48. Sugar daddy
Bài thơ Đồng Ngôn viết trên giấy há có thể giấu được Yên Hồi Nam. Chả chốc anh đã thấy nó trên A Letter, đi kèm với thông báo nhắc nhở ưu tiên:
khi triều dâng lên trong rập rờn linh hồn tôi,
sóng dữ lắng xuống tìm về yên ả,
và tattoo nghiêng ngả sa vào ánh mắt anh.
ôi kẻ mù loà tôi đã trông thấy,
chú hải âu cất cánh bay vụt qua bờ tường.
anh là thuyền, tôi là mái chèo
và trong cơn bão nghiêng đêm đó,
tôi được đắm ở cồn tuyết cao.
Anh nhìn đoạn thơ thứ hai, tâm tưởng hoá ra Đồng Ngôn khăng khăng không cho mình xem là vì vậy. Anh không khỏi nhớ lại đêm mặn nồng đó; nhớ lại cách Đồng Ngôn thả mình nhịp nhàng trên cơ thể anh, dù tuyết có dày cũng chẳng ngăn được sóng vỗ.
Đồng Ngôn lại chẳng hay gì, hắn đương chật vật ăn cho bõ phần cuối cùng của nhà bánh gừng. Quả thật vậy, thời gian càng lâu vị của đường nâu và kem bơ càng trở nên tệ hại. Và gì thì gì, hắn vẫn không nỡ để “Yên-Hồi-Nam” cô đơn chiếc bóng. Nên thể theo lời đề nghị, hắn quyết định xử trí toàn bộ món quà, một mình và không nhận bất kỳ sự trợ giúp của ai, thậm chí cả Free cũng chỉ có đúng mẩu bánh gừng đại diện cho mình.
Những ngày cuối kỳ, họ thường xuyên ra ngoài dùng bữa.
Dưới sự tìm tòi sắp xếp tuyệt đỉnh của Chang, Đồng Ngôn được trải nghiệm kha khá ẩm thực độc lạ mà ba năm nay mình chưa từng phát hiện. Biết làm sao, thành phố này luôn mang đến nhiều điều bất ngờ vậy mà.
Ngoài trời tuyết vẫn không ngớt, Đồng Ngôn ngồi trong nhà hàng chuẩn bị cho bài diễn thuyết sắp tới.
Bàn trống cạnh cửa sổ đón chào hai thực khách mới, một cặp vợ chồng luống tuổi có mái đầu muối tiêu. Họ trao đổi với viên phục vụ rất lâu, lâu đến nỗi Đồng Ngôn cầm lòng chẳng đặng ngước nhìn họ. Qua nội dung cuộc trao đổi, có thể thấy đôi vợ chồng già rất quan tâm đến sức khoẻ của nhau – nào là ông bị gan nhiễm mỡ, phải kiêng cử nhiều món; nào là bà vừa mất toi hai chiếc răng, không thể ăn gì quá cứng.
Nhà hàng này với món bò nướng trứ danh được giới mộ điệu hết mực săn đón, nên khi đọc được sự bất lực của viên phục vụ, họ đã mỉm cười: “Chúng tôi vừa nhận được tờ rơi quảng cáo của nhà hàng đã muốn tới thử. Chàng trai à, không giấu gì cậu, chúng tôi đã cá rằng ai không ăn được sẽ bị phạt bằng chuyện rửa bát.”
Cụ ông cười ngầm: “Này, đừng trông thế mà lầm, mỗi ngày chúng tôi đều cùng nhau rửa bát cả.”
Dù đã cá cược nhưng họ vẫn đưa ra nhiều yêu cầu dài dòng, với cốt đối phương được ăn. Đồng Ngôn nghiêng đầu nhìn họ, môi tủm tỉm mãi. Hai cụ ông cụ bà vẫn âu yếm nhìn nhau dù viên phục vụ đã đi; toàn bộ cửa sổ hình vòm như một khung tranh phối cảnh, đóng lại niềm hạnh phúc của họ tại đây. Ngoài cửa sổ tuyết bay bồng bềnh, hàng thông ven phố phủ một màu bàng bạc.
Đồng Ngôn nghiêng đầu đi, phát hiện Yên Hồi Nam có vẻ nhìn mình rất lâu.
“Sau này chúng ta có thế không,“ hắn lên tiếng trước. “Nhìn tờ rơi một phát là muốn thử ngay. Và dù không ăn được hết, chú vẫn chọn đi cùng em?”
Yên Hồi Nam ra vẻ đăm chiêu. “Anh đành chịu phạt rửa chén thôi vậy.”
Đồng Ngôn cắn bút, cười.
Ngày nghỉ hôm nay trùng hợp là đông chí, Đồng Ngôn quyết định tự mình gói sủi cảo. Nếu thành công, hắn cũng có thể gửi một ít cho Aisa và Hyman trước khi đến London.
Ở Edinburgh tuyết đã rơi nhiều ngày, nhiệt độ theo thế cũng giảm mạnh. Yên Hồi Nam gói hắn lại trong áo khoác dày, nom như quả bánh mì sữa nướng mới ra lò.
Free xào tới xào lui quanh chân họ, cái đuôi to vung vẩy chứng tỏ sự hiện diện của mình. Hồi hôm đưa nó ra ngoài chơi, cách đây mới hai ngày, khi tuyết bắt đầu tan, nó đã lao xuống cái hố (tuyết) được người dân mới dọn gọn. Khốn nỗi bệnh viện thú cưng đóng cửa, Yên Hồi Nam và Đồng Ngôn phải xách Free như than bánh về nhà, rửa ráy hai bận mới trở lại vàng óng.
Nó ngây thơ cho rằng họ sẽ đưa mình đi chơi.
Đồng Ngôn thở dài, buông lời tàn nhẫn: “Hôm nay không dẫn em theo, ngoài phố lạnh lắm.”
Hắn dụ Free đi bằng bóng đồ chơi; và khi Yên Hồi Nam trở lại thay giày, họ bèn cùng nhau ra ngoài. Áo khoác không có túi, Đồng Ngôn đành nắm một ít tiền lẻ trong tay.
Người ngoại quốc không trọng tiết đông chí; sủi cảo đông lạnh ở siêu thị người Hoa đã bán hết, may thay vẫn còn vài gói lá sủi cảo. Đồng Ngôn chọn đồ ăn kèm và mua hai gói lá, vừa vặn dùng hết cọc tiền lẻ nhỏ.
Không có lịch trình gấp rút, hai người thong thả tản bộ về nhà. Và mặc dù Yên Hồi Nam xách túi nhưng Đồng Ngôn vẫn cứ xuýt xoa, hà hơi vào hai tay.
Khi ngang qua một góc phố, Yên Hồi Nam đặt túi giấy lên ghế sắt ngoài quán và bảo em ngồi đây chờ anh.
Anh trở lại rất nhanh với hai cốc giấy lớn: “Của em, trà nóng.”
“Cảm ơn,“ Đồng Ngôn giữ cốc bằng hai tay. Hắn nhìn đăm đăm về một phía, nơi sực nức mùi bơ nướng.
Đồng Ngôn ngượng nghịu nói với Yên Hồi Nam: “Uncle ơi, em muốn ăn bánh mì.” Đoạn hắn xoè nửa lòng bàn tay được giấu trong tay áo ra, lắc qua lắc lại ý em hết tiền rồi.
Em lại thế, lại đáng yêu, cái điệu bộ xin tiền tiêu vặt này ở đâu ra vậy. Yên Hồi Nam nén cười, từ trong túi áo móc ra hai tờ tiền, rồi chả hiểu sao gộp nó với ví đưa cả cho Đồng Ngôn. “Đi mua đi, bạn nhỏ.”
Đồng Ngôn cầm ví chạy lon ton, ủng giẫm lên lớp tuyết mềm trắng đất. Hắn đứng chờ một lúc để lấy mẻ bánh Keluli đầu tiên.
Xa xa nhìn hai cô gái trẻ chẳng biết từ đâu tới cười với Yên Hồi Nam. Hắn thấy anh nói chuyện với mặt mày lạnh tanh, chặp sau hai cô gái buồn xo đi mất.
“Sao thế?” Đồng Ngôn đi tới, trả lại ví cho anh.
Đặt túi giấy lên bàn, Yên Hồi Nam kéo hắn đứng vào giữa hai chân. “Không có gì.”
Đồng Ngôn nhìn anh, vẻ ngờ vực: “Họ nói gì với chú?”
Yên Hồi Nam bật cười, nhướng mi trêu: “Họ hiểu lầm quan hệ của chúng ta, hỏi anh có phải sugar daddy của em không, muốn 'làm thân' với anh.”
Đồng Ngôn ngượng chín mặt. Hắn nhìn Yên Hồi Nam một lượt từ trên xuống dưới, áo khoác cổ đứng dáng dài sẫm màu, giày da, kiểu tóc trưởng thành và phong thái lịch lãm. Rồi hắn nhìn lại mình, ăn vận như học sinh cấp hai, dáng vẻ trẻ con, quấn khăn choàng màu sáng lù xù; chưa kể hành vi ngửa tay xin tiền vừa rồi, có vẻ... không gì đáng ngạc nhiên khi người khác hiểu lầm.
Yên Hồi Nam ôm rịt eo hắn, được dịp thì trêu: “Bạn nhỏ này, em có muốn cân nhắc xem sao không? Anh có thể cho em tất; và em hình như cũng hài lòng về anh, nhất là mặt-kia, nhỉ?“.
||||| Truyện đề cử: Chân Long Chí Tôn Đô Thị |||||
Đồng Ngôn đẩy anh ra như phải bỏng. “Chú có già thế đâu...” theo hắn, cách gọi này nên ám chỉ những gã đàn ông có tuổi.
“Đúng, nên họ nhìn anh như nhìn trúng hàng chất lượng cao; chưa kể anh còn đưa cả ví cho em. Chỉ bằng sự hào phóng này, họ cũng muốn lấy thông tin liên hệ cho kỳ được.”
“Vậy chú nói gì?” Đồng Ngôn giãy không ra thì bỏ cuộc.
“Anh trả lời giống như cách em trả lời,“ Yên Hồi Nam cười. “Dù đó là ai cũng vậy thôi.”
Mùi trà trái cây và bánh ngọt thoảng qua, Đồng Ngôn hôm nay chậm hiểu lạ kỳ.
“Anh bảo với họ em là người tình chưa cưới của anh, là tình yêu duy nhất đời anh.”
Đồng Ngôn nín thở, cười bất giác.
Một giọng nói quen tai vang từ xa đến gần.
“Tong!” Aisa chạy tới, với áo parka nâu đậm và túi rút kẻ sọc đỏ. “Hai người cũng ra ngoài chơi tuyết hả?”
Đồng Ngôn liếc nhìn Yên Hồi Nam, một cái nhìn thoáng qua gói ghém tình tự giữa họ.
“Chúng tôi đi siêu thị,“ hắn trả lời. “Hôm nay là tiết đông chí ở Trung Quốc, tôi định gói sủi cảo. Nghe đồn ai đó thích nhất là sủi cảo?” Đồng Ngôn nhìn Aisa, trông cô có vẻ như đang hò hẹn. “Cậu hangout à? Có muốn đi cùng chúng tôi về nhà chơi không?”
Aisa cười phớ lớ: “Đoán trúng phóc, tôi hangout với Yang! Cậu ấy đang mua bánh cho tôi, đói xỉu rồi.”
Đồng Ngôn bèn đưa Keluli bốc khói trong túi giấy cho cô, “Ăn lót dạ trước nào.”
“À há,“ Aisa nhót một cái, vị chocolate đậm đà. “Vậy tối nay có sủi cảo thật à, tôi đi đó nha!”
“Cậu dẫn Dương Doanh đến cùng đi. Về rồi tôi sẽ báo với Hyman,“ hắn cuộn túi giấy lại, Yên Hồi Nam đưa tay ra cầm giúp.
Dương Doanh xuất hiện ở ngã rẽ với chiếc sandwich kẹp thịt. Cậu thoáng nhìn Yên Hồi Nam trước khi cúi đầu chào Đồng Ngôn: “Đàn anh ạ.”
“Hi,“ Đồng Ngôn cười. “Hôm nay là tiết đông chí, cậu ăn sủi cảo chưa?”
“Chưa ạ,“ Dương Doanh vẫn cúi đầu, không nhìn hắn khi nói. “Hình như mấy cửa hàng món Hoa có bán.”
“Người Anh thường chỉ thích nhân thịt bò, tôi định tự tay làm.” Đồng Ngôn cười, để ý thấy Yên Hồi Nam ôm eo mình. “Cậu và Aisa tối nay sang nhà tôi ăn sủi cảo handmade nhé.”
Nói đoạn, Đồng Ngôn vẫy tay chào và cùng Yên Hồi Nam về chuẩn bị trước.
Aisa và Hyman đến, cũng là lúc Đồng Ngôn đang lấy nhân thịt ướp sẵn trong tủ lạnh ra. Chang cũng được sếp tổng triệu tới, căn hộ nhỏ loáng cái nức tiếng cười.
Năm người lớn và một chú chó, tính kỹ thì có mỗi Đồng Ngôn biết nấu nướng. Họ gói chơi chơi hết hai túi lá, sủi cảo bẹo hình bẹo dạng kiểu quái gì cũng có. Mặt ai cũng dính bột mì.
Aisa có máu điên, quen rồi chẳng cả nể ai hết. Cô cười vào mặt Yên Hồi Nam: “Eo ôi, anh đây là không được rồi nhé, tay nghề còn chẳng bằng một Scottish là tôi nữa!”
Khiếp, tôi thề mình chưa thấy ai trong công ty dám lên mặt với ngài Yên đâu. Chang rúc vào Free mà quên cả sang chấn của mình, âu cũng sợ sếp giận cá chém thớt.
Yên Hồi Nam lại chỉ cười. Anh chưa nói gì mà Đồng Ngôn đã ra mặt bênh chằm chặp: “Có tôi biết gói là được rồi. Lát nữa nấu xong, cái nào bẹo hình bẹo dạng cho mấy cậu ăn.”
Aisa che mặt giả vờ khóc: “Bạn trai không ở đây, mấy người hùa nhau bắt nạt tôi. Hức hức hu hu.”
Đã nhắc Dương Doanh thì không thể không nói. Hyman càu nhàu: “Cậu ta thực sự phải gọi video với nhà mỗi tối hả?”
“Ừa, thật. Vốn dĩ bọn tôi định cùng ghé qua đây ăn sủi cảo nhưng trên đường đi, cậu ấy nhận được điện thoại của mẹ, gọi về ký túc xá.” Aisa trông bất mãn tợn. “Có vẻ kỳ nghỉ này Yang phải về nước. Giáo sư Derian hình như đang tính nhờ cậu ấy đi làm một số việc, tôi cũng chẳng biết Yang có ở lại không nữa. Đương nhiên tôi muốn gặp cậu ấy mỗi ngày rồi.”
Ngay cả Chang, thanh niên mang hai dòng máu, cũng chẳng hiểu nổi tập tục gia đình họ.
“Vậy cậu gói một phần sủi cảo, lát nữa về đưa cho Dương Doanh đi.” Đồng Ngôn nói bằng tiếng mẹ đẻ. “Ăn sủi cảo trong tiết đông chí sẽ không bị tê tai.”
“Đây là truyền thuyết gì của người Hoa nữa vậy?” Hyman tò mò.
Dưới cái nhìn của Yên Hồi Nam, Chang hắng giọng kể lại một cách sống động truyền thuyết về thánh y nổi tiếng Trương Trọng Cảnh cho hai người bạn nước ngoài.
Sủi cảo được nấu chín thơm nức, có lẽ vì tham gia vào quá trình gói nên họ cực kỳ có cảm giác thành tựu. Năm người chén cả nồi to; phần còn lại chia đều cho Hyman và Aisa mang về, với lời chúc một năm mới may mắn cho gia đình.
Sau bữa tối, Chang và Yên Hồi Nam chủ động nhận việc rửa bát; khi trở về thấy họ đã gàu sòng.
Chang ngả ngồi xuống ghế, kiểu như sống không còn luyến tiếc. Họ vô tri nhưng y sao có thể không biết trình độ poker của sếp tổng nhà mình?
Đồng Ngôn không rành chuyện bài bạc, thua rất sớm. Hắn ngồi bên cạnh xem Yên Hồi Nam sát phạt; và người thua thứ hai không ai khác là Aisa, cô bị phạt uống một ly.
Aisa lẻn vào bếp cùng Đồng Ngôn, hỏi: “Cậu dùng cái tôi đưa chưa?”
“Rồi...” Đồng Ngôn không có ý giấu cô, dù sao hắn cũng chưa từng mua thứ này. “Sao cậu biết kích thước của anh ấy?”
Aisa ngoảnh đầu lại, chọc cái móng hồng pastel vào trán hắn: “Chàng ngốc của tôi ơi, vừa nhìn đã biết anh ta phải dùng cỡ lớn nhất.”
Lời tác giả:
Cùng với chương 46, tôi mạn phép phân tích bài thơ của Đồng Ngôn:
“Kẻ mù loà” ám chỉ đôi mắt nhoè đi, nhìn gì cũng không rõ, thấy mỗi chú hải âu phản chiếu trên bờ tường.
“Anh là thuyền, tôi là mái chèo” ám chỉ một-tư-thế.
Về phần “đắm ở cồn tuyết cao”, chắc chắn không phải nói đến tuyết rơi ngoài cửa sổ.
Nguồn gốc tại sao ăn sủi cảo trong tiết đông chí sẽ không bị lạnh tai: Nó nhằm tưởng nhớ thánh y Trương Trọng Cảnh, người đã phát minh ra Khư hàn kiều nhĩ thang và phân phát “kiều nhĩ” cho người nghèo trong tiết đông chí.