Trường An Thái Bình

Chương 7: 7: Đình Yến





Ba hôm sau là Quỳnh Lâm yến, Thiên tử ban yến cho ba người nhất giáp, đình yến được thiết đãi tại điện Thừa Hương cạnh hồ Thái Dịch, đi thẳng từ bên trái cổng Ngân Đài vào trong đình có thể tránh được rất nhiều cơ quan cung điện ngoài triều.
Khi Tô Sầm đến cổng đã thấy có hai người đang chờ sẵn, một người trông như thái giám trong cung ra dẫn người, người còn lại thì mặc đồ vải thô, thấy đến cậu bèn chắp tay chào: "Tô huynh."
Người này là Thám hoa năm nay – Thôi Hạo, quê quán Hồng Châu, nghe đâu là được người mẹ mù dệt lưới đánh cá nuôi dạy đến ngày hôm nay, ngay hôm yết bảng gã đã cho người về quê đón mẹ lên, là hình mẫu người con nhị thập tứ hiếu nức tiếng khắp phố phường.
Tô Sầm hành lễ lại với gã.
Thái giám đứng chờ bên cạnh bảo: "Đủ người rồi, ta vào đi thôi."
Tô Sầm nhìn xung quanh, cau mày hỏi: "Không phải vẫn thiếu một người à?"
Thái giám kia không khỏi cười, đáp: "Thế tử vào theo xe của Ninh Vương, giờ đã ở trong cung rồi ạ."
Tô Sầm sửng sốt, vậy mà cậu lại quên mất, Bảng nhãn năm nay chính là Thế tử Trịnh Dương của phủ Anh Quốc công hôm đó, là cháu ngoại của Ninh Vương, đương nhiên y không cần đứng chờ ngoài cung như họ.
Khi vào cửa cung cùng thái giám, Tô Sầm vô tình nhìn sang, bắt gặp vẻ mặt khinh thường của Thôi Hạo.
Ngoài phố đã đồn nhau từ sớm, rằng Trịnh Dương có quan hệ với Ninh Vương nên mới lấy được vị trí Bảng nhãn, xếp hàng thứ hai, vừa không gai mắt vừa không mất mặt, chẳng qua là đạp kẻ lặn lội thi Đình, thi Hương, thi Hội như Thôi Hạo xuống một bạc, nếu không thì vị trí Bảng nhãn này phải là của Thôi Hạo.
Trịnh Dương có tài thật hay không thì cậu chưa biết, nhưng Thôi Hạo có khúc mắc trong lòng là chuyện đã rõ mười mươi.
Tô Sầm bước lên mấy bước nhét vài cục bạc vụn vào tay thái giám, hỏi: "Công công, Ninh Vương cũng tham gia à?"
Thái giám áng chừng vụn bạc trong tay, cất vào túi áo, sau đó cười với Tô Sầm, bảo: "Tất nhiên là có, Hoàng thượng vừa tròn chín tuổi, đại sự trong triều đều do Vương gia và Thái hậu quyết định.

Nay tổ chức tiệc này, nói ra thì là Hoàng thượng muốn gặp mọi người, nhưng thực chất lại là hai vị kia muốn gặp, con đường thăng tiến sau này của các vị có suôn sẻ hay không thì phải xem hai vị kia có coi trọng hay không."
Tô Sầm thẳng tay đưa một nén bạc cho gã: "Vậy Ninh Vương có gì thích thú hay cần tránh không? Hôm đó thi Đình tôi có hơi đụng chạm đến Ninh Vương, mong công công chỉ bảo cho."
Thái giám kia cười tít mắt, gã hất cây phất trần, nói: "Thế là ngài hỏi đúng người rồi đấy, tôi làm việc trong Nội thị giám, chuyện ăn mặc ngủ nghỉ trong cung đều là chúng tôi lo hết, thỉnh thoảng Vương gia ở lại xử lý chính vụ cũng là tôi đây hầu luôn."
"Còn sở thích thì..." Thái giám liếc Thôi Hạo, thấy người mặc đồ giản dị này không giống như có tiền biếu gã, gã bèn kéo Tô Sầm lên mấy bước, nói nhỏ: "Kể ra cũng lạ, thường ngày Vương gia của chúng tôi cũng chỉ uống rượu đánh cờ, tiền tài thì không thiếu, nữ sắc thì không ham, cũng không biết phải nói là có sở thích gì đặc biệt.

Nếu phải nói thì Vương gia ra chiến trường từ nhỏ, thích ngựa, chẳng qua ngựa tốt trong quân vẫn luôn cho Vương gia chọn trước rồi, nào đến lượt chúng ta biếu tặng.


Cần tránh thì có một điều, Vương gia không uống rượu lạnh, nếu ngài có kính rượu thì nhớ phải dùng rượu ấm, chớ để mất lòng Vương gia."
Tô Sầm cười: "Đa tạ công công chỉ bảo." Sau đó lại hỏi: "Vương gia không ham nữ sắc là vì thê thiếp trong phủ đã đông nên không vừa ý son phấn tầm thường bên ngoài hay sao?"
"Không phải," Thái giám nói: "Năm đó khi Vương gia lập phủ có sắc lập con gái tả tướng Ôn Đình Ngôn làm phi, tiếc là hồng nhan thì bạc mệnh, Vương gia chinh chiến sa trường quanh năm, thậm chí hai người còn chưa kịp để lại mụn con nào đã ngọc nát hương tan.

Vương gia với Vương phi tình cảm sâu nặng, sau khi Vương phi qua đời ngài vẫn không tái giá, nạp thiếp.

Năm xưa khi còn sống Tiên đế còn nói được ngài đôi câu, giờ thì chẳng ai nói được nữa, đến giờ hậu viện Vương phủ vẫn cứ bỏ không."
Ninh Vương này trên dưới bốn mươi, đúng độ hừng hực khí thế, bảo hậu viện của hắn không có ai thì có chết Tô Sầm không tin được.
"Ồ?" Tô Sầm ngó lơ ánh mắt lạnh lùng của Thôi Hạo, sáp lên hỏi: "Sao ta nghe ngoài phố đồn là Ninh Vương không nạp thiếp vì thích đàn ông?"
Thái giám sửng sốt, gã ngó nghiêng tứ phía rồi nói nhỏ: "Chuyện này không nói bừa được đâu, dính đến uy nghi hoàng gia, lời ra tiếng vào là mất đầu đấy."
Tô Sầm nghe vậy biết ngay là có chuyện, cậu lấy hết bạc trong người ra nhét vào tay gã, sau đó chắp tay cung kính nói: "Công công yên tâm, ta sẽ không truyền ra ngoài."
Thái giám cau mày lắc túi bạc lớn, cuối cùng mới thở dài: "May là ngài gặp được tôi đấy, phải người khác là không trả lời được đâu."
Tô Sầm mỉm cười: "Sao công công lại nói vậy?"
Thái giám kéo người bước nhanh hơn, nói: "Đúng là có chuyện đó, mấy kẻ quyền thế này có ai mà không có chút sở thích này kia, chẳng qua là không muốn ai biết thôi.

Tôi vào cung sớm, năm xưa từng hầu hạ hoàng đế Thái Tông, lúc đó Tiên đế và Vương gia vẫn còn là hoàng tử.

Trước khi lâm chung, hoàng đế Thái Tông có để lại di chiếu rằng các ngài chơi sao người mặc kệ, nhưng vẫn phải kết hôn, cũng không được rêu rao ra ngoài.

Ninh Vương phủ kín tiếng lắm, bao năm nay Vương gia vẫn tuân theo di chiếu của hoàng đế Thái Tông, tuy bên ngoài có người đồn đại nhưng lại chẳng ai có bằng chứng gì, cũng chẳng làm gì được."
"Vậy tên thị vệ bên cạnh Ninh Vương thì sao..."

"Ý ngài là Kỳ Lâm ạ?"
Tô Sầm nghĩ một lát, gật đầu.
"Hắn ta?" Thái giám khinh thường ra mặt: "Đó là con sói con Vương gia nhặt từ bên ngoài về."
"Sói con?" Tô Sầm nhíu mày.
"Hắn không phải người Hán," Thái giám bảo; "Là người Đột Quyết, Vương gia nhặt từ biên cảnh về."
Tô Hồi nhớ lại đôi mắt màu hổ phách kia, ban đầu cậu chỉ nghĩ mắt người này hơi nhạt, giờ nghĩ lại đúng là không phải màu mắt của người Hán.
"Người đó là thanh đao trong tay Vương gia, tay chân chẳng sạch sẽ gì đâu." Thái giám nói tiếp: "Ngài đã nghe đến Đồ Đóa tam vệ bao giờ chưa? Con sói con đó nằm trong số họ."
Tô Sầm cả kinh, Đồ Đóa tam vệ được gọi là nhánh quân mạnh nhất Đại Chu, tất cả binh sĩ đều là người Đột Quyết lại bán mạng cho người Hán.

Năm đó A Sử dẫn tàn quân Đột Quyết trốn vào trong hồ Bối Nhĩ sâu trong sa mạc, người Hán không ai dám vào, chỉ có thể đứng nhìn cát thở dài.

Khi ấy một trăm năm mươi người thuộc Đồ Đóa tam vệ vũ trang vào sa mạc, mười ngày sau chỉ còn hai mươi người trở ra, mang theo cái đầu đã bị gió thổi quắt queo của A Sử.
Một trận thành danh.
Một nhánh quân vậy thôi lại khiến người người e sợ như hổ dữ, với người cùng tộc mình họ còn máu lạnh như vậy, nhỡ một ngày họ phản bội thì sẽ càng tàn nhẫn với người Hán hơn.

Trong mắt người ngoài, họ là những quái vật không có linh hồn, là thanh gươm sắc bén, dùng khéo thì có thể chém sắt như bùn, dùng không khéo thì dễ bị cắn ngược.
Mà hiển nhiên Ninh Vương là một tay dùng đao lão luyện.
Trong lúc nói chuyện, thái giám đã dẫn hai người đi qua đình viện đến trước cửa điện Thừa Hương, Tô Sầm dừng lại từ biệt thái giám, Thôi Hạo thì lạnh lùng vượt qua hai người, hếch mắt đi trước.
Khi cậu vào đại điện Thiên tử vẫn chưa tới, nhưng đã có vài người ngồi vào bàn tiệc rồi.
Tô Sâm vừa vào cửa đã thấy ngay Ninh Vương đang trò chuyện vui vẻ với Trịnh Dương ở vị trí đầu tiên bên phải ghế vua.
Nói đúng ra thì trò chuyện là Trịnh Dương, còn vui vẻ lại là Lý Thích.


Hôm nay là tiệc thường, Lý Thích không mặc bộ lễ phục nghiêm chỉnh đến đáng sợ bữa nọ nữa, hắn mặc một bộ áo đen khoác áo bào đỏ tía, nhưng không thể phủ nhận rằng người này mặc đồ đen luôn có khí thế áp đảo mọi người, khiến những thứ vải vóc rèm trướng rực rỡ trong đại điện đều trở nên nhạt nhòa.
Thấy cậu vào, Trịnh Dương tự giác lùi lại một chỗ, nhiệt tình gọi cậu: "Tô huynh, ngồi đây."
Kể cũng khéo lắm, chỗ ấy là ghế đầu tiên ngay bên dưới Lý Thích.
Đúng lúc này có tiếng ho khan vang lên phía bên trái, Tô Sầm quay lại nhìn, tức thì nhận ra người này chính là Trạng Nguyên năm Vĩnh Long hai mươi hai, nhân vật đứng đầu phe Thái hậu, cũng là hữu tướng đương triều Liễu Trình.
Không đợi cậu kịp hoàn hồn, Thôi Hạo đã nhiệt tình hành lễ với hắn, sự sùng bái trong mắt rõ rệt vô cùng.
Thôi Hạo làm vậy cũng có lý, vị Liễu tướng này còn trẻ đã ngồi lên được vị trí ấy, có Sở Thái hậu chống lưng, phò tá Thiên tử kế thừa ngai vàng, sau này Hoàng đế tự chấp chính rồi ắt sẽ trọng dụng hắn, khó trách người đọc sách khắp thiên hạ đều coi đây là tấm gương.
Vị Liễu tướng kia liếc nhìn Tô Sầm, cuối cùng mới nhìn sang Thôi Hạo: "Qua đây ngồi."
Thôi Hạo nhanh nhảu ngồi bên dưới hắn ta.
Tô Sầm nhíu mày, chỗ ngồi trong tiệc trông thì có vẻ tùy ý, thực chất lại hết sức rõ ràng.

Bên trái có ba vị Thượng thư của bộ Lễ, bộ Lại, bộ Hộ, cộng thêm Liễu tướng, đều là người của phe Thái hậu, còn bên phải là nửa giang sơn còn lại cho Ninh Vương đứng đầu.

Thôi Hạo đã ngồi bên trái, tức là đã nhận mình về phe Thái hậu, Trịnh Dương thì tất nhiên phải ngồi bên cậu mình, chỉ còn lại một mình Tân khoa Trạng nguyên đỗ đạt bằng lý luận phản đối đấu tranh đảng phái như cậu đứng giữa đình, mặc người ta chỉ trỏ.
Tô Sầm đứng sững một chốc rồi ngó lơ ánh mắt của mọi người, ngồi vào chỗ Trịnh Dương vừa nhường cho cậu.
Lý Thích nhìn Tô Sầm, cầm chén mỉm cười, ý tứ sâu xa không nói thành lời.
Tô Sầm bỗng thấy cảm giác sởn gai ốc đã quay trở lại.
Thiên tử vào chỗ, mọi người hành lễ, chỉ riêng Lý Thích vẫn ngồi sừng sững bất động, trái lại Thiên tử nhỏ tuổi lại rụt rè gọi hắn một tiếng "Hoàng thúc" trước.
Người ta đồn Ninh Vương mượn danh Thiên tử chỉ khắp chúng thần quả không ngoa.
Thiên tử an tọa, máy móc khen mấy câu rồi tất cả mới nhấc đũa.

Dần đà bên dưới bắt đầu có tiếng trò chuyện, bởi là Quỳnh Lâm yến, chủ đề bàn tán cũng xoay quanh ba người mới đăng khoa, Thượng thư bộ Lại nói: "Ba vị nhất giáp lần này đều là thanh niên tài giỏi, chúng ta chưa được thấy tài văn chương của ba vị bao giờ, không ngại thì giờ ra một vế đối cho ba người họ đối đáp, cũng coi như như chúng ta được học hỏi văn thơ."
Mấy người của đảng Thái hậu luôn miệng hùa theo, trông mặt thì vui vẻ mà sau lưng lại đấu đá kịch liệt.

Khắp phố phường đã đồn Trịnh Dương kia là kẻ dốt đặc đi cửa sau, mấy người này làm vậy là muốn lấy lại danh tiếng cho Thôi Hạo đây.

Tô Sầm nhìn sang Trịnh Dương, lúc này y vẫn đang hồn nhiên ăn uống, thấy cậu quay sang mới nhướng mày cười với cậu.
"Liễu tướng là Trạng Nguyên năm Vĩnh Long, không ngại thì để Liễu tướng ra đề đi." Có người lên tiếng.
Liễu Trình khách sáo đùn đẩy một hồi, sau đó suy nghĩ rồi nói: "Kiều khóa hổ khê, tam giáo tam nguyên lưu, tam nhân tam tiếu ngữ."
(Dịch nghĩa: Cầu bắc qua suối Hổ, ba tôn giáo ba nguồn gốc khác nhau, ba người nói cười)
Tô Sầm thầm cảm thán, cái danh Trạng nguyên của Liễu Trình cũng chẳng ngoa, một câu mà tổng hợp cả ba tôn giáo Phật, Nho, Đạo, ba người tức chỉ đại diện tiêu biểu của ba tôn giáo lần lượt là Tuệ Viễn, Đào Uyên Minh và Lục Tu Tĩnh, một câu đơn giản nhưng lại rất sâu xa.
Sảnh đình chìm vào im lặng, vài giây sau, Liễu Trình nhìn sang Thôi Hạo bên cạnh mình: "Cậu là Thám hoa, cậu đối trước đi, nhân vật lớn phải để lại cuối cùng chứ."
Thôi Hạo chắp tay với hắn ta, nghiêm túc nói: "Vãn bối xin được đối: lư lập nam dương, tam thỉnh tam từ khứ, tam túc tam đỉnh lập."
(Dịch nghĩa: Nhà tranh ở Nam Dương, ba lần đến mời bị từ chối, Tam Quốc đỉnh lập)
Gã nhắc đến một câu chuyện về Gia Cát Vũ Hầu[1], vế đối chặt chẽ, gieo vần chắc chắn, Liễu Trình hài lòng mỉm cười, sau đó quay sang nhìn Trịnh Dương bằng ánh mắt thích thú.
[1] Giai thoại Lưu Bị chủ động đến mời Gia Cát ba lần.
Mọi người đều đang đợi y bẽ mặt, song đương sự lại như chẳng nhận ra điều gì, y buông đũa, suy nghĩ rồi nói: "Ân trạch Tề Châu, cửu chuyển cửu công thành, cửu châu cửu quy nhất."
(Dịch nghĩa: Ban ơn Tề Châu, miệt mài mãi cũng thành công, cửu châu quy về một mối)
Mọi người trên bàn tiệc nhìn nhau, những kẻ đợi cười nhạo y đều muối mặt.
Biểu cảm của Thôi Hạo còn đặc sắc hơn.
Đặt vế đối của gã bên cạnh Trịnh Dương là rõ ngay cao thấp, vế đối của Trịnh Dương không chỉ ẩn chứa tư tưởng miệt mài cố gắng sẽ thành công của Đạo gia, còn ẩn dụ rằng Đại Chu thống nhất thiên hạ.

So ra thì vế đối của gã có vẻ bé nhỏ hà tiện hơn, không bì được sự hùng tráng vĩ đại của Trịnh Dương.
Xem ra Trịnh Dương này cũng có tài hoa thật, chí ít không phải kẻ chỉ biết đi cửa sau như người ta đồn đoán.
Tô Sầm lén nhìn sang Lý Thích, chỉ thấy người nọ vẫn bình tĩnh như gió thoảng mây bay, hiển nhiên là đã biết rõ từ đầu.
Liễu Trình hắng giọng, bị người đập vào mặt như vậy, hắn ta không vui ra mặt, bèn quay sang nói với Tô Sầm: "Nào, nghe thử xem Tân khoa Trạng nguyên của chúng ta có phép đối cao siêu gì đây?"
Tô Sầm cụp mắt đáp: "Liên khai tăng xá, nhất hoa nhất thế giới, nhất diệp nhất bồ đề."[2]
(Dịch nghĩa: Hoa sen nở trong chùa, một đóa hoa là một thế giới, một chiếc lá một gốc bồ đề.)
[2] Vế đối này khái quát lịch sử của Bạch Liên Xã chùa Đông Lâm, khi Phật giáo đến Lư Sơn được Thứ sử Giang Châu trợ giúp xây dựng chùa Đông Lâm, mở Bạch Liên Xã, sáng lập một nhánh mới gọi là Liên Tông, được người đời gọi là "nhất hoa", sau đó Thiền Tông của Phật giáo lại chia thành năm nhánh được gọi là "ngũ diệp" và mỗi "diệp" này đều có người dẫn đầu của riêng mình..