Ta Sống Lại Sau Khi Ở Góa

Chương 182


Giang Nam, phủ Tùng Giang, huyện Hoa Đình.

Vào lúc hoàng hôn, Trần Hiếu Tông xử lý xong vụ án cuối cùng, hắn ta thay bộ thường phục, dẫn hai tuỳ tùng ra khỏi huyện nha.

Cuối tháng sau, giữa mùa hè nóng bức, dù mặt trời đã xuống núi, bầu không khí vẫn oi bức hầm hập như vậy.

Trần Hiếu Tông phe phẩy chiếc quạt xếp, lắc lư tản bộ tới nơi phố hẻm phủ Từ.

Trước cửa phủ Từ trông hai cây Long Não, cũng được mấy năm rồi, cành lá tươi tốt, dưới gốc cây có hai ông già đang ngồi đánh cờ, mấy ông già khác vây quanh và đám nhóc.

“Ai nha, tri huyện đại nhân tới rồi!”

Khi Trần Hiếu Tông xuất hiện, một cậu nhóc nghịch ngợm hô lên.

Tất cả mấy ông cụ đồng loạt ngẩng đầu, nhận ra Trần Hiếu Tông, họ lập tức kiếm cớ rời đi, hơn nữa còn dắt theo mấy đứa cháu nhà mình.

Tích tắc, dưới gốc cây chỉ còn một ông già tuổi trên dưới tám mươi, râu tóc thưa thớt, dáng người gầy gò nhưng rắn chắc và hai đứa trẻ tầm sáu, bảy tuổi.

Đây là công tử Từ gia, ông cụ gầy gò kia xua tay với bọn họ: “Vào đi, vào nhà đi.”

Hai đứa nhỏ nhìn Trần Hiếu Tông mấy lần, sau đó mới ngoan ngoãn rời đi.

Trần Hiếu Tông tới gần, rất tự nhiên ngồi xuống ghế đối diện ông cụ, nhìn bàn cờ trước mắt, lại cười nói với ông cụ kia: “Ván cờ đơn giản thế này, chắc sư công đang muốn làm vui lòng hàng xóm láng giềng chăng?”

Ông cụ kia đáp: “Bọn họ vui ta cũng vui, người nào cũng vui.”

Trần Hiếu Tông: “Vậy thì tôi đây sẽ giúp sư công vui.”

Dứt lời, hắn ta cầm quân đen, chơi tiếp ván cờ.

Ông cụ liếc mắt nhìn hắn ta một cái, yên lặng bố trí trận cờ.

Một ván kéo dài vô cùng, cuối cùng cũng tới lúc kết thúc, sắc trời đã tối.

Trần Hiếu Tông thở dài: “Đúng là gừng càng già càng cay, đừng nói là ta, ngay cả cha ta tới cũng thua dưới tay sư công.”

Ông cụ kia đáp: “Cha ngươi tinh anh hơn người nhiều, tài nghệ chơi cờ của ta không bằng hắn đâu.”

Một trận gió bỗng vụt qua con ngõ nhỏ, lá cây Long Não đung đưa tạo ra âm thanh xào xạc. Trần Hiếu Tông ngẩng đầu lên nhìn, sau đó lại cười nói với ông cụ: “Chơi cờ cũng phải chú ý tới thiên thời địa lợi nhân hòa, tài nghệ chơi cờ của cha ta không bằng ngài, thỉnh thoảng thắng được hai bàn cũng là chiếm lợi từ những mặt khác rồi.”

Ông cụ vuốt râu cười: “Ngươi biết ăn nói hơn cha ngươi đấy.”

Trần Hiếu Tông: “Nhưng phải nói là ông ấy thật sự lợi hại, nếu không thì sao năm đó có thể nhận được sự ưu ái từ ngài? Không có sự đề cử và bồi dưỡng của ngài, không biết cha ta đi về đâu rồi.”

Ông cụ liếc bụng hắn ta: “Ăn chưa? Nếu chưa ăn thì để ta mời ngươi bữa cơm nhà?”

Trần Hiếu Tông: “Đúng là chỉ có sư công quan tâm ta, ta tới chỉ vì bữa ăn của ngài thôi đó!”

Ông cụ lắc đầu.

Trần Hiếu Tông đi vòng qua, đỡ ông cụ như dìu người ông ruột thịt của mình, đi vào trong phủ Từ, dường như hắn ta rất quen thuộc nơi đây.

Có thể nói, từ khi hắn ta tới nhậm chức ở huyện Hoa Đình, cứ ba ngày hắn ta lại chạy tới phủ Từ, nếu không phải không thể qua đêm ở phủ Từ, có lẽ hắn ta ăn ngủ ở đây suốt cũng được.

Đầu bếp của Từ gia chuẩn bị hai món chay, hai món mặn và một bát canh. Tuy không tính là nhiều, nhưng đầy đủ hương vị, rất có thành ý.

Trần Hiếu Tông cảm thấy rất mỹ mãn, hắn ta nói: “Cha ta yêu thương ta nên mới để ta tới chỗ ngài hưởng phúc thế này, chứ như đại ca ở Quảng Đông ấy à, chắc chắn không được ăn đồ ăn ngon như vậy.”

Ông cụ: “Khí hậu ở mỗi nơi khác nhau, Quảng Đông cũng là địa phương có món ăn nổi tiếng.”

Trần Hiếu Tông: “Sư công kiến thức vô biên, có thể nói cho ta nghe chút?”

Ông cụ vừa dùng bữa vừa nói cho hắn ta nghe về những món ăn mỹ vị ở Quảng Đông.

Trần Hiếu Tông chỉ nghe đã biết là ngon.

Ông cụ nhìn khuôn mặt anh tuấn có phần quen thuộc của Thám Hoa lang kia, bất ngờ lên tiếng: “Sắp tới mùa gặt lúa, ngươi không vội sao?”

Triều đình thi hành Chính sách mới, mấy quan huyện ở các huyện thành chung quanh bận đến sứt đầu mẻ trán từ sáng sớm đến đêm muộn, chỉ có Trần Hiếu Tông – người mới đến nhận chức từ tháng giêng – là liên tục chạy sang chỗ ông ấy, chưa từng đề cập đến Chính sách mới.

Xét về độ kiên nhẫn, ông ấy tự nhận mình không thua gì một tiểu bối. Nhưng nhìn cách Trần Hiếu Tông thảnh thơi như vậy, ông ấy sợ đến thời khắc mấu chốt người trẻ tuổi sẽ bất ngờ tung chiêu tàn nhẫn, không chừa đường sống cho hai bên.

Ông ấy sẽ không vì nụ cười đẹp của Trần Hiếu Tông mà cho rằng hắn ta không tung chiêu tàn nhẫn.

Nghe vậy, nụ cười của Trần Hiếu Tông càng đẹp mắt, vừa múc muỗng đậu hủ trắng tinh cho ông cụ, vừa nói với giọng điệu tin tưởng: “Có ngài giúp ta, ta không cần sốt ruột.”

Ông cụ: “Ta giúp ngươi cái gì?”

Trần Hiếu Tông: “Ngài là người giàu số một ở huyện Hoa Đình, cũng là thế gia đại tộc ở khắp nam Trực Lệ, được ví như Thiên Lôi sai đâu người ta đánh đó, chỉ cần ngài chịu phối hợp Chính sách mới, những người khác sao dám đùn đẩy?”

Ông cụ cúi đầu ăn đậu hủ.

Nếu đã đề cập tới vấn đề này thì Trần Hiếu Tông cũng không lảng tránh: “Lúc cha ta phái ta đến đây, ta đã rất tức giận, sợ ngài không muốn Từ gia nộp thuế đất, văn kiện ta đấu không lại ngài, tiếp tục chẳng phải sẽ thành khi sư diệt tổ? Lúc đó cha ta đã dạy dỗ ta một trận, chê ta nhọc lòng chuyện không đâu, còn nói khi ngài còn trong Nội Các, ngài luôn đặt Hoàng thượng và bá tánh lên hàng đầu. Chính sách mới có lợi cho bá tánh, cũng có lợi cho Hoàng thượng, chắc chắn ngài sẽ không phản đối.”

Ông cụ ồ vài lần, nuốt miếng đậu hủ xuống, đang định mở miệng nói chuyện thì Trần Hiếu Tông lại tiếp tục: “Bị mắng một trận, tất nhiên ta cũng nghĩ thoáng hơn. Quả nhiên, cha ta nói không sai, ngài luôn là hiền tướng số một trong triều đình, nhất định phải lưu danh sử sách Hoàng đế tam triều. Không có lý do gì mà ngài lại đối nghịch với triều đình vì chút thuế ruộng này, vô tình phạm một lỗi nhỏ cuối cùng cùng tuổi già khó giữ được danh ô, đúng không?”

Ông cụ: …

Trần Hiếu Tông lại tiếp tục múc một muỗng đậu hủ: “Cha ta còn nói, tháng mười năm sau là lễ mừng thọ tuổi tám mươi của ngài. Ngày thường Hoàng thượng luôn miệng nhắc tới ngài, đợi đến lễ mừng thọ tám mươi tuổi năm sau, chắc chắn Hoàng thượng sẽ gửi chiếu thư chúc thọ cho ngài, thật vinh hạnh biết bao. Thấy cha ta ghen tị, ta vội vàng dỗ dành ông ấy, nói tới khi già ông ấy cũng sẽ nhận được đặc cách này thôi. Nhưng cha ta lại nói, hiền đức của ông ấy không bằng ngài, không được đâu.”

Ông cụ: …

Trần Hiếu Tông: “Đúng rồi, sang năm Xuân đệ muốn tham gia kỳ thi mùa xuân nhỉ? Đến lúc đó, ngài lại chào đón một tiến sĩ trở về, một năm song hỉ!”

Xuân đệ ở đây là chỉ trưởng tôn Từ gia.

Ông cụ: …

Ông ấy liếc nhìn Trần Hiếu Tông một cái.

Trần Hiếu Tông: “Nào, đậu hủ này ngon lắm, ngài ăn nhiều một chút!”

Quảng Đông, phủ Quảng Châu.

Ở đây mùa gặt lúa tới sớm hơn, nhưng sĩ tộc không nhiều bằng bên Giang Nam, nếu có rắc rối, Trần Bá Tông sẽ dùng võ lực để trấn áp, có thể gọi tắt là thủ đoạn Thiết Huyết, chèn ép khí thế của những tên sĩ tộc có ý đồ ngăn cản Chính sách mới.

Có điều, năm nay là năm đầu tiên thi hành Chính sách mới, vấn đề lớn được giải quyết thì có đủ loại vấn đề nhỏ ùn ùn không dứt, Trần Bá Tông vẫn luôn bận rộn, đi sớm về trễ thường xuyên.

Chiều tối hôm đó, Trần Bá Tông quay lại tri phủ nha môn, trời đã tối.

Một Người đưa tin đã chờ sẵn ở đó.

Trần Bá Tông từ tốn sải bước, kêu Người đưa tin ngồi xuống, hai người vừa ăn vừa nói chuyện.

Năm đó Dự Vương, Cảnh Vương thất bại thảm hại ở Ngũ Đoá Sơn, để lại hơn hai vạn binh hàng, các quan quần cầm đầu đều bị chém, hơn hai vạn binh hàng đều là thanh niên trai tráng, thẳng tay giết chết có hơi đáng tiếc, triều đình đưa ra biện pháp là gắn số thứ tự lên trán bọn họ, đưa họ đến nhiều nơi khác nhau rồi bắt lao động khổ sai.

Hàng năm triều đình luôn thiếu nhân công, dùng người xây dựng biên giới Vạn Lý Trường Thành, đắp đê hai bờ sông, hay lấy quặng ở các khu mở, trừ việc trưng dụng bá tánh còn phái tù nhân đi làm.

Khi Trần Đình Giám âm thầm bày mưu đặt kế, hơn hai vạn binh hàng được phân phối đến năm nơi khác nhau.

Vừa hay, năm đó lại phát hiện quặng sắt mới ở Quảng Đông, triều đình đã điều tám nghìn binh hàng tới.

Trần Bá Tông muốn điều tra chứng cứ Thích Cẩn thông đồng với địch, ngoài phía người theo dõi Thích Cẩn và ba trăm người còn sống trong Kim Ngô Tiền Vệ, hắn ta cũng muốn tiếp xúc với đám quân phản loạn và binh hàng.

Cảnh Vương tự vẫn, Dự Vương khác nào cái đầu heo, một người khác biết về nó là Quách Kế Tiên.

Quách Kế Tiên bị đưa đi tra khảo, tự khai là bọn họ bắt được một tên trinh sát, và biết được tứ đệ muốn vượt Bạch Hà.

Trên thực tế, một trinh sát do Lăng Nhữ Thành phái đi không quay về. Nếu tên trinh sát đó thật sự rơi vào tay quân phản loạn thì nhất định phải có người chịu trách nhiệm giải tên trinh sát tới chỗ Cảnh Vương, Quách Kế Tiên, sau đó để bọn họ xử lý, và tất nhiên phải có một số binh lính nhìn thấy chuyện này, bao gồm Thích Cẩn âm thầm thông đồng với địch. Hắn ta thần thông quảng đại đến mấy cũng sẽ để lại chút manh mối, chứ không liên hệ trực tiếp với Cảnh Vương và Quách Kế Tiên.

Từ tháng mười một năm tiên đế băng hà đến tháng chạp năm trước, thuộc hạ Trần Bá Tông đã điều tra liên tục suốt hai năm.

Tổng hợp tin tức từ các nơi, cuối cùng tới tháng chạp Trần Bá Tông đã gom đủ danh sách những binh lính phụ trách gác đêm bên quân phản loạn vào đêm Thích Cẩn thông đồng với địch.

Hầu hết đều tử trận, chỉ còn mười bảy người là sống sót, bốn nơi khác đang dần bị người của hắn ta cạy miệng, lập ra danh sách này. Chỉ còn năm người ở Quảng Đông, ba người đã chết vì lao động khổ sai hoặc đau ốm, còn lại hai người Người đưa tin vẫn chưa có cơ hội tiếp xúc.

Trần Bá Tông tới Quảng Đông, ngoài việc muốn thi hành Chính sách mới, mục đích khác là điều tra hai người này.

Hắn ta không ra mặt mà sắp xếp hai người đưa tin đến khu hầm mỏ lấy thân phận hai tù nhân kia, trước mắt phải hiểu rõ tính cách đối phương, quen biết rồi mới có thể thử tìm hiểu chuyện năm đó.

“Đại nhân, Trương Cường không có nhiều mưu mô, dường như là hỏi gì đáp nấy, còn Lý Tin lại trầm mặc ít lời, rất cảnh giác. Trong nửa năm nay ta đã giúp đỡ hắn ta không ít chuyện, nhưng trừ những lúc nói lời cảm ơn ra thì hắn chỉ luôn ở một mình, cách biệt với thế giới bên ngoài, ta không tìm được cơ hội.”

Trần Bá Tông: “Chính những người như vậy mới là người có nhiều bí mật.”

Người đưa tin: “Vậy ta nên làm sao bây giờ?”

Trần Bá Tông: “Âm thầm dẫn hắn ta ra ngoài, giúp hắn ta chạy trốn khỏi khu mỏ.”

Ba ngày sau, Lý Tin tỉnh dậy từ cơn mê, phát hiện mình bị trói trong một căn phòng được bài trí toàn những món đồ đơn giản nhưng lịch sự tao nhã.

Trên bàn làm việc cạnh cửa sổ, một nam tử tầm ba mươi tuổi lẳng lặng ngồi trước gió mát trăng thanh, ánh nến đung đưa, dung mạo người nọ sáng như ngọc.

Lý Tin yên lặng đánh giá chung quanh, cuối cùng sự chú ý lại đổ dồn về phía đối phương.

Trần Bá Tông liếc mắt nhìn hắn ta, hỏi: “Có đọc được chữ không?”

Lý Tin gật đầu.

Trần Bá Tông cầm giấy viết thư trên bàn, giơ trước mặt Lý Tin.

Lý Tin nhìn rất tập trung, phát hiện trên tờ giấy ghi dòng chữ: Đánh một con chim sẻ, bắt một con thỏ để đổi lấy một vò rượu.

Sau khi chắc chắn hắn ta xem xong rồi, Trần Bá Tông đặt tờ giấy vào đồng đèn, nhìn ngọn lửa nuốt trọn tờ giấy rồi chừa lại lớp tro mỏng, Trần Bá Tông thấp giọng giải thích: “Bọn ta đang điều tra về việc của Ngũ Đoá Sơn năm đó, bên phía triều đình có người thông đồng với địch.”

Lý Tin vẫn giữ nguyên vẻ mặt không cảm xúc, đồng tử khẽ co thắt, nhưng rất khó để nhận ra.

Trần Bá Tông ngồi đối diện hắn ta, nhìn thẳng mắt hắn ta: “Quên nói, năm nay ta đảm nhiệm chức tri phủ Quảng Châu, là thiếu khanh Đại Lý Tự Trần Bá Tông.”

Yết hầu Lý Tin khẽ động.

Những binh lính như bọn họ hiểu biết nhiều hơn bá tánh, chỉ cần là người đã nghe qua về Trần Các lão Trần Đình Giám, không ai là không biết Trần Các lão có ba người nhi tử. Phò mã là người nổi tiếng nhất, Trạng Nguyên thiếu khanh Đại Lý Tự Trần Bá Tông cưới một thê tử xuất thân bình dân xếp thứ hai, người còn lại là Thám Hoa lang nghe đồn là chẳng có gì đáng nhắc tới.

Trần Bá Tông liếc nhìn yết hầu của hắn ta, tiếp tục: “Chim sẻ chỉ người bên Kim Ngô Tiền Vệ, đối phương biết thân phận người thông đồng với địch, chỉ cần bên phía quân phản loạn đưa ra chứng cứ chứng minh đêm đó có người mách nước cho các ngươi, chứ không phải các ngươi bắt được trinh thám, bọn ta có thể kết tội tên phản đồ ngay tức khắc.”

Lý Tin: “Tại sao lại nói với ta chuyện này?”

Trần Bá Tông: “Ngươi là một trong số những người lính gác đêm đêm đó, nếu ngươi có thể cung cấp chứng cứ, đoái công chuộc tội, ta có thể thả tự do cho ngươi.”

Lý Tin: “Nếu ta không biết gì thì sao?”

Trần Bá Tông khẽ cười: “Không biết gì lại biết bí mật của ta, vậy sẽ bị ta diệt khẩu.”

Lý Tin: …