp mắt cũng không đành lòng nhìn tiếp.

Hóa ra so với việc giết một người thì để người ta sống được còn khó hơn gấp trăm nghìn lần.

Vương Điền quay mặt nhìn Lương Diệp, hắn không tỏ thái độ thừa thãi. Thấy Vương Điền nhìn mình, hắn nắm lấy tay anh: "Không đẹp đẽ gì, đi thôi."

Đúng là không đẹp đẽ gì, những cái dập đầu biết ơn ấy đều là sự chế giễu nặng nề nhất dành cho họ.

"Hồi bé, trong giờ học, ta từng nghe Văn Tông nói rằng nguyện vọng lớn nhất của ông ấy chính là một ngày nào đó, muôn dân trăm họ ai ai cũng có cơm ăn... Bấy giờ, ta còn tưởng ông ấy đang nói đùa." Lương Diệp kéo anh lên xe ngựa.

Sao lại không nhận định đấy là lời cười chê nhỉ?

Dẫu cuộc sống trong cung gian truân nhưng chưa bao giờ thiếu thốn cơm ăn áo mặc. Hoàng đế nhỏ vừa đăng cơ cảm giác toàn bộ mọi thứ trong thiên hạ đều thuộc về mình, xem nhẹ tất cả gấm vóc lụa là, món ngon thức báu; thấy cuộc sống xa xỉ, ngựa đẹp xe thơm chẳng có giá trị gì. Khi Văn Tông nói bá tánh chốn dân gian đói đến mức phải đi gặm vỏ cây, hắn còn có thể bất cần đời hỏi lại một câu: Sao không băm thịt ăn?

Sự thất vọng và giọt lệ trong mắt ông lão cũng khiến hắn thấy bực bội, khó xử. Vì thế, Văn Tông đã tàn nhẫn vụt cây thước đó vào lòng bàn tay hắn, khẩn khoản 'Bệ hạ, ngài hãy mở to mắt ra xem con dân của ngài đi', Lương Diệp lại thấy mình làm chức Hoàng đế này thật miễn cưỡng, cuộc sống của bản thân còn đang gian khó tuyệt vọng đây. Phải là người trong thiên hạ mắc nợ hắn mới đúng.

Hắn giận đến nỗi trộm luôn thước của Văn Tông. Ngờ đâu cây thước ấy sớm đã lơ lửng trước lòng bàn tay hắn trên mọi thời khắc.

"Hiện trạng này phát sinh từ lỗi lầm của không chỉ riêng một cá nhân." Vương Điền nhìn hắn, nói: "Đừng ôm đồm toàn bộ vào người mình."

"Nhưng trẫm là Hoàng đế." Lương Diệp nhếch môi cười với anh: "Trẫm phải để bọn họ được ăn no."

Vương Điền ngẩn ngơ.



Lương Diệp từng nói vô số câu 'Trẫm là Hoàng đế' như vậy, trong giọng điệu như mệnh lệnh, chứa đựng sự đe dọa, vừa ngông nghênh, vừa cố chấp. Vương Điền phát phiền tột độ với lối diễn kiểu Đế vương phong kiến này của hắn, lần nào nghe cũng hận không thể vung tay đập hắn. Lúc phỉ nhổ, anh cũng bất giác nghĩ: Giờ đổi cho người khác làm Hoàng đế, dù là Vương Điền anh thì cũng làm tốt hơn dòng thứ điên dở quái đản như Lương Diệp.

Sở dĩ anh tin Lương Diệp có thể làm một Hoàng đế tốt chủ yếu là do sự tự tin mù quáng với bản thân mình. Thế nhưng, trong vô thức, anh đã tiếp nhận thành kiến 'Lương Diệp là tên điên' giống đại đa số người tự bao giờ. Vì lẽ đó, anh mới hòng tách Lương Diệp ra khỏi hoàng quyền mà chẳng gặp bất cứ gánh nặng tâm lý nào.

Lương Diệp ngang ngược cố chấp, anh cũng không nhường nửa bước, chưa từng nhìn nhận rõ rốt cuộc Lương Diệp muốn gì.

Tuy nhiên, hiện giờ xem ra Lương Diệp hợp làm Hoàng đế Bắc Lương hơn bất cứ kẻ nào khác.

Chưa chắc hắn đã đồng cảm và xót thương bá tánh là bao. Thế nhưng hắn biết thân là một Hoàng đế thì mình cần làm gì.

Vương Điền nhìn hắn nói: "Sẽ có một ngày như vậy."

Lương Diệp nhướng mày hỏi: "Biểu cảm này của ngươi là sao?"

Vương Điền cười khẽ: "Bị vẻ đẹp trai của ngươi làm cho choáng ngợp."

Lương Diệp từng nói nhiều là vậy nhưng chưa câu nào khiến anh nhìn nhận rõ được hắn hơn câu này.

——

Phùng Lam đang gối đầu lên đùi cơ thiếp xinh đẹp, ăn món điểm tâm trứ danh mà quan huyện dâng lên, thoải mái híp mắt.

"Đại nhân ơi, điểm tâm này ngon đến vậy ạ?" Cánh tay như ngọc của cơ thiếp dịu dàng choàng lên vai lão. Cô nàng hờn dỗi: "Đại nhân chẳng chịu nhìn người ta gì cả."

"Tất nhiên là ngon rồi." Phùng Lam cười nói: "Dao Nhi nàng không hiểu cái hay trong đó. Mỗi nguyên liệu làm ra món này đều tiêu tốn ngàn vàng, trải qua ba trăm sáu mươi lăm bước mới ra được một miếng nhỏ cỡ này. Đến Bệ hạ còn chưa được nếm thử kìa."

"Thế thì thiếp cũng muốn nếm thử." Cô nàng kia ngúng nguẩy đòi ăn.

"Đừng rộn, thứ này quý lắm, sao có thể tự tiện để nàng ăn?" Phùng Lam ôm mỹ nhân dịu giọng dỗ dành: "Nhưng nếu nàng khuyên được muội muội của mình đồng ý làm thiếp thất của ta thì đừng nói là miếng điểm tâm nho nhỏ này, ta còn thưởng cho tỷ muội nhà nàng hai khu vườn mà trước đó nàng nói thích. Thế nào?"

"Thiếp không cần khu vườn kia đâu." Nữ tử rúc vào lòng lão yêu kiều nói: "Chẳng hào phóng tẹo nào, thiếp muốn đại nhân thưởng linh lung như ý giống hôm trước đại nhân thưởng cho phu nhân cơ."

"Nàng đó nha. Ấy chính là đồ Thái hậu nương nương ban thưởng, há có thể dễ dàng chuyển cho người khác?" Phùng Lam cười sang sảng: "Lòng tham sợ đã đến mức muốn một cung điện thuộc về nương nương trong hậu cung của Bệ hạ rồi nhỉ?"

"Thiếp..."

"Sao trẫm không biết mấy cung điện kia của mình đáng để người ta thương nhớ đến thế nhỉ?" Một giọng nói rét căm thình lình vọng từ ngoài cửa vào.

Phùng Lam ngạc nhiên giật thót: "Ai đang ở ngoài!?"

Chưa dứt lời, mười mấy ám vệ đã đồng loạt nhảy xuống từ xà nhà. Hai thanh đao sắc lẹm kề cổ Phùng Lam một cách rêu rao. Mỹ thiếp cạnh gã hét lên một tiếng, bị ám vệ gần đó đập chuôi đao cho ngất xỉu.

"Phùng đại nhân." Lương Diệp cười tủm tỉm đi tới trước mặt lão, cầm điểm tâm trên bàn của lão lên, đặt trước mũi ngửi thử: "Thì ra ngươi nghiên cứu kỹ về các món ngon đến vậy sao?"

Nhìn Lương Diệp trước mắt, mặt mũi Phùng Lam trắng bệch. Lão run rẩy muốn xuống giường quỳ nhưng chân đã nhũn như chi chi, chẳng thể nhúc nhích. Lý Mộc ở cạnh thấy thế, nhấc chân sút vào cái bụng tròn của lão: "Thấy Bệ hạ còn chưa hành lễ!"

Phùng Lam bị sút xuống đất, lăn lê bò toài quỳ xuống dập đầu: "Vi... vi thần - Phùng Lam... khấu... khấu, khấu kiến Bệ hạ!"

Lương Diệp đứng khoanh tay trước mặt lão, thong dong cắn một miếng điểm tâm, khó nuốt đến nhíu mày: "Vừa ngọt vừa ngấy. Phùng đại nhân đã lớn tuổi, vẫn nên ăn ít dầu mỡ đi thôi."

Phùng Lam quỳ dưới đất đã run đến nỗi không thốt nổi thành lời. Chẳng mấy chốc, một mùi khai bỗng bốc lên từ giữa hai chân gã. Vậy mà bị dọa sợ đến tiểu ra quần luôn rồi.

Miếng điểm tâm vừa ăn bỗng trở nên tởm lợm. Lương Diệp cầm khăn lau tay, nhìn xuống Phùng Lam quỳ mọp dưới đất run như cầy sấy, cười u ám nói: "Phùng đại nhân sợ sớm ha."

"Đưa đi."

Phủ đệ của Phùng Lam lớn đến bất thường. Vương Điền đi dạo nhỉnh nửa canh giờ rồi mà vẫn chưa dạo hết nửa khoảng viện trước. Bỗng, thấy Lương Diệp sa sầm mặt đi ra, anh hỏi: "Sao thế?"

"Ăn phải thứ bẩn tưởi." Lương Diệp nghe Phùng Lam miêu tả đến tuyệt diệu, kết quả ăn vào chỉ thấy tởm lợm, cứ liên tưởng đến đống thịt mỡ bị dọa đến tiểu ra quần kia.



Khóe môi Vương Điền giật giật: "Ngươi là trẻ con ba tuổi à? Không biết là gì mà cũng dám bỏ vào mồm?"

Lương Diệp khó chịu thử nhe răng với anh. Chưa thử xong, Vương Điền đã nhíu mày sờ bụng hắn: "Đau không?"

Nhìn đến cái tay sờ vào bụng mình, ánh mắt Lương Diệp hơi chững lại. Hắn chầm chậm lắc đầu.

Vương Điền lập tức thu hồi tay một cách vô tình. Anh quan sát cảnh quan đẹp đẽ tinh xảo xung quanh, cảm thán: "Một quan viên ngoài cung như Phùng Lam mà cũng giàu thế này. Rốt cuộc nhà họ Phùng kia giàu có cỡ nào vậy?"

"So với nhà họ Đàm chỉ hơn chứ chẳng kém." Lương Diệp liếm khóe môi, nắm lấy tay anh đặt lên bụng mình.

Mắt Vương Điền sáng rực lên: "Mấy món tịch thu được ở nhà họ Đàm đổ dồn vào lương thảo hết rồi. Quốc khố nhỏ kia của ngươi đã vơi quá nửa, khi về chúng ta hãy lấp đầy nó."

Lương Diệp vui mừng phấn khởi gật đầu.

"Về phần mấy dòng thứ như Phùng Lam... thì cho quay lại điểm xuất phát hết đi." Vương Điền nhíu mày nói: "Tuy nói tạm thời mở kho lương thực nhưng chỉ e bá tánh nhất thời không cầm cự nổi. Thêm vào đó, trên lệnh sao dưới làm vậy, quan viên khắp quận An Hán có quan hệ họ hàng với nhau cả, chưa biết bao nhiêu lương thực sẽ đến được tay bá tánh. Cách trấn áp bằng thân binh của ngươi cũng hữu hiệu, song không phải cách lâu dài. Phải tìm một người tác phong đanh thép ra tọa trấn."

Thực ra anh muốn đích thân lo liệu, tuy nhiên lại không yên tâm để Lương Diệp về Đại Đô một mình.

"Bách Lý Thừa An?" Lương Diệp trầm ngâm một lát, nói: "Mà trẫm muốn giữ y lại Đại Đô để sử dụng."

"Tăng Giới?" Vương Điền ngẫm nghĩ, tiếp đó lại tự phủ nhận đề xuất này: "Tăng Giới khéo đưa đẩy, chỉ sợ không thể nhổ cỏ tận gốc."

Hai người đang rầu rĩ với việc tìm một người coi tiền như rác đứng ra xử lý cục diện rối ren trầy trật chẳng bõ này của An Hán thì Lý Mộc tới bẩm báo: "Thưa chủ tử, đại nhân Hứa Tu Đức xin gặp ạ."

"Hứa Tu Đức?" Lương Diệp ngoảnh mặt nhìn Vương Điền: "Ai đây?"

"Con chuột béo râu cá trê kia." Vương Điền nói nhỏ.

Lương Diệp sực tỉnh ngộ ra: "Ông ta đã quay về từ Đông Thần?"

"Vâng." Lý Mộc gật đầu.

Vương Điền nói: "Hứa Tu Đức này là người tẩm ngẩm giả ngu."

Hứa Tu Đức không vợ con, không gia đình, không tông tộc, có thầy là Yến Trạch. Xưa nay Yến Trạch bất hòa với Biện Thương, lại vì từng chung đảng phái với Thôi Thị nên hai thầy trò nơm nớp lo sợ, cẩn thận dè chừng. Mặc dù Hứa Tu Đức cũng khéo đưa đẩy nhưng lại có giới hạn, vài nhiệm vụ gần đây được giao cho, ông ta đều hoàn thành khá tốt.

Một lát sau, Hứa Tu Đức ưỡn cái bụng đã gầy đi hai ngấn của mình tung tăng chạy vào. Người chưa thấy đâu mà tiếng đã tới trước. Ông ta khóc lóc rền rĩ như thể mình là huynh đệ ruột không gặp nhiều năm của Lương Diệp: "Bệ hạ ơi... Bệ hạ à... Cuối cùng lão thần cũng sống sót trở về gặp ngài được rồi!"

Ông ta quỳ xuống, mái tóc đã bạc hẳn đi, mắt ngấn lệ thưa: "Thần - Hứa Tu Đức may mắn không hổ thẹn với sứ mệnh. Hoàng đế Đông Thần đã đồng ý thông thương với Đại Lương chúng ta!"

Nói xong còn cố tình triển lãm cánh tay gãy đang được nẹp treo trước ngực của mình: "Thần trải qua cửu tử nhất sinh, thần không sợ gian khó hiểm nguy, thần..."

"Vi thần khấu kiến bệ hạ, khấu kiến Đan Dương Vương." Trước ánh mắt chê ghét của Lương Diệp, Văn Ngọc dứt khoát cắt ngang bài ca than khổ của Hứa Tu Đức: "Hôm trước, lúc xuống xe ngựa, Hứa đại nhân bị bụng mình làm vướng, không may ngã một cú gãy tay."

Vương Điền nhịn cười quay mặt đi. Hứa Tu Đức cười ngại ngùng với Lương Diệp, lấy lòng: "Dạ vâng, đúng là vậy ạ. May nhờ sự bảo vệ của Bệ hạ, lão thần mới thoát nạn trong gang tấc, không bị gãy nốt cánh tay còn lại."

"Hứa đại nhân vất vả rồi." Lương Diệp chủ động vươn tay đỡ ông ta dậy.

Hứa Tu Đức nhất thời vừa mừng vừa lo, lắc đầu nguầy nguậy: "Không vất vả, không vất vả đâu ạ! San sẻ ưu tư với Bệ hạ là trách nhiệm của lão thần!"

"Có những lời này của ái khanh thì trẫm yên tâm rồi." Lương Diệp nhếch môi cười với ông ta.

Hứa Tu Đức bị nụ cười khiến người ta khiếp vía của hắn dọa sợ, nhìn sang Vương Điền cầu cứu.

Vương Điền vỗ vai ông ta, nói lời sâu sắc: "Tuy Hứa đại nhân đi chậm nhưng lại tới rất đúng lúc."

Chẳng phải tìm được người coi tiền như rác rồi đây sao.