Chín Đợi Mười Chờ

Chương 6: Ra trận đánh giặc


[ Tại An vương phủ]

Trong đêm tối tĩnh mịch, tiếng gõ canh vang lên từng nhịp, đường xá đã dần thưa thớt ánh đèn.

Cảnh Điền đang ngồi xem thư do Mạc lão tướng quân Mạc Đức Bình gửi tới thông báo về tình hình ở biên ải.

Đông quốc đã cử thêm 1 vạn binh mã đến trấn áp, quân ta cử đi lại chỉ có phân nửa. Tình thế cao thấp đã thấy rõ, lão đang dâng xớ lên chúa thượng xin chiêu dụ thêm quân lính đến trợ giúp.

Trong điện Ứng Hòa, Cảnh Đức đang bận rộn phê chuẩn tấu chương, trên người mặc long bào, phong thái uy nghiêm, đĩnh đạc. Anh em nhà vua toàn trai tài tuyệt sắc, so với nhau cũng một chín một mười làm nữ nhi trong thiên hạ phải chao đảo một phen.

Mấy năm nay, việc xung đột ở biên cương đang ngày càng căng thẳng, các quan đại thần cùng nhau dâng sớ xin làm hòa với Đông quốc. Nhưng làm hòa thì cùng với việc phải đánh đổi phần đất Khương Châu – nơi giáp biên giới hai nước.

Muôn đời nay, ông cha ta đã hi sinh thân mình bảo vệ bờ cõi, bảo vệ từng tấc đất nước nhà. Chỉ vì tránh xung đột biên cương mà hiến đất cho giặc, như thế thì hổ hẹn lắm thay.

Cảnh Điền thúc ngựa chạy vào cung gặp vua ngay trong đêm, tình hình biên cương biến loạn, không thể chần chừ. Hắn một thân thường phục màu xanh lam, ánh mắt dưới ngọn nến sáng như sao đêm.

- “Thần tham kiến chúa thượng!” Cảnh Điền bước vào hành lễ.

- “Miễn lễ!” vua khoát tay rồi ban ngồi.

Cảnh Đức gác bút rồi nhấp một ngụm trà, cung nhân biết ý đều lui ra túc trực ngoài cửa.

- “Mấy hôm nay, chính sự nhiễu nhương, các quan lại dâng xớ lên hẳn đệ cũng đã thấy. Họ khuyên ta nên đưa ra quyết định hòa giải, tránh tổn thất nặng nề. Đông quốc buộc nước ta phải cống nạp vùng Khương Châu cho chúng. Vương đệ có kế sách gì không?”

- “Bẩm chúa thượng, thần xin được dẫn quân ra biên ải giúp sức cho các tướng sĩ!” Cảnh Điền đứng dậy chắp tay khẩn cầu.

- “Được, ân chuẩn!” Giọng nói người uy nghiêm vang vọng trong đêm tối.

Tôi tỉnh dậy là lúc nửa đêm, mở đôi mắt kèm nhèm nhìn xung quanh. Ơ thế quái nào tôi đang ngoài đình lại nằm trong phòng thế này? Sờ soạng trên người quần áo còn nguyên, tay vẫn cầm cành sen lúc trưa đã hái. Ai đã mang tôi vô đây?

Tôi ngồi bật dậy, vì động tác quá nhanh khiến đầu óc có hơi say sẩm. Bước ra đình thì chẳng thấy Hữu Thành đâu nữa. Cứ đà ăn nhậu như này thì sớm muộn gì cũng bị tống cổ đuổi ra khỏi phủ.

Rón rén từng bước nhỏ xuống nhà bếp kiếm cơm lót dạ, thấy đồ ăn đã được để phần rất nhiều mà lòng sung sướng. May mắn làm kẻ hầu còn có cơm để ăn qua bữa, chứ làm ăn xin mà tính như tôi thì chỉ có chết đói.

Sáng sớm tinh mơ, tôi chợt nhớ đến lời nói của mình lúc ngồi uống rượu cùng Hữu Thành thì vội vàng sải bước đến phòng Phan Liên. Bà thấy tôi thì vui mừng gọi vào, kéo tay tôi ngồi xuống bên cạnh.

- “Chuyến lên kinh lần này, ta nghe bảo các con gặp nguy hiểm?”

- “Dạ bẩm bà, may nhờ đại công tử chuẩn bị chu toàn nên mọi chuyện được giải quyết ổn thỏa rồi ạ!” Tôi đáp.



Tôi đang đắn đo không biết có nên nói chuyện kia hay không thì ngoài đường đã có tiếng loa vọng vào:

- “Loa loa loa, hiện nay tình hình biên cương cấp bách, chúa thượng hạ chiếu chỉ kêu gọi trai tráng toàn thể các huyện xã cùng tham gia chống giặc ngoại xâm!”

Lệnh vua ban xuống khiến toàn thể người dân đứng ngồi không yên. Trong lúc nước sôi lửa bỏng thì người vui vẻ lúc này là ai? Đương nhiên là Hữu Thành rồi. Hắn đã ấp ủ ý định đầu quân từ rất lâu, nay nhận được lời kêu gọi chiến đấu thì hừng hực khí thế.

Vợ chồng quan huyện biết mình không thể cấm cản được nên đành bất lực đồng ý. Hắn chạy đến trước mặt tôi, vui vẻ nói:

- “Hôm nay cha mẹ đã đồng ý cho ra được ra trận giết giặc. Chắc chắn ta sẽ lập được chiến công trở về làm rạng danh non sông đất nước, sẽ khiến cha mẹ ta nở mày nở mặt với thiên hạ!”

Tôi biết trước kết quả nhưng trong lòng lại không vui. Chinh chiến sa trường là việc vô cùng nguy nan và gian khó. Tuy gặp và nói chuyện với hắn ta không lâu nhưng trong thâm tâm đã mặc định Hữu Thành như người thân của tôi, cả Trần phủ là gia đình thứ 2 của tôi. Thôi thì chỉ cần hắn được bình an, nguyên vẹn trở về mà tôi vui lắm rồi.

[ Năm ngày sau]

Mọi người trong phủ cùng tụ tập đông đủ để tiễn Thành lên kinh. Bà huyện nước mắt đầm đìa, lưu luyến nắm tay hắn căn dặn đôi lời, sau khi nhận lời chúc bình an của chúng tôi thì hắn xoay người gia nhập vào đoàn quân.

Hữu Thành đi được một đoạn, ngoái đầu về phía tôi, muốn nói gì đấy nhưng nhìn sang Hữu Chính đang đứng cạnh thì lại thôi.

Trong cung, Cảnh Điền mặc giáp, khí thế oai hùng. Trước mặt toàn thể bá quan, tay nhận lấy binh phù vua ban hướng toàn binh sĩ hộ to:

- “Nguyện sống chết bảo vệ bình yên bờ cõi nước nhà, đánh tan quân thù, một lòng vì quê hương đất nước!”

Mọi người cùng đồng loạt hô vang một khoảng trời. Ai ai cũng một lòng quyết thắng trở về. Cảnh Đức thấy thế thì hài lòng lắm, hắn rất tin tưởng hoàng đệ sẽ đem về cho hắn một tin vui lớn trong dịp tết này.

Những tháng ngày sau đấy trôi qua vô cùng bình yên, Hạnh không phải hầu sáng nên lúc nào ra khỏi phủ cũng mang về cho tôi nhiều thứ quà bánh.

Hôm nay lại cầm một món ăn được bọc bằng lá chuối, phảng phất mùi thơm ngon lành. Hạnh nói đây là bánh đúc Lạc, làm từ bột gạo. Tôi cắn nhẹ một miếng, cảm nhận được độ béo ngậy cùng tiếng giòn tan từ Lạc. Thế mới biết đồ ăn quê lại phong phú, đặc sắc đến thế.

Gần tới kỳ thi hội nên Hữu Chính ở suốt trong phòng, tôi nhàn rỗi ra hồ hái những búp Sen hôm qua đã chuẩn bị rồi đem vào pha trà.

Phan thị đang ngồi trên sập gỗ khâu áo cho chồng, thấy tôi vào thì buông xuống, đến bàn trà ngồi. Hương Sen tràn ngập khắp phòng, tạo cảm giác dễ chịu, thư thái.

- “Con thấy bà mấy hôm nay mất ngủ nên đem nhị Sen cùng tâm Sen (là cái mầm xanh giữa hạt sen) hãm với trà đến để bà thưởng thức ạ.”

Tôi rót ra ly mời Phan thị uống, bà vui vẻ đón lấy nhấp một ngụm, tấm tắc khen:

- “Thơm quá, đúng là ý hay! Ngày sau cứ pha trà như này đi, ta rất thích!” Sau đấy dặn dò quản sự thêm tiền thưởng cho tôi.

Bà nội của tôi tính cách điềm đạm, được dạy dỗ đàng hoàng trong gia đình nho giáo quyền thế lúc xưa. Bà vẫn giữ được nét đẹp truyền thống, những thú vui tao nhã như ướp trà, cắm hoa, may vá. Mọi thứ đều truyền hết cho tôi, thế nhưng bản thân tôi đây lại chẳng học được nhiều.



Cách bà tôi ướp trà cũng cầu kỳ, trà Sen không phải là đem nhụy phơi khô trộn cùng mà phải lựa được búp Sen loại thơm nhất, đem bỏ một dúm trà nhỏ vào rồi buộc lại để qua một đêm mới hái vào. Nước pha trà phải hứng từ những hạt sương sớm đọng trên lá Sen, như thế mới giữ được hương vị thơm ngon của trà.

Sau đấy cùng Phan thị mang trà qua bên thư phòng của lão gia. Tôi cùng những người khác cùng lui ra đứng ngoài cửa, tôi chợt nhớ ra còn đang ủ riêng cho Hữu Chính một ấm nên nhờ cái Hoa trông giùm rồi về lấy thêm trà mang đi.

Mở cửa thư phòng Hữu Chính ra, hương gỗ Trầm nhè nhẹ phản phất quanh chóp mũi. Hắn đang ngồi đọc sách, mi mắt rũ xuống, nắng rọi qua cửa sổ chiếu vào làm tăng vẻ đẹp trai, tuấn tú. Tôi nhìn đến si ngốc, nước miếng cũng muốn trào ra.

Nghe thấy tiếng động, Hữu Chính ngước lên nhìn. Tôi ngại ngùng, miệng cũng không tự chủ được nói lắp bắp:

- “Công...công tử cứ tiếp tục đi, tôi pha cho người ấm trà rồi sẽ ra ngoài ngay!”

Hữu Chính gập sách lại, đứng dậy đi đến bàn rồi vén gọn tay áo ngồi xuống. Tôi vội vàng tráng ấm rồi đổ trà vào, chẳng biết sao động tác lúc này cứ vụng về.

Hắn xem nàng hầu ngốc bị mình nhìn đến tay chân luống cuống mà phì cười thành tiếng:

- “Ha ha, cứ từ từ mà làm. Ta có ăn tươi nuốt sống ngươi đâu mà sợ!”

- “Dạ tôi vẫn ổn ạ!” Tôi nở một nụ cười công nghiệp rồi xoay mặt che đi sự xấu hổ.

Pha trà xong, chưa kịp để Hữu Chính mở lời thì tôi đã chạy mất dạng. Hắn mỉm cười đầy bất lực, đưa ly trà lên uống. Ừm, mùi trà Sen này rất thơm...

Tôi đưa tay sờ lên khuôn mặt đỏ ửng, tự nhiên xấu hổ vậy làm gì? Mê trai thì ai mà không có? Chắc phải ngắm nhiều trai đẹp thì cái mặt này mới lỳ thêm được.

Những ngày tháng ấy cứ thế trôi qua nhanh chóng, thấm thoát cũng đã nửa năm. Tội dần thấy yêu mến nơi này hơn, mỗi ngày chỉ mong được hít thở bầu không khí trong lành nhiều chút, dù trong lòng cũng nhớ nhà lắm, chẳng biết bà nội và bố mẹ có khỏe không, nếu nhận được tin tôi bỗng dưng biến mất thì sẽ thế nào đây?!

Hôm nay là 30 tết, đây sẽ là lần đầu tiên tôi đón tết ở một nơi xa lạ, chả biết ở đây cách mấy ngàn năm lịch sử nữa. Phong tục đón tết ở đây cũng chả khác gì trong mô tả đón tết cổ truyền ghi trong lịch sử nước nhà. Với tôi, nó tựa như thế giới song song vậy, khoa học chắc cũng không thể giải thích được.

Sau khi phụ trang trí, bày biện đón tết thì chị em chúng tôi được nghỉ sớm. Một đám cùng kéo nhau ra chợ lựa đồ sắm sửa cho riêng mình.

Hoa đào tươi tắn nở rộ hai bên đường, người dân đi lại tấp nập. Đèn lòng đủ màu sắc được treo khắp mọi nẻo đường, ngoài cửa nhà đều dán câu đối đỏ, họ còn chất một đống cũi lớn.

Ông cha ta cho rằng lửa là ngọn nguồn của sự sống. Vì vậy, thời điểm chuyển giao năm cũ và năm mới, ngọn lửa phải được thắp lên ở mọi nhà. Thần lửa sẽ giúp xua đuổi tà khí, mang đến sự ấm cúng cho căn nhà cùng những điều may mắn cho gia đình.

Mỗi lần thấy cái gì đấy mới lạ thì tôi đều hỏi, mà cái Hạnh, cái Hoa lại giải thích rất tận tình, suốt quãng đường đi không hề chê tôi lắm mồm. Chúng tôi đều cười nói hết sức vui vẻ.

Sách túi to, túi nhỏ về đến phòng, thấy bọn anh Thiện đang lúi húi trên cái chõng tre, lại gần mới thấy các anh đang gói bánh chưng. Từng cái bánh được xếp vuông vức, bàn tay họ gói nhanh thoăn thoát, tôi cũng tò mò kê đít xuống học hỏi.

Họ cũng vui vẻ chỉ tôi cách gói bánh, khổ nỗi tôi chưa gói lần nào cả, gói đầu này lại bục đầu kia. Nhìn cái bánh chưng xiêu vẹo trên tay tôi mà cả bọn được trận cười nắc nẻ.

Thì đâu có ai mà hoàn hảo đâu, cũng phải đôi lần sai sót mới thành công được. Nhưng bộ môn này khó quá, tôi không làm được.