Mùi thuốc súng bắt đầu tỏa ra một cách dịu nhẹ trong không khí. Cố Ngữ Yên và Tiêu Huyền hôm nay đến dự đại hội lại ngồi cạnh nhau nên vị trí của hai người càng cảm nhận được mùi thuốc súng tràn ngập hơn. Qua một khắc đấu mắt, đấu lời thì hạng mục biểu diễn cũng được bắt đầu. Ban giám khảo của đại hội là bốn vị cao nhân, là bậc cường giả đã sớm ẩn cứ, tránh xa thị phi sự đời. Bọn họ là Tứ Thánh Sơn, bốn lão nhân gia chuyên đi du sơn ngoạn thủy, vân du tứ hải, mỗi người đều có cảm thụ và am hiểu cực kỳ sâu rộng đối với các loại cầm, kỳ, thi, họa.
Nếu so về tuổi đời thì Tứ Thánh Sơn còn cao tuổi hơn so với bộ ba đại tổ phụ của Cố Ngữ Yên, nghe tương truyền rằng bốn vị cao nhân này vốn đã nổi danh từ thời khai quốc, khi đó Linh Vũ đại lục còn vô cùng hoang sơ, chỉ là những mảnh đất hoang trải dài. Bốn vị trong Tứ Thánh Sơn không ham tranh quyền lực, chỉ đơn giản là làm việc thiện tích đức giúp đời, về sau thì ẩn cư tận hưởng thú vui nơi rừng núi tuổi già. Hàng năm người của tứ quốc sẽ đến tìm gặp Tứ Thánh Sơn, mời bốn vị xuống núi chủ trì cũng như làm ban giám khảo cho hạng mục biểu diễn tài nghệ trong đại hội Tứ Quốc.
Người đại diện của tứ quốc tiến hành bốc thăm để phân thứ tự biểu diễn. Mở đầu hạng mục chính là Thủy Hòa quốc, tiếp đến là Bắc Nguyên quốc và Mạc Ly quốc, cuối cùng là Triều Dương quốc.
Thủy Hòa quốc chọn hình thức biểu diễn hợp xướng, đội hình trình diễn là năm cô nương xinh đẹp hoa nhường nguyệt thẹn, mỗi người một vẻ, linh lung tựa ngọc. Năm nữ tử với năm loại nhạc cụ khác nhau, một người dùng sáo trúc, một người dùng tỳ bà, một người đánh trống, một người khua chiêng, điểm đặc biệt là nữ tử đứng giữa đội hình chỉ dùng một phiến lá đặt ngay ngắn trên khuôn miệng xinh đẹp. Tiếng nhạc bắt đầu được tấu lên, âm thanh pha lẫn từ nhiều loại nhạc cụ nhưng lại hài hòa, nhịp nhàng đến lạ thường. Qua nửa tuần hương, âm thanh vẫn duy trì vẻ đặc sắc ban đầu, trong nhu có cương, trong trầm có bỗng.
“Không có gì nổi bật.”
Một vị đến từ đoàn sứ giả của Triều Dương quốc nhỏ giọng bình phẩm, nói là nhỏ giọng nhưng âm vực cũng đủ để cho vài người xung quanh nghe thấy. Câu nói của hắn vừa dứt thì không biết từ đâu một trận gió bắt đầu nổi lên ồ ạt. Tiếng nhạc trong gió lại ngẫu phối cùng nhau, lá trúc theo làn gió không ngừng được cuốn tới. Nữ tử thổi phiến lá lúc này đứng giữa làn gió, mái tóc của nàng tung bay một cách tự do.
Tiếng nhạc tấu lên càng lớn thì gió thổi lại càng mạnh, tiếng nhạc du dương thì làn gió cũng trở nên dịu nhẹ lạ thường. Trong phút chốc, mỗi người có mặt ở đây đều dâng lên trong lòng một ý nghĩ, năm vị nữ tử kia, năm cô nương đang biểu diễn của Thủy Hòa quốc có khả năng điều khiển làn gió qua điệu nhạc. Tiếng nhạc càng lúc càng mãnh liệt, trên nền trời, gió cuốn lá trúc xếp thành ba chữ “Thủy Hoà quốc”. Năm nữ tử cầm chặt nhạc cụ trong tay, đồng loạt phi thân lên không trung, xoay tròn theo làn gió cuốn và cuối cùng bọn họ tiếp đất một cách đẹp mắt, tựa như tiên tử hạ phàm.
Không gian trở nên tĩnh lặng, vị trưởng công chúa của Thủy Hòa quốc thấy biểu cảm của những người ở đây thì trong lòng vui vẻ, đắc ý. Để gió hợp xướng cùng tấu khúc, ngoài Thủy Hòa quốc bọn họ ra thì còn ai có thể nghĩ ra được giai điệu như vậy. Con người và thiên nhiên trở nên đồng điệu, xinh đẹp lạ thường. Từng trận vỗ tay vang lên không ngớt, Cố Ngữ Yên mỉm cười với Tiêu Huyền, hai người đều bày tỏ sự thưởng thức đối với tiết mục vừa rồi, rất độc đáo.
Phần biểu diễn của Thủy Hòa quốc chấm dứt, tiếp đến chính là Bắc Nguyên quốc. Điều khiến Cố Ngữ Yên trở nên tò mò với tiết mục này là bởi vì Tiêu Huyền đã nói cho nàng biết, lần này đại diện Bắc Nguyên biểu diễn chính là Thái Tử Bắc Nguyên quốc, Kim Hạn. Thái Tử điện hạ đích thân ra trận, không biết cái tên gian xảo Kim Hạn sẽ đem đến một màn biểu diễn như thế nào, thật đáng mong đợi.
Kim Hạn đứng giữa sân lớn, thời khắc này chính là lúc bộ dạng mỹ nam đẹp như tạc tượng của hắn phát huy công dụng tối đa. Không biết có bao nhiêu cô nương ở đây ôm mông xuân vì nụ cười ấm áp của Thái Tử Bắc Nguyên mà thẹn thùng đỏ mặt. Kim Hạn phất nhẹ tay, lập tức một cây đàn tranh xuất hiện trước mặt hắn, cây đàn mang một sắc đỏ thẫm, được chạm khắc chìm nổi hình vân mây, chỉ nhìn thoáng qua cũng đủ biết đó là một bảo vật, trăm nay hiếm gặp.
“Cổ Trầm Đàn.” Tiêu Huyền khẽ nói vào tai Cố Ngữ Yên.
Cổ Trầm Đàn là một cây đàn tranh được vị nghệ nhân hàng đầu Linh Vũ đại lục làm ra trước lúc tạ thế, khắp thiên hạ chỉ có duy nhất một chiếc. Thân đàn được làm từ gỗ trầm ngàn năm cực kỳ quý giá. Đàn quý người đánh đàn cũng không phải kẻ tầm thường. Muốn sử dụng được Cổ Trầm Đàn, người chơi đàn phải có một loại cảm thụ sâu sắc với thanh nhạc, hơn nữa tu vị phải tiến vào giai đoạn luyện khí, dùng linh lực mà tấu lên âm thanh thuần túy nhất. Nếu trong lúc tấu đàn để mất tập trung thì tiếng đàn sẽ lập tức trở nên méo mó, lệch lạc. Nói theo một cách khác là khi dùng Cổ Trầm Đàn tấu nhạc chính là làm khó bản thân, sai một li mọi người đều có thể nhìn thấy, chẳng khác gì vạch áo cho người xem lưng.