Thiên Kiều

Chương 76: 76: Gặp Lại Hạ





Cả thành nam của Ký Châu đều lặng im trang trọng.
Cửa thành mở rộng, gió Tây Nam thổi tới mang theo không khí ngưng trọng sang phía tây.
Bên trong cổng thành cổ kính có lán gỗ dựng bằng tùng trúc kéo dài gần nửa dặm, bên trên bọc vải dầu màu xanh, quả thực quý khí.
Người của Thạch gia đương nhiên đứng đầu hàng, Thạch Mãnh ngồi yên trên kiệu nhìn bông tuyết đang rơi xuống từ bầu trời.

Khó có lúc ông ta than dài, nửa nghiêng đầu nhìn về phía Dữu thị lúc này sắc mặt rất nghiêm túc, “Cũng không biết lúc gần đi Lục Xước có nghĩ đến ngày hai tiểu khuê nữ của ông ta sẽ lưu lạc đến nước này hay không?” Không chờ Dữu thị trả lời ông ta đã tự mình nói tiếp, “Chắc hẳn ông ta không nghĩ tới, Lục Xước là lão gia sĩ tộc, kiêu ngạo lắm.

Nếu biết khuê nữ của ông ta rơi vào tay kẻ đại quê mùa như ta thì tám phần ông ta sẽ tức đến đội mồ sống dậy mất.”
Dữu thị liếc mắt nhìn Thạch Mãnh một cái, lại nhìn ra ngoài cửa thành rộng mở, uyển chuyển nói, “Nếu Lục công thật có thể từ trong đất nhảy ra thì A Kiều và A Ninh sẽ mừng muốn chết.

Đáng tiếc ông ta có tức giận đến đâu thì cũng không có chuyện ấy xảy ra.” Bà ta ngừng một chút mới dịu giọng nói: “Người chết không thể sống lại, ông đã không vui được mấy hôm rồi, đừng có buồn bực nữa.”
Thạch Mãnh đặt tay lên lưng ghế, khóe miệng mím chặt không nói gì.
Ông ta kính trọng Lục Xước, không vì uy thế của Bình thành Lục thị, thân phận của Lục Xước hay địa vị tam công của ông ấy.

Tất cả chỉ vì người này quả đáng nể phục.
Đáng tiếc trời đố kỵ anh tài, gót sắt của người Hồ sắp sửa giày xéo non sông gấm vóc của Đại Tấn, sĩ tộc thanh cao như Lục Xước cũng đã chẳng còn nhiều.

Thời cuộc sắp đại loạn, ai có thể bình định núi sông, phù hộ bá tánh đây? Ông ta là kẻ đại quê mùa, hành quân đánh giặc, liều mạng đánh giết ông ta làm được, và có thể đứng trên đỉnh.

Nhưng đối với việc trị quốc an bang thì ông ta không hiểu lắm.

Đó la vì sao ông ta muốn hợp tác với Lục Xước vì kế lớn.
Hiện giờ Lục Xước chết thảm, vậy ông ta con mẹ nó phải trông cậy vào ai đây?! Cái tên Tạ Như Thụ chỉ biết vẽ chim cá hoa hoét của Tạ gia hả? Hay con mẹ nó Lục Phân của Lục gia!? Chẳng nhẽ là Tần Tương Ung cả người toàn ý xấu bên người tiểu hoàng đế!?
Con mẹ nó, ai ông ta cũng chướng mắt!
“Đừng nghĩ nữa.” Dữu thị lại nhìn ra ngoài cửa thành và khẽ đẩy đẩy Thạch Mãnh, “Người tới rồi.”
Có một đội người ngựa mênh mông cuồn cuộn đi trong trời tuyết.

Bọn họ giống như hiện ra từ chân trời, từng bóng dáng nho nhỏ dần rõ ràng hơn.

Thạch Mãnh lập tức bật dậy, động tác hơi lớn khiến mọi người đều thò đầu ra nhìn.

Dữu thị lại giơ tay đẩy thế là Thạch Mãnh lập tức cảm thấy không được tự nhiên mà ho hai tiếng.

Ông ta duỗi tay sửa sửa vạt áo rồi trấn định ngồi xuống.
Đoàn xe càng lúc càng gần, Mông Thác cưỡi con ngựa đỏ thẫm đi đầu, cả người cao thẳng trầm mặc.

Sau đó có hai người song song cùng đi là Nhạc lão tam và Nhạc Phiên, cuối cùng là mấy binh lính mặc bố ý cùng hai chiếc xe ngựa.
“… Quả đào rốt cuộc bị tên tiểu tử kia hái được, nhị đệ đúng là làm ăn lỗ vốn rồi.” Thạch Mẫn thò người qua, nhỏ giọng nói bên tai Thạch Khoát.
Con thứ của Thạch Mãnh, Thạch nhị gia Thạch Khoát còn trẻ hơn anh cả nhà hắn, năm nay mới 19.

Hắn không giống Thạch Mãnh mà cực kỳ giống Dữu thị: lưng rộng eo nhỏ, mày dài tới mai, môi hồng răng trắng, mặt mày thanh tú như họa.

Hắn nâng chén ngồi bên cạnh anh cả Thạch Mẫn, cả người giống như Quan Công.
Thạch Khoát nghe thế thì phì cười nhìn Thạch Mẫn rồi nhỏ giọng đáp, “Trên chợ có một ông lão chi năm văn mua một quả trứng gà, sau đó có một bà lão cũng chi năm văn mua một quả trứng gà.

Sau đó thấy người ta mua một quả trứng hết có ba văn thế là bà lão kia quay ra cười ông lão ‘ngươi xem người ta mất có ba văn, ngươi thế này đúng là lỗ vốn’.

Nhưng ai ngờ mọi người xung quanh lại cười vang.

Xin hỏi đại ca tại sao mọi người trong chợ lại cười bà lão kia?”
“Đương nhiên là vì bà ta chó chê mèo lắm lông rồi!” Thạch Mẫn cười ha ha nói, “Hai bên cùng mất năm văn mua một quả trứng gà, so với người ta mua có ba văn thì đều lỗ thế mà bà lão kia còn có mặt mũi cười người khác…”
Cười xong hắn lại phát hiện không đúng thế là mặt trầm xuống, gầm lên một câu, “Ngươi có ý gì?!”
“Câm miệng!”
Thạch Mãnh cao giọng giận dữ mắng, sau đó đầu nhìn về phía Thạch Khoát nói, “Trong lời nói dám đặt bẫy lừa huynh trưởng thì hảo hán cái nỗi gì!” Sau đó ông ta trừng Thạch Mẫn, hận sắt không thành thép mắng, “Sao trước kia ta không phát hiện ngươi ngu thế nhỉ? Đầu óc quả thực như thiếu một mảnh, dại dột đến độ không nghe ra thâm ý trong lời kẻ khác!” Cuối cùng ông ta quay qua mắng Dữu thị, “Ngày mai trở về đuổi Trịnh tiên sinh đi thôi, dạy học mấy chục ngày cũng chưa tiến bộ, con mẹ nó chắc chắn là lão sư không nghiêm túc dạy.”
Dữu thị lại lườm ông ta một cái.
Con cả hữu dũng vô mưu, con thứ thật ra có đầu óc, tuy hai đứa đều là con bà nhưng xét từ ngoại hình và tính tình thì bà vẫn cưng chiều đứa con thứ hai hơn.


Đến bà còn không công bằng được thì cũng không trách Thạch Mãnh nổi.

Nhưng bà không thể không thừa nhận việc Thạch Mãnh xác định địa vị của con cả ngay từ lúc bắt đầu là cực kỳ chính xác.

Trưởng ấu tôn ti là căn cơ lập gia, không phải bà không biết Thạch Khoát càng nhạy bén càng thông minh hơn nhưng nếu bỏ qua con cả nâng đỡ con thứ thì Thạch Mẫn phải làm thế nào đây?
Thay vì lắc lư không rõ khiến người ta sinh ra kỳ vọng không nên có thì còn không bằng xác định rõ ngay từ đầu, cứ vậy mọi người mới tìm được vị trí của mình.
Trong thế gia, chỉ có con trưởng mới đáng giá, còn con thứ và con vợ lẽ dù có xuất sắc, được giáo dục tử tế thì cũng chỉ để phục vụ cho mục đích hỗ trợ cho sự thịnh vượng của gia tộc mà thôi.

Dù bọn họ có ngàn tốt vạn tốt cũng không thể thay thế địa vị của con cả.
Trưởng tử tượng trưng cho sự truyền thừa hương khói và huyết mạch của tông tộc, quan niệm này đã ăn sâu bén rễ lên nhận thức của mọi người trong Đại Tấn này, cực kỳ bền chắc.
Dữu thị xoay người nhìn thoáng qua con thứ Thạch Khoát lúc này đang kính cẩn cúi đầu đáp lời cha hắn thì trong lòng âm thầm thở dài một hơi.

Đây đều là mệnh, ai trưởng ai thứ, tôn ti đã rõ ràng, vạn sự đều không thể thay đổi, không ai chống lại được.
Thạch Mãnh vươn nửa người về phía Dữu thị, nghĩ nghĩ một lát lại an ủi, “Bà đừng buồn, đừng buồn! Chỉ là hai huynh đệ giành ăn mà thôi! Bọn nó ——”
“Được rồi.” Dữu thị nhẹ nhàng đánh gãy lời ông ta, sau đó đứng dậy đi một bước về phía trước, cái cằm nhỏ nhẹ hếch lên nói, “Bọn họ vào thành rồi kìa.”
Thạch Mãnh theo sát và đứng bên cạnh bà ta.
Mọi người ở đó thấy đám người Thạch gia đều đứng dậy đón chào thì cũng liên tiếp đứng lên thăm dò nhìn ra ngoài.

Đây là lần đầu tiên bọn họ thấy sĩ tộc tôn quý tới mức này.

Hai ngày trước Thứ Sử đại nhân công khai tin hai cô con gái vợ cả của Bình thành Lục thị, sĩ tộc đứng đầu Đại Tấn sẽ tới Ký Châu.

Ông ta nói mọi người có thể nộp 300 lượng làm phí nghênh đón.
Nói là mọi người nhưng người có thể bỏ ra số tiền ấy cũng chỉ có mười mấy nhà.

Tiền này quả thực không đắt, luận về công hay tư thì đây đều là việc có lợi.


Luận công thì đây là thời cơ tốt lộ mặt trước Thứ Sử đại nhân, luận tư thì có ai không muốn một lần nhìn thấy quý nhân có khi đời này bọn họ sẽ chẳng bao giờ thấy!?
Ừ, thế nên tuy cách xa tới mức không nhìn rõ lắm nhưng tốt xấu gì cũng không phải có hại!
Bí mật khó giữ nếu nhiều người biết, mới chỉ hai ngày mà màn đón rước này đã được truyền khắp Ký Châu.

Những người đứng thật xa đều híp mắt thấy phía trước mơ hồ có ba nam nhân dẫn đầu xoay người xuống ngựa nửa quỳ trên mặt đất hành quân lễ.

Theo sau có một vị tiểu cô nương mặc váy màu xanh nhảy từ trên xe ngựa xuống.

Mọi người đang muốn há miệng cảm thán thì lại thấy vị cô nương kia xoay người đứng bên cạnh xe ngựa duỗi tay đỡ một tiểu cô nương khác mặc váy cạp cao màu chàm thâm.

Nàng này đội mũ có rèm, đi bước nhỏ, mỗi bước nói không ra tư vị nhưng chỉ thấy cực kỳ đẹp.

Dù đầu đội mũ có rèm che mặt nhưng dáng người nàng ấy cũng cực kỳ đẹp.

Sau người này còn một vị tiểu cô nương nhỏ tuổi hơn được đỡ xuống, dáng đi đường cũng đẹp mắt, chân đá vạt váy nhưng ren trên đó lại không hề động đậy!
Mọi người chép chép miệng: Ba trăm lượng này đúng là đáng giá!
Mặt Trường Đình được mũ có rèm che lại.

Mũ này là Mông Thác nhét vào trong xe bọn họ khi chuẩn bị đến nơi.

Lúc này nàng thấy rõ đường đi, cũng nhìn rõ mặt Thạch Mãnh và Dữu thị.
Dữu thị đặt tay lên cánh tay nàng, giọng ôn hòa nói cái gì đó.
Tiếng nói ong ong, nàng nghĩ hơn phân nửa đều là “Trăm triệu lần không nghĩ tới”, “Cực kỳ đáng tiếc”, “Nén bi thương” linh tinh gì đó.
Muốn nói lời tri kỷ thì đương nhiên không thể nói trước mặt công chúng được.
Sau đó Dữu thị gọi Thạch Mẫn và Thạch Khoát tới, giọng trầm ổn nói với Trường Đình, “..

A Mẫn thì cô nương đã gặp rồi, còn A Khoát là con thứ của ta, lần trước cô nương chưa gặp.

Con trai thứ ba của ta là A Sấm không tới, còn A Tuyên vốn muốn tới nhưng đêm qua vì không quen thời tiết nên con bé đang sốt, ta cũng không cho tới.”
Trường Đình hoàn hồn, nhẹ gật đầu sau đó nghiêng người hành lễ với hai nam tử đứng sau Dữu thị.

Xuyên qua rèm mũ bằng lụa xanh mỏng nàng mơ hồ thấy được “Nhị ca” trong miệng Mông Thác và “Gia” trong miệng Nhạc lão tam có bộ dáng gì.


Nói thật thì diện mạo của hắn quả là tốt, lớn lên cực kỳ giống Dữu thị với mày kiếm, mũi cao, hình dáng rõ ràng.

Với bộ dạng này mà đặt trong gia đình đại sĩ tộc thì cũng không có gì là quá đáng, thậm chí nếu cho hắn thêm một cây quạt phe phẩy thì đúng là ra dáng công tử ca.

Trường Đình cảm thấy ở hắn có ba phần quen thuộc, trong lúc mơ hồ nàng giống như còn thấy vài phần của Lục Trường Anh trên người Thạch Khoát.
Sau mấy câu khách sáo ban đầu nàng đương nhiên sẽ nương cái cớ đến thăm Thạch Tuyên mà khởi hành về nơi bọn họ ở.
Chỗ bọn họ tới là một tòa nhà có ba sân lớn.

Khác với Lý gia của U Châu, nơi này cực kỳ khí phái.

Ngói nhà bằng đá xanh, tấm biển dát vàng lá, hai con sư tử đá ngẩng đầu kiêu hãnh.

Trường Đình và Trường Ninh được sắp xếp ở một chỗ gọi là “Triều hoa tiểu trúc”, Hồ Ngọc Nương ở phòng bên.

Đương nhiên Trường Đình cũng không tiện hỏi Thanh Sao đi đâu.
Dữu thị gọi hai tiểu nha hoàn tới, một người tên Đại Hạnh, một người tên Bạch Xuân.

Ở chính đường, trước mặt Trường Đình bà ta ôn nhu dặn dò, “Ta đưa các ngươi cho Lục cô nương, các ngươi chính là người của Lục cô nương, không được có lòng khác, càng không được gièm pha chuyện của chủ tử.

Nếu phạm lỗi ta là người đầu tiên không tha cho các ngươi, hiểu chưa?”
Hai tiểu nha đầu gật đầu như gà mổ thóc rồi đáp vâng.
Trường Đình không tỏ ý kiến.
Nếu đã là người của nàng thì một khi phạm lỗi sao đến lượt Dữu thị quản đây?
Kiểu dùng lời cạnh khóe ở nơi hậu trạch là thường được dùng nhất, Trường Đình không đáp lời của Dữu thị mà chỉ gật đầu cảm tạ sau đó không nói gì nữa.
Dữu thị lưu loát thu dọn khắp nơi một lần, sau đó lại trầm ngâm vỗ vỗ tay của Trường Đình nói, “A Kiều, đừng nghĩ nhiều tới chuyện khác, chỉ cần vui vẻ sống sót chính là quan trọng rồi.

Thạch gia tuy không sánh được với Lục gia nhưng cô nương có thể coi nơi này là nhà, chúng ta cũng sẽ coi cô nương như khuê nữ mà đối đãi.” Sau đó bà ta lại thở dài một tiếng, “Mọi sự đều là hoa nở rồi hoa tàn, đây cũng coi như duyên phận của cô nương, của A Ninh với Thạch gia chúng ta.”
Trường Đình không muốn miệt mài theo đuổi xem những lời an ủi này mang theo vài phần nhiệt tình hay vài phần diễn kịch.

Nếu người khác đã có thể nói như thế thì nàng cũng tình nguyện tin tưởng lời này xuất phát từ sự chân thành.
Trường Đình trầm mặc, thật lâu sau nàng mới ngẩng đầu nhẹ giọng nói, “Đêm nay A Kiều có thể bái kiến Thạch đại nhân không?”.