Tiên phong.
Trước khi Trần Đại Xuyên và Ấn Tây đến sa mạc, hai người đã gửi kịch bản dự kiến cho Lý Tùng Nhất.
Sau khi Lý Tùng Nhất tiễn Trần Đại Xuyên, tâm tình cậu trống rỗng như mất một thứ gì đó, chẳng tài nào tập trung nổi. Hiện giờ cậu hệt như một túi nước đột nhiên cạn khô, làm gì cũng không hăng hái.
Lý Tùng Nhất biết trạng thái này không tốt, trông chẳng khác gì một bóng ma lơ lửng trong căn biệt thự hoang vắng. Cậu đành hạ quyết tâm dồn hết sự chú ý vào kịch bản.
Bối cảnh của “Tiên phong” là một Lê quốc hư cấu thời cổ đại.
Bọn người Man từ phương Bắc cứ luôn xâm lược Lê quốc, dẫn tới biên giới hai nước xảy ra chiến tranh liên miên khiến người dân không ai chịu thấu. Cuối cùng vào một ngày nọ, sứ thần do Lê quốc phái đi Tây Dương từ mười năm trước thình lình trở về. Quân vương hỏi ông ta có mang về vũ khí đánh bại bọn dân Man không, và sứ thần đã trả lời bằng cách lấy ra một ít hạt giống.
Ông ta nói rằng khi mùa xuân đến, hãy rắc những hạt giống này vào dãy Tuyết Sơn của dân Man. Nước tuyết tan ra khiến hạt giống đến kỳ sinh trưởng, để rồi cỏ hoang mọc dại với tốc độ chóng mặt; chỉ trong vài năm, các vùng đất của dân Man ắt bị chiếm đóng. Bọn dân Man sẽ hoàn toàn chẳng biết điều đó, và đến khi phát hiện sự bất thường thì thảm thực vật đã không còn tồn tại.
Không có thảm thực vật, ngựa không có cái ăn. Đất dân Man chỉ toàn ngựa đói, vậy sao chịu nổi sự phản công?
Văn võ bá quan Lê quốc ồ lên, bắt đầu chia làm hai phe. Một phe tin răm rắp lời sứ thần, nhưng để tìm thấy dãy Tuyết Sơn – nguồn căn để bọn dân Man sụp đổ, ắt hẳn là một vấn đề nan giải; phe còn lại thì cho rằng sứ thần không mang về binh khí nên sợ quân vương trách phạt bèn cố ý bịa chuyện về sự tích hạt giống, nếu bây giờ phái đại quân tìm kiếm Tuyết Sơn, e rằng còn liên lụy đến chiến tranh nơi tiền tuyến.
Thỏa hiệp cuối cùng là cử một đội tiên phong tinh nhuệ mang theo hạt giống đi tìm dãy Tuyết Sơn.
Nhân vật chính của phim: Cố Nhạn Thanh, đội trưởng đội tiên phong.
Cố Nhạn Thanh là một vị tướng hết mực trung thành, chưa bao giờ thốt một câu ai oán về việc ra trận giết địch. Lần này quân vương giao phó, hắn gần như hiến dâng máu thịt thề rằng —— Nhất định hoàn thành sứ mệnh, dẫu có chết cũng phải chết dưới chân Tuyết Sơn.
Cố Nhạn Thanh dẫn một đám thủ hạ lần theo bản đồ cốt đi vòng qua khu vực tụ tập của dân Man, lặng lẽ chạm tới ngọn núi. Một trong những thủ hạ thân tín nhất của hắn là Thu Lai, tuổi còn trẻ nhưng đã có bản lĩnh và tiềm năng vô hạn. Cố Nhạn Thanh coi y là người nối nghiệp của mình.
Nhân vật này do Lý Tùng Nhất thủ vai.
Phần lớn nội dung phim được dàn dựng trên sa mạc.
Tuy nhiên những khó khăn mà đội tiên phong gặp phải khi bắt đầu chẳng phải đến từ sa mạc, mà đến từ bè cánh đấu đá bên trong Lê quốc. Đi được nửa đường, Cố Nhạn Thanh mới phát hiện nửa sau tấm bản đồ mà đại tướng quân đưa cho họ thực ra là giả.
Quân đội trên tiền tuyến cũng tham gia vào cuộc đối đầu giữa các thế lực trong triều đình. Đại tướng quân thuộc phe thừa tướng, trong khi phó tướng nhiều lần lập công Cố Nhạn Thanh lại trung thành với mỗi quân vương. Thừa tướng há chịu cho quân vương như ý, gã đã muốn diệt trừ Cố Nhạn Thanh từ lâu. Lần này đội tiên phong ra đời, vừa lúc cho gã cơ hội ngàn năm có một.
Cố Nhạn Thanh dĩ nhiên biết đại tướng quân và thừa tướng không ưa mình, nhưng dù hắn có sức tưởng tượng phong phú cách mấy cũng chẳng ngờ bọn họ lại lựa chọn đấu đá nội bộ trước khi tìm thấy cơ hội diệt trừ dân Man tận gốc.
Phần sau của kịch bản thỉnh thoảng đan xen vài cảnh triều đình, vạch trần nguyên nhân vì sao thừa tướng làm vậy —— Trước hết, gã cóc tin trên đời này tồn tại một thứ gọi là hạt giống với công hiệu thần kỳ như thế; tiếp theo, ngay cả khi nó xảy ra thì đó vẫn không phải là thứ mà gã muốn thấy. Chỉ có chiến tranh liên miên, thừa tướng mới có thể luôn đặt binh quyền trong tay đại tướng quân; quân vương không dám đụng vào hắn ta, cũng chẳng rỗi hơi đối phó với gã. Và chỉ khi chiến tranh liên miên, gã mới có thể đục nước béo cò kiếm chác. Nếu thiên hạ này thái bình, chẳng phải gã đang chờ quân vương xử trảm ư?
Đương lúc Cố Nhạn Thanh tiết lộ sự thật về tấm bản đồ giả, đội tiên phong dần nảy sinh bất đồng và chia thành hai phe. Phe thứ nhất cho rằng nhân khi còn nhớ đường về hãy nên nhanh chóng trở lại, đến khi tìm thấy bản đồ chính xác thì đi tiếp, không nhất thiết phải mạo hiểm. Phe còn lại —— Kỳ thực là ý kiến của Cố Nhạn Thanh. Hắn nhận thấy ngay cả khi trở về cũng chẳng lấy đúng bản đồ, và một khi quay lại thì đội tiên phong lỡ mất một mùa xuân nữa. Trong năm ấy, biết bao tướng sĩ và bá tánh vô tội chết oan giữa cuộc chiến. Đội tiên phong hẳn nên tiếp tục đi dọc theo nguồn nước để tìm đường lên đỉnh Tuyết Sơn.
Và hiển nhiên Cố Nhạn Thanh là người đứng đầu tuyệt đối trong đội tiên phong, không một ai dám trái lời hắn. Những người bất đồng ý kiến chỉ có thể phục tùng mệnh lệnh, tiếp tục lê bước trên sa mạc.
Nhưng khi gặp phải trận bão cát quét sạch một phần ba binh lính và hầu hết thức ăn nước uống, thì mâu thuẫn nội bộ càng trở nên gay gắt hơn. Đói khát, cát gió; ban ngày nóng bức, ban đêm rét lạnh… đã tàn phá tâm trí mọi người.
Và sau cùng, ở vùng đất hoang vắng xa quân vương thì quyền lực tuyệt đối của Cố Nhạn Thanh chẳng là cái thá gì cả.
Tướng sĩ muốn đào binh dần dần xuất hiện.
Đối phó với những kẻ đào binh, Cố Nhạn Thanh đã dùng cách quyết đoán và máu lạnh nhất – Giết ngay tại chỗ.
Một cuộc náo loạn nhỏ chẳng đâu ra đâu lại bị dập tắt.
Cố Nhạn Thanh tuy máu lạnh, nhưng lòng trung thành và năng lực của hắn vẫn là điều chẳng cần bàn cãi. Hắn cùng binh lính đối mặt với khó khăn, dựa vào kinh nghiệm sinh tồn phong phú trong sa mạc để tìm kiếm thức ăn và nguồn nước.
Trong suốt giai đoạn này, Thu Lai luôn là người trợ giúp đắc lực nhất và là người đáng tin cậy nhất của Cố Nhạn Thanh. Thậm chí đôi khi y còn trông thấy sự yếu ớt và bối rối đằng sau tấm lưng vững chãi của hắn, dẫu chỉ là thoáng qua.
Và đến khi trải qua tất cả những chông gai mang ý nghĩa biểu tượng và ẩn dụ về xã hội loài người, một sự kiện khác đã khiến Thu Lai không còn ủng hộ cách làm của Cố Nhạn Thanh nữa.
Đó là một ngày khi đội tiên phong rơi vào tuyệt cảnh, tại thời điểm xuất phát là một trăm người mà hôm nay chỉ còn lại mười mạng.
Ba ngày không có nước uống đã ăn mòn tâm trí mỗi người. Họ điên cuồng đào một cái cây trong sa mạc, đến khi đào sâu hơn ba mét mới tìm thấy một ít cát ướt. Họ tham lam chút độ ẩm chẳng bõ bèn ấy, bởi chúng có thể giữ cho họ sống thêm một ngày.
Và cũng chỉ có một ngày, trong khi con đường phía trước vẫn dài đằng đẵng.
Khi cát ướt làm dịu cổ họng, vài người của đội tiên phong đã gào lên trong tuyệt vọng. Không có nước mắt, tiếng gào khô cằn và khản đặc như những viên đá cọ xát vào nhau. Chói tai. Lẫn đau thấu tim gan.
Cố Nhạn Thanh chợt hiểu, mặc dù đội tiên phong vẫn còn mười người nhưng linh hồn của họ đã chết tự khi nào.
Hắn cũng đột nhiên mệt mỏi, chỉ muốn nằm chờ chết mà thôi.
Đương lúc hắn đưa ra quyết định, thì một tiếng kêu lanh lảnh như trên trời cao vọng xuống bỗng vang lên.
Đó là một cậu bé chăn cừu!
—— Cũng là bọn chăn nuôi dân Man.
Cách đó không xa có cái hồ nhỏ tên Nguyệt, nước trong veo cỏ xanh mướt. Một nhóm người chăn nuôi gia súc đang thả ngựa ở đây; những đứa trẻ ham chơi, cưỡi ngựa đi xa hơn một chút nên trông thấy Cố Nhạn Thanh và đội tiên phong của hắn. Họ đưa mọi người về trại, và cho cái ăn cái uống.
Đội tiên phong thoát khỏi cái chết cận kề trước mắt, có người còn khóc nấc vì vui sướng.
Cố Nhạn Thanh hiểu sơ về ngôn ngữ tộc Man, nhưng nhóm người chăn nuôi gia súc này rõ ràng chọn cách sống lánh đời, thành thử có chút khác biệt so với ngôn ngữ tộc Man chính thống. Ông nói gà bà nói vịt, những lần dở khóc dở cười như thế đã kéo gần khoảng cách giữa hai bên.
Thu Lai là người thích chơi với bọn trẻ nhất, mà thực ra y cũng chỉ trạc tuổi một đứa trẻ đấy thôi.
Đây là khoảng thời gian hạnh phúc nhất đối với đội tiên phong. Người dân chăn nuôi ở đây chào đón họ bằng lòng hiếu khách và sự nhiệt tình như thể bất biến, cũng như gián tiếp nhóm lên ngọn lửa hy vọng cho tương lai của họ.
Cố Nhạn Thanh lân la làm quen cốt lấy tấm bản đồ mới đến dãy Tuyết Sơn. Ngay khi họ chuẩn bị xuất phát lần nữa, Cố Nhạn Thanh đã đưa ra quyết định mà Thu Lai chẳng thể chấp nhận —— Hắn muốn giết tất cả dân chăn nuôi ở đây. Bởi hắn nghi ngờ những người này đã biết thân phận của họ, và đang bí mật báo tin cho quốc vương Man tộc. Để tránh đêm dài lắm mộng, hắn đành phải diệt cỏ tận gốc.
Lần đầu tiên, Thu Lai bất đồng quan điểm với Cố Nhạn Thanh.
Trong cuộc giằng co giữa hai người, Thu Lai chưa bao giờ là phe chiến thắng. Cố Nhạn Thanh ra lệnh cho những người khác trói Thu Lai vào cột. Vào đêm họ rời đi, Cố Nhạn Thanh đã giết sạch toàn bộ dân chăn nuôi và đốt trụi vườn tược nơi đó.
Nhưng trong ngọn lửa phần phật ấy, bóng dáng Thu Lai dẫn theo một đứa trẻ còn sống xuất hiện, chạy trốn về phía khu rừng.
Cố Nhạn Thanh trông thấy, song không đuổi theo. Trong mắt hắn lóe lên một tia lửa, chẳng ai biết hắn đã nghĩ gì vào lúc đó.
Cố Nhạn Thanh và tám người còn lại tiếp tục lên đường tìm kiếm Tuyết Sơn.
Nhưng, họ đi vào ngõ cụt.
Hóa ra bản đồ mà dân chăn nuôi đưa cho họ cũng là giả, chỉ dẫn đến một hoang mạc không có nước lẫn cây cỏ.
Cố Nhạn Thanh và những người khác tự hỏi, chẳng lẽ đây là lỗi do bất đồng ngôn ngữ? Hay phải chăng, dân chăn nuôi đã phát hiện họ là người của Lê quốc nên cố tình làm vậy?
Nếu cố tình, thì khoảng thời gian hạnh phúc đó đối với đôi bên là vô cùng giả dối.
Nhưng nó, cũng vô cùng chân thực.
Họ đã thực sự cảm nhận được hơi ấm của thế gian, và chính chiến tranh đã chia cắt họ thành hai phe đối nghịch.
Đội tiên phong về cơ bản là chết sạch, chỉ còn mỗi Cố Nhạn Thanh một mình thoi thóp trở lại nơi tiền tuyến. Những hạt giống nằm rải rác trên sa mạc khô cằn, dẫu sức sống của chúng ngoan cường đến đâu cũng chỉ đi vào ngõ cụt mà thôi.
Lúc đó đang xảy ra chiến tranh, Cố Nhạn Thanh hom hem như bộ xương gà di động lạc vào chiến trường. Nhưng chẳng ai biết hắn, họ đều nói rằng Cố Nhạn Thanh đã bỏ mạng trên sa mạc.
Cố Nhạn Thanh bị lính Lê quốc đâm chết, một câu di ngôn cũng chưa nói thành lời.
Vận mệnh là thứ nực cười thế đấy.
Thay vì nói đây là dòng phim chiến tranh, thiết nghĩ có thể gọi là phim phản chiến.
Lý Tùng Nhất buông kịch bản xuống, tâm trạng càng thêm nặng nề.
Thật lâu sau, Lý Tùng Nhất thoát khỏi cảm xúc chủ quan và bắt đầu phân tích khách quan dưới góc nhìn của một diễn viên chuyên nghiệp. Kịch bản này có yêu cầu rất cao đối với đạo diễn, ngoài cốt truyện chứa đầy phép ẩn dụ và biểu tượng, làm thế nào để thể hiện rõ tính ẩn dụ ấy xuyên suốt cốt truyện một cách trôi chảy là một bài kiểm tra khắc nghiệt về kỹ năng đạo diễn. Nếu năng lực yếu kém, đạo diễn rất dễ rơi vào một vòng xoáy nhàm chán vô hạn.
Nhưng nếu Trần Đại Xuyên đã chọn Ấn Tây, chứng minh rằng anh tự tin về khả năng đạo diễn của y.
Vai diễn Cố Nhạn Thanh rất phù hợp với Trần Đại Xuyên, dù sao Thái tử từng thực sự dẫn binh ra trận giết giặc, và bản thân anh cũng từng hy sinh trên chiến trường. Quả thật, chẳng ai xuất sắc hơn anh trong việc thể hiện sự tàn khốc của chiến tranh đối với con người.
Còn Thu Lai…
Ôi, Lý Tùng Nhất thở dài. Thu Lai là tùy tùng bé nhỏ của Cố Nhạn Thanh, hết mực nghe lời hắn và tự biến mình thành một cỗ máy chiến đấu. Sau cùng y thoát khỏi xiềng xích của bản thân và quần thể, dẫn theo cậu bé chăn cừu bỏ trốn. Đây là tia sáng chân chính của bản chất con người, cũng mang ý nghĩa phản ánh sâu sắc.
Trên thực tế, kịch bản không phản đối chiến tranh cách mù quáng, thậm chí còn tán thành vài khía cạnh của chiến tranh thông qua một số nhân vật. Chiến tranh là động lực thúc đẩy cho sự phát triển của nhân loại, và lịch sử nhân loại cũng gắn liền với lịch sử của chiến tranh.
Nếu không có chiến tranh, loài người chẳng bao giờ phát triển đến mức hiện tại trong vài nghìn năm tới. Có người chết vì chiến tranh, những cũng có những bậc vĩ nhân sinh ra trong thời chiến.
Chiến tranh, kỳ thực là tiên phong trong sự phát triển của loài người.
Nhưng trong mọi trường hợp, chiến tranh không nên là kết quả cuối cùng.
Hết chương 59