Từng Gửi Tình Yêu Nơi Biển Núi

Chương 12


Vào thời điểm đó, kỳ thi Tuyển sinh Đại học vẫn được phân thành ban xã hội và ban tự nhiên theo truyền thống, lớp 10 vừa kết thúc thì sẽ phân ban.

Nhưng dù là chọn ban xã hội hay ban tự nhiên thì xác suất mà tôi và Chu Gia Dã cùng lớp đều rất mong manh.

Dù vậy vẫn còn một khoảng thời gian nữa mới đến thời điểm phân ban.

Học kỳ này vừa khai giảng không lâu, chỗ ngồi trong lớp đã được sắp xếp lại lần nữa. Học sinh được tự chọn chỗ ngồi nhưng thứ tự chọn chỗ sẽ dựa theo xếp hạng trong kì thi cuối kỳ của học kỳ trước.

Trong giờ nghỉ giải lao, có một bạn nhận được tin tức bèn quay về lớp học báo tin, nói rằng sẽ thay đổi chỗ ngồi vào buổi họp lớp tuần sau. Ngay tức khắc phòng học như bùng nổ, ai có mối quan hệ thân thiết thì bắt đầu hẹn nhau làm bạn cùng bàn.

Chu Gia Dã đạt thứ hạng cao trong kỳ thi cuối kỳ nên cậu ấy được chọn trước. Mấy nam sinh khá thân với cậu ấy quay đầu lại hẹn Chu Gia Dã xem nên ngồi ở đâu, đổi hết các chỗ từ trước ra sau, từ trái sang phải.

Tôi ngồi bên phải Chu Gia Dã, cách cậu ấy một lối đi nhỏ, từ đầu đến cuối tôi vẫn giữ im lặng, hệt như một hòn đảo cô độc giữa khung cảnh náo nhiệt.

Buổi chiều sau khi tan học, Chu Gia Dã và các nam sinh kia nói cười ầm ĩ cùng bước ra khỏi lớp, còn tôi ăn tạm chút gì đó rồi lại trở về phòng học.

Lúc đi ngang qua sân bóng rổ, tôi thấy bên đó đang vô cùng náo nhiệt. Tiếng cổ vũ và tiếng hoan hô quấy nhiễu đến áng mây phía chân trời, nắng chiều bao trùm lên năm tháng của những thiếu niên trẻ tuổi, khuôn mặt nào cũng rạng rỡ sáng lạn, còn tôi chỉ là người qua đường.

Chương trước được viết chi chít trong quyển sổ của tôi còn ghi lại một vài đoạn ngắn mà tôi bất chợt nghĩ ra. Trước kia, đây việc duy nhất có thể khiến tôi dồn hết tâm trí và cảm thấy vui vẻ, nhưng lúc này tôi lại chẳng viết nổi một chữ.

Tôi nhớ đến những bình luận tối qua.

Mấy câu chuyện ngắn mà tôi viết đều là chuyện bi kịch, tiểu thuyết tôi đang viết cũng được đánh dấu là bi kịch. Không phải tôi cố ý viết vậy, trong nhận thức của tôi, nếu sự tiếc nuối và mất mát xuyên suốt đời người từ đầu đến cuối thì bi kịch mới là kết cục hợp lý nhất. Cuộc sống của tôi rất tẻ nhạt và buồn bã, vậy nên những gì tôi viết cũng rất bi quan.

Nhưng hình như bi kịch không phải là cái kết mà đa số mọi người mong muốn, người đời đều thích xem những thứ thỏa mãn mong ước của mình, như thế mới khiến người người đều vui.

Từng bình luận đều hỏi tôi kết cục thật sự là bi kịch sao, tôi đều trả lời không chút do dự, đúng vậy.

Nhưng tối hôm qua có một người đã đọc hết mấy truyện ngắn của tôi rồi hỏi rằng, nếu như gặp nhau chính là để ly biệt, vậy thì hai người gặp gỡ ngay từ đầu liệu có phải rất vô nghĩa hay không.

Khi tôi đọc được bình luận này đã là sáng sớm hôm sau. Bây giờ tôi có một thói quen, đó là buổi sáng ngủ dậy tôi sẽ bật máy tính lên xem lượt đọc và bình luận mới, xem thử có ai đọc những gì tôi viết không, nếu có người đang xem thì cả ngày hôm đó tôi sẽ rất vui vẻ.

Độc giả ấy đã viết một đoạn rất nghiêm túc về câu chuyện trong tác phẩm của tôi, cho đến nay đó là đoạn bình luận dài nhất mà tôi nhận được.

Nhưng tạm thời tôi không biết nên trả lời câu cuối cùng đó ra sao.

Nếu như không có ý nghĩa, vậy thì có phải ngay từ đầu đã không nên gặp nhau hay không?

Chu Gia Dã đã vào đội bóng rổ của trường như mong muốn, cuối cùng cậu ấy cũng được chơi bóng rổ một cách quanh minh chính đại. Khoảng thời gian nghỉ giải lao một tiếng rưỡi sau khi tan học buổi chiều, vị trí bên trái cách tôi một lối đi nhỏ lại trở về trạng thái trống không.

Tôi vẫn ngồi một mình trong lớp, chăm chỉ viết truyện lên quyển sổ để sau khi về nhà có thể đánh máy rồi đăng lên luôn . Không có Chu Gia Dã, sẽ không còn ai tìm tôi mượn vở, mượn bút trong lúc tôi đang mải mê viết, cũng không còn ai quấy rầy thế giới của tôi nữa, xứ sở mộng mơ mà bươm bướm bất chợt xông vào dường như chỉ tồn tại trong vài cái chớp mắt.

Khoảng thời gian trái phải kề cận cũng chẳng còn lại bao nhiêu, cũng giống như hạt kê vàng(1) trong mơ ước viển vông mà thôi.

(1)Nguyên văn là “hoàng lương”, được lấy từ điển cố “giấc mộng hoàng lương” để chỉ giấc mơ không có thực.

Thỉnh thoảng Chu Gia Dã đi vào từ cửa sau phòng học để về lớp học bài sau khi chơi bóng rổ, sau đó cậu ấy sẽ hỏi tôi giáo viên vừa giao bài tập gì, đôi khi cũng sẽ tiện tay ném cho tôi một túi đồ ăn vặt mà cậu ấy mua ở siêu thị nhỏ sau trận bóng. Chu Gia Dã luôn sôi nổi và tỏa sáng, chút thuận tay thiện ý của cậu ấy cũng đủ soi sáng tôi thật lâu.

Có rất nhiều người đến xem cậu ấy chơi bóng rổ.

Tôi thì chưa đến đó lần nào cả.

Ngay cả Trương Nam Nam và Tưởng Ninh cũng từng đến xem, tôi từng nghe các cô ấy kể rất nhiều, rằng Chu Gia Dã chơi bóng giỏi thế nào, đẹp trai ra sao, mặc dù chỉ nghe qua lời miêu tả nhưng tôi cũng tưởng tượng được khung cảnh biển người bao quanh sân bóng rổ phấn khích vì cậu ấy. Thế nhưng tôi vẫn tỏ ra thờ ơ.

Trương Nam Nam từng hỏi tôi có muốn đi xem cùng không, tôi chỉ giải thích mình không hứng thú với bóng rổ. Thật ra tôi đã đi ngang qua sân bóng rổ vô số lần, ngoài sân bóng rổ toàn là người, làn sóng âm thanh chấn động đến nỗi tôi suýt vỡ tim.

Nhưng lần nào tôi cũng đi ngang qua sân bóng.

Tôi biết cuộc đời này của mình sẽ như thế nào, tôi chỉ là một người đi ngang qua thế giới của Chu Gia Dã mà thôi.

Chỉ là ngày hôm đó lại đến phiên tôi trực nhật. Bây giờ cậu ấy không cần giấu bóng rổ trong cặp sách nữa, cũng không còn lớn tiếng gọi Lâm Ý khi tôi xuất hiện bên sân bóng rổ.

Tôi trực nhật xong rồi ra khỏi phòng học, lúc này sân bóng rổ đã sớm bị vây đến kín kẽ, một con kiến cũng không chui lọt.

Từ trước đến nay Chu Gia Dã luôn được mọi người chú ý, người đến xem cậu ấy chơi bóng không bao giờ thiếu, cũng chưa bao giờ thiếu tôi, tôi chỉ bị nhấn chìm trong biển người đông đúc tới xem cậu ấy. Tôi đứng lọt thỏm trong đám đông nghìn nghịt, thi thoảng có thể nhìn thấy cậu ấy một cách mơ hồ qua khe hở của đám đông liên tục chen chúc đưa đẩy. Tôi thấy Chu Gia Dã nở nụ cười hăng hái khi nhảy lên ném bóng, nhìn mái tóc tung bay trong gió của cậu ấy, nhìn khoảng cách xa xôi giữa cậu ấy và tôi.

Lúc đó tôi đã nghĩ, khoảng cách xa nhất giữa tôi và Chu Gia Dã có lẽ chính là lúc này nhỉ.

Nhưng sau này, tôi cũng nhìn cậu ấy cách một biển người giống như vậy, bấy giờ tôi mới giật mình nhận ra năm ấy đã là khoảng cách gần nhất giữa tôi và Chu Gia Dã, thực ra nó gần đến mức tôi chỉ cần gọi một tiếng Chu Gia Dã, cậu ấy sẽ quay đầu nhìn tôi.

Tôi đứng trong đám đông nhìn theo cậu ấy một lúc rồi trở về phòng học không một tiếng động.

Bạn đang đọc bản chuyển ngữ thuộc về allinvn.net

Lúc sắp đến giờ tự học buổi tối cậu ấy mới trở về, như thường lệ, cậu ấy hỏi tôi giáo viên có giao bài tập không, sau đó thuận tay ném cho tôi một túi đồ ăn vặt. Sau khi chơi bóng xong Chu Gia Dã thường đi đến siêu thị nhỏ mua nước, tiện tay đem về vài thứ đồ ăn vặt, hình như cậu ấy rất thích đưa cho tôi ăn.

Chu Gia Dã không hề biết tôi đã từng đi ngang qua lúc cậu ấy chơi bóng vào buổi chiều hôm đó, hoặc nói cách khác, dù cậu ấy có nhìn thấy thì cũng đã thấy rồi.

Giống như Chu Gia Dã không bao giờ hỏi tại sao tôi không đi xem cậu ấy chơi bóng, tôi không có gì đặc biệt, cũng chẳng có ý nghĩa gì cả, chỉ là một trong số những người bạn bình thường của cậu ấy.

Mãi cho đến hội thao mùa xuân ngay sau học kỳ này.

Trong lớp đã tổ chức báo danh nội dung thi từ rất sớm, thầy chủ nhiệm đã nhấn mạnh trong buổi họp lớp rằng yêu cầu mỗi cá nhân đều tham gia, nữ sinh không có sở trường về thể thao thì có thể báo danh ở nội dung trò chơi tập thể.

Thầy giáo giao nhiệm vụ xuống, bởi vậy vào giờ giải lao hằng ngày lớp trưởng đều hỏi lần lượt từng bạn muốn thi môn nào.

Chu Gia Dã đương nhiên là ứng cử viên hấp dẫn của hội thao, quy định là một cá nhân tham gia tối đa ba nội dung đơn lẻ, cậu ấy đăng ký hết. Mà tôi thì trái ngược với cậu ấy, lúc lớp trưởng tới hỏi tôi, từ đầu đến chân tôi đều tỏ vẻ kháng cự, mặt chau mày ủ hỏi cậu ấy thật sự không thể chỉ làm khán giả thôi sao.



Chắc là vừa nhìn vóc người nhỏ con của tôi là biết ngày thường không vận động, lớp trưởng cũng không làm khó: “Hay là đăng ký cho cậu một nội dung trò chơi tập thể nhé?”

Tôi thắc mắc: “Nội dung đó chủ yếu là làm gì thế?”

“Chỉ là một vài trò chơi nhỏ, không tính là khó, tôi thấy mấy năm trước toàn chạy đua ba chân, cậu vẽ tôi đoán, đại loại là vậy, không phải tốn sức gì cả, đến lúc chiến thắng sẽ có phần thưởng, cậu cứ lượng sức mà làm, chú trọng việc học sinh có tham gia thôi.”

Tôi chỉ đành phải gật đầu. Thầy nói ai cũng phải tham gia, tôi không dám chống đối. Huống hồ những gì mà lớp trưởng nói cũng không đến nỗi phải liều mạng, quan trọng nhất chính là có tham gia.

Lớp trưởng hoàn thành nhiệm vụ, lại thuyết phục thành công được một người, cậu ấy hài lòng chạy về phía mục tiêu tiếp theo.

Chu Gia Dã vừa trở về từ bên ngoài sau khi chơi bóng, thấy lớp trưởng đang thống kê nội dung báo danh, cậu ấy đi qua xem thử danh sách.

Cách mấy hàng ghế, tôi nghe thấy Chu Gia Dã chậc một tiếng, cười nói: “Được đó lớp trưởng, cậu tốn không ít công sức để làm công tác tư tưởng nhỉ, Trần Khải đã chạy ba ngàn mét rồi.”

Trần Khải được nhắc tới là người ngồi bên cạnh, bình thường có mối quan hệ tốt với cậu ấy. Trần Khải vừa nghe là đã biết Chu Gia Dã chẳng nói lời hay ho gì, quay đầu lại định nện cậu ấy: “Khinh thường ai vậy, đến lúc đó cậu phải đợi ở vạch đích nhận huy chương cho tớ đấy có biết không?”

Chu Gia Dã cười với vẻ cà lơ phất phơ, chậc một tiếng: “Không thành vấn đề, anh Khải của chúng ta đích thân chạy ba ngàn mét, vị trí quán quân này chắc chắn là của lớp chúng ta.”

Trần Khải càng muốn nện cậu ấy hơn.

Chu Gia Dã tiếp tục nhìn xuống dưới, Trần Khải cũng quay người xuống hóng hớt tình hình báo danh trên danh sách.

Lớp trưởng đang chuyên tâm làm công tác tư tưởng, Chu Gia Dã dứt khoát cầm lấy danh sách, lười biếng tựa lên bàn bên cạnh. Trần Khải chỉ vào tên trên danh sách nói đùa với cậu ấy, chẳng mấy chốc một đám nam sinh đã xúm lại cười đùa, tình bạn đã phát triển đến mức chờ lát nữa tan học là có thể đến sân bóng đấu một trận.

Lớp trưởng khuyên bảo xong thì tìm Chu Gia Dã lấy lại danh sách báo danh.

Chu Gia Dã đưa cho lớp trưởng, lúc ngẩng đầu, hình như ánh mắt cậu ấy vô tình lướt đến chỗ tôi, nhìn thằng vào đôi mắt đang lén lút nhìn trộm cậu ấy.

Tôi giật mình hoảng hốt trong giây lát, vội vàng giả vờ nghiêng đầu như lúc đang nhìn bảng thì bị chắn tầm nhìn chứ không phải đang nhìn Chu Gia Dã. Cậu ấy thấy động tác nghiêng đầu ấy, tưởng là mình đứng đó đã chắn mất tầm nhìn của tôi, cậu ấy quay người nhìn bảng đen rồi tránh khỏi cái bàn đang tựa.

Tôi thầm thở phào nhẹ nhõm, đã diễn kịch thì diễn cho trót, cúi đầu làm bộ như đã thấy được yêu cầu trên bảng rồi tìm sách bài tập.

Nhưng một lát sau, một bóng đen phủ xuống người tôi.

Chu Gia Dã đứng trước mặt tôi, dáng người cậu ấy rất cao, dù chỉ tùy ý đứng đó với dáng vẻ lười biếng thì tôi cũng phải ngẩng đầu mới có thể đối diện với cậu ấy.

Tim tôi đập như trống dồn, bắt đầu từ cái nhìn lén bị cậu ấy bắt gặp, mỗi một giây trôi qua tôi đều có cảm giác tội lỗi chồng chất.

May mắn là hình như cậu ấy không phát hiện, vẫn nói chuyện với tôi bằng giọng điệu như bình thường, cười hỏi: “Cậu đã báo danh à?”

“Ừ.” Tôi gật đầu, thế giới của tôi vẫn đang sóng gió gian nguy, song ngoài mặt vẫn làm như không có gì: “Thầy nói mỗi người đều phải đăng ký, trừ khi có lý do đặc biệt về thể chất, tớ cũng hết cách.”

“Thành thật vậy à? Nếu cậu thật sự không muốn tham gia thì cứ nói rằng cậu thấy trong người không khoẻ đi.”

“... Thôi bỏ đi, đăng ký thì đăng ký, biết đâu tớ gặp may mắn thì sao?”

Cậu ấy giơ ngón cái cho tôi, ý cười không giảm: “Được rồi, làm tốt nhé.”

Ban đầu tôi chỉ thỏa hiệp, nhưng nhìn cậu ấy cười tươi như thế, không hiểu sao lại khiến tôi cảm thấy hơi tự tin rằng mình có thể thử sức một lần.

Đến ngày diễn ra hội thao, mặc dù không thích vận động nhưng tôi không cần tự học buổi sáng, cũng không cần lên lớp hay làm bài tập nên tôi vẫn rất thích hội thao.

Chỉ là bình thường Chu Gia Dã đều ngồi bên trái tôi mỗi ngày, trong hai ngày hội thao lại rất hiếm khi nhìn thấy cậu ấy.

Chu Gia Dã bận rộn từ sáng sớm, các lớp đều có sân của riêng mình, không có gì ngạc nhiên khi cậu ấy được giáo viên phân công sắp xếp sân bãi, vừa chuyển nước vừa chuyển bàn nhưng vẫn chưa hết bận, bởi vì cậu ấy đứng đầu hàng ngũ trong lễ khai mạc của lớp chúng tôi, thế là lại bị gọi đi chuẩn bị trước.

Những khán giả bình thường như tôi vừa không có môn thi cá nhân, cũng không tham gia lễ khai mạc, chỉ đến khi hội thao sắp bắt đầu mới lần lượt chuyển ghế đến sân vận động.

Thời tiết hôm diễn ra hội thao rất tốt, không một bóng mây, mới sáng sớm mà trời đã quang đãng sáng rực, mặt trời toả sáng chói chang, nghe đâu hiệu trưởng đã xem dự báo thời tiết rồi chọn ngày kỹ càng.

Lúc tôi đến phòng học, trong lớp còn có vài người chưa đi xuống mà vẫn đang thu dọn cặp sách và cất đồ ăn vặt, nói cười rôm rả. Có vẻ bây giờ họ không vội xuống sân. Tôi không quen bọn họ, bèn tự mang ghế đi trước.

Bạn đang đọc bản chuyển ngữ thuộc về allinvn.net

Trên sân vận động lúc này đâu đâu cũng toàn là người, tôi ôm ghế của mình nhìn quanh biển người mênh mông để tìm sân của lớp chúng tôi.

Việc xác định phương hướng của tôi trước giờ không tốt, người lại rất đông, tôi y như như con ruồi không đầu lạc trong sân vận động rộng lớn này.

Mặt trời chiếu thẳng làm tôi chói mắt, chói đến độ càng khiến cho người ta hoảng hốt.

Đó là lúc tôi nghe thấy có người gọi tên tôi.

Cách nhau cả biển người, ở giữa chốn ồn ào nên nghe không rõ lắm.

Nhưng khi quay đầu lại, vừa liếc mắt một cái tôi đã thấy Chu Gia Dã đứng cạnh đường chạy giữa đoàn người đông nghịt.

Mặt trời vào lúc hơn tám giờ sáng chói chang đến mức loá mắt, tựa như bụi vàng rơi lả tả từ những tầng mây, chúng đáp xuống khuôn mặt của cậu ấy, mạ lên đó một lớp ánh sáng.

Chu Gia Dã uể oải đứng đó, chống bảng tên của lớp chúng tôi bằng một tay, mặc đồng phục đội hình diễu hành do lớp thống nhất mua, một bộ trang phục học sinh thời Dân Quốc. Trang phục học sinh chính thống màu đen trên người cậu ấy hoàn toàn thiếu đi vẻ lịch thiệp của văn nhân thời xưa, mặt mũi Chu Gia Dã kiêu ngạo, dáng người cao ngất đứng cạnh sân vận động tấp nập người qua kẻ lại. Trong khoảnh khắc này, cậu ấy tỏa sáng rực rỡ như ánh mặt trời lúc sớm mai.

Tôi vừa quay đầu lại thì cậu ấy đã hất cằm chỉ về phía bên phải sau lưng tôi.

Vì chúng tôi cách một khoảng, trên sân vận động lúc này lại rất ồn ào, cậu ấy cao giọng nói với tôi: “Lớp chúng ta ở đó.”

Tôi muốn nói lời cảm ơn với Chu Gia Dã, mở miệng mới nhớ ra cậu ấy thể không nghe thấy tôi nói ở khoảng cách này. Nhưng thật ra chỉ cần dùng tay ra dấu OK thì cậu ấy cũng hiểu.

Người đến người đi trên sân vận động liên tục lướt qua bên cạnh cậu ấy. Bất kể là ở nơi nào đi chăng nữa thì Chu Gia Dã cũng luôn tâm điểm chú ý của mọi người, ánh mắt của mọi người đều nhìn cậu ấy một cách công khai hoặc len lén, đường chạy màu trắng ngay dưới chân phân cách vài đường đua song song, nó cũng giống như cuộc đời song hành nhưng phân biệt rõ ràng của chúng tôi.



Đó là một trong số ít những lần tôi mạnh dạn.

Bước chân chỉ dừng lại một giây, tôi không đi thẳng đến sân của lớp mà băng qua đám đông bước về phía cậu ấy.

Giống như con thiêu thân xông vào ánh lửa, đó chính là bản năng, cũng là sự khao khát.

Tôi đã đến trước mặt cậu ấy.

Chu Gia Dã tưởng tôi không nghe thấy, lại hất cằm lần nữa: “Bên kia kìa.”

Thế là tôi cũng giả đò như không nghe thấy thật, nói cảm ơn Chu Gia Dã, cũng nhân tiện hỏi cậu ấy: “Cậu ở đây làm gì?”

“Không phải lát nữa là lễ khai mạc sao, đội hình diễu hành của lớp chúng ta ở chỗ này.”

Bỗng nhiên cậu ấy nhớ đến chuyện gì đó: “Đúng rồi Lâm Ý.”

“Sao vậy?”

“Bản thảo cổ cũ hôm nay cậu viết giúp tôi mấy bài rồi nộp lên nha.” Cậu ấy cong mắt cười với tôi, y như một chú chó to con dễ bảo: “Có được không?”

Thầy giáo giao nhiệm vụ mỗi người phải nộp đủ mười bản thảo cổ vũ. Nội dung của bản thảo cũng không cần dài quá, một hai câu đều được, lựa xong sẽ đọc trên loa phát thanh.

Vài câu thôi mà, cũng chẳng phải việc gì khó. Tôi cũng chỉ có thể giúp cậu ấy những việc cỏn con này.

Nhưng có lẽ ánh sáng ngày hôm đó quá chói mắt nên tôi mới bị ma xui quỷ khiến mà hỏi cậu ấy: “Không có thù lao sao?”

Tôi vừa dứt câu, cậu ấy cũng sửng sốt một lúc.

Bởi vì tôi chưa bao giờ đề cập đến chuyện đòi hỏi thù lao gì đó, đây là lần đầu tiên.

Cậu ấy bật cười: “Có chứ, cậu muốn thù lao gì?”

“Tớ chưa nghĩ ra.” Tôi nhìn vào mắt cậu ấy: “Đợi tớ nghĩ xong rồi sẽ nói cho cậu nhé, coi như cậu nợ tớ trước.”

“Được thôi, không thành vấn đề. Mau lớp đi tới chỗ lớp mình đi, buổi lễ sắp bắt đầu rồi.”

“Ừ.”

“Có một hũ kẹo trong bàn ở sân của lớp mình, trong lúc cậu chờ lễ khai mạc có thể ngồi ở đó ôm kẹo ăn dần, người khác hỏi cậu cứ nói tự mua, đừng nói là của tôi, cậu rõ chưa.”

Tôi tự dưng bị chậm nửa nhịp, bộ não đang chậm chạp xử lý thông tin vừa tiếp nhận được.

Chu Gia Dã búng ngón tay trước mặt tôi: “Lâm Ý, nghe được thì trả lời.”

“... À, ừ.”

Có thể là do bộ dạng ngây ngô này của tôi trông quá ngốc, cậu ấy cảm thấy không yên tâm, lại dặn dò một lần nữa: “Chia cho người khác ăn cũng được nhưng đừng nói là tôi mua, nếu đám đó mà biết là của tôi thì không chừa lại cho cậu viên nào đâu.”

Lần này cậu ấy không búng tay nữa.

Thay vào đó, cậu ấy gập ngón tay lại rồi cốc lên trán tôi một cái.

Chu Gia Dã vẫn cười với vẻ biếng nhác: “Chưa thấy ai thật thà như cậu, nếu bị giành thì đừng trách tôi không nhắc nhở cậu đấy.”

Tôi đứng trước mặt cậu ấy, gật đầu như một bé học sinh tiểu học ngoan ngoãn.

Chu Gia Dã nghiêng đầu về hướng lớp của chúng tôi: “Còn chưa đi?”

Tôi gần như tuân theo mệnh lệnh một cách vô thức, ôm ghế định rời đi.

Mới đi vài bước, tôi lại quay trở lại.

Chu Gia Dã thấy tôi quay lại, khẽ nhướng mày nhìn tôi.

“Hũ kẹo kia…”

Tôi ngập ngừng, chẳng biết nên nói như thế nào.

Chu Gia Dã chỉ lẳng lặng nhìn tôi, nhoẻn miệng cười, dáng vẻ thản nhiên ấy làm cho người ta mê mẩn. Cậu ấy chẳng nói gì cả mà cứ thế nhìn tôi, như thể cậu ấy đang đợi xem tôi định nói câu gì.

Cậu ấy nhìn tôi như vậy lại khiến tôi cảm thấy ngại ngùng nếu nói không có gì hết, tôi đành phải kiên trì nói tiếp.

Tôi nhỏ giọng hỏi theo trực giác của mình: “Hũ kẹo kia là cậu mua cho tớ à?”

Sỡ dĩ tôi ngập ngừng là vì tôi chỉ sợ mình suy nghĩ nhiều.

Nói xong tôi thấy hối hận ngay, từ tai cho đến gò má đều nóng bừng, như thể nhược điểm tự mình đa tình của bản thân sẽ lập tức rơi vào tay cậu ấy, sau đó sẽ bị cười nhạo, sẽ bị xem thường, cậu ấy sẽ cảnh cáo tôi thận trọng hơn và đừng tự suy diễn nhiều như vậy nữa.

Song cậu ấy vẫn cười, chỉ nói hai chữ: “Đúng thế.”

Tôi mở to mắt, nhịp tim bỗng đập rất nhanh.

Đuôi mắt Chu Gia Dã hơi cong, chậm rãi nói: “Hồi sáng tôi thấy nó lúc mua nước ở siêu thị nhỏ trong trường, cảm thấy dễ thương nên mua luôn, cái này là do tôi thấy tâm trạng của cậu trong khoảng thời gian này không ổn lắm, đúng lúc hai hôm nay diễn ra hội thao không cần lên lớp, cậu cứ coi như nghỉ lễ, ăn uống thoả thích đi.”

Gió thổi bay phiến lá vàng đậu trên người cậu ấy, tựa như một bức hoạ bỗng chốc sống động hẳn lên, nhưng trong tất thảy những sắc màu dày đặc trong tầm mắt tôi, cậu ấy chính là một gam màu rực rỡ nhất.

Cậu ấy cười, nhìn tôi nói: “Vui vẻ lên nào, Lâm Ý.”