Edit: Vân
Lời nói chẹt cứng giữa không gian chật hẹp... Hai người yên lặng đối mặt, giục sinh ra ái muội vô tận.
Điểm chết người là nửa nén hương trước, Nguyễn Thời Ý nghe trưởng tôn nói xong, ngay cả nha hoàn cũng không mang theo, vội vàng chạy đi hỏi; thừa dịp A Lục và song khuyển ra ngoài dạo chơi, nàng vừa vào viện thì lập tức cài cửa, việc đầu tiên sau khi vào phòng cũng là cài cửa nốt, rồi chạy thẳng đến trước giường Từ Hách...
Là nàng chủ động hôn hắn, khơi gợi một cuộc "miệng lưỡi tranh đấu" đã lâu không xảy ra, làm dấy lên sự kích thích và thẹn thùng ngày xưa.
Hiện tại, trong phòng nửa sáng nửa tối, Từ Hách đã cởi áo khoác màu mực để nghỉ ngơi, đai lưng cũng nới lỏng.
Mi dài và mắt phượng đều lộ vẻ phong lưu vô hạn, môi mỏng tái nhợt, ẩn giấu sự yếu ớt của vết thương.
Còn búi tóc Nguyễn Thời Ý thì lỏng đi, y phục nhăn nhúm, môi vẫn mang sắc đỏ, gò má thì bị câu nói trêu chọc của hắn làm cho ráng đỏ giăng đầy.
Ừm... Nhìn thế nào cũng thấy giống vừa xảy ra chuyện gì đó rất ghê gớm.
"Ta, ta đi xem gia nhi hai người họ trước, chàng nằm thêm đi?" Nàng vừa lấp liếm cho qua chuyện vừa sửa sang lại cổ áo.
Từ Hách nhìn nàng tủm tỉm: "Ta chỉ nói rõ sự thật thôi mà khiến nàng thẹn thùng đến như vậy?"
"Không phải! Nếu ta với chàng cô nam quả nữ ở lại lâu quá... nhất định sẽ bị nói rất khó nghe."
"Hai ta nhiều lần bị bắt gian tại trận, mà nay nàng vì bảo vệ ta, công khai lời nặng lời nhẹ với Hồng đại tướng quân, hơn nữa khi "thủ phụ đại nhân" và "Từ đại công tử" đến cửa làm khách, nàng không đợi được vào phòng lôi ta hôn... Chậc chậc chậc, giữa hai ta còn gì trong sạch sao?"
Từ Hách thấy lúc nàng cố tỏ ra nghiêm túc lại lộ vẻ lúng túng, nụ cười càng thêm khoái trá.
Ngày xưa Nguyễn Thời Ý không hề dễ xúc động.
Lần này nghe chuyện, biết Từ Hách hành động ngược lại với phán đoán của nàng, dễ rơi vào nguy hiểm, dưới tình thế cấp bách, nàng mới không để ý gì đến đối chết, không ngờ không cẩn thận, cuối cùng rơi vào tay hắn.
Từ Hách cười híp mắt, kéo tay nàng: "Thanh danh này cũng không tệ, chi bằng ở lại nằm với ta một lúc đi, chứng thực thanh danh luôn, dù gì... tối qua nàng vẫn chưa ngủ."
"Chàng còn dám được một tấc lại muốn tiến một thước!"
"Ấy..." Giọng hắn hơi pha trò, "Vết thương trên vai ta không nhẹ, vào lưỡi nàng một tấc không khó, nhưng khi "tiến một thước" phải cần nàng phối hợp đấy, không thì ta nằm ngang, nàng lên trên thử một chút?"
Nguyễn Thời Ý ngẩn ra, lúc phản ứng được thì hận không thể cắn lưỡi.
Bình thường, lời nói và việc làm trêu chọc của hắn đến điểm thì dừng, bị thương rồi càng không thể làm bậy với nàng, nhưng nghe nhiều lời nói sảng thế này, nàng không kiềm chế được nhớ tới vài cảnh đẹp lúc trước của hai người.
Còn sót lại trong trí nhớ là một ánh mắt nóng bỏng, một tiếng thở dốc triền miên, một giọt mồ hôi thấm đầy dục niệm, một chút vui thích lúc lên đỉnh... Tất cả đều khiến máu huyết nàng không thoải mái, tay chân tê dại.
Nàng sợ nói nhiều sai nhiều, tức giận trừng hắn một cái rồi hoảng hốt chạy ra khỏi phòng.
Từ Hách nhìn bóng lưng chạy xa dần của nàng, vui vẻ không khép miệng lại được.
Nguyễn Nguyễn của hắn đáng yêu hơn so với tưởng tượng nhiều!
Bôn tẩu cả đêm, còn không được chợp mắt, hắn ngáp một hơi thật dài, trở về nằm trên giường, liếm môi cười, sau đó nhắm mắt ngủ.
Đang lúc mơ hồ, dường như hắn lại hôn thê tử cạnh cửa một cái nữa thật sâu.
Nhưng khác với thực tế, nàng hôn trả hắn, vô cùng ôn tồn, cũng thô bạo đẩy hắn ngã trên giường, nàng cười, đánh hắn không chút khách khí.
Ừ, năm đó cũng có lúc nàng làm chủ, tuy thẹn thùng vụng về, song mang phong tình riêng.
Hắn chỉ cảm thấy người nặng hơn, tiếng thở dốc nhiều hơn, hắn theo bản năng vòng tay ôm lại thì chạm phải một bộ lông bóng bẩy...
Vừa mở mắt ra, đập vào mắt hắn là đầu chó của Đại Mao.
Chẳng biết gia hỏa này chạy vào phòng ngủ từ lúc nào, lấy thân thể nặng nề đè lên hắn; Nhị Mao nằm ở bên giường, mắt nhìn có vẻ hưng phấn, lè lưỡi như cũng nóng lòng muốn thử.
"..."
Từ Hách sờ mặt, may mà khô.
Hắn không biết làm sao để gọi A Lục vào phòng, dẫn hai con dính người chết không đền mạng này đi.
Hắn phủi lông rụng trên áo, nhịn đau mặc vào, chợt nghe bên ngoài viện có tiếng người nhỏ giọng: "A Lục, nếu tiên sinh tỉnh dậy có cần truyền thiện, xin cứ việc phân phó."
Từ Hách vốn chỉ muốn nhanh về Hàn lâm họa viện, vừa nghe lời ấy, đột nhiên cũng cảm thấy đói bụng, lòng thì mềm nhũn.
*****
Phòng bếp chú tâm chuẩn bị đủ loại thức ăn như canh gà núi sông Hoài, cua rang, cá hấp, thịt băm bung tương, tất cả đều là món Từ Hách thích nhất.
Hắn ăn ngấu nghiến xong thì theo Vu Nhàn bước vào thư các.
Nguyễn Thời Ý đã thay y phục ở nhà thêu mai trắng xanh, nàng ngồi trước án, nghiêm túc viết thoăn thoắt, thấy hắn chậm rãi bước đến gần, tỏ ý bảo hắn mở hộp gấm hình vuông cao mấy thước ra.
Từ Hách mở nắp hộp ra, bên trong đặt hơn hai mươi con dấu ngăn nắp, có lớn có nhỏ, đa số là mĩ thạch Điền Hoàng, Phù Dung được chạm trổ tinh tế, tất cả đều có ô riêng, đây là những con dấu sau khi hai người thành thân rảnh rỗi sưu tập và điêu khắc.
Trải qua năm tháng, từng cái một đều được phủ gấm, có thể thấy tuyệt không phải chất đống ở xó xỉnh nào đầy bụi.
Với hắn mà nói, những con dấu có khắc chữ may mắn, thơ, tục ngữ, lời tự răn này như mới chỉ hôm qua, nhưng thê tử hắn đã hết lòng gìn giữ cả nửa đời.
"Nguyễn Nguyễn..." Từ Hách ngắm một con dấu cũ làm bằng đá Điền Hoàng bóng mịn, "Đống đồ chơi này cũng coi như có giá trị, sao năm đó không bán đi? Còn... quan phủ tra xét phủ tướng quân, sao không tịch thu?"
Nguyễn Thời Ý gác bút trong tay, nụ cười ẩn chứa mấy phần uất ức: "Nhắc tới cũng đúng dịp, từ khi biết chàng rơi xuống vực, ta liền bệnh nặng kéo dài không dậy nổi. Cộng thêm phụ mẫu chàng lần lượt qua đời, thân thể và tinh thần ta không gắng gượng được, ngay cả nữ nhi vừa sinh cũng không quản nhiều chứ đừng nói đến việc trong phủ."
"Lúc đó Nguyễn gia dời về phía Nam, hết thảy mọi chuyện chưa ổn đều do đường đệ ta xử lí, đệ ấy giằng co hơn nửa năm mới biết Nguyễn gia vẫn còn mắc nợ ở kinh thành, cho nên thương lượng với ta mượn tiền quay vòng."
"Tự thân ta cũng khó bảo toàn, chỉ mượn đệ ấy mấy trăm lượng bạc; một tháng sau, đệ ấy lấy lí do nghiên cứu bút pháp và cách khắc dấu của chàng, mang đống tranh sơn thủy kia đi, với cả hộp con dấu này nữa."
"Không lâu sau, đại ca và nhị ca chàng lần lượt xảy ra chuyện, cô nhi quả mẫu chúng ta đều bị đuổi khỏi phủ tướng quân. Hạ nhân người thì chạy, người thì bán, ta chỉ để lại Vu Nhàn bên người, sống lay lắt nhờ cứu tế của Bình gia, Lam gia và Hồng gia."
"Sau này Tư Ngạn nói đệ ấy đã nghe phong thanh được chút chuyện, đoán Từ gia sẽ gặp nạn, nhưng biết ta bị bệnh, ưu tư không yên, sợ ta biết rồi lo lắng, cho nên mới sắp xếp trước, bảo quản tranh của chàng, tránh đến cuối cùng ta không giữ được bức nào. Ta dựa vào khoản tiền mượn đệ ấy còn dư, gắng đút lót cho ngục tốt để đại ca và nhị ca chàng đỡ phải chịu khổ."
"Dù trưởng phòng và nhị phòng từng gây khó dễ lúc chúng ta tách ra, nhưng gia đạo sa sút bắt nguồn từ cái "chết" của chàng, khó trách bọn họ bi phẫn, bày mặt lạnh tâm độc. Dĩ nhiên, chút tiền mọn trong tay ta hết rất nhanh, cũng không giúp được gì... Kết quả không cần nhiều lời."
Từ Hách nhớ lại phụ mẫu huynh tẩu, lòng vô cùng ảm đạm.
Hắn trở về rất nhiều ngày mới có thể tiếp nhận được sự thật, rằng phủ tướng quân như mặt trời ban trưa đã đổ sụp hoàn toàn.
Nhớ năm xưa, Nguyễn Tư Ngạn trong lòng hắn là tiểu sư đệ suốt ngày ăn ngon, nói ít.
Bất luận là khi hắn vừa bái sư vào cửa Nguyễn gia hay là sau khi cưới Nguyễn Thời Ý, tiểu sư đệ luôn dính chặt sau lưng hai người, mở đôi mắt to sáng ngời, ăn cái gì đó một cách yên lặng.
Đến nay, Từ Hách vẫn không thể nào liên hệ nổi nhân vật đứng đầu Hàn lâm họa viện và Thư họa viện kinh thành có diện mạo phiêu dật như tiên với chàng thiếu niên thanh tú mười lăm tuổi.
Hơn nữa, nghe bên ngoài đồn rằng, Nguyễn Tư Ngạn không cưới thê tử, thích nam sắc, ban đầu lại kính mến sư huynh "Tham Vi tiên sinh" của mình... Từ Hách thật sự nghi ngờ mình nghe nhầm rồi.
Có Vu Nhàn ở bên cạnh, Từ Hách không trêu chọc Nguyễn Thời Ý nữa, hắn ôm hộp gấm, thừa dịp trời tối không có ai chú ý đến vết thương, chạy gấp về Hàn lâm họa viện ở thành Bắc.
*****
"Đã giải thích gì với người trong viên về chuyện hôm nay chưa?"
Đợi Từ Hách đi khỏi, Nguyễn Thời Ý cũng không ngẩng đầu lên, chỉ hỏi qua loa.
Vu Nhàn cười lúng túng: "Chỉ là... Thư họa tiên sinh được người xem trọng, không có gì khác nữa ạ."
"Từ nay về sau, dù trước mặt hay sau lưng người khác, ngươi đều gọi hắn là tiên sinh đi, đừng gọi tam công tử nữa."
Vu Nhàn vâng dạ, có chuyện muốn nói nhưng lại thôi, thấy nàng vung bút như rồng bay phượng múa, biết nàng không thích người ngoài ở bên phục vụ, bèn dọn dẹp đồ lặt vặt rồi lui ra.
Nguyễn Thời Ý xử lí sổ sách chất đống hai ngày xong thì sắp xếp các khoản tiền Tề vương và Hồng gia đưa tới thêm lần nữa.
Lúc thu xếp lại đống bản liệt kê trên án, nàng bất ngờ phát hiện bản ghi nháp khuyết điểm của "Từ Tham Ngủ" bị người ta gạch bỏ rất nhiều, đồng thời tăng thêm một đống ưu điểm.
Ví dụ như họa kĩ xuất sắc, chăm sóc dịu dàng, dung mạo tuấn mĩ, thân thể tráng kiện, văn võ song toàn, thông minh lanh lợi, khiêm tốn hiếu học, ngọc thụ lâm phong...
Một đống chữ Khải đầy ý nghĩa, nét chữ cứng cáp lấp đầy tờ giấy rộng nửa thước.
—— đúng là vừa ấu trĩ vừa không biết xấu hổ!
Bị hắn phát hiện tờ nói xấu của mình, tim Nguyễn Thời Ý bỗng dưng đập loạn, sau đó nàng tìm thấy dưới giấy hình như còn đè một bức họa nhỏ vẽ người, nét vẽ vừa đẹp vừa tinh tế, bút pháp dứt khoát, chỉ một vài đường bút đã tái hiện được mĩ nhân nằm trên giường...
Mày cong như lá liễu, lông mi dài, mũi cao thẳng như ngọc điêu khắc, môi như anh đào ngậm sương, mặt mày như hoa, không phải nàng thì ai?
Trong nháy mắt, tim Nguyễn Thời Ý đập nhanh vô cùng.
Thì ra trước khi nàng tỉnh, hắn đã làm nhiều việc vô vị như vậy!
Nhìn kĩ đường nét trong tranh, mỗi một đường chuyển bút tựa hồ chất chứa những mừng rỡ, thấp thỏm, kì vọng và yêu thích của hắn lúc đó.
Đã quên mất bao nhiêu năm rồi hắn không đặt bút vẽ nàng.
Lúc còn yêu nhau tha thiết hay vào tiệc tân hôn, tuy hắn không giỏi vẽ người, nhưng vẫn hứng thú bừng bừng trộm vẽ nàng, hắn vẽ như phỏng lại, truyền thần có, thủy mặc có, vẽ màu có... Không hàng trăm bức thì cũng hàng chục bức.
Có điều mấy chục năm trôi qua, nàng không cất giữ, không biết tung tích.
Bức họa này vẽ nàng, phong cách lịch sự tao nhã lại không mất đi thâm tình sôi nổi.
Mấy bút ít ỏi, người ở trong tranh, tình ở trong lòng, bao nhiêu nỗi lòng da diết là bấy nhiêu chán nản ê chề.
Chỉ một bức họa nhưng khiến nàng đỏ mặt tới tận mang tai, hô hấp như bị ai bóp nghẹt, vượt xa cảm giác khi nãy bị hắn kéo lại ôm hôn thân mật.
Ánh nến, bàn ghế, án thư, cửa sổ và bình phong trong phòng bất giác hòa lẫn vào nhau, đôi mắt trong veo như làn suối cạn được phủ một tầng nước, trở nên ầng ậng.
Nàng mở tráp gỗ chương* ra, đặt bức họa và tờ giấy liệt kê ưu khuyết điểm kia vào, sau đó tới cửa sổ hướng về phương Bắc, dõi mắt trông ra bóng đêm dài vô biên vô tận.
(*) gỗ chương: có mùi thơm, cắt ra từng miếng cho vào đun, hơi bốc lên kết thành phấn trắng gọi là chương não 樟腦 dùng để làm thuốc và trừ trùng.
Nàng đứng buồn bã, mặc kệ gió sương suồng sã phất qua mái tóc đen như lông quạ, tầm mắt rơi vào chỗ giao nhau giữa màn trời và lầu các.
Trăng mờ sao bay, gió lay ảnh động, đèn đuốc xa gần cao thấp lóe lên, đúng lúc thổi bùng khao khát yếu ớt đã lâu từ tận đáy lòng nàng.
Nàng biết một khi tình duyên rơi vào tay giặc thì khó mà rút ra.
Thói quen nhiều năm rồi, gặp được nam nhi khá hơn cũng không muốn liếc thêm cái nào.
Cho nên trái tim được thời gian mài mòn trở nên tĩnh mịch như giếng cạn không sóng.
Trêu đùa đơn thuần có lẽ khiến nàng nhen nhóm chút gì đó, nhưng sẽ không khiến nàng động tâm động tình.
Nàng không biết sau này có vì hắn phiền phức hay là người ngoài theo đuổi không buông mà dính tơ tình không, nhưng giờ phút này, tấm lòng mang chuyện cũ mấy thập niên của nàng đã tạm quên đi phiền não, lòng chan chứa mong ước cho hắn mọi chuyện thuận lợi.
Suốt hơn một nửa đời người không cầu phúc cho hắn.
Vòng đi vòng lại, những nguyện vọng khẩn cầu hắn bình an về nhà, cuối cùng nhân lúc nàng không phát hiện, từng cái từng cái được thực hiện.
Tin rằng lần này, người dấn thân vào nguy hiểm định sẽ gặp dữ hóa lành, bình an vô sự.