Vân Phù Nhược Mộng Lai

Chương 3


Ta ngừng lại, rồi nói tiếp: “Huynh có biết quá khứ của ta không? Có biết tại sao ta lại bị đánh tới mức gần c.h.ế.t không? Thành An, cảm ơn huynh đã cứu ta, ta nguyện dùng mọi thứ để báo đáp huynh. Chỉ cần huynh suy nghĩ kỹ, nếu thật lòng muốn ta làm thê tử, ta sẽ thuận theo. Nhưng huynh nhất định phải cân nhắc cẩn thận, mũi tên đã b.ắ.n đi thì không thể quay đầu lại. Còn ta… là người thế nào, tính tình ra sao…”

Ta lặng lẽ ngừng lời.

Nói tiếp chỉ làm ta càng thêm giống như đang muốn từ chối hắn.

“Ta không có ý ép nàng phải gả cho ta, chỉ là… chỉ là…” Thành An mấp máy môi, gấp gáp muốn giải thích.

Hắn không phải người giỏi ăn nói.

“Ta hiểu, ta cũng không phải từ chối huynh. Chỉ là muốn huynh hiểu rõ, người mà huynh định chung sống trọn đời là một người như thế nào.”

“Không sao đâu, nàng không muốn cũng được, nàng cứ dưỡng thương cho tốt, mấy ngày nữa ta lại đến.”

Thành An đi rồi, để lại hai mươi văn tiền và bát thanh mai. Ta đã vô tình làm tổn thương người đàn ông thật thà này rồi.

Ta chia vài quả cho Tô Diệp, nàng vui sướng không thôi.

“Vân tỷ tỷ, thứ này quý lắm, người bình dân chúng ta làm sao mà có ăn được. Thành An đại ca đối với tỷ tốt quá.”

“Vậy sao?”

Tô Diệp gật đầu lia lịa. Nàng cẩn thận mím lấy từng giọt nước thanh mai, không để sót một giọt, thậm chí còn định nuốt cả hạt.



Ta bảo nàng giữ lại hạt, rửa sạch rồi phơi dưới mái hiên.

“Vân tỷ tỷ, tỷ định trồng thanh mai sao?”

“Ta chưa từng trồng, cũng không biết có thể nảy mầm hay không. Nhưng nếu trồng được, mỗi năm đều sẽ có thanh mai để ăn.”

“Thế thì thật là tuyệt.”

Niềm vui của trẻ nhỏ luôn đơn giản như vậy. Nàng thậm chí còn chưa nghĩ đến, nếu lần đầu trồng thành công, ta có thể ươm cây bán lấy tiền, hoặc khai hoang thêm nhiều mảnh đất lớn để trồng thanh mai. Nhưng những chuyện ấy còn quá xa xôi, hiện giờ ta chỉ muốn dưỡng thân cho thật tốt, nếu có thể, ta không muốn lưu lại bệnh tật gì.

Kể từ hôm ấy, Thành An không đến thăm ta nữa, nhưng lại gửi qua hai lần thịt. Một lần là năm sáu miếng thịt kho đỏ mềm, trông ngon khó cưỡng, một lần khác là một chiếc đùi gà, hương vị cũng rất ngon. Ta chia đôi cùng Tô Diệp, nàng ăn xong mà mãi vẫn không ngớt lời khen ngợi Thành An.

Ta ở lại y quán tĩnh dưỡng hơn hai mươi ngày, đến khi có thể xuống giường đi lại, thêm một thời gian nữa, Tô lão đại phu bảo thân thể ta đã hồi phục kha khá, nếu ở lại y quán thì chỉ tổ tốn kém. Thế nên ta tạm biệt lão đại phu và Tô Diệp, mang theo gói hành lý đơn sơ đi tìm Thành An.

Thực tình, ta không có nơi nào để về, không có hộ tịch, trong tay chỉ có hai mươi văn tiền, không đủ để thuê nổi một nơi trú thân. Ta cũng từng nghĩ đến việc vào tửu lâu, quán ăn làm phụ bếp, nhưng để đường đường chính chính sống tại huyện Nam Lâm không giàu có cũng chẳng đông đúc này, ta cần một thân phận rõ ràng.

Vận may không mỉm cười với ta, khi tìm đến phủ họ Triệu, Thành An đã ra ngoài làm việc. Người gác cổng hỏi ta vài câu, rồi chỉ ta đến cổng phụ chờ trong lúc đi báo với quản gia. Ta men theo lối dẫn tới cổng phụ đợi một lúc lâu, sau đó có một bà lão đi đến, sau khi quan sát ta từ đầu đến chân, bà ta hỏi:

“Ngươi chính là thê tử mà Thành An bỏ ra một lượng bạc để mua về?”

Ta cụp mắt, khẽ đáp: “Vâng.”

“Vậy theo ta vào đây.”



Ta được sắp xếp chờ trong một gian sảnh, những người ngoài cửa nghe thấy, liền kéo nhau đến xem, cười cợt rồi bỏ đi. Có kẻ còn bình phẩm ta trông cũng khá thanh tú, Thành An bỏ một lượng bạc cũng không coi là uổng phí.

Đến giữa trưa, bà lão lúc nãy còn mang tới một bát cơm đậu, bên trên phủ thêm ít dưa muối và vài cọng rau xào dính mỡ.

“Mau ăn đi.”

“Đa tạ bà bà.”

“Ta chỉ là mang cơm đến cho ngươi thôi. Chiều nay Thành An sẽ về, ngươi định liệu thế nào?”

Ta cầm bát cơm trầm ngâm.

Định liệu thế nào? Tất nhiên phải kiếm cho mình một chỗ an thân trước đã. Ta biết nấu vài món ăn ngon, nhưng cũng không dám liều lĩnh đem phương pháp chế biến ra bán. Những món ta biết làm, không phải quán nào cũng có đủ nguyên liệu. Ta phải hành sự cẩn trọng, tuyệt đối không để lộ thân phận, tránh họa sát thân.

“Ta có biết chút việc bếp núc, lại biết làm vài món bánh ngọt. Không biết thái thái trong phủ có cần không…”

Nhà họ Triệu là dòng dõi thương gia, mấy đời không ai làm quan, vì vậy nữ chủ nhà được gọi là “thái thái,” còn nếu có ai đó làm quan, thê tử của họ sẽ được gọi là “phu nhân.” Đây là những điều Tô Diệp đã giúp ta tìm hiểu.

Bà lão nghe ta nói xong thì chăm chú quan sát, hỏi: “Trước đây ngươi từng làm việc ở nhà phú hộ sao?”

“Phải, chỉ là do vô ý nói lỡ lời, phạm phải điều cấm kỵ của lão gia và phu nhân…”

Nguyên nhân cụ thể thế nào, ta không cần nói nhiều, kẻ làm nô bộc đều hiểu cả. Lão gia, phu nhân muốn trừng phạt một nô tài, vốn chẳng cần lý do, đôi khi thậm chí còn chẳng cần đến cái cớ.