Quyết định không nói gì về chuyện bản thân ra ngoài có việc đến tận khuya mới về, Lê Bá Thông nhẹ nhàng tách người khỏi khuôn cửa bếp. Chàng phải đi gặp Huỳnh tiểu thơ Huỳnh Thanh Vân, bởi lúc này chỉ có Huỳnh gia mới giúp được Nguyễn Hoành Phong.
Và Huỳnh gia sẽ giúp bằng cách nhượng lại cho Nguyễn gia số lúa mà họ thu mua được ở xứ Hòa Mỹ. Nghe đâu là hơn hai mươi vạn hộc, vừa đủ để bù vào khoản thiếu nếu bên kia Nguyễn Hoành Phong không thuyết phục được gã Phan đại nhân kia.
Nhưng dù thế nào thì sâu trong tận đáy lòng Lê Bá Thông chàng vẫn mong Nguyễn Hoành Phong có thể thuyết phục được gã thương buôn họ Phan kia.
Bởi dù ngoài mặt không thể nhận là anh em ruột, nhưng Bá Thông chàng vẫn muốn nhìn thấy Nguyễn Hoành Phong lấy lại được sự tự tin ngày nào.
Ngẩng đầu lên để ngắm nhìn vầng trăng đầu tháng, như một con thuyền. Đúng vậy như một con thuyền! Bá Thông nhớ bản thân đã trả lời như vậy với Hoành Phong mỗi lần cậu nhóc được mẹ dắt về Lê gia chơi.
Có lẽ cũng nhờ những lần ở lại Lê gia như vậy mà lòng căm hờn của Bá Thông chàng với Hoành Phong cũng dần mất đi. Và chàng cũng dần mở lòng hơn với đứa em trai cùng mẹ khác cha đó. Bởi thế nên cho dù đã đỗ đầu kì thi Đình năm vừa rồi, nhưng chàng vẫn phải đệ đơn lên hoàng thượng xin hoãn nhậm chức để về lại quê giúp Hoành Phong bước đầu làm quen với công việc buôn bán.
Bước thấp bước cao vội vàng tới độ mồ hôi đổ ra ướt đẫm cả đôi giày vải, Bá Thông dặn lòng mình phải tới được Huỳnh gia trang sớm nhất có thể. Bởi không hiểu tại sao lòng chàng đã tính đến những phương án không lành. Những phương án có thể đẩy Nguyễn gia vào thế nguy khốn vì ấn tượng của chàng về gã thương buôn họ Phan kia thật sự là rất không ổn.
Thở hắt ra một hơi khi bản thân đã đứng trước cánh cổng gỗ to oạch của Huỳnh gia, Lê Bá Thông lau vội mớ mồ hôi trên trán, sốc lại quần áo rồi mới đưa tay gõ mạnh vào tay nắm cửa. Huỳnh gia mà đứng đầu là Huỳnh Tấn Cương, là một đại phú hào có tiếng ở xứ Quán Trà nói riêng và cả Dinh Bình Hòa nói chung.
Bởi độ giàu có không mấy người sánh được của ông ta và còn bởi ông ta rất khôn ngoan quỷ quyệt. Và vì câu nói mà ông ta tâm đắc nhất chính là: Hễ có tiền thì thứ gì cũng có thể bán.
Đúng vậy! Với Huỳnh Tấn Cương, tiền là quan trọng hơn tất thảy mọi thứ. Và đó cũng là lí do khiến Lê Bá Thông chàng phải vội vàng. Đập cửa đến lần thứ ba thì rốt cuộc bên trong nhà cũng có tiếng người đáp lại. Là tên Sửu, gã người làm trong Huỳnh gia trang.
- Ra đây! Ra đây! Làm gì mà đập cửa như muốn phá nhà người ta vậy hả? Có biết nhà này là của ai không hả?
La hét thị uy cho đã đời, nên khi cánh cửa cổng được mở ra và tên Sửu ấy nhìn thấy Lê Bá Thông thì hắn lập tức trợn tròn mắt.
- Mô Phật! Mô Phật! Lê công tử! Là cậu thật sao?
Vừa nói gã người làm tên Sửu vừa giơ cái đèn lồng lên trước mặt Lê Bá Thông để xác nhận. Đang ở ngoài trời tối, giờ bị rọi đèn bất ngờ, mắt Lê Bá Thông chàng có chút không quen.
Và phản xạ của chàng là nheo mắt lại. Có điều dù có thế thì Lê Bá Thông vẫn nhìn thấy được sự kinh ngạc đến độ thảng thốt trên gương mặt của tên Sửu.
- Cái tên này! Đây có phải lần đầu bây gặp ta đâu.
- Thì không phải lần đầu nên tôi mới bất ngờ đó công tử. Mời! Đi hướng này!
Nói rồi tên Sửu quay lưng toan bước đi. Hành động nhanh nhẹn của gã người làm làm Lê Bá Thông có chút luống cuống. Anh chàng vội nắm ống tay áo của ten Sửu mà nạt khẽ:
- Này! Khoan đã! Bây có biết ta đến gặp ai đâu mà đòi dẫn đường. Ta đến gặp tiểu thơ của bây đó.
- Ờ thì gặp tiểu thơ. Tôi biết mà. Mà không phải tôi, phải là tiểu thơ mới đúng. Đoan chắc người gõ cửa là công tử và người công tử cần gặp sẽ là tiểu thơ. Đúng là tiên liệu như thần. Sợ tiểu thơ thật luôn đó.
Vừa nói, tên Sửu vừa dắt Lê Bá Thông đi qua mảnh sân gạch có hòn giả sơn, và trăm ngàn loại cây cảnh độc lạ. Gã đi nhanh đến độ, dù trong lòng Lê Bá Thông rất thắc mắc về câu nói kia nhưng cũng chẳng kịp kéo gã lại để hỏi han.
Bước theo sau tên Sửu, Lê Bá Thông thầm nhẩm tính độ rộng của hoa viên. Và đến khi nắm được trong tay một con số quá ư là lớn thì Lê Bá Thông chỉ biết lắc đầu cảm thán.
Huỳnh gia giàu, thật sự giàu! Chứ không phải là một lời đồn. Và có lẽ vì thế nên áp lực quản lý cơ nghiệp của gia đình càng đè nặng lên vai của Huỳnh Thanh Vân Huỳnh tiểu thơ hơn. Tên Sửu người làm sau khi dắt Lê Bá Thông đi ra khỏi hoa viên, thì dòm đông ngó tây mấy bận, xác định không có ai quanh đó thì mới dám dắt tay làm loa gọi khẽ.
- Tiểu thơ! Tiểu thơ ơi! Lê công tử tới rồi ạ!
Câu nói của tên Sửu vừa dứt thì cánh cửa căn buồng đầu tiên của gian nhà gần đó bật mở. Cô gái trẻ đang đứng ở khuôn cửa của căn buồng hình như đã chờ đợi rất lâu. Huỳnh Thanh Vân cuống quýt vẫy tay ra hiệu cho tên Sửu lui xuống, cũng như Lê Bá Thông hãy nhanh chóng bước vào bên trong căn buồng.
Sự lo lắng về quan niệm "nam đơn nữ chiếc" không được ở chỗ vắng cùng nhau đã làm Lê Bá Thông ngần ngừ không dám bước tới. Nhưng Huỳnh Thanh Vân đã nói nhanh.
- Mau lên! Hay Bá Thông huynh muốn nhìn thấy Nguyễn gia bị sụp đổ.
(Hết chương 14)