Mặt trời quá đỉnh đầu, Cố Bảo Đăng và Quế Anh trở về khu vực gần biên giới. Bước vào đồn, cả hai nhìn thấy một số cảnh sát hình sự từ sở cảnh sát của thành phố. Họ đang ngồi nói chuyện và lập tức đứng dậy khi thấy Bảo Đăng bước vào:
- A Đại tá Cố đây rồi. Chúng tôi từ sở đến tìm anh mà nghe tin anh về sở, ngồi đợi nãy giờ nè.
- Ha ha! Trùng hợp vậy sao? Các anh tìm tôi có việc gì thế?
Mọi người nghiêm túc ngồi xuống ghế để bàn bạc. Thấy Quế Anh vẫn đứng, Bảo Đăng đưa tay kéo nhẹ cổ tay của cô với hàm ý “cô cũng ngồi đi”. Tuy ánh mắt và lời nói của anh ấy vẫn đang dán vào các đồng nghiệp, nhưng vẫn dành ra một sự chú ý nhất định cho Quế Anh khiến cô cảm thấy thật ấm áp.
Có lẽ cô đã gặp được một người mà mình có thể tin tưởng. Từ khi biết nhận thức, Quế Anh đã thấy mình ở trong trại trẻ mồ côi, đến cái họ cũng không biết. Trần Quế Anh? Hay là Phạm Quế Anh? Không rõ…
Năm 10 tuổi, ông bà chủ cứu cô khỏi một vụ chết đuối. Sau đó họ nhận nuôi cô và tự xưng là ông bà chủ chứ không phải bố mẹ nuôi như bao người khác. Tuy họ không đánh đập nhưng lại giam lỏng cô trong khu vực nhà và bờ biển. Tuyệt đối không cho tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Có được đi đâu thì là chỉ cắp sách đến trại trẻ để tiếp tục học lớp học tình thương miễn phí, và một mình đi dạo ra bờ biển gần nhà cho khuây khỏa.
Thời điểm đó Quế Anh hầu như là không được nói chuyện với người lạ, đặc biệt là người lớn. Người bạn thân duy nhất là nhà tài trợ cho lớp học tình thương thì lại mất liên lạc nhiều năm.
“Đổng Ninh…”
Cô lẩm bẩm cái tên của người bạn cũ. Hoá ra mình vẫn còn nhớ. Cũng phải, ngoài Đổng Ninh và ông bà chủ, lúc nhỏ cô chẳng tiếp xúc nhiều với ai.
Nhưng bây giờ thì khác, trong đầu… và có lẽ là trong tim của Quế Anh đã xuất hiện một cái tên mới.
“Cố Bảo Đăng”.
- Tôi đây.
Ánh mắt của Bảo Đăng bỗng nhìn về hướng này. Hình như cô vừa gọi thẳng tên của anh ra khỏi miệng. Quế Anh giật mình thoát ra khỏi luồng suy nghĩ. Cũng may Bảo Đăng không để tâm chuyện này, anh nói tiếp:
- Cô vào trong lấy một quyển sổ ra đây. Tôi cần cô ghi chú lại thông tin.
Chuyện là phía cảnh sát thành phố vừa bắt được một tên tội phạm giết người hàng loạt. Hắn đã giết tổng cộng 9 mạng trong suốt hơn chục năm qua, toàn là phụ nữ. Và hắn đã khai hết tất cả ra cho cảnh sát.
Nhưng tên này không chỉ giết người ở khu vực thành phố mà còn rải rác ở khắp các tỉnh khác. Chính vì vậy, cảnh sát thành phố cần phải đưa tài liệu cho các tỉnh khác xem, có vụ án nào chưa tìm ra hung thủ hay không? Nếu chi tiết vụ án khớp với lời khai, coi như vụ đó đã có đáp án, không cần phải tốn thời gian điều tra thêm.
Sau khi ghi chép đầy đủ các thông tin quan trọng trong cuộc nói chuyện của Bảo Đăng và các đồng nghiệp, Quế Anh cứ ngờ ngợ một điều gì đó. Đợi đến khi các viên cảnh sát kia đã về thì cô mới mở lời:
- Này… anh có thấy quen quen không?
Bảo Đăng đáp:
- Không! Tôi đã xem hết lại các hồ sơ. Các vụ chưa phá giải được ở tỉnh chúng ta đều khác hẳn. Chắc chắn tên tội phạm chưa từng gây án ở đây.
Quế Anh lắc nhẹ đầu:
- Ý em không phải vậy. Em thấy vụ giết người đầu tiên của hắn nghe rất quen… Anh xem này. Mười mấy năm trước, hắn đã giở trò đồi bại và giết một phụ nữ trong nhà vệ sinh công cộng. Thời điểm còn là nửa đêm?
Bảo Đăng cau mày:
- Cô viết mà không tự mình đọc kĩ à? Hiện trường vụ án là ở trong thành phố. Không liên quan gì đến tỉnh của chúng ta.
- Anh thật sự không để ý ư? Hồi sáng anh cũng kể một vụ y chang! “Sát nhân 18 tuổi”! Sao tình tiết lại giống dữ vậy?
Chàng trai vội cầm lấy quyển sổ ghi chép của Quế Anh rồi đứng bật dậy. Anh chỉ cần nghĩ vài giây là đã ra rất nhiều hướng đi, rất nhiều trường hợp. Điều Quế Anh không ngờ là Bảo Đăng quay lại nói với cô:
- Hãy giữ kín chuyện này. Tôi sẽ tự mình điều tra.
- Gì chứ? Tại sao? Không phải là ta nên điều động thêm người tìm hiểu sao?
- Đừng dạy tôi phải làm gì!
Giọng anh có chút gắt gỏng khiến Quế Anh im bặt. Anh nói tiếp:
- Đừng quên là chúng ta không có thẩm quyền điều tra vụ án của khu vực khác! Hơn nữa vụ này còn chưa sáng tỏ đâu vào đâu, đừng đồn đoán bậy bạ!