Trạc Chi

Chương 82: Một Tên Nhóc (Hoàn chính văn)






Editor: SQ
_____________________
Bố con thương con nhiều lắm nha
Trong sân nhà hẻm Đồng Hoa có một cây nhót tây.
Cây đó được Mạnh Huy trồng lúc Mạnh Thính Chi học tiểu học, không phải giống tốt, chua gần chết, ngoài đặc tính thuần tự nhiên mà Nguyễn Mỹ Vân tự cho là tốt thì không còn tìm ra được điểm nào để khen.
Trình Trạc may mắn được ăn thử, chua không tả nổi.
Sau khi kết hôn, anh thường xuyên cùng Mạnh Thính Chi về hẻm Đồng Hoa ăn cơm.

Anh rất thích mảnh sân này, lần nào về cũng thích đứng bên cửa sổ tầng hai, lặng lẽ quan sát, như suy nghĩ điều gì đó.

Có một lần Mạnh Thính Chi ôm anh từ phía sau, hỏi anh đang nhìn gì, hỏi xong thì tự đáp lời mình: “Không thấy được gì hết, hồi đó đứng đây còn thấy được quảng trường Văn Nhân.”
Trình Trạc quay mặt sang, rũ mắt nói: “Không cần nhìn quảng trường Văn Nhân nữa, anh ở đây.”
Đó là Tết Đoan Ngọ đầu tiên của đôi vợ chồng trẻ.

Cây nhót tây chua cao che trời đó ra rất nhiều quả, màu vàng cam, cạnh cây đặt một chiếc thang, Mạnh Huy mua một bó ngải cứu lớn treo ở sân sau.
Gió lùa qua kẽ lá, trong phòng khách là tiếng cười nói rộn rã.
Em bé của Tiểu Lị nhà bên đã biết đi, được người bố tóc vàng là giám đốc nghệ thuật bế sang nhà họ Mạnh, nhóc con tập tễnh bước, chọc cho cả nhóm người lớn cười không ngớt.
Nguyễn Mỹ Vân trò chuyện với mẹ Tiểu Lị.
Mạnh Thính Chi ngồi bóc lựu, đầu ngón tay đẫm nước đỏ đỏ hồng hồng, càng lúc càng không nghe lọt tai nổi, không kìm được phải quay sang thầm than thở với Trình Trạc: “Sao mẹ em lúc nào cũng thế không biết, giả trân quá chừng.”   
Nói xong, bản thân Mạnh Thính Chi cũng không khỏi bật cười.
Nguyễn Mỹ Vân cực kỳ hài lòng với chàng rể Trình Trạc này là chuyện rõ mười mươi, nhưng cứ một mực nói với người khác rằng thì cũng được thôi, chỉ cần tốt với Chi Chi là đủ.
Lúc chỉ có cả nhà ăn cơm, bà còn chê bai thợ tóc nhà hàng xóm rằng đã làm bố rồi mà vẫn không chững chạc tí nào, ba tháng đổi một màu tóc, màu mè hoa lá hẹ, nhìn là thấy khó chịu.
Còn khi ở trước mặt mẹ Tiểu Lị, bà Nguyễn đây, người mà giải Oscar đã thiếu bà một chiếc tượng vàng, lại có thể khen ngợi hết lời với giọng điệu ngưỡng mộ.
“Tiểu Hoàng coi bộ được lắm chứ, chị nói coi, tiệm tóc gần nhà, ngày nào cũng về nhà phụ Tiểu Lị chăm con, chị thấy nhà chị ngày nào cũng nhộn nhịp không, còn Chi Chi nhà em thì lỗ tai cây, lấy chồng rồi mà còn bận cái này cái nọ, mở phòng triển lãm lớn thế làm gì, đẻ con sớm chút mới tốt hơn chứ sao! Tiểu Trình cũng thế, cứ chiều con bé, lần nào hỏi cũng nói không gấp, tôi nôn làm bà ngoại lắm rồi, ganh tị với chị lắm đó mẹ Tiểu Lị.”
Mẹ Tiểu Lị có nỗi khổ mà không nói ra được, buông tiếng thở dài, bĩu môi nói: “Haiz, tôi có gì đâu mà đáng ganh tị, rồi cũng tới ngày chị làm bà ngoại thôi, nhìn con rể nhà chị yên tâm biết bao, tôi mới ganh tị với chị đó.”
Nguyễn Mỹ Vân xua tay, “Làm gì có, hai đứa nó không thường ở nhà, chị sướng hơn ấy chứ, bắt được rể, con gái cháu ngoại cũng ở chung, ngày nào trong nhà cũng vui vẻ nhộn nhịp.”
Bắt bẻ Mạnh Thính Chi có thể là giả, nhưng Nguyễn Mỹ Vân muốn làm bà ngoại thì đúng là thật, chỉ là Mạnh Thính Chi không chịu phối hợp.
Nguyễn Mỹ Vân đã khuyên con gái không biết bao nhiêu lần.

“Phòng triển lãm bận tới vậy hả, đẻ con ra thì mẹ giữ cho con, có tốn công sức nào của con đâu, con với Tiểu Trình muốn làm gì thì cứ làm thôi, lấy nhau hơn một năm mà chưa chịu sinh con sao mà coi được!”
Mạnh Thính Chi không đồng ý, luôn dùng một câu “Không gấp” để ứng phó.
Tối trước khi ngủ, Mạnh Thính Chi ngồi ở bàn trang điểm thoa kem dưỡng thể lên cánh tay, vừa thoa vừa nghiêm túc tâm sự với Trình Trạc về vấn đề này.
“Em biết mẹ chắc chắn có thể chăm cháu, nhưng làm vậy không đúng, làm vậy là rất vô trách nhiệm với con, tụi mình phải lớn lên cùng con chứ, anh thấy đúng không?”
Trình Trạc đi từ phòng làm việc về, đang xem tài liệu, sau khi nắm được nội dung, anh đặt lên đầu giường.
Thấy Mạnh Thính Chi quay đầu lại hỏi anh thấy đúng không, anh nhìn vào mắt cô, gật đầu, thốt ra một chữ.
“Đúng.”
Có được sự công nhận, Mạnh Thính Chi tiếp tục phát biểu suy nghĩ của mình về chuyện nuôi dạy con.

“Cho dù em bé rất nhỏ đi nữa thì cũng cần có bố có mẹ mà, nếu mới sinh con ra đã đưa con cho bà ngoại, hoặc là đưa sang nhà ông nội, tất nhiên mọi người ai cũng sẽ thương bé, nhưng nếu cả ngày không được gặp bố mẹ, bé sẽ nghĩ bố mẹ không yêu mình tí nào, bé sẽ không vui, anh thấy đúng không?”
Trình Trạc giở chăn lên, dựa vào đầu giường, bị Mạnh Thính Chi nhìn lần nữa.
Anh lại thốt ra một chữ: “Đúng.”
Mạnh Thính Chi mở miệng, định bắt đầu nói tiếp, bỗng cảm thấy có gì đó sai sai.
Cô đã thoa kem dưỡng thể xong, cả người tỏa mùi hoa trà thoang thoảng, đứng dậy khỏi ghế, nghịch ngợm bổ nhào lên giường, đung đưa bắp chân, chống khuỷu tay lên nệm giường êm ái, nhìn Trình Trạc với ánh mắt nghi ngờ, như đang tìm manh mối trên gương mặt anh.
Trình Trạc bị cô nhìn chằm chằm hồi lâu, thực sự không thể không để ý, anh bỏ tài liệu xuống.
“Em nhìn gì?”
Mạnh Thính Chi chuyển động đôi ngươi: “Dạo trước em nói với mẹ là tạm thời hai đứa mình chưa định có con, mẹ em nói không phải, mẹ nói chỉ có em không muốn, anh thì không nghĩ vậy, anh chỉ chiều theo em nên nói vậy thôi, em mới nói không phải, em tự tin giải thích với mẹ là con với Trình Trạc luôn có suy nghĩ giống nhau, nhưng mới nãy tự dưng em dao động——”
Đèn chỉ tụ ở đầu giường, bóng tối gần như bao trùm, Trình Trạc hỏi: “Dao động gì?”
Mạnh Thính Chi nhìn anh, càng thêm chắc chắn, “Anh nói cũng tạm thời chưa muốn có con là nói xạo chắc luôn!”
Anh mới mấp máy môi, Mạnh Thính Chi đã chỉ vào anh, ra lệnh: “Trả lời đúng sự thật! Anh xạo với em đúng không?”
Trình Trạc bất đắc dĩ nhún vai, câu trả lời rất chi là “khốn nạn”: “Đàn ông bọn anh ai cũng vậy mà.”
Mạnh Thính Chi bật cười vì tức: “Gì chứ?”
Trình Trạc thản nhiên nói: “Suy nghĩ bằng nửa th@n dưới, vợ nói gì nghe nấy, bị tình yêu làm mờ mắt, đàn ông nông cạn thế đó.”  
Cưới nhau đã lâu, vậy mà anh vẫn như trước đây, chưa bao giờ nói những câu sến súa như anh yêu em các kiểu, nhưng thi thoảng sẽ tỏ ra nghiêm túc nói mấy câu còn khó đỡ hơn cả mấy lời sến súa.

Mạnh Thính Chi cảm thấy như có một dòng nước ngọt ngào và ấm áp len lỏi trong lòng, xương như cũng mềm theo.
Cô không nói gì, chỉ ngồi thẳng người dậy, giở chăn lên, chui vào lòng Trình Trạc, ôm cổ anh, ồm ồm nói: “Anh cứ vậy hoài, làm em hay nghĩ tụi mình chưa hề lấy nhau ấy, giống như vẫn còn thời yêu đương.”
Cách lớp áo ngủ mỏng, Trình Trạc vuốt v e lưng cô, “Kết hôn là nghi thức, yêu nhau là cả đời, không hề xung đột với nhau.”
Mạnh Thính Chi chưa từng nghe ai nói thế, cô chỉ từng nghe một câu thế này.
“Nhưng ai cũng nói hôn nhân là nấm mồ của tình yêu mà.”
Trình Trạc cười.
Mạnh Thính Chi không hiểu vì sao anh cười, hai người nhìn nhau ở khoảng cách cực gần, Mạnh Thính Chi thấy chính mình trong con ngươi trong veo của anh, nghe thấy giọng nói của anh như gió xuân lướt qua.
Dịu dàng và bao dung, xem cô là trời đất, cũng là đất trời của cô.

Anh nói: “Anh ở trong nấm mồ này với em mà, sợ gì chứ.”
Mạnh Thính Chi không đáp, hồi lâu sau mới gật đầu, ôm cổ anh lần nữa, vùi mặt vào cổ anh, đầu tiên là đáp tiếng “Ừm”, một chốc sau như đã có được quyết định, nói: “Đợi sang năm, sang năm tụi mình có con nha anh.”
.
Quá trình chuẩn bị mang thai diễn ra suôn sẻ, vào thời điểm giao mùa xuân hạ của năm sau, Mạnh Thính Chi đến bệnh viện khám thai lần đầu tiên.

Khi đó, phòng triển lãm của Mạnh Thính Chi đã rất nổi tiếng, với sự đồng ý của Mạnh Thính Chi, Trình Trạc điều động một ít nhân viên của Chính Duệ sang hỗ trợ một số hoạt động.
Công việc của cô ít đi hẳn, nhưng cô không vẫn không rảnh rỗi.
Vì kế hoạch mới của Mạnh Thính Chi chính là vẽ sách tranh cho bạn nhỏ chưa ra đời.

Lúc còn bé thì màu sắc tươi tắn sáng sủa, nhìn tranh thấy vui là được, sau này khi bạn nhỏ lớn hơn một tí, cô sẽ nghĩ ra mấy câu chuyện ngắn để con tập nhận mặt chữ và đồ vật.
Vừa rảnh rỗi vừa không có công việc, thỉnh thoảng Trình Trạc sẽ dẫn cô đến công ty đi làm cùng mình.

Anh đi họp, họp xong quay lại thì trời đã ngả chiều tối, Mạnh Thính Chi nằm nghiêng trên chiếc ghế cho phụ nữ mang thai trong phòng làm việc của anh, đắp một chiếc chăn nhỏ, tay còn đang cầm quyển vẽ nháp.
Cô đến đây rất nhiều lần, nhân viên trên tầng làm việc của Trình Trạc cũng biết mặt Mạnh Thính Chi, cũng biết cô đang mang thai, mà sếp Trình thương vợ số một không yên tâm để vợ ở nhà một mình, cộng thêm sợ cô buồn chán, chỉ trừ khi đi công tác xa, còn hầu như đi đâu anh cũng dẫn vợ theo.
Mạnh Thính Chi hiền lành và dễ gần, cô ngồi mãi trong phòng làm việc thấy chán, xuống lầu mua sữa nóng.
Nhân viên thấy cô thì nhiệt tình chào hỏi, ai cũng gọi cô là cô giáo Mạnh.
Mặc dù Mạnh Thính Chi cũng không thích bị gọi là vợ chủ tịch các kiểu, nhưng cô rất tò mò, tại sao mọi người lại thống nhất gọi cô là cô giáo Mạnh?
Sau này lúc trò chuyện với nhân viên ở phòng thư ký mới biết, hóa ra là có một lần Trình Trạc nhận phỏng vấn, khi được hỏi về chuyện cá nhân, người phỏng vấn nói “là vợ của chủ tịch Vạn Cạnh”, lúc đó Trình Trạc lập tức sửa lời người ta.
“Vợ tôi có sự nghiệp riêng của cô ấy.”
Thế là, mọi người xem phỏng vấn đã tự động sửa cách gọi để tránh “thiên lôi”, với cả gọi bằng vợ chủ tịch nghe quá mức xa lạ, ai từng gặp Mạnh Thính Chi cũng cảm nhận được rằng cách gọi đó không phù hợp với cô.
Cô Mạnh vẫn hay hơn, hiền lành lẫn chuyên nghiệp.

Mạnh Thính Chi không hay biết gì về cuộc phỏng vấn mà mấy cô ấy nói.
Nhưng nhớ lại thì trong khoảng thời gian đó cô phải chạy qua chạy lại giữa Thân Thành và Tô Thành, ngay cả thời gian nghe điện thoại của Nguyễn Mỹ Vân cũng không có, Trình Trạc sống rất kín tiếng, cũng không phải truyền thông của giới giải trí nên cô không để ý, không biết được cũng hợp tình hợp lý.
Trình Trạc đang họp ở tầng dưới, một mình cô quay về phòng làm việc của anh, dùng máy tính tìm kiếm trang web mới hỏi được, nhập từ khóa vào.
Video hiện lên.
Khá dài, 37 phút.
Mạnh Thính Chi không có đủ kiên nhẫn để nghe phần phân tích về ngành dài lê thê, cô cũng không hiểu mấy thuật ngữ chuyên môn đó, chỉ xem qua loa chốc lát, rồi kéo thanh tiến trình video ra phía sau.

Đúng là khi nói đến chuyện cá nhân, bầu không khí buổi phỏng vấn thay đổi hẳn.
Phóng viên hỏi quan điểm của Trình Trạc về hôn nhân.
Trước đó Trình Trạc trả lời câu nào cũng trôi chảy, nhưng đến câu này, anh im lặng một lúc.

Mạnh Thính Chi nhìn người đàn ông mặc vest đi giày da trên màn hình, chợt nhớ đến một tin đồn về anh ở trường trung học số 14.

Lúc anh học lớp luyện thi ma quỷ ở cầu Đàm Phức, lúc giải đề thì nhàn nhã xoay bút, nhưng khi đọc «Đỏ và Đen» của Stendhal thì lại nhíu mày.

Anh thực sự không thay đổi chút nào.
Trong lúc suy nghĩ như thế, Mạnh Thính Chi nghe thấy câu trả lời của Trình Trạc trong video.
Sau khi im lặng một lúc lâu, anh nói: “Tôi không có quan điểm gì về hôn nhân, vợ tôi là tất cả những gì tôi biết về hôn nhân, rất tốt đẹp rất lý tưởng.”
Phóng viên đã chuẩn bị kỹ càng trước khi phỏng vấn, biết về Mạnh Thính Chi, vậy là tự nhiên chuyển chủ đề sang Mạnh Thính Chi.

Đầu tiên là bị ngắt lời vì gọi cô là vợ chủ tịch, sau đó là những câu hỏi đáp đơn giản.
Cuối cùng, phóng viên hỏi: “Nói thật thì giữa anh và cô Trình ít có sự giao nhau, ở một góc độ nào đó, điều này không phù hợp với những thành tích chung mà anh đã nói, cô Trình luôn được anh bảo vệ trong phạm vi an toàn, đây cũng là đứng trên vai anh [1] trá hình, anh đồng ý không?”
[1] Câu thường dùng là “Đứng trên vai người khổng lồ”, dùng để chỉ việc học hỏi và tận dụng những thành công có sẵn của người đi trước để tạo ra thành tựu của riêng mình.
Trình Trạc trả lời: “Tôi không đồng ý.”
“Tôi không ngại việc cô ấy đứng trên vai tôi, nhưng cô ấy có quyền chọn tự do chạy, trách nhiệm của tôi là bảo vệ cô ấy, chuyện này không liên quan đến năng lực cá nhân của cô ấy, cách gọi bà Trình chỉ để làm rõ rằng cô ấy là bạn đời hợp pháp của tôi, là người tôi yêu suốt đời, chứ không phải để bất kỳ ai lấy điều đó làm bất kỳ giới hạn nào.”
“Vợ tôi độc lập, hoàn chỉnh, cũng là ngọn hải đăng của tôi.”
.
Mùa đông năm đó ở Tô Thành cũng đổ tuyết dày.
Hai ngày trước khi sinh, Mạnh Thính Chi còn nhìn ra trời tuyết ngoài cửa sổ, nói: “Nếu là con gái, tụi mình đặt tên ở nhà của con là Tuyết Tuyết nha.”  
Trình Trạc gọt táo cho cô, cắt thành từng miếng nhỏ đưa cho cô.
Sau khi kết hôn, kỹ năng gọt trái cây của anh tiến bộ hơn rất nhiều, bây giờ anh cũng đã gọt được vỏ dài một mét.
Anh nói: “Em sợ lạnh, không thích mùa đông mà.”
Cũng đúng, cô rất sợ lạnh, cũng không thích mùa đông.
Trình Trạc rất cố chấp, đi khám thai biết bao nhiêu lần, sau đó có cơ hội biết được giới tính của em bé, anh vẫn kiên quyết không chịu kiểm tra cho người lớn gia đình hai bên biết, chọc cho ông cụ tức tối nói: “Có là con trai hay con gái cũng thương như nhau thôi mà?”
Trình Trạc nói, vậy ông chờ tiếp đi.
Khi tuyết tạnh, y tá bế một đứa bé ra khỏi phòng sinh, quá trình sinh diễn ra suôn sẻ, là một bé trai, mấy cân mấy lượng Trình Trạc cũng chẳng nghe, chỉ lo lắng hỏi: “Vợ tôi sao rồi?”
Y tá thông báo anh đã có thể vào thăm.
Anh vuốt v e mặt của Mạnh Thính Chi, cô chưa từng nhợt nhạt và yếu ớt thế này.

Dù nỗi lo lắng trước đó đã tan biến, nhưng Trình Trạc vẫn không thấy nhẹ nhõm hơn chút nào, mắt anh đỏ hoe, ươn ướt.
Anh khàn giọng hỏi cô đau không.
Mạnh Thính Chi nhoẻn miệng cười, nói đau lắm Trình Trạc ơi, anh lập tức rơi nước mắt.
Rơi xuống mu bàn tay của cô, một giọt nước ấm nóng.
Đây là lần đầu tiên cô thấy anh khóc, anh không nói gì, giống như không nói nên lời hơn, chỉ mãi vuốt v e mặt cô, một lúc sau mới bình tĩnh lại.
Trình Trạc hỏi cô: “Em quyết định được đặt tên gì cho con chưa?”
Bố mẹ tay mơ rất rối rắm trong việc đặt tên cho con, trước đây cô có nghĩ ra được vài cái tên, Trình Trạc bảo cô cứ từ từ suy nghĩ, không phải gấp, trước khi cô bị đẩy vào phòng sinh, anh còn nói với cô: “Mạnh Thính Chi, em phải bình an vô sự, tên của con còn phải do em quyết định, không thì dù là trai hay gái, anh cũng gọi là Tuyết Tuyết.”
May quá.
Mạnh Thính Chi bình an vô sự, cũng cứu được tên của con.
Mắt cô ánh lên nét mềm mại, cô dịu dàng nói: “Em chọn được rồi, đặt là Trình Ngộ Chi [2].”
[2] Ngộ (遇) là gặp gỡ, Chi (之) đồng âm với Chi (枝) trong Mạnh Thính Chi.
Trình Trạc nghiêm túc hỏi cô: “Tên ở nhà là Tuyết Tuyết hả?”
Cô cười khúc khích từ chối: “Không được, con là con trai mà!”
Mạnh Thính Chi muốn anh nghĩ ra một cái tên ở nhà khác.
Trình Trạc suy nghĩ chỉ trong ba giây, “Vậy gọi là Cá Nhỏ [3].”
[3] 小鱼 (tiểu ngư = cá nhỏ, Ngư (yú) với Ngộ (yù) cùng có âm /yu/, chỉ khác thanh điệu.


“……”
Đồng âm, cũng rất thuận miệng, nhưng nghe rất chi là qua loa.

Mạnh Thính Chi thầm nghĩ, sau này kiểu gì cũng có ngày con trai anh sẽ biết được anh đã đặt tên ở nhà cho con một cách qua loa như thế!
Nhưng không hề có.
Khi em bé Cá Nhỏ lớn hơn một tí, đã có thể hiểu được lời người lớn nói, Từ Cách thường xuyên trêu bé rằng bố con thương con nhiều lắm nha.
Hồi chú với bố con học cấp ba đi leo núi mùa thu với trường, bố con bị trật mắt cá chân, sưng vù vậy nè, nhưng bố con chả làm sao hết, còn lúc con sinh ra, bố con vui quá chừng vui, khóc trong bệnh viện luôn, bé Cá Nhỏ à, bố con thương con nhiều lắm nha.
Trình Ngộ Chi tin thật, bố mình thương mình nhiều lắm nha.
Cho đến khi cậu nhóc biết chạy biết nhảy, bắt đầu đi học mẫu giáo, cậu nhóc mới từ từ nhận ra, hình như bố mình không thương mình nhiều đến thế…….
Một ngày hè mưa to, đến chiều tối mới tạnh, đường sá ở hẻm Đồng Hoa không bằng phẳng nên nước bùn tích tụ, chảy ào ạt về cái cống đã hỏng ở đầu hẻm.
Trình Trạc mở đèn pin điện thoại, đặt điện thoại vào tay bé Cá Nhỏ, bảo cậu nhóc lát nữa đi từ từ, đừng để ngã.
Bé Cá Nhỏ có mái tóc đen nhánh mềm mại, cậu nhóc trắng trẻo xinh xắn hệt như bố mình thuở nhỏ, chớp chớp mắt hỏi: “Vậy mẹ thì sao?’
“Bố bế mẹ con.”
Bé Cá Nhỏ còn nhỏ nhưng đã thừa hưởng tư duy logic mạnh của bố, thắc mắc nói: “Nhưng mà, bế bạn nhỏ mới đúng mà?”
Người bố thương cậu nhiều thản nhiên trả lời: “Là thế này, mẹ con mãi mãi là bạn nhỏ —— Lát nữa con đi từ từ, đến nhà nhờ bà ngoại rửa chân cho con là được, con trai không nên yếu ớt quá.”
Bé Cá Nhỏ nói: “Con hiểu rồi, vậy bố bế mẹ cũng phải đi từ từ nha.”
Hai bố con đập tay với nhau như đã thống nhất, bàn tay lớn nắm chặt bàn tay nhỏ.
Mùa xuân năm sau, Ngày cây xanh.
Là bạn nhỏ được nhiều hoa hồng nhỏ nhất ở trường mẫu giáo, bé Cá Nhỏ nghiêm túc hoàn thành bài tập về nhà cho gia đình mà cô giáo giao.
Bố đưa cậu nhóc đến chợ hoa và chim cảnh để chọn giống cây, rồi chở cậu nhóc về nhà bà ngoại.

Xẻng và xô cùng có một lớn một nhỏ, cậu và bố đã chọn được một vị trí trong sân, bắt đầu đào hố trồng cây, mẹ cậu giám sát công việc, cổ vũ cho cậu.
Nhưng mà bé Cá Nhỏ không hiểu lắm, “Nhà bà ngoại có một cây nhót tây rồi mà, sao phải trồng thêm một cây nhót tây nữa vậy bố?”
Mạnh Thính Chi liếc nhìn cây nhót tây đã cao bằng một tầng nhà, giải thích cho con: “Tại vì hồi đó bố con chỉ được ăn nhót tây chua mà mẹ cho thôi, bố mong sau này bạn gái của con được ăn nhót tây ngọt.”
Trồng cây xong, bé Cá Nhỏ mệt đến mức đổ mồ hôi nhễ nhại, vì Trình Trạc về cơ bản chẳng làm gì, chỉ đồng hành, cậu nhóc tự làm cũng thấy vui.

Bé Cá Nhỏ chớp hàng mi dài của mình: “Bạn gái là gì vậy mẹ?”
Mạnh Thính Chi khựng lại một lúc mới trả lời: “Chừng nào con lớn là biết à!”
Bé Cá Nhỏ nói: “Phải cho bạn gái ăn mới được hả mẹ? Nếu mà là nhót tây ngọt, con muốn cho Từ Bảo Châu ăn, Từ Bảo Châu thích ăn đồ ngọt.”
Mạnh Thính Chi không biết phải trả lời thế nào.
Trình Trạc rửa tay, vắt khăn ướt lau mồ hôi cho Cá Nhỏ, vừa lau vừa nói: “Con muốn cho thì cho, nhưng chưa chắc Châu Châu chịu ăn; Châu Châu chịu ăn, nhưng chưa chắc chú Từ của con đồng ý, con phải suy nghĩ kỹ lại mới được.”
Mạnh Thính Chi là người trưởng thành nghe hết còn thấy nhức não, “Cá Nhỏ mới bao nhiêu tuổi đâu, anh giải thích vậy khó hiểu quá.”
Bé Cá Nhỏ không lăn tăn vấn đề này lâu, cậu nhóc cầm ly nước trái cây chạy vào phòng khách, nói với Nguyễn Mỹ Vân là mình muốn xem Từ Bảo Châu.
Từ khi quý bà Nguyễn Mỹ Vân – bá chủ của điều khiển từ xa – lên chức bà ngoại, bà đã bỏ triệt để quy tắc bá quyền đó, đổi sang phát huy sự hòa nhã dễ gần lên đến đỉnh điểm, lập tức chuyển kênh sang chương trình cho gia đình.

Trong tivi, Từ Cách đang buộc tóc cho một cô bé trắng trẻo đáng yêu, vì trên tay có hình xăm lớn nên lúc mặc áo thun sẽ mang thêm găng tay đen dài, tay buộc tóc rất thành thạo.

Cô bé mặc đầm hồng nhìn vào gương, giọng nói non nớt cất lên: “Không chịu cái nơ này đâu!”
Từ Cách vội đáp: “Rồi rồi, bố đổi liền.”
Trên màn hình lập tức xuất hiện một hiệu ứng chú heo nhỏ màu hồng đầu đội vương miện rất dễ thương, phía dưới viết: Công chúa heo không hài lòng.
Xem được một lúc, bé Cá Nhỏ lại có câu hỏi khác, cậu nhóc chỉ vào tivi, hỏi: “Bố ơi, con có đến đó giống Từ Bảo Châu được không bố?”
Trình Trạc nhìn thằng bạn nối khố của mình trên tivi, rồi trả lời câu hỏi của con trai rất nghiêm túc: “Con không đi được, xin lỗi con, bố con không nổi tiếng tí nào, bố con chỉ là một người bình thường.”
Bé Cá Nhỏ hiểu rồi, còn suy một ra ba: “Bố con chỉ là một người bình thường, cho nên con cũng là một đứa trẻ bình thường hả bố?”
Trình Trạc gật đầu, còn thêm một trích dẫn triết học, “Phải học cách chấp nhận sự bình thường của mình.”
Bé Cá Nhỏ lại hiểu rồi.
Chỉ là cậu nhóc chợt nghĩ ra gì đó, nhìn cô nhóc mặc váy xoay vòng vòng trên tivi, ánh mắt tập trung, lẩm bẩm một mình: “Nhưng Từ Bảo Châu không phải là người bình thường, Từ Bảo Châu là công chúa heo.”