Thức Giả

Chương 25: Trở lại trốn xưa


Cả tuần nay tôi chỉ có mơ một giấc mơ. Giấc mơ ấy lặp đi lặp lại những hình ảnh giống nhau khiến tâm trí tôi mơ hồ. Một căn nhà quen thuộc, một đứa con trai và những ngày lên lớp dạy học cứ liên tục hiện về làm trái tim tôi xốn xang. Cả những ngày vui chơi cùng đồng nghiệp đi đây đi đó, những món ăn ngon miệng như réo gọi tôi trong tiềm thức. Có phải đó là cuộc sống của tôi trước đây? Tôi bồi hồi, xao xuyến. Có một sức mạnh nào đó thúc giục tôi tìm lại bản thân mình dù biết rằng tôi không thể quay lại thể xác cũ được nữa. Theo trí nhớ về những giấc mơ, tôi tra google map để xác định địa danh và vị trí nơi sinh sống ngày xưa. Tôi cố lần ra tên của ngôi trường cũ theo hình ảnh lúc ẩn lúc hiện trong giấc mơ. Và rồi trời không phụ lòng người, tôi đã tìm được ngôi trường ấy. Đó là ngôi trường nằm ở một thị trấn nhỏ ở một huyện vùng ven biên giới thuộc tỉnh Bình Phước. Còn căn nhà trong giấc mơ cũng cách trường không xa. Biết được điều này, lòng tôi bỗng dưng nôn nao lạ thường. Tôi phải trở về nơi ấy một lần để thăm lại chốn xưa, cũng là để xác định thân thế của tôi. Tôi định rủ Lạc Lạc đi cùng vì đó là quê ngoại của bạn ấy nhưng nghĩ tới nghĩ lui tôi lại thôi. Nhưng phải có người đi cùng, tôi mới có đủ dũng khí đối mặt, dù đó là nơi tôi đã sống cả đời nhưng tất cả cũng chỉ mơ hồ, tất cả cũng chỉ là tiềm thức trong mơ mà thôi. Tôi cũng đã chuẩn bị tâm lí sẵn, có thể đó không phải là sự thật mà chỉ là một giấc mơ của Khả Di nhưng nhất định phải một lần kiểm chứng tôi mới an tâm. Cuối cùng, tôi quyết định rủ Mạnh Kha đi cùng. Tôi biết anh ấy sẵn sàng đi với tôi vì giờ giấc làm việc của chúng tôi trùng với nhau, hơn nữa, anh ấy có sẵn xe ô tô, đi đường xa cũng tiện hơn. Và tôi đã ngỏ lời với Mạnh Kha. Đúng như tôi nghĩ, anh ấy vui vẻ nhận lời ngay. Không chờ đợi nữa, tôi quyết định chọn ngày chủ nhật cho hành trình này. Theo chỉ dẫn của chị google, Mạnh Kha đã cho xe chạy đến nơi. Bình Phước là một tỉnh mới nhưng sự phát triển cũng không thua kém Bình Dương. Đường sá rộng lớn, nhà cửa san sát, sầm uất, cuộc sống của người dân nơi đây có vẻ sung túc hơn tôi nghĩ. Dừng lại trước ngôi trường mà tôi đã tìm kiếm, tôi ngỡ ngàng, lặng người vì không nghĩ đây là sự thật. Ngôi trường này có thật chứ không phải trong mơ. Tôi nói với Mạnh Kha là tìm về thăm cô giáo chủ nhiệm ngày xưa chứ không hề cho anh biết sự thật. Bởi vì có nói ra cũng không ai tin, có khi người ta lại nghĩ là tôi bị điên, bị hoang tưởng. Tôi cùng Mạnh Kha bước vào trường. Ngôi trường được xây dựng rất khang trang tọa lạc trên một khu đất cao, bằng phẳng, địa thế rất thoáng mát. Sau khi xin phép người bảo vệ, chúng tôi đến phòng ban giám hiệu. Tôi hỏi thăm về cô giáo cũ mà tôi cũng không biết tên, chỉ miêu tả chung chung về nét mặt. Có một điều tôi có thể nói chính xác là cô ấy dạy văn, đã về hưu, khoảng 60 tuổi. Không ngờ vị hiệu trưởng biết ngay vì trường chỉ có một cô giáo dạy văn đã nghỉ hưu nhiều năm. Cô ấy tên là Đỗ Quyên, là một giáo viên dạy giỏi, có nhiều tâm huyết với nghề. Rồi vị hiệu trưởng ấy dẫn tôi và Mạnh Kha đi qua phòng truyền thống, cho chúng tôi xem những bức ảnh chụp chung toàn trường vào những năm trước, chỉ cho chúng tôi ảnh của cô Đỗ Quyên. Nhìn thấy hình ảnh đó, tôi chợt rùng mình bởi đó là tôi của những năm xưa. Trong ảnh, một cô giáo dáng người tròn trịa, khuôn mặt phúc hậu và một nụ cười rất tươi, ánh mắt sáng ngời. Chân tay tôi chợt mềm nhũn, tôi bám vào người của Mạnh Kha. Anh ấy đỡ lấy tôi, hoảng hốt: - **Em làm sao vậy, Tiểu Di**? Tôi trấn tĩnh lại, nói nhỏ: - **Em xúc động quá**! Vậy là tất cả giấc mơ của tôi là có thật. Tôi đang đứng trước hình ảnh thật của tôi chứ không phải là điều suy tưởng nữa. Ông trời đã cho tôi sống tiếp trong thân thể của một cô gái trẻ trung, xinh đẹp. Đó có phải là phước phần của tôi hay chỉ là một giấc mơ có thật? Thầy hiệu trưởng đang đứng kế bên tôi cũng xúc động, nhìn tôi nói nhỏ: - **Rất tiếc, cô ấy đã mất năm ngoái vì bệnh ung thư. Xin chia buồn cùng hai em**. Mạnh Kha dìu tôi ngồi xuống ghế, cùng trò chuyện hỏi thăm thầy hiệu trưởng về gia đình của cô Đỗ Quyên. Sau đó, chúng tôi tìm đến nhà của cô. Tôi không cần hỏi nhà nữa mà chỉ ngay cho Mạnh Kha chạy vào bởi con đường từ trường đến nhà không còn xa lạ gì với tôi nữa. Anh ấy rất ngạc nhiên vì sao tôi lại quen thuộc như vậy, tôi chỉ cười rồi nói dối rằng ngày xưa tôi đi hoài nên nhớ. Mạnh Kha thắc mắc tại sao từ nhỏ tôi đã học ở Saigon mà, sao lại có cô giáo cũ ở vùng này? Mặc kệ, tôi chẳng giải thích còn anh ấy cũng chẳng hỏi thêm. Xe tôi dừng lại trước một căn nhà sơn màu xanh ngọc, kiểu dáng đơn giản nhưng bài trí đẹp mắt. Tôi bồi hồi, xúc động bởi đây chính là nơi tôi đã gầy dựng bằng chính mồ hôi nước mắt của mình, cũng là nơi mẹ con tôi sinh sống suốt mấy chục năm trời. Tôi và Mạnh Kha bước xuống xe, cổng nhà đang mở, một chàng trai bước ra, đó chính là con trai của tôi: Mẫn Đạt! Anh con trai 30 tuổi, người cao lớn, nét mặt đôn hậu gật đầu chào chúng tôi, ánh mắt ngạc nhiên: - **Hai bạn tìm ai**? Tôi cứ đứng trân trân nhìn đứa con trai xa cách lâu ngày, dáng người có vẻ ốm đi, nét mặt cũng kém phần tươi tắn. Tôi cố kiềm nước mắt, tôi biết từ ngày tôi ra đi, con tôi mất đi một điểm tựa cuộc đời, nó sẽ cảm thấy chông chênh lắm. Tội nghiệp con tôi! Thấy tôi cứ nhìn chàng trai lạ, Mạnh Kha nói thay tôi: - **Biết cô giáo cũ mất, anh em chúng tôi đến để xin được thắp một nén nhang**. Mẫn Đạt tuơi cười mời chúng tôi vào nhà rồi đốt ba nén nhang đưa cho tôi và Mạnh Kha. Đứng trước bàn thờ của cô giáo, tôi không khỏi ngậm ngùi. Trong bức ảnh thờ là khuôn mặt của một người phụ nữ 60 tuổi tròn trịa, phúc hậu, nụ cười tươi tắn, đó chính là tôi của ngày xưa. Tay tôi run run cắm nén nhang vào bát hương, vậy là gần một năm rồi, tôi vẫn sống nhưng trong một hình hài khác, một cuộc đời khác. Tôi xin phép Mẫn Đạt đi vệ sinh nhưng chủ yếu là tôi muốn nhìn lại ngôi nhà thân yêu của tôi. Đi ngang qua phòng cũ của tôi, ghé mắt nhìn vào, mọi thứ vẫn nguyên vẹn. Con tôi vẫn giữ nguyên đồ đạc của tôi như ngày xưa, hàng ngày quét dọn nên phòng vẫn sạch sẽ như có người ở. Tôi thầm cảm ơn con trai vì đã không nguôi nhớ đến tôi và cảm thấy yên lòng vì cuộc sống của con trai vẫn ổn, vẫn tốt khi tôi ra đi. Trở lại phòng khách, tôi hỏi Mẫn Đạt về chuyện lập gia đình vì tôi nhớ ra trước đó, con trai tôi đã có người yêu. Con trai tôi nói rằng chờ giáp năm, mãn tang mẹ mới nghĩ đến. Ôi đứa con tội nghiệp của tôi, tôi biết làm gì bây giờ, chỉ mong sao chân cứng đá mềm. Con tôi sẽ vượt qua nỗi buồn để sống hạnh phúc với gia đình của mình. - **Anh Mẫn Đạt à, có thể cho phép em mỗi năm một lần, trở về thăm cô giáo được không**? – Trước khi chia tay, tôi đã hỏi con trai. - **Được chứ! Cảm ơn em nha Khả Di**! – Mẫn Đạt tiễn chúng tôi ra cổng. Tôi bùi ngùi nhìn lại con trai và căn nhà, mái ấm của tôi lần nữa rồi lên xe rời đi. Phía trước là con đường dài đằng đẵng nhưng thoáng đãng, rộng mở đang chờ đón tôi.