Xuyên Nhanh: Trời Sinh Người Thắng

Chương 60: Công chúa vạn an (9)


Sau khi Chu Minh Gia biết chuyện, lập tức đến thư phòng của tổ phụ, thanh âm trầm ổn, khuất thân thi lễ, "Mẫu thân có tội, tôn nhi thay người nhận sai với tổ phụ."

Nhìn tôn nhi tài mạo song toàn, ôn hoà lễ độ của mình, trong lòng Chu các lão nhịn không được thở dài, "Không thể trách ngươi."

Chu Minh Gia lắc đầu, đáy mắt hiện lên một chút áy náy, "Để tổ phụ phải nhọc lòng vì hôn sự của tôn nhi, là lỗi của tôn nhi."

"Bỏ đi, chuyện này dừng lại ở đây, ta đã quán triệt người trong phủ, không được nhắc đến chuyện này rồi."

Chu các lão bình tĩnh nói tiếp, "Ta còn có một việc muốn nói với ngươi, sắp tới ngươi sẽ thành thân cùng Vi Nhi."

Chu Minh Gia hơi sửng sốt, nhưng cũng nhanh chóng thấu hiểu tổ phụ dụng tâm lương khổ[1], ngữ khí trịnh trọng, "Đa tạ tổ phụ."

Thần sắc của Chu các lão trở nên hoà hoãn, thở dài một hơi, hôn sự với hoàng gia bị huỷ, nếu hôn sự này cũng không thành, thì thanh danh của tôn tử nhà ông sẽ thật sự bị tổn hại, bây giờ thành thân, sau này lan truyền, ít nhất mọi người còn có thể khen ngợi Minh Gia một câu trọng tình trọng nghĩa[2].

Sau khi bái kiến phu nhân của nhị phòng, biết chuyện sắp tới nàng sẽ thành thân với Minh Gia biểu ca, tâm tư của Dương Tư Vi rốt cuộc cũng dần ổn định trở lại.

Hoàng đế Triệu Tấn lãnh đạm với Chu gia, Chu các lão cũng không quá lo lắng, chẳng qua là mất đi cơ hội nghênh thú công chúa mà thôi, con cháu đều có phúc của con cháu.

Có khả năng cao mấy năm nữa ông phải rời khỏi Nội Các, không thể vĩnh viễn bảo hộ bọn họ. Tuy rằng Chu gia có thể thay bọn họ che mưa chắn gió, nhưng con cháu của Chu gia cũng phải có chí tiến thủ.

Sinh thần của Thái Tử Triệu Lan, Triệu Hâm tặng cho hắn một bộ bàn cờ.

Sau khi yến hội chúc mừng sinh thần của Thái Tử kết thúc, Triệu Hâm mượn cớ giải sầu, nhắc đến việc xuất cung, Triệu Tấn và Hoàng Hậu bởi vì chuyện của Chu gia, đối với nàng cơ hồ là hữu cầu tất ứng, nên cho dù nàng nói muốn ở lại Phồn Di Viên lâu một chút, hai người cũng đồng ý chấp thuận.

Kỳ thực, tuy rằng hoàng huynh và hoàng tẩu đối xử với nàng rất tốt, trêu chọc tiểu Thái Tử Triệu Lan cũng rất vui, nhưng Triệu Hâm vẫn không thể thích ứng nổi với không khí trong hoàng cung.

Ở Phồn Di Viên, Triệu Hâm chính là người có địa vị cao nhất, có thể tuỳ hứng thích làm gì thì làm, không ai dám quản giáo nàng, thời gian trôi qua, Triệu Hâm liền nhắm vào một đạo quan được xây dựng trên ngọn núi phụ cận, Thanh Duyên Quan. Được xây dựng trong địa phận của trang viên hoàng gia, đương nhiên là đạo quan của hoàng gia.

Không bao lâu sau, Triệu Tấn nhanh chóng nhận được tin tức, hoàng muội của hắn mộ tiên học đạo, bởi vì yêu thích những ngày tháng bình yên tu tâm dưỡng tính, dự định thường trú ở Thanh Duyên Quan.

Cũng không phải là xuống tóc xuất gia, mà là tu hành một khoảng thời gian, dưới danh nghĩa cầu phúc cho hoàng huynh Hoàng Hậu và Thái Tử.

Triệu Tấn đọc xong thư của Triệu Hâm, thấy nàng thẳng thắn bày tỏ chính kiến như vậy, nhịn không được cười khẽ.

Sau khi biết hoàng muội yêu thích những ngày tháng bình yên tu tâm dưỡng tính, sẽ chỉ lưu lại Thanh Duyên Quan khoảng hai năm, Triệu Tấn cũng mặc kệ, còn về lý do cầu phúc này, đại khái là dỗ dành hoàng tẩu của nàng đi. Chẳng qua thân là huynh trưởng tốt kiêm hoàng đế tốt, Triệu Tấn vẫn ban bố một đạo thánh chỉ, nói Lạc Hà công chúa không ngại gian khổ cầu phúc cho Đại Hi, ca ngợi phẩm chất đạo đức của nàng một hồi.

Triệu Hâm chỉ mượn cớ cầu phúc cho hoàng huynh hoàng tẩu hoàng chất, Triệu Tấn lại trực tiếp nâng lên thành cầu phúc cho Đại Hi.

Khiến cho con đường tu hành của Lạc Hà càng thêm danh chính ngôn thuận[3], làm như thế, cho dù sau đó có một ngày nàng không muốn lưu lại đạo quan nữa, cũng sẽ không bị mọi người chỉ trích phê bình.

Thánh chỉ vừa được ban bố, trên dưới triều đình, bốn phương tám hướng[4] đều biểu dương Lạc Hà công chúa, hơn nữa bởi vì Lạc Thuỷ Lê, dân gian cũng biết đến vị công chúa này, đối với nàng thập phần kính trọng.

Ngoại trừ Hoàng Hậu lo lắng Triệu Hâm sẽ chịu khổ ở đạo quan, không ai lên tiếng phản đối.

Triệu Tấn làm việc thoả đáng, nếu như hoàng muội muốn tu hành, vậy thì trực tiếp ban thưởng đạo quan kia cho nàng, Triệu Hâm vì thế mà thăng chức trở thành quan chủ của Thanh Duyên Quan.

Cuộc sống ở đạo quan của nàng rất nhàn nhã, ngẫu nhiên trồng hoa trồng cỏ, du sơn ngoạn thuỷ[5], hoặc cải trang vi hành[6].

Chưa kể bởi vì tu hành, ngược lại kết giao bằng hữu với không ít người.

Triệu Hâm trồng hoa trồng cỏ ở đạo quan, đôi khi sẽ lựa chọn mấy loại cây có vẻ đẹp mắt để đưa về hoàng cung, tặng cho hoàng huynh hoàng tẩu.

"Nhìn dáng vẻ của mấy cái cây này, có thể thấy tâm tình của nàng rất tốt." Triệu Tấn cười nói với Hoàng Hậu, "Trẫm có nằm mơ cũng không thể thảnh thơi như nàng."

Mà Triệu Hâm cũng không hoàn toàn thảnh thơi, ở Thanh Duyên Quan, nàng vô tình phát hiện vài đan lô do quan chủ tiền nhiệm lưu lại, có lẽ là dụng cụ dùng để luyện đan, chẳng qua khác với thuật luyện đan của dân gian, thân là đạo quan của hoàng gia, bọn họ không có sử dụng chu sa lưu huỳnh lừa gạt người khác.

Đạo quan của hoàng gia đặc biệt không thiếu dược liệu quý hiếm.

Triệu Hâm không chỉ không vứt bỏ, mà còn phái người bảo dưỡng mấy đan lô này, sau đó dựa vào các loại thư tịch trong đạo quan, không ngừng ném dược liệu của đạo quan vào trong đan lô, tựa như làm cho vui, cũng tựa như thí nghiệm, tuy phần lớn đều thất bại, nhưng trải qua nhiều lần, ngẫu nhiên cũng có chút thành phẩm.

Các thị nữ bên cạnh công chúa không hiểu tại sao công chúa lại đột nhiên cảm thấy hứng thú với luyện đan, giống như việc công chúa đột nhiên nói người muốn tu hành vậy.

Cho nên mặc dù sau đó Lạc Hà công chúa biểu hiện bản thân có hứng thú với y thuật, bọn họ cũng không cảm thấy kỳ quái.

Thậm chí Thanh Duyên Quan còn bởi vì vậy mà thường xuyên nghênh đón một vị khách nhân, Vệ Thiếu Tư.

Hắn xuất thân từ Lĩnh Nam Vệ gia, chẳng qua không phải là dòng chính, sau khi phụ mẫu song vong liền rời khỏi gia tộc, hành tẩu giang hồ, hơn nữa khác với các thế gia bình thường, hắn không quá hiểu biết kinh nghĩa, ngược lại yêu thích huyền hoàng chi thuật.

Một bên cầu học, một bên cần người, nhiều năm trôi qua, dần dần quen thuộc.

Ít nhất khi nói chuyện cùng hắn, Triệu Hâm có thể cảm nhận được cảnh giới y thuật của mình càng thêm rộng mở sáng suốt hơn trước đây, chưa kể nếu so sánh với những người sở hữu thiên phú trác tuyệt mà nàng từng nhìn thấy ở Dược Cốc, thì Vệ Thiếu Tư chính là loại người có đủ năng lực để tự lập môn hộ, khai tông lập phái.

Có những người, y thuật cao minh, nổi tiếng một đời, cũng có những người, khai tông lập phái, toàn tâm toàn ý[7] truyền đạt kiến thức cho thế hệ mai sau.



Điểm khác nhau, có lẽ là sự thuần tuý đi.

Theo như lời của Vệ Thiếu Tư, hắn từng đi đến không ít nơi trong nhiều năm qua, số lượng thảo dược, bệnh tật mà hắn chứng kiến cũng là nhiều không đếm xuể,

Hắn có mặt ở đây, là bởi vì khi lên núi để tìm kiếm một loại thảo dược, hắn vô tình đụng phải Triệu Hâm.

Tướng mạo của Vệ Thiếu Tư không quá xuất chúng, nhưng thân là người hành nghề y, khí chất nhân thiện, khiến người khác nhịn không được cảm thấy thoải mái, cho dù là thị nữ vệ binh ở trong cung, cũng khó có thể chán ghét hắn.

Ban đầu Vệ Thiếu Tư bị thuốc viên do Triệu Hâm làm ra hấp dẫn, hắn hành nghề y nhiều năm, tương đối mẫn cảm với dược liệu, nhưng trong thuốc viên của Triệu Hâm, lại có mấy thứ dược liệu mà hắn chưa từng nhìn thấy bao giờ, nên Vệ Thiếu Tư tò mò.

Triệu Hâm thấy hắn nhìn chằm chằm thuốc viên như vậy liền cười khẽ, "Ngươi có muốn thử không?"

Vệ Thiếu Tư trầm mặc trong chốc lát, vậy mà thực sự uống thuốc, thị nữ bên cạnh Triệu Hâm nhịn không được cảm thấy lo lắng, thuốc viên do công chúa tự mình làm ra, chưa có ai từng uống, cũng không rõ là tốt hay xấu.

Vệ Thiếu Tư đương nhiên không cần lo lắng về tính mạng, chẳng qua bị kích thích tinh thần khoảng ba ngày, ngủ không yên.

Sau đó Triệu Hâm nói với hắn, đây là thuốc viên được chế tạo dựa theo các loại thư tịch trong đạo quan, không liên quan gì đến trường sinh cầu tiên, chỉ là bồi bổ cơ thể thôi, hiệu quả tựa như nhân sâm cực phẩm vậy.

Vệ Thiếu Tư nghe xong liền rụt rè đề xuất với Triệu Hâm, hy vọng bản thân có thể xem những thư tịch đó, rốt cuộc thư tịch của hoàng gia, trên đời này không có bao nhiêu người may mắn được xem.

Sau khi được cho phép, Vệ Thiếu Tư vừa đọc vừa thở dài, "Phương pháp dưỡng sinh của Đạo gia, quả nhiên bất phàm." Đáng tiếc điều kiện quá hà khắc, không phải ai cũng có thể sử dụng.

Bởi vì hai người tương đối ăn ý, nên Vệ Thiếu Tư quyết định sẽ tạm thời lưu lại Thanh Duyên Quan, đôi khi còn mượn phòng luyện dược ở đây để làm việc.

Triệu Hâm thưởng thức tài năng của hắn, hắn đương nhiên cũng thán phục Triệu Hâm, mười tuổi hắn đã cảm thấy hứng thú với huyền hoàng chi thuật, sau đó hành tẩu giang hồ gần hai mươi năm, một khoảng thời gian không dài nhưng tuyệt đối không ngắn, vậy mà ngẫu nhiên nói chuyện với Triệu Hâm còn cảm thấy có chút lấy trứng chọi đá[8], không theo kịp đối phương.

Triệu Hâm có rất nhiều kỳ tư diệu tưởng, khiến cho hắn vừa kinh ngạc vừa tò mò, Vệ Thiếu Tư vốn không phải người dễ dàng tự thoả mãn, bằng không hắn cũng chẳng bất chấp vất vả, đi khắp thiên hạ.

Vệ Thiếu Tư đến đây, ngoại trừ trở thành một vị tri kỷ có thể tuỳ thời giao lưu y thuật với nàng, đối phương còn rất vui lòng giúp nàng thử nghiệm tác dụng thuốc.

Còn về thân phận của Triệu Hâm, Vệ Thiếu Tư cũng từng suy đoán, tuy hắn mới tới kinh thành không lâu, không thông tin tức, nhưng có thể đảm nhiệm vị trí quan chủ của đạo quan hoàng gia, các hạ nhân bên người lại sở hữu khí chất không tầm thường, thường ngày luyện chế đan dược phải sử dụng rất nhiều dược liệu quý hiếm, thái độ ngược lại thập phần nhẹ nhàng bâng quơ.

Phạm vi rộng quá, suy đoán không nổi.

Chẳng qua nếu nàng không muốn nói, vậy thì hắn cũng xem như không biết, không rõ thân phận của nhau, chỉ đơn thuần là giao lưu y thuật, đôi khi sẽ càng thêm tự do tự tại.

Trong lúc nói chuyện với nhau, Vệ Thiếu Tư có kể rằng, hắn từng chứng kiến rất nhiều người bị bệnh không thể chữa khỏi, chết dần chết mòn[9], trong số những căn bệnh đó, nghiêm trọng nhất chính là hàn tật, ôn dịch, và bệnh đậu mùa, mỗi năm có không biết bao nhiêu lê dân bá tánh[10] tử vong vì lý do này.

Đối với ba căn bệnh đấy, hai người cũng cùng nhau thảo luận một hồi, Vệ Thiếu Tư có không ít kinh nghiệm được đúc kết qua nhiều năm, còn Triệu Hâm lại sở hữu lượng kiến thức khổng lồ và trí tuệ của hậu thế.

Triệu Hâm thỉnh thoảng sẽ chỉ điểm một chút, mà Vệ Thiếu Tư cũng là nhất điểm tức thông[11], hơn nữa trải qua nhiều lần thí nghiệm, hành động nhanh chóng, bọn họ bắt đầu tổ chức khám chữa bệnh từ thiện dưới chân núi,

Triệu Hâm còn giúp hắn mua rất nhiều dược liệu, Vệ Thiếu Tư bởi vì chuyện này mà thẹn thùng một thời gian, hắn định nhân lúc rảnh rỗi sẽ đến kinh thành khám chữa bệnh cho vài gia đình giàu có, tăng thêm thu nhập. Khi hành tẩu giang hồ hắn vẫn luôn làm như vậy, vì những gia đình nghèo khó không thể mua được thuốc, cho nên tuy rằng y thuật của Vệ Thiếu Tư thập phần cao minh, nhưng do thường xuyên khám chữa bệnh từ thiện, thành ra trên người hắn hiếm khi dư tiền, ngẫu nhiên ở lại lữ quán cũng là khám chữa bệnh cho lão bản, xem như lộ phí.

Cũng may những người mà hắn từng đụng phải đều là người tốt, nên mặc dù hơi vất vả, nhưng không đến mức suy sụp.

Triệu Hâm ra tay cực kỳ hào phóng, nàng vô cùng ủng hộ Vệ Thiếu Tư khám chữa bệnh từ thiện, dù sao một chút phí tổn đó đối với nàng mà nói chẳng qua chỉ là cửu ngưu nhất mao[12].

Ngược lại Vệ Thiếu Tư vẫn không ngừng băn khoăn, để giảm bớt sự áy náy, hắn còn khám chữa bệnh miễn phí cho tất cả mọi người trong đạo quan, mà mọi người đối với sự nhiệt tình của hắn cũng là vui vẻ tiếp nhận.

Có Triệu Hâm ủng hộ, Vệ Thiếu Tư khám chữa bệnh từ thiện rất thuận lợi, không có ai dám gây khó dễ, sau khi thanh danh của Vệ Thiếu Tư dần dần ăn sâu bén rễ vào tâm trí của các bá tánh phụ cận, hai người bắt đầu mở rộng phạm vi khám chữa bệnh từ thiện, hơn nữa không chỉ khám chữa bệnh, hắn và Triệu Hâm còn tuyên truyền, phổ biến kiến thức cơ bản về phòng chống bệnh tật, ví dụ như vệ sinh môi trường, ăn uống khoa học, cùng phương pháp xử lý nước cho những bá tánh bình thường.

Đồng thời hai người cũng dạy bọn họ cách nhận biết và sử dụng các loại thảo dược thường gặp trên núi, tựa như thanh hao hoa vàng[13] có thể trị liệu bệnh gì.

Chưa kể gần đây đạo quan của Triệu Hâm vừa mới chế tạo thành công thuốc viên từ cây bạch cập[14], có tác dụng cầm máu vết thương, khử trùng tiêu độc, Vệ Thiếu Tư nghiên cứu thuốc xong liền chủ động thương lượng với Triệu Hâm để cải tiến lại loại thuốc này một chút, không bao lâu sau, loại thuốc này nhanh chóng được sử dụng trong việc khám chữa bệnh từ thiện.

[1] Dụng tâm lương khổ (用心良苦): Dùng nhiều tâm tư trí lực để suy đi tính lại.

[2] Trọng tình trọng nghĩa: Coi trọng những tình cảm (tình bạn bè, tình anh em, tình cảm gia đình...), những ơn nghĩa (ơn dưỡng dục của ba mẹ, ơn dạy dỗ của thầy cô...)

[3] Danh chính ngôn thuận: Đủ tư cách, khả năng để đảm trách công việc nào đó; được pháp luật hoặc mọi người thừa nhận, có danh nghĩa đàng hoàng thì lời nói mới có trọng lượng.

[4] Bốn phương tám hướng: Chỉ tất cả các phương hướng trong bầu trời.

[5] Du sơn ngoạn thuỷ: Ám chỉ việc đi du ngoạn núi non – ngắm cảnh sông nước hữu tình.

[6] Cải trang vi hành: Việc hóa trang đi tuần hành trong chợ – phố xá đô thành, đây là 1 câu dành cho những người vua chúa – vương gia vào thời kỳ phong kiến Trung Quốc khi xưa khi muốn xem người dân sinh sống ra sao.

[7] Toàn tâm toàn ý: Hoàn toàn để hết tâm trí, tinh thần và sức lực vào một việc nào đó.

[8] Lấy trứng chọi đá: Chỉ những cuộc đấu chọn không cân sức, báo trước cái kết thảm bại chắc chắn.

[9] Chết dần chết mòn: Cơ thể héo hon, mòn mỏi dần đến mức không còn sức sống.

[10] Lê dân bá tánh (黎民百姓):



Tương truyền vào khoảng 5000 năm trước, ở vùng Trung Nguyên có vài bộ tộc lớn có sức mạnh và hung hãn nhất. Đó chính là các tộc Hoàng Đế, tộc Viêm Đế, Di tộc, Cửu Lê tộc. Cửu Lê tộc nằm ở phương nam, nhiều lần có xung đột với Viêm Đế tộc.

Về sau, hai tộc Hoàng Đế và Viêm Đế liên minh với nhau tổng cộng hơn trăm thị tộc lớn nhỏ chống lại Cửu Lê tộc. Kết quả là Cửu Lê tộc bị đánh bại. Kể từ đó "bá tánh" hay "bách tính" chính là từ ngữ dùng để gọi con cháu Viêm Hoàng, còn những tù binh bị bắt của Cửu Lê tộc được gọi là "Lê dân".

Trải qua sự phát triển hàng ngàn năm của xã hội, giữa các bộ tộc không còn có sự phân biệt rạch ròi nữa mà đã được dung hợp lại. Từ "Lê dân" vì thế mà không còn được sử dụng theo nghĩa ban đầu của nó. "Lê dân" và "bá tánh" đã trở thành từ ngữ tương đồng về mặt ngữ nghĩa và đều có nghĩa là quần chúng nhân dân.

[11] Nhất điểm tức thông: Chỉ cần một lần hướng dẫn liền có thể tự hiểu hết tất cả.

[12] Cửu ngưu nhất mao (九牛一毛):

Vào thời Hán Vũ Đế, có một vị tướng tên là Lý Lăng, người nổi tiếng dũng cảm và nhiều tài thao lược trên trận mạc.

Lý Lăng được bổ nhiệm chỉ huy quân đội đánh giặc Hung Nô, kẻ thù phương Bắc của Trung Quốc thời bấy giờ. Sau nhiều trận chiến dài ngày, ông đã đánh bại quân Hung Nô và giành chiến thắng về cho nhà Hán.

Trở về kinh thành, Lý Lăng được Hoàng đế khen thưởng, đồng thời quan quân đều ngợi ca nhà vua có con mắt tinh tường chọn được một vị tướng xuất chúng.

Tuy nhiên, đến năm 99 TCN, có lời đồn đại rằng tướng quân Lý Lăng thật ra đã bại trận và phải đầu hàng giặc Hung Nô. Vua Vũ Đế rất tức giận và nguyền rủa Lý Lăng là kẻ phản bội. Triều thần một lần nữa ủng hộ quan điểm của Hoàng đế, tố cáo ông là vị tướng bất trung và bất tài.

Tư Mã Thiên (司馬遷), một nhà sử học, là người duy nhất trong triều không nói bất cứ điều gì. Thấy vậy, Hoàng đế bèn hỏi ý ông về việc của Lý Lăng.

Tư Mã Thiên trả lời: "Thưa Bệ hạ, Lý Tướng quân đã phải chiến đấu trong tình thế bất cân xứng về lực lượng. Khi ông chỉ có khoảng 5.000 quân, thì giặc Hung Nô có đến khoảng 80.000 kỵ binh. Tuy nhiên, ông đã chiến đấu với dũng khí tuyệt vời trong hơn 10 ngày trước khi đầu hàng. Ông đã đánh bại khoảng 10.000 lính Hung Nô. Đây là lòng quả cảm tuyệt vời, không thể nào gọi là bất tài được".

Trên thực tế, Lý Lăng chỉ đầu hàng khi thấy binh lính của ông bị giặc Hung Nô vây hãm không lối thoát và lương thực dự trữ đã cạn kiệt. Ông đầu hàng để chờ thời cơ tốt hơn tấn công lại.

Tư Mã Thiên nói thêm rằng Lý Lăng là một vị tướng tài năng hơn Tướng quân Lý Quảng Lợi, một trong những người thân của Hoàng đế. Khi nghe điều này, Vũ Đế nhận ra Tư Mã Thiên không theo ý mình, liền đùng đùng nổi giận và ném Tư Mã Thiên vào ngục chờ xét xử.

Một năm sau đó, triều thần nghe tin đồn Lý Lăng đã giúp đỡ Hung Nô và thậm chí huấn luyện quân đội cho giặc. Khi nghe những điều này, thậm chí không cần xác minh, Hoàng đế lập tức xử tử mẹ và vợ của Lý Lăng.

Tư Mã Thiên cũng bị dính líu vì bị buộc tội khi quân khi ông trả lời về vụ việc và bị kết án cung hình (bị thiến).

Hầu hết nam giới vào thời điểm đó sẽ tự vẫn vì không chịu được nỗi nhục của hình phạt này, nhưng Tư Mã Thiên từng hứa với cha mình ông phải hoàn tất bộ sử ký về lịch sử Trung Quốc.

Lời hứa này cùng với ý nghĩ rằng trong số nhiều người tự tử vì án cung hình, chỉ có một người không làm vậy cũng giống như chín con trâu chỉ mất đi một sợi lông, sẽ không đáng kể gì. Nhờ đó, Tư Mã Thiên đã quyết định vượt qua nỗi nhục và tiếp tục hoàn thành cuốn Sử ký (史記), còn gọi là "Sử ký Tư Mã Thiên."

Thành ngữ "Cửu Ngưu Nhất Mao" (九牛一毛), có nghĩa là "chín con trâu chỉ mất một sợi lông", được dùng để nói về những tình huống chẳng có gì đáng kể.

[13] Thanh hao hoa vàng:

Thanh hao hoa vàng (Artemisia annua L.) thuộc Họ Cúc (Asteraceae) còn có tên gọi khác là thanh cao hoa vàng, thảo cao, ngải hoa vàng, ngải tiên, ngải si, ngải hôi, ngải mèo, hoàng hoa cao...

Thanh hao hoa vàng là cây dược liệu thân thảo, sống hàng năm, hoa màu vàng ở đầu ngọn nở vào mùa thu, lá cây vò ra có mùi thơm đặc biệt.

Trên thế giới, thanh hao hoa vàng phân bố rải rác ở các vùng ôn đới ấm, cận nhiệt đới và nhiệt đới Bác bán cầu.

Tuy nhiên, do nhu cầu sản xuất artemisinin ngày càng cao, từ năm 1990 trở lại đây, lượng dược liệu thanh hao hoa vàng trên thị trường chủ yếu do trồng trọt.

Lá thanh hao hoa vàng được thu hái ở những cây sắp ra hoa (khi hàm lượng artemisinin cao nhất), rửa sạch, phơi hoặc sấy ở 30 – 40°C đến khô.

Thanh hao hoa vàng là nguồn cung cấp nhiều hợp chất có hoạt tính sinh học, với hơn 220 hợp chất được phân lập và xác định, bao gồm ít nhất 28 monoterpen, 30 sesquiterpenes, 12 triterpenoids và steroid, 36 flavonoid, 7 coumarin, 4 chất thơm và 9 hợp chất béo.

Artemisinin là thành phần hoạt tính sinh học quan trọng nhất trong thanh hao hoa vàng. Cấu trúc hóa học của artemisinin là một sesquiterpene lacton có chứa một liên kết endoperoxide bất thường với công thức hóa học C15H22O5. Liên kết endoperoxide bất thường này là vị trí hoạt động chính trong cơ chế hoạt động của thuốc.

Tuy nhiên, artemisinin có những hạn chế nhất định như khả năng hòa tan trong nước và sinh khả dụng kém, vì vậy các dẫn xuất bán tổng hợp khác nhau được phát triển bao gồm dihydroartemisinin, β-artemether và artesunate thể hiện hiệu lực cao hơn, cải thiện khả năng hòa tan trong nước, chuyển hóa thuận lợi cũng như tính ổn định thủy phân.

Thanh hao hoa vàng đã được sử dụng từ lâu đời để điều trị các bệnh như sốt rét, giun sán, ung thư, sán máng, Leishmaniasis, HIV, viêm gan B, lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp, viêm phổi...

[14] Cây bạch cập: Hay còn được gọi là liên cập thảo, thuộc họ Lan (orchidaceae) và có tên khoa học là Beletia hyacinthina R. Br. Đây là một loại cây thảo sống lâu năm, mọc hoang và được trồng ở những vùng đất ẩm, mát có thân rễ và có vảy. Lá mọc từ rễ lên khoảng 3 đến 5 lá hình mác dài từ 18 - 40 cm và rộng khoảng 2,5 - 5 cm, trên có nhiều nếp nhăn dọc. Vào đầu mùa hè, ở đầu cành hoa nở có màu đỏ tía rất đẹp và quả hình thoi 6 cạnh.

Bạch cập là một cây cận nhiệt đới và ôn đới ấm, được phân bố tự nhiên cũng như trữ lượng của nó rất hạn chế.

Thân rễ cây bạch cập từ 2 - 3 năm tuổi, bỏ vảy và rễ con, rửa sạch sấy nhỏ lửa cho khô và để khô cứng sử dụng. Tuy nhiên, với thân rễ cây bạch cập thì chỉ thu được những vị thuốc trông như bánh dày nhỏ. Còn vị Bạch cập nhập thì là những khối cứng, rắn và có màu trắng nâu với hai hoặc ba nhánh con rất đặc biệt. Khi soi qua kính hiển vi thì thấy bên trong có bột và có những tế bào nhu mô chứa tinh thể oxalat canxi hình kim.

Trong thành phần bạch cập có chứa 55% chất nhầy, một ít tinh dầu và glycogen. Thân rễ đã được phơi khô hoặc sấy khô để làm vị thuốc. Vào tháng 8 - 11 hằng năm, người ta thường đào thân rễ, bỏ phần thân đã tàn lụi và những rễ nhỏ, rửa sạch nhúng vào nước sôi khoảng 3 - 5 phút cho đến khi không còn ruột trắng. Lấy rễ ra phơi cho đến khi một nửa đã khô và một nửa chưa khô, bóc vỏ ngoài rồi lại tiếp tục phơi cho đến khi khô.

Theo một số nghiên cứu cho thấy các hoạt chất có chứa trong cây bạch cập có tác dụng kháng khuẩn và cầm máu. Biphenanthren trong bạch cập được phân lập có tác dụng kháng khuẩn trên một số vi khuẩn gây bệnh thông thường. Bên cạnh đó, khi thực hiện một nghiên cứu ứng dụng bạch cập trong điều trị xuất huyết tiêu hoá trên 70 bệnh nhân, tỷ lệ khỏi 68 người chiếm tới 97,2%, đồng thời số ngày điều trị chỉ còn 2 - 7 ngày. Một nghiên cứu khác trên 100 bệnh nhân thì có tới 90 người khỏi bệnh chiếm 90%, số ngày điều trị là 2 - 4 ngày. Theo ghi chép của một tài liệu Trung Quốc, người ta đã nghiên cứu trên 300 người bệnh bị xuất huyết đường hô hấp trên cũng thu được kết quả điều trị tốt.

Theo y học cổ truyền, cây bạch cập có tính bình, vị đắng quy và phế kinh. Đây là dược liệu có tác dụng bổ phế, hóa ứ làm tan máu đông và cầm máu, giúp nhanh lành vết thương. Hiện nay, Bạch cập chủ yếu được sử dụng theo kinh nghiệm cổ của dân gian, làm thuốc cầm máu, trong những trường hợp nôn ra máu, lỵ ra máu, chảy máu cam, đau mắt đỏ và sử dụng ngoài đắp mụn nhọt sưng tấy và bỏng lửa. Liều lượng có thể dùng từ 4 gram đến 12 gram dưới dạng thuốc sắc hoặc thuốc bột.

==========

Bổ sung một xíu kiến thức y học cổ truyền nào các tình iu:3

Iu lắm mới trích dẫn đó:3