Trạc Chi

Chương 44: Triển Lãm Hồi Ức






Editor: SQ
_____________________
Nếu anh không yêu em nhiều, thì anh đã có thể nói nhiều hơn
Cuối tuần, ngày đầu tiên của buổi triển lãm hồi ức của Thư Vãn Kính ở câu lạc bộ nghệ thuật, xe hơi liên tục ra vào cổng sân từ sáng sớm nay.
Khách mời hầu hết là thầy cô và bạn bè của Thư Vãn Kính khi bà còn sống, cũng có một vài tài năng mới trong giới nghệ thuật.

Danh sách khách mời do Mạnh Thính Chi giữ, cô là người kiểm tra đối chiếu.
Không có một ai họ Trình.
Ngay cả Trình Trạc.
Anh không đến là điều nằm trong dự đoán, anh tham gia vào cả quá trình từ lúc lên kế hoạch đến khi thực hiện, nhưng chưa từng lộ mặt dù chỉ một lần.
Mạnh Thính Chi nghĩ, có lẽ cũng là vì vậy, cho nên từ tất cả những thông tin công khai về Thư Vãn Kính, người ngoài giới hoàn toàn không nhìn ra được bà có bất kỳ mối liên quan nào đến nhà họ Trình.
Nhưng bà danh xứng với thực, là bà Trình đến nay vẫn chưa ai có thể thay thế, ngay cả trung tâm mua sắm lớn nhất ở phố cổ –  Vạn Cạnh Plaza – cũng đồng âm với tên của bà [1].
[1] Vạn Cạnh và Vãn Kính cùng đọc là /wan jing/
Triển lãm này phi lợi nhuận, hiện tại không bán vé, không trang trí hiện trường theo kiểu tiệc rượu, gần như không có tính chất xã giao, đơn giản như thể chỉ là thực hiện tâm nguyện đã ấp ủ từ lâu của ai đó.
Mạnh Thính Chi từng lướt xem Instagram của Wendy, cho nên vừa nhìn thấy là nhận ra ngay thư ký trưởng của bố Trình Trạc.
Cô không biết mặt Trình Tĩnh Viễn, nhưng Trình Trạc rất giống với bố mình ngoài chân mày và ánh mắt, cộng thêm việc Wendy xuống xe và cung kính mở cửa cho người đàn ông trung niên đó.
Không khó để đoán ra ông ấy là ai.
Thân là chồng của Thư Vãn Kính mà không có thư mời, phải nhờ thư mời của thư ký mới được vào xem triển lãm của người vợ đã khuất, nghĩ cũng thấy quá đỗi vô lý.
Cả sáng hôm nay Mạnh Thính Chi bận trước bận sau, rất nhiều chuyện phải làm, khi phát xong món quà lưu niệm cuối cùng, Wendy trong bộ trang phục công sở xuất hiện trước mặt Mạnh Thính Chi.

Mạnh Thính Chi tì vào mép bàn, cả người khựng lại.
Chưa từng gặp mặt nhau, nhưng cả hai đã biết nhau quá rõ, Wendy gọi tên Mạnh Thính Chi, nhắc đến chuyện lần trước chọn quà giúp Trình Trạc, vì chuyến đi lần đó của mình khá vội nên lo rằng không đủ chu đáo, sợ Mạnh Thính Chi không hài lòng.
Đôi khi năng lực và kiến thức của một người không nhất thiết phải được giải thích bằng từng câu từng dòng trong sơ yếu lý lịch, chỉ cần trò chuyện vài đôi câu là đã có thể biết được chiều sâu của người đó.
“Gu thẩm mỹ của cô rất cao.”
Mạnh Thính Chi cũng khen.
Wendy mỉm cười, lúc này mới dẫn cuộc trò chuyện vào đúng hướng, “Cô Mạnh, chủ tịch đang xem tranh ở đằng kia, ông ấy là người ngoài ngành, khó tránh khỏi xem không hiểu, nên nhờ tôi đến mời cô sang giải thích cặn kẽ.”

Tim của Mạnh Thính Chi chợt đập chệch một nhịp, vẻ mặt bình tĩnh, cô mỉm cười và gật đầu nói: “Đây là vinh dự của tôi.”
Trong lúc di chuyển sang đó, Mạnh Thính Chi suy nghĩ, Trình Tĩnh Viễn sẽ dừng trước bức tranh nào đây?
Vào khu triển lãm, không ngoài dự đoán của cô, ông ấy đang xem tác phẩm di cảo «Vô danh 7» chưa được hoàn thành của Thư Vãn Kính.

Trình Tĩnh Viễn giữ gìn nhan sắc rất tốt, dù đã ở tuổi trung niên, nhưng ông vẫn có vẻ ngoài đáng ngưỡng mộ.
Khí chất doanh nhân cực đậm, cực sâu, trông có vẻ rất khó gần.

Mạnh Thính Chi bước đến, dịu dàng chào hỏi.
Lời nói của Trình Tĩnh Viễn cũng rất sâu xa: “Cô Mạnh, cuối cùng cũng được gặp mặt.”
Trên mặt của Mạnh Thính Chi vô thức lộ ra vẻ ngạc nhiên, đối phương tinh ý nhận ra, ông nở nụ cười lịch sự nhưng có phần lạnh nhạt và xa cách của người bề trên, giải thích lời mình nói: “Từng nghe Wendy nhắc đến cô Mạnh, hiếm khi Trình Trạc quan tâm đ ến chuyện nào đó, người làm bố khó mà không chú ý.”
Chỉ đứng trước mặt Trình Tĩnh Viễn thôi mà Mạnh Thính Chi đã thấy áp lực trước sự uy nghiêm vô hình của ông, cái khả năng dễ dàng làm đối phương thấy khó chịu mà không cần phải nói gì của hai cha con họ, thực sự là cha truyền con nối.
Cô không đáp lại được, bầu không khí ngưng trệ vài giây.
Ngay sau đó, thái độ của Trình Tĩnh Viễn dịu lại, mắt hướng về phía bức tường, “Mới nãy nghe viện trưởng Thẩm nói tường này là do một mình cô Mạnh thực hiện, tôi không hiểu tranh vẽ, nhìn cảm thấy rất thoải mái, nếu mẹ Trình Trạc có thể nhìn thấy một tác phẩm phù hợp với mình thế này, chắc hẳn bà ấy cũng sẽ rất vui.”
“Bác quá khen rồi ạ.”
Trình Tĩnh Viễn không nhìn nữa, “Mẹ của Trình Trạc bướng bỉnh cả đời, bà ấy chưa bao đối nhân xử thế được thành thạo như xử lý màu vẽ.”
Mạnh Thính Chi im lặng lần nữa.
Nói đến sự ăn khớp giữa cô và Thư Vãn Kính như để khen ngợi và tán thưởng, nhưng thực chất chỉ là mở đường cho “tính cách bướng bỉnh, không giỏi đối nhân xử thế” ở câu sau.
Thư Vãn Kính không thích hợp, người giống bà ấy, cũng không thích hợp.
Như có một tảng đá đang đè lên ngực cô, càng trong lúc không thể thở nổi này, cô càng khao khát có thể nói điều gì đó để thay đổi tình thế.
Cô ngẩng đầu, nhìn bức tranh “Vô danh số 7” có nét vẽ tùy ý và tối màu, một lúc sau, môi khẽ mấp máy.
“Chủ tịch Trình, hôm nay bác đến vội, quên phải lấy tờ hướng dẫn ở lối vào, đối với mỗi tác phẩm được trưng bày ở đây, Triển lãm Hồi ức sẽ hồi tưởng lại quá trình sáng tác của bà Thư Vãn Kính và đưa ra lời giải thích.

Về bức «Vô danh số 7» này, xét ở góc độ nào đó, thật ra đây đã một tác phẩm hoàn chỉnh và trọn vẹn, giáo viên của cháu đã từng thử đặt tên cho bức này là Niết Bàn.”
Mạnh Thính Chi nhìn Trình Tĩnh Viễn, không khiêm tốn cũng không kiêu ngạo, chăm chú quan sát những thay đổi cực nhỏ trong vẻ mặt của ông.
“Niết bàn là ngôn ngữ nhà Phật, chỉ trạng thái tâm linh cao nhất của cái chết trong tưởng tượng, nhưng khi Trình Trạc đọc bản kế hoạch, anh ấy cảm thấy không ổn, không ổn là vì không chân thật, quan niệm nghệ thuật của niết bàn quá mức giải thoát, còn những cảm xúc trần tục thì thường dễ thay đổi và khó hiểu.”
“Trình Trạc đặt tên cho bức «Vô danh số 7» này là Hối, hối này, là sự kết thúc một chiều không còn lối nào để đi.”
“Bác hiểu bức tranh này chưa ạ?”
Tờ hướng dẫn trong tay bị Mạnh Thính Chi nắm chặt đến mức đã hơi ướt, cô duỗi thẳng lưng, chỉ đứng thẳng người nói chuyện thôi mà cứ như cô đã vắt kiệt hết sức lực.
Nếu Trình Tĩnh Viễn nói tiếp, cô không biết bản thân có thể kiên trì thêm bao lâu.
Ngay khi giọng nói vừa dứt, trên gương mặt trung niên tràn trề tinh thần kia đột nhiên có chút đau thương, nhưng nhanh chóng biến mất, niềm hứng thú cũng kết thúc theo đó.
Ông cười với Mạnh Thính Chi, một nụ cười không hiện trên ánh mắt.
“Cô Mạnh giải thích rất hay.”
Không lâu sau khi Trình Tĩnh Viễn rời khỏi khu vực triển lãm, Mạnh Thính Chi quay lại nơi làm việc của mình.
Trên bàn bên cạnh là một xấp “Hướng dẫn triển lãm” được xếp ngay ngắn, ba trang gấp, giấy tráng phủ loại cứng, trang đầu in nổi logo chủ đề của triển lãm Hồi ức, Mạnh Thính Chi vuốt v e, nhẹ nhàng mở ra, lật đến trang của bức «Vô danh số 7».
“Hối, là sự kết thúc một chiều không còn lối nào để đi.
Câu này do cô thêm vào, nhưng người nói ra là Trình Trạc.
Hai người chưa bao giờ nói về triển lãm hồi ức của Thư Vãn Kính, vào một buổi họp, người phụ trách bên phía Chính Duệ đã từ chối cái tên mà giáo sư Trần đề xuất, rồi đưa ra ý kiến của anh Trình.
Sau khi tan họp, các đàn anh đàn chị trong phòng tranh tụ tập lại với nhau than phiền, ai cũng bực bội.
Họ cảm thấy cái tên của giáo sư Trần rõ ràng đã quá phù hợp, một nữ họa sĩ đã qua đời nhiều năm, lại còn rất bí ẩn, tác phẩm chưa hoàn thành được đặt tên là Niết Bàn, đủ ý nghĩa và trình độ.

Thật sự không thể hợp hơn được nữa.
Hối, là gì chứ?
“Đúng là người khó hầu hạ nhất bên đó, ông chủ Trình đó chả buồn xuất hiện, người ngoài ngành mà còn bày đặt kén cá chọn canh.”
Mạnh Thính Chi không nén nổi tò mò đi hỏi anh, tại sao đặt là Hối? Hối là sao?
Một lúc lâu sau, Mạnh Thính Chi cho rằng hoặc là anh không muốn trả lời, vì nếu trả lời thì ít nhất sẽ phải nhắc đến tình cảm của bố mẹ anh, hoặc là sẽ phải nói đến cuộc đời của mẹ anh trong những tháng ngày cuối đời.
Nhưng anh chỉ nói một câu thế này.
“Hối, là một kết thúc đơn phương không còn lối nào để đi.”
Giống như chưa giải thích được gì, nhưng cũng giống như đã có thể đoán được đôi chút về mọi thứ.
Mạnh Thính Chi thêm câu đó vào, cái tên “Hối” này bỗng có một lời giải thích rõ ràng và sáng tỏ.
Giáo sư Trần đọc được, cũng chiêm nghiệm, “Đúng là tên này hay, tạo cảm giác——”
“Đã nếm trải hết trăm vị khói lửa nhân gian, niết bàn là sự tái sinh của thần linh, còn hối, mới là sự tái sinh của con người.”
Khi buổi triển lãm sắp kết thúc, Wendy quay lại.

Ở nơi không người, mỉm cười đưa hai tấm danh thiếp cá nhân cho cô.
“Chủ tích đánh giá rất cao tài hoa nghệ thuật của cô Mạnh, nếu có cơ hội, hy vọng cô có thể phát triển đến nền tảng cao hơn.

Đây là danh thiếp của phòng tranh Đảo Xuyên Tập, nếu cô Mạnh quan tâm, có thể gọi đến số điện thoại này, nếu cô có yêu cầu khác, cũng có thể gọi vào số này.”
Mạnh Thính Chi không nhận, nụ cười của Wendy thêm rõ ràng hơn, trong giọng nói ổn định toát ra ý thuyết phục.

“Cô Mạnh, không phải ai cũng có cơ hội lựa chọn, hãy biết nắm lấy.”
Tầm ảnh hưởng phòng tranh Shimakawa trong giới nghệ thuật, đối với Mạnh Thính Chi, đó là một sự tồn tại không thể tiếp cận được, họa sĩ Yato Gensai mà cô yêu thích từ nhỏ xuất thân từ phòng tranh Đảo Xuyên Tập.
Wendy đặt tấm danh thiếp bìa cứng lên mu bàn tay cô, cô không thể không nhận.
“Cô có thể suy nghĩ kỹ lại.”
Wendy nói xong thì xoay người lên xe.
Tấm danh thiếp màu xanh nâu mà tất cả sinh viên khoa Mỹ thuật đều khao khát, được in họa cành thông theo phong cách Nhật Bản, sờ vào thấy châm chích.

Triển lãm không còn quá nhiều người, Mạnh Thính Chi quay lại từ hành lang phía sau, gió thổi vào từ giếng trời kêu vù vù theo hiệu ứng ống hẹp, cô đi ngược chiều gió đến chỗ thùng rác.
Mới vừa cúi xuống, một giọng nữ vang lên từ phía sau.
“Nỡ vứt thật?”
Mạnh Thính Chi quay ra sau, thấy Tằng Nhị.
Bộ jumpsuit màu be có độ rũ, quanh cổ tay là chiếc túi xách quai trúc, đầu hơi ngẩng lên, ở dưới chiếc mũ rộng vành kiểu Pháp và ở trên đôi môi đỏ mọng là một đôi mắt điềm tĩnh và thấu tỏ.
“Nếu lúc chị còn học ở khoa Mỹ thuật, chưa tốt nghiệp mà đã được cho danh thiếp của Đảo Xuyên Tập, chị sẽ không tìm thùng rác để vứt đâu.”
Như bí mật bị người khác vô tình phát hiện, Mạnh Thính Chi chỉ cảm thấy tấm danh thiếp nóng bỏng tay, cô siết chặt rồi thả lỏng.
“Cho nên chị có thành công của chị.”
Vừa nói xong, chợt nhận ra nghĩa khác và sự mạo phạm trong ngữ cảnh, Mạnh Thính Chi lập tức nói: “Xin lỗi, ý em là mỗi người có những lựa chọn khác nhau.
Tằng Nhị im lặng, không hề để tâm, chỉ nở một nụ cười nhạt nhưng đầy ẩn ý, “Đàn em à, em còn quá trẻ, mỗi người có những lựa chọn khác nhau, với tiền đề là ai cũng có sự lựa chọn, nhưng thực tế là trong cùng một mối quan hệ, người bị động không được lựa chọn.”
Mạnh Thính Chi hiểu cô ấy đang nói gì, nhưng không đáp lại, chỉ im lặng một cách cố chấp.
Tằng Nhị bước đến, lấy tấm danh thiếp mà Mạnh Thính Chi đang cầm, tốt bụng bỏ vào túi áo giúp cô.
Cô ấy rút tay về, giọng điệu cũng không còn quá xa lạ nữa, mà nhẹ nhàng nói: “Đôi khi, ngăn chặn tổn thất đúng lúc mới là cái lợi lớn nhất, dù không muốn cũng đừng tùy tiện vứt đi, giữ làm kỷ niệm cũng được mà, đợi đến mấy mươi năm sau nhìn lại, xem thử——”
“Ở đỉnh cao cuộc đời, thứ mà ta từng lấy được có còn không?”
Bên kia bức tường có người đang gọi Mạnh Thính Chi, nói giáo sư Trần muốn dặn cô gì đó, giữa câu hỏi của Tằng Nhị, cô hốt hoảng cúi đầu, vội vàng nói một cái cớ rồi rời đi.
.
Cuộc họp video mãi đến tận khuya mới kết thúc, Đặng Duệ gõ cửa, mang đến một số giấy tờ cần ký tên, sau đó đóng cửa đi ra ngoài.
Trình Trạc đọc hết nhanh như gió.
Lúc mở tủ ra mới nhớ chưa mang con dấu đến đây.

Nhấc điện thoại nội bộ lên, vốn định bảo Đặng Duệ đi lấy ngay, nhưng khi thấy thời gian lúc này, anh mới nhớ ra Đặng Duệ đã đi theo mình làm cả ngày lẫn đêm suốt mấy ngày liền.
“Anh nô dịch thư ký Đặng thế, bắt người ta làm này làm nọ, chạy gãy chân còn phải làm tài xế, có khi anh ấy còn muốn chia 24 tiếng ra nhiều hơn nữa để dùng luôn cơ.”
Nhắm mắt xoa mày, lời nói vẫn văng vẳng bên tai.

Rạng sáng ngày đông hôm đó, cuộc vui đã tàn, sương mờ dày đặc, hơi thở, những cái chạm, tiếng cười khùng khục mềm mại trong chăn.
Tất cả vẫn rõ ràng.
Trình Trạc bỏ điện thoại nội bộ xuống, dựa vào lưng ghế da.

Nhớ đến điện thoại di động cá nhân của mình dường như im lặng cả ngày hôm nay, đang định kiểm tra thì điện thoại trên bàn đột nhiên vang lên trong không gian yên tĩnh, là một dãy số cá nhân.
Ngón tay chạm vào chân mày, Trình Trạc biết rõ mở lời: “Rốt cuộc ông ta vẫn đi?”
“Vâng.”
Trình Trạc lười nhác giễu cợt: “Diễn cho ai xem thế.”
Bên kia điện thoại nói: “Nhưng có một chuyện ngoài dự đoán, chủ tịch đưa danh thiếp cho cô Mạnh.”
Trình Trạc nhướng mi, trong mắt hiện lên vẻ mệt mỏi.
Vào ngày triển lãm, phòng tranh không làm việc, thực tập sinh cũng không đi ăn uống vào cuối buổi, sau khi kết thúc công việc ở câu lạc bộ nghệ thuật, Mạnh Thính Chi quay về hẻm Đồng Hoa.
Mùa hè ngày dài, trời chỉ mới nhá nhem tối.
Mạnh Thính Chi ôm một xấp giấy tờ.
Vừa rồi giáo sư Trần gọi cô đến là vì có ai đó ở buổi triển lãm thích bức tranh tường do Mạnh Thính Chi độc lập hoàn thành, người đó có một quán cà phê định trang trí lại, muốn mời Mạnh Thính Chi đến thiết kế.

Cô không học ngành thiết kế, tự biết năng lực có hạn, sợ không đạt được như kỳ vọng của người khác nên có phần do dự.

Giáo sư Trần đưa cho cô xấp tài liệu này, bảo cô về xem thử.
Trùng hợp là, lúc đó cô vừa mới gặp Tằng Nhị xong, chưa được bao lâu, giáo sư Trần đã nhắc đến Tằng Nhị.
Giáo sư nói rằng chuyên ngành của Tằng Nhị ở khoa Mỹ thuật là hội họa truyền thống, nhưng sau này đã chuyển sang vẽ tranh sơn dầu và điêu khắc giấy, thậm chí còn thiết kế nội thất, cô ấy đã từ tìm tòi nhiều phương diện và còn làm được rất thành công.
“Em còn trẻ, tương lai còn vô vàn khả năng, không cần thiết phải đóng khung bản thân ngay bây giờ, quan sát nhiều vào.”
Trong ngày hôm nay, cô đã nghe quá nhiều lời mang ẩn ý, có lẽ do bản thân cô quá ngốc, nói chuyện với người thông minh luôn cảm thấy hơi bài xích và mệt mỏi.
Sạp cờ dưới ánh đèn đường trên phố dài vẫn chưa giải tán, không biết là ván cờ thú vị cỡ nào mà rất nhiều chú bác vây quanh bàn tán sôi nổi, tiếng hạ cờ giòn giã, có tiếng khen ngợi, có tiếng than dài.
Đang lúc sôi động thì quản lý thành phố đến đuổi người, không lâu sau, dưới đèn đường đã giải tán sạch sẽ, có người đi ngang qua Mạnh Thính Chi vẫn nói về ván cờ đang chơi dở lúc nãy.
Trước đây có một ông cụ sống đối diện nhà của Mạnh Thính Chi, thời trẻ ông là một kỳ thủ cờ tướng nghiệp dư ở cầu Đàm Phức, có thể nói là không có đối thủ.
Lúc đó vẫn chưa quản lý nghiêm ngặt, vào hai ngày cuối tuần, đi vài bước trên phố dài là thấy một ván cờ, không chỉ người lớn tuổi mà học sinh trường số 14 cũng thích ham vui, cá cược với các ông các bác.
Tiền cược không nhiều, lòng hiếu thắng cực mạnh.
Một điển hình của lòng hiếu thắng mạnh mà Mạnh Thính Chi từng gặp là Từ Cách.

Người này chơi mạt chược khá giống Mạnh Huy, cũng thuộc kiểu chơi dở mà tự tin.

Hôm đó là buổi lễ tuyên thệ 100 ngày của trường trung học số 14, khi những học sinh đại diện lên sân khấu nghiêm chỉnh phát biểu, những học sinh nữ ở cuối hàng thì thầm nhắc tên Trình Trạc.
“Trình Trạc lên sân khấu mới đúng chứ ta?”
“Bởi, sao không có Trình Trạc?”
“Chán ghê, không có Trình Trạc thì còn gì đáng xem đâu.”
……
Khi đó, không ai biết rằng “con giời” đời đầu của trường số 14 sẽ không tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học trong nước, và sẽ sớm biến mất khỏi tầm mắt của mọi người một cách vô cùng bất ngờ.
Như cánh chim lướt qua tầng mây, để lại những tiếc nuối khôn nguôi.
Lễ tuyên thệ 100 ngày kết thúc sớm hơn giờ tan học bình thường, khi ra khỏi cổng trường, Mạnh Thính Chi còn nghe thấy mấy bạn nữ trong tiệm trà sữa đang tán dóc.
“Nghe nói Trình Trạc với Kiều Lạc chia tay rồi đó! Hôm nay cậu ấy vắng mặt không lý do, mày nghĩ coi có phải vì không muốn đứng chung sân khấu với Kỷ Chẩm Tinh không?”
“Chắc vậy đó, tình địch gặp nhau ghét nhau hỏng hết.”
…….
Mới đi đến phố dài, Mạnh Thính Chi khựng lại.
Nhân vật chính trong những lời tán dóc lúc nãy, hiện giờ đang mất kiên nhẫn đứng chờ bên bàn cờ, người cao chân dài, thu hút ánh nhìn của mấy cô gái, nhưng anh thì nhàn tản chơi điện thoại di động mà không hề hay biết.

Từ Cách ngồi trên chiếc ghế đẩu nhỏ, vò đầu bứt tóc “chém giết” với các bác các ông.
Mạnh Thính Chi mặc một chiếc áo hoodie mỏng bên ngoài đồng phục, cô đội mũ lên che đi nửa khuôn mặt nhỏ nhắn, bước vào cửa hàng cho thuê đ ĩa CD gần với anh nhất, đứng ở kệ đ ĩa gần nhất giả vờ chọn lựa.
Khi cô đã lề mề chọn đại một chiếc đ ĩa rồi đi ra ngoài, ván cờ đang trong cục diện bế tắc, Mạnh Thính Chi cúi đầu đi ngang qua Trình Trạc, lặng lẽ liếc nhìn.
Cô đã nhìn thấy ván cờ thế này từ ông cụ đối diện nhà, buột miệng thốt lên “đi mã”.
Ông cụ ngồi đối diện Từ Cách như được giúp đỡ, suy nghĩ lập tức được mở ra, di chuyển quân mã, qua lại vài bước, ván cờ lập tức đổi hướng.
Từ Cách giận lắm, “Ê! Xem cờ không chỉ mới là quân tử! Ủa có biết không vậy?”
Mạnh Thính Chi dừng bước, c ắn môi dưới, ngay khi cô đang lưỡng lự có nên quay lại nói xin lỗi hay không ——
“Chỉ là một cô gái thôi, bày đặt quân với chả tử, thấy bản thân có giống không? Chơi cờ dở tệ, có chơi có cho đỡ thấy mất mặt, đi chưa đây?”
Giọng nói đó, không thể quen thuộc hơn được nữa.
Từ Cách túm cặp sách lên, nhỏ giọng than thở, “Vờ lờ, em xui mấy ngày nay rồi, anh đừng nói chuyện này cho Kiều Lạc biết nha, nhỏ đó mà biết thể nào cũng cười chết em.”
Khi giọng nói đã xa khuất, cô mới hoàn hồn lại, tiếp tục đi về phía trước.
Trong tay là đ ĩa phim Kiêu hãnh và Định kiến bản năm 2005, Mạnh Thính Chi đã đọc sách gốc từ lâu, nhớ mãi một câu, nếu anh không yêu em nhiều, thì anh đã có thể nói nhiều hơn.
Gần tình thì sợ, từ xưa đến nay, không phân biệt quốc gia.