Đăng tối đó trằn trọc mãi không ngủ vì câu nói của tôi. Gần 12 giờ đêm gọi điện đến chất vấn. Tôi đang mơ màng trong cơn buồn ngủ, mắt lim dim nheo lại vì ánh sáng lé loi hắt ra từ chiếc điện thoại trong căn phòng tối đen như mực.
"Tại sao em lại nói thế? Anh làm gì sai à?" Đăng bức xúc.
Tôi một hồi không hiểu anh nói gì. Lúc sau mới tự "à" lên một tiếng trong đầu.
"Có phải tối hôm đấy anh đứng trước nhà em đến gần sáng không? Em nghe Hải Anh nói rồi. Đừng chối." Tôi nghiêm giọng trách móc. Vốn dĩ không muốn nhắc lại, nhưng tự tên này tìm đến kiếm việc cho tôi nói.
"À..." Đăng kéo dài giọng, dường như không biết nên nói gì tiếp theo. Sau vài giây suy nghĩ cẩn thận, anh mới thốt ra được một câu: "Đúng vậy."
"Chỉ vậy thôi à?"
"Ai bảo mấy ngày liền không được gặp em. Đã thế, nhắn cho em em cũng không quan tâm. Ngày nào em cũng thức khuya như vậy, không lo sao được?" Đăng tuôn một tràng dài.
Lúc này, cơn giận trước kia của tôi tự dưng bay mất sạch, chỉ muốn ôm chặt lấy người đang nói những lời cảm động này với tôi. Hoàng Hải Đăng là người quyết đoán, yêu được, làm được. Nhưng một khi anh cảm thấy người anh yêu không xứng, thì yêu đến mấy, anh cũng bỏ được...
Tôi tự nghĩ, bản thân đã làm gì được cho anh chưa? Đã làm gì để xứng với tình yêu mà anh dành cho tôi chưa?
Giữa đêm đông, vài lời nói đã sưởi ấm trái tim tôi trong giây lát. Tôi mỉm cười: "Đêm 30 đi chơi nhé?"
Đăng hớn hở, đáp: "Thật à? Đi chơi đêm được thật á?"
"Đương nhiên là không. Mình đi đến tầm 11 giờ thôi nhé. Em muốn đón giao thừa ở nhà." Đây là dịp Tết đầu tiên sau hàng chục năm mà tôi mới có cảm giác gia đình đầy đủ quây quần bên nhau là như thế nào. Tôi nhớ hương vị quen thuộc tràn đầy yêu thương ấy.
****
28 Tết. Cả nhà đang tất bật chuẩn bị nguyên liệu gói bánh chưng. Tôi bê một chồng lá dong từ tầng bếp phía dưới lên trên phòng khách. Anh Huy từ dưới nhà gào vọng lên:
"Hân mang khăn để lau lá lên chưa?"
Tôi vừa đặt được đống lá xuống, vươn vai trả lời: "Em chưa. Anh đem hai cái lên đi."
Bố và mẹ đi đằng sau, mỗi người bê một thùng gạo, một thùng đỗ đã chín. Minh Huy chạy lên, lẹp bẹp dép ở cầu thang, ném cho tôi một chiếc khăn. Anh đặt hộp thịt lợn đã được ướp từ chiều xuống chiếu, rồi ngồi xuống. Mẹ đang dỡ dây chồng lá dong, đôi bàn tay liến thoắng nhanh nhẹn chia đều chỗ lá cho anh em tôi.
Bố để một chiếc khuôn trước mặt mẹ, rồi bảo: "Hai đứa này lớn rồi, tập gói bánh đi. Năm nào cũng thấy ngồi lau lá."
Tôi bĩu môi: "Bố bảo anh Huy gói đi. Lớn đầu rồi."
Mẹ bắt đầu xắn tay vào làm sau khi nhận được tấm lá đã cắt mà anh tôi đặt xuống.
"Làm đi. Anh nó vừa lau vừa cắt được mấy cái lá rồi đấy."
Minh Huy đưa nhẹ ánh mắt khinh khỉnh lên nhìn tôi. Tôi không phục, vài cái bánh chưng, tôi đã từng gói thử rồi. Chỉ là, những năm Tết mà tôi trải qua gần nhất trong trí nhớ thì không có được gói. Tôi lóng ngóng, đưa từng chiếc lá vào khuôn theo lời hướng dẫn của bố.
"Nào, đổ gạo dày vào."
"Cho nhiều thịt thế, bỏ bớt ra đi."
"Quấn chặt dây vào con ơi."
Bố ngán ngẩm nhìn tôi. Sau 20 phút vật lộn, cuối cùng thành phẩm đầu tiên của tôi cũng đã hoàn thành. Chiếc bánh chưng vuông vức không được chắc chắn lắm do có thể bung ra bất cứ lúc nào được đặt lên chồng bánh.
Mới 20 phút mà đã được 10 cái rồi, bố mẹ tôi cũng năng suất quá. Tôi đành quay về lau lá với Minh Huy, một mình anh không đủ công suất để phục vụ cho hai chiếc máy sản xuất bánh chưng này.
Gói xong đương nhiên là sẽ đến mục chất bánh lên bếp. 8 giờ tối, cả nhà quây quanh ngọn lửa đang hừng hực cháy, bố và anh thay phiên nhau thổi lửa, thêm củi, quạt bếp. Tôi và mẹ được nhường cho chỗ cùng hướng gió để tránh khói, ôm nhau hơ lửa cho ấm.
Chúng tôi cùng nhau nói những chuyện trên trời dưới đất, thỉnh thoảng lại cười khanh khách vì những câu nói đùa của tôi. Phần lớn đều là câu chuyện trẻ con đốp trả nhau của tôi và anh, còn bố mẹ thì nhẹ nhàng ngồi nhìn những đứa con của mình. Tôi dám chắc rằng đây là thời gian hạnh phúc nhất kể từ khi ấy...
Trời đông không lấy một gợn mây, ánh sao lấp lánh bên cạnh mặt trăng chiếu sáng một góc sân nhà. Gia đình nhỏ ấm cúng đang trải qua một cái Tết bình yên, không chút sóng gió. Tôi ước rằng, những ngày tháng này sẽ mãi ở đây, ngay bên cạnh tôi, cho dù có phải trả giá đắt đến mấy để mua được những khoảnh khắc này...
Sáng 29. Cả nhà tôi lên nhà ông nội để ăn tất niên.
Tôi xách túi bánh chưng hôm qua làm đến để thắp hương. Rồi ra ngoài chơi với mấy đứa em. Ăn xong thì có chuyên mục phát tiền lì xì và tiền thưởng học sinh giỏi năm cũ cho các cháu. Gia đình tôi con đàn cháu đống. Các cháu phải xếp hàng ra đến tận cửa, còn ông ngồi trên ghế, đếm từng tờ tiền một cách chậm rãi.
Ông năm nay đã ngoài 80, nhưng vẫn còn vô cùng minh mẫn và mạnh khỏe. Ngày ngày đạp xe đi bộ vòng quanh cho tới khi thấm mệt. Ông thường nói: "Tập thể dục, nâng cao sức khỏe mỗi ngày vì không biết là ông còn sống được đến ngày nào để nhìn chúng mày trưởng thành."
Tôi, giống như người đến từ tương lai, không dám nói đến chuyện nhiều năm sau đó. Quá khứ thay đổi rồi, và tương lai cũng thế.
"Chúc ông năm mới vui vẻ, mạnh khỏe, sống lâu ngàn tuổi ạ." Tôi bước lên trên một bước, đứng đối diện với ông. Chúc xong liền cười khì khì và chìa tay ra.
Ông đặt một tờ tiền vào tay tôi: "Con bé này, ngàn tuổi thì thành lão yêu tinh à?" Vì tôi là đứa cháu lớn cuối cùng còn đi học nên số lượng phát lì xì đến đây là hết.
Tưởng chừng là như vậy. Bỗng có một lực đẩy phía sau, hất tôi ra khỏi hàng.
"Ông đừng nghe con này nói linh tinh. Chúc ông trăm năm mạnh khỏe hạnh phúc ạ." Minh Huy cúi người, chìa hai tay.
Tôi đá vào mông anh một cái, chen miệng vào: "Anh chúc đám cưới đấy à? Hết tuổi rồi còn vào xếp hàng làm gì?"
Anh phủi chỗ vừa bị tác động vật lí, không thèm đếm xỉa tới lời tôi nói, tay rút ra phong bao đỏ trong túi, hai tay dúi vào tay ông.
"Năm mới chúc ông nhiều sức khỏe ạ. Đây là chút quà biếu ông, cháu năm đầu đi làm có lương rồi đây ạ."
Ông bất ngờ, hai khóe mắt nhíu lại, nếp nhăn trên mặt xuất hiện nhiều hơn, cười sảng khoái:
"Ôi chao, thằng cháu đít tôn ngày nào còn bám cổ ông không chịu đi học mẫu giáo, cuối cùng cũng làm ra tiền để biểu ông rồi."
Ông nội luôn chấp niệm nhớ mãi cái vụ anh tôi năm 4 tuổi mãi không chịu đi nhà trẻ, nằng nặc đòi ở nhà, bám cổ ông không chịu buông, cô giáo phải tách ra mãi.
Minh Huy bị nhắc lại vụ việc xấu hổ, liền lảng sang chủ đề khác, rẽ sang bàn bên cạnh biếu một phong bao như vậy cho bà nội. Bà cười còn to hơn ông. Thằng cháu quý tử từ nhỏ đã được bà chăm mà.
Tôi lại gần, chìa tay trước mặt anh. Minh Huy mặt không cảm xúc, lấy tay đập bộp một cái vào bàn tay đang xòe ra của tôi.
Chuyên mục được mong chờ nhất trong buổi tất niên ngày hôm nay đã đến rồi đây. Sau khi ăn trưa xong, ai về nhà nấy nghỉ ngơi, buổi chiều 3h lại tập trung tại nhà ông nội để chụp ảnh gia đình.
Bố tôi là người đi thuê thợ chụp ảnh, nghe nói là người quen bên chỗ công tác. Đây là năm mọi người về quê vô cùng đầy đủ. Ai nấy cũng có mặt, xúng xính váy áo, nô nức tiếng cười. Mấy bé gái em họ tôi mặc váy hồng, đi giày búp bê chạy loăng quăng đuổi nhau trong sân. Tiếng cười khanh khách của lũ trẻ làm tôi cảm thấy bình yên đến lạ.
Các mẹ diện áo dài, đủ màu sắc lộng lẫy. Bình thường mẹ tôi ít khi trang điểm, hôm nay liền tô son điểm phấn một chút trông thật tươi tắn và rạng ngời.
Từ khi bố đi, tôi đã lâu không còn được nhìn thấy mẹ trong dáng vẻ tươi trẻ, vui vẻ, tràn đầy hạnh phúc như vậy.
Các chú các bác cùng bố tôi diện vest lịch lãm đứng đợi chị em phụ nữ từ khá lâu rồi. Anh tôi thì, một màu chán ngắt.
"Sao anh không mặc cái gì trông trưởng thành lên chút?" Tôi kéo tay áo hoodie của anh, lộ rõ vẻ chán nản.
"Con nhóc hôm nay bày đặt mặc váy sao?" Anh liếc tôi khinh khỉnh.
"Gì? Ai chẳng muốn lên hình được lung linh. Bình thường em vốn đã xinh xắn như thế rồi."
"Nào, mọi người lại đây xếp hàng nào." Chú thợ chụp khua tay.
Ông bà tôi đương nhiên là bậc cao nhất, ngồi hàng ghế đầu, trên tay cầm bó hoa to. Đứng bên cạnh là tôi và các em họ của tôi. Hàng đằng sau là các mẹ. Sau nữa là cánh đàn ông con trai cao to nên đứng cuối cùng.
"Nào cả nhà mình nhìn vào máy ảnh nha."
"Hai ba, cười."
Tách. Những tấm hình đẹp đẽ nhất vừa được ra đời. Bố tôi liên hệ bác thợ nhanh chóng rửa ảnh và in ảnh đóng khung. Treo ở nhà ông hai tấm. Một tấm to chà bá có cả đại gia đình treo trên tường. Một tấm là hai ông bà chụp chung được để trong tủ kính.
Nhà tôi cũng chụp riêng được hai tấm. Bố hân hoan phấn khởi treo ngay ở phòng khác. Không những vậy, bố còn bảo tôi giúp ông đặt ảnh đại diện Facebook là ảnh gia đình nữa.
Tất cả những điều này, tôi được trải qua lần hai. Cảm xúc dâng trào còn mãnh liệt gấp vạn lần. Tôi lặng lẽ lau đi giọt nước mắt trực trào ra.
Sáng 30. Tôi cùng mẹ đi chợ sắm đồ để tối làm cơm.
Minh Huy và bố thì cùng tỉa tót trang trí cho chậu hoa đào trước cửa nhà. Chậu hoa này là Minh Huy cố ý đặt trước vì biết bố thích hoa, thích cây, nên anh quyết định phải chọn một chậu thật to, thật sang, dáng cây phải trông thật nghệ thì mới được.
Lúc người ta chở cây đến nhà có hơi muộn vào sáng 30, nhưng cũng không uổng công anh tôi giấu mãi cùng một số mưu kế nhất quyết ngăn cản không cho bố đi mua trước.
Bố tôi bất ngờ lắm. Ông cứ ngắm nghía trang trí cho chậu hoa mãi thôi. Hoa đào nở kín cả cây. Bố chăng thêm vài sợi kim tuyến cùng đèn nháy.
"Cắm điện vào đi con." Bố nói vọng vào trong nhà.
Minh Huy đợi sẵn trước ổ điện, chỉ chờ bố gọi là cắm ổ ngay. Nguồn điện được kết nối, ánh đèn nhấp nháy lấp lánh đầy đủ sắc màu, chiếu lên kim tuyến óng a óng ánh càng đẹp hơn bao giờ hết.
Chợ Tết ngày 30 đông đúc chẳng kém gì các ngày chợ chính. Những hàng cây đào, cây quất, cây mai vẫn chất đầy trên vỉa hè. Người người tấp nập mua sắm những vật dụng cần thiết.
Tôi cùng mẹ đi mua một ít tiền vàng, một ít bánh kẹo và nguyên liệu để làm bữa tối thật thịnh soạn.
Lúc về, tôi vô thức nhìn vào nhà cũ của Đăng ở bên đường. Bây giờ được bên khác mua lại để làm cửa hàng quần áo. Bỗng dưng tôi vừa nhớ ra một chuyện vừa đau vừa buồn cười.
Tôi hồi lớp 10, có thói quen đi qua nhà cũ của Đăng, hồi ấy Đăng chưa chuyển đi như hiện tại. Một buổi chiều mưa gió, tôi có lịch sinh hoạt ngoại khóa an toàn giao thông ở trường. Vì đi muộn mà tôi phóng như bay, đến cửa nhà Đăng cũng không quên ngoảnh đầu sang nhìn. Và thế là, chiếc xe điện phóng nhanh không kịp phanh gấp, đâm sầm vào người đối diện đang sang đường. Một buổi học an toàn giao thông, nhưng tôi lại bị tai nạn.
May mắn thay, tôi không bị nặng, chỉ xước xát tay chân và người kia cũng vậy.
Hoàng Hải Đăng cùng Hải Anh cuốn gói lên Hà Nội ăn Tết cùng với gia đình từ hôm qua. Tôi nghe anh nói như vậy. Chuyện gia đình của Đăng vẫn là một ẩn số mà tôi chẳng thể hiểu nổi.