Quy củ của hoàng thất rất khắt nghe, nếu cô ta không quen biết Tấn Vương như đám công tử kia thì không nói làm gì.
Nhưng rõ ràng là quen biết, mà lại không hành lễ, cho dù Tấn Vương không truy cứu, nhưng nếu đại thái giám phụ trách hoàng cung mà biết thì sẽ trừng trị cô ta rất nặng.
“Tấn Vương? Tấn Vương nào?”
“Não ngươi có vấn đề à, Đại Khang chúng ta chỉ có một vị Tấn Vương!”
“Ý ngươi là hoàng tử nhỏ nhất của tiên hoàng bệ hạ, người cai quản Tấn Châu?”
“Ngoại trừ anh ta ra thì còn ai khác?”
“Chẳng phải Tấn Vương không thể tùy ý trở về kinh thành sao?”
“Chắc là đất Tấn có người tạo phản nên bị Bệ hạ triệu về kinh”.
Đám công tử đều vô cùng kinh ngạc.
Chẳng trách người này lại hào phóng như vậy mà bọn họ lại không quen biết.
Hóa ra lại là Tấn Vương.
“Bái kiến Tấn Vương điện hạ”.
Tất cả mọi người đều cúi người hành lễ với thanh niên đó.
Tấn Vương – Trần Vĩnh Trạch và Hoàng Đế Trần Cát là huynh đệ cùng cha khác mẹ, chẳng qua lúc Tấn Vương chào đời, vị Thái tử Trần Cát đã hơn ba mươi tuổi.
Hoàng Đế tiền nhiệm – Trần Vũ cũng sắp sáu mươi rồi.
Tuổi già mà còn có con, dù là Hoàng Đế, Trần Vũ cũng vô cùng vui mừng, cực kỳ yêu thương đứa con này.
Tiếc là lúc Trần Vĩnh Trạch ba tuổi, Trần Vũ đã băng hà.
Trước khi ra đi, Trần Vũ sợ Trần Cát sau khi đăng cơ sẽ hại chết Trần Vĩnh Trạch nên đã phong cho Trần Vĩnh Trạch là Tấn Vương, phong đất Tấn Châu.
Mẫu thân của Trần Vĩnh Trạch xuất thân từ nhà họ Hào ở Tấn Châu, có thế lực hùng hậu ở nơi đây, Trần Vĩnh Trạch trở thành Tấn Vương, dù Trần Cát có muốn động đến Trần Vĩnh Trạch cũng phải cân nhắc.
Thật ra Trần Vũ đã nghĩ nhiều, tính cách của Trần Cát vốn dĩ mềm yếu, sau khi đăng cơ ngoài việc tiêu diệt hai đệ đệ tranh giành hoàng vị với ông ta lúc đầu thì không có ý làm khó các hoàng tử khác.
Sau đó vì muốn kéo gần quan hệ với nhà họ Hào ở Tấn Châu, ông ta còn phá lệ đưa mẫu thân của Tấn Vương về Tấn Châu.
Tấn Châu nằm ở phía Tây Bắc, không chỉ có người Đảng Hạng sẽ quấy rối họ mà thỉnh thoảng còn có người Khiết Đan đi ngang qua, khiến Tấn Châu luôn bị chiến tranh tàn phá, người dân cũng vì thế mà trở nên rất anh dũng.
Cha của Tấn Vương – Trần Vũ là Hoàng Đế tiền nhiệm, được xem là một trong số ít các Hoàng Đế phái chủ chiến trong lịch sử Đại Khang.
Ông ta đã phát động hai cuộc viễn chinh phương Bắc khi còn sinh thời, thề sẽ lấy lại mười sáu châu Yến Vân, rửa sạch nỗi nhục nhã mà cha ông ta để lại.
Tiếc là hai lần chinh chiến đều thất bại.
Chiến tranh là đốt tiền, hai lần chinh chiến phía Bắc và khoản tiền bồi thường khổng lồ sau chiến tranh gần như đã làm cạn kiệt quốc khố Đại Khang, dẫn đến sưu thuế của người dân ngày càng nặng.
Bây giờ Trần Cát lại mềm yếu với việc giải quyết vấn đề Đảng Hạng và Khiết Đan cũng có nguyên nhân từ hai đời trước.
Những thất bại liên tiếp của ông nội và cha cũng để lại bóng ma tâm lý với Trần Cát nên sau khi lên ngôi, ông ta luôn tỏ ra yếu thế trong việc giải quyết vấn đề Đảng Hạng và Khiết Đan, điều này cũng đẩy nhanh sự suy tàn của Đại Khang.