Ta Không Làm Thiếp

Chương 76: Mưa gió sắp đến


Sớm hôm sau, Bùi Thận tập võ xong rồi sang thư phòng xử lý việc công. Đến giờ ngọ, Trần Tùng Mặc gõ cửa bước vào.

Bùi Thận đang đọc bản tấu của Tri phủ Võ Xương, chưa ngẩng đầu lên mà hỏi: “Lấy được bao nhiêu lương thực?”

Trần Tùng Mặc khom lưng đáp: “Bẩm Gia, ba thương nhân buôn lương lớn nhất toàn bộ Hồ Quảng gồm Lý Tâm Viễn, Triệu Lập, Thẩm nương tử. Ba nhà này trước mặt Tuần phủ Hồ Quảng mỗi người quyên góp hai trăm thạch. Các thương nhân buôn lương lớn nhỏ khác mỗi người quyên mấy chục thạch.”

Giọng Bùi Thận nhàn nhạt: “Vậy sau lưng thì sao?”

“Theo lời Lê Tuần phủ, cả ba người này đều lén tìm ông ta. Thẩm nương tử nộp hai vạn thạch, Lý gia ba ngàn thạch, Triệu gia hai ngàn thạch. Ngoài ra có hai tiểu thương khác cũng âm thầm nộp lên một ngàn thạch.”

Người thông minh đâu chỉ mỗi mình Thẩm Lan.

Bùi Thận đối với việc này không hề có chút bất ngờ nào. Ngoài mặt đám buôn lương đều nộp mấy trăm thạch cho đủ số, đằng sau lại lặng lẽ lấy lòng Tuần phủ. Hoặc nói đúng hơn là, lấy lòng người đứng sau Lê Đại Dụng: Bùi Thận. 

Điều duy nhất khiến Bùi Thận ngạc nhiên đó là: “Vị Thẩm nương tử này sao nộp nhiều vậy?”

Trần Tùng Mặc nhớ lại lời giải thích của Lê Đại Dụng: “Thẩm nương tử vốn họ Thẩm, thừa kế gia sản trong nhà rồi kén rể. Ngặt nỗi sáu năm trước gặp giặc Oa nên phải theo người thân chạy nạn từ Hàng Châu tới Hồ Quảng. Trên đường người chồng bất hạnh qua đời, Thẩm nương tử cứ thế lẻ loi một mình nuôi nấng con trai đồng thời đứng ra cáng đáng gia nghiệp.”

Bùi Thận gật đầu, cũng chẳng mấy bận tâm. Y sẽ không thất lễ tới mức đi hỏi tên thời con gái của một phụ nhân là gì. Huống hồ dù y có hỏi, Trần Tùng Mặc đại khái cũng không đáp được. Bởi vì nếu muốn điều tra nghe ngóng tên họ của một nữ nhân thì chỉ có thể đi dò hỏi cha mẹ, hoặc chồng hoặc những người cực kì thân cận.

Bùi Thận nếu khiến người đi hỏi nữ quyến nhà người khác tên gì, không chỉ là hành vi hết sức ngả ngớn, mà còn khó tránh vướng vào những lời đồn đại linh tinh. Đặc biệt người kia còn góa chồng, nếu để lan truyền ra thì khó nghe quá.

“Theo lời Lê Tuần phủ, vị Thẩm nương tử này ở Hồ Quảng có tiếng là nhà hảo tâm. Từng dẫn theo đội thuyền đi khắp nơi cứu người trong cảnh lũ, mở sạp cứu tế, bình ổn giá gạo. Bá tánh Hồ Quảng hết mực kính trọng nàng.”

Nếu là nhà hảo tâm, nộp hai vạn thạch cũng không có gì lạ. Có lẽ chỉ mong y có thể sớm ngày dẹp sạch hải tặc, trả lại yên bình cho Hồ Quảng mà thôi.

Thấy Bùi Thận không đáp, Trần Tùng Mặc lại nói: “Thưa Gia, hôm nay tất cả thương nhân buôn lương lớn nhỏ đều tụ tập ở Phủ Tuần phủ, chỉ độc mỗi Thẩm nương tử vắng mặt.”

Bùi Thận nhíu mày, ngắt lời Trần Tùng Mặc: “Vậy hai vạn thạch này có một nửa là để tạ tội với Lê Đại Dụng.”

Trần Tùng Mặc gật đầu: “Người thay mặt đến là chưởng quầy của cửa hàng Thẩm thị, bẩm rằng bà chủ hôm Thanh Minh tế bái vong phu, bi thống quá độ mà nhiễm phong hàn, sốt cao không dậy nổi.”

Bùi Thận gật đầu ý bảo đã biết. Nếu nói như vậy, Thẩm nương tử này nộp nhiều thế cũng bình thường. Một là thương người, hai là tạ lỗi, ba là đàn bà con gái không dễ có chỗ đứng trong xã hội, hơn nữa nàng lại còn là quả phụ, có lẽ muốn mượn cơ hội này để lấy lòng Tuần phủ mong tìm một chỗ dựa.

Nếu nhìn nhận như thế này, nàng ngược lại có vẻ hết sức quyết đoán.

“Hai nhà còn lại thì sao?” Bùi Thận nhàn nhạt hỏi: “Có làm chuyện gì bất hợp pháp?”

“Có.” Trần Tùng Mặc thấp giọng đáp: “Lý gia là gia tộc lớn ở Hồ Quảng, tới nay cũng đã trăm năm, liên hôn rất nhiều. Gia đình vốn nắm trong tay ruộng đất bạt ngàn, nếu tính cả ruộng đất được hiến thì ước chừng hơn vạn khoảnh. Năm đó Thiệu hòa thượng đánh tới, chi của Lý gia chủ bị giết đến mức suy tàn. Sau khi Thiệu hòa thượng đi Tứ Xuyên, bị Gia dẹp xong, các chi phụ của Lý gia lại xâm chiếm ruộng đất khắp nơi, rồi bắt đầu buôn bán gạo thóc. Trước đó vài ngày còn phát tiền cho vay nặng lãi, hồi sau có tá điền vây tới cửa hỏi cho ra nhẽ, vài người bị mấy tên nô bộc hung hãn của Lý gia đánh chết.”

Thần sắc Bùi Thận lạnh lùng, chậm rãi nói: “Truyền tin đồn ra, nói rằng Lý gia giàu có bậc nhất ở đất Hồ Quảng này.” 

Trần Tùng Mặc nghĩ thầm Lý gia có lẽ cũng không ngờ lại có người nộp nhiều lương thực hơn bọn họ. Đặt bên cạnh hai vạn thạch của Thẩm nương tử, ba ngàn thạch kia của Lý gia bỗng trở nên hết sức qua loa lấy lệ. Thêm chi ngày thường lại làm những việc áp bức dân lành, tùy ý giết hại người khác, cho nên lúc này mới trở thành con gà để Gia giết gà dọa khỉ.

“Gia, vậy chúng ta có cần phái ra vài tên hải tặc?” Trần Tùng Mặc hỏi. Lý gia nếu có tiếng giàu nhất Hồ Quảng, chuyện “Hải tặc” mò tới cửa cũng chẳng có gì lạ.

Bùi Thận lắc đầu: “Không cần. Mấy ngày nữa, Khoáng Giám Thuế Sứ sẽ tới.” Hoàng đế phái thái giám tới, danh nghĩa là giám sát mỏ, quặng. Nhưng trên thực tế là để gom tiền, bọn chúng tất nhiên sẽ mò tới đám phú hộ đầu tiên.

Trần Tùng Mặc nhịn không được nói: “Sao lại tới vào lúc này chứ?”

Vẻ mặt Bùi Thận lạnh lẽo. Thiên hạ đã loạn đến mức này, làm Hoàng đế không lo tìm cách để dân chúng nghỉ ngơi lấy lại sức, lại dám tùy tiện gom tiền, coi bá tánh như thịt cá, không hề có chút e sợ sẽ gây nên bạo loạn trong dân.

Thấy mặt mày y rét lạnh, Trần Tùng Mặc thì thầm: “Gia, có cần ngăn lại không?” Hoặc là cứ thế chém chết bọn chúng cho xong.

Bùi Thận lắc đầu: “Không ngăn nổi.” Khoáng Giám Thuế Sứ – Vương Bổng tuy là đến gom tiền, cũng khó mà nói không ngầm lãnh thêm chỉ dụ giám sát binh lính.



Hai cha con y tay nắm trọng binh, lúc chiến loạn, Hoàng đế cậy nhờ bọn họ. Nhưng đợi lúc thiên hạ hơi yên ổn, Hoàng đế lại cảm thấy không an lòng, vắt óc nghĩ cách lấy lại binh quyền từ tay y. Nếu y ngăn cản, chẳng phải chứng tỏ mình là kẻ lòng muông dạ thú, không biết tôn trọng chủ thượng?

Huống hồ lúc này đã khác năm đó ở Dương Châu y tiễn Đương đầu của Đông Xưởng là Hứa Ích đi. Lúc đó còn có Cẩm Y Vệ bên cạnh nhìn chằm chằm, Hứa Ích không dám làm càn quá mức.

Mà Vương Bổng này đến vốn chính là để kìm kẹp y. Bùi Thận không những không thể hành động gì nhiều, chưa biết chừng sẽ còn bị ép phải tiếp tay cho việc ác.

Nghĩ đến đây, Bùi Thận ra lệnh: “Gọi Thạch Kinh Luân tới.”

……

Mấy ngày sau, Khoáng Giám Thuế Sứ  – Vương Bổng đúng hạn tới nơi.

Vừa đến Hồ Quảng, Vương Bổng mặc bộ trung y đỏ nhạt, khoác áo mãng bào, đầu đội mũ cánh chuồn gắn ngọc, nghênh ngang tiến vào bái kiến Tổng đốc Xuyên Hồ – Bùi Thận, há mồm đã vòi vĩnh: “Mời Bùi đại nhân lập tức phái cho ta ba ngàn nhân mã để khai thác quặng Thanh Sơn.”

Con chó con mèo từ đâu tới cũng dám há mồm đòi ba ngàn người trong tay y?

Bùi Thận cười lạnh trong lòng, ngoài miệng lại ôn tồn nói: “Vương đại đang, không phải ta không muốn, chỉ là làm thợ mỏ thật sự quá khổ, đa phần là để những kẻ tù tội tới làm. Binh lính trong tay ta đều là lương dân cả, sao có thể phái đi khai thác mỏ được?”

Vương Bổng phảng như nghe không hiểu lời chối từ của Bùi Thận, cười khanh khách đáp: “Tất nhiên không phải dùng người để khai thác mỏ rồi. Làm thế khác nào vác dao mổ trâu đi giết con gà?”

Bùi Thận ra vẻ khó hiểu: “Thế Vương đại đang ý muốn ra sao?”

Dĩ nhiên là muốn lấy binh mã để chinh thêm thuế, đi điều tra phú hộ, lại làm âm thầm làm vài việc tư khác.

Vương Bổng vờ vịt thở dài một tiếng: “Những năm gần đây, quốc triều rung chuyển không yên. Mắt thấy quốc khố ngày một trống rỗng, Bệ hạ lo lắng nôn nao, nửa đêm trằn trọc vỗ gối. Tạp gia nhìn trong mắt, lo trong lòng. Khó khăn mới có cách là khai thác mỏ, tạp gia tất nhiên phải thay Bệ hạ phân ưu.”

Giọng điệu ca thán của hắn khiến Bùi Thận cảm thấy tức cười. Hễ là có một phần mười chỗ bạc vơ vét này được sung làm công quỹ mà không phải rơi vào túi riêng của Hoàng đế, hoặc là bị ban cho lũ con nuôi của hắn, cũng đã may mắn lắm rồi.

“Vương đại đang nói đúng lắm. Bệ hạ giấc đêm khó yên, chúng ta làm thần tử của ngài, sao có thể không biết phân ưu thay Bệ hạ?” Nói đoạn, Bùi Thận lệnh cho Trần Tùng Mặc đứng cạnh: “Lấy hai bình cá bạc chim vàng cùng một cân gạo thơm tới đây.”

Hai bình cá bạc chim vàng thực ra chính là vàng thật. Mà một cân gạo thơm chính là một hộp ngọc trai Đông Bắc.

Trong hai mươi Khoáng Giám Thuế Sứ được phái ra lần này, Vương Bổng là có chức quan thấp nhất, một tên Ngự Mã Giám Phụng Ngự lục phẩm nhỏ nhoi mà thôi. Hắn chưa từng gặp nhiều thứ xa xỉ như vậy, cẩn thận vuốt ve từng đĩnh vàng, còn cầm ngọc trai soi dưới nắng để xem màu sắc.

Bùi Thận không hề biến sắc, chỉ cười nhạt hớp ngụm trà.

Vương Bổng tỉ mỉ ngắm nghía nửa ngày trời, gương mặt cười đến độ hằn đầy nếp nhăn: “Chỗ này đều là tấm lòng của Bùi đại nhân cả. Tạp gia nhất định sẽ đem về cho Bệ hạ.”

Bùi Thận liếc nhìn những đĩnh vàng cùng ngọc trai trước mặt, nhủ thầm nếu có một phần trong đống này đưa được tới tay Hoàng đế, Vương Bổng cũng đã tính là bầy tôi trung thành rồi.

Bùi Thận gật đầu: “Vậy đa tạ Vương đại đang.”

Vương Bổng được hối lộ mà vô cùng cao hứng: “Vậy tạp gia không quấy rầy Bùi đại nhân thêm nữa.” Dứt lời, Vương Bổng lệnh cho mấy tiểu thái giám dưới trướng cầm đồ rồi cáo từ rời đi, không còn mảy may nhắc gì đến chuyện mượn binh hay khai thác mỏ nữa.

Bùi Thận biết, mà tự bản thân Vương Bổng cũng biết. Nếu hắn có năng lực chỉ bằng dăm ba câu đã có thể khiến Bùi Thận đồng ý cho mượn binh lính trong tay, hắn sớm đã bò lên thành thái giám cầm bút rồi.

Chuyến này tới chẳng qua là để đòi hối lộ, lại thử xem thái độ của Bùi Thận đối với việc tăng chinh thuế má như thế nào. Ba nữa là cũng nhắc nhở Bùi Thận tốt hơn hết cứ hãy sống chết mặc bây.

“À đúng rồi.” Vương Bổng đi được vài bước, bỗng quay đầu cười nói: “Giặc cướp ở hồ Động Đình tràn lan, việc này chớ nên chậm trễ. Bùi đại nhân hãy mau chóng tới Tương Dương dẹp cướp đi thôi.” Ngoan ngoãn chừa Võ Xương này lại cho hắn. 

Dứt lời, hắn cười to cất bước rời đi.

Bùi Thận chưa nói gì, Lâm Bỉnh Trung đứng hầu bên cạnh đã nắm chặt hai đấm, bừng bừng lửa giận.

Chờ Vương Bổng vừa đi khuất, Lâm Bỉnh Trung cả giận nói:” Thứ chó má đâu ra! Dám cả gan càn quấy như vậy!”



Thạch Kinh Luân đứng sau tấm bình phong bằng đá Kỳ Dương khắc lá trúc khảm mã não, thấp giọng nói: “Đại nhân, tên này vừa đắc thế đã ngang ngược xằng bậy như vậy. Có cần dạy dỗ hắn một phen?”

Bùi Thận không đáp mà nghiêng đầu nhìn ra ngoài. Bên bậu cửa sổ sắc trời xám xịt, gió lốc bắt đầu thổi vù vù, làm dạt hết những cành cây ngọn cỏ khiến cả mái đình chỉ độc một vẻ tiêu điều xơ xác.

Lúc bấy giờ, Thẩm Lan cũng đang cùng những cộng sự của mình là Cốc Trọng, Trương Đông, Bành Hoằng Nghiệp, Cung Trụ Tử bàn bạc về chuyện Vương Bổng đến Hồ Quảng.

Cốc Trọng lo lắng sốt ruột: “Biết làm sao mới phải đây? Hay là tìm những người buôn lương khác thương lượng?” Gặp những chuyện thế này, đông người vẫn tốt hơn.

Thẩm Lan lắc đầu: “Chúng ta là dân, đấu không lại quan.” Hiện nay chỉ mong phí bảo kê hai vạn thạch mà nàng nộp lên có thể phát huy tác dụng. Có thể phù hộ được Thẩm Lan cùng những bá tánh phụ thuộc nàng, để mọi người bình an vô sự vượt qua trận sóng gió mang tên Khoáng Giám Thuế Sứ này.

“Nếu chúng ta ngăn không được, vậy thì trốn.” Trương Đông hấp tấp nói: “Phu nhân, trên đảo ở hồ Động Đình giấu ước chừng năm nghìn thạch gạo thóc, có cần chạy vào đó tránh hay không?”

Cung Trụ Tử liên tục gật đầu, lại phẫn hận nói: “Triều đình đã không phải lần đầu tiên phái Khoáng Giám Thuế Sứ xuống. Lũ thái giám cũng chẳng phải thứ tốt lành gì! Thu thêm thuế cửa hàng, thuế cá, thuế quặng. Những nơi bọn chúng quét qua, bá tánh đều cửa nát nhà tan.”

Thẩm Lan lắc đầu, vẻ mặt nghiêm nghị: “Lần này Khoáng Giám Thuế Sứ có mặt ở khắp các phủ, trốn đâu cũng không được. Ngược lại, chúng ta làm ăn trên đất Võ Xương này ít nhiều cũng đã được sáu năm, nếu ở tại đây chưa biết chừng còn có thể phản kháng.”

“Thứ hai, ta không dự tiệc ở Phủ Tuần phủ lấy lý do là vì ngã bệnh, cho nên càng không thể nhân lúc này trốn vào hồ Động Đình được.” Nếu không, không dự tiệc nổi mà lại có thể tới được hồ Động Đình cách đây hơn trăm dặm, khác nào tát vào mặt Tuần phủ Lê Đại Dụng. Chưa kịp chờ Vương Bổng mò tới, đã trước tiên rước phải Lê Đại Dụng.

Nghe nàng nói vậy, Cốc Trọng không khỏi nghi hoặc: “Nhắc mới nhớ, phu nhân ngày đó vì sao lại không đi dự tiệc?”

Tất nhiên là bởi sợ Bùi Thận cũng có mặt ở đó chứ sao. Thẩm Lan bình tĩnh đáp: “Nghe nói mấy ngày trước đó, tam đệ của Tri phủ Võ Xương mới vừa tặng vài cô nương cho Lê Đại Dụng. Một người góa chồng như ta, không tiện dính líu đến những kẻ ham mê sắc dục như thế.”

Thì ra là thế, Cốc Trọng thở dài một tiếng. Ông chỉ có một đứa cháu gái, cũng coi Thẩm Lan như con gái mình, bèn mở miệng khuyên nhủ: “Phu nhân còn trẻ, hà cớ chi cứ ở vậy mãi.”

Thẩm Lan không muốn gạt ý tốt của ông, chỉ mỉm cười lắc đầu.

Thấy khuyên nàng không được, Cốc Trọng lại nói: “Nếu thế, có cần đưa Triều Sinh ra hồ Động Đình ẩn nấp không?”

Bành Hoằng Nghiệp, Cung Trụ Tử đứng cạnh cũng gật gù. 

Thẩm Lan lắc đầu: “Triều Sinh mới có năm tuổi, lại là bé trai, sẽ không sao đâu.” Lại nói: “Tá điền, nhà đò, tiểu nhị trong tiệm gạo dưới trướng chúng ta, hễ là trong nhà có nữ quyến, bất kể xấu đẹp đều dặn họ giấu cho thật kỹ, những ngày sắp tới đừng ra ngoài. Dù có muốn đi chợ mua thức ăn cũng nên bảo đàn ông đi.”

Đừng thấy thái giám đã bị tiệt đường sinh dục, chuyện gian dâm vợ con người khác vẫn đầy ra nhan nhản, cấm mãi không hết. Lại thêm thủ hạ dưới trướng toàn chiêu mộ những hạng ác ôn, cướp bóc khắp nơi, gian dâm phụ nữ. Mà kết cục của những nạn nhân thường thường là phải tự sát.

Mọi người gật đầu, Thẩm Lan lại nói: “Sắp tới phát lương tháng gấp ba lần, các cửa hàng bán gạo phải lưu ý phái tiểu nhị đi tuần. Nếu tới cuối năm mà cửa hàng nào không phát sinh rủi ro thì sẽ nhận được khoản bạc thưởng thêm.”

Trương Đông và Cốc Trọng đồng thanh đáp lời.

Tiếp đó, Thẩm Lan lại bàn đến việc nuôi cá và vận chuyển thế nào, cùng với dự định gây giống và khai khẩn canh tác. Đến khi xong xuôi tất cả mọi chuyện, cũng là lúc mặt trời ngả về tây.

Gió xuân se lạnh thổi vù qua những ngọn trúc tươi xanh. Thẩm Lan ôm trong lòng bao nỗi phiền lo đứng dưới hành lang ngẩng đầu trông lên. Chỉ thấy trên trời mây đen cuồn cuộn như ngọn núi đảo ngược, nặng nề đè ép những gì nằm bên dưới.

Gió qua lầu tía, mưa nguồn mãn sơn. (1)

Ủng hộ admin bằng 1 click vào đây: link mã giảm giá sàn S

Chú thích:

*Cụm “nửa đêm vỗ gối” mượn ý từ bản dịch của Hịch Tướng Sĩ của Trần Quốc Tuấn (Trần Hưng Đạo), bản dịch của Huệ Chi. Đọc thêm tại đây

1 Câu cuối trích trong bài Hàm Dương thành đông lâu của Hứa Hồn, bản dịch của Lãnh Vân (Thivien.net)

Tác giả có chuyện nói:

Tên nữ cổ đại tham khảo trong《 đời Minh xã hội sinh hoạt sử 》, nguyên văn viết: “Khuê danh” thường là bảo mật với bên ngoài. Chỉ trừ cha mẹ, người chồng (biết được thông qua lễ Vấn danh trước khi kết hôn), kể cả con cái cũng không hề hay biết tên thời con gái của mẹ. Khi gả đến nhà chồng làm vợ, hoặc là xưng hô bằng họ gốc của gia đình, hoặc xưng hô theo họ của chồng. Cho nên việc Bùi Thận không đi hỏi thăm tên họ của Thẩm Lan là rất bình thường.