- Có phải con đang trông con Lành hay con Nhân gì đó ra phụ con rửa chén? Đừng có tâm lý ỷ lại như vậy vì ở đời không có ai phụ giúp ai mà vô tư đâu con. Bởi ai trong chúng ta cũng đều có trí tuệ và lòng tham. Tuy kẻ tham ít, người tham nhiều, nhưng tựu chung lại thì ai cũng sẽ có những toan tính để đem phần lợi về cho chính mình.
- Dạ, con biết thưa bác Ba. Chỉ là con thấy buồng bà Hai còn sáng đèn trong khi buồng bà Ba đã tắt đèn nên có chút không quen mắt.
Câu nói của Diệp Thảo làm lão Ba Duyệt phải cau mày lia mắt về phía cửa sổ buồng ngủ của bà Ba. Một màu đen đặc bao phủ lấy căn buồng đã làm lão quản gia có chút kinh ngạc. Nhưng với kinh nghiệm sống dày dạn, chút kinh ngạc đó không có cơ hội hiển hiện lâu trên mặt lão Duyệt.
Lão Duyệt chuyển giọng điềm tĩnh.
- Là chuyện bình thường thôi. Trời tối đi ngủ, mà đi ngủ sớm một chút là do hôm nay xảy ra quá nhiều chuyện. Con biết và chứng kiến toàn bộ mà. Còn về phía bà Hai chưa ngủ là do bà chưa buồn ngủ, hoặc lo sợ một chuyện gì đó.
- Lo sợ sao ạ?
Vội vàng hỏi lại, Diệp Thảo lập tức ỉu xìu khi nhận lại từ lão Duyệt một cái lắc đầu. Lão Duyệt nói.
- Ta chi nói bừa vậy thôi.
- Dạ! Con biết rồi!
Đáp lại một câu cho có lệ, Diệp Thảo nhẹ nhàng ngồi xuống bậc thềm chỗ giếng nước mà ngẩng đầu nhìn lên mảnh trăng hình lưỡi liềm trên bầu trời. Tại sao Diệp Thảo nàng lại quên mất việc bác Ba của nàng năm xưa đã từng làm gì chứ? Là đội trưởng đội lính tuần với nhiều chiến công lẫy lừng.
Những chiến công của bác Ba vang dội đến độ năm đó thầy của Diệp Thảo cũng được thơm lây. Bởi nghĩ coi liệu có ai mới đôi mươi đã được làm đội trưởng của dội lính phụ giúp cho quan Khâm sai trừ gian diệt bạo chứ. Võ vẽ hơn người đã đành tài ăn nói của bác Ba cũng rất ổn.
Ví dụ như lúc nãy đi, bác ấy sẵn sàng nhận mình sai để bảo vệ cho một bí mật nào đó của chủ nhân. Một việc mà khó có gã người làm nào làm được.
Tài năng có thừa, lại còn được quan Khâm sai Nguyễn đại nhân Nguyễn Văn Bình trọng dụng. Chẳng ai ngờ được rằng sau khi Nguyễn đại nhân cáo lão về quê thì bác Ba của Diệp Thảo cũng xin nghỉ. Và điều bất ngờ hơn cả là ông xin nghỉ để về làm quản gia cho Nguyễn đại nhân.
Làm một chức sắc triều đình không làm, lại chạy đi làm một tên nô bộc. Khỏi nói đến thái độ của thầy Diệp Thảo, bởi đến cả những người hàng xóm, rồi người quen biết của bác Ba, ai nấy đều thấy bực dọc, khó chịu. Thế mà cũng đã gần mười năm rồi.
Bên kia lão Duyệt thấy đứa cháu gái của mình bất giác lặng thinh thì lại nghĩ bản thân đã nói gì không phải.
Một cảm giác lo lắng xâm chiếm tâm can, làm lão Duyệt lại không kiềm được ngắm nhìn đứa cháu gái duy nhất của mình. Thông minh, lanh lợi là những điểm mà con bé được thừa hưởng từ em trai của ông, thì sự xinh xắn, ngây thơ kia là của Mỹ Hường.
Mỹ Hường, cô gái mà năm đó mà ông thầm thương trộm nhớ. Ông thương Mỹ Hường đến độ có thể đăng kí đi lính để có tiền chữa bệnh cho cha của cô gái.
Nhưng vì một sự lầm lẫn, Mỹ Hường đã nghĩ số tiền kia là của em trai ông. Và.. Nhớ thời điểm đó khi nghe tin em trai lấy người thương của mình làm vợ, lão Duyệt ông đã gần như phát điên. Ông luyện võ đêm luyện võ ngày hòng quên đi nỗi đau đó. Nhưng dù nỗi đau mất người yêu kia có nguôi ngoai, thì ông cũng không thể mở lòng được với ai nữa.
Không khí im lặng bao trùm lấy hai con người: Một cháu một bác bị phá vỡ bởi chính lão Duyệt. Ông đằng hắng thêm một tiếng rõ lớn để thu hút sự chú ý của Diệp Thảo. Và sau đó là hỏi cô gái trẻ.
- Con có định đi lễ Miếu Bà Chúa Ngọc không?
Lễ hội Miếu Bà Chúa Ngọc? Diệp Thảo đã hỏi lại như thế vì nàng biết lễ hội Miếu Bà Chúa Ngọc diễn ra vào cuối tuần trăng thứ ba của năm. Mà nay thì mới là những ngày đầu tháng.
Nhưng khi đó bác Ba của nàng, lão Duyệt đã mỉm cười và bảo rằng không phải. Bởi Miếu Bà Chúa Ngọc là nơi khác. Hay đúng hơn miếu Bà Chúa ngọc mà lão Duyệt đang nói đến đây chính là ngôi miếu do chính Nguyễn đại nhân dựng lên sau khi giết được con cọp tinh.
Tuy không to lớn như các ngôi miếu hay đền thờ thờ Bà Chúa Ngọc khác, nhưng đó vẫn là nơi chốn linh thiêng cần được hương khói, cúng kính đàng hoàng. Nhất là khi ngôi miếu đó lại được dựng lên là để cảm tạ Bà Chúa Ngọc đã độ trì cho Nguyễn đại nhân giết được con thú thành tinh đáng sợ kia.
Và ngày để dân trong vùn tiến hành nghi lễ cúng kính là một ngày vào đầu tuần trăng.
Nhưng chưa phải là ngày mai. Vì lễ nào cũng cần phải có sự chuẩn bị. Và ngày mai Nguyễn đại nhân cùng bà Ba sẽ đến miếu để quét tước dọn dẹp, hòng bữa nữa ngôi miếu sẽ sạch sẽ, gọn gàng cho dân chúng.
Công việc quét tước dọn dẹp cần nhiều người phụ giúp, nên chỉ cần lão Duyệt nói giúp một tiếng thì chắc chắn Diệp Thảo sẽ được bà Ba cho đi cùng.
Lúc đó bác Ba của Diệp Thảo, lão Duyệt đã định nói thêm điều gì nữa nhưng vì ngoài cổng có tiếng gõ cửa, nên ông đã phải vội rời đi. Khi ấy nhìn theo bóng lưng tất tả của lão Duyệt mà Diệp Thảo đã hiểu được sự tức giận của thầy mình.
Bởi khi là một đội trưởng lính tuần sẽ chỉ phải khom lưng cúi đầu trước các vị quan còn khi là một gã nô bộc thì.. dù Nguyễn đại nhân đối xử với lão Duyệt không tệ. Đó là coi lão Duyệt là một thành viên trong Nguyễn gia, chứ không phải là một kẻ nô bộc.
Rồi sau đó là dựng cho lão Duyệt một gian nhà nho nhỏ ngay cổng để ông vừa có chỗ ở, vừa tiện việc đóng mở cổng gia trang khi cần. Nhưng..
Tiếng quát mắng của cậu Hai Lịch với lão Duyệt khi đó thật sự làm Diệp Thảo thấy bất bình. Gì mà cửa nẻo mở toang này nọ. Tiếng quát mắng của cậu Hai Lịch lớn đến độ cả Diệp Thảo lẫn Nguyễn đại nhân đều phải chạy ra xem.
Và đúng là cánh cổng của Nguyễn gia trang bị mở toang trước sự kinh ngạc tột độ của lão Duyệt.
Người quản gia tận tụy đó sau khi nghe cậu chủ của mình nói như vậy thì toan chạy tới cổng nhà để kiểm tra. Nhưng bàn chân mới đưa lên đã bị Nguyễn đại nhân. Bởi Nguyễn đại nhân muốn đích thân mình đi kiểm tra.
Có điều ông lại vẫn chậm hơn Lê Bá Thông một bước. Gã đàn ông có đầu óc hơn người đã về nhà từ lâu. Nhưng vì không muốn liên lụy nên đã đứng bên ngoài để nghe ngóng.
Và sau khi sự nghe ngóng đã đủ, hay đúng hơn là cái tâm thiện lành của gã không cho phép gã đứng im đó thì gã đã bước lên trước để xem xét cái then cài của cánh cổng. Một vết hằn thật sâu của dao sắc chém lên gỗ đã làm cho Lê Bá Thông lẫn Nguyễn đại nhân phải chết sững.
- Chuyện này.. chuyện này không lẽ..
Nguyễn đại nhân Nguyễn Văn Bình không kiềm được sự thảng thốt, nên thay vì nói năng gãy gọn như mọi ngày thì hôm này Nguyễn đại nhân đã nói lắp. Nhưng đó chưa phải là tất cả, vì liền sau đó người đàn ông từng hô mưa gọi gió một thời đã chực ngất đi.
Và Nguyễn gia trang dưới sự chỉ đạo của Lê Bá Thông đã tức tốc kiểm tra từng ngõ ngách một.
Có điều dù đã tìm kiếm trên từng cành cây ngọn cỏ, bọn Lê Bá Thông và Diệp Thảo cũng không thấy một chút manh mối nào của kẻ đột nhập. Và trong lúc ai nấy đều mệt nhoài, lo lắng thì cậu Hai Lịch đã ra lệnh cho mọi người đừng tìm nữa.
Rồi thêm chuyện tỷ Nhân nói tiếng ồn của việc tìm kiếm làm cho bà Ba thức giấc. Vì vậy nên dù rất muốn tiếp tục tìm kiếm dấu vết của kẻ đột nhập vào Nguyễn gia trang, nhưng rốt cuộc Lê Bá Thông vẫn phải dừng lại. Diệp Thảo nhớ rất rõ lúc gã trai đó trở về buồng ngủ của mình đã bỏ lại một câu rằng:
- Có thể kẻ đột nhập đã vào nhà và ra luôn rồi! Nhưng chí ít là kẻ đó không có vào được buồng của Nguyễn đại nhân hay hai bà. Thế đã là chuyện may mắn!
Và có lẽ cũng vì nguyên nhân đó mà Lê Bá Thông mới chịu dừng việc tìm kiếm.
Trở người lần nữa, Diệp Thảo không hiểu sao lại kéo chăn lên đắp ngang cổ. Là vì nàng lạnh chăng? Lạnh? Giữa cái trời nắng như đổ lửa mà lại cảm thấy lạnh. Ừ mà lạnh đấy! Lạnh bởi cái ánh nhìn của cậu Ba khi cậu ấy mới từ bên ngoài trở về. Cái ánh nhìn sắc lạnh lẫn căm hận.
Nhưng căm hận ai? Căm hận Lê Bá Thông đã xê dịch một vài món đồ trong buồng của cậu Ba khi tìm kiếm kẻ đột nhập sao? Nhưng đó là do Lê Bá Thông lo lắng cho sự an toàn của cậu Ba kia mà.
Vò mái đầu đã rối tung rối mù, Diệp Thảo không kiềm được mà buông ra một tiếng thở dài ảo não. Đúng là nhà giàu có khác! Tính tình thái độ có thể thay đổi nhanh như đang lật mặt bánh tráng vậy.
Hậu quả của một đêm nghĩ đông nghĩ tây là kẻ nghĩ nhiều đó sẽ ngủ dậy muộn. Trức giấc dậy khi mặt trời đã hén, Diệp Thảo hoảng hốt đến độ vừa chạy vừa bò đến bếp mà hi vọng trong nhà chưa có ai thức giấc. Có điều ánh lửa lập lòe trong bếp lò đã gần như lập tức dập tắt cái hi vọng kia của cô gái trẻ.
Đứng canh bếp lửa là con Lành và hai người đang loay hoay ở cái bàn gỗ giữa bếp là tỷ Nhân và bà Ba Miên.
Cảnh tượng bản thân bị mắng chửi rồi thì bị đuổi ra khỏi Nguyễn gia làm Diệp Thảo bất giấc rụt cổ, và cố gắng bước từng bước rón rén tới bếp lửa. Nhưng đôi bàn chân chưa bước được bước thứ hai thì đã phải khựng lại bởi tiếng nói của con Lành.
- Ái chà! Ai như tỷ Thảo vậy? Thân người làm mà ngủ như chủ nhân vậy ta.
Và câu nói đó khiến chủ nhân thực sự của Nguyễn gia phải ngẩng đầu. Bà Ba nhác thấy Diệp Thảo thì cũng lập tức trưng ra vẻ mặt không hài lòng.
- Là người làm mà giờ này mới dậy. Có phải là muốn sớm trở về Hòa Thuận không?
- Dạ.. dạ, con xin lỗi bà Ba.
Diệp Thảo run rẩy tới mức nói lắp.
- Tại tối qua con cùng lão Duyệt và cậu Thông đi khắp gia trang tìm kiếm tung tích kẻ đột nhập nên.. nên sáng nay mới ngủ dậy muộn. Xin bà Ba hãy tha tội cho con. Con hứa sẽ không bao giờ có chuyện này lần thứ hai.
Lời vừa dứt, Diệp Thảo cúi đầu thật sâu những mong cái cúi đầu ấy của nàng có thể làm bà Ba nguôi giận. Và quả là bà Ba nguôi giận thật sự. Mà không những nguôi giận, bà Ba trưng ra vẻ mặt ngạc nhiên tột độ. Và người đàn bà ấy sau mấy giây nghĩ suy mà không có đáp án đã hướng ánh mắt về phía tỷ Nhân, hỏi:
- Con Nhân! Mấy lời con Thảo vừa nói là sự thật sao? Tối hôm qua Nguyễn gia trang bị kẻ gian đột nhập sao?
Nguyễn gia trang bị kẻ gian đột nhập sao? Đương nhiên câu trả lời của tỷ Nhân là một cái gật đầu và hàng loạt cái khua tay loạn xạ. Và theo từng cái khua tay của tỷ Nhân thì mặt của bà Ba lại càng xám ngắt. Bà nói bằng những tiếng thở dốc như bị hụt hơi.
- Bây nói là kẻ đó đã gỡ then cửa cổng bằng dao rồi đã đột nhập vào nhà sao? Nhưng kẻ đó là ai? Rồi hắn vào Nguyễn gia ta để làm gì chứ? Mà.. mà bây với Bá Thông có tìm được kẻ đột nhập không?
Biết câu hỏi đó là đặt ra cho mình, Diệp Thảo dù đang lui cui với mớ bánh trái ở trên bàn vẫn phải ngẩng đầu lên mà đáp với thái độ lễ phép.
- Dạ, không thưa bà Ba. Cậu Bá Thông và lão Duyệt không có tìm được kẻ đột nhập, nên cậu Bá Thông đoán là kẻ đó đã vào Nguyễn gia trang mình rồi đi ra luôn rồi ạ.
Câu trả lời của Diệp Thảo dường như đã rút cạn sức lực của người đàn bà trung tuổi. Té ngồi xuống ghế đã đành, bà Ba còn ôm ngực như đang chống chọi với những cơn đau trong tâm can. Nhưng cơn đau đến thấu trời khiến khuôn mặt đã xám ngắt của bà Bà càng thêm xám.
Đứng bên cạnh theo dõi sự việc từ nãy giờ, con Lành sợ sẽ có sự chẳng lành xảy ra với bà Ba.
Nên đứa con gái ấy quyết định không giữ im lặng nữa. Con Lành tới sát bên cạnh của bà Ba mà lễ phép hỏi:
- Bà Ba! Có phải kẻ đột nhập đã lấy được gì của Nguyễn gia mình? Hình như là không có đâu ạ! Nên bà bình tĩnh đi ạ! Chớ bà ngã ra đó thì khổ cho tụi người làm con lắm ạ. À, mà con nhớ rồi! Có khi lần này cũng giống lần trước, là cái lần bà Sáu Tầm nói có người giống lính tuần Vũ vào Nguyễn gia trang mình đó. Lần đó cậu Hai đã nói là lầm lẫn rồi. Nhưng bà Ba nhớ không? Bà Sáu Tầm vẫn khăng khăng là lính tuần Vũ nào đó đột nhập vào Nguyễn gia mình. Và hậu quả là bà Sáu Tầm bị cho nghỉ làm đó bà. Rồi sau đó thì bà mới nhận tỷ Nhân, bà vú rồi con Thảo này vào làm đó chớ.
Con Lành định dừng câu nói của mình ở đó. Nhưng bên kia tỷ Nhân lại khua tay loạn xạ. Thấy mình bỗng chốc trở thành trung tâm của buổi nói chuyện nên con Lành đã hào hứng nói tiếp.
- Ý tỷ là Nguyễn đại nhân có biết chuyện không đó hả? Biết, đương nhiên biết. Nhưng đại nhân cũng như cậu Hai Lịch nói bà Sáu Tầm đã nhìn nhầm. Vì kẻ đó.. nói sao nhỉ? Dù có mười lá gan..
- Con Lành! Bây ra sau bắt con gà trong lồng ra làm lông đi. Nay là ngày ta với đại nhân phải lên miếu Bà Chúa Ngọc dọn dẹp, nên cần đồ ăn mang theo.
Câu chữ rõ ràng dứt khoát ngắt ngang câu nói của con Lành. Và thái độ lạnh lùng đến mức bất ngờ đó không chỉ làm con Lành mà cả Diệp Thảo và tỷ Nhân đều sợ đến tái cả mặt.