Biển Khát

Chương 6


6. No taboos

Đêm. London, phía tây Zone 1.

Mayfair phồn vinh, phố xá nhộn nhịp và sông Thames lặng lẽ chảy bên ngoài dãy cửa sổ sát đất.

Yên Hồi Nam ngồi trên sofa gần cửa sổ, lơ đãng nghe cấp dưới báo cáo công việc. Tấm bưu thiếp be bé được đặt cạnh bàn, thảng hoặc, anh sẽ nhìn nó và mường tượng lại khung cảnh đêm ấy.

Ổ khoá điện tử kêu lách cách. Dãy công tắc được ấn mở, căn phòng lập tức sáng choang.

Văn Phong giật mình. Miệng ngậm thuốc, tay xách túi lớn túi nhỏ, bộ comple màu đỏ rượu nồng nặc mùi nước hoa. Nhìn một cái biết ngay, gã vừa dứt mình ra khỏi nơi ngập ngụa son phấn. "Tôi cứ tưởng cậu về nước luôn cơ. Sao tự dưng đến chỗ tôi?"

Yên Hồi Nam cúp điện thoại cấp dưới, nhìn gã: "Nơi này view đẹp."

"Sao, muốn làm một căn à? Toà này của tôi kín chỗ rồi. Cậu cũng biết bọn người Anh giàu thế nào mà. Tôi nghe nói dự án sắp mở giai đoạn hai, có cần tôi giúp cậu để mắt chút không?"

Yên Hồi Nam nheo mắt lại, trầm tư.

Đặt túi giấy lên bàn, Văn Phong đứng thẳng người rít một hơi thuốc dài. Hai ông bà già nhà gã suốt ngày đóng đô ở Anh, không xem triển lãm cũng đi tiệc trà, ngày càng giống bọn tư bản mũi lõ. Chơi cho đã vốn mới nhớ, ồ, mình vẫn còn cậu con trai em/ anh ạ; và giờ thì chạy đông chạy tây lo chuyện hôn nhân hộ gã.

Gã ôm sắc lệnh đi dự một bữa tiệc tối và ôi thôi, toàn là những cô nàng đang độ mơn mởn mà mẹ tìm được trong giới thượng lưu. Đây đó là thiên kim tiểu thư, trâm anh thế phiệt. Đây đó là doanh nhân. Đây đó là đại minh tinh trong làng giải trí. Chẳng thiếu một ai.

Vài cô cởi mở sống thoáng, cười ngả cười nghiêng sà vào lòng gã. Này, trông tôi dễ dãi lắm chắc!

"Ăn gì chưa, tới đây làm một chút đi." Văn Phong ngồi phịch xuống sofa, đẩy mở hai cúc áo đầu.

Ngửi được mùi son, Yên Hồi Nam nhướng mày trêu.

Hai thằng họ xem như anh em nối khố. Nhưng Văn Phong từ nhỏ đã học cách "đánh dấu bản đồ" từ cha là nhà địa chất học, có vài năm hai người thường chỉ liên hệ qua WeChat. Ngày gặp lại ở trường đại học, Văn Phong nói con mẹ nó trời ơi, nhà cậu phá sản hả. Đó cũng là năm Yên Hồi Nam mâu thuẫn với nhà họ Yên và dần tách ra xây dựng sự nghiệp. Văn Phong rất thường giúp đỡ anh. Tốt nghiệp rồi, gã sang Anh lập một trang mạng xã hội; công ty của Yên Hồi Nam cũng đến lúc lên sàn. Anh giúp gã quảng bá nên cả hai thường xuyên liên lạc làm ăn với nhau hơn.

Giữa bạn bè, chỉ cần một ánh mắt tôi cũng biết cậu đương nghĩ gì. Văn Phong giải thích: "Không phải cái cậu đang nghĩ đâu."

Yên Hồi Nam cứ nhìn gã đăm đăm.

Văn Phong trợn mắt: "Này này, tôi không thích phụ nữ nước ngoài. Gánh còng lưng đấy, cho xin đi."

Nước ngoài với chả nước mình, tôi cũng không rảnh quan tâm cậu thích phụ nữ nước nào. Yên Hồi Nam mở hộp càng cua tuyết ra, thủng thẳng: "Đừng đòi hỏi cao quá."

"Im hộ tôi cái," Văn Phong giơ tay lên. "Tôi biết cậu sắp kết hôn, không cần khoe. Thế nào, cậu gặp được chưa?" Gã lảng đi.

Nhắc đến Đồng Ngôn, Yên Hồi Nam trông tươi tỉnh hơn. "Gặp rồi," anh nghĩ ngợi. "Khác hẳn hồi bé."

Văn Phong từng xem ảnh của Đồng Ngôn. Từ trạng thái bạn mình gã biết anh nhất định rất hài lòng. "Đã hơn mười năm còn gì? Em bé cũng phải đến lúc trưởng thành."



Yên Hồi Nam cười. Em bé này vẫn chưa chịu lớn, so với mười năm trước, em của hiện tại càng giống một bạn nhỏ vô tư. Âu có lẽ vì tâm thế đã khác.

Văn Phong than thở: "Cậu đó, quá khô khan, giống hệt quỷ robot chỉ biết lập trình. Ai ngờ cũng có một ngày cổ thụ nở hoa."

Yên Hồi Nam cười khẩy: "Vẫn còn tốt hơn cậu, chưa biết mùi hoa nở là gì."

"Đàn ông ba mươi được ví như một nhành hoa đấy! Cậu sắp bước vào phần mộ của hôn nhân. Còn tôi, vẫn là đoá hoa thu hút ong bướm."

Yên Hồi Nam nhíu mày: "Tôi thực sự rất quan ngại cho tương lai trang web văn học của cậu."

Tầm nửa năm trước, Văn Phong, một gã thô kệch không có tài văn chương, đã bất chợt thành lập một blog văn học. Cả chính Yên Hồi Nam cũng không lạc quan về dự án này. Vì thứ nhất, tính cá biệt quá kém, phần mềm xã hội nào cũng có thể tương thích với văn học thi ca; thứ hai, lượng người dùng có hạn và các thể loại như thơ hay văn xuôi vẫn là chủ đề thuộc về tiểu chúng. Nhưng không biết sao Văn Phong rất háo hức kêu gọi đầu tư (chủ yếu từ mạng lưới gia đình), và cũng xui rủi thế nào trang web này nhận được rất nhiều lượt truy cập và sự ủng hộ.

"Web nhà tôi vẫn ổn," tháo găng tay dùng một lần ra, Văn Phong bật điện thoại đưa cho Yên Hồi Nam. Gã vỗ ngực tự hào. "Cậu tưởng tôi ngày nào cũng dự tiệc chỉ cốt làm vui lòng hai ông bà già đấy hả?"

Yên Hồi Nam nhìn lướt qua. Tên miền là A Letter, với giao diện rất đơn giản gồm các bài blog được hiển thị dưới dạng chữ viết tay, mỗi lần nhấp vào sẽ có hiệu ứng mở thư, cách thiết kế đánh vào trải nghiệm người dùng. Nhưng điều khiến Văn Phong tự hào là tỷ lệ click và số người đăng ký trên trang nhiều hơn những gì họ, cụ thể là Yên Hồi Nam, mong đợi.

"Đưa đẩy với những ngôi sao hạng A đó là vì tôi muốn mượn danh tiếng của họ để quảng bá cho mình," Văn Phong trông như đang xả thân vì nghĩa.

Yên Hồi Nam tháo găng tay cầm điện thoại, toan đưa ra một số gợi ý mang tính xây dựng. Anh vuốt màn hình xuống làm mới trang, những bài blog mới nhất hiển thị dần trên trang chủ.

Lượng tim màu đỏ ngày càng tăng.

Tác giả tên là No Taboos. Yên Hồi Nam sững lại khi mở lá thư trên trang, những con chữ bất quy tắc trên bản thảo được sắp xếp và tổ hợp thành câu hoàn chỉnh đặt ngay trước mắt.

Văn Phong thò đầu qua. "À, anh chàng này đó hả. Cậu ta rất nổi tiếng trên trang web của tôi. Để xem nào... Ừ, gần như đăng ký ngay khi mới bắt đầu thành lập. Tôi có tổ chức một cuộc thi viết thơ trực tuyến, cậu ta còn là người giành được giải nhất đấy," gã dừng lại. "Nhưng..."

"Nhưng cái gì?"

Sao cậu đột nhiên nhiệt tình vậy. Văn Phong từng lắm lần đề cập kế hoạch này với Yên Hồi Nam. Song, lần nào cũng như lần nấy, chẳng thu hút được bao nhiêu sự chú ý của anh. "Nhưng lạ thật, cậu ta không cần tiền thưởng. Tuy chẳng là gì nhưng cậu ta nhắn riêng tôi, nói mong anh hãy quyên góp số tiền này cho quỹ từ thiện."

Yên Hồi Nam bấm vào ảnh đại diện của tác giả. Biển đêm xanh một màu tĩnh lặng, cùng chàng thi sĩ tóc vàng ngồi trên bãi bồi quay lưng về phía ống kính. Người ướt rượt, tóc miên man bay theo gió, chiếc sơ mi mỏng tang không che nổi tấm lưng gầy gò trắng nhợt dưới đèn flash.

Tiểu sử ghi "No taboos. No rules". Không có điều cấm kỵ, không có những quy tắc.

Có rất ít chuyến bay nội địa từ Edinburgh và dẫu có, cũng giới hạn chỉ vài chuyến trong ngày. Hầu hết mọi người sẽ chọn di chuyển từ khu vực khác. Như Đồng Ngôn, bay thẳng đến London và sau đó đi LNER đến thủ đô Scotland. Nhưng đó là Đồng Ngôn, không phải Đồng Sĩ Hoa. Bỏ lơ cảm xúc của con cái, bằng bất cứ giá nào cũng phải đưa về nước càng sớm càng tốt, đó mới là phong cách làm việc của ông.

Một chiếc sơ mi trắng đơn sơ phối với túi vải trơn màu sáng là tất cả những gì Đồng Ngôn mang theo. Mái tóc vàng trở lại với vẻ vốn có. Những lọn xoăn giã từ dưới bàn tay của Aisa. Hắn của bây giờ không khác gì lần đầu ra nước ngoài ba năm trước.

Đồng Ngôn nhắm mắt tựa vào ghế chờ thông báo. Hắn đánh một giấc rất dài sau khi Aisa đi, để rồi lúc tỉnh dậy, hắn phải bắt đầu tập làm quen với một phiên bản cũ của mình trong gương. Hắn từng cho rằng việc này khó mà làm được nhưng khi ngày đó đến, hắn thấy mình bình tĩnh hơn trong tưởng tượng nhiều.

Hắn lại cắn móng tay. Những cái xước măng rô thật dễ khiến người ta bức bối. Hắn kéo toạc nó ra, cho biển mình thấm máu.



Hắn thơ thẩn nhìn trông chỗ khác. Sáng ra cửa sổ mờ sương, hôm nay vẫn là một ngày nhiều mây đây.

Điện thoại kêu trong túi. Đồng Ngôn kệ quách nó, xin lỗi, giờ anh không có hứng chơi với mày. Lên máy bay, khi phải tắt nguồn, hắn mới xem sơ qua mục thông báo. Bài viết hắn đăng trên blog tối qua đã thống trị trang chủ; lượt thích đã phá kỷ lục, đạt một tầm cao mới.

Mười giờ trên không. Hắn khởi hành từ Edinburgh vào bình minh, hơn tám giờ tối thì đặt chân tại thủ đô của một nước khác.

Hắn ngủ li bì, và hậu quả toàn thân đâu đâu cũng nhức. Cái sự bức bối này tràn lan quá rồi đấy.

Chú Lưu nhỏ đứng ngoài ga đến vẫy tay với hắn. Chú là chứng nhân cho con đường trưởng thành của hắn, cũng là "phụ huynh" trong mười hai năm đời học sinh của Đồng Ngôn.

Hắn quý chú, nên hắn không ngại vẽ cho mình nụ cười tươi nhất. Hắn chạy ào tới và ngạc nhiên thay, cửa sổ ghế sau hạ xuống, hắn va vào một đôi mắt hấp háy cười.

Đồng Ngôn sửng sốt, chạy vội lên xe. "Chị!"

Chú Lưu nhỏ viện cớ đi làm thủ tục, để chị em họ có thời gian chuyện trò đôi chút.

Đồng Cẩn xoa đầu em mình, trìu mến: "Nhuộm lại rồi à."

Đồng Ngôn ôm ghì lấy cô. Đầu gật gật, môi mím mím.

Cái nóng mùa hè ở Bắc Kinh đầu thu hãy còn vương vấn. Gió đêm than thở tiếng thê lương, mà Đồng Cẩn vẫn phải gói mình trong áo len mỏng và lớp thun dày cộp. Mùa ở Đồng Cẩn đã vào cuối thu.

Hắn nâng cửa sổ xe lên.

Hai chị em họ cách nhau năm tuổi. Vẻ ngoài thoạt nhìn như nhau, là tổng hoà các ưu điểm của cha mẹ. Nhưng Đồng Cẩn trông thiếu sức sống, nước da còn trắng hơn cả Đồng Ngôn – là màu trắng của quanh năm không phơi nắng, là màu trắng bợt của người bệnh lâu ngày. Giọng cô thỏ thẻ, cách cô nói từ tốn, khiến người khác không dám quá nặng lời.

Đồng Cẩn cúi nhìn tay hắn, hờn mát: "Lớn già đầu mà còn cắn móng tay. Em xem đi, chảy máu hết rồi."

Máu đã khô, đọng thành vệt đỏ sậm trên những ngón thuôn dài.

Hắn đánh trống lảng, bằng cách mở chiếc túi vải đầy ứ quà lưu niệm dành cho Đồng Cẩn. Đồ trang trí theo phong cách xứ Scot, vòng cổ kiểu dân tộc, một chiếc mũ nồi trang nhã và khăn choàng sa tanh màu yển nguyệt. Hắn kể cho cô nghe những mẩu chuyện thú vị khi mua quà, thi thoảng còn cằn nhằn chị không biết em cực khổ thế nào mới tìm thấy hoạ tiết Tartan màu hồng ở Scotland đâu.

Hắn thở dài thượt: "Chị này, nếu chị có thể đi cùng em thì tốt quá. Ở đó đẹp lắm."

Xin lỗi vì chị không thể hứa. Cô cười mỉm.

Chú Lưu trở lại xe, Đồng Ngôn biếu quà cho chú. Ba năm không gặp mà vết chân chim nay đã đậm hơn rồi.

Hắn tự hỏi liệu Đồng Sĩ Hoa có thay đổi gì chăng, tiện đà cũng nghĩ đến lý do cho "chuyến về quê" của mình.

Xe lăn bánh. Bầu không khí như tiếng gió ban nãy, nặng nề thê lương.

Đồng Ngôn lại gần cô, hỏi khẽ: "Chị đã gặp anh ta chưa?"