Tuyết Mị Nương

Chương 2: Thiếu niên đã thực hiện lời hứa của mình, nhưng cô thì không


Lý Minh Lan đã học hai tiết lý thuyết trong lớp mỹ thuật.

Đến tiết thứ ba, giáo viên mỹ thuật cười nói: “Hôm nay chúng ta sẽ bắt đầu cầm cọ vẽ các khối hình học cơ bản.”

Ánh sáng trong phòng học vừa phải, Lý Minh Lan đặt giá vẽ bên cửa sổ.

Bàn vẽ vuông vức, giấy vẽ tinh tế.

Dụng cụ vẽ tranh cô mua được nhận định là cao cấp nhất trong ngành, nhưng sau khi chuốt bút chì xong và cầm cọ lên thì trong lòng cô lại cảm thấy bực bội và không thể bình tĩnh được.

Trước kia cô tưởng mình không thích vẽ tranh nhưng bây giờ cô mới nhận ra là mình chán ghét.

Hôm đó nghe anh trai nhắc đến tài năng của mình, cô cảm thấy mình thật may mắn, có lẽ cô thật sự có tài năng đáng kinh ngạc.

Tuy nhiên, chỉ là ảo tưởng mà thôi.

Không vẽ được thì không vẽ được thôi, cô thuận theo tự nhiên vậy.

Nhờ mối quan hệ của Lý Húc Bân, giáo viên mỹ thuật đặc biệt chiếu cố đến cô, qua khoảng mười phút, thấy tranh của cô trống rỗng, thầy giáo liền hỏi: "Lý Minh Lan, có phải em gặp vấn đề gì không?"

Lý Minh Lan cười: “Thưa thầy, em xin lỗi, mấy ngày nay cổ tay em bị đau, tạm thời không thể vẽ được.”

Thầy mỹ thuật ân cần nói: “Không sao, sức khỏe mới là vốn liếng, cứ thư thả vài ngày đi, mấy buổi đầu là để đặt nền tảng. Đúng rồi, anh em nói em có nền tảng mỹ thuật rất tốt đấy, cố lên."

"Em cảm ơn thầy."

Nói dối được nhất thời, nhưng không nói dối được cả kỳ nghỉ hè.

Đầu tháng Tám, ông nội Lý đột ngột lên cơn đau tim và được đưa vào bệnh viện.

Lý Minh Lan vội vàng chạy tới.

Ông cụ được cắm ống oxy vào mũi, hơi thở yếu ớt: “Cháu đang học lớp của một giáo viên mỹ thuật phải không?”

“Vâng ạ.” Lý Minh Lan nắm lấy bàn tay gầy guộc của ông, “Ông nội, ông đừng lo cho cháu, hãy nghỉ ngơi cho khỏe.”

"Từ lâu ông đã nói… Minh Lan nhà chúng ta..." Giọng Ông nội Lý đứt quãng, "Cháu còn bé tí, mà tự biết vẽ không cần ai dạy, đây... là một lối thoát."

Cô gật đầu liên tục.

"Cháu kể ông nghe... cháu học lớp mỹ thuật... đã học... được những gì? Ông nghe..." Ông nội Lý càng nói càng chậm, cuối cùng chỉ mấp máy môi mà thôi.

Lý Minh Lan đến rất gần mới nghe rõ lời ông nói: “Vẽ tranh là phải luyện tập, đã rất lâu rồi cháu không luyện… Vẽ một bức, đưa cho ông nội xem, ông xem rồi, lên bàn mổ cũng yên tâm hơn." Giọng điệu như đang nói những lời cuối cùng.

“Cháu…” Lý Minh Lan vốn muốn nói thật rằng mình không có năng lực về hội họa, nhưng cổ họng bị nghẹn cứng, lúc mở miệng lại đã chuyển sang một từ kiên định, “Dạ.”

Sau khi ông nội Lý ngủ say, cô quay đầu nhìn lại, ngón tay tê rần.

Cô muốn ông nội yên tâm chữa bệnh.

Càng lo lắng càng bất lực, cô ép mình phải cầm cọ lên, tay cô run rẩy, đầu cọ rung rung, khi chạm vào giấy vẽ phát ra tiếng “xoẹt xoẹt”.

Trên tờ giấy vẽ là một mớ hỗn độn.

Đã rất lâu rồi không vẽ, cho dù không phải cô có phản kháng đối với hội họa thì cũng không thể bỗng nhiên nổi tiếng trong thời gian ngắn.



Hôm ấy tan học, Lý Minh Lan lại chán nản lên xe buýt.

Xe dừng đèn đỏ, cô nhìn ra ngoài.

Có một thiếu niên đang ngồi dưới gốc cây đa bên đường, đầu gối khuỵu xuống, chiếc ghế không cao, lưng cậu cong cong.

Khi gặp lại, cô thừa nhận đây là một khuôn mặt trời phú, vô cùng đẹp trai.

Cậu lại cúi đầu nghịch điện thoại.

Lý Minh Lan xuống xe ở trạm phía trước, chạy ngược trở lại dừng ngay trước mặt thiếu niên.

Giao diện trò chơi của cậu quả nhiên là “rắn săn mồi”.

Trước mặt cậu là một tấm bảng vẽ cao nửa mét, trên bảng có kẹp mấy tờ giấy trắng, tờ trên cùng vẽ chân dung một người.

Đây không phải là phong cách vẽ tranh hiện thực, kiểm tra khả năng quan sát của người họa sĩ một cách cực kỳ cao, nhưng nếu nắm được đặc điểm các đường nét trên khuôn mặt thì dù là những đường nét cường điệu cũng có thể vô cùng chân thực.

Có thể thấy người vẽ có tay nghề rất tốt.

Trong đầu Lý Minh Lan nảy ra một ý tưởng, cô nói với cậu: “Hi.”

Hiển nhiên, thiếu niên nhận ra cô, ánh mắt cậu lạnh lùng như lúc ở quán cà phê.

Cô hỏi: “Cà phê ngon không?”

Câu hỏi bất ngờ nhưng thiếu niên nghe xong hiểu ngay: "Cũng được."

Cô cười toe toét: “Không cần cảm ơn.”

Ai cảm ơn cô chứ? Cậu cất điện thoại, thu lại bảng vẽ, định bỏ đi.

Thời gian cấp bách, Lý Minh Lan nói: “Tôi có thể bàn với cậu một vụ làm ăn được không?”

Thiếu niên đứng dậy, đóng ghế xếp lại.

"Tôi sẽ mua một bức tranh của cậu với giá năm trăm tệ.” Cô nói, “Tôi là học sinh lớp mỹ thuật nhưng tôi không có nền tảng về mỹ thuật nên học rất vất vả.”

Cô vất vả thì liên quan gì đến cậu? Cậu toan bỏ đi.

Cô chặn đường cậu, chắp hai tay lại: “Làm ơn, xin cậu đấy, ông nội tôi đang ốm, ông muốn xem tranh của tôi, tôi không thể mang tác phẩm bỏ đi đến khiến ông cụ kích động, xin hãy vẽ giúp tôi một bức với giá năm trăm tệ, không phải đùa đâu."

Thiếu niên hơi cụp mắt, lông mi dài rũ xuống như cánh quạt: “Nếu ông cụ biết cậu gian lận, chẳng phải sẽ càng kích động hơn sao?”

Nhưng cô nói: “Đây không phải là gian lận, đây gọi là nói dối thiện ý.”

Thiếu niên bước thẳng về phía trước.

Chợt có tiếng huýt sáo vang lên khắp các con phố, hòa cùng tiếng chim hót trên những cành cây.

Dưới trụ đèn giao thông có mấy người đang đứng, đều còn trẻ, ai cũng lấc ca lấc cấc, tiếng huýt sáo vừa rồi là hợp thanh của hai ba người trong số đó.

Người dẫn đầu mặc một chiếc áo sơ mi hoa phong cách Hawaii cùng một chiếc quần dài đến đầu gối, tuy trông giống học sinh cấp ba nhưng lại đang phì phèo thuốc lá: “Lý Minh Lan, cậu đang làm gì ở đây thế?”

"Thật trùng hợp, tôi đang đi dạo thôi." Lý Minh Lan cười.

Xe buýt đến trạm, dừng lại, mở cửa.

Nhân lúc Lý Minh Lan nói chuyện với áo sơ mi hoa, thiếu niên thân thủ nhanh nhẹn lên xe buýt...



Ngày hôm sau, Lý Minh Lan lại đến chỗ gốc cây đa.

Trời rất nóng, cô chỉ đứng thôi mà mồ hôi nhễ nhại.

Phòng lạnh đối diện vừa mở cửa, cô liền bước vào, mua một ly nước đá lạnh, uống rột rột một ngụm lớn.

Quầy vẽ tranh có thể được dựng ở bất cứ ngóc ngách nào trong thành phố này, cô tự hỏi liệu thiếu niên đó có đến nữa không?

Trên cửa kính phòng lạnh có dán một quảng cáo đồ uống được vẽ bằng bút màu, cô nhìn sang, chỉ thấy từng dòng chữ đảo ngược, cơn buồn ngủ dần ập đến, cô dán mặt vào chai thủy tinh đựng đồ uống lạnh để cảm thấy dễ chịu hơn.

Cô không nhịn được ngáp một cái rồi lại mở mắt ra.

Qua tấm kính trong suốt, cô nhìn thấy bóng người dưới gốc cây đa đối diện.

Cô lao ra ngay lập tức.

Người vác giá vẽ không phải là thiếu niên.

Mà là một ông lão, ông đặt ghế xếp xuống, động tác ngồi xuống khá chậm chạp, vừa ngồi xuống, ông lập tức duỗi thẳng chân phải, lắc lắc mấy cái rồi mới từ từ đặt bảng vẽ xuống.

“Cháu chào ông.” Nụ cười của Lý Minh Lan còn rực rỡ hơn cả ánh nắng ban mai.

Tóc ông lão gần như bạc trắng, hói nửa đầu, dáng người sáng sủa, ánh ban mai chiếu vào từ bên trái khiến mặt ông đỏ bừng: "Chào buổi sáng cô gái nhỏ."

"Ông ơi, ngày nào ông cũng đến đây vẽ tranh ạ?"

"Không hẳn. Có chuyện gì không cô gái nhỏ?"

Lý Minh Lan lại kể qua tình huống của mình: “Cháu nghĩ nếu ông cháu có thể vui vẻ thì bệnh tình sẽ cải thiện nhanh hơn.”

"Thì ra là vậy, thế thì phải giúp." Ông lão ôm đầu gối phải muốn đứng dậy, nhưng nhất thời không đủ sức nên đành ngồi xuống, “Cháu ngoại ông lo việc mua bán, một lát nó đến, ông sẽ nói với nó, việc này nhất định phải giúp.”

Lý Minh Lan vui mừng khôn xiết: “Cháu cảm ơn ông.”

Ông lão lại hỏi: “Cháu muốn vẽ tranh gì? Hoặc là chụp ảnh, hoặc là mô tả sơ qua.”

Chụp ảnh thì không cần, chỉ là bài mỹ thuật cơ bản, cô lấy giấy và cọ trong cặp ra, vẽ đại mấy nét: “Chỉ là mấy hình khối như hình trụ, hình vuông đơn giản thôi.”

Ông lão nhận lấy bức tranh từ tay cô, nheo mắt cười nói: "Không thành vấn đề, đợi cháu trai ông đến..."

Không phải người đã đến rồi sao?

Thiếu niên lại mặc áo phông trắng.

Lúc này Lý Minh Lan mới chú ý tới chiếc áo phông của cậu và áo của ông lão trước mặt, chắc là trang phục gia đình.

Cậu sắp đi đến gốc cây đa.

Cô dùng hai tay ôm lấy đôi má phúng phính của mình, may mà mồ hôi đã khô nên cũng không gọi là nhếch nhác: “Hi, thật trùng hợp, chúng ta lại gặp nhau nữa rồi.”

Trước mặt ông lão, cậu không ăn nói lạnh lùng nữa.

Cô thừa thắng xông lên: “Hôm qua tôi tính rồi, tôi còn một nghìn tệ tiền lì xì, tôi sẽ đưa hết cho cậu, thế nào?”

Thiếu niên ngẩng đầu lên nhìn.

Cô đi theo đến đó.

Bầu trời trong xanh, không một gợn mây.

Mấy người qua đường cũng ngẩng đầu lên nhìn, không ai biết rốt cuộc bọn họ đang nhìn cái gì.

Ông lão gọi: "Nói gì đi chứ."

Thiếu niên hỏi: "Bao nhiêu tiền?"

Lý Minh Lan giơ một ngón tay lên: “Một nghìn.”

“Chốt.”

Ông lão nháy mắt, đôi mắt to tròn biến thành một bên to một bên nhỏ, như thể không hài lòng với hành vi ra giá tại chỗ của cháu trai.

Nghìn vàng khó mua được nụ cười của ông nội, Lý Minh Lan cảm thấy rất đáng, "Quyết định vậy đi, tôi tên Lý Minh Lan."

Thiếu niên đã nghe câu này trong quán cà phê rồi.

Lý Minh Lan: “Còn cậu?”

Cậu im lặng hồi lâu không nói gì.

Ông lão lên tiếng: “Nó à…”

Thiếu niên ngắt lời ông lão: “Bao giờ lấy?”

“Khoảng năm giờ chiều tôi sẽ tới, chỉ vẽ một hình trụ và một hình vuông, đặt ở bất cứ đâu cậu thích.” Lý Minh Lan cởi cặp sách xuống, “Có cần tôi đặt cọc trước không? Có điều, bây giờ trên người tôi chỉ có hai trăm tệ thôi.”

“Không sao.” Ông lão cuối cùng cũng đứng dậy được, “Một tay đưa tiền, một tay giao hàng.”

“Cảm ơn.” Lý Minh Lan cúi người thật sâu.

Ông lão cười to: “Cô gái nhỏ thật lễ phép.”

Thiếu niên chỉ nhìn lên, nhìn lá xanh, nhìn trời xanh, không nói gì.

Lý Minh Lan tung tăng rời đi.

Ông lão khen cô tính tình hoạt bát, rồi quay sang đứa cháu trai lạnh lùng: "Dù sao người ta cũng có tấm lòng hiếu thảo, cháu bày ra bộ mặt khó coi như vậy làm gì?"

Mạnh Trạch liếc nhìn bóng lưng Lý Minh Lan: “Đừng bị vẻ ngoài của cô ấy đánh lừa, cô ấy là thành viên của một nhóm bạn xấu đấy.”

Ông ngoại bịt tai lại không nghe, xoay tới xoay lui mấy nét vẽ của cô, nhìn trái nhìn phải: “Bút pháp của cô bé này cũng ra gì lắm đấy.”



Tính toán của Lý Minh Lan vô cùng như ý, nhưng phía bệnh viện báo tin ông nội Lý phải phẫu thuật gấp.

Bố mẹ, vợ chồng Lý Húc Bân, ngay cả bà nội không tiện di chuyển, cũng đều chạy tới.

Lý Minh Lan dìu bà nội, cả nhà đợi bên ngoài phòng phẫu thuật.

Thời gian trôi qua từng giây từng phút, mãi vẫn không có thông báo ca phẫu thuật đã kết thúc.

Buổi trưa, cả nhà chẳng muốn ăn gì, gọi mấy phần đồ ăn rồi cũng vứt sang một bên để nguội lạnh.

Mãi đến gần năm giờ chiều, ca phẫu thuật mới kết thúc.

Bác sĩ nói: “Tối nay sẽ chuyển đến phòng ICU để theo dõi.”

Bà nội nắm tay Lý Minh Lan, suýt thì không đứng vững.

Bố Lý đỡ bà nội: “Mẹ, để con đưa mẹ về trước, mẹ cần phải nghỉ ngơi sớm.”

Vì không phải giờ thăm bệnh, phải đợi ở bên ngoài, bà nội mỏi chân không chịu nổi nên đã ngồi xe của bố Lý về.

Lý Minh Lan đi theo anh trai.

Mãi đến khi rời bệnh viện, cô cũng không nhớ đến giờ hẹn, ngồi xe anh trai đến nửa đường, cô mới sực nhớ ra.

Lúc này đã hơn bảy giờ rồi.

Cô sốt ruột nói: “Anh ơi, em muốn xuống ở ngã tư phía trước.”

“Đi đâu?” Lý Húc Bân hỏi: “Bây giờ là giờ nào rồi?”

"Hôm nay em có hẹn với một người ở đó, không biết cậu ấy có còn đợi không."

Lý Húc Bân tấp vào lề đỗ xe.

Lý Minh Lan vội vàng xuống xe.

Trên cành đa treo một ngọn đèn, dưới gốc đa là một nhóm các dì đang ca hát nhảy múa rất vui vẻ, làm gì có bóng dáng của ông lão và thiếu niên.

Cũng phải, không ai ngốc nghếch ở đây đợi như vậy.

Lý Minh Lan quay lại xe: “Anh, đi thôi.”

Xe đi vụt qua trạm xe buýt, rồi lại dừng đèn đỏ phía trước.

Có thứ gì đó vụt qua mắt cô, chỉ một giây thôi nhưng đã bị cô tóm được.

Cô đột nhiên nói: "Anh ơi, em xuống ở đây."

"Lại có chuyện gì nữa?"

Song, em gái đã mở cửa xe rồi.

Cô quay lại, chạy đến trạm xe buýt, đưa mắt tìm kiếm, quả nhiên nhìn thấy một mảnh giấy phác họa bốn góc được dán băng keo trong suốt.

Một hình trụ, một hình vuông, không hơn không kém, tỷ lệ sáng tối, vô cùng chân thực.

Thiếu niên đã thực hiện lời hứa của mình nhưng cô thì không.

Thư Ngố dịch

Nguồn: Tấn Giang