Gà hầm hạt dẻ 3
Sau khi ăn sáng, Nguyên Đản cố ý mặc áo mới ra ngoài đi bộ một vòng, được các bạn nhỏ khen ngợi.
Nó chắp tay sau lưng vui vẻ trở về nhà, theo sau còn có mấy bé trai bé gái.
Lúc này Phong Ánh Nguyệt đang dùng kim móc để đan một con ngựa nhỏ, một đám trẻ con vây quanh cô nhìn cả một buổi sáng, người lớn gọi cũng không về.
Không còn cách nào khác, một chị gái cầm củi gỗ lại đây, giả vờ sắp đánh đòn thì tụi nhỏ mới chịu trở về.
“Một lát nữa cháu lại đến.”
“Cháu cũng vậy.”
Mấy đứa nhóc lưu luyến rời đi.
Nguyên Đản cười tủm tỉm vẫy tay với tụi nhóc.
Cháo khoai lang đỏ từ bữa sáng vẫn còn, Phong Ánh Nguyệt hâm lại, rồi làm thêm một món xào, ăn một bữa thật đơn giản.
Rất nhanh, cô đã làm xong con ngựa nhỏ, không nhồi bông vào trong mà nhét mảnh vải. Xúc cảm không được như bông, nhưng trông rất đáng yêu, trẻ con sẽ không quan tâm bên trong có phải là bông hay không.
Nó rộng bằng bàn tay người lớn, cao khoảng hai mươi xăng-ti-mét.
Người lớn có thể thoải mái cầm trong tay, nhưng Nguyên Đản phải ôm.
Nó còn đặt tên cho ngựa nhỏ, gọi là Nguyên Nguyên.
Nguyên Nguyên rất được yêu thích bởi đám trẻ ở nhà ngang, có rất nhiều thím tới nhà Phong Ánh Nguyệt nhờ cô chỉ cho mình. Nhưng để làm được món đồ chơi này phải cần rất nhiều kỹ năng, nên đa số những người này đều chưa học được.
“Lúc thấy thì tưởng sẽ làm được, nhưng cầm lên tay thì lại thành vô dụng.”
Thím Điền cho rằng món đồ này không khó làm, nhưng khi bắt đầu ra tay thì lại không làm được: “Thím chỉ đan giày len được thôi.”
“Chị đau đầu quá, lúc nào Yến Tử cũng muốn có chiếc áo len có hình chim nhỏ, nhưng chị không làm đẹp được như của Ánh Nguyệt. Chị giận mình ghê, còn làm Yến Tử khóc nữa chứ, con bé bảo đó không phải là chim nhỏ của Nguyên Đản.”
Chị dâu Trương cũng dở khóc dở cười.
Hình con chim trên chiếc áo được Phong Ánh Nguyệt đan nổi, con chim nhỏ hơi nhô lên, nhìn rất sinh động.
Chiếc áo len thứ hai được Phong Ánh Nguyệt đan cho mình, vừa đơn giản vừa thanh lịch, trước n.g.ự.c có một chùm nhỏ màu tím, rất đẹp.
Làm cho Đường Văn Sinh thì phải suy nghĩ nhiều hơn một chút, trông thì đơn giản nhưng dáng áo rất đẹp. Hơn nữa, dáng người anh lại tốt, khi mặc đến nhà máy, không lâu sau đã tạo ra “công việc làm ăn” cho Phong Ánh Nguyệt.
“Tôi muốn tặng cho một người, lớn tuổi rồi, dáng người khá giống với tôi.” Người nhân viên tạp vụ này đi theo Đường Văn Sinh về nhà, còn ăn một bữa cơm tối ở nhà cô, sau đó nói về chuyện chính.
“Da có đen không?” “Khá giống tôi.” Người nhân viên tạp vụ cười hiền hoà: “Là ông nội của tôi, tôi giống ông đến sáu phần. Tháng sau là ông ấy được bảy mươi tuổi rồi, vợ của tôi không giỏi làm việc này lắm. Tôi thấy chiếc áo len mà kỹ thuật viên Đường mặc đẹp quá nên mặt dày tới đây xin hỏi đồng chí Phong có thể đan cho một ông lão được không.”
“Có yêu cầu gì không ạ?”
“Không có, ông nội tôi thích sự đơn giản.”
Phong Ánh Nguyệt gật đầu, chỉ vào cổ tay của Đường Văn Sinh: “Đan một chữ “Phúc” ở đây được không?”
“Được chứ được chứ.” Người nhân viên tạp vụ gật đầu liên tục.
Cứ thế, Phong Ánh Nguyệt đã bắt đầu thực hiện đơn hàng đầu tiên của mình, đây là bí mật nhỏ của gia đình họ, Nguyên Đản cũng biết là mình không được nói cho người ngoài.
Nó rất thông minh.
Một tuần sau, Đường Văn Sinh giao đồ cho người nhân viên tạp vụ kia, khi trở về còn cầm theo một phong bì màu đỏ.
“Khá dày đấy, anh chưa mở ra xem đâu.”
Cuộn len này là loại tốt nhất, năm hào một cuộn, tổng cộng dùng hết bốn cuộn, chi phí là hai đồng tiền.
Phần còn lại là tiền công, Phong Ánh Nguyệt đã mất năm ngày để làm xong chiếc áo.
Người nhân viên tạp vụ này trả cô tám đồng tám.
Trừ đi hai đồng chi phí, cô lời được sáu đồng tám.
“Vậy một ngày được một đồng ba hào sáu xu đấy, nếu làm trong một tháng thì gần bằng lương của anh rồi.”
Phong Ánh Nguyệt cất tiền đi rồi nói.
Biết cô thích tự kiếm tiền, Đường Văn Sinh chỉ cần cô vui vẻ, miễn là không cảm thấy mệt mỏi là được, anh cũng vui vẻ theo: “Trùng hợp quá, chủ nhiệm Lý muốn tặng một bộ đồ len cho đứa con của một người bạn, sáu tháng, cao khoảng chừng này, to chừng này.”
Anh khoa tay múa chân một lúc.
“Nếu đan được cả vớ thì đan luôn, còn không thì thôi.”
Hai mắt Phong Ánh Nguyệt sáng lên, cô hỏi: “Con trai hay con gái vậy?”
“Con trai.”
Đường Văn Sinh cẩn thận nhắc lại các đặc điểm mà chủ nhiệm Lý đã nói, còn đưa ví dụ: “Ông ấy đã gặp đứa nhỏ của nhà họ Hoàng ở lầu hai, nói là đứa nhỏ kia cũng lớn bằng đó.”
Phong Ánh Nguyệt tự tin ngay.
Vì là trẻ con, nên cô phải chọn len và xử lý đầu sợi cẩn thận hơn nhiều.
Nhưng cô không thể ở nhà đan len mỗi ngày được.
May mà đây không phải là đơn hàng gấp.