Trẫm mong ngóng đứa trẻ của mình biết bao tháng ngày, cớ sao chưa gặp mặt đã phải chia ly? Nhân thế xô bồ, con phải chăng không muốn lưu lại? Vì đâu không cho phụ hoàng cơ hội nói lời từ biệt? Lẽ nào con sợ trẫm lưu luyến? Thật là một tiểu cô nương hiểu chuyện! Trẫm còn chưa được chơi đùa cùng con đã phải chủ trì buổi lễ tiễn đưa con rồi. Trẫm cứu được hàng ngàn trẻ nhỏ, thế nhưng lại chẳng thể quay về hoàng cung kịp thời để cứu tiểu công chúa của mình. Giá như con không phải là nữ nhi của trẫm, giá như khoảnh khắc con chào đời, có phụ thân đang ở bên giường mẫu thân đợi chờ... thì biết đâu... con sẽ không chạnh lòng mà rời đi. Hoàng cung ảm đạm trong những trận mưa phùn buồn thênh thang, vườn mẫu đơn chỉ lưu lại những đoá hoa trắng tinh khôi, tất cả những chiếc đèn lồng có màu sắc sặc sỡ đều bị hạ xuống. Nghi thức chào đời của hoàng huynh con được làm tối giản nhất có thể. Phong thái của hắn từ khi lọt lòng đã khác thường, chẳng hề có dáng vẻ ngây ngô dễ thương của con nít, vẻ mặt lúc nào cũng nghiêm nghị như đấng quân vương trong buổi thượng triều. Trẫm ban cho hắn cái tên Uy Nghiêm. Trẫm nợ hắn, nợ con, và đặc biệt là nợ nàng, nữ nhân vì trẫm mà nếm đủ mọi gian truân.
Nàng sau cơn hôn mê sao đã có thể nguôi ngoai nỗi đau mất tiểu công chúa? Tuy nhiên, nàng vẫn nài nỉ trẫm tha mạng cho bu ruột của nàng, mụ đàn bà vô liêm sỉ đã tranh thủ cơ hội trẫm vắng mặt để chạy tới Mẫu Đơn cung nhờ vả. Bà ta muốn nàng xin trẫm tha cho Mỹ tần, kẻ đã cấu kết với Đức phi để hãm hại Hoàng hậu Hoà Hợp. Nàng kiên quyết không đồng ý, bà ta trong cơn tức giận dám đẩy ngã nàng, hại nàng bị sinh non. Dẫu băm bà ta thành trăm mảnh trẫm cũng chưa thấy hả dạ, nhưng vì nàng đã có lời, trẫm liền cho lính áp giải bà ta cùng Mỹ tần tới chỗ của Đức phi, mong rằng bọn chúng sẽ dành phần đời còn lại của mình để sám hối.
Trước khi mang thai đôi, nàng đã nằm mơ thấy Vô Sầu. Tiểu công chúa hứa rằng con sẽ quay trở lại. Thái hậu và Thái thượng hoàng nói có thể nàng quá đau lòng nên nảy sinh ảo giác, chưa chắc hai lần mang bầu đã là cùng một đứa trẻ. Nhưng trẫm lựa chọn tin tưởng nàng, trẫm tin rằng nếu có duyên, Vô Sầu sẽ tìm cách quay trở lại bên phụ mẫu thêm một lần nữa. Nàng cũng đinh ninh là như vậy. Chúng ta nhờ bấu víu vào niềm tin mong manh ấy mới có thể can đảm bước tiếp.
Nàng luôn áy náy vì đã không gần gũi với Uy Vũ khi hắn còn nhỏ. Nàng sợ Uy Nghiêm cũng sẽ thân thiết với người khác hơn mẫu thân nên cực kỳ để tâm tới hắn. Hắn dính nàng như sam, không thấy nàng liền mặt cau mày có. Hắn ra ngoài đi dạo, phải đi cùng sủng phi của trẫm. Hắn muốn tắm gội, cũng do đích thân sủng phi của trẫm hầu hạ. Hắn rõ ràng không phải lo việc chính sự nhưng thi thoảng nửa đêm vẫn cứ thức giấc, vẫn là sủng phi của trẫm phải hát hò mua vui cho hắn. Trẫm vừa đặt lưng xuống giường, chỉ muốn nằm gần nàng một chút, hắn liền ái ngại nhìn trẫm như thể muốn mời phụ hoàng mau về Tuệ Long điện. Trẫm mong hắn sớm hiểu chuyện để còn nói lý lẽ. Trẫm nào đâu ngờ sang năm Canh Thìn, trẫm nhiều lần tranh luận không thắng nổi đứa trẻ lên ba. Trẫm mắng hắn hư hỗn, hắn liền rúc vào trong lòng nàng, khó chịu ca thán:
- Mẫu phi! Nhi thần hư hỗn âu cũng là do phụ hoàng dạy dỗ không đến nơi đến chốn.
- Uy Nghiêm! Ngươi qua Phượng Ngọc cung mà xách dép cho hoàng huynh của ngươi!
- Hoàng huynh được Bách Tâm rèn giũa từ nhỏ, nhi thần đâu thể sánh bằng huynh ấy.
- Trẫm nói một câu, ngươi khịa một câu vậy mà được hả? Có tin trẫm tống ngươi vào lãnh cung không?
- Nhi thần tin chứ. Vậy phụ hoàng có tin mẫu phi sẽ theo nhi thần tới lãnh cung ở không?
- Đơn Đơn là phi tần của trẫm, nàng không tới Tuệ Long điện thì sẽ ở Mẫu Đơn cung hưởng thụ, hà cớ gì phải theo ngươi tới lãnh cung chịu khổ?
- Mẫu phi! Người nói xem! Người nỡ bỏ rơi Uy Nghiêm đáng thương sao?
- Đơn Đơn! Nàng nói xem! Nếu trẫm tống tên nghịch tử này vào lãnh cung thì nàng có theo hắn không?
Nàng phì cười nịnh con:
- Tất nhiên là mẫu phi sẽ đi theo Nghiêm rồi.
Trẫm nhìn vẻ mặt đắc thắng của hắn mà chỉ muốn ban cho hắn vài gậy. Ngặt nỗi, trẫm biết nàng sẽ đau lòng nên đành cho qua, lẳng lặng rời khỏi Mẫu Đơn cung. Nàng mải vui bên cục cưng nhưng vẫn không quên ghé qua Tuệ Long điện vào giờ Ngọ để lấy lòng trẫm.
- Hoàng thượng! Dáng vẻ đọc sách của người thật quá đỗi anh tuấn!
Trẫm đủng đỉnh phán đoán:
- Đơn phi sợ trẫm ghét bỏ Uy Nghiêm nên qua đây nịnh nọt sao?
- Thần thiếp oan uổng. Thần thiếp ghé qua Tuệ Long điện chỉ vì hai chữ thương nhớ!
- Ra vậy.
- Giọng nói của Hoàng thượng... có chút thờ ơ...
- Trẫm dẫu thờ ơ đến mấy cũng không sánh bằng thái độ của Đơn phi đối với trẫm trong ba năm qua.
- Hoàng thượng! Thần thiếp chăm lo cho tiểu hoàng tử chẳng qua là do hắn mang trong mình dòng máu của chàng. Bằng không, thần thiếp thèm vào mà quan tâm.
- Ồ! Hoá ra lại là vì trẫm.
- Hiển nhiên. Trong trái tim thần thiếp, phu quân lúc nào cũng đứng ở vị trí quan trọng nhất. Thần thiếp làm mọi việc, tất thảy đều là vì chàng.
- Không hổ danh là sủng phi của trẫm, nhả ra lời nào, lời ấy liền chứa mật.
- Phu quân quá khen, thần thiếp chỉ nói những lời thật tâm, là do may mắn nên mới thuận tai chàng.
- Lại đây!
Nàng dịu dàng ngồi vào lòng trẫm, hai tay vòng qua ôm cổ trẫm, nhưng không chịu hôn trẫm mà bày đặt mồi chài:
- Phu quân! Đôi môi của thần thiếp phải chăng quá khô?
Trẫm làm bộ tỉnh bơ bảo:
- Đâu có, trẫm thấy đôi môi của phu nhân căng bóng, mọng nước, diễm lệ vô cùng.
- Dáng vẻ ngọc ngà bên ngoài không che giấu nổi sự khô cằn bên trong, thưa phu quân.
- À! Thì ra là trẫm nhìn không thấu hồng trần.
- Phu quân ngồi trên ghế rồng, vốn dĩ tinh tường hơn người. Nếu có sự việc khiến phu quân nhìn không thấu, ắt hẳn là vì không đủ chú tâm.
- Ồ! Vậy sao? Trẫm không chú tâm ở điểm nào? Phiền phu nhân làm rõ.
- Bẩm phu quân, có những việc nếu như thần thiếp nói ra thì nó lại mất cái duyên dáng của phận nữ nhân.
- Không sao, trẫm nào đâu ép phu nhân phải ngỏ lời.
Nàng hờn giận nỉ non:
- Hoàng thượng! Hoàng thượng! Hoàng thượng! Người cố ý trêu đùa thần thiếp!
- Cử chỉ nào cho thấy trẫm đang trêu đùa?
- Hoàng thượng! Người rõ ràng biết thần thiếp muốn gì!
- Thứ cho trẫm ngu muội, không hiểu ý phu nhân.
- Vậy mà vừa rồi Hoàng thượng còn nói không ép thần thiếp phải ngỏ lời.
- Có gì vô lý sao? Trẫm ép phu nhân khi nào?
Nàng tranh luận không thắng trẫm, đỏng đảnh đòi trườn xuống. Trẫm phì cười giữ nàng lại, ôm chặt eo nàng, theo ý nguyện của nàng môi chạm môi, cuồng dại hôn nàng. Mỗi khi đầu lưỡi của đôi ta chạm vào nhau, nhịp thở của nàng trở nên khác thường, trống ngực của trẫm vì thế mà đập loạn. Đôi gò má nàng ửng hồng, bàn tay nhỏ nhắn cầm lấy tay trẫm, luồn qua chiếc áo yếm đi tới mảnh vườn xuân e lệ. Giọng nàng có chút uỷ khuất:
- Phu quân... có thể nào thêm chút thương nhớ?
Trẫm trìu mến vỗ về đôi nụ tầm xuân chúm chím. Khoé mắt nàng ươn ướt, nàng nghẹn ngào thổ lộ:
- Thần thiếp đã trải qua hai lần sinh nở... chẳng còn trong trẻo như nữ nhân tuổi đôi mươi.
- Trẫm cũng đâu còn trẻ trung như Vô Ưu năm xưa.
- Nhưng chàng là quân vương, có biết bao mỹ nhân muốn gả cho chàng... chàng luôn có những sự lựa chọn tốt hơn...
- Đối với trẫm, vẻ đằm thắm mặn mà của phu nhân trong hiện tại mới là tuyệt mỹ nhất.
Những ngón tay của trẫm mơn man quanh đoá mẫu đơn rực rỡ. Ngọc thể của nàng chợt mềm mại như nước, cảm xúc trong trẫm bùng cháy mãnh liệt. Trẫm hôn lên chóp mũi nhỏ xinh, dịu dàng dò hỏi:
- Phu nhân! Nàng có hay chăng cảm nhận được nhiệt huyết của trẫm?
Nàng rơi nước mắt, bẽn lẽn gật đầu.
- Vậy phu quân có hay chăng cảm nhận được hơi ấm của thần thiếp?
Trẫm gật đầu. Trẫm đã thay đổi. Nàng cũng đã thay đổi. Nhưng quan trọng sao? Chúng ta vẫn quấn lấy nhau không rời. Chúng ta vẫn dành cho nhau những điều thiêng liêng nhất. Chúng ta trong mắt nhau, vẫn luôn ngọt ngào như chúng ta của nhiều năm về trước. Trẫm không màng tới những sự lựa chọn mà nàng nhắc tới, trẫm đã chọn nàng, và trẫm chỉ cần duy nhất một mình nàng... nàng của trẫm.
Giờ Dậu, nàng nằm tựa đầu vào lồng ngực trẫm, chìm trong giấc ngủ bình yên. Trẫm mỉm cười ngắm nghía gương mặt thanh tú của mỹ nhân, trong lòng chợt thấy rạo rực khó tả. Ngọc Trí đứng bên ngoài, cẩn trọng bẩm tấu:
- Bẩm Hoàng thượng, Nhị Hoàng tử có lời muốn thưa.
Trẫm chậm rãi lên tiếng:
- Cho hắn nói.
Nhị Hoàng tử giở giọng ông cụ non giáo huấn phụ hoàng của hắn:
- Phụ hoàng! Rong chơi như vậy đã đủ rồi, cũng nên phê duyệt tấu chương đi thôi.
- Việc của trẫm, không cần ngươi can gián.
- Những kẻ biết phụ hoàng hành xử chưa đúng mực nhưng không can ngăn... ấy mới là gian thần.
- Ồ! Trẫm hành xử chưa đúng mực ở điểm nào vậy?
- Bẩm phụ hoàng, nhi thần xin cả gan hỏi, nhi thần và phụ hoàng đều có mẫu thân, cớ sao phụ hoàng lại cứ phải chõ chẹ với nhi thần?
Tên nghịch tử, hắn không làm trẫm uất hộc máu thì hắn không chịu được đây mà.
- Mẫu phi của ngươi vốn là nữ nhân của trẫm. Trẫm ở bên nàng còn cần phải xin phép ngươi sao?
- Cần ạ. Sau này, nếu như nhi thần muốn ở bên Thái hậu, nhi thần cũng sẽ xin phép người.
- Khỏi cần. Ngươi qua Phượng Ngọc cung đi. Trẫm nhường Thái hậu luôn cho ngươi đấy.
- Thứ lỗi cho nhi thần không thể hành xử vô tình như phụ hoàng. Mẫu phi đối với nhi thần vô cùng trân quý, không phải đồ vật mà có thể dễ dàng nhường đi.
- Mồm mép liến thoắng! Không ra thể thống gì hết!
- Phụ hoàng thứ tội, nhi thần đang bị khủng hoảng tuổi lên ba!
- Ngươi mà khủng hoảng cái nỗi gì? Ngươi cũng không giống trẻ lên ba! Khai mau đi! Ngươi là yêu quái phương nào trà trộn vào cung?
Nhị Hoàng tử thảo mai gào khóc ầm ĩ. Nàng trong cơn mơ giật mình tỉnh giấc, vội vã chỉnh đốn lại váy áo rồi chạy ra ôm hắn dỗ dành:
- Nghiêm! Nghiêm! Ngoan nào! Mẫu phi thương Nghiêm mà!
- Mẫu phi! Phụ hoàng bảo Nghiêm là yêu quái! Mẫu phi nói xem, Nghiêm có thể không tủi thân được hay sao?
Nàng xót ruột, vô thức trưng ra vẻ mặt không hài lòng với trẫm. Uy Nghiêm trước mặt nàng thì nước mắt ngắn nước mắt dài, ngó ra đằng sau nhìn trẫm liền ráo hoảnh, bĩu môi trêu ngươi trẫm. Trẫm bực bội hỏi:
- Dáng vẻ giảo hoạt, còn không đúng là yêu quái?
Hắn gào lên như thể bị trẫm ức hiếp. Nàng sốt ruột nhìn trẫm cầu khẩn. Trẫm đành thở dài bảo:
- Ngoan! Nín đi! Ngươi không phải là yêu quái! Trẫm nhầm rồi!
- Phụ hoàng! Đã ngồi được vào ghế rồng thì nên hạn chế nhầm lẫn!
- Uy Nghiêm! Ngươi thực sự muốn vào lãnh cung hay sao?
- Mẫu phi! Phụ hoàng cậy uy quyền, hở ra là doạ nạt... không ấy chúng ta dọn tới lãnh cung sống luôn đi... nhi thần chỉ cần mẫu phi thôi.
Nàng sợ trẫm nổi đoá nên vội vã bịt miệng Uy Nghiêm. Ngọc Minh bẩm tấu Trấn thủ Kinh Bắc vừa dâng tặng một trăm tấm lụa thượng hạng để phục vụ cho đại lễ sắc phong Hoàng quý phi. Có năm tấm lụa màu đỏ khiến trẫm rất ưng ý, trẫm muốn cho nghệ nhân thêu chim phượng. Nàng sợ Hoàng hậu phật lòng nên nhất quyết phản đối. Trẫm cười khổ, Đơn Đơn của trẫm vẫn luôn lương thiện như ngày đầu chúng ta gặp gỡ. Trẫm chiều theo ý nàng dùng hoạ tiết hoa mẫu đơn.
- Bẩm Hoàng thượng, nô tài đã gửi thiệp mời cho toàn bộ văn võ bá quan.
Nàng nghe Ngọc Minh bẩm báo liền hốt hoảng hỏi trẫm:
- Hoàng thượng! Không lẽ... người muốn tổ chức lễ sắc phong Hoàng quý phi ở Hoàng Đại điện ư?
- Không sai.
- Nhưng lễ sắc phong Hoàng hậu Tuyết Mai được tổ chức ở Phượng Hoàng cung và cũng chỉ có một trăm người tham dự.
- Có vấn đề gì sao?
- Hoàng thượng thực sự không nhìn ra vấn đề gì ư?
- Thỉnh phu nhân chỉ giáo!
- Hoàng thượng! Người làm như vậy có khác nào muốn công bố với mọi người trong thiên hạ rằng Hoàng quý phi Mẫu Đơn mới là nữ nhân trong tim trẫm? Người không quan tâm tới cảm xúc của Hoàng hậu sao? Người không sợ Đại tướng quân sẽ phật lòng ư?
Trẫm tủm tỉm bảo:
- Trẫm chỉ sợ nữ nhân của mình thiệt thòi.
Khoé mắt nàng ươn ướt. Nàng chủ động rúc vào lồng ngực trẫm, miệng thì nói mấy lời hờn trách nhưng giọng điệu lại ngọt ngào khó tả. Rằm tháng Chạp năm Canh Thìn, một ngàn quan tập trung ở Hoàng Đại điện từ giờ Mão. Trẫm đứng ở nơi cao nhất, trái tim thổn thức trước dáng vẻ diễm lệ của tuyệt sắc giai nhân trong bộ lễ phục Hoàng quý phi. Chúng ta chỉ cách nhau mấy chục bậc thang nhưng trẫm vẫn không đủ kiên nhẫn để đợi nàng. Trẫm giống như được quay về thời niên thiếu, trong lòng rạo rực niềm hân hoan, hứng khởi đi xuống dưới nắm tay người trong mộng, sánh bước bên nàng, cùng nhau đi lên Hoàng Đại điện cử hành nghi lễ. Những tiếng chúc tụng, những lời ca ngọt ngào và cả nụ cười e lệ của nàng khi đôi ta uống rượu giao bôi... vĩnh viễn khắc ghi trong tâm trí trẫm.
Rằm tháng Giêng năm Nhâm Ngọ, trẫm đưa nàng và hai hoàng tử đi du xuân tứ trấn. Trẫm sợ bất trắc nên âm thầm an bài một trăm cao thủ võ công cao cường bám theo bảo vệ chúng ta. Chiếc thuyền hai tầng dùng cho chuyến ngao du lần này không quá đồ sộ, nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ tiện nghi. Đại Hoàng tử cực kỳ cao hứng, hắn một mình ngồi ngắm non xanh nước biếc trên tầng hai, hạnh phúc cảm thán:
- Phụ hoàng! Mẫu phi! Mộng tưởng của Vũ trong kiếp này chính là một đời thong dong.
Dưới tầng một, đôi ta thư thái ngồi trên chiếc ghế tựa. Nhị Hoàng tử vẫn bám nàng không rời, Uy Nghiêm tối ngày chỉ thích lười biếng rúc vào lòng mẫu phi. Trẫm bẹo má hắn trêu chọc:
- Nghiêm! Ngươi xem ra chính là một con người không có mộng tưởng.
Uy Nghiêm nhàn nhạt nói:
- Hoàng huynh muốn một đời rong chơi, vậy ai sẽ là người thay phụ hoàng gánh vác giang sơn? Chẳng phải là nhi thần hay sao? Biết trước tương lai sẽ bị bó buộc trong chốn hoàng cung rồi thì nhi thần còn ôm mộng tưởng để làm gì nữa?
Nàng nhỏ nhẹ khuyên nhủ con trai:
- Nghiêm! Cho dù sống trong hoàng cung, con vẫn có thể ôm mộng tưởng. Giả dụ như là về một người tri kỷ cùng con đi qua những giông tố.
Uy Vũ phấn khích reo lên:
- Mẫu phi nói không sai. Nghiêm! Đệ nhìn kìa! Các tiểu cô nương đang đứng múa hát ở phía Nam trông xinh đẹp chưa kìa?
Uy Nghiêm khinh khỉnh bảo:
- Không ai xinh đẹp bằng mẫu phi cả.
Mặc dù thái độ của Uy Nghiêm rất đáng ghét nhưng trẫm phải công nhận hắn nói đúng.
- Nhị đệ không thể cả đời quấn lấy mẫu phi được. Sau này, đệ cũng cần có nữ nhân của riêng mình như phụ hoàng có mẫu phi vậy.
- Chỉ cần là cô nương vừa mắt mẫu phi thì đệ sẽ rước về.
Tên tiểu tử dẻo mép thật biết cách khiến nàng vui vẻ. Chúng ta vừa tới Sơn Nam, Đại Hoàng tử đã ôm chầm lấy Bách Tâm làm loạn:
- Cục cưng! Cục cưng vẫn chưa thành thân sao?
Bách Tâm trìu mến đáp:
- Bẩm Đại Hoàng tử, thảo dân vẫn chưa.
- Không cho phép cục cưng khách sáo! Phải gọi ta là Vũ! Cục cưng có cần ta làm mai cho không? Đã là cô nương ta chọn cho cục cưng, nhất định sẽ xinh đẹp. Nhưng cục cưng phải hứa với ta, sau này, nếu cục cưng có đứa trẻ của riêng mình, cục cưng không được phép thương hắn hơn ta.
- Vũ đừng lo, cục cưng sẽ luôn thương ngươi nhất!
Bách Tâm thổ lộ. Uy Vũ sung sướng bám lấy cục cưng của hắn, nằng nặc đòi cắm rễ ở Sơn Nam, không thèm đi chu du ba trấn còn lại với phụ mẫu và đệ đệ nữa. Đại Hoàng tử bắt đầu từ năm đó cũng coi hoàng cung như cái chợ, hắn thoắt ẩn thoắt hiện y hệt đại hiệp hành tẩu chốn giang hồ, người phụ hoàng là trẫm đây muốn gặp hắn đôi khi cũng phải đợi cả tháng. Nhưng trẫm biết hắn giống Bách Tâm, thích một cuộc đời tự do tự tại nên không gò ép hắn phải tuân theo quy củ ở chốn hoàng cung.
Tháng Giêng năm Giáp Thân, Đại Hoàng tử hồi cung thông báo rằng Niên Ý đã gả cho Bách Tú. Bách Tâm khẽ mỉm cười, nhưng trong suốt nhiều đêm liền, thư phòng của hắn luôn sáng đèn. Nàng vì lo lắng cho sư phụ mà tức tốc trở về Sơn Nam. Ngày hai mươi tháng Bảy năm Giáp Thân, nàng quay lại hoàng cung, đem theo đôi mắt sưng húp cùng chiếc khăn tang thêu tên Niên Ý. Nàng khóc rất nhiều, mãi đến nửa đêm mới nức nở tâm sự:
- Niên Ý cưới Bách Tú được hai tháng thì có tin mừng, nhưng sức khoẻ nàng không tốt, ngày đầu tiên của tháng Bảy, nàng đã mất thai đôi. Nàng đau khổ tột cùng. Đêm Rằm vừa rồi, nàng đã đi theo hai đứa nhỏ. Trước lúc rời khỏi nhân thế, nguyện vọng của nàng là được gặp sư phụ. Nhưng sư phụ nhất định không chịu đáp ứng. Sư phụ nói Niên Ý đã gả cho người ta rồi, gặp mặt chỉ khiến nàng thêm điều tiếng. Niên Ý nhờ thần thiếp chuyển lời tới sư phụ rằng nàng sẽ đợi người cùng chuyển kiếp. Ở kiếp sống đó, nàng hi vọng trái tim người sẽ có một góc nhỏ dành cho nàng. Nàng mong sư phụ hằng năm vào dịp Tết sẽ đem hoa đào tới thăm nàng.
Tiếc rằng, Bách Tâm trong suốt nhiều năm liền không hề về phủ Thường Tín. Đồ đệ của nàng gửi thư vào cung kể rằng hắn rất hay đi dạo trong màn đêm tĩnh mịch và rất hay nói chuyện một mình:
- Niên Ý! Ta sẽ không chuyển kiếp cùng ngươi đâu! Mau đi đầu thai đi, đừng phí thời gian đợi ta nữa!
Mọi người đều cho rằng Bách Tâm bị điên, chỉ có nàng vẫn tin tưởng sư phụ của mình. Nàng nằm mộng thấy Niên Ý vẫn chưa rời đi, nàng ta vẫn luôn quanh quẩn bên Bách Tâm. Đầu tháng Bảy năm Giáp Ngọ, Bách Tâm bệnh nặng. Trẫm và nàng về phủ Thường Tín thì phát hiện ra hắn đã trồng một vườn đào ở nơi Niên Ý an nghỉ, đặt tên là Tâm Tình. Hắn mỗi ngày đều đem rượu tới vườn đào trút bầu tâm sự. Nàng xót xa mắng hắn:
- Sư phụ! Vô Tư còn biết rõ nàng đã rời đi rồi, người chả nhẽ không nhìn ra? Người còn trò chuyện với ai nữa? Nàng đã đợi sư phụ rất lâu, làm ma rồi vẫn đợi người. Nhưng sư phụ thì sao? Người luôn xua đuổi nàng! Hiện tại, nàng đã không còn đeo bám sư phụ nữa rồi, người đã vui lòng chưa?
Bách Tâm chảy nước mắt. Hắn thở dài thổ lộ:
- Vô Tư! Sư phụ một đời sai lầm. Ta nợ ngươi, nợ Ưu, nợ Vũ... và đặc biệt là... nợ nàng. Ngươi nói xem... nếu kiếp sau có duyên gặp gỡ... nàng liệu có thèm nhìn sư phụ ngươi?
- Bởi vì nghiệp duyên kiếp này nên có thể sẽ hơi trắc trở, nhưng Vô Tư tin rằng nàng rồi cũng sẽ lại chạy đến bên sư phụ mà thôi.
- Vô Tư! Ta... rất... tiếc nuối.
Rằm tháng Bảy năm Giáp Ngọ, Bách Tâm rời xa hồng trần. Phủ Thường Tín chưa bao giờ đông đúc đến thế, học trò đem theo toàn thể gia quyến từ khắp các nơi trên cả nước nườm nượp đổ về bày tỏ nỗi tiếc thương. Đại Hoàng tử và nàng trong suốt nhiều ngày liền chẳng nói chẳng rằng, chỉ ngồi thu lu một chỗ như kẻ mất hồn. Rằm tháng Tám, hai người trở về cung nhưng trẫm tưởng như chỉ có phần xác quay về, còn phần hồn thì đã ở lại Sơn Nam mất rồi. Trong một đêm đi dạo quanh vườn mẫu đơn, trẫm tình cờ nghe được cuộc nói chuyện của nàng và Cẩm Tú:
- Hoàng quý phi! Những chuyện mà Hoàng hậu Tuyết Mai thú nhận hồi chiều, người không định nói với Hoàng thượng hay sao?
Hoàng hậu Tuyết Mai đúng là gan to tày trời. Trẫm hận bản thân mình quá bận chuyện chính sự mà quên mất sự tồn tại của nàng ta.
- Những chuyện đó, Hoàng thượng chắc chắn biết từ lâu rồi. Có khả năng người sợ ta đau lòng nên đã dùng sư phụ để uy hiếp Mai tỷ. Nay sư phụ đã khuất núi, tỷ ấy rơi vào khổ đau, chán chường, chẳng muốn tiếp tục gian dối.
- Nương nương! Người ổn không?
- Ta không ổn chút nào cả. Ta chán ghét nơi này.
- Vậy hay là nương nương xin phép Hoàng thượng cho về Sơn Nam một thời gian, đợi tâm trạng bình ổn thì quay lại hoàng cung.
- Ta không muốn sống trong cung nữa... dù chỉ một ngày.
- Nương nương! Không được đâu! Người xem! Đại Hoàng tử được Thái hậu cưng chiều là vậy mà một năm vẫn phải về cung đôi ba lần. Người là phi tần của Hoàng thượng, muốn vĩnh viễn rời xa hoàng cung... chỉ có thể là... bị... ruồng bỏ.
- Ta hiểu Hoàng thượng, dẫu người có hận ta thì người cũng không bao giờ muốn người trong thiên hạ nghĩ rằng ta chỉ là một phi tần bị ruồng bỏ. Có lẽ... số mệnh của ta là gắn liền với nơi đây... đến hơi thở cuối cùng.
Rằm tháng Giêng năm Ất Mùi, vào giờ Mão, thái giám đi khắp hoàng cung, vừa gõ kẻng vừa lớn tiếng thông báo:
- Hoàng quý phi Mẫu Đơn đã quy tiên! Tất cả các cung phải hạ đèn lồng đỏ! Tất cả các vườn hoa chỉ được để lại mẫu đơn trắng! Nội trong ba ngày, không ai được phép mặc trang phục có màu sắc sặc sỡ!
Ngọc Minh buồn bã hỏi trẫm:
- Hoàng thượng! Người không định gặp mặt Hoàng quý phi lần cuối hay sao?
Trẫm lắc đầu. Ngọc Trí não nề bẩm báo:
- Bẩm Hoàng thượng, xe đưa Hoàng quý phi về Sơn Nam đã được chuẩn bị chu toàn.
Trẫm thở dài hỏi han:
- Xe có đủ rộng rãi?
Ngọc Trí gạt nước mắt trả lời:
- Dạ bẩm Hoàng thượng, xe rất rộng rãi thoáng mát.
- Chiếc giường trên xe có đủ êm ái?
- Dạ, gường rất êm ái thưa Hoàng thượng.
- Ngươi liệu có nhớ gài thật nhiều hoa mẫu đơn xung quanh xe?
- Dạ, nô tài đã gài rất nhiều hoa mẫu đơn rồi ạ.
- Ngọc Trí! Vất vả cho ngươi rồi.
Đơn Đơn! Nàng cũng vất vả rồi, đường về Sơn Nam xa xôi, chú ý bảo trọng. Rằm tháng Hai năm Ất Mùi, Đại Hoàng tử vào cung trách móc trẫm:
- Phụ hoàng! Nơi mẫu phi an nghỉ, cỏ đã mọc xanh rồi, nhưng người thì chưa từng ghé qua!
- Đồ ngốc! Mẫu phi của ngươi đâu có ở đó?
- Vậy theo phụ hoàng thì mẫu phi ở đâu?
- Nàng vẫn luôn ở trong tim trẫm.
Đại Hoàng tử chua xót nhìn trẫm. Trẫm sợ hắn bị rơi vào trạng thái u uất nên đành cho các cung nữ và thái giám lui ra ngoài, chỉ giữ lại hắn, Ngọc Minh và Ngọc Trí. Trẫm bình thản tiết lộ:
- Hoàng quý phi vẫn còn sống. Trẫm chỉ tạo cho nàng một cái chết giả để nàng có thể rời cung một cách êm đẹp mà thôi.
Cả ba người bọn họ cùng oà khóc nức nở. Bọn chúng ái ngại nhìn trẫm như thể trẫm là một kẻ điên.
- Hoàng thượng! Hoàng quý phi thực sự đã quy tiên rồi.
- Hoàng thượng! Đến bao giờ người mới có thể chấp nhận được sự thật này đây?
- Phụ hoàng! Nhi thần bất hiếu. Nhi thần cứ ngỡ người thờ ơ với mẫu phi, ai ngờ người lại quá thương nhớ nên mới đổ bệnh!
Lũ khùng điên, trẫm nói thật chúng không nghe, lại nghi ngờ trẫm có bệnh. Trẫm chán chẳng buồn giải thích thêm nữa, chỉ lẳng lặng vứt cho chúng xem thư của nàng.
...
Rằm tháng Tư năm Ất Mùi, Nhị Hoàng tử lên ngôi. Ta... Uy Long...đã không còn là người ngồi trên ghế rồng. Ta hạnh phúc phi ngựa về nơi có người trong tim. Nàng vậy mà vẫn giữ lời hẹn, tươi cười rạng rỡ đứng đợi ta trên cầu Tâm Ý.
- Thảo dân khấu kiến Thái thượng hoàng.
- Thái thượng hoàng Uy Long đã rời xa hồng trần rồi. Hoàng thượng sẽ phát tang sớm thôi. Ở trên chiếc cầu này, chỉ có phu quân Vô Ưu của Tứ Tứ.
Nàng trìu mến nhìn ta, tủm tỉm nói:
- Phu quân! Thiếp đã nấu cơm rồi. Chúng ta mau về nhà dùng bữa tối.
Ta khó xử đề nghị:
- Phu nhân! Có thể nào đi ăn quán được không? Mấy tháng xa cách, không lẽ chưa làm được chuyện gì đã phải ôm chiếc bụng đầy đớn đau?
- Thú thực với phu quân, cơm hơi nhã, rau bị nát xíu xíu, trứng chiên thì có chút mặn mà. Nhưng thiếp nghĩ là chàng cứ nên ăn dần cho quen bụng. Còn những chuyện khác, một đời thong dong, không lo lỡ hẹn.
- Được, vậy theo ý phu nhân.
- Thực hổ thẹn với phu quân, dạo này thiếp tiêu pha hơi xông xênh, gạo trong vại đã vơi kha khá rồi, tiền trong kho cũng không còn nhiều.
- Không sao đâu phu nhân. Ta làm lụng vất vả nhiều năm, cũng dành dụm được chút của ăn của để. Sáng sớm ngày mai, ta sẽ sai người đem mười ngàn lượng vàng về Sơn Nam để chúng ta dùng tạm. Phu nhân thấy như vậy đã đủ mua gạo chưa?
- Còn tuỳ xem đêm nay phu quân có gọi gạo thượng hạng hay không?
- Ồ! Có cả gạo thượng hạng sao?
- Phu quân ban ngày đã chịu ăn cơm nhã thì tất nhiên ban đêm phải được thưởng thức gạo thượng hạng rồi. Bằng không, thiếp lấy gì để trói chặt trái tim chàng?
- Phu nhân quả thực quá chu toàn! Mười vạn lượng vàng liệu có đủ cho trẫm mua loại gạo này?
- Muốn đủ, chỉ có thể đổi bằng một đời của phu quân.
- Một đời của ta... vốn dĩ luôn thuộc về phu nhân.
***
Ánh chiều tà soi bóng trong hồ Ưu Tư, ráng vàng hân hoan trải khắp cầu Tâm Ý. Tháng Tư đẹp dịu dàng trong chùm hoa giấy mong manh màu hồng phấn. Vào những năm tháng sau này, người ta vẫn truyền tai nhau câu chuyện tình của Hoàng thượng Uy Long và Hoàng quý phi Mẫu Đơn. Người Sơn Nam luôn kể với con cháu rằng Hoàng thượng và Hoàng quý phi đã về quê sống một cuộc đời thường dân đầy bình dị. Người Kinh Bắc chê người Sơn Nam yếu đuối, bởi vì không thể chấp nhận được sự thật bi thương nên đã phải bịa ra một cái kết đẹp. Hoàng quý phi vốn dĩ đã rời xa hồng trần trong trận bão tuyết năm Ất Hợi, toàn bộ những ghi chép sau này của Hoàng thượng đều là ảo giác. Người xứ Đông lại khẳng định Hoàng thượng và Hoàng quý phi quy tiên vào năm Ất Mùi. Ở xứ Đoài, có phú bà Đinh Phi Yến là cháu gái của Hoàng quý phi. Người ta thường tới nhà phú bà hỏi chuyện xưa, nhưng phú bà chỉ cười cười chứ không cho họ biết đáp án chính xác. Mỗi giai thoại đều có nhiều phiên bản, ghi nhớ phiên bản nào là quyền của người nghe. Cuộc sống đa chiều, cùng một bông mẫu đơn ấy nhưng xấu đẹp tuỳ mắt nhìn, cùng một tấm chân tình ấy nhưng kẻ ghét người thương. Tin vào điều gì là lựa chọn của chúng ta. Tâm đen nhìn đâu cũng thấy u ám, tâm rạng ngời vào ngày giông bão cũng thấy ánh dương. Nhân sinh vốn không hoàn mỹ, thế gian đầy rẫy những chuyện bất như ý, xem nhẹ thị phi một chút rồi lòng ta sẽ bình yên. Chúc cho tất cả chúng ta một đời vô ưu, vô tư, tự do, tự tại.
***
Hết.
Tháng Năm, thờ ơ trong nhân thế,
năm Quý Mão, thương nhớ một người xưa.