Truy Vết Nàng Hậu

Chương 28: Lập đàn phá yếm


Người đàn ông nghe có người gọi mình là bác Hai thì quay lại nhìn, lúc này ông mới để lộ ra thân hình đã ngót hơn năm mươi của mình. Ánh mắt chợt sáng rực, ông buông giỏ cá xuống đất vội đi đến phía người vừa lên tiếng.

"Út Đào!"

Gương mặt người đàn ông bất ngờ ướt đẫm nước mắt, trước mặt ông là cô cháu ruột Út Đào. Bác Hai ôm lấy cô, vòng tay rắn chắc sạm cháy nắng ôm lấy cô như lúc nhỏ. Đưa bàn tay gầy chai sờ vào gương mặt đối diện, giọng ông nghẹn lại.

"Mày đi đâu tới giờ mới về...lớn quá lớn quá!"

Người được gọi Út Đào kia cũng xúc động mà không nói được lời gì, đã bao năm từ khi cha mất cô rời quê về ở phủ Tể tướng. Cứ ngỡ không thể quay về như ngày

hôm nay.

Cả hai cùng khóc rồi lại lau đi giọt nước mắt xum vầy, nở nụ cười rồi người nọ dẫn Út Đào về ngôi nhà lá của mình.

Bác Hai ấy là anh trai của ông Chín, ông là bác ruột của Thị Đào, tên ông là Được, mọi người vẫn thường gọi là ông Hai Được. Gia đình họ có tất cả ba người con, nhưng cha của Thị Đào lại được gọi là Chín, có lẽ vì ông được bà nội của cô sinh ra vào ngày chín tháng chín âm lịch.

Nếu ông Chín là người có căn số hầu đồng, thì ông Hai lại được phía bên nhà ngoại truyền dạy cho về pháp thuật giúp người. Nhưng sau những tháng ngày giúp đời giúp người, bản thân ông cũng bị nhận lấy nghiệp vì đã xen vào việc của người khác.

Nhớ ngày ông Chín mất mạng cũng vì giúp một gia đình gỡ yểm, ông Hai Được dù cố gắng nhưng cũng không thể cứu được mạng sống của em trai. Tận mắt nhìn người em của mình bị âm binh đánh tơi tả, ông Hai đau xót ôm lấy thân thể mềm nhũn mà bật khóc. Trước khi mất, ông Chín thều thào nói với anh trai.



Cố gắng nuôi côn con gái Út Đào của ông, đừng để cô bé dính đến những việc liên quan đến bùa chú. Sau khi lo liệu cho ông Chín xong, vì từng giúp đỡ Tể tướng Lê Thanh mà Thị Đào được Tể tướng đưa về phủ nuôi nấng, tuy vậy cô bé vẫn biết thân biết phận không chịu ngồi yên, cô xin được làm người hầu riêng cho Thanh Vân.

Ông Hai Được cũng rút lui ở ẩn không làm nghề thầy phép thêm nữa.

Sau khi hỏi han nhau, ông Hai nhìn ra trong ánh mắt của Thị Đào có chút gì không tự nhiên thì chủ động hỏi đã có chuyện gì.

Thị Đào xúc động kể lại mọi chuyện, từ việc cô theo Thanh Vân vào cung, rồi những chuyện xảy ra sau đó. Tiếng ông Hai thở dài đầy sự xót thương, khẽ lắc đầu ông nói.

"Thì ra vị Hoàng hậu ấy lại là con gái của Tể tướng sao. Đúng là không thể thoát được ý trời!"

Thị Đào nghe câu ấy thì không khỏi ngạc nhiên.

"Bác, bác biết nương nương sao?"

Ông Hai định lảng sang chuyện khác không trả lời, nhưng ngay khi ấy Thị Đào đã nói tiếp.

"Nương nương bị kẻ xấu yểm bùa...bác..."

Ánh mắt ông Hai đột nhiên sáng lên, có lẽ hai từ "yểm bùa" kia làm gợi lại phần kí ức đau thương của ông. Đôi mắt nhăn nheo trầm buồn nhìn ra bên ngoài, dòng nước sông vẫn lặng lẽ trôi đi. Bước đến trước bàn thờ, ông Hai thắp ba nén nhang cắm lên, miệng thở dài nói như tự sự.



"Đã lâu rồi ta không theo nghiệp thầy bùa, chuyện ấy bây giờ người ta không tin nữa!"

Thị Đào vội móc trong bọc đồ đeo bên mình một cái túi nhỏ đưa ra trước mặt ông Hai. Cô chưa kịp nói gì thì ông Hai đã sững sờ nhìn cái túi được làm từ vải thổ cẩm.

Giọng ông run run hỏi cô từ đâu mà có, Thị Đào trả lời do Thái hậu Ngọc Lan đưa cho mình. Nghe xong câu ấy, ông Hai ngồi thừ xuống ghế, bàn tay gầy guộc nắm chặt lấy túi vải.

Chẳng biết Thị Đào đã nói gì với người bác, chỉ biết sau khi nghe cô kể lại những chuyện kì lạ đã xảy ra sau cái chết khó hiểu của Thanh Vân. Ông Hai chậm rãi đi ra bên ngoài suy ngẫm rồi lại đi vào bên trong.

Đứng trước bài vị của ông bà tổ tiên, ông Hai tung hai đồng xu lên không trung miệng lẩm bẩm.

"Xin tổ tiên cho con lời dạy. Nay cháu Đào trở về, gặp lại cố nhân ắt là duyên. Nếu tổ tiên đồng ý cho Hai Được hành pháp cứu người thì hãy để một xấp một ngửa!"

Tiếng kim loại va chạm vào mặt bàn kêu lên leng keng, rồi cả hai đồng xu lại xoay tít trên mặt bàn. Thị Đào đứng bên cạnh lòng hồi hộp chờ đợi.

Lập tức ông Hai mở trừng mắt nhìn hai đồng xu vừa kết thúc vòng quay của chúng.

Một xấp một ngửa!

Thị Đào bật khóc nhìn ông Hai, đúng là trời không phụ lòng người!