Cha Dượng

Chương 32


Bầy ve đã chào mùa râm ran trên cây phượng vĩ mà tôi thì không có ngày nào thảnh thơi để hưởng hè. Thi cuối kì đã qua, lễ tổng kết năm học cũng chóng vánh, đám học sinh lại phải tất bật hơn chuẩn bị cho kì đại học. Thứ năm, bác sĩ Vinh ghé qua nhà phụ tôi dọn đồ đi. Người chủ xe ba gác cùng ông tới là một người bạn lúc còn học cấp ba, cốt cách bình dân, áo quần bình dị, chú ta hay dùng khẩu ngữ chất phác của tây nam bộ nói chuyện và nhiều lúc nhìn tôi bằng ánh mắt ấm áp hiền lành của một người tuy không giàu về tiền bạc nhưng giàu tình người.

Bác sĩ Vinh và chú ta, một lùn một cao khập khiễng khiêng cái học từ phòng tôi ra ngoài đặt lên xe ba gác. Mẹ đứng tựa người bên lề cửa, khoanh tay nhìn hai người họ mồ hôi nhễ nhại, chậc nói:

- Mấy cái loại bàn học bằng ván ép vừa nhẹ vừa rẻ, bên đó cũng gần chợ, sẵn mua một cái đỡ tốn công không!

Ba đi vào trong, tay vuốt mồ hôi trên trán, đá mắt qua tôi đang ngồi ở phòng khách thu dọn đồ linh tinh của mình vào thùng các-tông, thở nói:

- Con trai em đòi chứ ai? Nó nói nó xài bàn này mấy năm nên quen rồi! Mà nói chứ cái bàn gì mà nặng dữ!

Mẹ chau mày.

- Bàn nào thì cũng là bàn thôi, có gì quen với không quen? Mà...thôi sao cũng được, nó muốn là được rồi. Nói chứ cái bàn này cũng còn tốt, gỗ xoan đào này nhập khẩu mà, tốt hơn gỗ thường với lại xài lâu không bị tróc cạnh như mấy loại bàn gỗ ván ép. Thằng Đình còn để đó học mấy năm đại học nữa!

Mẹ tôi luôn là người sính ngoại như vậy, bà luôn cho rằng thứ gì của nước ngoài thì cũng tốt hơn hàng chính chủ nước mình. Mặc dù tôi không hiểu được bà dùng cái lý lẽ gì để giải thích gỗ nhập khẩu từ nước ngoài thì tốt hơn gỗ nội địa, gỗ ở đâu thì chẳng là gỗ? Nhớ lúc trước bà dẫn tôi đi mua bàn học, lựa tới lựa lui nhưng không vừa ý, khi nghe người bán nói cái này là gỗ xoan đào nhập từ Châu Phi thì bà liền trả tiền cái rụp. Về chuyện bà sủng ngoại, người trong nhà ai cũng biết, Bách Tiệp cũng có lần nói với tôi chuyện mẹ từng có ý định sang Mỹ làm việc, nhưng vì chuyện gia đình chồng con nên khiến bà không thể làm theo nguyện vọng từ trước giờ.

Đối với tôi mà nói, sự hi sinh cao thượng đó của mẹ chả có liên quan gì mình. Cho dù bà có đi hay ở, mối quan hệ giữa chúng tôi cũng hoàn nhạt như nước ốc, nếu nói bà luyến tiếc chồng và con trai nên không quyết định đi nước ngoài, đúng hơn nên nói bà sợ mình đi rồi thì gã chồng đẹp trai như tài tử của bà ở nhà sẽ bị "hồ ly bệnh thận" tha đi mất.

Mẹ vào bếp lấy nước cho bác sĩ Vinh với chú "ba gác", hai người họ ngồi ở bậc tam cấp uống nước rồi trò chuyện gì đó vui lắm. Chú "ba gác" phe phẩy dùng cái nón tai bèo quạt quạt đuổi đi cái hơi nóng ban trưa muốn nướng chín người ta, nghe bác sĩ Vinh nhắc về chuyện đại học nên hứng thú lắm, xoay nhìn sang tôi nói:

- Con chú cũng tính vào trường Nhân văn, nếu hai đứa cũng đậu thì sau này nhớ giúp đỡ nhau hen!

Tôi miễn cưỡng gật gật đầu.

Bác sĩ Vinh kinh ngạc.

- Ủa, con anh nó cũng tính vào trường đó hả?

- Ừ, trước giờ nó nói với tui là muốn vào trường đó thôi mà nghe nói trường đó điểm để đậu đó cao lắm, nên thằng nhỏ năm qua quyết tâm dữ lắm! Năm rồi nó được hạng giỏi đấy anh ạ! Haha!

- Ồ!

- Mà Vân Đình cuối năm được loại gì hả con?

Câu hỏi bất chợt làm tôi giật mình, nhưng chưa kịp đáp thì đã nghe mẹ tôi đằng sau vọt miệng:

- Nó lười lắm, không học hành gì cả nên chỉ được loại khá thôi. Nhưng thầy cô trong lớp ai cũng khen nó thông minh, mà nhà tôi ai cũng tin nó đậu đại học được anh ạ, chỉ cần học bài một chút thôi!

Bác sĩ Vinh nửa đùa nửa thật hãnh diện nói:

- Nó mà chịu học thì có khi còn đứng đầu lớp đấy!

- Hahaha, thì hổ phụ sinh hổ tử. Nhớ hồi đó anh với chị lúc nào cũng ở top đầu của lớp, làm đám học sinh đội sổ như bọn tôi ganh tỵ quá chừng!

- Ha...haha...

- Haha...hahaha...



Bác sĩ Vinh cười gượng, mẹ cười gượng, mà tôi nhìn vào ánh mắt thẹn thùng vì vừa nói láo của họ, không thấy có gì đáng cười. Đối với tôi, người mà cả bác sĩ Vinh và mẹ vừa đề cập, thằng con trai được loại khá trong lớp học vì lười học bài, nhưng chỉ cần học sơ sơ cũng đủ đậu đại học, đó không phải là tôi. Tôi chỉ là một thằng nhóc đang mất phương hướng trước cuộc đời mình, cuối năm vừa rồi tuy đã cố gắng nhưng vẫn không thể kéo nổi từ loại trung bình lên khá, và kiến thức chuẩn bị cho đại học của tôi như cái sân banh. Chợt nhận ra vác trên vai kỳ vọng của người khác nó mệt mỏi và nặng nề tới vậy, chuyện đại học đã không còn là chuyện của một mình tôi mà nó còn là chuyện "mặt mũi" của mẹ và bác sĩ Vinh. Hai người họ đều là dân trí thức cao, hồi đi học chắc phải xòe đến ngón chân để đếm học bổng, họ giỏi giang và thông minh nên chẳng có lí lẽ nào bào chữa nếu con trai họ rớt đại học cả. Và vì thế, họ đặt cái niềm tin đếch thể nào tin nổi lên lưng tôi để khi bè bạn hỏi con trai anh chị đậu đại học không thì họ có thể ngẩng cao đầu tự hào nói: "Đậu chứ!"

Tôi thấy mệt mỏi lắm, nhưng cũng phải cố lăn, trườn, bò, lết. Tuần rồi vừa đi đăng ký bên trung tâm luyện thi, lịch học cũng có rồi nên hôm nay định dọn đồ đạc qua bên nhà bỏ trống của bác sĩ Vinh luôn. Đồ đã lên xe hết, chú "ba gác" quay sang hỏi tôi:

- Còn quên đồ gì nữa thì gọi, chú ghé qua đợt sau chở cho con.

Tôi nói:

- Hết rồi, con cảm ơn chú!

- Nghe nói còn cái quạt phun sương nữa mà, ba con nói máy quạt nhà bên kia hỏng rồi chưa sửa, sợ con chịu nóng.

- Thôi, kêu thợ sửa là được rồi. Chịu nóng mấy ngày thôi đâu có sao đâu! Mang thêm đồ lại rườm rà, bao nhiêu đồ đây là nhiều lắm rồi. Ai không biết còn tưởng con ra riêng luôn, haha!

Mẹ đứng cặm cụi cắm hoa, nghe tôi nói thế thì bật cười.

- Thì ra riêng rồi chứ còn gì. Ở một mình có chuyện gì thì cứ gọi cho mẹ hay chú Tiệp liền biết chưa?

- Con biết rồi!

Ba tôi từ ngoài sân đi vào khều vai nói với chú "ba gác":

- Anh cứ theo đường tôi chỉ đi trước, tôi theo sau liền.

- Vậy chào chị tôi đi!

Chú "ba gác" đội cái mũ tai bèo quê mùa của mình lên, ánh mắt hiền khô nhìn mẹ chào, rồi...chú đưa mắt nhìn cái người được ví như không khí đang ngồi trên ghế trước cửa sổ phì phèo thuốc, ý muốn gửi một lời chào nữa nhưng mẹ khẽ giọng nói:

- Anh đi đi! Kệ ảnh!

Chú ba gác đi rồi, Bách Tiệp vẫn ngồi đó hút thuốc, anh thả ánh mắt lơ đễnh của mình đi vô định, không ai biết anh đang nghĩ gì mà lúc nào cũng trầm tư. Suốt buổi trưa, có lúc tôi còn quên mất sự hiện diện của anh, mặc kệ cho mẹ hay bác sĩ Vinh xăng xáo phụ tôi dọn đồ thì anh vẫn ngồi thừ lừ ở đó châm hết điếu thuốc này tới điếu khác, chẳng nói chẳng rằng với ai tiếng nào.

Mặc dù bây giờ anh và bác sĩ Vinh hiếm khi nói chuyện với nhau, nhưng suốt cả buổi anh chỉ ngồi một chỗ ở đó như pho tượng nên cũng khiến ba tôi thấy rõ bất thường, ông nhướn mắt tò mò hỏi mẹ:

- "Đằng ấy"...làm sao thế?

Mẹ khẽ khàng đáp:

- Ảnh không vui vì chuyện thằng Đình ra ở riêng, nói nó còn nhỏ, ngoài đời có nhiều cám dỗ...

Bác sĩ Vinh cười khẩy, giọng mẹ khẽ bao nhiêu, giọng ông to bấy nhiêu như cốt để Bách Tiệp ngồi đó nghe rõ.

- Nhỏ gì mà nhỏ, mười tám tuổi còn gì. Đâu phải cái trứng đâu mà cứ ôm bọc nó hoài, để nó ra đời lăn lộn cho lanh lợi một chút. Với lại anh là cha ruột nó đây còn không lo lắng thái quá...

Tôi nghe được một chút ý khích từ câu nói của ba. Nhưng Bách Tiệp không phản bác gì, anh đưa điếu thuốc lên môi rít một hơi trước khi vùi nó vào đống đầu lọc ngổn ngang trong gạt tàn rồi anh ngẩng nhìn tôi, ánh mắt trống rỗng suốt buổi trưa bấy giờ đã phản chiếu hình ảnh của tôi, nhưng có điều cảm giác thâm trầm thì không hề giảm sút, anh lạnh ngắt nói:

- Để Mỹ Hầu Vương ở nhà.

Tôi không hỏi vì sao anh lại không cho tôi mang con cá cưng của tôi đi, mà nghĩ lại, để nó ở nhà cũng tốt, nó ở với anh có khi còn được ăn uống no say hơn khi ở cùng tôi vì tôi tật tôi hay quên, hôm nào quên mất cho thằng nhỏ ăn thì cũng tội cho nó. Tôi không phản bác ý kiến, đi tới "nựng" Mỹ Hầu Vương một chút, hình như nó biết tôi sắp rời khỏi nhà, cứ thao láo mắt nhìn tôi suốt thôi và còn vẫy vây như đang chúc quyết định sống tự lập của tôi là đúng đắn, tôi không nhịn được mà bật cười, nghĩ khi đi rồi chắc nó nhớ tôi lắm mà tôi cũng vậy.



Mẹ thình lình ghé qua tai tôi xù xì nói nhỏ:

- Tiền tiêu xài này nọ...để vài ngày nữa mẹ khuyên được chú Tiệp rồi mang qua cho con nhé!

Tôi nói:

- Không sao, con tự đi tìm việc gì đó nhẹ nhẹ làm cũng được.

Mẹ định nói gì đó, nhưng bà ngắt ngứ vì bắt thấy ánh mắt lạnh tanh của anh chiếu tới. Vẻ đạm nhiên dịu dàng của con bọ Hercules biến đâu mất, chỉ còn sự lạnh lùng thờ ơ khiến anh trông xa cách vô cùng.

Anh vẫn ngồi ở đó, chớp nhẹ làn mi, thong thả từng chữ một nói:

- Không đưa một xu nào hết! Muốn tự lập thì tự kiếm tiền tiêu xài!

Bác sĩ Vinh nghe vậy, tôi đoán là ông hiểu nhầm ý của Bách Tiệp, ông cho rằng anh không cho tôi ra ngoài sống một mình vì nghĩ tới một khoản chi tiêu mà thay vì ở nhà thì không phải tốn. Ông vọt miệng trịch thượng nói:

- Con trai CỦA TÔI không lẽ một mình tôi không lo nổi cho nó?

Cố ý nhấn mạnh sở hữu "của tôi", bác sĩ Vinh thành công làm cho anh không vui. Đôi mắt anh tối sầm lại, anh không nói gì, nhưng cái cách mà anh nhìn bác sĩ Vinh khiến tôi phải thay cho ông sởn da gà. Tôi hiểu cảm giác đó mà. Một tay anh chăm lo, nâng niu tôi bảy năm, cưng chiều hết cỡ, cưng như một quả trứng mỏng để rồi một ngày quả trứng đó nở ra thành gà, con gà của anh nó sắp rời khỏi vòng tay bao bọc của anh rồi. Cái quan hệ gắn bó giữa tôi và anh dù cho có sâu đậm đến cỡ nào thì cũng không thể xóa đi sự thật rằng tôi và bác sĩ Vinh mới là hai người gắn kết thực sự máu mủ, ông là cha ruột của tôi, là người mà anh mãi mãi không thể thay thế được dù cho anh dùng hết tâm trí mình đặt vào tôi, coi tôi như con ruột.

Bác sĩ Vinh không thèm để ý tới ánh mắt hun hút của anh, ông đi tới cập vai tôi, dịu giọng nói:

- Đi, hai cha con mình đi!

Mẹ hỏi:

- Bây giờ qua Tân Bình luôn hả?

- Ừ, qua mở cửa để anh Ba đem đồ vô nhà nữa chứ. Rồi hai cha con đi qua nhà anh ăn trưa luôn, ăn uống xong rồi chiều chiều qua bên đó sắp xếp đồ. Mà hôm nay em có trực không? Rảnh thì qua phụ thằng Đình một chút, chiều tối anh còn phải tranh thủ tới bệnh viện nữa.

Mẹ tiếc nói:

- Không được rồi, chiều nay em có hẹn với bác sĩ Mai.

Tôi vọt miệng.

- Con có đồ gì nhiều đâu, một mình làm được hết mà, mẹ bận gì thì làm đi không cần giúp.

- Ừ, hôm nào rảnh rảnh mẹ qua thăm con. Ráng học hành nhá!

- Con biết rồi!

Lúc tôi và bác sĩ Vinh bước ra cửa, quay đầu nhìn thấy mẹ đang đứng bên cạnh anh, mẹ vỗ vai trấn an anh như thể đang nói: "Nó là con trai mà, đâu cần lo lắng quá!". Anh vẫn nhìn tôi, nhìn con gà nhỏ anh nuôi trong lòng bấy lâu sắp vẫy cánh mà bay như chim.

Khoảng cách ngày một xa nên tôi cũng không biết trong ánh mắt của anh hiện tại là cảm xúc gì. Tôi ngồi vào xe bác sĩ Vinh, nhìn ngôi nhà gắn bó với mình mấy năm qua mà không nén được ngậm ngùi. Từng khoảnh khắc hiện lên kết thành đoạn phim chân thực kể từ lúc anh vừa mới lấy mẹ, anh dành dụm tiền để mua căn nhà này, anh vui vẻ nói rằng mình muốn có một mái ấm riêng và anh đón mẹ con tôi về đây, chủ nhân của căn là một người vô cùng chu đáo, anh khiến nó luôn đẹp và hoàn hảo như ngày mới bước vào. Mỗi buổi sáng sớm anh hay đứng ngoài sân tưới nước cho đám cỏ nhung, anh còn trồng hoa mười giờ, cỏ xuyến chi, những bông hoa vàng nhỏ bé lấm tấm điểm xuyết trên phông nền xanh ngắt tạo thành một bức tranh thi vị mà anh vẫn hay tự hào kéo tay tôi ra ngắm nhìn. Còn một vườn cây đậu đỏ sau nhà lúc nào cũng được anh chăm tốt vì anh biết rõ tôi mê nhất là món chè đậu đỏ do một tay anh nấu.

Cái tổ ấm này hôm nay tôi trả lại cho mẹ và anh, nhưng đoạn tình cảm này tôi tạm thời không dứt được mà vẫn mang theo bên mình. Tôi cần phải đi để cứu rỗi chính bản thân mình và mối quan hệ này, tôi cần có thời gian để nghiêm túc suy nghĩ nên làm gì tiếp theo. Trước khi đủ chính chắn để tự mình quyết định, tôi không thể tiếp tục ở dưới đôi cánh bảo bọc của anh nữa, tôi không thể dựa dẫm vào anh mãi vì nếu cứ như vậy, mối quan hệ giữa chúng tôi lại rối mù, chẳng đâu vào đâu.