57. Mẹ
Yên Hồi Nam bật đèn lên, một vầng sáng màu vàng ấm phủ lên mọi chỗ. Anh cười nhẹ, giọng nói trong vắt của bạn nhỏ như còn quanh quẩn đâu đây; và khi nghe tiếng điện thoại đổ chuông, anh vẫn đinh ninh đêm nay sẽ là một đêm giao thừa viên mãn.
Nhưng cái anh nhận được là tiếng còi xe cứu thương, tiếng gió phều phào lúc rạng sáng, tiếng người ồn ào nói chuyện, cùng với điều khiến anh lo nhất, tiếng khóc rấm rứt của Đồng Ngôn.
Cậu trai đầy sức sống cách đây một giờ ôm hôn anh như rơi thụp xuống mặt sông đóng băng, buồn tẻ, trống rỗng và vô hồn. “Em và cha cãi nhau... Phải đến bệnh viện. Chị em bất tỉnh,“ Đồng Ngôn khóc hoảng. “Bảo Văn Phong về đây. Nhanh lên.”
Cuộc gọi ngắt tại đấy, Yên Hồi Nam thậm chí không kịp an ủi hắn. Nhưng hiện thực bẽ bàng chẳng cho anh thời gian suy nghĩ, Văn Phong vừa nhận được tin nhắn không đầu không đuôi của Đồng Ngôn đã gọi thẳng tới. “Này, có chuyện gì vậy? Tôi đang trên đường ra sân bay, điện thoại của bạn nhỏ nhà cậu không liên lạc được.” Văn Phong đánh tay lái, chân đạp ga lút cán.
“Cô Đồng bất tỉnh. Họ chắc đang trên xe cứu thương,“ Yên Hồi Nam cũng lo không kém gì gã. Anh đứng ngây người trong phòng khách hai giây mới sực nhớ tìm chìa khoá lấy quần áo. “Đang lái xe đừng gọi điện thoại, hạ cánh rồi liên hệ sau. Có chuyện gì tôi báo cho cậu.”
“Ừ...” Văn Phong do dự, giọng khàn đi trông thấy. “Chuyện xảy ra quá đột ngột, tôi chưa chuẩn bị gì cả. Chuyến bay ít nhất cũng phải mất mười tiếng, khi nào rảnh sắp xếp giúp tôi ít quà, hạ cánh rồi tôi đến thẳng bệnh viện gặp cha cô ấy.”
“Được rồi, đừng lo quá.” Yên Hồi Nam cúp điện thoại, giao việc chuẩn bị quà cho trợ lý.
Kỳ thật anh chẳng suy nghĩ được gì, lo lắng chiếm phần hơn và đã choán đầy tâm trí. Anh đang nghĩ đến trạng thái hiện tại của Đồng Ngôn, trông em có vẻ rất mệt, như một tờ giấy mỏng bị gió thổi phấp phới không có điểm tựa. Yên Hồi Nam đoán hắn đang rối, không muốn nói chuyện, bèn lục số điện thoại của trợ lý ngài Đồng mà trước đó từng lưu, rồi sau bao nhiêu vất vả mới lấy được địa chỉ cụ thể của bệnh viện. Anh chuyển tiếp tin nhắn này cho Văn Phong, người đang check-in ở sân bay. Gã cũng vội vàng trả lời một tiếng OK trước khi tắt máy.
Bệnh viện.
Đồng Ngôn bồn chồn không yên. Mùi thuốc khử trùng, tiếng máy móc và tiếng bánh xe kim loại của cáng cấp cứu thảy khiến hắn hoảng loạn và khó chịu.
Sau những đợt kiểm tra phức tạp, bác sĩ cuối cùng ra kết luận Đồng Cẩn không gặp vấn đề gì mà chỉ ngất xỉu do tâm trạng lên xuống quá dữ dội.
Đứng sững ngoài phòng bệnh, Đồng Ngôn đưa mắt nhìn vào trong qua tấm kính trong suốt. Hắn bàng hoàng như nhìn thấy mẹ, người phụ nữ dịu dàng mình chưa từng gặp, đương nằm trên giường bệnh trong biết bao đau đớn và kiệt sức.
Đồng Sĩ Hoa mặt mày xám xịt, vết chân chim ở mắt làm ông trông có vẻ già nua. Ông khom lưng ngồi trên ghế cao su ngoài cửa, đó là dáng vẻ rệu rã Đồng Ngôn chưa từng gặp.
Ông ngước nhìn hắn rồi gọi y tá trực: “Băng bó cho cậu này nữa.”
Đồng Ngôn cúi nhìn theo mắt ông, thấy lòng bàn tay mình đang nhỏ máu.
Nơi được cồn sát trùng rất đau, nhưng cơ thể hắn chẳng còn sức chống đỡ nên cảm giác đau cũng bị đày ải cho ra rìa. Lòng bàn tay được quấn bằng nhiều lớp gạc, vết rách trên đó đã thôi rướm máu, nó chẳng đau chẳng ngứa so với những gì đang giày vò tinh thần hắn.
Hắn ngồi xuống cạnh Đồng Sĩ Hoa. Bệnh viện vào rạng sáng thông thống im lặng, nom như cái hộp lạnh lẽo chứa chất mọi niềm vui nỗi buồn trên thế giới. Nhưng vui buồn, điều gì mới quan trọng hơn đây? Đồng Ngôn nghĩ suy.
Chú Lưu ra ngoài mua vật dụng cần thiết cho nhập viện; bác Tú cũng đã về chuẩn bị bữa sáng; chỉ còn lại hai cha con ngồi trong hành lang, nơi trữ đầy những kỷ niệm buồn, đối mặt với bức tường trắng và tấm rèm xanh nhợt nhạt. Thông tin bệnh viện được in trên hàng ghế đối diện; Đồng Ngôn sực nhớ mình sinh ra ở viện này, và hai ngày sau mẹ cũng qua đời ở đấy.
“Làm cha quả không dễ như mình tưởng,“ Đồng Sĩ Hoa hốt nhiên lên tiếng, phá vỡ sự yên tĩnh chết chóc của buổi sớm. Giọng ông khàn khàn, chẳng còn đâu vẻ gia trưởng, có lẽ ông cũng đang tự hỏi liệu mình có chăng đã sai từ đầu rồi không. “Những năm qua cha dạy con nghiêm khắc nhưng hôm nay, cha phát hiện, cha chưa từng thực sự hiểu hai chị em con.” Dựa vào thông tin có được từ bên kia đại dương, dựa vào cách chúng ta tương tác hàng ngày, cha cứ ngỡ mình hiểu hai chị em nhưng sau tất cả, chúng ta chưa bao giờ ngồi xuống nói chuyện một cách đường hoàng, để rồi thành ra nông nỗi này.
Đồng Ngôn bướng bỉnh nhìn ông, cố tìm kiếm sự hối hận thấp thoáng nơi mắt.
“Sức khoẻ mẹ con luôn không tốt; khi đến bệnh viện khám, bác sĩ đã nói rất nghiêm túc rằng cơ thể bà ấy không đủ sức sinh ra con. Nhưng dù vậy, mẹ con chẳng thèm liếc mắt nhìn đơn xin phá thai; sau đó bà ấy nhét vội vào đâu, thật ra cha cũng không biết,“ ông nói khẽ. “Cha mẹ nghe theo lời khuyên của bác sĩ, nhập viện rất sớm; rồi có một khoảng thời gian bà ấy chẳng ăn được gì, gần như phải truyền dịch dinh dưỡng suốt. Cha thực sự không đành lòng, con hiểu không? Cha đã nhận một tờ đơn khác từ bác sĩ, muốn mẹ con ký vào đó. Vậy nên Đồng Ngôn,“ ông quay đầu lại, sự nghiêm nghị loáng cái vỡ vụn. Đồng Ngôn nhận được lời xin lỗi mà mình muốn.
Đồng Sĩ Hoa nhìn hắn, rất khó để phân rõ trắng đen phải trái về chủ đề này. “Là cha đề xuất muốn bỏ con, chứ không phải bà ấy. Mẹ con và cha cãi nhau rất to. Bà ấy còn xé cả tờ đơn, nghiêm cấm không cho cha động vào. Bảo...” ông nuốt nước bọt. “Dù sau khi vào phòng phẫu thuật đối mặt với lựa chọn một trong hai, bà ấy cũng bảo cha nhất định phải chọn con. Rồi khi mẹ tròn con vuông, bà ấy được đẩy ra ngoài, cha thực sự tin rằng ông trời đã phù hộ cho gia đình mình.” Đồng Sĩ Hoa cau mày, mắt cay sè. “Nhưng vận may này kéo dài vỏn vẹn hai ngày. Hai ngày đó tình trạng của mẹ con nằm ở ngưỡng bấp bênh, cha không dám ngủ, sợ một mai mở mắt mẹ con đã bỏ cha đi.”
“Cha không tài nào có thể tha thứ cho mình, con ạ. Vì sao vậy, vì sao biết mẹ con không cáng đáng nổi mà vẫn nghe theo quyết định của bà? Cha cũng không muốn bỏ con, con là con của cha mà...” ông thở dài. “Nhưng Đồng Ngôn, mẹ con đi trong niềm hạnh phúc dạt dào, mẹ con vẫn luôn cười. Cha sẽ luôn nhớ bà ấy đã nhẹ nhõm như thế nào khi nói, 'may thật, sống được thêm hai ngày'. Con biết không, đó là hai ngày mà bà ấy cố cắn răng cầm cự đấy.”
“Vậy tại sao...” nước mắt chảy xuống như sợi chỉ đứt, Đồng Ngôn nếm được vị mặn của nước biển khát. Giấc mơ trở thành sự thật, hắn bật khóc nức nở. “Sao cha không cho con gặp mẹ?”
Đồng Sĩ Hoa siết hai gối, không còn là một người cha có thể gánh vác gia đình nữa mà trông giống một người đàn ông đau khổ khi đối mặt với cái chết của vợ mình hai mươi mốt năm trước. “Mỗi ngày mẹ con nằm viện, là một ngày mẹ lại cầu nguyện cho con. Bà ấy nguyện con được khoẻ mạnh; cũng mong rằng trên hành trình trưởng thành con sẽ luôn được hạnh phúc, thay vì hàng năm nghĩ đến mẹ vào dịp sinh nhật.” Đồng Sĩ Hoa nhắm mắt lại, lệ chảy xuống cho người vợ quá cố. “Hai ngày bà ấy cắn răng cầm cự trong bệnh viện đều là vì con, để con có thể vui vẻ trôi qua mỗi một tuổi.”
Hoá ra... Hoá ra hắn khoẻ mạnh lớn lên không phải vì đã đánh đổi bằng mạng sống của mẹ mà là điều may mắn mẹ đã nghìn lần cầu nguyện cho hắn. Đồng Ngôn bật ra tiếng gầm nhẹ, biển trong cơ thể dao động kịch liệt và có xu hướng tràn ra ngoài hốc mắt bất chấp hậu quả.
Và trong tầm mắt nhoè dần, hắn trông thấy một bóng dáng thân thuộc đang chạy về phía mình với vẻ xốc xếch ít khi. Ở giây phút sắp mất đi điểm tựa, Đồng Ngôn nghĩ: Mình đã cập bến. Mình sẽ không khô cạn nữa.
Đêm hôm đó, biển trong cơ thể Đồng Ngôn gần như cạn kiệt; sương sớm khắp người Yên Hồi Nam cũng phải bốc hơi trong nước mắt nóng hổi. Anh mượn phòng nghỉ và bồng đứa trẻ đang khóc lặng lẽ vào trong. Đồng Ngôn khóc đến không thở được, dăm lần bị ngạt thở, vệt áo nhăn hằn sâu ở ngực và lưng.
Đồng Ngôn khóc, khóc cho tia ban mai đầu tiên của năm mới ló dạng. “Em nhớ mẹ...” hắn vùi trong hõm cổ Yên Hồi Nam, ngửi mùi hương của anh.
Yên Hồi Nam dang cánh tay tê cứng ra, vừa ôm vừa vỗ về tấm lưng đơn bạc nọ. Anh muốn xem Đồng Ngôn như thế nào rồi.
“Đừng nhìn... xấu lắm,“ như con sóc nhút nhát trong công viên, hắn muốn giấu đi khuôn mặt lem nhem và nỗi đau đớn của mình.
Yên Hồi Nam đành phải không ngừng vỗ hắn, dỗ dành hắn: “Ngủ một chút thôi nào em.”
Đồng Ngôn lắc đầu; vốn đã chẳng ngủ được, lời Đồng Sĩ Hoa nói lại còn vang vọng từng tiếng trong đầu hắn: Mẹ con bảo, đừng đưa con đi gặp bà ấy. Đồng Ngôn à, đôi khi nhìn thấy hai chị em con, cha bỗng dưng sẽ sợ, sợ mình không bảo vệ được con, sợ một mai con sẽ bỏ cha mà đi, giống như cách bà ấy đã từng. Cha sắp xếp cho mỗi đứa một con đường, vì đó là an toàn nhất, ít xảy ra sai sót nhất. Cha đã mất đi bà ấy, cha không thể mất thêm hai người nữa...
“Ngôn Ngôn,“ Yên Hồi Nam gọi.
Đồng Ngôn dứt mình ra khỏi những điều ấy, đáp lại anh: “Ừm?”
“Tay có đau không?” Yên Hồi Nam nắm nhẹ tay hắn. Miếng gạc thấm máu, trông có vẻ gai mắt.
Đồng Ngôn lắc đầu, trán cọ vào cằm anh. “Chú định khẽ tay em à?”
“Anh không,“ Yên Hồi Nam nói. “Em là bạn nhỏ ngoan nhất trên đời.”
Mũi cay cay, nhưng Đồng Ngôn không còn nước mắt để rơi nữa. Hắn dụi mày dụi mặt, rồi lấy hết dũng khí ngẩng đầu nhìn Yên Hồi Nam dù hiệu quả chẳng đáng kể.
Yếu đuối và chật vật trong chính nỗi đau của mình, hắn với cặp mắt sưng húp trông tội nghiệp như con vật nhỏ đã phải kinh qua rất nhiều gian truân khổ sở. Song, Yên Hồi Nam chẳng nói gì, cũng chẳng tuôn ra những lời an ủi sáo rỗng hay những chỉ trích đau lòng. Anh lặng thinh lấy bông gòn và nước ấm, cẩn thận lau qua rồi đắp lên mắt hắn.
Anh dẫn Đồng Ngôn ra khỏi phòng nghỉ vào lúc mặt trời mọc.
Đồng Cẩn đã tỉnh. Văn Phong xấc bấc xang bang chạy tới, chẳng có thời gian gặp họ, chỉ kịp cúi người thật sâu với Đồng Sĩ Hoa. Đồng Ngôn bèn nắm tay Yên Hồi Nam, nói với ông: “Văn Phong là một người tử tế, đối xử với chị rất chân thành, rất tốt. Cha vốn không nên nói như vậy với chị ấy.”
Đồng Sĩ Hoa nhìn đôi tình nhân trẻ trong phòng, tuồng như thông qua đó có thể thấy được bóng dáng người vợ Tào Khang và một chính mình khác. Ông thở dài: “Nhà họ Tôn dồn ép, và cha cũng chỉ muốn Tiểu Cẩn đi gặp nó một lần. Có bao giờ cha thực sự ép hai chị em con? Con muốn ra nước ngoài, cha cũng đâu ép con ở lại.”
Họ im lặng. Sau một đêm trải lòng, cả hai thảy không biết phải đối mặt với nhau như thế nào.
Yên Hồi Nam ân cần sắp xếp: “Ngài Đồng, tôi xin phép đưa Ngôn Ngôn về nghỉ ngơi trước. Ngài cũng bận rộn cả đêm rồi, nên về chợp mắt một lúc. Văn Phong là bạn của tôi, cậu ấy có thể chăm sóc cô Đồng. Mong ngài đừng lo.”
Đồng Sĩ Hoa vẫy tay, được một lúc thì kêu Đồng Ngôn lại. “Ngôn Ngôn,“ ông gọi theo một cách đã lâu chưa gọi. “Trước khi về Anh, hãy đến gặp mẹ con đi.”
Lời tác giả (được viết ở phần bình luận): Không có ý định kể khổ hay minh oan cho Đồng Sĩ Hoa, cha của Ngôn Ngôn. Như một số độc giả nói, nếu vấn đề này vẫn không làm rõ ràng thì mọi chuyện ắt sẽ phát triển theo chiều hướng xấu nhất; tôi chỉ viết ra một cái kết viên mãn nhất trong hàng nghìn hàng vạn cái kết. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh - trải nghiệm cá nhân sẽ khiến mỗi chúng ta có những cảm nhận và lý giải khác nhau về bậc làm cha làm mẹ, và dù tốt hay xấu, nó vẫn thuộc về chuyện giữa người với người; ta sẽ luôn tìm những cái cớ hợp lý để tha thứ cho những gì mình từng làm, đặc biệt là đối với những cá nhân thường khó hoà hợp như vậy. Về gia đình gốc, trên thực tế, chừng như không có giải pháp nào khác ngoài sự tha thứ. Nỗi đau vẫn còn đó, nhưng tôi thầm mong rằng khi nói về nó, người cha cũng có thể hiểu được (có vẻ do tôi triển khai chưa tốt). Những điều trên chỉ thể hiện quan điểm của tác giả; tết đến nơi rồi, mọi người hãy đọc nó trong vui vẻ, xin đừng bác bỏ tôi bằng những lời lẽ cay đắng. Chúc cả nhà an vui hạnh phúc.