Tháng Ngày Giành Ảnh Đế Với Thái Tử

Chương 61


Cãi nhau.

Máu toàn thân của Trần Đại Xuyên dồn lên não trong tích tắc, sự chuyên nghiệp của một ảnh đế giúp anh nhanh chóng bình tĩnh lại sau niềm vui đột ngột vừa rồi.

“Không đâu.” Trần Đại Xuyên khẽ nói. Bởi anh đang ở gần bên, nên giọng nói nhẹ hẫng cứ như thì thầm vào tai Lý Tùng Nhất. “Ấn Tây để ý tới hình tượng lắm.”

Lý Tùng Nhất nhướng mày: “Ý anh là tôi phèn hả?”

“Tôi đâu nói thế.” Trần Đại Xuyên phủ nhận. “Nhưng nếu cứ nghĩ vậy, cảm phiền em cũng đừng giật nảy lên. Mình lớn rồi, không nhất thiết phải đọ độ cứng của màng nhĩ với tăm bông.”

Một bên tai của Lý Tùng Nhất hãy còn trong tay anh: “…”

Trần Đại Xuyên lấy hết cát ra khỏi tai Lý Tùng Nhất.

Lý Tùng Nhất lắc đầu, chẳng còn tiếng vo ve như ruồi kêu ban nãy.

Trần Đại Xuyên siết chặt nắp lọ thuốc, “Môi trường sa mạc rất có hại cho da. Em đừng ngại phiền, cứ che chắn cẩn thận vào. Nhớ làm đầy đủ các bước dưỡng da, mỗi ngày nên đắp ít nhất một miếng mặt nạ. Hôm nào không quay phim, em nhớ thoa kem chống nắng với che tai mũi họng, kẻo bụi bặm đâm ra cảm. Em cũng đừng sợ mình làm ra vẻ, dù sao diễn viên kiếm cơm bằng mặt, nam diễn viên cũng phải để ý hình tượng như bao người khác.”

Trần Đại Xuyên nhìn Lý Tùng Nhất, nói cách ẩn ý: “Em, ngủ ngon.”

Lý Tùng Nhất vẫy tay chào anh.

Trần Đại Xuyên ra ngoài, giúp Lý Tùng Nhất đóng cửa phòng. Tiếng khóa cửa lạch cạch vang vọng trong hành lang khách sạn yên tĩnh.

Trần Đại Xuyên dựa vào tường như thể vỡ òa.

Con tim đập nhanh điên cuồng như tiếng trống gióng giả rốt cuộc trở lại; không có sự cố ý kiềm nén của chủ nhân, nó càng đập dữ dội hơn cả.

Lý Tùng Nhất khó chịu vì anh thân thiết với Ấn Tây, thậm chí còn nảy sinh cảm giác so bì.

Anh cũng từng trải qua nỗi khó chịu thế này, bởi lẽ đó là lòng chiếm hữu chẳng cách nào khống chế. Nhưng anh chẳng hay tâm lý chiếm hữu của Lý Tùng Nhất đến từ đâu —— Dẫu sao, anh thậm chí không thể sắp xếp suy nghĩ của mình đâu ra đó ngay ban đầu. Anh đã ngạc nhiên, lẫn hoảng hốt. Và anh dần trở nên rụt rè, sợ mình sai một bước đi một dặm.

Tất cả mọi chuyện ở kiếp trước tựa như một sợi dây định mệnh vô hình, nối chặt họ trên thế giới này và trở thành mối quan hệ thân thiết mà chẳng một ai có thể thay thế. Nhưng khi muốn tiến thêm một bước, sợi dây ấy lại trở thành cọng kẽm trói chặt họ, khiến họ chẳng tài nào nhấc chân.

Một khi thoát ra, hoặc là tốt nhất, hoặc là tệ nhất.

Dẫu sao, đã chẳng thể quay đầu.

Trần Đại Xuyên muốn đáp án chắc chắn hơn, bởi anh không dám đánh cuộc mối duyên kỳ diệu của hai người.

*

Một bữa trưa khác trên sa mạc mà chẳng một ai mong đợi.

Trần Đại Xuyên không làm việc khác người, vẫn dùng cùng phần cơm với các diễn viên khác. Anh nhận hộp cơm trưa từ tổ sản xuất, nhìn quanh một hồi rồi chui vào RV của đạo diễn.

Cửa xe mở toang, thông gió từ trong ra ngoài.

Ấn Tây đang sửa lại bảng phân cảnh chiều nay thì nghe thấy có tiếng động. Y nheo mắt, nói khẽ: “Mấy ngày nay cậu mắc chứng gì cứ xáp vào tôi vậy?”

“Diễn viên chính và đạo diễn thảo luận chi tiết về cảnh quay, sẵn tiện vun vén mối quan hệ bạn bè. Có vấn đề gì à?” Trần Đại Xuyên mở hộp cơm, bắt đầu ăn.

“Ờ, thế thì không.” Ấn Tây gật đầu. “Nhưng Trần Đại Xuyên và Ấn Tây cần vun vén mối quan hệ bạn bè ư? Nếu cậu muốn tán tôi cứ nói thẳng, tôi không chịu đâu.”

“Cậu tự tin quá đà rồi.” Trần Đại Xuyên nói. “Chúng ta không làm việc cùng nhau đã mười năm, khó tránh khỏi xa lạ.”

“Nếu cậu lo lắng, thế khi nói chuyện với tôi thì bố thí cho con mắt được không? Cậu vun vén cái vẹo gì với kính chiếu hậu hả?” Ấn Tây nghiêng người nhìn kính chiếu hậu kế bên Trần Đại Xuyên.

Không gian có thể trông thấy qua kính chiếu hậu có hạn, đại khái là vài con xe của tổ đạo cụ và đoàn nhân viên núp bóng bên trong.

Lý Tùng Nhất cũng hòa vào mọi người, trò chuyện cười đùa với các cô gái trong tổ đạo cụ.

Ấn Tây cười khúc khích, nhìn Trần Đại Xuyên cho đậu bắp vào miệng: “Thời gian đúng là có thể thay đổi tất cả. Tôi nhớ hồi đó cậu không ăn đậu bắp.”

Trần Đại Xuyên vẫn tỉnh khô: “Cậu biết tôi không ăn đậu bắp, sao còn kêu tổ sản xuất làm món này?”

Ấn Tây nói: “Đáng lẽ tôi thường nhắc thói quen ăn uống của dàn chính với tổ sản xuất, nhưng hôm qua tôi cố tình dặn họ nhớ xào thêm đậu bắp.”

“Cậu bệnh hả?” Trần Đại Xuyên rốt cuộc bố thí một con mắt cho Ấn Tây.

“Cậu bệnh thì có. Tôi muốn thử xem cậu bệnh tới cỡ nào.” Ấn Tây thở dài. “Giờ biết rồi, cậu bệnh đến mức chả còn thuốc chữa.”

Trần Đại Xuyên lùa cơm nhanh gọn, sau đó nhảy ra khỏi chiếc RV: “Tôi chỉ muốn xác nhận một chuyện.”

Anh rảo bước trở lại phim trường.

Một nhân viên tổ đạo cụ tinh mắt khều tay cô gái bên cạnh, sau đó đám người đang cười giỡn thoắt cái trở nên im phăng phắc.

Trần Đại Xuyên liếc nhìn Lý Tùng Nhất đang vùi đầu ăn uống, đoạn lẳng lặng ném hộp cơm vào xe rác đằng xa.

Giữa cái nắng thiêu đốt ngay buổi trưa sa mạc, đi qua đi lại hơn trăm mét chỉ để ném hộp cơm. Trần Đại Xuyên quả là thanh niên năm tốt thời đại mới ấy nhỉ?

Ấn Tây – đạo diễn từ chối vun vén tình bạn trông thấy mọi thứ qua kính chiếu hậu, đang ôm bụng cười ngặt nghẽo ngả ra ghế.

Đến khi mặt trời dần hạ xuống, cảnh đầu tiên của buổi chiều mới chính thức bấm máy.

Tuy nhiên, chưa quay được bao lâu đã có người la toáng lên.

Ấn Tây nhìn về hướng ồn ào, hàng mày bỗng cau chặt —— Bầu trời đằng xa xám xịt, mây đen đang ùn ùn kéo tới. Có lẽ một trận bão cát sắp sửa nổi lên.

Dự báo thời tiết không đưa tin, chỉ là cơn bão nhỏ thường gặp trên sa mạc nhưng cũng thật phiền toái.

Trần Đại Xuyên đi tới, nheo mắt nhìn một hồi: “Hướng về bên mình.” Tốc độ rất nhanh, cát bụi nổi lên như làn khói đặc quánh.

Ấn Tây tặc lưỡi: “Thôi, nghỉ. Chúng ta về khách sạn đi.”

Phó đạo diễn thông báo cho mọi người về khách sạn theo lời của Ấn Tây, còn đốc thúc họ nhanh chóng dọn đồ về sớm.

Bão cát dữ dội hơn nhiều so với họ tưởng, chưa chi tầm nhìn đã giảm đáng kể. Cát bụi quất ràn rạt vào mặt, khiến da thịt người người đau rát.

Sau khi vào xe RV dành cho diễn viên chính, Trần Đại Xuyên mới nhận ra có điều không ổn. Anh nhìn hàng sau, hỏi: “Lý Tùng Nhất đâu?”

Mọi người lắc đầu.

Trần Đại Xuyên cau mày, lật đật xuống xe. Bão cát che khuất tầm nhìn, anh phải cố hết sức mở to mắt quan sát tình hình xung quanh.

Nhưng, chẳng thấy Lý Tùng Nhất đâu cả.

Những nhân viên khác đã lần lượt lên xe, bên ngoài chỉ còn lác đác vài người.

Trần Đại Xuyên vừa mở miệng thì cát bụi đã xộc vào họng, âm thanh không thể truyền đi xa nên anh đành thôi gọi tên cậu.

Trần Đại Xuyên sầm mặt, gọi điện thoại cho Lý Tùng Nhất.

Tiếng chuông chờ vang hồi lâu mà không một ai bắt máy.

Tài xế địa phương hô to: “Chủ tịch lên xe đi. Chúng ta phải về thôi, chắc cậu Lý lên xe khác rồi. Bão cát nhỏ, không sao đâu. Lát nữa hỏi người khác cũng được.”

Trần Đại Xuyên cắn răng, không còn cách nào khác đành phải lên xe.

Một người nào đó trong xe nhắn tin vào nhóm WeChat, chẳng mấy chốc đã có bạn hồi âm. Người nọ lên tiếng: “Tùng Nhất ở xe đạo cụ ạ.”

Trần Đại Xuyên suýt chút nữa đã cắn nát răng, song ít nhiều gì cũng bình tĩnh trở lại. “Sao lên xe rồi mà không nghe điện thoại?”

Mọi người im thin thít.

Bão cát làm cho việc đi lại khó khăn, hôm nay họ phải mất ba giờ đồng hồ mới đến khách sạn trong một hành trình vốn dĩ chỉ dài hai giờ.

Xe vừa dừng lại, Trần Đại Xuyên đã bước xuống với vẻ mặt cau có.

Xe của tổ đạo cụ nhanh chóng nối đuôi, lần lượt dừng lại trước cửa khách sạn.

Lý Tùng Nhất quả thật ở trên xe đạo cụ, lúc xuống xe còn đang cười nói với người khác. Một cô gái đưa điện thoại ra ngoài, đó là của Lý Tùng Nhất.

Cậu cầm lấy nó, cười bảo: “Cảm ơn em nhé.”

Trần Đại Xuyên đi tới, khẽ nhíu mày: “Em làm sao vậy?”

Lý Tùng Nhất nhìn anh với ánh mắt khó hiểu: “Tôi sao cơ?”

“Sao em không lên RV của tụi mình? Diễn viên có xe diễn viên, nhân viên có xe nhân viên. Em không biết à?”

“Tôi biết chứ.” Lý Tùng Nhất gật đầu. “Tôi thấy mấy cổ dọn đạo cụ vất vả quá…”

“Em biết, nhưng tại sao vẫn không tuân thủ quy định đoàn phim?” Trần Đại Xuyên sẵng giọng.

Lý Tùng Nhất thoáng sửng sốt, đoạn hỏi gằn từng tiếng: “Một thanh niên trai tráng hai mươi lăm tuổi, cao mét tám, nặng gần tám chục ký. Tôi giúp mấy cô gái trong tổ đạo cụ dọn dẹp, sau đó bão cát lớn quá nên lên xe của họ. Có vấn đề gì à?”

“Đoàn phim đã chia việc rõ ràng cho từng nhóm, từng người. Trách nhiệm của em là diễn tròn vai, còn lại chả phải việc của em. Tổ đạo cụ có cách làm riêng, em không biết gì đã nhúng tay vào, chỉ vướng víu người khác thôi.” Trần Đại Xuyên nói bằng giọng nghiêm khắc. “Nếu người nào trong ê-kíp cũng nhiệt tình không đúng chỗ như em, làm sao còn quay phim được? Em cứ làm tốt bổn phận của mình đi.”

Lý Tùng Nhất bật cười: “Được được được, tôi nhiệt tình không đúng chỗ.”

Cậu hất mạnh vào vai Trần Đại Xuyên, bỏ đi một nước vào khách sạn.

Cuộc cãi vã bất ngờ giữa hai người khiến các nhân viên đứng gần hoảng sợ, người nào người nấy đều nín thở cốt giảm bớt cảm giác tồn tại.

Đến khi Ấn Tây bảo họ tiếp tục làm việc, bầu không khí cứng ngắc vừa rồi mới chậm rãi tan đi.

Ấn Tây nhìn vẻ mặt đen như đít nồi của Trần Đại Xuyên mà lắc đầu nguầy nguậy. Đoạn y thấp giọng: “Cái tánh vụng về của cậu làm tôi bất ngờ thật đó.”

Rõ là lo lắng, cớ sao lời ra khỏi miệng lại hóa thành chê trách.

Ấn Tây bồi thêm: “À, cái kiểu chậm tiêu của cậu ấy cũng làm tôi cạn lời.”

Trần Đại Xuyên im lặng trở về phòng, trên người vẫn còn trang phục của đoàn phim. Đến khi hoàn tất tẩy trang, thay đồ và tắm rửa đã là hai giờ sau.

Anh gối đầu lên tay nằm trên giường, càng nghĩ càng thấy những gì mình nói với Lý Tùng Nhất có chút quá đáng. Nhưng hễ nghĩ đến việc mình lo lắng cho em ấy đến chết đi sống lại, còn người ta chơi vui đến mức chả buồn trả lời điện thoại, thì lửa giận trong lòng anh lại muốn bùng phát.

Trần Đại Xuyên thở dài thườn thượt, quyết định đi xin lỗi Lý Tùng Nhất.

Đầu tiên là bấm chuông, sau đó là gõ cửa; chỉ có điều Lý Tùng Nhất chẳng đoái hoài đến anh.

Trần Đại Xuyên nghĩ: “Chẳng lẽ em muốn giận tôi cả đời, không chịu gặp tôi cả đời ư?”

Anh thở ra, đành phải bấm chuông vài phút một lần cốt nhắc Lý Tùng Nhất rằng mình vẫn chờ ngoài cửa; khi nào em thôi giận, hoặc là hết sạch kiên nhẫn thì hãy mở cửa cho tôi.

Và thế là, chờ tận một giờ đồng hồ.

Ngay khi Trần Đại Xuyên toan xuống quầy lễ tân lấy thẻ phòng thì Lý Tùng Nhất xuất hiện. Cậu bước ra khỏi thang máy ở góc hành lang, vừa đi vừa ăn miếng bánh xoài tráng miệng; trên tay còn cầm theo một túi đồ take-away với logo nhà hàng của khách sạn nằm chình ình bên ngoài.

Trần Đại Xuyên tức đến nỗi suýt ngất xỉu.

Lý Tùng Nhất thoáng ngạc nhiên khi trông thấy anh ở đây. Cậu cố tình hỏi: “Chủ tịch tới đây làm gì vậy? Đoàn phim phân công cho anh kiểm tra phòng, ra giờ giới nghiêm à?”

Trần Đại Xuyên cảm tưởng một giờ chờ đợi của mình hệt như trò đùa, lời xin lỗi ấp ủ trong lòng hoàn toàn mất tăm khi nhìn thấy nước sốt xoài bên khóe miệng Lý Tùng Nhất. Anh bèn viện cớ: “Ấn Tây nhờ tôi gọi em, thảo luận chút về cảnh quay tiếp theo.”

“Hả?” Lý Tùng Nhất ngờ ngợ. “Thế sao anh không gọi cho tôi?”

Trần Đại Xuyên nắm lấy cơ hội nói kháy: “Tôi sợ em không trả lời điện thoại đó mà.”

Lý Tùng Nhất im lặng vài giây, đoạn nói: “Vậy đi thôi.”

Ấn Tây ở cùng tầng với họ, nằm phía bên kia hành lang.

Khi đi ngang qua thùng rác, Lý Tùng Nhất tiện tay bỏ túi đồ take-away vào đó.

Trần Đại Xuyên bất mãn liếc nhìn hành vi lãng phí của cậu, song vẫn cố gắng nén xuống ý định răn dạy.

Ấn Tây mở cửa, chưa kịp bày ra bản mặt ngạc nhiên thì Trần Đại Xuyên đã lên tiếng: “Tới đủ rồi, cậu nói gì nói nhanh đi.”

Sau đó, Ấn Tây đã dùng hành động thiết thực hòng chứng minh dù hai người đã không hợp tác mười năm nhưng tình bạn và sự ăn ý vẫn còn hoàn hảo chán.

Ấn Tây nói, giọng tỉnh rụi: “Vào đi, tôi chờ hai cậu nãy giờ.”

Phải nói rằng diễn xuất như thần.

Đạo diễn không có ngón nghề thì làm sao dạy dỗ diễn viên, hử?

Lý Tùng Nhất nhìn Ấn Tây bằng ánh mắt nheo nheo, thảo luận kịch bản thật à? Chứ không phải Trần Đại Xuyên canh cửa muốn xin lỗi mình?

Bổ tổ sư nó. Nói năng quá đáng thế này mà chẳng thèm xin lỗi, còn chiếm thời gian nghỉ ngơi của người ta! Đúng là Chu Bái Bì[1], Hoàng Thế Nhân[2] mà! 

[1] Chu Bái Bì: Một tên cường hào ác bá dưới ngòi bút của tác giả Cao Ngọc Bảo, vì thời xưa chưa có đồng hồ nên lấy tiếng gà gáy làm giờ đánh dấu ngày làm việc. Chu Bái Bì vì muốn bóc lột người làm nên nửa đêm giả tiếng gà gáy để gọi người làm dậy lao động. “bái bì” ở đây còn có nghĩa là lột da.

[2] Hoàng Thế Nhân: Một tên địa chủ bóc lột áp bức nông dân trong tác phẩm “Bạch Mao Nữ”.

Hết chương 61