Ngày tổ chức lễ hội Thỉnh Thần Kinh Du…
Từ sáng sớm toàn bộ người tại Vạn Thần Đài đã tất bật chuẩn bị, người chuẩn bị ngoại trang cho tượng thần, người chuẩn bị lễ cúng, người trang trí đường phố. Người dân quanh khu vực này đều đổ ra đường, rất nhiều khách vãng lai từ phương xa tới, lượng người đổ ra đường đông như kiến.
Đường phố được trang trí bằng vô số dây vải bắt mắt đủ màu sắc.
Tại Vạn Thần Đài, vô số tượng thần con rối được xếp ngay ngắn từ trong ra ngoài theo đúng thứ bậc của các vị thần, ở trên cao nhất là thiên đế và thiên hậu.
Trưởng linh tế cho người khiêng một thứ được phủ kín vải đỏ vào bên trong, không ngần ngại đặt lên phần cao hơn cả thiên đế và thiên hậu khiến ai cũng thắc mắc kinh ngạc nói ông điên rồi.
Thế nhưng trưởng linh tế không hề sợ hãi, ông thắp hương rồi lật tấm vải che ra.
Tượng con rối tinh xảo xuất hiện trước mắt mọi người, tóc đen dài được vấn lên gọn gàng, bạch y thêu hoa văn hoa sen đen tinh xảo, khuôn mặt được tạc một cách tỉ mỉ tuấn mỹ, nhất là đôi mắt trông rất có thần, giống như một người sống thật sự vậy.
So với những tượng thần khác trông có vẻ hơi cứng nhắc và bóng bẩy thì tượng thần này chính là cực phẩm, không khỏi khiến bất kỳ ai xem qua cũng bị thu hút khó rời mắt.
Trưởng linh tế và những linh tế khác bắt đầu công việc thỉnh thần. Lễ Thỉnh Thần Kinh Du gồm hai phần chính, thứ nhất chính là Thỉnh Thần.
Trước khi lễ hội tổ chức một tháng các linh tế sẽ làm lễ thỉnh một lần, những vị nào đã đồng ý hạ trần tham gia thì nhất định sẽ tới, và có những vị sẽ không đồng ý. Vào ngày tổ chức lễ, các linh tế sẽ lại lần nữa thỉnh thần, thứ nhất để mời những vị đã đồng ý trước đó hạ trần nhập tượng, hai là để thỉnh lại những vị đã không đồng ý xem liệu ngài có đổi ý hay không.
Sau khi thỉnh thần xong, các vị thần tiên sẽ nhập vào tượng của mình, tượng sẽ tự cử động và bước đi trên đường, các ngài sẽ đi khắp nơi quan sát thế gian và ban phước tới cho những người dân, một số vị sẽ yêu cầu phải có kiệu khiêng.
Tử Vu lẫn trong nhóm người dân tới xem lễ thỉnh thần, y đảo mắt nhìn quanh tìm thân ảnh mà y muốn tìm.
Phác Bửu thần tướng, một trong ngũ đại thần tướng trên thiên đình.
Kể từ khi phi thăng chưa năm nào linh tế thỉnh được vị này xuống trần, nghe nói ngài bận rộn canh giữ bảo vệ thiên đình, khó thể xuống trần dạo chơi, thế nhưng năm nay lại bất ngờ đồng ý xuống trần tham gia lễ hội cho nên rất nhiều người tò mò lí do vì sao.
Lạc Tư Thần đi dạo dưới phố, y ngồi ở một quầy mì, vừa ăn vừa nhìn người dân bận rộn chuẩn bị lễ cúng trước cửa, lại treo đủ các màu dây vải, khi gió thổi lên tạo thành khung cảnh đẹp vô cùng.
Huyền Tề thích thú vô cùng, chạy quanh quanh ngắm đủ thứ được bày bên đường, nó rất ít khi được đi chơi ở nhân gian thoải mái như vậy.
Canh dần, nghi lễ thỉnh thần bắt đầu.
Các linh tế quỳ xuống làm lễ từ ngoài vào trong, thì các vị cấp thấp nhất trước. Mỗi khi làm xong một lần bái tế, tượng rối của vị thần đó được thần nhập vào đứng dậy đi ra bên ngoài, người dân ngay ngắn xếp sang hai bên nhường đường cho chúng thần linh hạ phàm.
Tới canh Mão thì bắt đầu bái tới các vị thần tướng thần quan.
Trong số các vị thần quan thần tướng, có hai vị là anh em ruột đều phi thăng, vị ca ca là thần quan, còn đệ đệ trở thành thần tướng, quan hệ vô cùng tốt.
Tới Phác Bửu thần tướng thì nhiều người còn tò mò thò đầu vào trong đài nhìn xem. Tử Vu ẩn thân đi vào bên trong đứng ngay trước tượng rối nhìn lên, chờ khoảnh khắc người kia nhập vào tượng. y muốn khi hắn mở mắt ra người nhìn thấy đầu tiên phải là y.
Sau rồi chuông kêu lên, linh tế đứng lên, tượng rối hơi rung lên sau đó từ từ đứng thẳng lên, hai mắt mở ra.
Tượng rối là vật vô tri nhưng mỗi khi thần nhập vào đều trông vô cùng có thần thái như người thật, rõ ràng mặt rối không thể thay đổi biểu cảm nhưng rõ ràng ai cũng cảm thấy nét nghiêm lệ trên tượng rối khác hẳn với ban đầu.
Tử Vu hai mắt đỏ lên, miệng lẩm bẩm gọi “ Lư Bác“.
Tượng rối của Phác Bửu thần tướng đứng dậy đi ra bên ngoài, nhận được sự quỳ bái tôn sùng của muôn dân.
Tử Vu theo sát ở phía sau lẫn vào dòng người, y hóa giải ẩn thân, cố đuổi theo tượng rối “ Lư Bác, chàng còn nhớ ta không? Lư Bác“.
Giọng nói của Tử Vu khó địch lại với tiếng trống kèn vang dội và tiếng hô hò quỳ bái của người dân dọc khắp con đường, thậm chí y còn bị dòng người đẩy ngã về phía sau.
Lúc này dòng người đột nhiên dừng lại, bởi vì Phác Bửu thần tướng cũng dừng lại, tượng rối từ từ quay người lại nhìn quanh, khi nhìn thấy một thân ảnh ngã ở phía sau dòng người, y bĩnh tĩnh từng bước tiến tới, dòng người phải tách ra hai bên nhường đường cho y.
Tử Vu nhoài người dậy, đập vào mắt là tượng rối của Phác Bửu thần tướng ngay sát, ngài đưa tay ra đỡ y dậy.
Mặc dù là cầm vào bàn tay của tượng rối nhưng Tử Vu như cảm nhận được hơi ấm của người đó “ Lư Bác, ta nhớ chàng, tại sao bây giờ huynh mới chịu xuống gặp ta“.
Tử Vu nói rất nhỏ, chỉ đủ cho hai người nghe thấy, tượng rối đỡ y dậy xong lại quay lưng rời đi, người dân cũng tiếp tục theo sau thần linh bái lạy cầu bình an.